Cội Rễ
Chương 29

Kunta cảm thấy hầu như ngày nào Binta cũng làm nó bực bội về một cái gì đó. Không phải do bà làm cái này hay nói cái kia, mà là bằng những cách khác – lối ngó nhìn, giọng nói – Kunta có thể đoán là bà không đồng ý một cái gì về nó. Tệ nhất là những khi Kunta có thêm những vật mới mà Binta không đích thân kiếm được cho nó. Một buổi sáng, mang bữa điểm tâm đến cho nó, Binta suýt đánh rơi bát mạch kê bốc hơi xuống người Kunta, khi bà thấy nó mặc chiếc áo dài đầu tiên không phải do chính tay bà khâu. Cảm thấy có lỗi vì đã đánh đổi một tấm da linh cẩu lấy chiếc áo đó, Kunta tức tối không giải thích gì cho mẹ rõ cả, mặc dầu nó có thể thấy bà phật ý sâu sắc.

Từ sáng hôm ấy, nó biết rằng Binta sẽ không khi nào mang bữa ăn đến cho nó mà không đưa mắt củ soát mọi thứ trong lều để xem có gì khác không liên quan với bà – một chiếc ghế đẩu, một cái chiếu, một cái chậu, một cái đĩa hoặc một cái nồi. Nếu có cái gì mới xuất hiện, đôi mắt sắc sảo của Binta ắt không bao giờ để lọt. Những lúc như vậy, Kunta thường ngồi đó, tức sôi lên trong khi bà làm ra bộ bất cần và không thèm để ý, như nó đã bao lần thấy bà xử sự thế đối với Ômôrô, và hai bố con Kunta đều biết là Binta rất nôn nóng muốn ra chỗ giếng làng gặp các bạn nữ để lớn tiếng than thở nỗi niềm – điều mà tất cả mọi phụ nữ Manđinka đều làm khi có chuyện bất hòa với chồng.

Một hôm, trước khi mẹ mang bữa sáng tới, Kunta nhấc một chiếc lẵng đan rất đẹp của Jinna M’Baki một quả phụ ở Jufurê, tặng nó, đem để ngay bên trong cửa lều, chắc mẩm mẹ nó sẽ vấp phải. Nó chợt nghĩ ra là người đàn bà góa ấy thực ra chỉ trẻ hơn Binta một chút. Hồi Kunta còn là một mục đồng thuộc lứa kafô thứ hai, chồng chị ta đi săn và không bao giờ trở về nữa. Chị ta ở gần lều bà Nyô Bôtô, Kunta đến thăm bà luôn và vì thế họ gặp nhau rồi đi tới chỗ trò chuyện với nhau khi Kunta lớn hơn. Kunta đã lấy làm phiền khi món quà tặng của người đàn bà góa khiến mấy thằng bạn trêu chọc nó về lý do chị ta cho nó cái lẵng tre quý như thế. Khi Binta tới lều và trông thấy chiếc lẵng – nhận ra kiểu đan của người đàn bà góa nọ – bà co rúm lại như thể đó là một con bọ cạp, trước khi cố gắng trấn tĩnh được.

Cố nhiên, bà không nói một lời nào về chuyện ấy, nhưng Kunta biết mình đã thành công. Nó không còn là một thằng bé và đến lúc Binta thôi đi đừng có đóng vai người mẹ nữa. Nó cảm thấy làm cho bà thay đổi về phương diện này là trách nhiệm của chính nó. Đó không phải là chuyện để đem ra nói với Ômôrô, vì Kunta biết không thể tự đặt mình vào cái thế lố bịch đi vấn kế Ômôrô xin ông khuyên nên làm thế nào để Binta tôn trọng con trai như đã tôn trọng chồng. Kunta cũng nghĩ đến chuyện bàn với già Nyô Bôtô về vấn đề này, song lại thay đổi ý kiến khi nhớ lại bà đã xử sự kỳ lạ thế nào đối với nó khi nó trở về sau đợt rèn luyện trưởng thành.

Cho nên Kunta không để lộ ý mình ra và chẳng bao lâu quyết định thôi không đến lều Binta, nơi nó đã sống hầu hết quãng đời trước đây. Và những khi Binta mang cơm đến, nó thường ngồi ngay ngắn im lặng trong khi bà đặt thức ăn trên chiếu trước mặt nó rồi bỏ đi, chẳng nói chẳng rằng hoặc thậm chí nhìn đến nó nữa. Cuối cùng, Kunta bắt đầu thực sự nghĩ đến chuyện tìm cách nào khác thu xếp việc ăn uống. Phần lớn bọn trai mới trưởng thành khác vẫn ăn nhờ bếp của mẹ, nhưng một số được chị ruột hoặc chị dâu nấu giúp. Nếu Binta quá quắt hơn chút nữa, Kunta tự nhủ, nó sẽ kiếm một người đàn bà khác nhờ nấu ăn hộ – có thể là chị góa đã cho nó cái lẵng. Không cần hỏi nó cũng biết là chị ta sẽ vui vẻ nhận lời – tuy vậy Kunta vẫn không muốn để cho chị ta biết nó đang cân nhắc chuyện này. Trong khi chờ đợi, hai mẹ con vẫn tiếp tục gặp nhau vào các bữa ăn – và tiếp tục làm như thậm chí không trông thấy nhau.

Một buổi sáng sớm, đi gác đêm ngoài ruộng lạc trở về, Kunta trông thấy ba thanh nhiên trạc tuổi nó, ắt là những lữ khách từ một nơi nào khác đến, đang hối hả đi trên đường cách nó một quãng về phía trước. Lớn tiếng gọi kỳ cho họ quay lại, nó chạy tới gặp và chào họ. Những gã này cho Kunta biết họ ở làng Bara, cách Jufurê một ngày một đêm đi bộ, và họ đang trên đường đi tìm vàng. Họ thuộc bộ lạc Filúp, một chi của tộc Manđinka, song hai bên đều phải lắng nghe thật kỹ mới hiểu nhau. Điều đó làm Kunta nhớ lại chuyến đi cùng với bố đến thăm làng mới của hai ông bác, tại đó nó không tài nào hiểu một số người nói gì, mặc dầu họ ở chỉ cách Jufurê hai ba ngày đường.

Kunta thắc mắc về cuộc đi mà mấy gã nọ đang tiến hành. Nó nghĩ có thể một số bạn mình cũng thích, nên nó đề nghị tốp thanh niên dừng lại để làng nó tiếp đãi một hôm rồi hãy đi tiếp. Nhưng họ nhã nhặn từ chối lời mời, nói rằng họ phải tới địa điểm có thể đãi vàng vào chiều hôm thứ ba của cuộc hành trình. “Nhưng tại sao bạn lại không cùng đi với chúng tôi?” một gã thanh niên hỏi Kunta.

Vì chưa từng mơ tưởng đến một điều như vậy bao giờ, Kunta ngớ người ra, sửng sốt đến nỗi chợt thấy mình thốt ra tiếng: không; Kunta bảo họ là nó rất quý trọng lời mời đó, song còn mắc công việc đồng áng cùng các công việc khác. Và ba thanh niên tỏ ý tiếc “Nếu bạn thay đổi ý kiến, thì xin cứ đến gặp chúng tôi”, một gã nói. Và họ quỳ xuống, vẽ trên nền đất để chỉ cho Kunta thấy địa điểm tìm vàng ở chỗ nào – quá Jufurê hai ngày đêm hành trình. Cha của một gã trong bọn, một nhạc công lưu động, đã mách họ chỗ ấy.

Kunta vừa đi theo vừa nói chuyện với tốp bạn mới cho đến khi tới con đường rẽ đôi. Sau khi ba thanh niên theo ngã rẽ qua bên làng Jufurê – và ngoái lại vẫy chào – Kunta chậm rãi bước về nhà. Vào lều và nằm trên giường rồi, nó vẫn nghĩ rất lung và mặc dầu đã thức suốt dêm, nó vẫn không nhắm mắt được. Suy cho cùng, có lẽ nếu tìm được người bạn chăm nom giúp mảnh ruộng thì nó có cơ đi tìm vàng được đấy. Và nó biết nếu có yêu cầu thì một thằng nào đó trong số bạn bè ắt sẽ cáng đáng thay nhiệm vụ canh gác của nó – cũng như nó sẽ vui lòng nhận lời nếu các bạn nhờ nó.

Ý nghĩ tiếp theo tác động đến Kunta mạnh đến nỗi nó nhảy chồm dậy khỏi giường: giờ đây, với tư cách là một người trưởng thành, nó có thể đem Lamin đi theo, như cha nó đã từng đem nó đi theo. Cả một giờ sau, Kunta cứ đi đi lại lại trên sàn đất căn lều, tâm trí vật lộn với những vấn đề do ý nghĩ háo hức ấy khuấy lên. Trước hết liệu Ômôrô có cho phép Lamin làm một cuộc hành trình như vậy không, nó còn là một đứa con nít và, do đó, cần phải được sự đồng ý của cha. Với tư cách là một người trưởng thành, Kunta thấy khá phật ý khi phải xin phép về một điều gì: nhưng giả sử Ômôrô trả lời không thì sao? Và ba người bạn mới sẽ nghĩ sao nếu nó xuất hiện với thằng em trai nhỏ?

Nghĩ tới đó, Kunta tự hỏi tại sao mình lại phải băn khoăn dạo bước, chuốc lấy phiền nhiễu, chỉ để làm một điều ân huệ cho Lamin. Nói cho cùng, từ khi rèn luyện trưởng thành trở về, Lamin thậm chí không còn gần gũi nó nữa. Song Kunta biết đó không phải là điều mà cả hai bên cùng muốn. Hai anh em đã thực sự khoái nhau trước khi Kunta đí. Nhưng giờ đây, thì giờ của Lamin bị Xuoađu choán hết, nó cứ bám nhằng nhẵng lấy thằng anh như kiểu Lamin trước kia vẫn bám lấy Kunta, đầy tự hào và thán phục. Nhưng Kunta cảm thấy Lamin chưa bao giờ dứt những tình cảm đó đối với nó. Thậm chí, Lamin còn thán phục anh trai hơn trước kia nữa kia. Sở dĩ có một khoảng cách nào đó giữa hai bên, đó chỉ là vì Kunta đã trở thành một người lớn. Đơn giản là người lớn không dễ gì bỏ nhiều thì giờ chơi với trẻ con; và thậm chí, dù nó và Lamin không muốn thế, xem ra cả hai cũng không có cách nào đột phá nổi – cho đến khi Kunta nghĩ đến chuyện đem Lamin đi theo trong cuộc hành trình săn vàng.

“Lamin là một thằng bé ngoan. Nó tỏ rõ là con nhà gia giáo. Nó chăm nom đàn dê của con rất tốt”, đó là lời bình luận khơi mào Kunta nói với Ômôrô, bởi vì Kunta biết người lớn hầu như không bao giờ mở đầu câu chuyện bằng cách trực tiếp đi vào vấn đề họ định bàn. Cố nhiên là Ômôrô cũng biết thế. Ông chậm rãi gật đầu và đáp: “Phải đúng thế”. Cố hết sức bình tĩnh, Kunta liền kể cho bố việc gặp ba người bạn mới, việc họ mời cùng đi săn vàng. Cuối cùng, hít một hơi dài Kunta nói: “Con nghĩ là cho Lamin đi cùng, chắc nó thích lắm”.

 

Mặt Ômôrô không lộ vẻ gì, dù chỉ là một thoáng. Hồi lâu, ông mới lên tiếng. “Đối với một thằng bé, đi du lịch là tốt”, ông nói – Kunta biết là cha mình ít nhất cũng sẽ không hoàn toàn cự tuyệt. Cách nào đó, Kunta cảm thấy cha tin mình, đồng thời cũng thấy ông lo lắng, điều mà nó biết Ômôrô không muốn biểu lộ mạnh mẽ quá mức cần thiết. “Đã bao vụ mưa cha không đi lại ở vùng ấy. Cha không nhớ kỹ đường nẻo ở đó lắm”, Ômôrô nói, thản nhiên như thể hai cha con chỉ bàn chuyện thời tiết vậy. Kunta biết rằng cha mình – vốn không bao giờ quên điều gì – đang định thử xem mình có biết đường đi tới địa điểm tìm vàng không đây.

 

Quỳ xuống đất, Kunta lấy một cái que vẽ đường như thể đã thuộc lòng hàng năm nay. Nó vẽ những vòng tròn chỉ những làng ở kề con đường mòn cũng như ở cách đó một quãng, suốt dọc lộ trình, Ômôrô cũng quỳ xuống và khi Kunta vẽ xong, ông nói: “Ở địa vị cha thì cha sẽ lựa chiều để đi sát cạnh hầu hết các làng. Như thế sẽ lâu hơn một chút, nhưng sẽ là an toàn nhất”.

 

Kunta gật đầu, hy vọng tỏ ra tự tin hơn là nó đột nhiên cảm thấy. Ý nghĩ chợt đến với nó là: ba người bạn nó mới gặp cùng đi với nhau, nếu có mắc lầm lỡ gì, còn gỡ cho nhau được, còn nó đi cùng với một thằng em nhỏ mà nó phải chịu trách nhiệm, nếu có điều gì không hay xảy ra, nhờ cậy vào ai?

 

Rồi nó thấy Ômôrô lấy ngón tay khoanh tròn quanh cái phần ba sau cùng của con đường. “Ở vùng này, ít người nói tiếng Manđinka” Ômôrô nói. Kunta nhớ đến những bài học trong đợt rèn luyện trưởng thành và nhìn thẳng vào mắt bố. “Mặt trời và các vì sao sẽ mách đường cho con”, nó nói.

 

Im lặng một hồi lâu, rồi Ômôrô lại nói. “Có lẽ cha sẽ ghé qua lều mẹ con”. Tim Kunta như nhảy lên. Nó biết đó là cách của bố để nói rằng ông đã cho phép, và ông thấy tốt nhất là sẽ đích thân cho Binta biết quyết định của mình.

 

Ômôrô vào lều Binta không lâu. Ông vừa mới rời khỏi đó để về lều mình thì bà đã xô cửa ra, hai tay ép chặt lấy đầu đang lắc lư “Mađi! Xuoađu!” bà tru tréo và hai đứa từ trong đám trẻ con chạy ù về chỗ mẹ.

 

Lúc này, các bà mẹ khác cùng các cô gái chưa chồng từ lều của mình chạy tới, tất cả ùa theo sau Binta trong khi bà vừa kêu gào vừa lôi xềnh xệch hai thằng bé theo mình ra giếng. Tới đó rồi tất cả đám phụ nữ liền xúm quanh bà trong khi bà khóc lóc than thở rằng từ nay bà chỉ còn có hai thằng con, rằng chẳng bao lâu những thằng kia chắc chắn sẽ rơi vào tay bọn tubốp mất thôi.

 

Một đứa con gái thuộc lứa kafô thứ hai, không thể giữ trong bụng cái tin Kunta sắp đi xa với Lamin, chạy một mạch đến chỗ bọn con trai cùng lứa tuổi nó đang chăn dê. Chỉ một loáng sau, mọi người trong làng bỗng ngắc ngư đầu mỉm cười khi một thằng bé vui thích mê cuồng vừa chạy vào làng vừa hú rầm rĩ, tưởng chừng có thể đánh thức cả ông bà, tổ tiên dậy. Đuổi kịp mẹ ngay bên ngoài cửa lều, Lamin – tuy còn thấp hơn Binta đến một gang tay – ôm ghì lấy bà, hôn chùn chụt lên trán và nhấc bổng bà xoay tít đi khiến Binta phải hét nó đặt bà xuống. Khi đứng trở lại xuống đất, rồi bà chạy ra lấy một thanh gỗ đánh Lamin. Bà còn định đánh nữa, nhưng nó đã lao đi về phía lều Kunta, không cảm thấy đau chút nào. Nó xông thẳng vào lều, không cần gõ cửa nữa. Vào nhà một người đàn ông trưởng thành theo cách đó, là một sự xâm nhập không thể tưởng tượng được – song thoáng nhìn vẻ mặt thằng em, Kunta đành phải bỏ qua sự thất thố ấy. Lamin cứ đứng đó, ngước nhìn mặt anh trai. Thằng bé mấp máy miệng như định nói điều gì; quả vậy toàn thân nó run lên và Kunta phải tự kiềm chế mình để khỏi nắm lấy, ghì lấy Lamin trong niềm xúc động yêu thương dào dạt mà nó cảm thấy đang giao lưu giữa hai đứa trong lúc ấy.

 

Kunta nghe thấy mình nói, giọng hầu như cộc cằn. “Tao thấy là mày nghe tin rồi đấy. Ngày mai chúng ta sẽ lên đường sau buổi cầu nguyện đầu tiên”.

 

Bất luận đã trưởng thành hay chưa, Kunta vẫn thận trọng tránh mọi chỗ có thể gần kề Binta trong khi đi thăm chớp nhoáng bạn bè để nhờ trông nom hộ mảnh ruộng và gánh vác thay nhiệm vụ canh phòng. Kunta có thể đoán biết Binta ở đâu bằng vào tiếng than van của bà trong khi bà dắt tay Mađi và Xuoađu đi khắp quanh làng. “Tôi chỉ còn hai đứa này nữa thôi!” bà kêu thật to như vậy. Song cũng như mọi người khác ở Jufurê, bà biết rằng dù bà có nói gì, làm gì hoặc cảm thấy thế nào đi nữa, một lời Ômôrô đã thốt ra là như đinh đóng cột.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Cội Rễ Chương 29

Có thể bạn thích