Năm 1929, năm tôi 14 tuổi tôi biến thành một kẻ độc ác. Đó cũng là năm các nhà khoa học Trung Quốc cũng như nước ngoài đổ đến đồi Xương rồng ở Chu Khẩu. Họ đội nón rộng vành chống nắng và đi giầy ống Wellington. Họ mang cuốc xẻng và các dụng cụ đào bới, cùng với dụng cụ đãi quặng và chất lỏng sủi bọt. Họ đào mỏ xuyên qua các hang động. Họ đi từ tiệm thuốc này sang các tiệm thuốc khác mua tất cả các loại xương cổ. Chúng tôi nge đồn rằng những người ngoại quốc này muốn khởi động xây dựng những nhà máy chế biến xương rồng, và hàng chục dân làng đã đi đến các hầm mỏ cùngvb những lưỡi rìu để đánh đuổi họ.

Nhưng sau đó một vài người thợ Trung Hoa đào thuê cho những nhà kho ahọc đã kháo lên một lời đồn rằng co 'hai trong số các xương rồng khai quật được có thể là răng từ một sọ người. Ai cũng nghĩ đó có thể là răng của một người mới chết. Từ ngôi mộ của ai? Ông bà của ai? Người ta thôi không mua xương rồng. Hàng loạt các biển hiệu lớn xuất hiện ở tiệm thuốc. "Không có một loại thuốc nào của chúng tôi chứa bộ phận nào của con người".

Lúc đó dì Báu vẫn còn giữ 4, 5 cái xương rồng kể từ lần đi đào hang của dòng họ lần trước, đó là chưa kể một cái xương quý cha dì đã cho dì từ lâu lắm rồi. Cả những miếng xương dì Báu đã dùng để chữa bệnh cho tôi lẫn những miếng xương còn lại, dì Báu đều đoan chắc là không phải xương người. Nhưng chẳng bao lâu sau dì nói, cha dì, danh y ở Chu Khẩu đã hiện lên báo mộng "Những miếng xương con đang giữ không phải là xương rồng", ông nói "Đó là xương của một người trong dòng họ chúng ta, người đã bị cắn nát trong Hàm Khỉ. Và bởi vì chúng ta đã đánh cắp xương,  người đã nguyền rủa chúng ta. Đóp là lý do tại sao tất cả mọi người trong họ chúng ta đều chết, mẹ con, anh con, cha, chồng tương lai của con – chính bởi vì lời nguyền đó. Mà đâu phải chết đã yên chuyện. Kể từ khi cha đến cõi Âm, cái bóng của ông đợi ở tất cả các hướng. Nếu cha đã không chết thật rồi thì cha đã chết vì sợ đến cả ngàn lần rồi".

"Chúng ta phải làm gì ạ?" Dì Báu hỏi trong mơ.

"Trả lại các xương. Cho đến khi mà các đốt xương của ông chưa được hoàn về làm một, ông sẽ tiếp tục theo đuổi chúng ta. Con kế tiếp, và cả những thế hệ tiếp sau của gia đình cũng chịu đựng lời nguyền này nữa. Tin ta đi, con gái, chẳng có gì tồi tệ kinh khủng hơn là có một người trong họ tìm cách trả thù".

Sáng hôm sau dì Báu dậy rất sớm và dì đi đâu suốt cả ngày. Khi trở về xem ra dì có vẻ bình tâm hơn. Nhưng rồi những người thợ đào mỏ ở đồi Xương rồng lại truyền ra một cái tin "Những cái răng này", họ nói "không phải là xương người hiện đại mà là ở cái hộp sọ của những người tổ tiên xa xưa nhất của chúng ta hàng triệu năm trước!" "Người vượn Bắc Kinh" là cái tên mà các nhà khoa học đặt cho cái đầu lâu được tìm thấy. Họ cần phải tìm thêm nhiều mảnh nữa để ghép lại thành một cái đầu, và nhiều mảnh nữa để nối sọ với hàm, hàm với cổ, cổ với vai, và vân vân, cho đến khi dựng lên một người hoàn chỉnh. Thế có nghĩa là còn phải đào bới để tìm nhiều mảnh xương nữa, đó là lý do tại sao các nhà khoa học kêu gọi dân làng mang tất cả xương rồng mà họ giấu trong nhà, trong các hiệu thuốc đến nộp cho họ. Nếu xương rồng được chứng minh là một mẩu của người thượng cổ, chủ nhân của  nó sẽ được trọng thưởng.

Một triệu năm! Ai cũng nói về mỗi chuyện đó. Không có ngày nào họ không nói đến con số này, ngày hôm sau họ lại nói như thế cũng còn chưa đủ đấy. Chú Nhỏ đoán rằng một người có thể kiếm được một triệu tệ cho một mẩu xương rồng. Còn cha tôi thì nói "Tiền đồng bây giờ chẳng có giá trị được bao nhiêu. Một triệu lạng bạc thì còn có lý". Thế là những lời phỏng đoán và tranh luận: lượng tiền thưởng lên đến hàng triêu.nén vàng. Cả vùng chỉ nói mỗi chuyện ấy. "Xương trở thành thịt mới" là câu cửa miệng của mọi người. Bởi vì xương rồng có giá trị lớn như thế, ít nhất làtrong phán đoán của mọi người, không ai có khả năng mua làm thuốc nữa. Những người dân bị bệnh cần dùng đến món thuốc này không còn được chữa chạy nữa. Mà chuyện này thì có quái gì mà ầm ĩ? Ai cũng là hậu duệ của người vượn Bắc Kinh. Mà ông thì nổi tiếng. Lẽ tự nhiên, tôi nghĩ về những mảnh xương rồng mà dì Báu đã bỏ lại vào trong hang. Họ cũng là người – cha dì đã báo mộng như vậy. "Chúng ta có thể bán được hàng triệu thỏi vàng" tôi bảo dì. Tôi lý luận rằng tôi không nghĩ đến điều này chỉ vì những lý do ích kỷ. Nếu dì Báu làm họ Lưu trở thành giàu có, dì sẽ được mọi người kính nể hơn.

Một triệu hoặc mười triệu thì làm gì, dì mắng tôi với đôi tay múa may, nếu chúng ta bán đi, lời nguyền sẽ quay lại. Một hồn ma sẽ tìm đến mang chúng ta và những bộ xương khốn khổ của chúng ta đi. Khi ấy  chúng ta đeo hàng  triệu thỏi vàng quanh cổ tìm cách hối lộ để thoát khỏi địa ngục ư? Dì chỉ vào trán tôi. Cho con biết, các hồn ma sẽ không ngơi nghỉ cho đến khi cả dòng họ nhà ta bị tuyệt diệt. Toàn bộ gia  tộc tiêu tùng. Dì đấm tay vào ngực thùm thụp. Đôi khi dì ước gì mình đã chết. Dì muốn chết, thật thế, nhưng dì quay lại vì con.

"Con không sợ" tôi trả lời, "Và bởi vì lời nguyền chỉ giáng lên dì không phải con, con có thể đi lấy cái xương". Bất thình lình dì Báu tát vào mặt tôi. Không được nói thế! Tay dì trượt đi. Con muốn dình vào cái số kiếp đáng nguyền rủa của dì sao? Đừng bao giờ quay lại hang. Không được đụng vào. Hứa như thế đi, ngay bây giờ!" Dì chộp lấy vai tôi và làm tôi hoảng hồn cho đến khi lời hứa bật ra khỏi miệng tôi.

Sau đó suốt ngày tôi mơ mộng về chuyện lẻn vào trong hang. Sao tôi có thể ngồi yên trong khi mọi người ở Chu Khẩu và những làng lân cận nhao nhao đi tìm những di vật bất tử. Tôi biết nơi có xương người, tuy vậy tôi không được nói gì. Tôi phải mở to mắt nhìn thiên hạ đào bới nơi lũ cừu gặm cỏ, moi đất moi cát nơi con heo vầy trong vũng bùn. Cả vợ chồng chú Lớn, chú Nhỏ cũng đào xới khoảng đất giữa trang viên của chúng tôi và vách đá. Từ đấy họ chỉ moi lên được rễ cây và mấy con giun đất. Họ đoán rằng đấy có thể là móng tay móng chân của người vượn hoặc thậm chí là hoá thạch của cái lưỡi đã thốt ra những từ đầu tiên của tổ tiên chúng tôi. Các ngả đường tràn ngập những người cố bán các kiểu di vật "hoá thạch" từ mỏ gà cho đến phân heo. Trong một thời gian ngắn làng tôi hoang tàn trông còn thê lương hơn cả một nghĩa địa bị bọn cướp đào bới mồ mả.

Ngày cũng như đêm những người trong nhà chỉ nói về người Bắc kinh, không đá động đến chuyện gì khác. "Một triệu năm?" Mẹ tôi thắc mắc nói thành tiếng. "Làm sao người ta biết được tuổi của một người đã chết lâu đến thế? Hừm, khi ông nội tôi chết, không ai biết rõ là ông 68 hay 69 tuổi. Nếu ông may mắn lắm thì cũng chỉ sống được đến 80 tuổi. Vì thế họ nhà tôi quyết định tuổi thọ của ông là 80 – may hơn, phải, nhưng đã tịch". "Tôi cũng thế, thỉnh thoảng tôi cũng nói ra một phát hiện mới: "Tại sao họ lại gọi người vượn Bắc Kinh là ông. Những chiếc răng tìm thấy ở Chu Khẩu ấy bây giờ các nhà khoa học nói thuộc về cái sọ của một người đàn bà. Đáng lý phải goi.là người đàn bà ở Chu Khẩu chứ?" Các chú thím tôi nhìn nhau và nhìn tôi, một người lên tiếng "Sự khôn ngoan đến từ miệng của một đứa bé, đơn giản nhưng mà đúng". Tôi thật mắc cỡ khi nghe những lời khen ấy. Sau đó thì Cao Linh chêm vào "Con nghĩ ông ta phải được gọi là Người Hằng Tâm. Thế là cả làng chúng ta sẽ nổi tiếng và chúng ta cũng được thơm lây". Mẹ khen câu nói của nó lên đến mây xanh và mọi người cùng hùa theo. Tuy vậy tôi nghĩ ý kiến của nó thật ngớ ngẩn chỉ có điều tôi không nói ra. Tôi thường ghen tức khi Cao Linh nhận được nhiều sự chú ý của mẹ chúng tôi. Tôi vẫn tin rằng tôi là đứa con gái lớn của bà. Tôi thông minh sáng sủa hơn. Tôi học giỏi hơn. Tuy vậy Cao Linh bao giờ cũng được đặc quyền ngồi cạnh mẹ, ngủ chung giường với mẹ trong khi tôi phải ngủ với dì Báu.

Khi tôi còn nhỏ hơn điều đó không làm tôi phiền lòng. Tôi cảm thấy mình may mắn, lúc nào cũng có dì bên cạnh. Tôi nghĩ từ "dì Báu" cũng tương tự như từ  "mẹ" của những người khác. Tôi không chịu rời vú nuôi của tôi lấy một phút. Tôi kính phục dì và tự hào rằng dì có thể viết ra tên của tất cả các loài hoa, hạt và bụi cây cũng như là tác dụng chữa bệnh của nó. Nhưng khi lớn lên, sự quan trọng của dì càng ngày càng thu nhỏ lại. Tôi càng trở nênm khôn ngoan bao nhiêu thì tôi càng có khả năng ý thức được rằng dì Báu chỉ là một đầy tớ, một người phụ nữ chẳng có địa vị gì trong nhà, một người không có ai yêu mến cả. Dì có thể làm cho cả nhà trở nên giàu có, nếu như dì không điên rồ tin vào chuyện những lời nguyền. Tôi bắt đầu kính trọng mẹ tôi hơn. Tôi muốn lấy lòng mẹ. Tôi tin rằng những sự ưu ái cũng giống như tình yêu. Những sự ưu ái của mẹ làm tôi cảm thấy mình quan trọng hơn, hài lòng hơn. Sau cùng mẹ tôi là người phụ nữ có địa vị cao nhất trong nhà. Bà quyết định chúng tôi ăn gì, mặc màu gì, cho chúng tôi bao nhiêu tiền trong những lần đi chợ. Ai cũng sợ bà và muốn chiều lòng bà, tất cả mọi người trừ cụ Cố, người bây giờ đã lẫn lộn không có khả năng nói mực được làm từ cái gì nữa.

Nhưng trong mắt mẹ, tôi chẳng có gì đáng được chú ý. Đối với đôi tai bà, lời lẽ của tôi trượt đi đâu mất. Dù tôi có vâng lời hay khiêm nhượng hay sạch sẽ đến thế nào tôi  cũng  chẳng khiến mẹ để mắt tới. Tôi bắt đầu bối rối  không biết phải làm gì cho bà hài lòng. Giống như một con rùa dưới cái ách nặng nề, tôi vật vã tự hỏi tại sao cả thế giới lại chụp lên mình tôi.

Tôi thường than phiền với dì Báu rằng mẹ không yêu tôi. Đừng có than phiền nữa, dì Báu sẽ trả lời tôi. Con không nghe thấy mẹ con nói gì hôm nay à? Rằng mũi khâu của con không đều đặn. Rằng da con ngày càng đen đi. Nếu bà ấy không yêu con, tại sao bà lại bận tâm đến việc răn dạy để con trở nên tốt đẹp hơn? Rồi dì Báu tiếp tục nói tôi ích kỷ như thế nào, lúc nào cũng  chỉ nghĩ đến bản thân. Dì nói trông tôi rất khó coi khi cáu kỉnh. Dì chỉ trích tôi mạnh hơn vì đã không chú ý đến lời dì cho đến khi dì nói rằng thậm chí dì còn yêu thương tôi hơn.

Một hôm – tôi còn nhớ vào quãng trước lễ hội mùa xuân – người đầu bếp già đi chợ về thông báo rằng có một tin đồn đang loang đi khắp Hằng Tâm thôn: Trương chủ trại hòm bây giờ đã trở nên nổi tiếng và chẳng mấy chốc sẽ giàu thiên ức vạn tải. Ông ta bán xương rồng cho các nhà khoa học thì may mắn thế nào đó lại là xương người. Bao nhiêu năm không ai biết, nhưng mọi người kháo nhau là ít nhất cũng đến một triệu năm có thể là hai triệu năm.

Chúng tôi đang ở trong xưởng làm mực, tất cả đám đàn bà, con gái, trẻ con chỉ trừ có dì Báu đang chui xuống hầm đếm những thỏi mực mà dì đã khắc lên. Tôi sung sướng vì dì đã không có mặt ở đấy, bởi vì mỗi khi nghe có người nhắc đến tên Trương, dì bao giờ cũng lên cơn. Vì thế khi hắn mang củi đến, dì bị đưa vào trong phòng trong cùng nơi dì chửi hắn bằng cách đá vào xô, chậu thật lâu thật to đến nỗi những người thuê nhà phải hét lên buộc dì chấm dứt. "Một sự trùng hợp kỳ lạ" thím Lớn nói "Cũng cái ông Trương bán củi cho chúng ta. Vận may của ông ta sẽ chuyển sang chúng ta thật dễ dàng".

"Sự hợp tác thậm chí còn lâu hơn nữa" mẹ tôi phán. Ông ta là người đã dừng xe lại giúp một tay sau khi chú Út bị giết chết bởi tay bọn thảo khấu. Một người tốt, thật thế, cái ông Trương ấy".

có vẻ như là không cạn cái đề tài mà chúng tôi liên hệ đến ông Trương danh nổi như cồn. Bởi vì ông Trương chẳng mấy chốc sẽ giàu có hơn bao giờ hết, mẹ nghĩ ông ta chắc sẽ hạ giá những đống củi còn lại trong nhà. "Ông ta sẽ chia sẻ vận may của mình", mẹ nói với vẻ thoả thuận với chính mình. "Thánh thần cũng chờ đợi ông ta làm thế."

Dì Báu quay lại xưởng làm mực, trong một thoáng dì nhận ra ngay đề tài mọi người đang hứng thú. Dì giậm chân, đấm tay vào không khí. Trương là một kẻ độc ác, đôi tay dì giãy dụa lên tiếng, hắn giết cha tôi, hắn là nguyên nhân làm cho Huy Sen chết. Dì phát ra những âm eo éo như thể cả cổ họng của dì bị rút lại.

Không đúng, tôi nghĩ. Cha của dì bi.ngã ra khỏi xe khi ông uống rượu say, còn chú Út bị con ngựa đá chết. Mẹ tôi và các bà thím đều nói thế.

Dì Báu tóm lấy tay tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi rồi nói bằng đôi tay liến thoắng.  Bảo với họ, Cún Con, bảo họ rằng dì nói đúng sự thật. Còn cái xương rồng mà nhà Trương có kia, và dì dốc một cái gì tưởng tượng vào lòng bàn tay, dì chắc chắn đó là những miếng xương của cha ta, gia đình ta. Trương cướp từ tay chúng ta trong ngày cưới. Đó là của hồi môn của dì, xương lấy từ Hàm Khỉ. Chúng ta cần phải lấy lại, từ tay Trương, trả chúng trở về hang nếu không lời nguyền sẽ quay lại tái diễn. Nhanh lên, bảo họ đi.

Trước khi tôi có thể mở miệng, mẹ lên tiếng đe "Mẹ không muốn nghe thêm bất cứ điều gì về câu chuyện điên rồ của cô ta nữa. Có nghe rõ không, con gái?"

Mọi người chăm chăm nhìn tôi, kể cả dì Báu. Báo họ đi, dì ra dấu. Nhưng tôi quay lại mẹ gật đầu và nói "Con nghe rồi." Dì Báu chạy ra khỏi xưởng mực với một tiếng nghẹn ngào đâm nhói vào tim tôi khiến tôi cảm thấy mình thật độc ác.

Xưởng mực lặng đi một lát. Lúc ấy cụ Cố đi đến chỗ mẹ tôi nói với vẻ mặt lo lắng "Này, con có nhìn thấy Huy Sen không?"

"Chú ấy đang ở ngoài sân ấy" mẹ trả lời. Thế là cụ Cố hối hả bước ra sân.

Các bà thím tôi tắc lưỡi. "Vẫn còn điên dại lên vì những việc đã xảy ra" thím Nhỏ làu bàu. "Vậy mà đã 15 năm qua rồi". Lúc đó tôi không hiểu là họ nói về cụ Cố hay là dì Báu.

Thím Lớn góp thêm "Cũng may là cô ta không nói được. Thật là xấu mặt cho cả gia đình ta nếu có ai biết được điều mà cô ta định nói".

"Chị nên đuổi cô ta ra khỏi nhà" thím Nhỏ nói với mẹ tôi. Nhưng mẹ tôi gật đầu về phía cụ Cố, người đang đi thơ thẩn phía ngoài gãi gãi vào một chỗ trầy phía sau tai. "Chỉ vì cụ Cố mà con đầy tớ bị ma ám này được ở lại đây suốt bao năm qua". Và tôi biết cái mà mẹ tôi muốn nhưng chưa tiện nói ra. Khi cụ Cố chết, bà sẽ bảo dì Báu cuốn gói đi nơi khác. Bất thình lình tôi cảm thấy thương xót người vú nuôi của mình. Tôi muốn bảo mẹ tôi đừng làm thế. Nhưng sao tôi có thể chống lại một điều còn chưa được nói ra thành lời?

một tháng sau, cụ Cố ngã đập đầu vào gờ gạch bên phản của cụ. Trước giờ Dậu cụ qua đời. Cha, chú Lớn, chú Nhỏ từ Bắc Kinh trở về mặc dù các ngả đường đều nguy hiểm. Có nhiều tiếng súng vang lên trên con đường từ Bắc Kinh đến Chu Khẩu. May mắn chán cho chúng tôi, chỉ có một cuộc đánh nhau diễn ra giữa những người thuê nhà. Chúng tôi phải yêu cầu họ đến mấy lần để họ thôi la hét, làm ồn trong lúc chúng tôi biểu lộ sự kính trọng đối với cụ Cố đang yên nghỉ ở gian chính.

Khi ngài Trương mang quan tài đến, dì Báu ở trong phòng chửi bới hắn bằng tiếng đập xô loảng xoảng. Tôi ngồi trên một cái ghế dài ở sân trước, quan sát cha tôi và ông Trương khênh cái quan tài xuống.

giống một tên trộm. Ông ta to lớn, phong cách thân thiện dễ gần, với một khuôn mặt cởi mở. Cha tôi sốt sắng thảo luận với ông về "cống hiến quan trọng cho khoa học, lịch sử và toàn thể đất nước Trung Hoa". Nghe những lời lẽ hay ho này ông Trương tỏ ra vừa khiêm tốn vừa hài lòng. Sau đó cha tôi để ông Trương đứng lại một mình vào nhà lấy tiền trả cho ông này.

Mặc dù hôm ấy trời lạnh, ông Trương cũng toát mồ hôi. Ông lấy ống tay áo lau trán. Lát sau ông ta nhận ra tôi đang nhìn ông. "Cháu lớn quá rồi đấy" ông ta nói với tôi. Tôi đỏ mặt vì hãnh diện. Một người nổi tiếng bắt chuyện với tôi.

"Em cháu còn lớn hơn ấy" tôi nghĩ mình nói thế. "Mà nó còn ít hơn cháu một tuổi".

"Ồ tốt lắm".

Tôi không có ý định để cho ông khen ngợi Cao Linh. "Cháu nghe nói rằng ông có những mảnh xương người Bắc Kinh" tôi đổi đề tài, "phần nào ạ?"

"Ồ, chỉ những bộ phận quan trọng nhất".

Và tôi nữa, tôi cũng muốn trở nên quan trọng, thế là tôi buột miệng nói không suy nghĩ "Cháu cũng từng có những mảnh xương như thế" trước khi tôi có thể vả vào miệng mình.

Ông Trương mỉm cười chờ cho tôi tiếp tục. "Ở đâu?" ông ta hỏi sau một lúc chờ đợi.

Tôi không thể tỏ ra bất lịch sự "Chúng cháu mang trả nó về hang rồi".

"Hang ở đâu?"

"Cháu không thể nói đâu. Vú nuôi đã bắt cháu hứa. Đó là một  bí mật".

"Ồ vú nuôi của cháu, một người có khuôn mặt xấu ma chê quỷ hờn". Ông Trương duỗi dơ các ngón tay như một con cua và đưa bàn tay lên ngang miệng.

Tôi gật.

"Một mụ điên" Ông ta nhìn về phía phát ra tiếng động. Tôi chẳng nói gì.

"Và bà ta tìm thấy xương ở cái chỗ mà cháu không thể nói?"

"Chúng cháu cùng tìm, và dì ấy đã mang trả lại", tôi đáp thật nhanh. "Nhưng cháu không thể tiết lộ".

"Tất nhiên cháu không thể nói với một người lạ".

"Ồ không, ông không phải là một người lạ! Cả nhà cháu đều biết ông. Ai cũng nói về ông".

"Cháu không thể nói với tôi! Nhưng chắc chắn cháu đã nói với bố mẹ cháu".

Tôi lắc đầu "Không với ai cả. Nếu cháu nói họ sẽ tới đấy đào bới ngay. Dì Báu nói thế. Dì nói xương đó phải được trả về đúng chỗ nếu không dì phải chịu những hậu quả thảm khốc".

"Hậu quả gì?"

"Một lời nguyền. Dì sẽ chết nếu cháu nói ra".

"Nhưng bà ấy đã già, hay vẫn còn trẻ?"

"Cháu không biết. Cháu không nghĩ đến chuyện đó".

"Phụ nữ thường chết ở bất cứ tuổi nào không nhất thiết là vì bị nguyền rủa. Bệnh tật hoặc tai nạn, những điều đó thường là nguyên nhân. Bà  vợ cả của tôi chết mười năm trước. Bà ta vụng về lập cập lắm thế là một hôm bà ta trượt té khỏi mái nhà. bây giờ tôi có một bà  vợ mới tốt hơn bà trước nhiều. Nếu  vú nuôi của cháu chết, cháu có thể có một người khác".

"Cháu quá lớn để cần một vú nuôi khác ạ" tôi nói. Tôi không thích câu chuyện giữa hai người nữa. Chẳng bao lâu cha tôi quay lại mang theo tiền trả cho ông Trương. Họ chuyện vãn với nhau vài phút một cách thân thiện, rồi sau đó ông Trương quay lại nói với tôi "Lần sau gặp nhau chúng ta sẽ nói chuyện" và ông rời khỏi trang viên với chiếc xe trống không. Cha tôi có vẻ hài lòng với việc Trương tiên sinh, một người nổi tiếng trong thị trấn, đã thấy rằng tôi cũng đáng được chú ý.

Vài ngày sau chúng tôi tổ chức một đám ma đâu ra đấy tiễn cụ Cố về nơi chín suối. Ai cũng gào khóc rõ to, trong đó mẹ tôi gào to nhất theo phong tục vì rằng bà là người phụ nữ có địa vị cao nhất trong đám đàn bà con gái. Bà đã biểu diễn một pha xuất sắc trên cả cái mức mà người ta có thể hy vọng. Còn tôi, tôi cũng khóc vì buồn và lo sợ nữa. Khi đám tang đã xong xuôi, tôi lo lắng cho việc sẽ xảy ra au đó: Mẹ có thể buộc dì Báu ra đi.

Nhưng bà không thể làm thế và đây là lý do.

Mẹ tin rằng cụ Cố vẫn lảng vảng đâu đây, ám ngôi nhà này vì cụ muốn biết chắc rằng mọi người vẫn tuân thủ luật lệ mà cụ đã đề ra. Mỗi lần mẹ tôi ngồi xuống đại tiện bà lại nghe cụ Cố hỏi "Con có nhìn thấy Huy Sen không?" khi bà kể lại cho chúng tôi điều đó, thím Nhỏ bèn nói "Cái mông trần của chị chắc là làm các hồn ma mất vía". Tất cả chúng tôi cười ầm lên. Nhưng mẹ tôi lại giận dữ. Bà tuyên bố sẽ cúp khoản tiền chi tiêu của mọi người vào tháng tới "Để dạy cho các người phải kính trọng cụ Cố hơn". Vì lợi ích những cô hồn quanh trang viên, mẹ tôi đi chùa làng hàng ngày và cúng chùa rất hậu. Bà tới mộ cụ Cố đốt nhiều giấy tiền vàng bạc để cụ Cố có thể sắm sanh cho một cuộc sống tiên nghi hơn ở thế giới bên kia. Sau 90 ngày bị bệnh táo bón, mẹ tôi đi đâu đó rồi quay về nhà  với một chiếc tàu thuỷ dành cho người cõi Âm, một chiếc xe hơi hàng mã to như thể, và cả một người tài xế. Cụ Cố đã một lần trông thấy một chiếc xe hơi thật ở một lễ hội ngoài vùng Chu Khẩu. Nó chiếm nhiều chỗ dành cho xe kéo và lừa, khi nó rồ máy phóng đi, cụ Cố nói tiếng động của nó thật to, đủ để xua đuổi quỷ sứ và nó chạy thật nhanh để có thể lên thẳng thiên đường.

Chiếc ô tô hàng mà chạy thẳng vào ngọn lửa đưa cụ Cố từ hố xí vào cõi Âm. Sau đó thì mọi việc trong nhà lại đi vào nếp cũ, với một nhịp điệu ồn ào. Mọi người chỉ còn quan tâm đến những việc nhỏ nhặt hàng ngày: tường mốc, kính nứt, chẳng có gì quan trọng hết.

Và chỉ có tôi lo lắng về những gì có thể xảy cho dì Báu.

Tôi nhớ cái ngày mẹ tôi nhận được một bức thư bất ngờ từ Bắc Kinh. Đó là vào thời kỳ nóng bức nhất, khi mà muỗi reo hò ồn ã nhất và trái cây nẫu ra sau kho để dưới ánh mặt trời chưa đầy một tiếng. Cụ Cố đã mất, chắc hơn 90 ngày. Chúng tôi ngồi dưới bóng một cây cổ thụ ngoài sân để nghe đọc thư.

Tất cả chúng tôi đều biết người viết lá thư là ai, bà goá già tên là Lẩu. Bà là em họ đời thứ 8 của cha tôi và đời thứ 5 về phía mẹ tôi, cũng đủ gần gũi để đi theo những con cháu trong gia đình sau quan tài của cụ Cố. Trên thực tế bà đã đi dự đám ma và cũng hờ to như tất cả chúng tôi.

 Vì mẹ tôi không biết chữ, bà bảo Cao Linh đọc thư cho mọi người nghe, còn tôi phải cố giấu nỗi thất vọng vì không được chọn cho một trọng trách như vậy.

Cao Linh vuốt tóc, hắng giọng rồi liếm môi rồi đọc "Chị họ thân mến, em xin gửi đến chị lời chào của tất cả mọi người quen biết ở đây với một tình cảm tha thiết". Cao linh đọc tên một danh sách dài dằng dặc những cái tên từ những chi mới của những người mà mẹ tôi biết là đã quy tiên từ lâu. Ở trang kế, người bà con họ hàng xa vật một câu đại loại như thế này "Em biết chị vẫn còn nhớ thương và đau khổ vì mất mát và khó có thể ăn uống ngon miệng vì đau buồn. Vì thế chưa phải lúc mời mọi người đến Bắc Kinh. Nhưng em nghĩ về điều chị em mình đã bàn bạc với nhau trong đám tang".

Cao Linh ngưng đọc và quay sang hỏi mẹ "Mà mẹ bàn chuyện gì vậy?" Tôi nữa, tôi cũng thắc mắc.

Mẹ đập tay vào Cao Linh "Đừng có tọc mạch. Con cứ đọc thôi, mẹ sẽ bảo con cái gì con nên biết".

Lá thư tiếp tục "Em muốn nói em có thể gợi ý về cô con gái đầu của chị" – bà ta nói về tôi, và trái tim tôi phồng tướng lên – "đến Bắc Kinh và gặp gỡ một cách tình cờ với một người họ hàng xa của em".

Cao Linh lườm tôi một cái và tôi sung sướng  là nó đã phải ganh tị với tôi. "Người họ hàng của em," nó đọc với giọng kém nhiệt tình hẳn đi "có bốn người con trai, là người em họ thứ bảy của em, đã ba lần chuyển chỗ ở với một tên họ thay đổi. Họ đang sống cùng làng với chị nhưng chị ít có quan hệ với họ".

Khi tôi nghe câu "ít quan hệ" tôi biết một sự gặp gỡ tình cờ có nghĩa là bà muốn xem xem tôi đã có mối manh với một gia đình nào chưa. Tôi đã mười bốn tuổi (tuổi ta) và hầu hết các cô gái ở tuổi tôi đều đã lấy chồng. Gia đình nào thì bà goá Lẩu không muốn nói đến, trừ khi bà biết chắc rằng gia đình tôi tin rằng một  sự ngẫu nhiên là có lợi. "Thành thật mà nói", bà viết tiếp "em cũng không nghĩ đến gia đình này. Nhưng người cha đến gặp em hỏi xin con Lưu Linh. Họ đã gặp con bé và có ấn tượng tốt đẹp về sắc đẹp cũng như bản tính dịu dàng thục nữ của nó".

Tôi đỏ bừng đến tận chân tóc. Cuối cùng thì mẹ cũng biết người khác nói gì về tôi. Có lẽ bà cũng nhìn thấy những phẩm chất ấy trong tôi như những người khác "Con cũng muốn đi Bắc Kinh" Cao Linh nói, nghe giọng như một con mèo rầu rĩ.

Mẹ mắng nó "Ai mời đến mặt con mà đi? Không ư? Nếu vậy trông con thật ngớ ngẩn khi nói con cũng muốn đi". Khi nó lại cất tiếng than, mẹ kéo bím tóc của nó, nói "Im mồm đi," trước khi đưa cho tôi bức thư để đọc nốt.

Tôi ngồi thẳng lưng, đối diện với mẹ và đọc thật diễn  cảm "Gia đình nhà trai đề nghị gặp gỡ anh chị và cháu tại cửa hiệu của nhà ta ở Bắc Kinh". Tôi dừng lại mỉm cười với Cao Linh. Tôi chưa từng đặt chân đến cửa hiệu, kể cả nó. "Như vậy", tôi tiếp tục "nếu có chuyện gì bất như ý thì sẽ không có sự ồn ào đáng tiếc nào đối với cả hai bên gia đình. Nếu hai gia đình đồng ý về một cuộc hôn phối thì đó sẽ là một ơn huệ của thánh thần ban cho gia đình ta mà em không có lợi lộc gì hết".

"Không lợi lộc gì!" mẹ nói với một cái nhăn mũi "chỉ có thật nhiều quà thôi".

Phần tiếp theo của lá thư như thế này "Một đứa con dâu hiếu thảo rất là khó tìm, em chắc chị đồng ý với em. Có lẽ chị vẫn nhớ đứa con dâu thứ hai của em? Em rất xấu hổ thừa nhận rằng hoá ra nó lại là một đứa vô tình. Hôm nay nó gợi ý rằng có lẽ người vú nuôi của con gái chị không nên tháp tùng con bé đến Bắc Kinh. Nó nói rằng nếu một người nhìn thấy hai người bên nhau, anh ta sẽ chỉ nhớ là bi.kinh hoàng về cái vẻ gớm ghiếc của người đầy tớ mà không ghi nhận vẻ đẹp của cô thiếu nữ. Em đã bảo nó nói bậy. Nhưng khi viết lá thư này em nhận thấy thật là bất tiện khi sắp xếp chỗ ở cho một con hầu khác, bởi vì bọn đầy tớ trong nhà em đã than phiễn rằng không có đủ chỗ cho chúng ngủ nghê. Vì thế có lẽ sẽ tiện hơn nếu vú nuôi của con bé không đi theo. Em thật có lỗi khi chẳng làm gì được để cho gia cảnh mình khá hơn…"

Chỉ khi đọc xong tôi mới ngước lên nhìn dì Báu, ngương ngùng. Không sao, dì ra hiệu cho tôi im lặng. Dì sẽ bảo bà ta sau là dì có thể ngủ trên sàn. Tôi quay về phía mẹ tôi để nghe thêm một chỉ thị nào đó.

"Viết lại một lá thư hồi âm. Bảo với bà goá Lẩu là mẹ sẽ cho con đi một tuần. Đáng lý mẹ phải đưa con đi nhưng đang vào mùa làm mực chúng ta có quá nhiều việc phải làm. Mẹ sẽ hỏi ông Vệ cho con đi nhờ xe. Ông ấy bao giờ cũng chở thuốc lên Bắc Kinh vàon ngày mùng một và không bận tâm đến việc có thêm một hành khách để có thêm một chút tiền lộ phí".

Dì Báu vỗ hai tay vào nhau làm tôi chú ý. Bây giờ là lúc bảo mẹ con biết rằng con không thể đi một mình. Phải có người biết đó có phải là một đám tốt hay không chứ. Chuyện gì xảy ra nếu người bà con ngớ ngẩn ấy lại cố gán con làm thiếp trong một gia đình nghèo xơ nghèo xác? Bảo mẹ con phải cân nhắc điều ấy. Tôi lắc đầu. Tôi sợ làm mẹ nổi giận với hàng loạt câu hỏi không cần thiết và làm hỏng mất cơ hội được đi chơi Bắc Kinh. Dì Báu giật ống tay áo của tôi. Tôi lờ đi. Lúc sau này tôi đã làm như thế vài lần và dì Báu rất tức giận. bởi vì dì đã không thể nói và mẹ tôi không thể đọc, khi tôi từ chối không nói hộ dì, dì sẽ phải câm nín, bất lực.

Quay về phòng hai người dì Báu nài nỉ tôi. Con quá nhỏ không thể đi Bắc Kinh một mình đâu. Có nhiều nguy hiểm hơn là con có thể hình dung. Con có thể bị bọn đạo tặc giết hại, đầu rơi xuống đất và cắm trên cọc nhọn… Tôi không trả lời di`, tôi không tranh luận, tôi không cho dì một chỗ để đặt chân. Thế là ngày này qua ngày khác dì cứ rỉ rả với tôi. Lúc này dì bộc lộ sự giận dữ với những gì bà góa Lẩu viết. Bà này chẳng quan tâm đến chuyện gì xấu tốt cho con đâu. Bà ta dúng mũi vào chuyện của người khác vì tiền thôi. Chẳng bao lâu bà ta sẽ bốc mùi thối hoắc như cái lỗ đít của bà ấy.

Sau đó dì Báu đưa cho tôi một lá thư mà tôi có nhiệm vụ đưa cho Cao Linh để nó có thể đọc cho mẹ tôi nghe. Tôi gật gù vâng dạ, nhưng ngay khi ra khỏi phòng tôi tấp vào một góc đứng đọc "Ngoài chuyện tên bay đạn lạc trên đường đi, không khí trong mùa hè cũng chứa đầy vi trùng gây bệnh. Ở Bắc Kinh có những căn bệnh mà chúng ta chưa từng bị nhiễm ở đây, những căn bệnh có thể chui qua lỗ mũi và trú ở ngón tay của Lưu Linh. Thật may, tôi biết các phương pháp trị những căn bệnh này để giúp Lưu Linh không mang bệnh về nhà…"

Khi dì Báu hỏi tôi đã mang lá thư cho mẹ chưa, tôi làm cho mặt tôi và tim tôi trở thành một bức tường đá. "Rồi" tôi nói dối. Dì Báu thở dài, nhẹ nhõm. Đó là đầu tiên dì tin một lời nói dối của tôi. Tôi tự hỏi có cái gì trong dì đã thay đổi khiến dì không còn cái trực giác cho biết tôi nói thật hay nói dối. Hoặc chính là vì tôi đã thay đổi?

Đêm hôm trước ngày tôi ra đi, dì Báu đứng trước mặt tôi với lá thư mà tôi đã vo viên và nhét vào trong túi quần. Điều này có nghĩa là gì? Dì chộp cứng tay tôi.

"Để cho tôi yên" tôi chống cự. "Bà không thể bảo tôi làm cái này cái kia nữa".

Con nghĩ con khôn ngoan lắm hả? Con chỉ là một con bé ngu ngốc thôi.

"Tôi không ngu. Tôi không  cần bà nữa".

Nếu con có đầu óc thì con có thể không cần đến ta.

"Bà muốn giữ chặt tôi ở đây để bà không mất đi địa vị trong nhà này".

Khuôn mặt dì xạm lại như thể dì bị nghẹt thở. Địa vị! Con nghĩ ta ở lại đây chỉ vì cái địa vị thấp hèn làm đầy tớ cho con sao? Trời ơi! Tại sao tôi vẫ ncòn sống để nghe con bé này nói những lời này!

Cả hai chúng tôi đều thở hổn hển. Và tôi hét vào mặt dì những điều tôi thường nghe mẹ tôi và các bà thím nói với nhau "Sở dĩ bà còn sống sót được là do gia đình này quá tốt, quá nhân đức đã thương hại bà, cứu sống bà. Đáng lý chúng tôi chẳng cần phải làm thế. Chú Út đã không nên cố công cưới bà. Chỉ đem lại bất hạnh thôi, đó là lý do chú bị con ngựa đá chết. Ai cũng biết thế". Cả thân hình dì đổ sụp xuống, tôi nghĩ là dì biết tôi nói đúng. Lúc ấy tôi thương hại dì cũng như thương hại những kẻ ăn mày. Tôi tránh cặp mắt dì. Tôi cảm thấy cuối cùng tôi đã trưởng thành và dì đã mất đi ảnh hưởng đối với tôi. Cứ như thể con người cũ của tôi quan sát con người mới, thán phục sự thay đổi nơi tôi.

Sáng hôm sau dì Báu không giúp tôi sửa soạn quần áo. Dì cũng không chuẩn bị bữa trưa để tôi mang đi ăn đường. Dì chỉ ngồi ở đầu giường, một mức không chịu nhìn tôi. Mặt trời còn chưa mọc lên cao nhưng tôi có thể thấy đôi mắt dì đỏ ké và sưng húp. Tim tôi hơi nhói lên nhưng quyết tâm của tôi vững như bàn thạch.

Hai giờ trước khi trời sáng, ông Vệ đến nhà trên chiếc xe lừa với những lồng chứa rắn mang đến cho tiệm thuốc. Tôi trùm khăn để tránh ánh nắng mặt trời chói chang. Khi tôi trèo lên xe ngồi cạnh ông, mọi người đều đứng ở ngoài cổng tiễn tôi đi chỉ trừ dì Báu. Thậm chí Cao Linh cũng ra với khuôn mặt chưa kịp rửa "Mang về cho em một con búp bê nhé" nó hét lên. Ở tuổi mười ba, nó vẫn còn là một đứa trẻ.

Ngày hôm ấy là một chặng đường dài, bụi bốc lên mù mịt. Mỗi khi lừa dừng lại uống nước, ông Vệ lại nhúng một miếng vải lớn xuống suối rồi quấn quanh đầu cho mát. Chẳng bao lâu sau tôi cũng bắt chước với cái khăn trùm đầu của tôi. Vào bữa trưa, ông Vệ lôi ra một cái hộp thiếc đựng bánh bao. Tôi chẳng có gì ăn. Tôi không muốn bảo người đầu bếp già chuẩn bị đồ ăn đường vì ngại họ sẽ bảo mẹ tôi là tôi quá được nuông chiều trong việc được đi chơi Bắc Kinh. Tất nhiên, bác xà ích mời tôi ăn chung. Và theo phép lịch sự tôi giả vờ rằng tôi không đói. Thế là ông chỉ mời chiếu lệ chứ không ép. Còn tôi phải đi cả một chặng đường dài với cái dạ dầy trống rỗng và một cái lồng đựng rắn độc.

Xế chiều chúng tôi tới Bắc Kinh. Tôi lập tức khoẻ lại, thoát khỏi cái mệt lừ đừ vì nóng và đói. Khi xe đi qua trạm gác, tôi lo ngại rằng chúng tôi có thể không được phép vào thành. Một ông đội với một cái mũ to, xoi mói nhìn vào tay nải con con của tôi và mấy chiếc lồng rắn của ông Vệ.

"Ông đến Bắc Kinh làm gì?" Cảnh sát hỏi.

"Giao thuốc ạ" Ông Vệ gật đầu về phía lồng rắn.

"Lấy chồng" tôi trả lời thành thực, người này quay về một ông đội khác xướng to câu trả lời của tôi rồi cả hai cùng cười hô hố. Cuối cùng, họ cũng cho xe đi qua. Chẳng bao lâu sau tôi nhìn thấy một cái cổng chào cao cao từ đàng xa, nước sơn son thếp vàng của nó rực rỡ và toả sáng như một mặt trời. Chúng tôi đi qua cổng và đi vào một con đường rộng thênh thang như một dòng sông lớn. Xe cộ nườm nượp chạy qua, chỉ với một cái nhìn tôi đã thấy nhiều thứ hơn bao nhiêu năm trong đời. Và kia một chiếc xe hơi, giống y hệt chiếc xe hàng mã mà mẹ đã đốt cho cụ Cố. Tôi bắt đầu ngắm nghía ngoại cảnh và so sánh với tất cả những gì xảy ra trước đây trong đời. Chợ búa ở đây lớn hơn và ồn ào hơn. Phố phường tràn ngập những đám đông bận  rộn hơn. Tôi thấy nhiều người đàn ông mặc những chiếc áo dài lụng thụng, những người khác trong bộ đồ Tây. Những người này trông quan trọng hơn, bất nhẫn hơn. Ở đây có nhiều thiếu nữ mặc áo đầm phất phới, để tóc y như những diễn viên nổi tiếng, mái uốn quăn như những cọng mì khô. Tôi nghĩ họ đẹp hơn bất cứ cô gái nào ở Hằng Tâm. Chúng tôi đi ngang qua hàng dãy người bán rong với đủ loại chim chóc, côn trùng, thằn lằn đậu trên những cái que và chúng mười lần đắt hơn những con vật đẹp nhất mà chúng tôi có thể mua dưới quê.

Xa hơn chúng tôi nhìn thấy những trái đào chín vàng hơn, đậu phụng to tròn hơn, những trái táo gai bọc đường trông đỏ và sáng hơn. Tôi nghe có một tiếng răng rắc giòn tan và nhìn thấy một nửa quả dưa mới bổ trông mới ngon lành làm sao. Thế mà những người qua đường có thể cưỡng được sự cám dỗ của một lát dưa trông muốn cắn hơn bất cứ miếng dưa nào tôi thấy trong đời.

"Nếu cháu cứ nhìn chòng chọc như vậy, đầu cháu sẽ bị vặn gãy bây giờ đấy" Ông Vệ nói. Tôi vẫn ghi nhận tất cả các cảnh tượng trên đường vào đầu để có thể kể cho mọi người những điều tôi đã từng chứng kiến. Tôi hình dung nỗi kinh ngạc của họ, sự thán phục của mẹ, lòng ganh tị của Cao Linh. Tôi cũng có thể thấy sự thất vọng trong mắt dì Báu. Dì không muốn tôi được sung sướng  thế là tôi cho dì ra khỏi đầu.

Ông Vệ dừng lại vài lần, hỏi đường đi đến một cửa tiệm gần phố đèn lồng, rồi đi tìm một con hẻm nhỏ, và cuối cùng ctgh đứng trước một cái cổng dẫn đến cái sân hẹp của bà goá Lẩu. Hai con chó chạy về phía tôi sủa nhặng xị.

"Ối da! Mày là một đứa con gái hay là một bức tượng phủ bụi vậy?" Bà Lẩu kêu tướng lên thay cho lời chào. Bụi phủ dầy lên mặt, lên cổ, lên tay, bất cứ chỗ nào mà da thịt tôi ló ra hoặc có một nếp gấp. Tôi đứng trong một cái sân có bốn bức tường bao trông rất bừa  bộn mà thoạt đầu tôi không nhận ra là gì. Ngay lập tức bà Lẩu bảo tôi bữa tối đã sẵn sàng tôi cần phải nhanh chân lên đi rửa ráy mặt mày. Bà đưa cho tôi một cái xô móp méo rồi chỉ cho tôi cái giếng bơm ở đâu. Trong lúc tôi bơm nước đầy vào trong xô, tôi nhớ lời mẹ nói nước ở Bắc Kinh có vị rất ngọt. Tôi làm thử một ngụm nhưng nước hơn mặn và có vị thật kinh khủng. Hèn chi dì Báu đã bảo tôi là trước đây Bắc Kinh là mảnh đất do biển bồi lên. Và lúc ấy tôi nhận ra lần đầu tiên trong đời dì đã không có mặt bên tôi để giúp tôi làm vệ sinh. Thế bồn tắm đâu? Thùng chứa nước nóng ở đâu? Tôi sợ không dám đụng chạm vào bất cứ vật gì. Tôi chui  vào nấp sau một manh chiếu treo làm vách ngăn, đổ nước lạnh vào cổ trong tâm trạng giận dữ với dì Báu vì đã khiến tôi thành một con bé ngu ngốc như thế này, một con bé giờ đây lo sợ để cho người khác biết nó ngu ngốc ra sao.

Sau khi tắm rửa, tôi nhận ra rằng tôi đã không nghĩ đến việc mang theo một cái lược để chải đầu hoặc những cái que gỗ để làm sạch móng tay. Dì Báu bao giờ cũng nhớ những món này. Dì chính là nguyên nhân làm cho tôi quên. Ít nhất thì tôi cũng mang theo quần áo sạch. Nhưng tất nhiên chúng nhàu nhò và lấm bụi khi tôi lôi ra khỏi tay nải.

Trong bữa ăn tối, một vấn đề khác lại nảy sinh. Đây là lần đầu tiên không có dì Báu để bảo cho tôi biết tôi nên ăn gì, không nên ăn gì. Cho tâm trạng phấn chấn của tôi dì sẽ căn dặn "Đừng ăn nhiều dầu mỡ và gia vị nếu không con sẽ bị sôi bụng, hoặc những căn bệnh vì ẩm thấp khác". Thế là tôi ăn vài miếng thịt heo ướp gia vị. Nhưng sau đó tôi có cảm giác buồn nôn và lo rằng bụng dạ tôi lại muốn tuột ra ngoài hết.

Sau bữa tối, tôi ra ngồi ngoài sân với bà Lẩu và cô con dâu của bà, nghe tiếng muỗi vo ve và những giọng nói thì thầm chuyện vãn. Tôi đập bàn tay xua đuổi côn trùng đi xa, nhớ lại cái quạt to màdì Báu vẫn dùng để đuổi muỗi  và xua đi hơi nóng trong phòng chúng tôi. Khi mắt tôi díp lại, bà Lẩu bảo tôi vào giường ngủ. Thế là tôi đi  vào một cái buồng kho nhỏ tí, buồn thảm mà tôi để cái tay nải, tại đây có một cái chõng đan bằng song. Trong lúc tôi thọc ngón tay qua những cái mắt lưới của cái chõng, tôi lại nhận ra một điều khác: đây là lần đầu tiên tôi ngủ một mình. Tôi nằm xuống, nhắm mắt. Trong khi những ý nghĩ của tôi tản mát đó đây, tôi nghe thấy tiếng chuột cào dọc các bức tường. Tôi cúi người xuống nhìn xem họ có để bốn cái bát nhựa thông dưới chân chõng không. Không có. Và một lần nữa, thay vì mang ơn dì Báu vì đã làm những chuyện đó cho tôi, tôi lại trách dì vì dì đã làm cho tôi trở nên ngu ngốc.

Khi thức dậy, tôi nhận thấy tôi không có cái gì để sửa sang đầu tóc, hoặc làm sạch tai vài móng tay. Không có lược, tôi dùng ngón tay để cào cào mớ tóc rối. Bộ quần áo mà tôi lăn lộn suốt đêm qua vừa nhàu nhò vừa đẫm mồ hôi, mà chẳng có bộ quần áo sạch sẽ nào nằm chờ tôi thay. Bộ này không thích hợp cho một cuộc gặp gỡ tình cờ hôm nay. Bộ áo ngày lễ mà tôi chọn để mặc trông không phù hợp chút nào, nhưng đó là tất cả những thứ mà tôi nghĩ phải mang đi. Tôi đã là một thiếu nữ rồi vậy mà lại vô dụng và ngốc nghếch ngoài sức tưởng tượng. Dì Báu đã dạy dỗ tôi thành ra thế đấy.

Khi tôi xuất hiện trước mặt bà Lẩu, bà kêu ầm lên "Đầu óc mày là một cái trứng rỗng hả? tại sao lạk mặc áo bông chần và quần ấm hả? Tóc tai mày làm sao vậy?"

Tôi trả lời sao đây? Rằng dì Báu đã không chịu giúp đỡ tôi? Điều đó là đúng khi chọn quần áo mang đi, tôi chỉ nghĩ đến việc mang theo những bộ quần áo đẹp nhất với những đường thêu tỉ mỉ nhất. Và những bộ quần áo ấy có vẻ không quá bất tiện khi tôi cho chúng vào tay nải vào cái giờ lành lạnh của buổi sớm mai.

"Thật là một tai hoạ!" bà làu bàu giận dữ trong lúc bà lục tung tất cả đám quần áo mà tôi mang theo. "Thương thay cho gia đình nào lại rước đứa con gái ngu ngốc này về làm dâu!" bà ta vội vã lục rương hòm của mình, tìm những chiếc ao từ ngày còn trẻ của bà. Cuối cùng bà lôi ra được một cái áo mượn của cô con dâu, một cái kỳ bào bằng một loại hàng nhẹ không quá lỗi thời, cổ cao, tay ngắn, có hoa văn mùa hè tươi mát, màu tím ở phần thân, màu xanh lá ở những nếp gấp và dây buộc. Sau đó bà goá Lẩu gỡ những lọn tóc rối nùi của tôi và chải lai bằng một cái lược ướt. Đến trưa bà tuyên bố chúng tôi phải đi đến hiệu mực. Bà  thông báo với người giúp việc là chúng tôi không ăn trưa ở nhà. Bà chắc chắn là người bà con làm mực đã chủân bị một bữa tiệc thịnh soạn ở đàng ấy. "Nếu gia đình bên kia cũng ở đó", bà lên lớp "ăn ở mỗi đĩa một ít để chứng tỏ rằng cháu không kén cá chọn canh mà cũng không tham ăn. Để cho những người khác ăn trước và làm như mình không đáng được để ý".

Phố bán lồng đèn không quá xa khu vực bán đồ gốm có lẽ chỉ 30 phút đi xe. Nhưng bà Lẩu sợ rằng chúng tôi có thể ngẫu nhiên bỏ nhỡ mất cuộc gặp  gỡ bất ngờ nếu chúng tôi không trừ hao đi vài phút. "Sau cùng" bà rống lên, "điều gì xảy ra nếu người đánh xe vừa già vừa thọt? Còn nữa, trời có thể mưa nữa chứ".

Sau giờ Ngọ một chút, tôi thấy mình đang đứng lớ ngớ trước cửa hiệu bán mực lòng muốn được gặp cha. Bà Lẩu đang thanh toán tiền với người đánh xe – hoặc chính xác hơn đang cãi cọ với ông ta rằng ông ta không nên lấy thêm nhiều tiền như thế vì rằng tôi còn là một đứa trẻ. "Trẻ con" người đánh xe đay lại với một cái khịt mũi. "Mắt bà để đây vậy, bà già?"

Tôi nhìn vào vạt cái áo màu tím mà tôi đi mượn, vuốt vuốt cái búi tóc mượt mà đàng sau gáy. Tôi hơi xấu hổ nhưng cũng cảm thấy tự hào là người đánh xe nghĩ tôi là một người phụ nữ đã trưởng thành.

Hầu như mỗi cánh cửa trên đường phố này đều dẫn đến một cửa hiệu, treo trên mỗi cánh cửa là những băng giấy đỏ với những câu đối chúc phúc. Cặp câu đối ở cửa hiệu nhà tôi thật là đẹp. Nó được viết bằng lối chữ thảo mà dì Báu đã dạy tôi viết. Nét chữ của nó giống như vẽ chứ không phải là viết, rất ấn tượng, chạy dọc xuống như những cành cây quét trong mây. Bạn có thể nói rằng cái người viết ra được những chữ như thế này thực sự là một nghệ sĩ, một học giả và đáng được kính trọng. Một cách miễn cưỡng tôi tự thú nhận với mình đó là bút pháp của dì Báu. Cuối cùng bà Lẩu cũng xong việc cò cưa với người đánh xe và chúng tôi bước vào trong cửa hiệu của cha tôi. Nó quay về hướng Bắc và tối mờ mờ, có thể vì thế mà cha không nhìn ra chúng tôi ngay. Ông đang  bận rộn với một khách hàng có vẻ ngoài rất khác biệt, trông ông giống một bậc sĩ phu của hai thập kỷ trước. Hai người đàn ông đang cúi xuống một cái bình thuỷ tinh thảo luận về chất lượng khác nhau của các thỏi mực. Chú Lớn đon đả chào chúng tôi và chỉ chỗ mời ngồi. Căn cứ vào cái giọng trịnh trọng của chú tôi biết là tôi không nhận ra chúng tôi là ai. Thế là tôi chào chú bằng một giọng rụt rè. Chú liếc nhìn tôi, cười và thông báo cuộc thăm viếng của chúng tôi với chú Nhỏ, ông chú này chạy ra ngoài xin lỗi mãi vì không kịp thời nghênh đón. Họ đẩy chúng tôi ngồi xuống một trong hai bàn trà dành cho khách. Bà Lẩu từ chối lời mời mọc của họ tới ba lần, kêu lên rằng cha tôi và các chú chắc là quá bận bịu để tiếp khách. Bà có một cố gắng yếu ớt để ra về. Ở lần kéo cưa thứ tư chúng tôi đành ngồi lại. Chú Nhỏ mang ra trà nóng và cam ngọt lịm, cũng như là những cái quạt nan để chúng tôi quạt cho mát.

Tôi cố gắng ghi nhận mọi chuyện để tôi có thể kể lại cho Cao Linh khi về nhà, chọc cho nó phát ghen lên. Sàn nhà lát gỗ đen quang dầu và sạch bóng không hề có dấu chân người, dù bấy giờ đang là cái thời điểm bụi bậm nhất của mùa hè. Dọc các bức tường trưng bày những cái bình bằng gỗ và thuỷ tinh. Bình thuỷ tinh thì trong suốt và không có chỗ nào bị nứt. Bên trong các bình thuỷ tinh là những cái hộp bọc lụa của chúng tôi, đó là thành quả của công việc nặng nhọc của cả nhà. Trông chúng đẹp hơn ở trong xưởng làm mực của nhà ở Hằng Tâm thôn.

Tôi thấy cha mở mấy cái hộp. Ông xếp các thỏi mực, bánh mực và các loại mực có khuôn khác lên một tấm vải lụa phủ lên một cái bình thuỷ tinh được dùng như một cái bàn trên đó ông và người khách hàng đang cúi xuống. Đầu tiên ông chỉ vào một thỏi mực nằm trên cùng có hình dáng giống một con tàu trang trí và nói bằng một giọng điệu trịnh trọng mà duyên dáng "Nét chữ của ông sẽ lướt đi ngọt như sống tàu cắt ngang qua mặt hồ sáng bóng như gương". Ông nhặt lên một thỏi mực có hình một con chim "Đầu óc ông sẽ ngụp lặn trong đám mây của những tư tưởng thanh cao". Ông vẫy về một dãy các nghiên mực trang trí với những hoạ tiết hoa mẫu đơn hoặc cành cây trúc "Các con số của ông sẽ nhân lên gấp đôi trong khi những cành trúc bao quanh tâm hồn thanh tĩnh của ông".

Trong khi nghe ông nói những điều trên, dì Báu lại quay về trong tâm trí tôi. Tôi nhớ dì đã dạy tôi biết bao điều rằng ngay cả mực viết cũng có mục đích và ý nghĩa của nó. Mực tốt không dễ dàng đổ ngay từ trong bình ra nhé. Bạn sẽ không bao giờ trở thành một nghệ sĩ nếu bạn không lao động với một ý chí thật sự. Đó là  vấn đề với loại mực hiện đại pha sẵn ở trong lọ. Bạn chẳng phải nghĩ ngợi gì. Bạn chỉ đơn giản viết ra những điều nổi lều phều trong óc bạn. Mà cái gì nổi trên mặt ao nếu không phải là bọt, váng, lá úa, trứng muỗi. Nhưng khi bạn phải cặm cụi mài thỏi mực vào một nghiên mực thì ấy là bước đầu tiên bạn thanh lọc suy nghĩ trong đầu và tình cảm trong tim. Bạn tự thúc đẩy và hỏi bản thân, ý định mình là gì? Cái gì trong tim mình hoà với óc mình?

Tôi nhớ lại điều này, tuy vậy cái ngày trong hiệu mực tôi nghe cha nói và lời lẽ của ông trở nên quan trọng hơn bất cứ suy nghĩ nào của dì Báu, quan trọng hơn lắm lắm ấy. "Xin ông vui lòng nhìn đây" cha tôi nói với ông khách và tôi chăm chú nhìn. Cha tôi cầm lên một thỏi mực xoay nó trong ánh sáng "Ông thấy chưa ạ? Màu rất chuẩn, đen sắc tím, không nâu, không xám như các loại mực rẻ tiền ông mua ở ngoài phố. Còn bây giờ xin ông để ý nghe." Và tôi nghe thấy một tiếng động vừa thanh vừa trong như tiếng một cái chuông bạc nhỏ. "Thanh bổng của nó cho ông biết là sắc đen của nó thật tuyệt, mịn màng như bờ bên bồi của những dòng sông xưa. Còn mùi của nó – ông có thể cảm thấy có một sự cân bằng giữa độ cứng và sự mềm mại, giữa âm thanh và mùi hương của mực không ạ? Đắt tiền ư? Bất cứ ai thấy ông dùng loại mực này cũng biết rằng nó xứng đáng với cái giá ấy".

Tôi rất hãnh diện khi nghe cha nói về mực của gia đình tôi như thế. Tôi khịt mũi hít vào phổi làn không khí nóng sực nức mùi hương liệu và long não.

"Loại mực này" cha tiếp tục "được làm từ một loại cây tốt hơn thông An Hữu rất nhiều. Đó là một loại cây hiếm và bây giờ bị cấm, không ai được đốn. May thay, chúng tôi có được một nguồn cung cấp bởi sấm chớp, và sự phù hộ của thánh thần". Cha tôi hỏi khách hàng xem ông có nghe nói gì về sọ người cổ mới được khai quật từ các mỏ đồi Xương rông không. Nhân sĩ gật đầu. "Thế thì nhà chúng tôi ở cách đấy một quả đồi" cha giải thích. "Và tất cả cây cối trong làng tôi đều được biết là đã có từ một triệu năm rồi. Sao chúng tôi biết được điều đó? Ông cứ nghĩ là biết đi ạ. Khi những bậc tiền bối đi dạo trên mặt đất quanh vùng đồi Xương rồng thì họ cần ngồi nghỉ phải không ạ? Vậy thì họ muốn ngồi nghỉ dưới một tàn cây phải không ạ? Cây cho bóng mát ư? Cây để đốt lửa ư? Cây để làm bàn ghế, giường, phải không ạ? Tôi nói không trật chứ ạ? Vậy thì chúng tôi, những người ở làng lân cận vùng đôi Xương rồng phải cung cấp những thứ đó. Và ngày nay chúng tôi là những người sở hữu những gì còn lại của cây cối từ thời tiền sử đó. Chúng tôi gọi là gỗ Hằng Tâm".

Cha tôi chỉ tay về phía cái kệ gỗ. "Bây giờ mời ông nhìn đây, trên cái kệ này là một cái đế để thỏi mực vì thế mà nó rất rẻ. Ở đây có hai cái. Nó gần như hoàn toàn được làm bằng gỗ Hằng Tâm. Mực dễ dàng thấm vào ngòi bút, như mật hoa thấm vào mũi con bướm".

Cuối cùng ông khách nọ cũng mua vài thỏi mực đắt tiền và rời hiệu mực. Lúc ấy cha tôi mới đi về phía chúng tôi, về phía tôi. Tôi đứng lên tim nhảy lên đập thùm thụp. Tôi không gặp ông từ đám ma cụ Cố cách đây hơn 3 tháng. Tôi tự hỏi không biết ông có nói gì về cái vẻ người lớn chững chạc của tôi không.

"Cái gì! Đã năm giờ chiều rồi sao?" Ông hỏi.

Câu này làm bà goá già nhảy dựng lên và kêu "Ôi giời, chúng tôi đến sớm quá! Chúng tôi sẽ rời đây và quay lại sau vậy!"

 Nhờ thế mà tôi biết chúng tôi được chờ đón vào lúc năm giờ chứ không phải một giờ. Bà Lẩu quá bối rối về việc công khai cái nhầm lẫn của bà làm cho cha tôi phải khăng khăng mời bà ngồi yên vị tới năm lần. Sau đó các ông chú tôi tiếp thêm trà và cam nữa nhưng bầu không khí vẫn ngượng nghịu.

Một lát sau cha tôi bỉêu lộ lòng quan tâm và tình thương của ông đối với tôi "Trông con hơi gầy đấy" ông nói. Hoặc có thể là ông nói trông tôi hơi mập. Sau đó ông hỏi thăm sức khoẻ của mẹ, của Cao Linh, các em trai tôi, rồi đến các bà cô và các bà thím. Bình thường, tốt khoẻ, tôi trả lời như một con vịt kêu quàng quạc. Mặc một cái áo mới tôi khó có thể ăn nói một cách tự nhiên. Cuối cùng ông hỏi tôi đã ăn trưa chưa. Và mặc dù tôi đói đến suýt ngất xỉu, tôi cũng không có cơ hội trả lời vì rằng bà già  goá đã chen vào. "Chúng tôi ăn rồi, ăn no đến vỡ cả bụng. Làm ơn đừng để chúng tôi bội thực. Cứ đi làm  việc của ông anh đi". "Chúng tôi không bận chút nào" cha tôi trả lời vẻ khách sáo "không bao giờ bận rộn với những người trong gia đình". Nhưng bà Lẩu trả lời thậm chí còn khách sáo hơn "Thật vậy, chúng tôi phải đi thôi…nhưng trước khi đi, anh có nghe chuyện xảy ra với….không?" Thế là bà bắt đầu nói chuyện với vẻ bồn chồn về một vài người họ hàng xa. Sau khi nghe bà Lẩu nhắc đến ít nhất năm, sáu cái tên người trong họ, cha tôi đặt ly trà xuống, đứng lên.

"Chị Lẩu, đầu óc tôi để đâu không biết. Tôi không thể buộc chị làm vui lòng tôi lâu hơn nữa. Tôi biết chị và con gái tôi tới sớm, chị và con gái tôi có thể đi dạo phố và thăm thú cảnh đẹp". Ông đưa cho tôi vài đồng lẻ mua kẹo và bánh bao, dặn tôi phải lễ phép với dì Lẩu và không để lạc mất dì. "Cứ đi chơi thoải mái", cha tôi bảo bà "không cần phải vì chúng tôi mà vội vã". Bà già có vẻ hơi tủi vì bị xua đuổi một cách khôn ngoan đến thế. Tôi mừng hết lớn. Chẳng bao lâu chúng tôi đã ở ngoài phố trong cái không khí nóng nực hội hè.

Xuôi xuống phố chúng tôi tìm thấy một chỗ bán bánh bao nơi chúng tôi có thể ngồi ăn ở ngoài vỉa hè. Trong khi tôi ngấu nghiến tọng bánh bao vào họng, bà Lẩu  ca cẩm rằng hơi nóng ẩm làm chân bà sưng phồng lên. "Chẳng bao lâu chúng sẽ mềm và vô dụng như những trái chuối chín nẫu". Bà ta quá keo kiệt không dám bỏ tiền ra thuê xe đi về nhà, chỉ có đi qua đi lại loanh quanh khu vực này. Nhưng bà lại nói ra mồm nỗi lo lắng rằng khi trở về cửa hiệu vào lúc năm GIỜ chúng tôi sẽ có một cuộc gặp gỡ tình cờ với một người quan trọng, thế mà chúng tôi sẽ mệt đến há miệng, thè lưỡi, thở hồng hộc như một con chó mình đầy rận. "Đừng để đổ mồ hôi" bà dặn tôi.

Chúng tôi bắt đầu đi lang thang tìm một chỗ râm mát. Tôi chỉ nghe bà Lẩu kêu ca bằng một tai trong khi tôi quan sát mọi người lướt qua chúng tôi trên đường phố. Những người đàn ông trẻ trung trông có vẻ như là sinh viên hoặc thợ học việc. Những bà già người Mãn Châu đeo những cái bị nặng. Các thiếu nữ với những mái tóc ngắn rất tân thời với kiểu quần áo phương Tây. Ai cũng sải bước một cách có chủ đích với những bước dài không phải cái kiểu người ta đi bộ về nhà. Thỉnh thoảng bà Lẩu lại ấn vào vai tôi, la lối "Ê, đừng có trố mắt ra như một con ngốc miệt vườn".

Thế là chúng tôi tiếp tục đi loanh quanh, hai đường phố về phía đông, hai đường phố về phía bắc, rồi lại hai đường phố về phía đông. Đó là cái cách mà người bà con họ xa này làm để tránh bị lạc đường. Chẳng bao lâu chúng tôi lọt vào một công viên với những cây sậy ngập nước, những lối đi bộ quanh một cái ao phủ đầy hoa dập dình trên mặt nước và những con ấu trùng nhảy tanh tách. Bà Lẩu ngồi xuống một cái ghế dưới một tàn cây và bắt đầu ra sức quạt phành phạch, lớn tiếng phàn nàn rằng bà ta sẽ nổ ra như một củ khoai nấu quá lửa. Chỉ một chốc sau quai hàm bà trễ xuống đến ngực và bà đánh một giấc. Chúng tôi ở gần một  cái đình bốn bề trống không làm bằng gỗ mun có màn sáo mắt cáo và hàng dãy cột tròn đỡ cái mái ngói nặng nề. Tôi đi đến một góc đình núp sau một cái cột, cố gắng trở nên bất động và vô hình như một con thằn lằn. Từ chỗ này tôi quan sát một người đàn ông rèn luyện đầu óc mình bằng một lưỡi kiếm. Một ông già thổi ra một điệu nhạc với một cái lược bằng kim loại, trong khi sau lưng ông ta là một bà già đang ngồi bóc cam và cố bắt một con bướm chao cánh sà xuống miếng vỏ cam. Phía dưới các bậc thang một đôi trai gái ngồi bên một cái hồ nhỏ giả vờ ngắm nghía những con thiên nga bơi lội trong khi ngón tay họ đang rờ rẫm nhau. Ở đây cũng có một người ngoại quốc mặc dù thoạt tiên tôi không nhận ra ông là người ngoại quốc vì ông mặc quần áo của một bậc trí giả, áo dài mùa hè và quần lá toạ. Mắt ông xám như là nước bùn. Quanh một cái trụ khác là một vú em đang dỗ dành một đứa bé, cố làm cho nó nhìn vào cô ta, nhưng thằng nhỏ gào khóc, nhất định nhìn về phía người ngoại quốc. Rồi có một người đàn ông khác, hết sức tao nhã trong phong thái và cách phục sức đi về phía một cái cây, vén cái màn của một lồng chim mà tôi không nhận ra trước đó. Chim chóc lập tức cất cao tiếng hót. Tôi cảm thấy mình lạc vào một thế giới một ngàn năm về trước và rằng tôi bao giờ cũng sống trong thế giới ấy chỉ có điều bây giờ tôi mới mở mắt ra để nhìn thấy.

Tôi ở lại cái đình cho đến khi chẳng còn ai. Rồi tôi nghe bà già Lẩu gào tên tôi. "Mày làm tôi sợ đến nỗi muốn trụt cả da thịt ra" bà ta mắng và bấu vào tai tôi rất mạnh.

Trong khi chúng tôi trở về cửa hiệu của cha tôi, tôi đã là một cô gái khác. Đầu óc tôi lộn tùng phèo như trong một cơn bão cát trên sa mạc, các ý nghĩ và hy vọng việc vụ hoàn toàn tự do. Tôi tự hỏi suốt dọc đường là không biết những người ngồi chơi ở đình vào lúc ấy nhớ lại cái gì về những chuyện xảy ra ngày hôm sau và hôm sau nữa. Bởi vì tôi tốt tôi sẽ không bao giờ quên cái ngày ấy, cái ngày tôi với bắt đầu một cuộc đời mới.

Như là bà già Lẩu đã tính toán, mẹ chồng tương lai của tôi sẽ ngẫu nhiên ghé qua hiệu mực vào lúc năm giờ. Người phụ nữ này trẻ hơn mẹ tôi. Bà ta có vẻ mặt nghiệt ngã và một cái nhìn phê phán. Hai cổ tay đeo đầy vàng ngọc của bà đã chứng tỏ nấc thang giá trị của bà. Khi bà Lẩu gọi bà, tôi thấy bà hơi bối rối một chút rồi lại có vẻ sung sướng.

"May mắn nào đem chúng ta gặp nhau ở đây đây?" bà Lẩu kêu lên giọng the thé. "Bà chị đến Bắc Kinh bao lâu vậy? Thăm một người họ hàng à?" Sau khi chúng tôi diễn xong cái màn ngạc nhiên giả tạo, bà Lẩu giới thiệu người phụ nữ với cha và hai chú tôi. Tôi tập trung chú ý nhưng không để lộ ra cái điều là tôi không nghe thấy bà giới thiệu tên tuổi người đàn bà.

"Đây là con gái đầu của người bà con của tôi, cháu tên là Lưu Linh, 15 tuổi". Bà Lẩu giới thiệu tôi. "Con 14 tuổi" tôi chữa lại, thế là  bà Lẩu lườm tôi một cái trước khi nói thêm "Gần 15 tuổi. Cháu lên trên này chơi tuần này. Gia đình họ sống ở Hằng Tâm nhưng lại bán mực ở Bắc Kinh, như bà  chị có thể nhìn thấy", bà đưa tay khoát chỉ cửa hàng "công việc của họ cũng không đến nỗi nào".

"Chúng tôi mang ơn phu quân bà một phần", lúc ấy cha tôi mới nói. "Nhiều loại gỗ của chúng tôi là được mua từ chỗ ông nhà".

"Thật hả?" Cả bà Lẩu cùng người phụ nữ nọ bật lên tức thì. Tai tôi dỏng về phía cha, tò mò về nỗi gia đình nhà tôi sao lại biết gia đình này.

"Đúng thế. Chúng tôi có gỗ long não là từ chỗ Trương tiên sinh" cha tôi tiếp tục. "Và ông nhà cung cấp áo quan cho chúng tôi trong những hoàn cảnh không may, bao giờ cũng là loại tốt nhất ạ".

Trương chủ trại hòm. Trong khi thầm thốt lên với một ít ngạc nhiên và  vui sướng tôi có thể nhìn thấy cảnh dì Báu đấm nắm tay vào không khí. Dì sẽ không bao giờ cho phép tôi bước chân vào gia đình này. Nhưng tôi nhắc nhở mình rằng đó không phải là điều dì có thể quyết định cho tôi.

"Chúng tôi cũng đang nghĩ đến chuyện bắt đầu làm ăn ở Bắc Kinh đấy ạ" Trương phu nhân tiếp lời.

"Ồ thế ạ? Có lẽ chúng tôi có thể giúp đỡ ông bà ở một phương diện nào đó" cha tôi nói một  cách lịch sự.

"Chúng tôi không dám phiền ông ạ" Trương phu nhân tiếp tục.

"Chẳng có gì phiền phức đâu ạ".

"Hai bên có thể gặp gỡ nhau và thảo luận về các khả năng hợp tác" bà Lẩu gợi ý thật đúng lúc.

Trong khi Trương phu nhân dừng lại một chút để suy nghĩ về cái ý tuyệt vời này, cha tôi nói thêm "Trong bất cứ trường hợp nào, tôi cũng rất vui lòng được hầu chuyện với ông nhà nhiều hơn về những mảnh xương rồng mà ông đã cống hiến, một đóng góp quan trọng cho sự khám phá vĩ đại về người Bắc Kinh ạ".

Bà Trương gật đầu "Chúng tôi cũng ngạc nhiên, làm sao những mảnh xương xấu xí lại có giá trị đến thế. May là chúng tôi đã không dùng nó làm thuốc". Tôi nghĩ về điều có thể xảy ra nếu tôi được làm dâu gia đình giàu có và nổi tiếng này. Cao Linh sẽ điên lên vì ghen tức. Mẹ tôi sẽ đối xử với tôi một cách ưu ái đặc biệt. Tất nhiên gia đình họ chắc chắn sẽ không cho phép dì Báu đến làm vú nuôi cho  những đứa cháu nội tương lai của họ, đặc biệt là khi dì vẫn tiếp tục khạc nhổ và đập đồ mỗi khi nghe đến tên ông chủ trại hòm.

Cuối cùng đi đến quyết định rằng bà Lẩu, cha tôi và tôi sẽ đến chơi nhà một người bà con của Trương tiênsinh ở Bắc Kinh, nơi chúng tôi có thể được tận mắt nhìn những phiến đá kỳ lạ ngoài vườn. Đây là một tín hiệu tốt lành với bà Lẩu vì nó có nghĩa là  gia đình ông Trương coi là tôi cũng vừa mắt. Tôi cũng sung sướng  vì một lẽ tôi được ở lại Bắc Kinh lâu hơn.

Hai ngày sau vào chiều tối chúng tôi đến nhà người bà con ông chủ trại hòm để thưởng tiệc trăng. Tôi lại mặc một cái áo đi mượn khác. Tôi ngồi lặng lẽ, không ăn gì nhiều và nói còn ít hơn nữa. Trương tiên sinh cũng vừa ở Hằng Tâm thôn lên đây. Ông và cha tôi đàm luận về người Bắc Kinh.

"Tất cả những mảnh xương sọ đều còn ở Trung Hoa", cha tôi nói. "Đó không chỉ là một khả năng, mà còn là một thoả thuận với người nước ngoài".

"Bọn ngoại bang ấy" Trương tiên sinh phán "ông không thể mong là là bọn chúng giữ lời. Chúng sẽ tìm cách lèo lái. Chúng sẽ tìm ra vài cái cớ để đưa ra những thoả thuận mới, áp đặt cho chúng ta".

"Không có thoả thuận nào thay đổi được sự thật là người Bắc Kinh là người Trung quốc và sẽ ở lại cái nơi ông đã sống và đã chết".

Thình lình Trương tiên sinh nhìn thấy tôi ngồi trên một cái ghế ngoài vườn "Có thể là một ngày nào đó bác cháu mình sẽ tìm thêm di vật về người Bắc Kinh. Cháu có thích thế không?"

Tôi gật đầu sốt sắng.

Ngày hôm sau trên đường v ề nhà, tôi là một cô gái hoàn toàn sung sướng. Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình quan trọng như vậy. Tôi đã không làm bà Lẩu và gia đình phải mất mặt. Thực ra tôi đã thành công vang dội. Cha tôi đã rầy tôi một chút vì những chuyện không đâu. Nhờ vậy tôi biết ông tự hào về tôi. Bà Lẩu ba hoa với con dâu bà là tôi có phong thái và dáng vẻ hứa hẹn nhận được tới mười lời cầu hôn. Bà chắc chắn họ Trương sẽ xon tôi nội trong tuần tới.

Mặc dù tôi còn chưa gặp người con trai thứ tư nhà họ Trương, tôi biết rằng anh lớn hơn tôi hai tuổi và đã trở lại vùng đồi Xương rồng. Như những người con trai khác, anh là một người thợ học việc ở trại hòm của cha anh. Và còn nữa, có nhiều câu chuyện về anh, rằng anh là nó con trai út có thể sẽ khuêch trương công việc kinh doanh của cha anh tại Bắc Kinh, cũng giống như việc gia đình tôi đã làm với nghề làm mực. Thế có nghĩa là tôi sẽ sống ở Bắc Kinh.

Trong tất cả những mơ tưởng dự tính này tôi đã không đặt vấn đề người chồng tương lai của tôi có thông minh không, có học không, có tốt bụng không. Tôi không nghĩ về một cuộc tình lãng mạn, tôi không biết gì về những chuyện ấy. Nhưng tôi biết rằng hôn nhân sẽ nâng địa vị của tôi lên hay là làm cho nó tệ đi. Cứ nhìn vào phong cách đại gia của Trương tiên sinh cũng như là vàng bạc châu báu trên người Trương phu nhân là đủ biết tôi sẽ thành người quan trọng như thế nào, có khi còn hơn ấy. Vậy thì còn chuyện gì đáng ngại nữa nào? Ông Vệ đến vào lúc tinh mơ để đón tôi về nhà. Bầu trời vẫn còn tối đen và bảng lảng trong không khí ban mai là cái mùi thum thủm của cống rãnh mùa hè. Ngồi trên xe tôi bắt đầu mơ mộng về  tất cả các cách tôi cần để thay đổi cuộc đời mình. Tất nhiên tôi cần quần áo mới ngay. Tôi cũng phải cẩn thận không được để mặt tôi phơi ra nắng. Tôi không muốn mình trông giống một con bé nông dân bé nhỏ đen nhẻm. Sau cùng, chúng tôi là những nghệ nhân và thương nhân từ một dòng họ lâu đời rất đáng kính.

Vào lúc những vì sao mờ hẳn và mặt trời hiện lên, Bắc Kinh đã biến mất sau đường chân trời, cảnh vật quanh tôi lại biến thành buồn tẻ đầy bụi bặm. Nhiều giờ sau cỗ  xe lừa leo lên ngọn đồi cuối cùng che khuất xóm làng tôi. Tôi có thể nghe thấy tiếng gà cục cuc, tiếng chó sủa bâng quơ, tất cả những âm thanh quen thuộc của làng quê.

Ông Vệ cất giọng hát một bản dân ca gọi bạn tình rõ to để đốt cháy phổi của ông. Khi xe rẽ ngoặt vào một con đường chúng tôi đi qua chỗ người chăn cừu, ông Vũ, lúc ông đang lùa bầy cừu. Mặt trời lúc chiều hôm vượt qua các cành cây rọi ánh sáng lên lưng các con cừu. Ông Vũ giơ cái gậy lên, cất cao tiếng chào tôi và ông Vệ. Trong lúc ấy đàn gia súc của ông chạy tứ tán như một đám mây giông và đột nhiên tôi có linh cảm về một tai hoạ đang đến gần. Tôi nhớ có lần mẹ đã hạ giọng thì thào kể rằng ông chăn cừu này góa vợ và muốn tìm một người vợ kế giúp ông chăm lo việc dệt len. Tôi có thể cảm thấy rõ ràng cái gì lạo xạo trong đám bụi Gobi màu vàng trong lúc những ngón tay tôi thọc vào đám lông cừu. Tôi có thể ngửi thấy mùi phân cừu ám vào ngón tay tôi, xương thịt tôi. Và bây giờ trong lúc nhìn trân trân người chăn cừu với nụ cười rộng ngoác và cái gậy giơ lên, tôi càng quyết tâm rằng tôi phải lấy một trong những đứa con ông Trương. Có thể là thằng con ấy hoá ra là một thằng ngốc chột mắt. Có hề gì. Tôi vẫn sẽ là con dâu của một dòng họ nổi tiếng có cơ sở làm ăn ở Bắc Kinh.

Nhanh như ta bẻ một cành cây khô – đó là cách mà đầu óc ta có thể xoay thật nhanh quay ra chống lại tất cả những gì quen thuộc và thân yêu. Tôi là thế đấy đang trên đường trở về ngôi nhà mình, nhưng trong tôi không còn tràn đầy xúc cảm và sự quyến luyến đối với những gì cùng tôi lớn lên nữa. Thay vì thế tôi nhận ra mùi hôi thối của một con heo mọi, mảnh đất bị đào bới nham nhở vì những người dân quê mơ tìm ra xương rồng, những lỗ thủng trên các vách tường, bùn đất chất bên cạnh giếng, bụi bốc lên từ con đường làng không được quét dọn. Tôi nhìn vào khuôn mặt những người đàn bà khi chúng tôi đi qua, trẻ cũng như già, đều có một khuôn mặt trống rỗng ấy, đôi mắt lờ đờ ấy phản chiếu những cái đầu ngủ gật quá lâu. Mỗi một cuộc đời cũng đều giống y hệt như người bên cạnh. Mỗi một gia đình cũng đều quan trọng như nhau, suy cho cùng thì cũng chẳng quan trọng chút nào. Họ là những người dân quê vừa ngây thơ vừa thực tế, rất ì ạch trong chuyện thay đổi nhưng lại rất nhanh trong việc gán một sự rắc rối của một đàn kiến gặp trên đường đi cho một điều xui xẻo từ cơn giận dữ c'ac vị thánh thần trên trời cao. Thậm chí cả dì Báu giờ đây đối với tôi cũng thế nốt, một mụ nhà quê đầu như mít đặc.

Tôi nhớ một chuyện đùa về cuộc sống ở một làng quê lạc hậu, khi bạn chẳng có việc gì để làm, bạn có thể làm cho mình trở nên bận rộn bằng cách mang gạo ra nhặt bọ mọt. Một lần tôi đã phì cười khi nghe nói thế. Bây giờ tôi thấy nó mới đúng làm sao chứ!

Ông Vệ vẫn tiếp tục hát rống lên bài hát cổ lỗ của ông trong khi xe chúng tôi đi qua sân chung của làng. Rồi chúng tôi đi sang địa phận của khu Đầu  Heo. Chúng tôi đi qua những khuôn mặt cũ kỹ nghe tiếng chào thô ráp và khô nồng vì bụi của họ. Khi xe bò đến gần cái khúc cua vào nhà tôi, tim tôi nhảy lên thình thịch. Tôi nhìn thấy cái cổng ra vào của gia đình, cái cổng có mái che với những cái cột gỗ tróc sơn, cặp liễn đỏ đã phai màu treo ở hai trụ cổng.

Nhưng ngay khi mở cổng trái tim tôi đã trở về vị trí cũ và trong tôi tràn ngập niềm mong mỏi được gặp lại dì Báu, chắc là dì phải sung sướng  khi thấy tôi trở về. Dì đã khóc lúc tôi ra đi. Tôi chạy ào vào trong sân kêu toáng lên "Con đã về nhà! Con đã về nhà rồi!" Tôi đi vào xưởng mực nơi tôi gặp mẹ và Cao Linh. "Sao về sớm thế?" mẹ hỏi không buồn ngừng tay làm  việc. "Bà Lẩu gửi cho mẹ một lá thư cho biết cuộc gặp gỡ tốt lắm, và nhà Trương chắc chắn sẽ xin cưới con".

Tôi nóng ruột muốn kể ngay cho họ nghe về các cuộc phiêu lưu của tôi, về những điều vui thú mà tôi đã tận hưởng. Nhưng mẹ đã chặn tôi lại "Nhanh lên, rửa ráy đi rồi giúp em con và mẹ một tay nghiền chỗ bột này". Còn Cao Linh nhăn mũi nói "Cho! Chị bốc mùi như cái đít con heo ấy".

Tôi đi vào buồng ngủ của tôi với dì Báu. Mọi thứ vẫn nguyên chỗ cũ, cái mền gấp lại để cuôi chân giường. Nhưng dì không có mặt ở trong buồng. Tôi đi từ buồng này sang buồng khác, từ góc sân này sang góc sân kia. Mỗi một phút qua đi tôi lại càng nóng ruột muốn gặp dì.

Và rồi tôi nghe tiếng gõ nồi. Dì đang ở dưới hầm, sốt sắng muốn tôi biết dì có mặt ở đâu. Tôi xuống thang và tìm đường xuống hầm. Dì vẫy tay và khi dì nhô lên khỏi bóng tối, tôi nhận thấy dì vẫn có dáng vẻ một thiếu nữ. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi chỉ nhìn thấy một nửa khuôn mặt dì ngời sáng dưới ánh mặt trời, trong mắt tôi dì lại đẹp đẽ như dì bao giờ cũng là như thế khi tôi còn bé. Khi lên khỏi hầm dì đặt cái nồi  xuống vuốt ve khuôn mặt tôi rồi nói bằng đôi tay. Có phải con trở về đây là vì ta không, Cún con? Dì kéo bím tóc rối của tôi ra cự nự. Không mang lược theo phải không? chẳng có ai nhắc con phải không? bây giờ thì con biết con cần ta. Đồ không có óc. Dì đánh yêu vào một bên đầu tôi và điều đó làm cho tôi khó chịu. Với các đầu ngón tay,dì phủi bụi trên mặt tôi, rồi đặt tay lên trán tôi. Con ốm à? Con có vẻ đang sốt. "Con không ốm, con đang nực nội đây". Dì Báu di ra phía sau gỡ dây cột tóc ra khỏi tóc tôi. Tôi liếc nhìn những vết sẹo nham nhở và cái miệng dúm dó của dì,

Tôi quay đi "Con phải đi rửa ráy đây".

Dì bắt đầu xì xì ra những âm gió. Đi một tuần thôi và bây giờ con là người lớn hẳn?

Tôi đốp lại "Tất nhiên, chẳng gì tôi cũng sắp lấy chồng rồi".

Dì biết. Mà không phải là hầu thiếp mà là chính thất. Tốt lắm. Dì đã dạy con nên người và ai cũng có có thể thấy điều đó.

Tôi biết mẹ còn chưa bảo dì tên của gia đình chồng tương lai của tôi. Sớm muộn gì rồi dì Báu cũng sẽ biết. "Đó là gia đình họ Trương", tôi chậm rãi nói, quan sát những lời tôi nói cắt người dì ra làm đôi.

"Đúng thế, nhà ông Trương – chủ trại hòm".

Dì ú ớ như thể dì đang bị dìm xuống đáy sông. Dì lắc đầu lia lịa như một cái chuông đang rung. Rồi dì bảo tôi với đôi tay của dì. Con không thể làm thế. Ta cấm con.

"Không phải chờ đến bà quyết định được hay không!" tôi hét lại.

dì tát tôi rồi ấn tôi vào tường. Nữa, nữa, dì đánh liên hồi lên vai tôi, lên mang tai tôi, thoạt tiên tôi khóc thút thít vì sợ hãi, tôi cố tự vệ. Nhưng rồi cơn tức giận bùng nổ, tôi đẩy vào lưng dì, đứng mặt đối mặt. Tôi làm mặt tỉnh rụi và điều đó làm cho dì Báu sững sờ. Chúng tôi nhìn trừng trừng vào nhau, thở hổn hển cho đến khi cả hai không  còn nhận ra nhau nữa. Dì đổ sụp người xuống, bộ ngực dềnh lên dềnh lên, dấu hiệu về sự bất lực của dì.

"Tôi cần đi giúp mẹ và Cao Linh" tôi nói, quay mặt bỏ đi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích