Động Đình Hồ Ngoại Sử
Chương 5: Thục đạo chí nan nan thượng thanh thiên

Đào Kỳ thấy giữa Trần Quốc, Vương Phúc nảy nở những đóa hoa tình. Chàng
nghĩ đến chuyện tác thành cho hai người. Một bên là cô em gái thông
minh, tài trí, tính tình ngổ nghịch, mà chí muốn ôm hoàn vũ vào lòng.
Một bên là nghĩa đệ sinh ra trong hoàn cảnh éo le, mồ côi cha mẹ, không
ưa Hán mà phải đầu Hán, chẳng qua mượn Hán trả thù nhà. Chàng kinh
nghiệm qua vụ Nghiêm Sơn và Thiều-Hoa. Hai người có tình ý với nhau,
chàng chỉ cần mở một lối, thì tình ý họ sẽ phát triển mau hơn. Nghĩ được một kế chàng cầm lệnh bài nói :

– Ta có việc phải làm. Ta cần một người tài trí, thông thạo đường đất
Ích-châu. Lại cần một người bơi lội giỏi. Vì vậy Vương hiền đệ và sư
muội Giao-long nữ hãy giúp ta. Hai em phải hành sự thực bí mật mới được, lộ ra thì mất mạng như chơi.

Trần Quốc là cô gái thông minh tuyệt đỉnh, nàng ở bên cạnh Đào Kỳ lâu,
gì mà nàng không hiểu ý ông anh. Nàng cúi đầu e thẹn. Còn Vương Phúc thì không hiểu ý Đào Kỳ, chàng nói :

– Tiểu đệ xin chờ lệnh đại ca.

Đào Kỳ chỉ lên bản đồ nói :

– Vương đệ cùng Trần sư muội dùng thuyền đi về phía Giang-an, dò thám
tin tức đạo quân vượt Kim-sơn của ta đánh đến đâu rồi? Nhất thiết mọi
chuyện, hiền-đệ được thay ta hành sự. Trần muội phải nghe theo lệnh của
Vương hiền-đệ.

Nam-hải nữ hiệp liếc mắt một cái, đã hiểu được thâm ý Đào Kỳ, bà nói :

– Giao-long nữ! Con là đệ tử của đệ thất Thái-bảo Sài-sơn. Trận Độ-khẩu
vừa qua, con làm rạng danh sư phụ. Đại sư-bá khen con đó. Bây giờ con
hãy đi cùng Vương sư huynh, nhớ ít đùa nghịch, chín chắn hơn một chút.

Sáng hôm sau Vương Phúc, Trần Quốc từ tạ Nam-hải nữ hiệp, Đào Kỳ lên
đường. Hoàng Thiều-Hoa gọi Trần Quốc lại bên cạnh nắm tay nói :

– Việt cũng thế, Hán cũng vậy, ai tốt thì là bạn ta, ai xấu là kẻ thù
của ta. Em đi cùng Vương Phúc nên gắng học hỏi những kinh nghiệm về võ
học, hành binh của Thục, sau này còn dùng đến.

Nàng lấy chuỗi ngọc trai đeo trên cổ, quàng vào cổ Trần Quốc, lại lấy
chiếc vòng hồng ngọc trên tay đeo vào tay Quốc, rồi tát yêu một cái :

– Chúc em lên đường thành công. Sau khi hoàn tất, sư tỷ hy vọng được nghe em hát bản Đào yêu.

Trong các anh hùng thời Lĩnh-nam, chính sử cũng như huyền sử đều chép
rằng Thiều-Hoa là người nhu mì nhất, tình tình rộng rãi, thương yêu sư
đệ, sư muội như con đẻ. Điều này đã đúng với Đào Kỳ. Nàng hơn Đào Kỳ có
năm tuổi. Khi Đào hầu nhà tan, cửa nát không biết sống chết ra sao. Nàng trông coi Đào Kỳ như mẹ trông coi con. Vì vậy suốt cuộc đời Đào Kỳ,
chàng chỉ nghe lời có mấy người. Đứng đầu là cha mẹ, sau đó đến
Thiều-Hoa.

Trời sinh ra phụ nữ có tính nhu thuận, lấy đức dạy dỗ trẻ con. Họ được
đứa trẻ dành cho tình thương đằm thắm. Trần Quốc là đứa trẻ mồ côi, Trần Quốc-Hương mang về nuôi nấng, dạy dỗ. Chính lòng yêu thương quảng đại
của ông làm cho Trần Quốc kính yêu ông vô bờ bến. Từ hôm nàng theo quân
đến giờ, bên cạnh có sư bá Nam-hải. Nhưng bà uy nghiêm quá, nàng thấy
thiếu thân mật. Còn Hoàng Thiều-Hoa, lúc nào cũng ôn nhu đằm thắm với
nàng. Bây giờ Thiều-Hoa lại lấy ngọc đeo trên người tặng cho. Cảm động
quá, không biết nói sao, nàng ôm chặt lấy Thiều-Hoa, rơm rớm nước mắt.
Hai chị em ôm nhau một lúc rồi nàng buông ra nói :

– Em sẽ nhớ lời sư tỷ mãi mãi.

Hai người chuẩn bị hành trang. Hôm sau lên đường. Trên đường đi nàng hỏi Vương Phúc :

– Vương đại-ca, tôi nghe đại-ca văn võ toàn tài, muốn thỉnh thị đại-ca một việc được không ?

Vương Phúc cảm động nói :

– Xin cô nương cứ nói, tôi sẵn sàng.

– Khi tặng ngọc cho tôi, sư tỷ Thiều-Hoa nói chờ tôi trở về hát bản Đào
yêu. Tôi không biết bản này, gặng hỏi ngọn gốc bản nhạc, thì đại sư-bá
dạy rằng, trên đường đi hỏi đại-ca. Vậy Đào yêu là gì ? Là Yêu hoa Đào
hay Con yêu tinh họ Đào ? Hay Cây Đào thành yêu ?

Vương Phúc cười :

– Không phải đâu! Đào là cây Đào, Yêu là tốt tươi. Đào yêu là bài thơ
trữ tình trong thiên Quốc-phong, Kinh-thi. Bài thơ ca tụng đức độ của
người con gái, khi về nhà chồng biết thích nghi, hòa hợp với gia đình
nhà chồng.

– Bài thơ đó như thế nào ? Xin đại-ca giảng cho tôi nghe.

Vương Phúc đọc:

Đào chi yêu yêu,

Chước chước kỳ hoa,

Chi tử vu quy,

Nghi kỳ thất gia.

Đoạn này ý nói có cây hoa Đào tươi tốt. Có người con gái đi lấy chồng,
đối đãi hòa thuận với gia đình nhà chồng. Bài thơ rất phổ thông, vì vậy
sau này, khi chúc tụng một cô gái đi lấy chồng, người ta thường đề trên
lụa mấy chữ:

Chi tử vu quy.

Hoặc

Nghi gia, nghi thất.

Vừa khen đức độ cô gái, vừa chúc may cho cô. Lối viết chữ trên lụa chúc
con gái đi lấy chồng, ý tứ rút trong Kinh-thi. Nó vừa có tính chất bình
dân, vừa có tính chất bác học cổ truyền.

Trần Quốc vẫn chưa hiểu, hỏi:

– Bài thơ có bốn câu thôi ư?

– Còn chứ, tất cả là 12 câu. Tám câu sau là:

Đào chi yêu yêu,

Hữu phần kỳ thực,

Chi tử vu quy,

Nghi kỳ gia thất.

Đào chi yêu yêu,

Kỳ điệp chăn chăn,

Chi tử vu quy,

Nghi kỳ gia nhân.

Nghĩa là cây đào tươi tốt, đầy trái mũm mĩm. Người con gái nhà kia đi
lấy chồng. Đoạn dưới nói : Cây đào tươi tốt trái cây thơm ngon. Người
con gái đi lấy chồng, hòa thuận với cả gia đình nhà chồng.

Ghi chú

Bản dịch của Kim Y Phạm Lệ Oanh:

Cây đào non mơn mởn,

Rực rỡ muôn đóa hoa.

Thiếu nữ vui duyên mới,

Êm hòa đạo thất gia.

Cây đào non mơn, mởn,

Quả núc nỉu đầy cành.

Cô kia vừa xuất các,

Cầm sắt vui duyên lành.

Cây đào non mơn mởn,

Lá óng mượt xanh tươi.

Cô kia về nhà mới,

Gia đình thêm đông vui.

(Thi Kinh Quốc Phong, bản dịch của Kim Y Phạm Lệ Oanh, thủ bút của Trương Cam Khải, Cành-Nam, Hoa-kỳ xb Q1,trg 19-21)

Bây giờ Trần Quốc mới hiểu ý Hoàng Thiều-Hoa, nàng liếc nhìn Vương Phúc mặt đỏ lên. Để đánh trống lảng, nàng hỏi :

– Vương đại-ca có bản nhạc này không ?

Vương Phúc đáp :

– Có chứ. Bản nhạc thường dùng để tấu khi đưa cô dâu về nhà chồng.

Chàng mở bọc, lấy khúc nhạc hai tay đưa cho Trần Quốc. Trần Quốc liếc qua, rồi cầm cây đàn bầu bên cạnh dạo lên, cất tiếng hát.

Vương Phúc lấy ống tiêu trong bọc ra, để lên môi, hòa tấu. Một người là
danh gia đệ tử của môn phái có hàng nghìn năm kinh nghiệm âm nhạc. Một
người là đấng tài hoa đất Thục. Tiếng tiêu, tiếng đàn bầu hòa lẫn với
tiếng hát Trần Quốc. Tài ở chỗ là ngựa vẫn vỗ vó dòn dã trên đường, mà
tiếng đàn, tiếng tiêu, tiếng ca không bị ngắt quãng. Ca hết Trần Quốc
nói :

– Khúc nhạc này âm điệu vui quá nhỉ?

Hai người phi ngựa đi Mỹ-cơ. Thái-thú Mỹ-cơ tên Trần Ngọc-Thái, trước y
là tướng dưới quyền Vương Phúc, mới được Vương Phúc tiến cử với Đào Kỳ. Y ra ngoài thành đón tiếp :

– Không biết đại-nhân với cô nương đến có chuyện gì dạy bảo không ?

Vương Phúc nói :

– Tôi cần một con thuyền buôn thực lớn, ngày mai dùng đường thủy, nhập Kim-sa giang, theo Kim-sa giang đến Giang-an.

Trần Ngọc-Thái nói nhỏ :

– Tiểu nhân nghe tin hôm qua có trận đánh ở Giang-an. Thành Giang-an bị
một đạo quân từ trên núi đổ xuống đánh úp. Thái-thú bị bắt phải đầu
hàng. Nghe nói ở Long-xương, Trấn-đông đại tướng-quân của Thục tử trận,
thành cũng mất rồi, không rõ đạo quân nào ? Từ đâu tới ?

Trần Quốc nghe nói mừng khôn tả, nghĩ thầm :

– Hai ông cụ Triệu Anh-Vũ và Đinh Công-Thắng quả thực là thần nhân. Núi Kim-sơn cao, hiểm trở là thế mà vượt qua được.

Trần Ngọc-Thái là người lớn tuổi, liếc qua y cũng biết tình ý giữa Vương Phúc với Trần Quốc. Y nghĩ thầm :

– Vương đại-nhân là trang thiếu niên anh tài, còn nàng là gái Việt đẹp như tiên nữ, họ có tình ý với nhau là sự thường.

Y lấy một thương thuyền lớn, cho binh sĩ giả làm thủy thủ đi theo Vương
Phúc. Để hóa trang, y cho chất lên thuyền nhiều sản phẩm địa phương như : Quế-chi, Mộc-nhĩ, nấm hương, xương hổ, da thú. Y hóa trang cho Vương
Phúc thành một lái buôn. Còn Trần Quốc thì hóa trang thành một tiểu thư
khuê các.

Thuyền tới Kim-sa giang thì không cần chèo nữa, cứ việc buông mái chèo
cho thuyền xuôi về phía Đông. Giao-long nữ ưa đùa cợt, bây giờ ngồi một
mình trước Vương Phúc, sinh ra e ngại không nói nên lời.

Vương Phúc là người tinh tế, chàng lấy sách ra, giảng cho nàng về phương pháp đóng chiến thuyền của Trung-nguyên, cùng những phương pháp tác

chiến dưới nước. Quả nhiên vì thế mà hai người bớt ngượng ngùng.

Hai ngày sau, thuyền tới trấn Bá-dương. Vương Phúc cho thuyền ghé vào
bến. Trấn này nằm trên ngã tư, nơi hội tụ của các dòng sông Kim-sa
giang, Trường-giang, Hoành-giang và Dân-giang, rất phồn thịnh. Dân cư
đông đúc, thuyền bè đậu san sát trên bến. Trong trấn không thấy có binh
lính kiểm soát.

Vương Phúc dẫn Trần Quốc lên bờ dạo chơi. Hai người đi khắp trấn, rồi
vào tửu lâu kiếm bàn ngồi. Đối với món ăn Trung-nguyên, Trần Quốc mù
tịt, nàng để cho Vương Phúc tùy ý gọi gì thì gọi. Hai người ngồi ăn được một lát, có ca kỹ tới. Ca nhi là một thiếu nữ xinh đẹp, dáng người
thanh nhã, da trắng hồng, đôi mắt đen to. Tuổi nàng khoảng 17-18. Cạnh
nàng là một nhạc công tuổi khoảng 50. Tay lão cầm lấy ống tiêu bằng trúc dài, màu xanh óng ánh như ngọc.

Thiếu nữ tới trước bàn chắp tay nói :

– Công-tử, tiểu-thư có nghe hát không ? Tiểu nữ xin tấu một vài bản hầu nhị vị.

Trần Quốc là đệ tử phái Sài-sơn, nàng rất thích âm nhạc. Nghe nói tấu
nhạc là nàng động lòng rồi. Nàng nhìn Vương Phúc như có ý bảo đồng ý.

Vương Phúc hỏi lão già :

– Tiên sinh lấy mỗi khúc bao nhiêu tiền ?

Lão già nói :

– Cả hát, cả tấu nhạc, xin công-tử cho một chỉ bạc.

Trần Quốc cố uốn giọng giống tiếng Thục:

– Tôi xin tạ tiên sinh và cô nương năm chỉ một bản.

Thời bấy giờ hát và tấu một khúc nhạc mà trả một chỉ tức là thượng hạng
rồi, thế mà Trần Quốc trả những năm chỉ, lão già mừng quá:

– Đa tạ tiểu thư rộng lượng. Không biết tiểu thư muốn tấu khúc gì đây?

Trần Quốc đáp:

– Xưa Tư-mã Tương-Như tấu nhạc cho Trác Văn-Quân nghe, khúc đó là Phượng cầu kỳ hoàng, vậy tiên sinh có biết không?

Lão ông thoáng một nét khâm phục:

– Tiểu nhân biết, xin hầu công tử và tiểu thư.

Ông lão lấy ống tiêu thổi. Người thiếu nữ ngồi xếp chân đánh đàn tranh.
Tiếng tiêu, tiếng đàn văng vẳng trong không gian. Mây trời như ngừng
trôi, hồn người như chìm đắm trong lời ca trữ tình của Tư-mã Tương-Như
gửi cho Trác Văn-Quân:

Phượng hề! Phượng hề! Quy cố hương,

Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng,

Hữu nhất diễm nữ tại thử đường,

Thất nhĩ nhân hà độc ngã trường?

Hà do giao tiếp, vi uyên ương.

Trần Quốc tuy giỏi âm nhạc. Nàng nghe sư phụ nói về khúc hát lãng mạn
này, mà chưa biết nội dung ra sao, lại càng không biết xuất xứ của nó.
Nàng hỏi Vương Phúc, chàng giảng:

– Tư-mã Tương-Như là một đại văn nhân, một đại nhạc-gia thời Tây-Hán.
Ông là người đất Thục. Thuở nhỏ học võ không thành, sau bỏ học văn. Một
ngày kia ông rời Thục vào Trung-nguyên cầu danh. Khi xe đi qua cây cầu,
ông nói:

– Nếu không cỡi xe bốn ngựa, thì không về qua cầu này.

Ông phiêu bạt khắp nơi không được trọng dụng. Một ngày kia, một trong
những người phục tài âm nhạc của ông có Trác công đặt tiệc mời ông. Sau
tiệc Trác công muốn thưởng thức tài nghệ của ông, ông từ chối. Song liếc mắt, thấy một thiếu nữ kiều diễm tuổi khoảng 17-18 ngồi sau màn, ông
đồng ý. Vì theo ông, không thể vì một bữa tiệc mà bắt ông tấu nhạc. Ông
tấu nhạc đây chỉ là tấu cho giai nhân nghe mà thôi. Ông vừa tấu nhạc vừa ca bản Phượng cầu kỳ hoàng, nghĩa là chim Phượng đi tìm chim Hoàng.

Trần Quốc thấy câu chuyện diễm tình hỏi:

– Ý nghĩa câu hát ấy thế nào, tôi không hiểu rõ nghĩa cho lắm.

Vương Phúc giảng:

– Năm câu thơ trên nghĩa là:

Chim phượng ơi! Chim phượng ơi! Về quê hương cũ đi,

Người đã đi khắp bốn bể để tìm con chim hoàng,

Mà nay gặp gỡ được người thiếu nữ diễm kiều tại đây,

Ngôi nhà này làm ta đau đớn đứt ruột được,

Làm sao để được tiếp xúc với nàng để thành uyên ương?

Cô gái lại cất tiếng hát đoạn sau:

Phượng hề! Phượng hề! Tùng hoàng tê,

Đắc thác tửø vỹ vĩnh vi phi,

Giao tình thông thể tất hòa hài,

Trung dạ tương phùng biệt hữu thùy?

Vương Phúc lại giảng:

– Bốn câu sau nghĩa là:

Chim phượng ơi! Chim phượng ơi, theo chim hoàng tìm chỗ đậu,

Như vậy người đã được đuôi chim hoàng, được nàng làm vợ,

Từ nay hai người hai mà là một, hòa vui với nhau,

Giữa đêm nay chúng ta sẽ gặp nhau được chăng?

Người con gái xinh đẹp núp sau màn cửa đó là Trác Văn-Quân, nhan sắc tuyệt vời. Đêm đó nàng bỏ nhà, trốn theo Tư-mã Tương-Như.

Trần Quốc hỏi:

– Sau hai người có ở đời với nhau không ?

– Có ! Trác-công thấy con gái bỏ nhà theo trai, giận lắm, không thèm
nhìn mặt. Nàng bán áo hồ-cừu lấy tiền mở quán cơm. Nàng nấu bếp,
Tương-Như rửa bát. Trác-công thấy vậy xấu hổ quá gọi nàng về chia cho
100 người hầu, vàng bạc mấy trăm cân. Bấy giờ hoàng-hậu của vua Vũ-đế
nhà Hán bị vua lãng quên. Bà mời Tư-mã Tương-Như vào cung đãi trà.
Tương-Như cảm động làm bài phú diễn tả nỗi cô đơn của bà. Một ngày kia
vua Vũ-đế ngồi ngắm trăng với phi tần, chợt nghe một Thái-giám ngâm bài
phú của Tương-Như. Nhà vua rung động tâm can, than rằng :

– Tiếc thay tác giả bài phú đã qua đời! Ta không được gặp.

Thái-giám tâu rằng bài phú đó do Tư-mã Tương-Như sáng tác cho hoàng-hậu. Vũ-đế mời Tương-Như yết kiến, phong cho chức Đại-phu.Vũ-Đế lại sủng ái
hoàng-hậu như xưa. Bấy giờ giặc Hung-nô phía Bắc thường xâm phạm
Trung-nguyên. Vua Vũ-đế sai Tương-Như đi thuyết phục chúng. Tương-Như
một xe, một đàn lên sa mạc tấu cho dân chúng Hung-Nô nghe. Vua Hung-Nô
mời ông vào cung tấu nhạc. Ông nhân đó khuyên Hung-Nô bãi binh. Vua
Hung-Nô vì thương tài Tương-Như, bãi binh, thần phục Vũ-đế. Vũ-đế phong
cho Tương-Như tước hầu, ban áo gấm cho về Thục. Tương-Như nhờ vậy nổi
danh khắp nơi. Tương-Như gặp một giai nhân trẻ. Ông định bỏ Trác
Văn-Quân. Văn-Quân hát lại bài Phượng cầu kỳ hoàng. Tương-Như xúc động
không bỏ vợ nữa. Hai người sống bên nhau cho đến chết (2).

Ghi chú

(2) Khúc Phượng cầu kỳ hoàng nghĩa là chim phượng tìm chim hoàng. Phượng là chim trống. Hoàng là chim mái. Khúc này rất nổi tiếng được lưu
truyền rộng trong văn học sử và Âm nhạc sử của Trung-quốc. Trong Kiều,
đoạn tả Kiều đánh đàn cho Kim-Trọng nghe, có nhắc tới :

Khúc đâu Tư-mã Phượng cầu,

Nghe ra như oán như sầu phải chăng?

Giai thoại về văn chương âm nhạc có thế. Sau này người ta lãng mạn hóa
đi thành tiểu thuyết. Đoạn trên đây, chúng tôi thuật theo bộ chính sử Sử ký Tư-mã Thiên, quyển 117, từ trang 2999 đến trang 3074. Do Trung-hoa
thư cục, Hương-cảng xuất bản.

Tư Mã Thiên với Tư Mã Tương Như là người sống gần như đồng thời với
nhau. Tư Mã Tương Như tự là Trường Khanh. Tư Mã Thiên tự là Tử Trường.
Tử Trường thuật chuyện các vua chúa, danh nhân rất ngắn. Thường chỉ
trong vòng 20 đến 50 trang. Khi ông thuật đến Tư Mã Tương Như, bút pháp
của ông tươi sáng, sống động vô cùng. Ông để ra đến 75 trang (nếu dịch
ra Việt ngữ ít ra là 250 trang), thuật về Trường Khanh.

Song các Nho gia đời sau thường không ưa Tương Như, vì việc Trác Văn Quân bỏ nhà theo trai.

Khúc hát hết mà Trần Quốc vẫn còn ngây ngất, vì bài hát có xuất xứ diễm
tình. Nàng móc túi lấy ra nén bạc đáng giá năm lượng, hai tay đưa cho
lão ông:

– Tiếng rằng mỗi khúc một chỉ. Nhưng tiếng tiêu của tiên sinh không thua gì Tiêu Sử. Tiếng hát và tiếng đàn của cô nương nào có kém gì Lộng Ngọc ngày xưa đâu? Một chỉ đâu xứng đáng với tay tiên. Tôi xin kính cẩn dâng 5 lượng, gọi là duyên may gặp gở.

Người ca kỹ tuyệt không ngờ cô tiểu thư này rộng rãi và lịch sự đến thế. Nàng cầm lấy nén bạc hỏi:

– Chẳng hay tiểu thư muốn tấu khúc nhạc nào nữa không?

Trần Quốc nói:

– Đời vua Văn-đế nhà Hán, có người cung nữ tên là Vương Chiêu-Quân gả
cho rợ Hồ. Trên đường cống Hồ nàng khóc lóc thảm thiết, nhớ lại ân sủng
của quân vương, nàng làm khúc Chiêu Quân tình khúc, hay còn gọi là Chiêu Quân quá quan. Tiên sinh và cô nương có biết không ? (3)

Chú giải

(3)Chiêu Quân quá quan tên khúc nhạc không biết tác giả là ai. Nguyên
đời Văn-Đế nhà Hán (179-157 trước Tây lịch) đem một cung nữ tên Vương
Chiêu-Quân gả cho vua Hung Nô. Nhân đó người đời sau lãng mạn hóa đi,
trở thành thiên tình sử. Từ đó người ta sáng tác ra khúc nhạc Chiêu Quân quá quan, nghĩa là nàng Chiêu Quân qua quan ải đến vùng Hung Nô. Khúc
nhạc âm điệu rất sầu thảm. Trong Kiều, Nguyễn Du tả tiếng đàn Thúy Kiều
tấu cho Kim Trọng nghe, có nói đến :

Quá quan này khúc Chiêu Quân,

Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia.

Thiếu nữ chắp tay đáp :

– Tiện nữ xin tấu để công-tử và tiểu-thư nghe. Từ ngày ra đời kiếm ăn
đến giờ, đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp tiểu thư hiểu được tiếng đàn.

Nói rồi lão già thổi tiêu, thiếu nữ vừa ca, vừa đánh đàn. Tiếng hát lẫn
tiếng nhạc, ai oán não nùng như tiếng Chiêu Quân thương khóc khi phải từ giã vua về đất Hồ. Khúc hát hết, Trần Quốc lại lấy ra nén vàng năm
lượng ra tặng cho thiếu nữ. Nàng nói :

– Đa tạ tiên sinh cho chúng tôi được nghe tiếng tiêu thần và giọng oanh
vàng. Không biết trên thế gian này, có mấy ai có được tài thần như tiên
sinh và cô nương.

Lão ông cảm động nói :

– Kể từ tiểu nhân ra giang hồ kiếm ăn, đây là lần đầu tiên gặp tri âm. Để tiểu nhân dạo một vài khúc mong cô nương chỉ giáo.

Lão ông mặt nhìn trời xa xa :

– Lão mới sáng tác một vài khúc, mong tiểu thư phẩm bình.

Nói rồi ông cầm tiêu thổi. Tiếng tiêu cao vút lên tận mây xanh, khiến
mọi người ngồi đó đều ngây ngất thổn thức trong lòng. Dứt khúc nhạc,
Trần Quốc nói :

– Tiếng tiêu khi trầm, khi cao vút, điệu nhạc khi dài như tiếng đau
thương của cha mất con, khi ngân như tiếng nức nở của đứa trẻ mất mẹ.
Khi ngậm ngùi như vợ chồng xa cách. Khi phẫn hận như anh hùng thất thế.
Thưa tiên sinh, đó có phải là tâm sự của tiên sinh không ?

Lão ông đứng chắp tay hướng Trần Quốc vái một vái :

– Quả đúng vậy đây là khúc Trường-giang huyết lệ vậy. Nguyên lão có
người vợ làm ca kỹ, bị người ta bắt mất, nay không rõ ở đâu. Hai cha con đi hát sống qua ngày, hy vọng tìm lại được. Vì vậy lão đặt khúc nhạc để tiêu sầu.

Trần Quốc thắc mắc :

– Nếu tiên sinh cho rằng chúng tôi là tri kỷ, có thể tỏ cho biết tâm sự
hay không ? Biết đâu chúng tôi có thể giúp tiên sinh tìm lại phu nhân ?

Thiếu nữ gật đầu :

– Đã vậy xin phiền lòng tri âm.

Nàng đứng dậy. Trần Quốc trả tiền nhà hàng, cùng Vương Phúc dẫn cha con
người ca kỹ theo. Trần Quốc chú ý thấy bước đi của lão già rất vững, gót chân lại hồng mịn, chứng tỏ lão chưa già lắm. Nàng nhìn cổ tay, thấy da chưa nhăn. Nàng chửi thầm :

– Mình chết thực! Thì ra lão cải trang.

Xuống tới thuyền Trần Quốc lấy một cái khăn ướt đưa cho lão già :

– Tiên sinh đã là tri âm, sao còn giấu tướng mạo nhau làm chi ?

Lão già biết rằng mình cải trang đã bị lộ, vội cầm khăn lau, lập tức hiện ra một khuôn mặt trẻ trên 40, rất hùng vĩ.

Lão già nhìn Trần Quốc cười :

– Cô nương dường như người đất Lĩnh-nam thì phải ? Từ Lĩnh-nam đến đây
đường xa vạn dặm, chắc phải có lý do quan trọng lắm mới khiến gót ngọc
vào đất Ích-châu này ?

Vương Phúc biết lão già không vừa, vội đáp :

– Cô nương này từ Lĩnh-nam đến vùng Kinh-châu học âm nhạc, cô là bạn của em gái tôi, nên cùng đáp thuyền đi cho biết Trường-giang muôn vẻ.

Trần Quốc móc trong túi bản Truyện tình Khương-Thị, nói :

– Tôi mới mua được một bản nhạc phiền tiên sinh với cô nương tấu cho tôi nghe được chăng ?

Lão già cầm bản nhạc liếc qua rồi nói :

– Được chứ ! Được lắm chứ.

Ông cầm ống tiêu thổi, thiếu nữ dạo đàn. Hai người đàn tiêu tấu hợp, khiến cho Vương Phúc ngây ngất. Tấu xong lão nói :

– Khúc nhạc này đoạn đầu tha thiết như đôi lứa yêu nhau, khúc sau thì ly biệt thảm sầu, nhớ thương đằng đẵng. Đoạn cuối rõ ràng là tiếng thiếu
phụ khóc chồng.

Vương Phúc gật đầu kính phục lão già :

– Bèo mây gặp gỡ, trước lạ sau quen. Chúng tôi không dám hỏi cao danh quý tính của tiên sinh và cô nương.

Lão già đáp :

– Từ ngày ra đời, dùng tiếng đàn làm vui thiên hạ, tôi chưa hề gặp được
khách tri âm như công tử, tiểu thư, đáng lẽ phải mang gan ruột ra tạ
lòng tri kỷ. Nhưng vì một lẽ khổ tâm riêng, tôi không thể tiết lộ danh
tính. Đối với người khác tôi sẽ dùng danh tính giả, đối với công tử và
tiểu thư thì chúng tôi không dám. Người ở trấn Bá-dương thương tài gọi
chúng tôi là Vu-Sơn tiêu thần và tiểu nữ là Sa-Giang cầm tiên. Xin hai
vị cứ dùng tên đó là được rồi.

Vương Phúc bảo thủy thủ làm cơm, lấy rượu mời Vu Sơn, chàng nói :

– Thưa tiên sinh, tôi họ Vương, nên thường gọi là Vương nhất-lang, còn
cô nương đây họ Trần, bơi lội giỏi, có tên là Giao-long. Chúng tôi buôn
bán trên sông. Ngày mai sẽ đi Giang-an, rồi theo Trường-giang vào
Kinh-sở. Chúng tôi chỉ đi ít ngày rồi trở về trấn. Không biết bấy giờ có được gặp gỡ tiên sinh và cô nương không?

Chàng để ý thấy Sa Giang là một thiếu nữ nhu mì, với vẻ đẹp đầy sầu
muộn. Thiếu nữ với Trần Quốc ngang tuổi nhau, chuyện trò tương đắc về âm nhạc. Hai người như quen thân nhau từ thuở nào rồi vậy.

Vu Sơn bảo Vương Phúc :

– Vương công tử phải cẩn thận, đường từ đây sang Kinh-Sở đang có đánh
nhau lớn. Hôm qua tôi nghe tin, không biết quân Hán từ đâu kéo đến đánh
chiếm Giang-an. Tôi lại nghe dường như quân Hán đã chiếm Việt-tây,
Mỹ-cơ. Thủy quân Thục ở trấn Bá-dương có đến hai vạn, mới nhổ neo đêm
rồi theo Dân-giang về Đông-sơn. Có lẽ để cứu Thành-đô hoặc Hán-nguyên bị lâm nguy cũng nên.

Vu Sơn lại thở dài :

– Tình hình này thì Ích-châu sẽ thuộc về Hán trong sớm tối mà thôi.
Công-tôn Thuật chưa biết sẽ bị bắt, bị giết lúc nào. Có lẽ cha con tôi
sẽ đi Thành-đô, để xem sự thay đổi của lớp sóng phế hưng. Ích-châu với
một triều đình, nào vua, nào vương, nào hầu, nào quan lại. Rồi
hoàng-hậu, phi tần, hoàng-tử, công-chúa, tiểu thư, công-tử... rồi phút
chốc trở thành người vong quốc, không nhà, không cửa, không có cả đất mà chôn nữa.

Vương Phúc nghe Vu Sơn khuyên chàng nên tránh chỗ chiến tranh, rồi y lại bảo sẽ về Thành-đô xem chiến tranh, thì dường như y khuyên chàng là
thực tâm, còn y về Thành-đô là có chủ ý riêng. Chàng cũng đang có ý đợi
chuyến công tác này xong, xin Đào Kỳ cho phép cầm một đội quân đột nhập
Thành-đô, giết Công-tôn Thuật trả thù nhà. Nếu được đi với Vu Sơn thì
hay biết mấy, chàng nói với lão :

– Tiên sinh, nếu tiên sinh không chê anh em chúng tôi hủ lậu, chúng ta
cùng đi Giang-an rồi vào Thành-đô một lượt, như vậy có nên chăng ?

Lão gật đầu đồng ý :

– Tạ lòng công tử chiếu cố, cha con chúng tôi sẽ cùng đi với công tử.

Vương Phúc cho thuyền nhổ neo rời trấn Bá-dương đi Nam-khê. Thuyền xuôi
Trường-giang đi rất mau. Sông Trường-giang chảy cuồn cuộn giữa hai vách
núi, trông xa xa như một bức tranh hùng vĩ. Trần Quốc là người học âm
nhạc, tính lãng mạn, nay đứng trước cảnh đẹp của thiên nhiên, lòng nàng
ngây ngất chứa chan. Nàng cầm tiêu thổi bản Động-đình dạ ca của Trương
Chi, tiếng tiêu vang trên mặt nước. Vu Sơn và Sa Giang họa đàn và tiêu
theo. Vương Phúc nhìn cảnh sông nước nghe tiếng nhạc, chàng có cảm tưởng như mình lọt vào non tiên. Chàng nghĩ :

– Gái nước Việt nhiều tình cảm, lạ yêu nước hơn yêu chồng. Gái
Giang-đông chỉ biết có chồng, không biết đến nước... Nay cứ nhìn Trần
Quốc đủ rõ. Người nàng mảnh khảnh nhu nhã như bông hoa lan buổi sáng.
Thế mà ra tay chọc trời khuấy nước, cầm một vạn kỵ binh, đánh Mỹ-cơ
trong một ngày lấy được thành, lấy mười đồn. Có ai ngờ nàng lội qua
Độ-khẩu giữa mùa Đông lạnh buốt, nước chảy như thác chăng dây cho quân
qua. Có ai ngờ nàng đánh bại thủy quân Độ-khẩu trong chốc lát không ?
Bây giờ nàng nhu mì, ủy-mị thả hồn trong tiếng nhạc. Nếu ta có được
người vợ như vậy, dù chết đến mấy lần cũng đáng.

Bỗng thuyền trưởng chạy vào khoang nói :

– Thưa chủ nhân phía trước có ba chiếc thương thuyền lớn, dường như trên thuyền người ta đang đánh nhau. Không biết là quan binh hay quân cướp,
xin chủ nhân định liệu.

Vương Phúc cùng Trần Quốc ra ngoài khoang nhìn về phía trước, thấy ba
chiếc thuyền buôn lớn đậu sát vào nhau. Trên thuyền có cuộc giao tranh.
Nhưng cách xa quá nhìn không rõ. Chàng ra lệnh cho thuyền cứ thẳng đường đi tới.

Vu Sơn nói với Trần Quốc :

– Tiểu thư ! Ai đánh nhau mặc ai, chúng ta cứ tấu nhạc được chăng ?

Trần Quốc lấy ống tiêu dồn lực vào thổi bài Tình hận Trương Chi. Tiếng
tiêu của nàng hàm chứa nội lực, vọng đi rất xa, hòa lẫn với tiếng sóng
Trường-giang, thành một âm điệu như có như không, nửa tiên nửa tục. Sa
Giang cũng mang đàn tranh ra tấu. Vương Phúc nhíu mày nhìn ba người :

– Ba người này mê âm nhạc quá rồi ! Phía trước người ta đang chém giết
nhau, mà mình thả hồn trong cung nhạc được, thì cũng là một sự hiếm có
trên thế gian.

Thuyền càng lại gần, tiếng đao kiếm chạm nhau chan chát càng nổi lên lớn hơn. Trên con thuyền chia làm hai phe, một phe mặc theo lối binh lính
Thục. Một phe mặc theo lối dân buôn trên sông. Bên Thục có ba cao thủ,
hai nam, một nữ đánh nhau với bên dân gian, cũng có ba người thôi. Ba
cao thủ bên Thục, chàng nhận ra lão già dùng đao pháp vùng Hán-trung nội lực rất hùng tráng. Còn hai cao thủ một nam, một nữ xử dụng kiếm pháp
rất lạ, chàng không nhận ra. Phía ba cao thủ dân gian thì một nam khoảng 50 tuổi và một đôi thiếu niên nam nữ. Ngoài ra còn một thiếu nữ đứng
chống kiếm lược trận. Họ dùng thứ võ công hơi quen quen, song trong lúc
nhất thời chàng chưa nhận ra. Võ công phe dân gian, chiêu thức kỳ bí,
chiêu nào cũng khắc chế với võ công phái Thiên-sơn của chàng.

Chàng giật mình nghĩ :

– Nếu người nào học võ công này, chỉ cần một cao thủ bậc trung cũng đủ hạ một cao thủ bậc nhất của phái Thiên-sơn nhà mình.

Trong phép đấu võ, cứ mỗi chiêu đánh ra, ta phải tìm hiểu chiêu thức của mình để phá địch. Trong khi những chiêu thức đó, chiêu nào cũng hàm
chứa thế phá võ công phái Thiên-sơn, nên Vương Phúc mới lo sợ. Người đàn ông dân gian lớn tuổi, quát lên phóng ra một chưởng dũng mãnh, ào ào
chụp xuống. Người đàn ông có râu mép bên Thục, phản công lại bằng một
chưởng rất hùng hậu. Cả hai đều nhảy lui lại vận khí. Vương Phúc nhận ra chưởng của người lớn tuổi dân dã, giống chưởng của Hoàng Thiều-Hoa đã
đấu với chàng hôm trước. Chàng quay lại định hỏi Trần Quốc, thì nghe Vu
Sơn nói với Sa Giang :

– Lão già bên Thục kia võ công không phải tầm thường, đôi nam nữ đi với
hắn dùng võ công Lĩnh-nam. Ta nghe Kiến-Vũ sai Lĩnh-nam vương Nghiêm Sơn mang đạo quân Lĩnh-nam đi đánh Thục. Nghiêm vương gia ở Lĩnh-nam một
thời gian, người mời được rất nhiều hào kiệt vùng cực nam theo giúp. Đám quân Thục này là bọn Tế-tác. Còn đám Lĩnh-nam kia chắc cũng là quân
Hán. Chúng ta hãy ngồi quan sát xem sao đã.

Vương Phúc Trần Quốc nghe nói, bấy giờ mới biết cha con Vu Sơn là người
có võ công tuyệt vời. Hai người nháy nhau, ý nói phải cẩn thận, lòng
người nham hiểm khó đo.

Vương Phúc thấy lão già bên Thục xử dụng võ công Thiên-sơn, thuộc loại
đại cao thủ, mà chàng không nhận ra lão là ai. Với nội lực, chưởng lực
như lão ít ra cũng thuộc vào hàng sư phụ, sư thúc của chàng, người như
thế đất Thục được mấy.

Trần Quốc nhìn qua, nàng nhận ra đôi nam nữ mặc theo lối binh lính Thục
là Phong-châu song quái. Còn phía dân gian, nàng nhận ra họ là người
thuộc phái Cửu-chân. Người lớn tuổi và đôi thiếu niên trẻ tuổi nàng chưa gặp bao giờ. Còn thiếu nữ xinh đẹp đứng lược trận chính là người mà
nàng kính trọng ngang sư phụ, đó là Trưng Trắc. Thái độ Trưng Trắc uy
nghiêm, phiêu hốt coi thường mọi chuyện.

Về phía Vũ Hỷ, y đấu với người đàn ông phái Cửu chân được ít hiệp thì
yếu thế dần. Phương-Anh đấu với thiếu nữ trẻ tuổi, y thị có vẻ thắng thế hơn. Trần Quốc kinh ngạc tự hỏi :

– Ngày nọ Phong-châu song quái tới trang Thiên-trường gây sự với sư phụ
mình, chỉ với mười chưởng, Phương-Anh đánh sư phụ mình lạc bại, mà sao
thiếu nữ này đấu với y thị hơn trăm hiệp mà vẫn còn cầm cự được? Bản
lãnh của nàng có phần ngang với Hoàng Thiều-Hoa là ít.

Còn thanh niên trẻ đấu với lão già bên Thục ngang tay. Công lực lão già
hùng hậu, đao pháp tinh vi, mỗi chiêu đánh ra vèo vèo, thế mà vẫn không
đàn áp được thanh niên, vì chàng sử dụng võ công Cửu-chân khắc chế võ
công Trung-nguyên.

Thuyền của Vương Phúc sắp lại gần trận chiến, một người của phe Thục lớn tiếng :

– Ở đây đang có chiến tranh. Đao kiếm vốn vô tình, thuyền buôn nào đó xin tránh ra chỗ khác.

Biết người quan binh Thục bảo mình tránh ra xa để khỏi phiền phức. Tính
ngang tàng nổi dậy, Trần Quốc ra hiệu cho thuyền thẳng tới. Nàng cầm ống tiêu thổi lên một bài, âm hưởng vang dội, nhu hòa mà hùng tráng. Nàng
dùng nội lực chuyển tiếng tiêu đi rất xa. Bản nhạc nàng tấu đó là bản
Động đình ca của Trương Chi, sau được Nguyễn Tam-Trinh nhuận sắc lại. Âm hưởng vui tươi như muôn ngàn tiếng chim hót buổi sáng mùa xuân, vừa
hùng tráng như quân reo, ngựa hí.

Vũ Hỷ nghe tiếng tiêu, biết thuyền mới đến có người Lĩnh-nam, y hô lớn :

– Ngừng tay !

Hai bên cùng ngừng tay lui lại. Người đàn ông Lĩnh-nam lớn tuổi lên tiếng :

– Tiếng tiêu cử bài Động đình ca là biểu hiệu của phái Sài-sơn. Vậy
không hiểu vị Thái bảo nào ở bên đó, xin xuất hiện để tương kiến.

Trần Quốc bỏ ống tiêu nói vọng sang :

– Trần Quốc, đệ tử đệ thất Thái-bảo Trần tiên sinh ở tại đây. Không biết vị cao nhân nào của phái Cửu-chân ở bên đó ?

Người đàn ông phái Cửu-chân nói lớn :

– Đinh Đại thuộc phái Cửu-chân, đệ tử là Quách Lãng cùng con gái là Đinh Bạch-Nương. Trần sư điệt, sao cháu lại ở đây ? Sư phụ cháu đâu ? Người
vẫn mạnh chứ ? Lâu ngày quá ta không gặp người.

Nguyên Đinh Đại với Trần Quốc-Hương sư phụ của Trần Quốc là đôi bạn tương đắc.

Thuyền của Trần Quốc ghé sát vào với ba chiếc thuyền kia. Nàng cầm ống tiêu nhảy sang hướng Đinh Đại hành lễ :

– Tiểu nữ Trần Quốc xin tham kiến sư bá.

Nàng quay lại Trưng Trắc :

– Sư tỷ ! Tấm thân cao quý vạn thặng của sư tỷ sao cũng ở đây ? Đặng đại ca đâu rồi, đại ca có đi cùng với sư tỷ không ?

Trưng Trắc chỉ Song-quái :

– Chúng ta từ Lĩnh-nam sang đây trợ chiến cho Đinh tiên sinh, không ngờ
gặp bọn Song-quái. Chúng giúp Công-tôn Thuật. Giữa đường hai bên gặp
nhau gây cuộc ác đấu.

Thình lình Sa Giang nhảy vèo đến, dùng trảo tấn công lão già mặc binh
phục Thục. Lão già lạng người đi tránh khỏi rồi phản công. Sa Giang là
một ca kỹ xinh đẹp, nàng mặc quần áo lụa mỏng phất phơ trước gió. Nàng
tấn công lão già Thục liên tiếp không ngừng. Nhưng chỉ được có mấy hiệp, nàng có vẻ yếu thế. Vu Sơn thấy vậy cầm ống tiêu đâm xéo vào lão già
nói :

– Công-tôn Khôi, ngươi có nhận được ta không ? Ngươi đường đường là
Bắc-bình vương lĩnh chức Tả tướng-quân, tại sao ngươi lại giả trang
thành một tên lính già ? Dù ngươi có cháy thành than, ta cũng nhận được
ngươi.

Lão già tức Công-tôn Khôi không trả lời, rút kiếm ra trả đòn. Thế là hai người đấu với nhau trên sàn thuyền. Võ công của Vu Sơn với Công-tôn
Khôi cùng một môn phái. Có điều Vu Sơn thì nhẹ nhàng, phiêu hốt, còn
Công-tôn Khôi thì nặng nề trầm mãnh.

Vương Phúc nghe Vu Sơn nói chàng mới giật mình :

– Thì ra lão già này là Công-tôn Khôi, tước phong Bắc-bình vương, lĩnh
chức Tả tướng-quân của Thục. Y là em ruột Công-tôn Thuật, anh Công-tôn
Thiệu, quyền lực y chỉ thua Công-tôn Thuật mà thôi. Y là vai sư thúc
mình. Còn Vu Sơn là ai mà có thù với Công-tôn Khôi ? Võ công Vu Sơn cao
hơn Khôi, vậy lão là ai ?

Công-tôn Khôi vừa đánh, vừa cười :

– Vương sư đệ, đã lâu lắm ta không được tin tức gì của sư đệ, không ngờ
hôm nay gặp gỡ ở đây. Tại sao sư huynh, sư đệ gặp nhau, sư đệ không cùng ta hàn huyên chuyện cũ, lại muốn giết ta ?

Vu Sơn không trả lời, dùng vũ khí liên tiếp tấn công. Chiêu số của y cực kỳ thần tốc, ác liệt. Tiếng tiêu phát ra vi vu nghe rất êm tai. Người y phiêu phiêu hốt hốt, chiêu số lại kỳ diệu không biết đâu mà lường. Còn
Công-tôn Khôi công lực mạnh như vũ bão, mỗi chiêu kiếm phát ra đều có
tiếng xé gió, rít lên rùng rợn.

Trần Quốc hỏi khẽ Vương Phúc :

– Công-tôn Khôi cùng môn phái với đại ca phải không ?

Vương Phúc gật đầu :

– Y vào hàng sư thúc của tôi. Y là em ruột Công-tôn Thuật đấy. Trước
đây, võ công y cao hơn tôi nhiều, nhưng gần đây, vì tửu sắc quá độ, công lực y giảm đi rất mau. Y hiện là Bắc-bình vương, lĩnh Tả tướng quân,
một tay điều khiển binh mã miền này. Trọng trách ngang với tôi trước đây và hơn Trường-sa vương Công-tôn Thiệu.

Trần Quốc hỏi Sa Giang :

– Cô nương, dường như cô nương và lão bá có mối thù với Công-tôn Khôi phải không ?

Sa Giang rớt nước mắt nói :

– Đúng đó, chính y làm cho gia đình em tan nát. Em mất mẹ từ thuở mới có hai tháng. Ba người anh và mẹ em bị giết. Cha con em phiêu bạt giang hồ cũng vì y. Nếu chị có cách gì giúp em trả mối thù này thì muôn đời em
không quên ơn.

Vu Sơn dồn Công-tôn Khôi tới đầu thuyền. Công lực Khôi giảm dần, chỉ còn lo chống đỡ. Y thở hổn hển, nhưng chiêu số phát ra vẫn mạnh như thường. Bỗng Vu Sơn kêu lớn lên :

– Công-tôn Khôi, không ngờ ngày hôm mi bị chết dưới tay ta, trên dòng sông Trường-giang này.

Dứt lời y đâm ba chiêu vào mắt Khôi. Công-tôn Khôi hoảng hốt lui lại thì chân đạp vào khoảng không. Y nhắm mắt chờ chết. Vũ Hỷ thấy vậy vung
chưởng đánh vào sau lưng Vu Sơn cứu viện. Chưởng của y là Phục ngưu thần chưởng, ào ào chụp xuống. Chưởng chưa tới, mà Vu Sơn cảm thấy muốn bể
lồng ngực.

Chúng ta nên nhớ cách đây hơn mười năm, y chỉ đánh một chưởng khiến Đào
Thế-Kiệt phun máu miệng. Hơn mười năm nay theo Lê Đạo-Sinh, y luyện tập
không ngừng, công lực ngày nay của y không kém gì Lê.

Trưng Trắc thấy thế, lách mình một cái đến sau Vũ Hỷ, tay nàng khoằm
khoằm phát ra một chiêu Long-hổ trảo chụp vào cổ y. Vũ Hỷ hoảng hốt, thu chưởng về biến thành quyền đánh vào vai nàng. Trưng Trắc biến thành cầm nã, nắm lấy bàn tay y giật mạnh một cái, y loạng choạng chúi về phía
trước. Nàng nhảy lui lại nói :

– Sư đệ ! Hai người đánh một không phải là đạo lý của phái Tản-viên.

Từ cách lách mình, phát chiêu, lui về của Trưng Trắc oai nghiêm như một
người trên dạy người dưới. Vũ Hỷ giận cành hông phóng chưởng đánh Trưng
Trắc. Trưng Trắc lắc đầu vẫy tay :

– Sư đệ ! Ta không muốn dính vào những việc dơ bẩn. Ngươi đừng ép ta.

Miệng nói nàng vung chưởng đỡ. Bùng một tiếng. Vũ Hỷ cảm thấy cánh tay
tê chồn, nội lực Trưng Trắc vừa nhu hòa, vừa cương mãnh. Y nghĩ đến một
truyện, toát mồ hôi :

Ngày nọ trong đại hội hồ Tây, Khất đại-phu dùng nội lực cương nhu hợp
nhất đánh bại Lê Đạo-Sinh. Có lẽ Khất đại-phu đã truyền lại cho Trưng
Trắc chăng ? Y khôn ngoan, kinh nghiệm chiến đấu. Thấy mình bất lợi giả
bộ cười :

– Sư tỷ không muốn dây dưa thì thôi.

Chỉ một chiêu của Vũ Hỷ can thiệp làm Vu Sơn phân tâm một chút. Công-tôn Khôi lấy lại được tư thế. Y nhảy vọt lên cao đá gió, người đã ở giữa
thuyền. Nhưng Vu Sơn theo y như bóng với hình. Y hoảng hốt, vừa lui, vừa đỡ. Phương-Anh thấy y lâm nguy, rút kiếm đỡ ống tiêu của Vu Sơn. Nhưng
kiếm chưa ra hết, Đinh Đại đã quát lên một tiếng. Ông xử dụng kiếm pháp
Cửu-chân tấn công vào ngực y thị. Y thị kinh hoàng thu kiếm về đỡ. Đinh
Đại đã tra kiếm vào vỏ :

– Phương-Anh! Không nên can thiệp vào truyện người khác.

Phương-Anh nổi giận chém liền năm chiêu vèo vèo vào Đinh Đại. Ông nhảy
lui lại trả đòn. Vu Sơn đã dồn Công-tôn Khôi đến gần ngộp thở, thì Vũ Hỷ lại nhảy vào. Lần này Trưng Trắc không can thiệp nữa.

Vương Phúc đứng ngoài lược trận. Thình lình chàng rút kiếm tấn công Vũ
Hỷ năm chiêu. Mỗi chiêu biến thành bảy tám bao trùm lấy y. Từ lúc hai
thuyền kế nhau. Vũ Hỷ đã chú ý đến Vương Phúc, vì chàng hóa trang, y cho rằng chàng là một lái buôn. Bây giờ thấy chàng ra chiêu cùng một thứ võ công Thiên-sơn của Công-tôn Khôi, kình lực không kém gì Khôi. Y vừa đỡ
vừa lui lai. Y dùng kiếm pháp Tản-viên.

Một bên nổi tiếng Phong-châu song quái kinh nghiệm lâu năm, gian manh
nhất thiên hạ. Một bên trí dũng kiêm toàn, tư thái đường đường chính
chính của bậc vương giả. Hai người diễn ra trận đấu trên sàn thuyền. Thế là trên sàn thuyền diễn ra ba cặp song đấu kịch liệt. Vu Sơn dùng một
tuyệt chiêu đánh rơi kiếm của Công-tôn Khôi, rồi dí tiêu vào cổ y. Ông
cười gằn :

– Sư huynh, hôm nay ngươi phải chết dưới tay ta.

Bỗng có tiếng quát :

– Ngừng tay, bằng không chúng ta buông tên.

Mọi người đều nhảy lùi lại, thì ra trong lúc hai bên mê trận, ba chiến
thuyền Thục đã tới hồi nào. Trên thuyền thủy thủ đều cầm tên, dương cung chĩa sang. Viên chỉ huy nói :

– Các ngươi để cho Vương-gia của chúng ta về bên này, ta để cho các ngươi đi.

Trưng Trắc thấy tình thế nguy ngập, nàng nói với Vu Sơn :

– Tiêu thần tiên sinh ! Xin tiên sinh cứ tha cho Công-tôn vương-gia. Vương-gia làm ác, ngày đền tội sẽ không xa đâu.

Vu Sơn không biết Trưng Trắc là ai. Song thấy tư thái nàng vừa uy
nghiêm, vừa nhu nhã tỏ ra một đại tôn sư đương thời. Võ công của nàng
tuyệt cao, thì tin tưởng lời nói của nàng không phải là quá đáng. Ông
nói :

– Công-tôn Khôi, hôm nay ta tha cho ngươi, nhưng ngươi đã bại dưới tay ta rồi, một ngày kia ta sẽ xẻo thịt ngươi cũng chưa muộn.

Đinh Đại nói với Trưng Trắc :

– Đặng phu nhân phải cẩn thận. Phong-châu song quái tráo trở không
ngừng. Chúng ta tha chúng về, chúng trở mặt bắn tên sang thì nguy.

Trưng Trắc mỉm cười :

– Đinh hầu đừng e ngại, tôi có cách đối phó. Song quái là người của
Tản-viên, họ có làm gì chăng nữa, cũng không qua khỏi sự ước tính của
tôi.

Mọi người thấy thái độ bình tĩnh uy nghi của Trưng Trắc, thêm tin tưởng. Trước đây nàng ra tay tấn công Vũ Hỷ rồi lên tiếng dạy dỗ y, làm y
không nói được lời nào. Bây giờ nàng lại ung dung xử lý vấn đề, tự coi
Song quái như nằm trong tay nàng vậy.

Nàng nói với Trần Quốc :

– Phiền sư muội giúp cho một tay, đưa Công-tôn vương gia về thuyền giùm.

Nàng ghé tai Trần Quốc nói mấy câu. Trần Quốc toét miệng cười như nắc
nẻ. Nàng cầm dao dí vào cổ Công-tôn Khôi cùng hắn đi sang thuyền Thục.
Nàng nói :

– Bắc-bình vương-gia ! Vương-gia là Tả tướng quân của Thục, chắc
Vương-gia thông hiểu đại cuộc. Nếu người của Vương-gia trở mặt buông
tên, hoặc có hành vi gì định hại tôi, con dao này sẽ xuyên qua ngực
Vương-gia đấy. Tôi nói được là làm được.

Công-tôn Khôi thấy Trần Quốc mảnh mai xinh đẹp, thân pháp nhẹ nhàng thì
biết là người có võ công không tầm thường. Y tím mặt đi theo nàng. Trần
Quốc theo Công-tôn Khôi sang thuyền y. Song quái cũng về thuyền chúng.
Bốn chiến thuyền của Thục rời xa dần, còn lại hai chiến thuyền của Vương Phúc dàn thành hàng dài. Bảy chiếc thuyền chia làm hai toán rời xa
nhau. Mọi người không biết Trưng Trắc dự tính giải quyết thế nào, khi
Trần Quốc phải sang thuyền của Công-tôn Khôi.

Hai đoàn thuyền của hai phe xa nhau hơn một lằn tên, bọn thuộc hạ của Công-tôn Khôi bảo Trần Quốc :

– Bỏ đao xuống nếu không mất mạng.

Trần Quốc cười :

– Ta đang định bỏ, nhưng các ngươi quát bảo ta bỏ, ta không bỏ đấy ! Các ngươi làm gì ta ?

Bốn thanh kiếm từ bốn phía hướng nàng đâm xéo tới. Trần Quốc biết thế
nguy, nàng nhún chân nhảy vọt lên cao túm lấy cột buồm, nhìn xuống cười :

– Các ngươi có giỏi lên đây bắt ta.

Một thiếu nữ tuổi khoảng 18-19 chạy đến bên Công-tôn Khôi hỏi :

– Gia gia ơi ! Gia gia có sao không ?

Công-tôn Khôi lắc đầu. Bảo thuộc hạ :

– Các ngươi bắt con nhỏ đó cho ta.

Nói rồi y vào khoang thuyền. Trần Quốc nghĩ được một kế nói:

– Thôi các ngươi lui ra, ta xuống cho mà bắt.

Nàng buông tay đáp xuống như chim. Vừa xuống sàn thuyền, nàng ôm lấy con gái Công-tôn Khôi, lăn ùm xuống nước. Bọn thủy thủ trên thuyền la hoảng lên.

Công-tôn Khôi hô lớn:

– Các ngươi phải cứu Quận-chúa cho mau.

Bọn thủy thủ nhìn xuống sông, song không thấy Trần Quốc và Quận-chúa đâu cả. Chúng ngó ra xa xem có thấy hai người nổi lên không, nhưng cũng
biệt tăm. Vũ Hỷ nhảy sang thuyền Công-tôn Khôi quan sát. Y nói:

– Có lẽ chết chìm cả hai rồi. Nước chảy xiết thế này, lại đang rét mùa Đông, công lực nào chịu cho thấu?

Công-tôn Khôi ra lệnh cho thủy thủ thả mủng xuống, chèo dọc sông tìm kiếm.


Nguyên do lúc còn ở trên thuyền. Trưng Trắc dặn Trần Quốc rằng, sau khi
tới thuyền Công-tôn Khôi, nàng nhảy xuống nước trở về thuyền mình. Trưng Trắc sẽ cho thuyền xuôi theo dòng sông để Trần Quốc lên.

Bản tính Trần Quốc thông minh, được sư phụ cưng chiều, ngỗ nghịch đã
quen. Tuy tuân lệnh Trưng Trắc, nhưng nàng thuận tay bắt sống quận chúa
Thục mang theo. Nàng cặp quận chúa lặn thẳng tới mạn bên kia thuyền mới
trồi lên. Đứng bên này thuyền Trưng Trắc nhìn thấy hết. Tính nàng không
giống Trưng Nhị. Trưng Nhị vui vẻ, hồn nhiên. Nàng thì nghiêm trang ít
đùa. Nhưng thấy Trần Quốc phá phách có ích, nàng cũng bật cười. Nàng nói một mình:

– Bố ta nói rằng tám vị Thái-bảo Sài-sơn là những bậc thầy giỏi nhất
Lĩnh-nam. Cứ thấy một cô bé ngây thơ như Trần Quốc, mà có hành động mẫn
tiệp như vậy, đủ rõ cách dạy người của sư bá Trần Quốc-Hương như thế
nào.

Trần Quốc cặp quận chúa Thục nổi lên mé bên kia thuyền, trên thuyền Thục không nhìn thấy. Nàng vọt một cái, người bay lên cao như một con cá
chép, đáp xuống mạn thuyền. Đinh Bạch-Nương đỡ quận-chúa Thục vào
khoang, dốc ngược chân cho nước chảy ra. Nàng để tay lên ngực quận-chúa, dồn chân khí vào, một lát quận chúa mở mắt, thở như thường. Nàng thấy
toàn người lạ, tu lên khóc. Trưng Trắc bảo nàng:

– Quận-chúa đừng sợ. Chúng ta là người nghĩa hiệp, quyết không làm nhục, cũng không làm hại nàng đâu.

Người Hán vốn coi thường phụ nữ, cho nên Vu Sơn tiêu thần cũng cùng một
quan niệm. Nhưng từ lúc xuống thuyền Vương Phúc đến giờ. Ông thấy nào là Trần Quốc, nào là Đinh Bạch-Nương, nào Phương-Anh, nào Trưng Trắc đều
là những phụ nữ trẻ tuổi xinh đẹp, có hành động xuất chúng. Ông ngạc
nhiên như đi vào thế giới mới lạ. Trưng Trắc đọc được tư tưởng của ông,
nàng tủm tỉm cười. Trần Quốc giới thiệu mọi người với Vương Phúc.

Trưng Trắc hỏi Vu Sơn:

– Thần tiêu tiên sinh ! Nếu tiên sinh coi chúng tôi như người nhà. Tiên
sinh có thể cho chúng tôi rõ mối thù giữa tiên sinh với Công-tôn Khôi
không ? Bởi lát nữa tôi sẽ bắt y giao cho tiên sinh, để tiên sinh trả
thù. Vì vậy hành vi của chúng ta phải quang minh chính đại, cần biết rõ
nguồn gốc, tội trạng y. Mong tiên sinh miễn cho cái tội tò mò.

Vu Sơn mơ màng nhìn về phía chân trời xa xăm, như để nhớ lại những kỷ niệm hai mươi năm về trước. Ông nói :

– Với Đặng phu nhân, tôi không thổ lộ tâm sự thì thổ lộ với ai bây giờ ?

Bất thình lình ông vùng dậy, đâm ống tiêu vào giữa mắt Vương Phúc. Bị
tấn công như chớp, nhưng chàng là người kinh nghiệm chiến đấu đã quen,
né người tránh kịp. Vu Sơn biến thế đâm thành thế móc đánh vào cổ chàng. Chàng bật ngón trỏ ra, nếu Vu Sơn tiếp tục đánh, tay ông tự đập vào
ngón trỏ của chàng. Vu Sơn rút ống tiêu về, đâm vào giữa ngực của chàng. Chàng chụp tay như móc câu bắt lấy tay ông. Ông vội buông tiêu gạt. Bốp một tiếng, cả hai người đều lùi lại, xương cốt kêu răng rắc.

Vương Phúc lên tiếng :

– Vu Sơn tiên sinh ! Tiểu bối biết tiên sinh muốn trắc nghiệm võ công, mới phải chống đỡ. Xin tiên sinh lượng thứ cho.

Trưng Trắc, Đinh Đại thấy Vương Phúc còn trẻ mà có bản lĩnh cùng kinh
nghiệm chiến đấu như thế thì lấy làm ngạc nhiên vô cùng. Cả hai đều nghĩ :

– Đất Lĩnh-nam có lẽ chỉ có Đào Kỳ là so sánh được với chàng mà thôi.

Đinh Đại thấy tướng mạo Vương tiêu sái, nói năng lễ độ biết chàng cũng
là người đọc sách. Ban nãy Trần Quốc giới thiệu giản dị rằng Vương đại
ca, Trưng Trắc tưởng một tướng nào của Hán theo công tác mà thôi. Bây
giờ mới chú ý đến. Trưng Trắc thấy Vu Sơn tấn công chàng, những tưởng
rằng họ muốn thử nghiệm võ công. Nhưng bây giờ thấy vẻ mặt ông cùng với
Sa-Giang đầy vẻ khủng khiếp, thì ngẩn người ra.

Vu Sơn thở dài :

– Thì ra Bình-nam vương-gia đây ! Kẻ hèn này có mắt như mù, ngồi thuyền
cạnh Vương-gia mà không biết Vương-gia. Thảo nào võ công tuyệt vời.

Ông quay lại giới thiệu với Trưng Trắc :

– Người này con của Công-tôn Thuật tên Công-tôn Phúc tước phong Bình-nam vương, điều khiển toàn bộ binh mã Thục ở miền Nam Ích-châu.

Trần Quốc biết Vu Sơn hiểu lầm, xen vào :

– Lão gia ! Lão gia lầm rồi, trước đây Vương đại-ca là Bình-nam vương.
Vương đại-ca là con nuôi Công-tôn Thuật chứ không phải con đẻ. Hai mươi
năm trước, thân phụ đại ca bị Công-tôn Thuật hại, bắt Vương đại ca nuôi
làm con. Cho nên trong trận đánh Độ-khẩu, Vương đại-ca đấu võ với nguyên soái đạo Lĩnh-nam là Đào Kỳ, rồi kết bạn giữa trận tiền. Đạo quân
Lĩnh-nam chiếm được 7 thành Nam Ích-châu là nhờ công của Vương đại-ca.
Vương đại-ca họ Vương chứ không phải họ Công-tôn.

Vu Sơn thu chiêu, ông giật bắn người lên hỏi :

– Công tử họ Vương ? Tại sao Công-tử biết mình họ Vương ?

Vương Phúc điềm nhiên nói :

– Nhũ mẫu của tôi nói cho biết như vậy. Nhũ mẫu thuật rằng Công-tôn Khôi vì mê sắc đẹp của mẫu thân tôi mà hại cha tôi. Công-tôn Thuật lúc đầu
nghe lời Khôi. Sau khám phá ra cha tôi bị hàm oan, mới đem anh em chúng
tôi về phủ nuôi nhận làm con đẻ.

Vu Sơn mắt mờ đi, lệ chảy tuôn xuống má, hỏi :

– Có phải năm nay công tử được hai mươi ba tuổi không ? Công tử sinh tháng ba, giờ Dần, ngày mồng chín.

Vương Phúc giật mình :

– Sao tiên sinh biết rõ thế ?

Vu Sơn nói tiếp :

– Em kế nhỏ hơn công tử 18 tháng, y sinh tháng chín giờ Thìn, ngày 12.
Em thứ ba công tử nhỏ hơn anh 20 tháng, sinh tháng năm, giờ Thìn. Có
đúng thế không ? Nhũ mẫu công tử là A Ninh, năm nay 45 tuổi.

Vương Phúc đáp :

– Đúng ! Không sai chút nào. Tại sao tiên sinh lại biết như vậy ?

Vu Sơn không trả lời Vưng Phúc, ông nói với Trưng Trắc :

– Tôi xin thuật truyện cho Đặng phu nhân nghe. Tôi xuất thân từ phái
Thiên-sơn, sư phụ tôi thu tất cả bảy đệ tử. Anh em chúng tôi đều được sư phụ huấn luyện trở thành văn võ toàn tài. Chúng tôi được đời tặng cho
danh hiệu Thiên-sơn thất hùng.

Trần Quốc xen vào :

– Trước khi tiến quân vào đất Thục, Lĩnh-nam vương kể cho cháu nghe rằng Thiên-sơn thất hùng tài năng quán chúng. Người nào cũng văn võ toàn
tài, đởm lược hơn người. Vì vậy họ mới xưng đế đất Thục, dám chống lại
Hán triều. Dù họ là đế, là vương, là dân dã, họ vẫn gọi nhau bằng sư
huynh, sư đệ ăn cùng mâm ngủ cùng giường. Họ đối với thuộc hạ coi như
chân tay gan ruột, sĩ tốt một lòng sống chết với họ. Tài ba như Đặng Vũ, Ngô Hán, Sầm Bành mà cũng bị đánh bại. Vì thế Kiến-Vũ thiên tử mới
thỉnh Lĩnh-nam vương ra quân.

Vu Sơn gật đầu :

– Tiểu cô nương tri kỷ của ta ơi, kiến thức của cô nương rộng đấy. Đúng
như cô nương nói. Trong Thiên-sơn thất hùng ta được sư mẫu thương yêu
nhất, dốc túi truyền âm nhạc. Ta thích làm quan, đi thi đậu Hiếu liêm,
có bản lĩnh khá cao vì thế không thiếu gì nơi rắp ranh gả con gái. Hiềm
vì bản tính ta thích âm nhạc, chỉ chăm chú học tiêu, học đàn. Rồi một
hôm ta ra chợ huyện, thấy cô ca kỹ đang ngồi ôm xác cha khóc lóc thảm
thiết. Ta hỏi tới sự tình, cô gái kể rằng nàng mới 15 tuổi, theo cha đi
hát rong kiếm tiền. Đêm qua chẳng may cha chết, nàng không tiền chôn
cha. Ta thương tình, bỏ tiền ra chôn cất cha nàng rất tử tế. Nàng cảm
nghĩa, nguyện suốt đời làm nô tỳ cho ta. Ta thấy nàng xinh đẹp tuyệt
trần, lại thấy tài cầm ca của nàng mà không nghĩ đến thân phận nghèo
hèn. Vì vậy ta tuyển nàng làm cơ thiếp. Tin này đến tai cha ta. Bấy giờ
người đang làm Thứ-sử Kinh-châu. Người đùng đùng nổi giận bắt ta phải
trở về cưới vợ. Ta tuân lời cưới con gái Thứ-sử Tây-xuyên làm chính
thất. Thế là ta có chính thất, thứ thiếp. Cuộc sống rất đầm ấm. Bấy giờ
các sư huynh, sư đệ của ta đều xuống núi lập nghiệp. Công-tôn Thuật,
Công-tôn Khôi, Công-tôn Thiệu đều làm huyện-lệnh, thái-thú. Đặng phu
nhân thử tưởng tượng xem, chúng ta bốn sư huynh, sư đệ làm thái-thú bốn
quận liên tiếp nhau, thế lực mạnh như thế nào ?

Ông thở dài tiếp :

– Trong thất hùng chúng ta còn ba người chưa xuất thân. Đó là Điền Sầm,
Tạ Phong và Triệu Khuôn. Chúng ta nâng đỡ cử họ làm đô-úy thuộc quyền.
Thế là Thiên-sơn thất hùng chiếm lĩnh 6 quận liên tiếp, thế lực hùng hậu vô cùng. Kịp đến khi Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán. Anh em chúng ta
chiếm lĩnh Đông-xuyên, Tây-xuyên, Ích-châu, Kinh-châu, dựng thành nước
Thục, mộng chiếm Trung-nguyên. Không ngờ Công-tôn Khôi lòng lang dạ thú. Y thấy chính thê của ta xinh đẹp, khi ta vắng nhà y đột nhập vào trêu
ghẹo, nàng không chịu, y hãm hiếp rồi phóng chưởng giết chết. Thuận tay y đốt nhà ta quăng tất cả con cái, đầy tớ vào đống lửa, rồi vu cho ta tội phản bội Công-tôn Thuật. Công-tôn Thuật cho lệnh tầm nã ta. Ta bôn ba
giang hồ trốn tránh. Cũng may ta gửi đứa con gái của chính thất cho
ngoại nó nuôi, nên mới còn sống sót, là con bé này đây.

Ông chỉ vào Sa Giang, rồi tiếp :

– Ta bỏ trốn đến vùng Lũng-hữu, đần quân với Ngỗi Hiêu. Ngỗi Hiêu phong
ta làm Đại-tư-mã. Quang-Vũ mang quân đánh Ngỗi Hiêu. Ta chống trả làm
các tướng Sầm Bành, Đặng Vũ đều bị bại. Ngỗi Hiên chết, con Ngỗi Hiêu là Thuần kế nghiệp. Giữa lúc đó Quang-Vũ đem đại quân đến đánh. Công-tôn
Thuật phong cho người em thứ bảy trong Thiên-sơn thất hùng là Triệu
Khuôn làm Lũng-tây vương, mang quân cứu viện ta.

Khi ta gặp sư đệ Triệu Khuôn, y cho biết Công-tôn Khôi được phong
Bắc-bình vương lĩnh chức Tả tướng-quân. Y không hề giết vợ con ta mà chỉ cướp tỳ thiếp của ta mà thôi. Công-tôn Thuật điều tra ra dã tâm của
Công-tôn Khôi, bắt y trấn thủ vùng Kim-sơn không cho về triều nữa. Ta
hối hận ngờ oan Công-tôn Thuật, nhân lúc Ngỗi Thuần hàng Hán. Ta giao
tất cả quân tướng các châu, huyện cho Thuật, rồi tuyệt tích giang hồ,
tìm Công-tôn Khôi trả thù.

Trưng Trắc thở dài :

– Thế mà người ta bảo Công-tôn Thuật sai Triệu Khuôn vờ cứu tiên sinh,
rồi nhân đó cướp thành trì, binh tướng. Oan cho Công-tôn Thuật quá.

Đinh Đại tiếp:

– Thì ra tiên sinh là Vương Nguyên nức tiếng Trung-nguyên đấy.

Tất cả mọi người ngồi trên thuyền đều kêu lên tiếng úi chà. Vì Vương
Nguyên là tướng đại tài phò Ngỗi Hiêu chiếm Lũng-hữu, đánh Quang-Vũ
nhiều trận kinh hồn táng đởm. Những đại tướng như Đặng Vũ, Ngô Hán, Sầm
Bành, Mã Viện đều thua chạy. Tài dùng binh của y đã giỏi, võ công lại
rất cao cường.

Vương Phúc đến trước mặt Vu Sơn lạy tám lạy:

– Con bất hiếu là Vương Phúc xin ra mắt phụ thân.

Vương Nguyên chỉ Sa Giang:

– Em con đây.

Trưng Trắc để cha con họ Vương khóc một lúc, rồi mới nói:

– Bây giờ chúng ta bắt Công-tôn Khôi để Vương tiên sinh báo thù.

Nàng gọi ba thuyền trưởng lại dặn dò chi tiết, rồi ghé tai Trần Quốc nói nhỏ mấy câu. Trần Quốc cười khúc khích gật đầu tuân lệnh. Nàng nói với
Vương Phúc:

– Vương đại-ca! Trước đây tôi hứa bắt Công-tôn Khôi cho đại-ca trả thù. Hôm nay tôi thực hiện lời hứa đây.

Bấy giờ ba thuyền của Lĩnh-nam đã tới gần ba thuyền của Thục. Thủy thủ
Thục thấy vậy đều dương cung, cầm tên chuẩn bị tác chiến. Song thuyền
Lĩnh-nam cứ đi song song theo thuyền Thục, cách một lằn tên.

Phía bên Thục vì muốn tìm xác quận chúa, họ tưởng thuyền Lĩnh-nam đang
tìm xác Trần Quốc như họ, không chú ý. Hai dãy thuyền đi đi lại lại được một lúc, bất thình lình một thuyền bên Thục bị thủng đáy, nước chảy vào ào ào. Thủy thủ la hét tìm cách đút nút lỗ thủng. Nhưng lỗ bằng cái
mâm, nước ào vào như thác đổ. Thuyền trưởng cho thủy thủ chèo thật mau,
áp vào thuyền khác. Thủy thủ vừa sang hết, con thuyến từ từ chìm xuống.

Vũ Hỷ là người khôn ngoan y nói với Công-tôn Khôi:

– Vương gia! Dường như bên Lĩnh-nam cho người đục thuyền ta thì phải?

Thuyền trưởng nhìn Vũ Hỷ cười khinh bỉ:

– Vũ tiên sinh nói lạ. Nước sông Trường-giang chảy xiết thế này, trời
đang tiết Đông-chí, lạnh thấu tim gan, hỏi ai có bản lĩnh nhảy xuống
nước mấy phút mà không bị nước cuốn đi? Dù nước không cuốn đi thì máu
cũng đông lại mà chết, làm sao đục thuyền được. Thuyền của ta là chiến
thuyền đáy chìm sâu hơn một trượng. Ai dám lặn xuống mà đục được một lỗ
to như vậy? Họa chăng là Giao-long!

Vũ Hỷ thấy thuyền trưởng nói có lý nhưng y vẫn nghi ngờ. Lát sau thủy
thủ ở ba chiến thuyền khác cũng kêu lên những tiếng kinh hoàng. Vì ba
con thuyền đều bị thủng đáy, lỗ to tròn như cái mâm.

Công-tôn Khôi ra lệnh:

– Thả mủng xuống!

Trên mỗi con thuyền đều có hai cái mủng cấp cứu. Mủng được thả xuống
nước. Công-tôn Khôi, Vũ Hỷ cùng nhảy xuống một cái với vợ. Còn mấy cái
khác thì các tướng nhảy xuống. Còn lại quân sĩ la hoảng, nhảy ùm xuống
sông bơi vào bờ. Thuyền ở giữa sông nước chảy xiết, trời tháng chạp lạnh thấu xương, nên chúng vừa bơi kêu cứu.

Trưng Trắc cho ba chiếc thuyền Lĩnh-nam đến gần, thả dây xuống cho chúng bám, lôi lên sàn thuyền trói lại. Tuy nàng cứu kịp thời, nhưng số thủy
thủ Thục chỉ sống sót có một nửa, còn hầu hết bị nước cuốn đi mất. Nàng
cho thuyền đuổi theo chiếc mủng chở Công-tôn Khôi, Vũ Hỷ đang chèo ở
cuối dòng nước.

Bất thình lình, chiếc mủng lại cũng bị thủng một lỗ, nước tràn vào. Vũ
Hỷ cùng vợ bỏ Công-tôn Khôi, nhảy xuống nứơc bơi vào bờ. Công-tôn Khôi
đang chới với giữa chiếc mủng thủng, thì một con cá cực lớn nhảy vọt lên cao, đáp giữa mủng. Y nhìn ra là Trần Quốc. Y kinh hoảng chụp lấy vai
nàng. Trần Quốc không tránh, còn ôm lấy y lặn xuống nước. Mấy khắc sau,
người ta thấy Trần Quốc nổi lên, tay túm tóc Công-tôn Khôi, y bị ngất
xỉu vì ngộp nước. Đinh Bạch-Nương tung sợi dây xuống cuốn lấy Trần Quốc, nàng giật mạnh một cái, Trần Quốc, Công-tôn Khôi vọt lên sàn thuyền.
Vương Nguyên nhìn Trần Quốc bằng con mắt khâm phục.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Động Đình Hồ Ngoại Sử Chương 5: Thục đạo chí nan nan thượng thanh thiên

Có thể bạn thích