(Gần trọn chương XX trong Hồi Kí)

 

TRỞ VỀ SÀI GÒN – CHUẨN BỊ LẬP NHÀ XUẤT BẢN

 

Thời đó con đường Long Xuyên – Sài Gòn không được yên. Có vài khúc quẹo cứ dăm bữa nửa tháng quân kháng chiến lại đặt mìn mà Pháp không có cách gì ngăn được, mặc dù cứ vài ba cây số lại có một đồn canh, vì đêm lính không dám ra khỏi đồn. Nhiều khi quân kháng chiến ngang nhiên đi thành hàng băng qua lộ cách đồn vài trăm thước, bắt loa khiêu khích mà lính trong đồn làm thinh, vì hễ nổ một phát súng thì đồn bị san phẳng liền. Như có một sự thoả thuận ngầm với nhau: một bên cứ canh gát ban ngày, vô làng xóm bắt gà bắt vịt, bẻ dừa, mận – vừa vừa thôi thì yên; một bên cứ đào đường, đặt mìn ban đêm. Tới chỗ đường bị đặt mìn, đoàn xe đò phải ngừng lại hai ba giờ đợi quân đội tới gỡ mìn, lấp lại đã. Ở mỗi đầu đường, xe đò, xe du lịch, xe nhà binh dồn lại cả trăm chiếc, thành hai dãy dài cả cây số. Hai ba giờ sau đường mới khai thông lại được. Nếu có một chiếc cầu sắt bị phá thì hôm sau xe mới tới Sài Gòn (…).

 

Hôm tôi đi may mắn không gặp trở ngại gì ở dọc đường, nên khoảng hai giờ chiều đã tới Sài Gòn.

 

Nhà ở trong một ngõ sau Hãng Sáo Tân Định, xóm này hầu hết là tiểu tư chức và công nhân. Cháu năm đó đã lớn, đậu bằng Trung học đệ nhất cấp của Pháp rồi. Nhà tôi vẫn dạy học ở số 50 đường Monceau (tên mới là Huỳnh Tịnh Của), do cô bạn chủ trường Aurore sang lại của tên lính thuỷ Pháp đã chiếm của chúng tôi.

 

Ở trong ngõ đó không thể làm ăn gì được. Tôi bàn với nhà tôi xin cô bạn trả lại cho chúng tôi nhà ở Huỳnh Tịnh Của. Họ tốt bụng, trả, mà không đòi tiền sang nhà (…). Nhà này hẹp chỉ có hai phòng 3,5 x 3,5 thước, phía sau là một khoảng 3,5 x 5 thước vừa là sân, bếp, cầu tiêu, phòng tắm. Chúng tôi giữ nguyên hai phòng trước làm chỗ cho nhà tôi mở lớp kèm trẻ em ban tiểu học trường Pháp, một lớp nữa cho lớp mẫu giáo tiếng Việt. Khoảng 3,5 x 5 thước phía sau tôi dời bếp, cầu tiêu, phòng tắm ra chỗ đất trống sau nhà, rồi bỏ sân, lợp mái fibro-ciment thành một phòng rộng non hai 20 thước vuông vừa làm chỗ ăn, chỗ tiếp khách, chỗ ngủ, chỗ tôi viết lách và con tôi học. Tôi chỉ xuất bản tác phẩm của tôi thôi nên không phải xin phép, không phải đóng môn bài, nhưng tôi cũng đặt tên cho nhà xuất bản. Nhà tôi mở lớp mẫu giáo thì xin phép, nhưng đợi cả năm người ta không cho phép, sau nhà tôi dẹp lớp đó. Cả nhà xuất bản lẫn lớp mẫu giáo đều lấy tên tôi.

 

Năm đó tôi 42 tuổi tây (43 tuổi ta), lập lại cuộc đời không phải là sớm, nhưng cũng không trễ vì từ 40 đến 50 là tuổi già giặn, đủ kinh nghiệm, sức làm việc còn mạnh. Ngoài 50 tuổi, sức bắt đầu suy nhưng tôi đã thấy nhiều người quá tuổi đó mà vì hoàn cảnh thúc đẩy, phải lập lại cuộc đời và thành công. Quan trọng nhất là nghị lực chứ không phải tuổi tác. Trước khi lao vào con đường mới, ai cũng lo lắng về những trở ngại này nọ, nhưng khi đã cương quyết tiến được bước đầu thì ta thấy sự thay đổi cuộc đời không có gì khó khăn cả. Vì đã tính toán chuẩn bị kỹ như trên tôi đã nói, nên tôi vững tâm, không e ngại chút gì cả.

 

°

 

GẶP CÁC BẠN VĂN: HƯ CHU, THIÊN GIANG, ĐÔNG HỒ, NGUYỄN HỮU NGƯ

 

Khi ở Long Xuyên tôi đã thư từ với hai nhà văn: Hư Chu và Thiên Giang. Hư Chu tên thật là Nguyễn Kỳ Thuỵ, sinh năm 1923 ở làng Hành Thiện (Nam Định), nổi tiếng về đỗ đạt. Con một cụ cử, sớm thôi học chữ Pháp, về làng học thêm một ít chữ Hán rồi phiêu bạt, làm khá nhiều nghề: buôn bán, nuôi gà, thư ký, thầu rừng, dạy học, chế trà, nghề nào cũng thất bại, năm 1950 có vợ rồi, vào Sài Gòn thử nghề cầm bút, viết truyện feuilleton cho tờ Việt Thanh được ông chủ nhiệm Văn Hoàn có thanh nhãn, biệt đãi, giao cho coi phụ trương Văn chương. Từ đó được tiếp xúc với nhiều văn nhân, danh dần dần lên. Chính lúc ấy (1952) tôi thỉnh thoảng góp ông một bài tạp luận hoặc phê bình văn chương[1]. (Tôi cũng gởi bài cho tập san Giáo dục Việt Nam).

 

Những truyện ông đăng trên Việt Thanh tình tiết ly kỳ, giọng văn cổ kính, du dương, cho nên được một số người để ý tới ngay như Nhất Linh và một vài anh em chúng tôi ở Long Xuyên. Những truyện ấy sau gom lại thành tập Nam Hải truyền kỳ.

 

Ông mất hồi 50 tuổi (năm 1973) vì đứt mạch máu. Tôi đã ghi sự nghiệp của ông trong bài Hư Chu đăng trên tạp chí Bách Khoa số 392, tháng 6-1973.

 

Năm 1953 lên Sài Gòn tôi mới gặp mặt ông. Cảm tưởng đầu tiên là con người ấy giản dị, dễ thương. Ông cởi mở, tự nhiên, thành thực, sẵn sàng giúp bạn mà nụ cười của ông tươi, cặp mắt cận thị của ông hiền. Ngay buổi đầu ông đã tươi cười thú thật với tôi: “Cái vốn chữ Hán của tôi có gì đâu anh; tôi chỉ có một con dao găm, chứ đâu có lưỡi kiếm cây đao nào đâu, múa bậy mà được các anh khen đấy thôi”.

 

Chúng tôi thành đôi bạn thân từ đó, và năm 1954 khi tôi mở nhà xuất bản, ba bốn tháng mới ra một cuốn thì ông giúp tôi: lái chiếc xe máy dầu Peugeot sơn đen đưa tôi lại các nhà in, cùng tôi giao sách, thu tiền, sửa ấn cảo… Có lời, chúng tôi chia nhau để sống. Luôn hai năm, khi tờ Việt Thanh đình bản, ông túng bấn mà vẫn vui. Ông Văn Hoàn thiếu ông bộn, ông đòi mà không được mà cũng không giận. Dễ thương ở chỗ đó.

 

Từ năm 1955, ông dạy Sử Địa cho vài trường trung học tư ở Sài Gòn, không có thì giờ giúp tôi nữa. Đời sống ông từ đó ung dung hơn.

 

Ông Thiên Giang (Trần Kim Bảng) khác hẳn Hư Chu, không phải là một nghệ sĩ mà là nhà cách mạng. Ông cùng tuổi với tôi, gốc ở Quảng Nam, học hết Cao đẳng tiểu học, theo nhóm Đệ tứ, bị Pháp giam ở Lao Bảo một hai năm, mà sau ông viết một tập hồi ký nhan đề là Lao tù, bán khá chạy. Trong những năm 1947-62 ông hợp tác với vài tờ báo, viết chung với Thê Húc, Tam Ích và tập mỏng hơi có tư tưởng xã hội. Hồi tôi gặp ông thì ông dạy Sử Địa cho vài trung học tư ở Sài Gòn và cùng với vợ là Vân Trang coi một tiệm sách ở đường Đinh Tiên Hoàng, phía Đa Kao. Em gái ông, bà Hợp Phố thỉnh thoảng viết truyện cho trẻ em.

 

Bà Vân Trang viết truyện ngắn tả giới phụ nữ nông thôn và tiểu thư trong Nam, văn giản dị, có duyên, khá có tiếng. Bà là con út trong một một gia đình nhà Nho tiểu điền chủ ở Cần Thơ (?). Chị cả là vợ nhà văn và chính trị gia Hồ Hữu Tường. Sau bà này tới bà Tân Sinh, chủ tiệm sách đường Đinh Tiên Hoàng. Bà Tân Sinh biết làm thơ, và chồng viết một tiểu thuyết nhan đề Nọc Nạn, tả bằng một giọng cảm động sự nổi dậy của một số nông dân bị bọn điền chủ cướp công khai phá đất ruộng của họ ở Nọc Nạn. Rồi tới bà Mộng Trung người có tài nhất trong bốn chị em, biết đàn ca, viết văn, có nhiều bài đăng trên tờ Bách Khoa, bạn thân của nhạc sĩ Trần Văn Khê, đáng tiếc là chết sớm. Bốn chị em người nào cũng thông minh, có khiếu về văn, thật hiếm thấy một nhà như vậy.

 

Tôi lên Sài Gòn được ít lâu thì Thiên Giang dắt tôi lại thăm thi sĩ Đông Hồ Lâm Tấn Phát ở nhà sách Yiễm Yiễm thư trang đường Nguyễn Thái Học. Tôi biết danh ông từ 1929-30 mà mãi năm đó mới được gặp mặt. Tôi đã ghi lại cuộc gặp gỡ đó trong bài “Trên mười năm cầm bút và xuất bản” đăng trên Bách Khoa năm 1967, rồi sau in lại trong tập Mười câu chuyện văn chương (Trí Đăng 3-1975). Dưới đây xin trích một đoạn:

 

“Cảm tưởng đầu tiên của tôi là phòng khách - hay phòng sách? của chủ nhân tối quá, hẹp quá, ngổn ngang đồ đạc. Nhưng chỉ mộ lát sau tôi thấy phòng đó thân mật. Nó chỉ cách tiệm sách có một bước chân mà sao không khí ở đây khác hẳn: tôi quên hết ồn ào náo nhiệt ở bên kia bức vách, như vào một thế giới khác. Mấy cô coi cửa hàng ngoài kia khi bước vô đây cũng không còn vẻ giúp nhà buôn nữa mà lễ độ, khép nép như những danh gia tử đệ. Ngày nay nhớ lại không khí ấy, tôi cho phần lớn do tính tình và cách tiếp khách của chủ nhân. Nhiều người đã viết, nói về Đông Hồ, nhưng tôi chưa thấy ai nhắc tới điểm này: ông có lúc như trịnh trọng, nhưng thực ra rất tự nhiên, hồn nhiên nữa; dù là một kẻ đàn em vô danh như tôi mới gặp ông lần đầu tiên, cũng thấy rất thư thái, như đã biết nhau từ lâu. (Người thứ nhì cho tôi cảm giác đó là ông Vi Huyền Đắc, ông này thì thật xuề xoà, dễ thương). Và tôi nghĩ đó là cảm giác chung của nhiều người vì tôi thấy ông tiếp nhiều người, già trẻ, thân sơ, ai cũng niềm nở như ai. Có khi ông dí dỏm nữa. Một nhà cổ nhạc có danh lại thăm ông, ông hỏi ngay: “Hôm nay lại dạy bảo điều gì nữa đây?”. Lần khác, nhà trai lại rước dâu, đã tới giờ “lành” rồi, nhắc đi nhắc lại hai ba lần mà cô dâu – Yiễm, con gái ông – chùng chình mãi không ra, nhà trai nhắc nữa, ông cười bảo: “Gấp gì? Đào mà!”. Tôi suýt bật cười. Đào là đào kép – Mấy hàng này tôi mới thêm vô đây[2].

 

“Lần ấy chúng tôi nói chuyện với nhau khá lâu – mà những lần sau cũng vậy, không lần nào dứt ra về sớm được. Tôi còn nhớ ông bảo tôi:

 

- Ở Long Xuyên có thể viết nhiều được, chứ lên đây, mà nhất là làm việc xuất bản nữa thì bận rộn suốt ngày, không viết được đâu, chỉ vài ba năm sẽ cạn hứng.

 

Tôi không tin nhưng cũng không cãi. Nếu lúc đó tôi thưa với ông rằng tôi phải viết trong một căn phòng ba thước rưỡi chiều rộng, bốn thước rưỡi chiều dài, vừa làm phòng ăn, phòng ngủ, phòng tiếp khách, phòng học của cháu, một bên là căn bếp khói mù, một bên là lớp học độ hai chục em bé thì chắc ông sẽ khuyên tôi nên mua vé xe về Long Xuyên gấp đi cho rồi!”.

 

Tôi có thói này: trước khi làm một việc gì quan trọng ít nhiều, tôi tính toán kỹ rồi mới quyết định, đã quyết định rồi thì dù ai khuyên gì tôi cũng không đổi ý, vì tôi nghĩ người ngoài không thể nào biết rõ khả năng, hoàn cảnh của tôi bằng tôi. Tôi cho đức tự tin rất cần, không có nó không làm được gì cả.

 

°

 

Một buổi tối, khi còn ở hẻm Hãng Sáo, một người gầy, lưng hơi khòm lại chơi tôi, tự giới thiệu là nhà văn, nhà báo, nhà giáo Nguyễn Hữu Ngư, bút hiệu là Ngu Í; vợ là cô Dung cùng dạy trường Aurore với nhà tôi. Tôi chưa hề biết ông mà cũng chưa đọc bài nào của ông cả, thấy ông rất thân mật. Ông viết giúp tờ Phương Đông của Hồ Hữu Tường. Tờ này đương làm một cuộc phỏng vấn các nhà văn Bắc, Nam, mỗi nhà đăng trên một số báo vào ngày chủ nhật. Lần đó ông lại phỏng vấn tôi và tờ báo đầu tiên nhắc đến tôi là tờ ông cộng tác. Lần lần tôi thân với ông, mến ông, ông thường lại tôi chơi mà tôi thì cả năm chỉ lại ông độ một hai lần.

 

Tính tình tốt, hay giúp đỡ người; nhờ ông việc gì ông cũng tận tâm, dù giữa trưa cũng gò lưng đạp chiếc xe cũ mà đi liền; nhất là sách báo ông xin được rất nhiều, đem cho tôi đọc tới ngán, mà ông xin của tôi cũng rất nhiều để tặng các bạn khác.

 

Ông là con một nhà Nho làm ông đồ ở Hàm Tân (Bình Tuy), một hội viên trong Đông Kinh nghĩa thục. Hồi học Pétus Ký (Sài Gòn), có khiếu về văn, được giáo sư Phạm Thiều khuyến khích. Năm 1944-45 giúp việc cho tờ Thanh niên nên quen nhiều người sau làm cách mạng, theo kháng chiến như Lưu Hữu Phước[3], Huỳnh Tấn Phát…

 

Có tài về phỏng vấn: bao nhiêu bài phỏng vấn văn nghệ sĩ đăng trên Bách Khoa đều do ông viết cả, vì trong toà soạn không ai quen biết nhiều nhà văn như ông, cũng không ai như ông chịu đạp xe đi khắp Sài Gòn tìm các nhà văn, có người hai ba lần mới gặp để phỏng vấn. Những bài hay nhất đã được gom lại thành một cuốn nhan đề là Sống và Viết với[4] do ông tự bỏ vốn ra xuất bản năm 1966.

 

Thỉnh thoảng ông bị khủng hoảng tinh thần, bỏ nhà đi lang thang, nói bậy nói bạ, chửi không chừa ai: Ngô Đình Diệm, các thượng toạ lãnh đạo Phật giáo năm 1963… Mới đầu một hai năm mới lên cơn một lần, sau 6-7 tháng một lần, phải đưa vào Dưỡng trí viện Biên Hoà độ nửa tháng, một tháng để điều trị. Sau ngày Giải phóng, bệnh nặng hơn, ông nằm luôn ở viện, khi gần mất mới đưa về nhà. Ông mất đầu năm 1978. Lại điếu ông xong rồi về tôi bùi ngùi nghĩ bụng: “Xong một kiếp người”.

 

Trong bài Tựa cho tập Qê hương[5] của ông, tôi kể một lần ông lại thăm tôi khi bắt đầu lên cơn:

 

“Tôi nhớ là một buổi sáng đầu đông (năm 1967). Tôi mới ngồi vào bàn viết thì anh ôm một chồng sách, loạng choạng bước vào, lưng khom khom, đầu đưa ra phía trước. Anh đặt chồng sách lên mặt bàn, kéo ghế ngồi, móc túi lấy ra một gói thuốc rê, xé một mảnh giấy quyến, lặng thinh quấn. Tôi biết rồi, dẹp tất cả công việc lại, sẵn sàng ngồi nghe anh. Trông chiếc sơ mi nhầu nát, cả tuần chưa thay kia, tôi đoán anh mới ở Châu Đốc, Hà Tiên, Tây Ninh, Chợ Giữa hay Hàm Tân về, chưa biết chừng mới được một ty cảnh sát ở đâu đó thả ra hôm trước nữa. Anh vừa hút thuốc luôn miệng - bình thường anh không hút - vừa kể chuyện. Đủ thứ chuyện. Từ những mộng thời thanh xuân tới những mộng hiện thời, từ chuyện nhà đến chuyện nước, từ chuyện văn thơ tới chuyện chính trị, rồi chuyện bạn thân, bạn sơ, bạn trai, bạn gái, chuyện em chuyện cháu, chuyện hồi kháng chiến, chuyện bị an trí trong bưng… Toàn là những chuyện tôi được nghe anh kể nhiều lần rồi, mà lần này nghe lại, tôi vẫn thấy buồn vô hạn. Tôi gần như không xen vô một lời nào cả, mặc anh thao thao để anh trút bớt nỗi bất bình, nỗi căm phẫn của anh đi. Anh căm phẫn xã hội, anh căm phẫn thời đại, anh căm phẫn mọi người. Anh nhiều lý tưởng, nuôi nhiều mộng cao đẹp mà gặp toàn những điều bất như ý, cứ phải cố nén xuống và sức nén càng mạnh thì sức bùng ra cũng càng mạnh. Có lúc anh nghiến răng, nắm chặt tay vung ra như muốn thoi tôi; có lúc anh mếu máo muốn khóc, rồi bỗng chồm lên, chua chát, cay độc mạt sát phũ phàng người bạn già mà anh quý nhất. Lúc đó tôi chán đời biết bao! Có lúc anh cười gằn ghê rợn rồi ngâm thơ, những bài thơ lục bát hay thất ngôn, ngũ ngôn, thường là bốn câu anh làm rất mau (…).

 

Hôm đó ngồi nghe anh suốt hai giờ, tôi thấy buồn lạ lùng, không phải chỉ buồn cho anh, mà còn buồn cho chính tôi, cho tất cả loài người. Hết thảy chúng ta bề ngoài đều rất nhã nhặn, lễ độ, nhiều khi vui vẻ thỏa mãn nữa, nhưng trong đáy lòng vẫn có những khát vọng cao cả lẫn thấp hèn bị dồn ép hằng mấy chục năm, và có thể một sớm một tối phát ra mà không sao ngăn lại được…”.

 

Tôi gặp vài nhà văn nữa như Lê Văn Siêu, Nguyễn Duy Cần… ở toà soạn tuần báo Mới (mà tôi viết giúp mấy bài) cũng của ông Phạm Văn Tươi, tại trên lầu nhà sách của ông. Tôi lại thăm Lê Ngọc Trụ ở thư khố Sài Gòn đường Gia Long; học giả Lê Thọ Xuân ở nhà in Maurice, gần chợ Bến Thành. Hai ông này rất chú trọng đến chánh tả, và nhờ ông Thọ Xuân mà sách báo của nhà P. Văn Tươi ít mắc lỗi chánh tả cũng như sách của Yiễm Yiễm thư trang.

 

°

 

KHÔNG DẠY TƯ – CHỈ XUẤT BẢN SÁCH CỦA TÔI

 

Ông Lê Thọ Xuân không viết lách gì cả. Vừa quản lý nhà in Maurice, vừa làm giám đốc trường trung học tư Cửu Long, thấy tôi đã dịch mấy cuốn của Dale Carnegie, lại nhà tôi nhờ dạy giúp môn Anh văn. Tôi thú thực dịch Anh văn thì tạm được, chứ nói không được. Ông bảo giáo sư Anh văn ở Sài Gòn thì ai cũng như vậy hết, vừa học vừa dạy. Tôi cương quyết từ chối. Ông có vẻ không vui.

 

Ông Thiên Giang giới thiệu với ông Phan Ngô hiệu trưởng một hai trường trung học tư có tiếng ở Sài Gòn. Ông Ngô nhờ tôi dạy Việt văn cho trường ông, tôi cũng từ chối. Lớp học thì đông 70, 80 học sinh không có kỷ luật, phải hò hét từ đầu giờ đến cuối giờ; dạy như vậy chỉ để kiếm ăn thì ở Long Xuyên còn hơn, lên đây làm gì.

 

Trường trung học tư hồi đó phát triển rất mạnh ở Sài Gòn. Trường nào có được vài giáo sư giỏi, nổi tiếng về Việt văn, Pháp văn, nhất là Toán Lý Hoá thì thanh niên đổ xô tới xin học. Nhiều ông hiệu trưởng chỉ vài ba năm làm giàu rất mau, như Phan Ngô, Vương Gia Cần… Vài anh bạn mới quen của tôi trong giới giáo sư đề nghị hùn với tôi mở trường trung học, chia nhau dạy, người nào cũng có danh tiếng ít nhiều lại có lương tâm thì chắc trường mau thịnh. Rất có thể sẽ thịnh đấy, nhưng thịnh bao nhiêu thì lo lắng, mệt óc bấy nhiêu, tôi từ chối.

 

Một thầy ký giúp việc tôi ở sở Thuỷ lợi thời trước, lúc đó làm thư ký cho một nhà xuất bản sách giáo khoa tiểu học, nhà Việt Hương, đề nghị với tôi mở một nhà xuất bản sách giáo khoa tiểu học và trung học, thầy ấy sẽ giúp vì quen nhiều người ở Bộ Giáo dục, nhiều hiệu trưởng trường. Tôi đáp là chỉ cốt viết và xuất bản ít cuốn đủ sống thì thôi.

 

Vậy là tôi bỏ qua hai cơ hội làm giàu; sau 1965, khi nửa triệu quân Mỹ ồ ạt đổ bộ lên nước mình, tôi lại bỏ một cơ hội nữa: không cất nhà cho Mỹ mướn như vài người đã khuyên. Số tử vi của tôi (giàu lớn nhờ kinh doanh như làm thầu khoán chẳng hạn) đã sai chăng? Mà số tử bình của tôi (tuy có tiền của và danh vọng mà sống thanh đạm, một đời giữ được phong vị một hàn nho) đã đúng chăng? 

 

Ngày nay tôi mừng rằng không làm chủ một trường tư, một nhà xuất bản lớn, gia sản chỉ có mỗi ngôi nhà ở đường Kỳ Đồng, chứ nếu tôi làm ăn lớn, có dăm sáu biệt thự, dăm ba kho sách lớn thì sau ngày giải phóng tất không được sống yên ổn mà sản nghiệp cũng tiêu tan gần hết.

 

Vợ chồng tôi, người dạy học, người viết sách xuất bản, đều theo công thức “tiểu công nghệ”, tự sức mình làm hết, không mướn ai, nên không mang tiếng là tư sản bốc lột. Tôi đã theo đúng lời khuyên của ông nội tôi, luôn luôn nhớ rằng chữ tiền gồm một chữ kim mà hai chữ qua (một thứ binh khí)[6], lợi bất cập hại. Tôi biết tri túc. Tôi cũng theo lời bác Hai của tôi nữa: đời sống vật chất nên dưới mực trung, mà đời sống tinh thần nên trên mực trung. Tôi còn nghĩ rằng đồng tiền do mồ hôi nước mắt làm ra thì mới bền; nếu nó vô rất dễ dàng thì cũng sẽ ra rất dễ dàng, chỉ đáng coi như của phù vân thôi. Các bạn tôi cho rằng tôi có tân học mà sống như một nhà Nho. Tôi chịu ảnh hưởng của đạo Nho về điểm đó, và mừng đã được sinh vào một gia đình Nho học.

 

Sau cùng tôi đi thăm vài nhà xuất bản, hỏi cách thức làm ăn: cho họ hay tôi dự định tự xuất bản lấy sách của tôi chứ không mua tác phẩm của ai, không cạnh tranh với ai cả. Riêng ông Phạm Văn Tươi, tôi xin lấy lại bản quyến tất cả các tác phẩm của tôi (khoảng 10 cuốn), khi mãn giao kèo. Tôi nói thẳng với ông rằng tôi muốn sống bằng cây viết thì tôi sẽ bỏ vốn ra nhờ in. Ông có vẻ buồn, nhưng hiểu tôi, hứa sẽ phát hành sách của tôi như sách của ông. Từ đó tới khi ông dẹp nhà xuất bản, trở về nghề thợ may Âu phục, ông đối với tôi rất sòng phẳng, nhã nhặn.

 

Một ông bạn bảo tôi:

 

- Một mình anh rút ra khỏi nhà xuất bản P. Văn Tươi mà làm cho nhà này rung rinh.

 

Tôi đáp:

 

- Anh nói quá. Tôi đâu muốn làm nhà xuất bản; phải có kho chứa sách, phải giao thiệp, phải đòi tiền, tính tiền… toàn là những công việc mà nhà văn chúng mình không ai thích cả. Giá có một nhà xuất bản nào thấy cuốn nào của tôi bán chạy mà tự ý tăng tác quyền cho tôi, và mỗi năm ráng in cho tôi một cuốn giá trị mà hơi khó bán, miễn đừng lỗ chứ không cần lời, như vậy tôi có thể đủ sống lại viết theo sở thích của mình được thì tôi còn cầu gì hơn nữa, tự xuất bản làm gì cho thêm mệt. Ở bên Pháp đã có trường hợp như vậy: nhà xuất bản Michel Léguy chịu bao tất cả những tác phẩm của Renan sẽ viết và tự ý tăng tác quyền cho Renan nữa, nên Renan ung dung viết lách. Tình hình xuất bản nước mình chưa sáng sủa, chưa có nhà nào theo chính sách đó được, nên tôi phải xuất bản lấy.

 

Tôi đã giữ đúng chủ trương của tôi: trong mấy năm đầu có 5-6 người đem tác phẩm lại bán cho tôi, tôi đều từ chối. Họ hầu hết mới cầm viết, chỉ có một người là học giả khá nổi tiếng. Còn các bạn văn như Hư Chu, Bàng Bá Lân, Đông Xuyên… thì tôi đề nghị các bạn ấy bỏ vốn ra in, mượn tên nhà xuất bản của tôi, tôi sẽ bán giùm như sách của tôi, được bao nhiêu tôi sẽ trả họ hết. (Coi thêm bài Trên 10 năm cầm bút và xuất bản trong cuốn Mười câu chuyện văn chương).

 

Trong công việc làm ăn tôi không tranh với ai nên không ai tranh với tôi. Chẳng những vậy, tôi còn giúp một số nhà văn: gợi đề tài, đưa tài liệu cho họ viết, hoặc đề Tựa cho họ, hoặc giới thiệu họ với một nhà xuất bản.

 

Năm 1960, tác phẩm của tôi đã khá nhiều (trên 50 cuốn), tôi xuất bản không hết vì mỗi năm tôi chỉ in 3-4 cuốn (cả mới lẫn cũ) để có đủ tiền chợ thôi; tôi phải nhường lại cho các nhà xuất bản khác; và có hồi trên thị trường có 4-5 chục cuốn của tôi do một chục nhà xuất bản. Trong một chương sau tôi sẽ nói rõ hơn về điểm ấy.

 

°

 

TÁC PHẨM VIẾT NĂM 1953, 1954

 

Khi lên Sài Gòn, tôi đã định năm đầu xuất bản vài cuốn bán chạy rồi sau mới cho ra cuốn Đại cương văn học sử Trung Quốc mà tôi thích. Tôi đã có đủ tài liệu để viết cuốn Tự học để thành công, và hồi ở sau Hãng Sáo, tôi viết ngay cuốn đó, đem chút ít kinh nghiệm của tôi giúp những bạn trẻ ít học mà muốn mở mang kiến thức, và những bạn mới ra trường muốn bổ túc sự học ở trường. Trong bài Tựa tôi viết:

 

“Hồi mới làm sở Thuỷ lợi, đi đo đất ở miền Tây Nam Việt, có nhiều thì giờ rảnh, không biết làm gì cho hết người, tôi đành phải đọc sách… Gặp sách gì tôi cũng đọc, đọc hỗn độn, vô phương pháp, vô mục đích (…). Thành thử trong hai năm, đọc hàng trăm cuốn mà thực sự có ích lợi chỉ có mỗi một bộ Nho giáo của Trần Trọng Kim mà một người mưa dầm, vào trú chân trong một quán tạp hoá ở Bạc Liêu, tôi tình cờ kiếm được trong một tủ kính ở góc tiệm, bên cạnh những hộp nhang và đèn cầy.

 

Bây giờ nghĩ lại mà tiếc! Thì giờ nhiều mà không biết dùng, chịu đọc sách mà không biết cách đọc… Giá hồi đó, tôi biết phương hướng, tự vạch sẵn một con đường để đi tới đích, thì đã chẳng tốn thì giờ mà còn ích lợi gấp mấy. Làm sao trẻ lại được hai chục năm nhỉ?”

 

Tôi muốn cuốn Tự học bổ túc cuốn Kim chỉ nam của học sinh, cả hai đều chỉ cách tổ chức việc học cả, một cuốn dùng khi học, một cuốn dùng khi ra đời. Vì vậy tôi bàn về những vấn đề rất thực tế: Có những cách nào tự học? – Nên đọc sách cách nào? – Nên học ngoại ngữ ra sao? – Nên viết sách và dịch sách vì như vậy là một cách tự học. - Nên dùng thẻ ra sao? v.v… Có tính cách thực tiễn như vậy nên cuốn Tự học được tái bản nhiều lần; sau tôi sửa chữa, đổi nhan đề là Tự học, một nhu cầu của thời đại.

 

Vì là cuốn đầu tiên tôi tự xuất bản, nên đầu sách tôi có mấy hàng “phi lộ”:

 

“Bốn năm trước, trong bài Tựa cuốn Đắc nhân tâm, chúng tôi đã tự vạch một chương trình hoạt động: viết những sách để giúp các bạn thanh niên bổ túc nền giáo dục ở nhà trường, vì chúng tôi nghĩ học đường chỉ dạy ta cách học và khi ở trường ra ta mới bắt đầu học, học cho tới suốt đời, học để hành, hành để học.

 

Nay lập nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê, chúng tôi có mục đích tiếp tục thực hiện chương trình đó một cách có hiệu quả hơn. Những sách chúng tôi dự định xuất bản thuộc nhiều loại, nhưng hết thảy đều có tính cách chung này là không cách biệt với đời sống mà trái lại, rút bài học ngay trong đời sống để thanh niên hiểu thêm đời, hầu sống một cách đầy đủ hơn.

 

Vậy chúng tôi chú trọng đến thực hành hơn là lý thuyết. Chúng tôi lại để ý đến chính tả, giữ câu văn cho được sáng sủa và có tính cách Việt Nam”.

 

Cuốn đó dày 200 trang, tôi viết bốn tháng mới xong, vì một tháng đau, phải nghỉ viết. Và tôi đưa cho nhà in Việt Hương ở đường Lê Lợi (hồi đó là Bonard) sắp chữ liền.

 

Sau cuốn đó tôi viết cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười. Như trên tôi đã nói, cuốn này tôi đã viết xong từ 1944, chưa kịp đăng báo thì phải tản cư về Tân Thạnh và một đêm cướp vào nhà ôm cái va ly của tôi đi trong đó có bản thảo Đồng Tháp. Tôi rất tiếc, định sẽ viết lại.

 

Đầu năm 1954, tôi lại sở Thuỷ lợi gặp các bạn cũ và họ cho tôi tra cứu trong các tài liệu của sở về Đồng Tháp, dùng các bản đồ của sở. Tôi lại thư khố Nam Kỳ đường Gia Long, nhờ ông Lê Ngọc Trụ tìm cho những tài liệu sử địa về Đồng Tháp, nhất là các số Courrier de Saigon năm 1865-66 về cuộc chống Pháp của Thiên Hộ Dương. Tất cả các tài liệu đó đều ghi trong mục Sách báo để tham khảo ở cuối sách[7].

 

Đọc lại những tài liệu của sở Thuỷ lợi, tôi nhớ lại rành mạch những lần tôi đo đất và kinh lý trong Đồng Tháp, cho nên viết lại lần này tôi thấy dễ dàng và thích như lần trước. Những đoạn có tính cách nên thơ mà năm 1944 tôi đã say sưa viết, bây giờ dần dần hiện lại trong óc, tôi chỉ việc chép lại, chắc chắn là không đúng hẳn nhưng cũng không khác mấy. Chẳng hạn đoạn Tiếng nói sông Cửu Long mà sau vài sách Việt văn cho trung học đã trích; đoạn tả các ghe đậu lại chỗ giáp nước Thủ Thừa; tả chỗ kinh Lạc Giăng (Largange) và kinh Cát Bích (4 bis) gặp nhau ở Gẫy mà nhà văn Bình Nguyên Lộc bảo “không đi tới chỗ thì không sao tả được như vậy”; rồi cảnh tìm vàng chung quanh Tháp Mười, cảnh đầm sen ở giữa đồng mà thi sĩ Quách Tấn thích; cảnh uống rượu dưới trăng trên giồng Lâm Vồ; đời sống một em giữ trâu khiến tôi nhớ truyện Các vì sao (Les Étoiles) của A. Daudet; cảnh sông Cửu Long, cảnh Chợ Thủ; cảnh trăng và nước ở Cao Lãnh (Hàng Châu của Nam Việt) gợi cho tôi nhớ bài Xuân giang hoa nguyệt dạ của Trương Nhược Hư, thi sĩ đời Đường; và truyện Ghen vì hò mà một cô em đọc xong rồi buồn rười rượi trách tôi: “Anh thật tàn nhẫn, truyện thương tâm như vậy mà anh kết một cách thản nhiên, chỉ tả công dụng của cái phảng, không một lời than thở cho người vợ và trách người chồng”. Tôi đáp: “Người viết chỉ cốt gợi lòng thương tâm của người đọc chứ không kể lòng thương tâm của chính mình. Tôi đã đạt được mục đích rồi đấy và đã không nói thay cô, để cô suy nghĩ, như vậy mới có dư âm trong lòng cô!”.

 

Đồng tháp chỉ dày hơn 100 trang, vừa là du ký, vừa là biên khảo, tôi viết hai tháng xong, gởi vào trong đó cả tấm lòng yêu cảnh, yêu người Nam của tôi. Viết lại xong, tôi khoan khoái như làm xong một bổn phận với quê hương thứ hai của tôi. Tôi cũng thích bài Tựa mà tôi mở một các đột ngột.

 

“Người xưa nói: “Phải có duyên mới viết được một cuốn sách”. Tôi muốn nói thêm: “Cũng phải có duyên mới xuất bản được một cuốn sách”. 

 

Tôi đã có duyên được bổ vào làm ở Nam, ngay trong Đồng Tháp; lại có duyên được một anh bạn cũ – anh Vũ Đình Hoè – gợi ý cho tôi viết, nhờ vậy mới viết được cuốn Đồng Tháp nhưng rồi vô duyên nên đã không gởi ra Bắc đăng vào tờ Thanh Nghị được, lại vô duyên bị cướp lấy mất bản thảo, nên không xuất bản được.

 

Nhưng may rủi là cái duyên, cái số phận; có may rủi, có số phận mà cũng có ý chí con người. Tôi đã quyết định viết lại cuốn đó và tôi đã viết lại được. Một ký giả mà tôi quên tên, khi nhã nhặn giới thiệu cuốn ấy với độc giả đã khen nghị lực ấy của tôi.

 

Sở dĩ tôi có nghị lực vì như trong bài Tựa tôi nói:

 

“Viết cuốn này, tôi có ý tặng các bạn Bắc và Trung để các bạn ấy biết thêm một miền trên đất Việt, nhưng cũng là để tặng các đồng bào miền Nam của tôi nữa.

 

Non 20 năm sống trên đất Đồng Nai này, tới đâu tôi cũng được tiếp đón một cách chân thành và thân mật. Một đêm ở trên kinh Phong Mỹ, trong Đồng Tháp, vào đụt mưa trước cửa một căn nhà lá. Lúc đó đã quá hai giờ khuya. Một bà già trong nhà đằng hắn hỏi tôi. Tôi đáp. Tức thì có tiếng lục đục, rồi tiếng quẹt; một tia sáng lọt qua tấm vách lá và một bà cụ mở cửa, mời tôi vào. Căn nhà nhỏ quá, chừng sáu thước vuông, kê mỗi một bộ ván gỗ tạp. Một cô độ mười bảy, mười tám, xếp vội mùng, mền, chào tôi rồi đứng nép một bên. Tôi ân hận làm mất giấc ngủ của chủ nhân, xin lỗi cụ rồi ra đứng trước cửa, nhưng bà cụ không chịu, nhất định bắt tôi vào ngồi nghỉ trong nhà vì “ngoài đó gió lạnh lắm”.

 

Hai bà cháu thức trên một giờ, tiếp chuyện tôi cho tới khi mưa ngớt. Đưa tôi ra cửa bà cụ nói: “Tội nghiệp thầy Hai, đường trơn, coi chừng té đấy”. (…).

 

Tôi nhớ hoài một bà cụ khác[8] rất nghiêm khắc mà rất nhân từ, đã giúp tôi trong lúc tản cư được yên ổn học hỏi và viết sách. Cụ rất ít nói nhưng có những cử chỉ cảm động vô cùng. Một hôm gần Tết, cụ bảo tôi: “Tôi biết thầy có học Nho, không quên tổ tiên, nên bảo trẻ mua đồ cúng, thầy dọn bàn này đi mà cúng ông bà”. Tôi muốn rưng rưng nước mắt. Hương hồn cụ lúc nầy chắc tiêu diêu ở cõi Phật. Một thi nhân vịnh Nam Việt có câu: “Tối khả hoài nhân duy lão mỗ”. Lời ấy thật đúng! Không ai quên được tấm lòng rộng rãi, thương người của các bà già miền Nam”.

 

Viết xong tôi đưa cho nhà Ban Mai ở gần chợ Tân Định in liền. Bán khá chạy. Năm 1971 tôi sửa chữa lại[9], nhường bản quyền cho nhà Trí Đăng xuất bản.

 

Một thanh niên ở Nha Trang đọc cuốn đó rồi nảy ra ý dùng xe đạp đi thăm cao nguyên miền Trung và viết bài đăng trên báo Tự do ngày 15-9-61. Tôi trích dưới đây một đoạn: “Du ký viết về xứ người thì nước mình không hiếm. Nhưng viết về chính lòng đất thân yêu thì vỏn vẹn chỉ có một cuốn: Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười của Nguyễn Hiến Lê. Mà theo tôi thấy, không có cuốn địa lý nào có thể hấp dẫn thanh niên và gây tác dụng mạnh bằng những thiên du ký (…) Vì nó dễ kích thích tinh thần yêu nước của thanh niên hơn những bài địa lý khô khan ở nhà trường (…)”.

 

Đa số các bạn văn của tôi cho cuốn đó tuy mỏng nhưng là một tác phẩm có giá trị, văn tươi mà hấp dẫn, có chỗ nên thơ, gợi tình yêu quê hương đất nước trong lòng người đọc. Ông Đào Duy Anh ở Hà Nội rất thích cuốn đó, bạn văn nào tới chơi ông cũng đem ra giới thiệu và cho mượn đọc. Có thể nói nó mở đầu cho loại địa phương chí xuất hiện khá nhiều trong khoảng 1960-1970.

 

°

 

Năm 1954 tôi còn viết một cuốn mỏng: Săn sóc sự học con em, độ hơn trăm trang, một tháng rưỡi xong, để bổ túc cuốn Thế hệ ngày mai. Một nhà chuyên bán sách ở đường Gia Long xin tôi cho ông xuất bản cuốn đó, chịu trả tác quyền cao: 20% giá bán. Cuốn này có ít cho những phụ huynh có con ở tiểu học, sau được tái bản vài lần. Nó đặc biệt ở điểm nhà sách đó – nhà Văn Chánh – cho in ở Paris ba hay năm ngàn bản tôi không nhớ, chữ đẹp, giấy tốt, và giữ đúng lối viết quốc ngữ của tôi hồi đó: ph in là f, bỏ dấu sắc trong những vần at, ac, oc, ec… như phát, phúc in là fat, fuc. Nha Thông tin định cấm bán, không cho lưu hành, sau nhà Văn Chánh thu xếp cũng êm. Những người chơi sách chắc quý bản in đó vì ngày nay kiếm không ra nữa. Tủ sách của tôi còn vài bản.

 

Tôi không hiểu nhà Văn Chánh in tốn kém như vậy (gửi qua Pháp in rồi từ Pháp lại gửi về), trả tác quyền cao như vậy làm sao có lời được. Lạ nhất là sách không bày bán ở nhiều nơi, không làm quảng cáo gì cả. Có người cho tôi hay ông ta mua sách ở bên Pháp không cốt bán – sách ở tiệm ông ít người mua, nhiều cuốn rất cũ – mà cốt để chuyển ngân. Không rõ điều đó đúng không. Ít năm sau nhà đó đóng cửa và tôi không gặp ông ta nữa.

 

°

 

Năm đó tôi còn thêm hai sự may mắn.

 

Một hôm vào tiệm Khai Trí tôi thấy cuốn Méthode de recherche rationnelle des problèmes de Géométrie plane của J. Chauvel, một giáo sư Pháp. Coi kỹ cuốn ấy tôi thấy phương pháp dạy toán của tác giả rất hợp với phương pháp tôi dùng khi dạy tư ở Long Xuyên: dùng cách phân tích khi chứng minh một định lý và cuối năm dùng cách tổng hợp để ôn lại chương trình. Ông Chauvel đã làm trước công việc tôi định làm, lại làm một cách đầy đủ, rất kỹ lưỡng: bài tập sắp làm hai loại dễ và khó, bài nào khó thì có vài lời hướng dẫn, một học sinh trung bình nếu chịu khó học cuốn đó sáu tháng sẽ giỏi toán Hình học phẳng. Tôi vui vẻ như gặp một tri kỷ, vội vàng xin phép tác giả dịch. Và tôi dịch liền, nhan đề là Muốn giỏi toán Hình học phẳng. Sách bán rất chạy: in 5.000 bản, rồi mười ngàn bản, trước sau sáu lần trong 15 năm. Học sinh rất thích. Tôi cho hai đứa cháu trong nhà, cuối năm đệ ngũ và đệ tứ (thi Trung học đệ nhất cấp) đọc kỹ bài giảng rồi làm hết 450 bài toán trong sách, chúng làm được dễ dàng và từ đó vượt hẳn các bạn về môn hình học.

 

Mấy năm sau tôi dịch tiếp bộ của Chauvel về môn Hình học không gian; và tự soạn cuốn Muốn giỏi toán Đại số cũng giúp học sinh ôn lại chương trình đại số ở trung học đệ nhất cấp và hướng dẫn họ làm toán đại số. Hai cuốn đó bán cũng khá chạy, hiện nay còn có người tìm mua. Đó là điều may mắn thứ nhất.

 

Điều may mắn thứ nhì là có cơ hội tốt để tôi thực hiện một điểm trong chương trình mở mang kiến thức của thanh niên. Từ mấy năm trước tôi đã mua được mấy bộ Histoire universelle của Wells, Histoire de l’humanité của H. Van Loon… đọc rất hấp dẫn, tôi tính sẽ dịch hoặc tóm tắt. Đầu niên khóa 1954-55 trong chương trình Trung học đệ nhất cấp có thêm môn Lịch sử thế giới dạy trong 4 năm. Ông Thiên Giang lúc đó dạy sử các lớp đệ lục, đệ ngũ. Tôi bàn với ông soạn chung bộ sử thế giới càng sớm càng tốt cho học sinh có sách học, khỏi phải chép “cua” (cours). Ông đồng ý. Chúng tôi phân công: tôi viết cuốn đầu và cuốn cuối cho lớp đệ thất và đệ tứ; ông viết hai cuốn giữa cho lớp đệ lục và đệ ngũ. Chúng tôi bỏ hết công việc khác, viết trong 6 tháng xong; tôi bỏ vốn ra in; năm 1955 in xong trước kỳ tựu trường tháng chín. Bộ đó khá chạy, sau tôi nhường cho nhà Khai Trí tái bản.

 

Một chuyện đáng ghi là vì bộ đó mà năm 1956 bị một độc giả ở Cần Thơ mạt sát là đầu óc đầy “rác rưởi” chỉ vì chúng tôi nhắc qua đến thuyết Darwin về nguồn gốc loài người. Chẳng cần nói ai cũng biết độc giả đó là một tín đồ Công giáo.[10]

 

Sau một linh mục ở Trung yêu cầu bộ Giáo dục cấm bán và tịch thu hết bộ sách vì trong cuốn II viết về thời Trung cổ, chúng tôi có nói đến sự bê bối của một vài Giáo hoàng. Bộ phái một viên bí thư có bằng cấp cử nhân tiếp xúc với tôi. Ông này nhã nhặn, khen tôi viết sử có nhiệt tâm, cho nên đọc hấp dẫn như bộ sử Pháp của Michelet; rồi nhận rằng sách tôi được bộ Thông tin cho phép in, lại nạp bản rồi, thì không có lý gì tịch thu, cấm bán được, chỉ có thể ra thông cáo cho các trường đừng dùng thôi; cho nên ông ta chỉ yêu cầu tôi bôi đen vài hàng trên hai bản để ông ta đem về nộp bộ, bộ sẽ trả lời linh mục nào đó, còn bán thì tôi cứ bán, không ngại gì cả. Tôi chiều lòng ông ta. Ông ta lại hỏi lớp mẫu giáo của tôi đã được phép của bộ chưa. Tôi đáp: Đơn nộp cả năm rồi, giấy tờ đủ cả, tôi đã nhắc Nha Tư thục và Bình dân giáo dục mà người ta cứ làm thinh, không cho phép mà cũng không cấm. Ông ta chỉ gật đầu.

 

Hồi đó bộ Lịch sử thế giới của tôi chỉ còn một số ít. Tôi hỏi các nhà phát hành, được biết có lệnh cấm các trường ngoài Trung dùng nó, trong Nam thì không. Chỉ ít tháng sau bộ bán hết, tôi không tái bản. Công giáo thời đó lên chân như vậy. Nghe nói một ông tỉnh trưởng ở miền Tây không dám cho hội Phật giáo cất chùa trong thị xã và bảo: “Công giáo cất nhà thờ, bây giờ Phật giáo cũng xin cất chùa, bộ các người muốn kình với Công giáo hả?”

 

Một hôm bà láng giềng của tôi cho hay: “Ít lâu nay tôi thấy ngày nào cũng có một hai người ngồi ở quán cà phê bên kia đường nhìn về phía nhà thầy và nhà tôi, như rình cái gì. Hôm qua một người vào nhà và hỏi tôi: “Ông Lê ở nhà bên lúc này đi đâu mà không thấy?” Tôi đáp: “Ông ấy đau, nằm ở trong phòng, chứ đi đâu? Thầy cứ vô mà hỏi”. Rồi họ đi.

 

“Vậy là mật vụ rình tôi mà tôi không biết. Vì tôi là công chức thời Pháp mà tản cư lâu quá, về lại không hợp tác với chính phủ Diệm, hay vì bộ Lịch sử thế giới mà họ theo dõi như vậy? Có lẽ vì cả hai.

 

Hơn một chục năm sau, một giáo sư ở Huế vô thăm tôi, hỏi: “Tại sao hồi đó ông không làm đơn trình bày rằng ông đã dùng sách nào để viết về các Giáo Hoàng thời trung cổ đó rồi xin cho bộ sử của ông được dùng trong các trường?”. Tôi đáp: “Tôi không khi nào làm việc xin xỏ đó”.

 

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, giáo sư đó lại thăm tôi nữa, bảo: “Tôi phục tư cách ông từ hồi đó”.

 

Vậy từ khi lên Sài Gòn, tôi bận nhiều việc mà viết lại nhiều hơn ở Long Xuyên mặc dầu chỗ viết chật hẹp, ồn ào, tối tăm. Chỉ trong hơn một năm tôi có thêm tám cuốn (bộ Lịch sử thế giới viết chung, gồm 4 cuốn), cộng với những bản thảo ở Long Xuyên đem lên, như vậy đủ để xuất bản trong 3-4 năm rồi. Sau ba bốn năm đó tôi lấy lại tác quyền cả chục cuốn P. Văn Tươi xuất bản, hầu hết đều tái bản được, không còn sợ thiếu tác phẩm để in nữa. Thế của tôi đã vững.

 

Tôi có tính gặp cơ hội là nắm liền, thấy việc đáng làm, phải làm thì làm ngay và làm cho xong, nhờ vậy tôi thành công, nhưng cũng vì vậy mà sức tôi suy nhiều. (ch. XX).

 

Cuối năm 1953, bệnh loét cuốn bao tử (duodénum) của tôi vẫn còn, lại thêm bệnh lao, khạc ra máu. Tôi cương quyết trị hai bệnh đó một lúc, mà bệnh lao gấp nhất. Thời đó bác sĩ Nguyễn Văn Tạo có tiếng nhất ở Sài Gòn về bệnh lao, ông chích cho tôi Streptomycine, cho tôi uống Rimifon rồi sau chích P.A.S. Thử đàm, thử máu không có vi trùng lao, nên tôi không lo gì cả, chỉ nghe lời bác sĩ hoàn toàn nghỉ một tháng, sau lại làm việc như thường. Từ đó đến nay, tôi khạc ra máu hai lần nữa, chỉ uống thuốc bắc hoặc thuốc nam để cầm máu, và uống thuốc bổ, nghỉ ngơi mươi bữa, không cần đi bác sĩ nữa.

 

Bệnh loét bao tử khó trị hơn nhiều. Tôi uống trước sau 6-7 thứ thuốc, kiêng cơm tẻ, ăn cơm nếp trên chục năm, kiêng đồ cay, chua, rau sống, và bớt dần. Gần đây tôi chỉ uống Gélusil và Tagamet, hai năm không bị một cơn nào nữa. Cần nhất là kiêng ăn, đừng làm việc quá sức. Vì vậy mà tôi không dự các đám tiệc, không thức quá 10 giờ khuya.

 

Chú thích:

[1] Trong danh mục các bài báo trong Phụ lục lại ghi: “Việt Thanh (nhật báo), tôi góp ít bài về văn học trên phu trương văn chương năm 1953 (?)”. Trong Hồi Kí không ghi sự kiện nầy. Nên nhớ rằng đến cuối tháng 11.1953 cụ NHL mới trở lại Sài Gòn. (Goldfish).

[2] Nghĩa là đoạn từ: “Có khi ông dí dỏm nữa” đến “là đào kép” không có trong bài Trên mười năm cầm bút và xuất bản. (Goldfish).

[3] Theo BS Đỗ Hồng Ngọc trong bài Làm rõ vài chi tiết về Nguiễn Ngu Í (http://www.dohongngoc.net/web/mot-chut-toi/vai-doan-hoi-ky/lam-ro-vai-chi-tiet-ve-nguien-ngu-i/ ) thì Lưu Hữu Phước là bạn học cùng lớp, cùng trường Pétus Ký với Nguiễn Ngu Í. BS Ngọc còn cho biết vợ của Nguyễn Ngu Í là Nguyễn Thị Thoại Dung. (Goldfish).

[4] Bài viết về tôi trong tập đó là bài thứ nhì ông phỏng vấn tôi, đăng trên Bách Khoa số 215-216, ngày 15.12.1965 và ngày 1.1.1966.

[5] Theo cách viết của tác giả (Ngu Í): chữ “Quê”.

[6] Tiền: 錢, kim: 金, qua: 戈 (Goldfish).

[7] Bản của nhà Văn hoá Thông tin, năm 2002 không có mục Sách báo để tham khảo. (Goldfish)

[8] Tức thân mẫu của cụ bà Nguyễn Thị Liệp. (Goldfish).

[9] Có lẽ cụ NHL cũng đã viết thêm đoạn đầu bài Tựa cho nên, trong bản in của Nxb Văn hoá Thông tin - 2002, bài Tựa không còn “mở một cách đột ngột” bằng câu: “Người xưa nói: Phải có duyên…”. (Goldfish).

[10] Đã tái bản năm 1994, tại Nxb Văn hoá-Thông tin (BT).

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích