Tôi không biết mình uống bao lâu, cũng chẳng biết mình về nhà thế nào. Chỉ biết đến khi tỉnh dậy đã thấy nằm trong phòng. Ba mẹ đi du lịch mùng bốn mới về, tôi uể oải dậy cứ thắc mắc mãi sao mình có thể về được đến đây. Tết năm nay ấm áp, sáng dậy đã thấy nắng chiếu vào cửa sổ. Bất chợt tôi thấy có mùi khói hương xộc vào mũi. Giờ này ai có thể vào nhà mà đốt hương được cơ chứ? Tôi bật dậy nhảy lên tầng ba, không có ai cả, hương mới tàn đi một đoạn ngắn. Chạy xuống dưới nhà cũng chẳng thấy ai. Chẳng lẽ nhà có ma? Rõ ràng ti vi, điều hoà, phòng ốc không thay đổi, chắc chắn không phải trộm rồi.

Tôi nghĩ vậy chợt ớn lạnh toàn thân, chạy lên tầng đắp chăn ngủ thêm giấc nữa cho đỡ sợ.

Mùng bốn Tết ba mẹ tôi đi du lịch về, tôi ở lại đến mùng năm thì lên trường. Cuộc sống sinh viên lại tiếp tục diễn ra tẻ nhạt, nhàm chán như những ngày trước Tết.

Mọi thứ lại bắt đầu trở lại guồng quay của nó. Nguyệt đi nước ngoài, nó khoe với tôi sẹo trên trán đang mờ dần, nơi nó du học có rất nhiều loại mỹ phẩm, nhiều loại thuốc nên bôi một thời gian đã chỉ còn thấy chút trắng mờ. Vết sẹo trên trán không ảnh hưởng đến nhan sắc của Nguyệt. Tôi cười chúc mừng không quên xin lỗi nó vì chính tôi gây ra điều đó.

Tôi với Nguyệt gần như ngày nào cũng gọi cho nhau. Tình bạn chẳng vì khoảng cách xa xôi mà giảm sút.

Những năm tháng sinh viên rồi cũng trôi đi, tôi ra trường với tấm bằng hạng ưu. Thế nhưng thời thế bây giờ không còn như trước, chật vật mãi tôi mới xin được vào một công ty tư hạng vừa. Ba dượng ban đầu có ý muốn tôi về công ty ông, nhưng thực sự tôi không muốn về đó. Thứ nhất công ty nhỏ, thứ hai tôi không muốn phụ thuộc vào bất cứ ai. Tôi muốn tự lực cánh sinh.

Lúc tôi xin được việc, Nguyệt cũng về nước, rất dễ dàng xin được vào công ty lớn. Tôi cũng nghe nói ba nó muốn nó về làm cho ông nhưng nó không chịu. Tuổi trẻ mà, ai chẳng muốn tự thử sức mình.

Nguyệt lương cao gấp đôi tôi, công việc cũng sang chảnh hơn rất nhiều. Trong khi tôi sấp mặt với đống hồ sơ thì nó đi công tác mọi miền Tổ Quốc.

Lắm lúc tôi cũng muốn than thân trách phận. Trên đời này, người may mắn nhất chắc chắn là Nguyệt. Còn kẻ kém máy mắn nhất không ai khác chính là tôi.

Lại nói đến Phong, anh ta vẫn không chịu về. Du học xong thì ở bên đó làm. Ba dượng mấy lần gọi anh ta về, nhưng anh ta chỉ đáp gọn lỏn “Bao giờ con thấy mình trưởng thành con sẽ về”

Tôi lâu lâu nghĩ lại cái lần khiến Phong bị hiểu nhầm. Nhanh thật, mới đó cũng năm sáu năm rồi. Giờ đây ai cũng có những mối bận tâm riêng. Tôi cũng không còn là cô bé mười sáu tuổi ngày nào nữa rồi. Bên ngoài trời nắng gay gắt.

Nguyệt hôm nay hẹn tôi đi ăn.

Quả thực… giờ đi làm rồi tôi mới nhận ra. Tôi thực sự thua nó, trước kia hồi còn đi học, cứ nghĩ đơn giản bản thân nỗ lực là đủ. Chẳng ngờ nỗ lực cũng không bằng được.

Trước kia, tuổi trẻ bồng bột, ngựa non háu đá nên không dám thừa nhận. Giờ thì chẳng những tôi, mà tất cả mọi người đều biết rõ. Tôi vĩnh viễn không so được với Nguyệt. Đến cả cái tên nó cũng hay thế cơ mà, Nguyễn Hà Nguyệt Anh, tại sao lại thế nhỉ? Tất cả mọi thứ, tất tần tật nó đều đẹp đẽ không chút tì vết.

Tôi khẽ thở dài…

Buổi tối hôm ấy, tôi với Nguyệt ra nhà hàng BBQ. Từ ngày Nguyệt về nước, hầu như ngày nào tôi cũng dính lấy nó, lâu lâu lại qua nhà nó ngủ nghê bên ấy. Tôi ra trường đi làm thì thuê một căn phòng nhỏ gần chỗ làm để ở.

Có vài lần mẹ tôi cũng hỏi dò ba dượng định vay ít tiền cho tôi mua chung cư nhưng ông không đồng ý. Tôi hiểu. Ba dượng là dân kinh doanh, tất nh khoong iên ông không thể đầu tư mà để lỗ được. Tôi cũng quá quan trọng việc có nhà để ở, tích được tiền thì mua, không thì kiếm anh chàng ở Hà Nội mà lấy là được.

- Này, nghĩ cái gì mà đần người ra thế? Ăn đi.

Tiếng Nguyệt kéo tôi ra khỏi dòng suy nghĩ, tôi nhìn nó, vết sẹo trên trán năm nào vẫn còn. Mờ mờ nhưng không làm giảm đi vẻ đẹp của nó. Ngược lại không hiểu tại sao tôi lại thấy nhìn vết sẹo ấy trông nó càng thêm duyên. Giống như má lúm đồng tiền là khiếm khuyết cơ mặt vậy mà ai cũng thích. Vết sẹo kia cũng vậy, khuyết một chút, nhưng vì là khuyết trên mặt Nguyệt nên vẫn đẹp như thường.

Tôi cầm cốc rượu gạo mỉm cười nói:

- Nguyệt, cảm ơn mày.

- Ơ con dở hơi, sao tự dưng cảm ơn tao làm gì? Vì tao đãi bữa hôm nay à?

- Không, vì mày làm bạn của tao suốt thời gian qua. Hình như chưa bao giờ tao nói với mày, ngoại trừ mẹ tao thì mày là người quan trọng nhất với tao thì phải.

Nó đưa tay bẹo má tôi đáp lại:

- Con hấp! Thôi, ăn đi má.

Nói rồi nó gắp miếng kim chi bỏ vào miệng cười như bắt được vàng. Ăn xong tôi về nhà nó ngủ.

Lúc tôi tắm xong, không thấy Nguyệt đâu. Ngồi một lúc vẫn chưa thấy nó về, định bụng gọi điện thì thấy tiếng cạch cửa. Nguyệt chạy rầm rầm trên cầu thang, tay còn cầm một bó hoa hồng rõ to. Tôi đoán chắc mẩm nó có gã trai nào thầm thương trộm nhớ liền trêu:

- Kinh nhờ, lại có gã nào trồng cây si mày hả?

Nó đặt bó hoa hồng ngay ngắn lên bàn gật đầu nói:

- Đúng vậy.

- Nhưng trước kia có bao giờ mày nhận đồ của người ta đâu, hoa hoét mày vứt hết đi mà.

- Người này khác… tao cũng có cảm tình.

Tôi nghe xong chạy lại cù nách nó rồi gào lên:

- Hoá ra giấu tao. Khai mau, là thằng nào? Bao lâu rồi.

Nó bị tôi cù cười khanh khách đáp:

- Bí mật. Lúc nào tình cảm chín muồi tao sẽ giới thiệu. Còn mày nữa, cũng kiếm người yêu rồi mà cưới đi chứ. Tao nói cho nghe này, dưới quê tao tầm tuổi như tao với mày là ế đấy. Nhưng mà thôi, cứ yêu đã, một hai năm nữa cưới chưa muộn.

- Khiếp. Tao chưa thích yêu. Đàn ông là những niềm đau.

Nó bĩu môi, lấy quần áo đi tắm. Tôi ngồi lặng lẽ quan sát bó hoa hồng. Đêm ấy, không hiểu sao tôi lại ngủ không ngon. Ở đời cũng hai ba, hai tư tuổi tôi chả biết tình yêu có vị thế nào. Nguyệt nhắn tin cả đêm, lâu lâu quay sang lại thấy nó tủm tỉm cười. Rốt cuộc là một chàng trai thế nào có thể chiếm được trái tim nó? Tôi thực sự rất tò mò1

Thế rồi những ngày tháng bận rộn lại bắt đầu. Người đàn ông bí ẩn của Nguyệt Anh không còn đủ sức hấp dẫn bằng đống hồ sơ tôi cần hoàn thiện gấp. Mùa thu năm nay trời vẫn nắng gay gắt như mùa hè. Mấy dạo này tôi hay đau bụng lại ợ chua, có lẽ do stress công việc mà tôi bị dạ dày. Tôi có nhắn tin cho Nguyệt kêu ca, chẳng hiểu con bé lo lắng thế nào chiều hôm ấy bắt tôi xin nghỉ đưa tôi đi khám. Cũng may thời gian này tôi không còn bận nhiều, với cả tôi cũng luôn có quan điểm không gì quan trọng bằng sức khoẻ nên đồng ý luôn.

Nguyệt Anh đưa tôi đến bệnh viện Bạch Mai, vừa đi tôi vừa hỏi:

- Sao lại sang tận Bạch Mai? Xa vãi luôn, trời còn nắng nữa chứ.

- Tại vì người yêu tao làm ở đấy.

Tôi suýt sặc nước bọt, Nguyệt nói giọng tỉnh bơ. Nó gửi xe rồi vỗ vỗ vai tôi:

- Định một hôm nào đó giới thiệu cho mày nhưng hôm nay tiện luôn vì anh ấy làm bên khoa ngoại. Đi. Anh ấy chờ ở sảnh rồi.

Hoá ra người yêu của Nguyệt làm bác sĩ. Ở cái xã hội này thì bác sĩ đúng là một nghề cao quý. Tôi theo nó vào trong, ngay giữa sảnh bệnh viện một người đàn ông đang đứng chờ. Anh ta dựa lưng vào tường, tay cầm cuốn sách chăm chú đọc. Nguyệt hất hàm nói:

- Hải, người yêu tao đấy.

Tim tôi không hiểu sao đập liên hồi. Hải thực sự rất đẹp trai, khuôn mặt đẹp theo kiểu trí thức. Anh ta cao chừng một mét tám mươi, Nguyệt đã đẹp, vậy mà sao nhìn Hải tôi thấy Nguyệt có phần không xứng. Chiếc đồng hồ hàng hiệu Hải đeo trên tay cũng cho thấy anh ta là người có điều kiện. Tôi nhìn sang Nguyệt, ánh mắt nó sáng rực. Nó mặc chiếc váy dài thướt tha, còn tôi thì lôi thôi lếch thếch với bộ quần áo đồng phục chưa kịp thay. Không hiểu sao tôi thấy Nguyệt hình như cố ý không báo trước. Có lẽ nó không muốn tôi xuất hiện với diện mạo đẹp đẽ khi gặp người yêu nó chăng? Tôi khẽ thở dài..

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích