DocSachHay.net
ội nghị Moscow đã tạo đà cho Mao. Ngày 20-11-1957, khi chúng tôi rời Liên Xô, ông đã soạn thảo một chương trình hành động nhằm nâng cao sản xuất. Vì ban lãnh đạo đảng là chướng ngại vật chính cho kế hoạch này, nên trước hết ông phải tìm sự ủng hộ của ban lãnh đạo đảng.

Sau khi trở về, Mao và Giang Thanh ở Hàng Châu hai tuần. Sau đó chúng tôi cùng bay đi Nam Ninh dự hội nghị đảng ở khu tự trị Quảng Tây. Ngay trong chuyến đi, Mao đã tìm cách thu phục các cán bộ đảng để họ ủng hộ kế hoạch của ông.

Chu Tiểu Châu bí thư thứ nhất tỉnh uỷ Hồ Nam đã đón tiếp Mao trong lúc nghỉ giữa chừng đề tiếp nhiên liệu ở Trường Sa. Nhân dịp này Mao chọc tức người lãnh đạo đảng ở quê ông bằng câu hỏi:

- Tại sao sản lượng nông nghiệp ở Hồ Nam không tăng? Tại sao nông dân ở Hồ Nam chỉ thu hoạch được một vụ trong năm?

Chu Tiểu Châu trả lời, điều kiện khí hậu ở Hồ Nam chỉ cho phép thu hoạch một vụ duy nhất. Mao phản đối, nêu tỉnh Triết Giang, trong đó có Hàng Châu, điều kiện khí hậu ở đó cũng tương tự nhưng vẫn thu hoạch được hai vụ một năm.

- Tại sao ở Hồ Nam lại không như vậy – Mao hỏi tiếp.

Cuộc đối thoại làm Chu Tiểu Châu xấu hổ, không biết phải trả lời thế nào.

Mao nói:

- Đồng chí không chịu học kinh nghiệm của những tỉnh khác. Vấn đề là ở chỗ đó.

Chu Tiểu Châu ngoan ngoãn trả lời:

- Từ giờ chúng tôi sẽ học hỏi.

- Học hỏi ở đây nghĩa là thế nào? Như vậy đến bao giờ đồng chí học hỏi được nào? Thôi, đồng chí có thể đi.

Mao cầm một quyển sách lên đọc. Chu Tiểu Châu nhã nhặn cáo từ mọi người, rồi quay lại Mao, hứa:

- Chúng tôi sẽ cố gắng làm hai vụ ngay lập tức.

Khi Chu Tiểu Châu đi khỏi, Mao bực tức ném quyển sách sang một bên, nói gay gắt:

- Đồng chí ấy muốn thử làm hai vụ mà chẳng chịu học hỏi kinh nghiệm của người khác thì chẳng đi tới đâu cả.

Trong những tháng tiếp theo cũng đã có những cuộc trao đổi giữa Mao với những lãnh đạo chủ chốt địa phương cũng như hội nghị đảng bộ những lời cảnh cáo tương tự. Dần dần, Chủ tịch đã thành công, thu hút cả những người nhút nhát cũng hứa sẽ ủng hộ con đường ảo tưởng của ông.

Tại hội nghị đảng ở Nam Ninh sau đó, ông đã làm một cuộc thử nghiệm vĩ đại đưa toàn đảng đi theo đường lối của ông.

Nam Ninh, một thành phố cổ kính, nhà cửa nhiều màu sắc đẹp mắt và sạch sẽ. Phố xá ở đây hẹp, ban công ở các tầng trên chìa ra che cho các cửa hiệu nhỏ và khách bộ hành trước những cơn mưa bất thường ập tới. Vùng này ấm, ẩm ướt, cây cỏ xanh tươi quanh năm. Ngay cả trong tháng giêng, khi chúng tôi tới đây, thời tiết rất dễ chịu, nhiệt độ 26 độ C. Những cây cam và bưởi trổ hoa, làm cho không khí thoảng hương thơm. Con người ở đây ăn mặc cũng sặc sỡ. Ở vùng này có người Choang, một dân tộc thiểu số. Phụ nữ mặc váy ngắn duyên dáng, đầu quấn những chiếc khăn nhiều màu sặc sỡ.

Người dân Nam Ninh giản dị, ngay thẳng. Đây là vùng không giàu, cũng không phải vùng kinh tế phát triển cao. Các quan chức của thành phố lấy làm hãnh diện mời được Mao tới thăm và ra sức thực hiện bổn phận chủ nhà. Người ta tuyên truyền Mao và vợ ông là những người giản dị. Cũng chính từ miệng các quan chức tuyên truyền mọi người tin chắc rằng, Mao sẽ đánh giá cao những gì người ta dành cho ông. Khi chúng tôi đến vào đầu tháng Giêng, vài ngày trước khi hội nghị khai mạc. Người ta đã bố trí cho Chủ tịch và vợ ông ở trong hai toà nhà riêng biệt. Thực ra, đó là nhà khách của Uỷ ban hành chính tỉnh. Hai toà nhà này nằm trên một đồi cây yên tĩnh, phong cảnh xung quanh rất đẹp. Mao chẳng phàn nàn gì, nhưng Giang Thanh lại không chịu được nơi ở này.

Vài ngày sau khi chúng tôi tới đây, bà vẫn để tôi nghỉ ngơi. Các y tá của bà đã làm khổ bà. Bà nói vậy, yêu cầu tôi phải khiển trách những cô y tá này. Trong nhiệm vụ của tôi có cả việc quản lý nhân viên chăm sóc cho Giang Thanh, nếu bà không hài lòng với các cô y tá, tôi phải can thiệp.

Giang Thanh quả quyết, các nhân viên đã làm bà bị cảm lạnh. Nhà khách chẳng có hệ thống sưởi trong các phòng, ban đêm trời trở lạnh, các nhân viên phục vụ Giang Thanh đã đặt một lò sưởi điện. Lò sưởi này không có bộ phận điều chỉnh, khi cảm thấy quá nóng, tắt sưởi bà lại kêu quá lạnh. Cán bộ cơ sở ráo riết tìm cách giải quyết, cuối cùng họ cử một tổ sang Hong Kong mua được một lò sưởi xách tay hiện đại, được làm nóng bằng một hệ thống ống chứa nước nóng tuần hoàn, nhiệt độ căn phòng đã được ổn định.

Giang Thanh có thói quen tắm trước khi đi ngủ, nhưng nhà khách không có vòi tắm hoa sen và hệ thống nước nóng. Các y tá đổ nước ấm vào trong những cái chậu, thay nhau dội nước lên người Giang Thanh, khi nước trong chậu nguội đi, Giang Thanh đổ tội cho các cô y tá cố tình dội nước lạnh làm bà bị cảm.

Bởi vậy, cán bộ cơ sở lại phải cử người đi Hong Kong mua một hệ thống vòi tắm hoa sen nóng lạnh. Trong khi lắp hệ thống hoa sen, người ta yêu cầu Giang Thanh tạm thời rời khỏi nhà khách. Bà từ chối không chịu đi và vẫn tiếp tục trách móc các y tá. Khi tôi tới để tìm cách hoà giải, bà lại trút cơn giận lên đầu tôi, quả quyết rằng tôi cũng muốn ép bà chuyển ra khách sạn.

Nói chuyện nghiêm túc với Giang quả là không thể được. Tôi tức tối trình bày việc đó với Mao.

Mao nói:

- Giang Thanh là một con hổ giấy. Nhiều việc cứ phải lờ đi, đồng chí đừng chấp. Các cô y tá cũng chẳng phải gì mà sợ. Đồng chí hãy nói với họ, tôi biết và đánh giá cao công việc của họ làm.

Giang Thanh cũng tức giận và chất vấn chồng về chuyện này. Một vệ sĩ nghe được Mao nói với vợ:

- Bà cũng biết câu nói: Nếu mẹ ốm quá 100 ngày, đến con đẻ cũng bỏ đạo làm con. Người ta làm việc chỉ để kiếm tiền, chứ không nghĩ đến việc phục vụ chu đáo đâu.

Lúc có mặt tôi, Mao trách vợ và khen các cô y tá. Nhưng trước mặt vợ, ông lại chỉ trích họ. Nhưng Mao có vẻ muốn thuyết phục vợ hoà giải với tôi.

Một lần Giang Thanh hỏi tôi khi những chuyện cãi vã giữa chúng tôi vẫn còn chưa chấm dứt:

- Đồng chí có biết tôi thường nhường đồng chí không?

Tôi trả lời không biết.

Bà tiếp lời:

- Đồng chí có những điểm mạnh và điểm yếu đáng chú ý. Đồng chí rất sáng suốt khi giải quyết các vấn đề và có hành động cương quyết. Cả Chủ tịch cũng đánh giá cao sự sáng suốt của đồng chí. Nhưng đồng chí là người trí thức kiêu căng. Nếu đã có ý định chẳng có gì ngăn cản nổi đồng chí. Thế nhưng Chủ tịch không cho phép tôi được khiển trách đồng chí. Đồng chí biết không?

- Không, tôi không hiểu đồng chí đang nói gì.

- Có lúc tôi không chịu được đồng chí. Nhưng Chủ tịch muốn giữ đồng chí lại, vì ông hợp đồng chí. Tôi và đồng chí là đồng minh, cả hai chúng ta đều làm việc cho Chủ tịch. Tôi đã nói những suy nghĩ của tôi. Thế đồng chí nghĩ gì về tôi?

Tôi đáp:

- Tôi chẳng có ý kiến gì. Nhưng tôi tin, với trình độ học vấn và lý lịch gia đình, tôi không thích hợp với công việc ở đây. Tôi vẫn hy vọng có ai đó có thể thay thế được tôi.

Giang Thanh càng bị kích động và mất kiên nhẫn:

- Chủ tịch sẽ quyết định về tư cách của đồng chí.

Một vệ sĩ nghe được cuộc đối thoại của chúng tôi. Anh ta nói với tôi sau khi tôi rời khu ở của Giang Thanh:

- Đồng chí bác sĩ Lý này, đồng chí Giang Thanh có vẻ muốn đối xử tử tế với đồng chí đấy. Cả Chủ tịch cũng giận đồng chí Giang Thanh. Mới đây tôi nghe được khi đồng chí ấy vừa ra khỏi phòng, Chủ tịch ca cẩm: “Tôi đang bận, bà cứ làm rối tung rối mù ở đây. Không thể cứ thế này mãi”.

Nhưng Giang Thanh vẫn tiếp tục gây rối. Phòng tắm vẫn chưa được giải quyết, bà vẫn tiếp tục chửi mắng các cô y tá, khiến họ nước mắt giàn giụa chạy lại giãi bày với tôi. Tôi chẳng biết phải làm gì nữa. Trưởng ban an ninh Vương Kính Tiên, một người có năng lực, đã thông báo cho tôi biết, công việc của ông ta chỉ được giới hạn trong vấn đề bảo vệ an toàn cho các vị lãnh đạo cao cấp. Và Diệp Tử Long cũng cho vấn đề phòng tắm của Giang Thanh không phải bổn phận của ông. Thế là tôi buộc phải sử dụng toàn bộ ngón võ miệng của mình để thuyết phục bà vợ của Chủ tịch ngủ tạm một đêm ở khách sạn. Cuối cùng bà đồng ý. Hệ thống nóng lạnh và vòi hoa sen lắp rất nhanh.

Giang Thanh vẫn chưa hài lòng. Bây giờ lại ca cẩm xung quanh khu nhà ở quá ồn ào. Tất cả cán bộ cơ sở, nhân viên an ninh cùng với bộ phận nhà bếp phải chuyển xuống khu nhà dưới chân đồi, đường xá quanh khu đồi cấm xe cộ qua lại, chỉ để làm vừa lòng bà ta.

Trong hội nghị đảng ở Nam Ninh có các cán bộ đảng toàn quốc và các tỉnh tham gia. Hội nghị khai mạc vào ngày 11-1-1958 và ngay từ ngày đầu tiên một bầu không khí căng thẳng đã bao trùm hội nghị. Những người dự hội nghị như bị kích dộng, đa số người soạn thảo kế hoạch kinh tế của đảng đều cho dự định đuổi kịp Anh trong 15 năm của Mao là ảo tưởng. Còn Mao trong 11 ngày này đã phải mất rất nhiều thời gian để chống lại những cán bộ kế hoạch, phát triển và tài chính. Chỉ có rất ít người không bị Mao đụng tới, ngay cả Chu Ân Lai và Trần Vân cũng không thoát khỏi sự chỉ trích của ông.

Bốn ngày sau buổi khai mạc, uỷ viên dự khuyết bộ chính trị Trần Bá Đạt gọi tôi vào phòng ông ở khách sạn. Trần bị cảm muốn nhờ tôi điều trị. Thực ra ông muốn trở lại Bắc Kinh, nhưng đang bị Mao chỉ trích, sợ rời cuộc họp sẽ bị quy kết tự ý bỏ hội nghị. Trần cũng bị mất ngủ. Phòng trên buồng ông ở có một ai đó làm ồn cả đêm, ông muốn nhờ tôi xem ai ở trên đó mà cứ đi đi lại lại bình bịch trên sàn như vậy. Nhưng người đi đi lại lại cả đêm cũng có thể một lãnh đạo cao cấp, tôi chẳng có quyền hạn gì ngăn cấm bất cứ ai trong khách sạn này cả. Tôi hỏi ra, người ở trên phòng đó là Bạc Nhất Ba, Chủ tịch Uỷ ban Kinh tế nhà nước, cũng đang bị Mao chĩa mũi súng, căng thẳng thần kinh cả đêm không ngủ được nên cứ đi đi lại lại trên đầu Trần Bá Đạt.

Hoàng Kính, chồng cũ của Giang Thanh, chủ tịch Uỷ ban Kinh tế và Kỹ thuật, chịu trách nhiệm về vấn đề phát triển công nghệ phải chịu khuất phục trước áp lực của Mao. Gần đến khi kết thúc hội nghị, Kha Thanh Thế, thị trưởng thành phố Thượng Hải đã yêu cầu tôi khám cho Hoàng Kính. Sau nhiều lần bị Mao công kích gay gắt, ông ta đã có những biểu hiện không bình thường.

Hoàng Kính nằm trên giường, nhìn trừng trừng lên trần nhà và lảm nhảm những câu khó hiểu. Ông ta van xin tôi: “Cứu tôi với! Cứu tôi với!”

Dương Thượng Côn thu xếp cho ông ta đi điều trị ở thành phố Quảng Châu gần đó. Lý Phú Xuân, phó thủ tướng và chủ tịch Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Tập Trọng Huân, Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước đưa Hoàng Kính đi. Trên máy bay ông ta cũng có những cử chỉ kỳ lạ. Ông quì xuống và đập đầu xuống sàn trước mặt Lý Phú Xuân, van xin Lý hãy thả ông ra, tha mạng cho ông. Ông được đưa vào một bệnh viện quân y ở Quảng Châu, bị gẫy một chân trong một lần ông định trốn viện. Sau đó tôi không nghe được tin tức gì về ông nữa. Mãi sau này tôi mới biết ông chết vào khoảng tháng 11-1958.

Thái độ của Mao rất trái ngược đối với những người ông đã làm cho họ căng thẳng. Sau vài lần nổi giận, ông bắt đầu tỏ ra nhũn nhặn, tử tế, thậm chí lúc bế mạc hội nghị, còn tự bỏ sự phân biệt cấp trên cấp dưới thường ngày. Ông dự liên hoan bữa trưa tổng kết hội nghị, tỏ vẻ khoái khẩu món đặc sản “Long Đả Hổ” được nấu từ thịt rắn độc (tượng trưng cho rồng) và thịt mèo rừng (tượng trưng cho hổ). Món “đặc sản” này rất béo, khó nuốt, vậy mà Mao cứ khen ngon.

Hôm sau, Mao đi bơi ở sông Vĩnh Giang, chảy qua phía trước thành phố. Nhiệt độ của nước khoảng 20 độ C nghĩa là rất lạnh đối với việc bơi lội. Mao cứ nhất quyết đòi bơi, tôi phải đi tháp tùng. Như thường lệ, ông ngâm mình một tiếng liền dưới nước và đến ngày hôm sau bị ho và sổ mũi.

Lại một lần nữa, ông chỉ nghe theo lời khuyên của bác sĩ khi ông cảm thấy bệnh trở lên nghiêm trọng. Thế nhưng sau khi uống thuốc ông bình phục rất nhanh.

Tiếp theo hội nghị ở Nam Ninh là hàng loạt những cuộc họp đảng do Mao triệu tập trong những tháng tiếp theo. Với những lời châm chọc, động viên, phỉnh phờ, kể cả giận dữ, Mao tìm cách đưa đảng đi theo đường lối của ông. Đầu tiên ông buộc tội những cán bộ tỉnh, sau đó ông buộc tội những người soạn thảo kế hoạch kinh tế đã làm cho nền kinh tế trì trệ, chậm phát triển. Tuy nhiên cứ sau mỗi cuộc họp, những chỉ tiêu kế hoạch lại được nâng lên một chút và đến khoá họp thứ hai của Đại hội đảng lần thứ VIII vào tháng 5 năm 1958. Mao đã chuẩn bị xong kế hoạch Đại nhảy vọt của ông.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích