Dám Bị Ghét
Tâm lý học cá nhân và tổng thể luận

Triết gia: Ồ, sao mặt cậu khó đăm đăm vậy.

Chàng thanh niên: Từ hôm đó đến giờ, tôi đã bình tĩnh nghĩ về phân chia nhiệm vụ, rồi về tự do. Tôi đợi cho cảm xúc dịu xuống, suy nghĩ bằng cái đầu lý trí. Dù vậy, tôi vẫn thấy phân chia nhiệm vụ là chuyện không thể.

Triết gia: Chà, hãy nói cho tôi nghe đi!

Chàng thanh niên: Phân chia nhiệm vụ rốt cuộc là quan điểm giống như vạch ranh giới "tôi là tôi, anh là anh". Đúng là những phiền muộn bắt nguồn từ mối quan hệ giữa người với người sẽ bớt đi. Tuy nhiên, cách sống như thế có thực sự đúng đắn không? Tôi không thể không cho rằng đó là chủ nghĩa cá nhân rất ích kỷ, lệch lạc. Hình như khi tôi đến gặp thầy lần đầu, thầy đã nói tên gọi chính thức của tâm lý học Adler là "tâm lý học cá nhân" nhỉ? Tôi cứ băn khoăn mãi về cái tên đó và cuối cùng đã nhận ra. Tâm lý học Adler hay còn gọi là tâm lý học cá nhân là một thứ học thuật của chủ nghĩa cá nhân dẫn dắt con người đến chỗ cô lập.

Triết gia: Đúng là cái tên "tâm lý học cá nhân" do Adler đặt có phần dễ gây hiểu nhầm. Tôi xin giải thích ngắn gọn. Trước hết, tâm lý học cá nhân tiếng Anh là "individual psychology". Và từ "individual" này mang ý nghĩ gốc là "không phân chia được".

Chàng thanh niên: Không phân chia được?

Triết gia: Có nghĩa là đơn vị nhỏ nhất không thể chia nhỏ hơn được nữa. Vậy cụ thể là không phân chia được cái gì? Adler phản đối quan điểm của thuyết nhị nguyên là phân chia ra tinh thần và thể xác, lý trí và tình cảm, ý thức và vô thức, xem xét chúng tách rời nhau.

Chàng thanh niên: Nghĩa là sao?

Triết gia: Chẳng hạn, hãy nhớ lại nữ sinh tới tư vấn về căn bệnh đỏ mặt. Tại sao cô bé lại bị bệnh đỏ mặt? Tâm lý học Adler không suy nghĩ về chứng bệnh thể xác trong vị thế tách rời với tâm hồn (tinh thần), mà cho rằng tâm hồn và thể xác là một khối thống nhất, là một tổng thể không thể chia nhỏ ra được nữa. Kiểu như chân tay run rẩy, má đỏ bừng là do căng thẳng thần kinh hoặc mặt xanh lét là do sợ hãi.

Chàng thanh niên: Thì trong tinh thần và thể xác cũng có những phần liên quan với nhau mà.

Triết gia: Lý trí và tình cảm, ý thức và vô thức cũng giống vậy. Một người thông thường vốn bình tĩnh sẽ không đột nhiên hung hăng quát tháo vì giận dữ. Chúng ta không bị điều khiển bởi một cảm xúc tồn tại độc lập bên ngoài mình, con người chúng ta là một tổng thể thống nhất.

Chàng thanh niên: Không, điểm đó không đúng. Tinh thần và thể xác, lý trí và tình cảm, ý thức và vô thức phải tách biệt rạch ròi để xem xét mới có thể hiểu chính xác bản chất con người được. Đó là điều hiển nhiên mà.

Triết gia: Tất nhiên, sự thật là tinh thần và thể xác là hai thứ riêng biệt, lý trí và tình cảm khác nhau, đồng thời ý thức và vô thức cũng phải phân biệt.

Tuy nhiên, chẳng hạn, khi tôi giận dữ, quát tháo người khác thì đó là “tôi" với tư cách tổng thể đã chọn việc nổi giận quát tháo, chứ chắc chắn không phải là một tồn tại độc lập mang tên cảm xúc - không liên quan gì tới ý chí của tôi - cất tiếng quát tháo. Ở đây nếu phân biệt giữa "tôi" và "cảm xúc", cho rằng "cảm xúc đã khiến mình làm vậy, mình bị cảm xúc dẫn dắt" thì sẽ dễ dẫn tới lời nói dối cuộc đời.

Chàng thanh niên: Là chuyện tôi đã quát người phục vụ đó phải không?

Triết gia: Đúng vậy. Quan điểm coi con người là một tồn tại không thể chia nhỏ hơn và suy xét "tôi với tư cách tổng thể" như thế gọi là "tổng thể luận" (holism).

Chàng thanh niên: Thì cứ cho là thế đi. Nhưng, tôi không muốn nghe thầy giảng giải kinh viện về định nghĩa "cá nhân" nữa. Nếu thảo luận tới cùng về tâm lý học Adler sẽ nhận ra, cuối cùng nó sẽ dẫn dắt con người đến sự cô lập "tôi là tôi, anh là anh". Tôi sẽ không can thiệp vào việc của anh nên anh cũng đừng có can thiệp vào việc của tôi, cả hai hãy sống theo ý mình. Thầy hãy thẳng thắn phân tích điểm này xem.

Triết gia: Được rồi. Tư tưởng cơ bản của tâm lý học Adler là "Mọi nỗi phiền muộn đều bắt nguồn từ mối quan hệ giữa người với người" thì cậu đã hiểu rồi phải không?

Chàng thanh niên: Vâng. Và quan điểm không can thiệp trong mối quan hệ giữa người với người, tức là phân chia nhiệm vụ, đã xuất hiện như một phương tiện để giải quyết những phiền muộn đó.

Triết gia: Lần trước chắc tôi đã nói điều này: "Để xây dựng được mối quan hệ tốt, cần một khoảng cách nhất định. Gần quá sẽ không thể đối diện nói chuyện với nhau. Nhưng xa cách quá cũng không được." Hãy nghĩ rằng, phân chia nhiệm vụ không phải là nhằm xa lánh người khác mà nhằm tháo gỡ búi chỉ rối trong quan hệ giữa người với người.

Chàng thanh niên: Tháo gỡ búi chỉ rối?

Triết gia: Đúng vậy. Hiện tại, cậu đang để sợi chỉ của bản thân quấn vào sợi chỉ của người khác rối tinh mà ngắm nhìn thế giới. Cậu cho rằng bỏ lẫn lộn tất cả các màu đỏ, xanh da trời, vàng, xanh lá cây với nhau là "gắn kết". Tuy nhiên, đó không phải là "gắn kết".

Chàng thanh niên: Thế thầy nghĩ thế nào về "gắn kết"?

Triết gia: Hôm trước tôi đã xem xét việc phân chia nhiệm vụ như là một cách giải quyết những phiền muộn trong mối quan hệ giữa người với người. Tuy nhiên, cho dù phân chia nhiệm vụ thì mối quan hệ giữa người với người cũng không phải vì thế mà kết thúc.

Đúng ra việc phân chia nhiệm vụ là xuất phát điểm của mối quan hệ giữa người với người. Hôm nay chúng ta sẽ cùng thảo luận sâu hơn về cách nhìn nhận của tâm lý học Adler về toàn bộ mối quan hệ giữa người với người, cũng như phương án đúng đắn để chúng ta xây dựng mối quan hệ với người khác.

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Dám Bị Ghét Tâm lý học cá nhân và tổng thể luận

Có thể bạn thích