DocSachHay.net
ưởng mùa hè này gây khó chịu nhất đối với tôi là những cơn giông bão ở Bắc Đới Hà, nhưng hoá ra không phải thế. Lần đầu tiên tôi được nếm cơn giận dữ của Mao mà lỗi do Phó Liêm Chương gây ra.

Ngay sau khi về Bắc Kinh vào tháng 6-1956, Phó Liêm Chương đề nghị tôi báo cáo sức khỏe của Mao cho ông. Phó vẫn chịu trách nhiệm chung về sức khỏe của Mao. Phó viết cho Chủ tịch một bức thư, yêu cầu tôi đưa tận tay. Trong thư ông giới thiệu một thứ thuốc ngủ mới, biệt dược Phanodorm của Tây Đức và thông báo thuốc đã được kiểm tra cẩn thận, yêu cầu nhóm bảo vệ sức khoẻ chúng tôi dùng cho Chủ tịch.

Tôi thấy không cần thiết phải dùng thuốc mới. Từ khi tôi thay đổi cách điều trị, Mao ngủ tương đối tốt hơn, trung bình từ 6 đến 12 giờ trong một ngày đêm, chẳng có lý do gì phải dùng biệt dược mới. Phó phải biết rõ hơn ai hết Chủ tịch chẳng ưa bác sĩ khám xét. Chính Phó đã từng kể chuyện đoàn bác sĩ Liên Xô khám cho Mao năm 1951 bị bỏ dở, để cảnh báo tôi Mao rất ghét khám bệnh.

Tôi trình bày sự không đồng tình của mình với Phó.

Ông đồng ý gác lại việc dùng thuốc ngủ mới, nhưng khăng khăng yêu cầu tôi khuyến khích Mao đi kiểm tra sức khoẻ. Phó lại nhắc đi nhắc lại, ông theo Mao từ những năm 30 và luôn luôn được tin tưởng, bảo: “Đồng chí cứ chuyển cho lãnh tụ thư của tôi” – Phó gọi hai chuyên viên Nội khoa từ Trường Đại học Tổng Hợp Y khoa Bắc Kinh chuẩn bị đến để kiểm tra. Tôi lại phản đối, nhưng Phó đột ngột cắt lời, nhìn tôi với ánh mắt lạnh lùng, phán:

- Đồng chí đừng có nhiều lời, mọi việc đã quyết.

Tôi trong tình thế rất khó xử. Về hình thức, Phó Liêm Chương là thủ trưởng, tôi không thể không tuân lệnh. Tôi biết Mao sẽ bác đề nghị của Phó, và tất cả các bực tức của Mao có thể đổ xuống đầu tôi nếu chuyển bức thư này. Tôi tính kế hoãn binh.

Hai ngày sau. Phó bực mình vì sự chậm trễ và yêu cầu tôi đưa thư tận tay Mao ngay.

Tôi chẳng còn cách nào khác, chuẩn bị tinh thần gặp chủ tịch.

Mao vừa mới bơi xong, đang tắm nắng, trông thấy tôi, ông hỏi:

- Sao đồng chí đến muộn thế? – Mao muốn biết lý do vì sao. – Bác sĩ cũng cần phải chăm sóc sức khoẻ của mình chứ.

Tôi thay quần bơi, nhảy ùm xuống bể.

- Đừng để ý đến tốc độ vội, cứ luyện sức dẻo dai đã – Mao hướng dẫn tôi, trong khi vẫn phơi nắng.

- Tôi vẫn chưa thuộc cách bơi của Chủ tịch – Tôi trả lời – vẫn cần tập nhiều.

Mao lội xuống, bơi sát bên để tôi biết rõ cách bơi của ông. Mao khen:

- Đồng chí có thể lực tốt đấy.

“Bắt đầu được rồi”, tôi nghĩ thầm, nói:

- Khi chúng ta ở Vũ Hán, Chủ tịch bơi ở sông Dương Tử mỗi lần vài giờ liền thế mà nhịp tim và hệ tuần hoàn vẫn bình thường.

- Đồng chí lại nịnh tôi rồi – Mao cười.

- Không đâu, tôi nói thật đấy. Nhiều thanh niên không thể bơi lâu như vậy được. Có thể lấy ví dụ – thậm chí ngay cả một thuỷ thủ không đủ sức bơi cùng với chúng ta.

- Sao tôi không biết điều này nhỉ?

- Khi bơi có đông người, đồng chí Uông Đông Hưng giấu chuyện anh thuỷ thủ sợ phiền lòng người khác.

- Trong trường hợp như thế có gì mà phải phiền lòng. – Mao nhận xét – Thể trạng mỗi người khác nhau, không ai giống ai.

- Không có gì bằng, nếu bây giờ Chủ tịch đi kiểm tra sức khỏe tổng thể trong khi đang rất khoẻ mạnh hay biết bao – Tôi thận trọng thăm dò – Kết quả khám sẽ dùng làm bảng tiêu chuẩn cho những kỳ kiểm tra trong tương lai.

Tôi không nói chính Phó Liêm Chương yêu cầu, e Chủ tịch buộc tội tôi thụ động nghe lời của Phó mà không có trách nhiệm cá nhân.

Mao liếc nhìn tôi, lắc đầu:

- Đấy chỉ là ý kiến riêng của bác sĩ. Khi nông dân đau ốm, họ cũng chẳng để ý. Mọi thứ sẽ tự qua đi. Thậm chí nếu ốm nặng, không phải ai cũng tới bác sĩ. Thuốc chỉ chữa được bệnh tật thông thường, không chữa được bệnh nan y. Có thật thuốc có thể chữa được các loại bệnh không? Thí dụ, ung thư chả hạn. Chẳng lẽ bác sĩ có thể chữa được nó à? Tôi nghĩ là không!

Tôi cố giải thích, giai đoạn đầu của ung thư người ta có thể chữa được nếu khối u đó chưa thành ác tính, bằng phẫu thuật hiện đại có thể loại bỏ được.

- Tuy nhiên nếu không có sự khám xét tổng thể, không thể phát hiện ung thư ngay từ giai đoạn đầu.

Mao ngắt lời tôi:

- Đồng chí hãy cho ví dụ?

Phần đông những người lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc là những người tương đối trẻ và khỏe mạnh. Đương nhiên, tôi không thể lấy họ ra làm ví dụ được đành nói về một số trường hợp chữa thành công về ung thư vú.

Mao cười, vì tôi đã công nhận ông lập luận đúng.

- Ung thư vú – ông nhận xét – có thể nhận biết bằng mắt thường. Nó phát sinh ra trên bề mặt cơ thể, vì thế có thể phát hiện kịp thời và chữa chạy bằng mổ xẻ. Tuy nhiên có nhiều thể ung thư, không phải loại nào cũng chữa được. Hiện nay y học còn bó tay.

Mao ngừng một lát, sau đó hỏi:

- Có phải đồng chí muốn nói với tôi nên kiểm tra sức khoẻ phải không?

- Đây là thư của thứ trưởng Phó Liêm Chương – tôi lấy từ trong túi ra – Chủ tịch hãy đọc qua.

Đọc sơ qua bức thư, Mao giận dữ quát:

- Lại Phó Liêm Chương, biết ngay mà, ông ta chẳng có việc gì làm. Bây giờ tôi không có thời gian để theo ý ông ta vẽ ra. Hãy chờ khi tôi đến Bắc Đới Hà.

Thế là chúng tôi quyết định cử các bác sĩ của Phó đến Bắc Đới Hà, kiểm tra sức khỏe tại đó.

Phó không giấu vẻ vui mừng.

- Thấy chưa – ông nói – khi Chủ tịch biết của tôi, ông đồng ý ngay lập tức.

Phó vẫn còn ngây thơ cho rằng lãnh tụ đối xử tốt với ông giống như cách đây 30 năm.

Bộ y tế lập kế hoạch tỉ mỉ khám tổng thể cho Chủ tịch và Giang Thanh. Khám cho Mao là giáo sư Trương Tiểu Giang và Đặng Kiếm Đông, thuộc Trường Đại học Tổng Hợp Y Khoa Bắc Kinh. Kiểm tra sức khoẻ cho Giang Thanh được giao cho bác sĩ Vũ Ánh Phương và Lâm Giảo Trí. Họ không cần chờ lâu. Giang Thanh đến đúng ngày và việc khám được tiến hành. Chủ tịch đã ở Bắc Đới Hà, nhưng không đến bệnh viện. Các giáo sư chờ gần hai tuần lễ, nhưng tôi không dám nhắc Chủ tịch đến hay không, ông rất bận. Cuối cùng Phó gọi điện phê bình tôi, bảo, hai bác sĩ có việc cần trở về Bắc Kinh gấp, yêu cầu tôi nhắc Chủ tịch đến kiểm tra sức khỏe.

Tôi cho rằng chuyện này đơn giản, vì Mao đã đồng ý kiểm tra sức khỏe chỉ chờ thời gian thuận tiện. Hôm sau, tôi gợi chuyện trong lúc học tiếng Anh. Tôi nói với Mao rằng các chuyên gia từ Bắc Kinh đã đợi 2 tuần, muốn biết khi nào ông kiểm tra sức khỏe.

Mao trả lời:

- Để cho họ nghỉ ngơi một chút tránh cái nóng Bắc Kinh đã – Mao trả lời.

- Thế tôi sẽ nói với họ thế nào? – tôi lo lắng hỏi.

- Nói cái gì cơ?

Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

- Chẳng lẽ chúng ta chưa nói chuyện về việc khám bệnh đấy sao.

Mao tự nhiên cáu kỉnh:

- Ai nói rằng tôi đi kiểm tra sức khỏe?

Tôi nhắc khéo:

- Chính Chủ tịch đề nghị khám ở Bắc Đới Hà?

Bỗng nhiên Mao khùng lên:

- Tôi không thể đổi ý được hay sao?

Ông to tiếng:

- Tôi thậm chí có thể bác bỏ quyết định của Bộ chính trị. Thằng Uông Đông Hưng chắc lại nghĩ ra cái trò này. Không khám xét gì hết! Bảo nó cút khỏi đây.

Tôi hoàn toàn không hiểu tại sao lãnh tụ lại giận dữ đến như thế, cũng không thể hiểu ông ra lệnh đuổi ai.

Tôi lúng túng đáp:

- Thưa, đây là ý kiến đề nghị của Thứ trưởng Phó Liêm Chương, chứ không phải Uông Đông Hưng đâu ạ.

Mao thét lên:

- Đuổi mẹ cả thằng Phó bố láo đi!

- Nhưng ông ta không có đây – tôi nói lí nhí – Tuy vậy tôi tin Mao cho rằng tôi có thể huỷ chuyện kiểm tra sức khỏe của ông.

Cơn giận dữ của Mao thật bất ngờ và bất thường đến nỗi tôi hoàn toàn lúng túng. Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho lãnh tụ là chuyện bình thường của người bác sĩ, không có chuyện gì sai cả. Nếu không muốn, ông có thể lịch sự khước từ, cớ sao lại cáu giận.

Khi tôi ra ngoài phòng, Lý Ẩm Kiều chạy theo giải thích:

- Chủ tịch không cáu giận đồng chí đâu.

Hoá ra Lý Ẩm Kiều và vệ sĩ Tiểu Chương đứng ngoài cửa nghe được. Lý nói tiếp:

- Mấy hôm nay Bộ chính trị họp. Ngoài ra, còn có một số cuộc họp với các bộ trưởng của Quốc vụ viện, với các bí thư tỉnh uỷ. Thảo luận nhiều vấn đề. Chủ tịch còn phát cáu vì có quá nhiều bảo vệ trong đoàn tầu của ông và đám đông nhân viên an ninh trong thời gian Chủ tịch bơi trên sông Dương Tử. Tôi cũng không rõ chuyện đó ra sao nữa.

Nghe xong, tôi nghĩ, có thể, Mao không hoàn toàn cáu tôi, mà cáu ai đó trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp, nhân chuyện tôi, ông tuôn ra sự bực dọc đó.

- Nếu ngày mai Chủ tịch không giải thích cho đồng chí vì sao, chắc đồng chí Giang Thanh cũng nói thôi – Lý an ủi – Đừng lo lắng, quẳng cái ấy ra khỏi đầu đi.

Nhưng tôi không cách nào thể an tâm được. Tôi thường thấy, Mao cư xử thô lỗ với người khác như thế nào, nhưng ông chưa lần nào giận giữ và thô lỗ, văng lời khiếm nhã như thế này với tôi. Tôi rất buồn và thất vọng. Tôi sẽ phải làm việc như thế nào với con người nóng nảy, tính khí bất thường này đây? Bỗng nhiên tôi hiểu việc phục vụ lãnh tụ hoá ra cũng đầy khó khăn và nguy hiểm. Tôi muốn thoát khỏi Trung Nam Hải, về làm việc ở bệnh viện nào đó.

Trở về phòng riêng, tôi tự kiểm lại bản thân để tìm nguyên nhân, và hiểu ngay rằng mình cũng có lỗi trong vụ này. Biết Mao không thích kiểm tra sức khỏe mà cứ nài nỉ. Hình như ông ừ ào qua quýt chỉ để tôi đừng đả động đến việc này nữa. Từ trước tôi không quan tâm đến chính trị, vì thế tôi không hiểu Mao có những chuyện gì xảy ra ở Bắc Đới Hà. Có thể, ông đang gặp những vấn đề hóc búa, còn tôi đưa ra ý kiến chẳng đúng lúc. Tôi đúng là kẻ vô tâm.

Chiều hôm sau Mao gọi tôi đến. Khi tôi có mặt ở văn phòng ông, Mao cười và nói:

- Làm việc với tôi không dễ chịu chút nào, đúng không?

Tôi cũng cười, thay cho việc đáp lại.

Mao nói:

- Nổi cáu là một trong những vũ khí của tôi. Khi người ta muốn tôi phải làm cái tôi không muốn tôi nổi khùng, thế là họ thôi. Vừa qua tôi nổi khùng không phải với các bác sĩ, đừng chấp tôi làm gì. Tôi luôn luôn cho rằng không những cần phải phê bình, còn phải tự phê bình nữa. Vì thế, nếu mai kia đồng chí cho rằng tôi có cái gì không đúng, nói thẳng với tôi, đừng nói sau lưng tôi. Kiểu ấy tôi rất ghét.

- Thưa Chủ tịch – Tôi trả lời – Tôi đã hành động thiếu suy nghĩ, đem chuyện khám bệnh ra bàn không đúng lúc.

- Ở Bắc Đới Hà tôi có nhiều chuyện quan trọng phải làm.

Mao giải thích. Ông nói, vài tuần nữa sẽ khai mạc Đại hội lần thứ VIII Đảng cộng sản Trung Quốc, phải chuẩn bị nội dung, không có thời gian kiểm tra sức khỏe.

- Hãy chuyển lời cho các bác sĩ rằng tôi rất bận – ông yêu cầu – Tôi sẽ đi kiểm tra sức khỏe sau – Ông nghĩ một lát, rồi tiếp tục, giọng bình tĩnh hơn:

- Hãy quan tâm đến các bác sĩ ấy. Nếu họ muốn, họ có thể ở lại Bắc Đới Hà lâu hơn. Bác sĩ Trương Tiểu Giang người cùng quê Hồ Nam với tôi. Có thể, tôi cố thu xếp thời gian để chuyện trò với ông.

Tôi vẫn chưa biết về tình hình chính trị trong nước, nhưng cũng cảm thấy rằng Mao giận dữ ai đó.

Sau khi làm lành, cũng như trước đây, Mao tin và tôn trọng tôi. Chúng tôi hàng ngày học tiếng Anh, mỗi khi mất ngủ ông gọi tôi đến tâm sự. Chủ tịch thường phẫn nộ bởi chính sách của Liên Xô trong quan hệ với Trung Quốc, ông thường nhắc, ta cần học hỏi phương Tây. Ông cho rằng tư duy phương Tây giúp đỡ việc hồi phục văn hoá của đất nước lạc hậu chúng ta. Mao chống lại sự bắt chước mù quáng, muốn trên cơ sở kết hợp văn hoá phương đông và phương tây tạo ra một nguyên tắc mới để phát triển nhưng không được lai căng. Khi tôi lưu ý Mao về sự khác nhau giữa hai nền văn hoá Đông và Tây, Mao nhận xét rằng tôi thiếu sáng tạo, chưa đủ trí lãng mạn và khát vọng. Theo tôi, chính vì điều này ông thường mâu thuẫn với các vị lãnh đạo trong đảng.

Gần thời kỳ ấy, cuối hè năm 1956, Mao lần đầu tiên nói với tôi ý định từ chức chủ tịch nước. Thoạt đầu tôi không tin. Khi ấy tôi chưa biết rằng Chủ tịch không bao giờ nói suông. Tuy nhiên mấy tháng hoặc gần năm sau tôi mới hiểu Mao đã suy nghĩ kỹ và đã quyết trong khi trao đổi với tôi. Việc từ chức chủ tịch nước của Mao vẫn chưa lan ra, nhưng dư luận đã bóng gió nói đến trong những cuộc thảo luận của các vị lãnh tụ tối cao. Chỉ sau ba năm sau, 1959, chính thức Mao mới bỏ chức vụ này. Ông lấy lí do sức khoẻ, đồng thời muốn giành thời gian giải quyết các vấn đề trong nước và chính sách đối ngoại. Thực ra Mao cũng có cả những kiểu chơi ngầm.

Thật vậy, sức khỏe của Mao cũng có vấn đề, mỗi buổi lễ trọng đại trên quảng trường Thiên An Môn làm ông mất ngủ vài hôm, có khi thức trắng và mọi việc xong xuôi thường bị cảm hoặc viêm phế quản. Mao rất bực mình vì chuyện ốm đau làm mất thời gian vô ích.

Chủ tịch không thích các buổi tiếp khách theo nghi lễ cũng là một trong nguyên nhân từ chức. Với cương vị lãnh tụ đứng đầu nhà nước, ông phải mặc quần áo đúng nghi thức mà ông rất ghét. Ông cho rằng tiếp đại sứ nước ngoài trình quốc thư và các thủ tục nghi lễ chỉ làm mất thời gian. Từ năm 1956 cuộc biểu tình tuần hành trong ngày lễ trên quảng trường Thiên An Môn thưa dần.

Mãi sau một vài năm tôi mới hiểu, việc Chủ tịch từ chức là một phép thử lòng trung thành của các chiến hữu, đặc biệt với Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, những người ông bắt đầu nghi ngờ. Việc Khrushchev cáo buộc Stalin tội sùng bái cá nhân đẩy Mao vào vị trí phòng thủ, trong khi các lãnh đạo đảng Trung Quốc ngấm ngầm ủng hộ Khrushchev, muốn tập thể lãnh đạo nhà nước, họ phê bình chủ nghĩa phiêu lưu của Mao. Khi thông báo cho các cán bộ lãnh đạo cao cấp của đảng ý định từ chức chủ tịch nước, Mao muốn kiểm tra lòng trung thành các chiến hữu bằng cách xem họ có cố thuyết phục ông ở lại hay không. Nếu không ai nài nỉ, Mao sẽ dùng các biện pháp quyết liệt để giành lại quyền lực của mình.

Rút khỏi lò đấu tranh chính trị, Chủ tịch rời Bắc Kinh đi một chuyến vi hành phía nam đầu mùa hè, nhưng ông vẫn tiếp tục theo dõi sự chuyển biến tình hình chính trị từ xa. Mao không có ý định rời bỏ quyền lực, mà ngược lại, ông muốn nắm hết quyền lực tối cao, tóm lấy tất cả sợi dây điều khiển đất nước vào tay mình. Mao không cần cái vỏ quyền lực, cần quyền lực tối cao thật sự để thúc đẩy, chuyển đổi những vấn đề cốt lõi của Trung Quốc.

Phép thử lòng trung thành của Mao không cần chờ lâu. Đại hội VIII của đảng cộng sản Trung Quốc, khai mạc tháng 9-1956, xác nhận tất cả sự nghi ngờ tồi tệ của ông trong mối quan hệ của Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình là có thật.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích