Cội Rễ
Chương 2

Đó là mùa trồng cấy và chẳng bao lâu nữa, những trận mưa đầu tiên sẽ bắt đầu. Trên khắp đất đai canh tác, cánh đàn ông ở Jufurê đã chất những đống cỏ khô cao ngất và đốt lên cho ngọn gió nhẹ tung tãi tro tàn ra bốn phía để nuôi đất. Và ở những ruộng lúa, phụ nữ đã cấy những mạ non xanh rờn xuống bùn.

Trong thời gian Binta nghỉ ngơi hồi sức sau khi đẻ, mảnh ruộng lúa của chị được bà nội Yaixa trông nom, nhưng giờ đây Binta đã sẵn sàng trở lại với công việc của mình. Địu Kunta trên lưng bằng một tấm vải bông, chị cùng với những phụ nữ khác – một số, kể cả cô bạn Jankay Turay của chị, cũng địu con thơ cùng với những bọc quần áo đội trên đầu – đi ra những chiếc xuồng độc mộc trên bờ bôlông[1], một trong nhiều nhánh phụ từ sông lớn Gămbia uốn khúc chảy vào miền trong, gọi là Kamby Bôlônggô. Những chiếc xuồng nhẹ lướt xuôi dòng, cứ dăm sáu chị em một chiếc, ráng sức đẩy đưa những mái chèo ngắn, rộng bản. Mỗi lần cúi về đằng trước để chèo, Binta lại cảm thấy thân mình mềm ấm của Kunta áp vào lưng mình.

Không khí ngào ngạt mùi cây xú ngát xâu như xạ hương và những mùi thơm của các loài thảo mộc khác mọc chi chít hai bên bờ bôlông. Hoảng hốt vì đoàn thuyền đi qua, hàng bầy khỉ đầu chó thức giấc, bắt đầu kêu choe chóe nhảy tứ tung và rung những cành cọ. Lợn rừng khịt khịt và gầm gừ chạy trốn vào những đám cỏ và bụi rậm. Đậu kín hai bờ sông lầy lội, hàng ngàn bồ nông, sếu, cò, diệc, cò bạch, cò thìa, nhạn, đang kiếm bữa sáng đều ngừng lại, sợ hãi theo dõi khi đoàn thuyền lướt qua. Một số loài chim nhỏ hơn bay lên không trung – chim cu, nhạn biển mỏ dẹt, gà nước, chim đầu rắn và bói cá – vừa lượn vòng vừa kêu the thé cho đến khi những kẻ đột nhập đã qua hẳn.

Khi xuồng lao qua những đám nước lăn tăn, nhộn nhạo, từng đàn cá tuế thường vọt cả lên, thành một điệu khiêu vũ óng ánh bạc rồi lại nhào xuống. Có những con cá lớn dữ tợn thường săn đuổi cá tuế, đôi khi đói mồi rượt hăng đến nỗi lao thẳng vào trong một cái xuồng đi qua và chị em phụ nữ thường lấy mái đập chết, cất đi để chiều làm một bữa ngon lành. Nhưng sáng nay đàn cá tuế bơi quanh các xuồng, không bị quấy rầy.

Dòng bôlông ngoằn ngoèo đưa những người đàn bà chèo xuồng ấy quành một khúc ngoặt, tới một nhánh sông rộng hơn và khi họ vừa xuất hiện, không gian bỗng rộn khắp tiếp vỗ cánh rào rào, rồi một tấm thảm sống, mênh mông hàng vạn con chim biển đủ mọi màu sắc cầu vồng, bay lên kín cả bầu trời. Cánh chim đập rạch nước thành từng luống, mặt sông tối xầm vì cơn lốc chim đó và lốm đốm những lông chim khi đám phụ nữ khua chèo tiếp tục lướt tới.

Gần tới khu đồng lầy, nơi bao thế hệ phụ nữ làng Jufurê đã từng gieo trồng lúa từ xưa tới nay, đoàn thuyền xuyên qua những đám muỗi nhung nhúc, rồi từng chiếc một nối đuôi nhau lách vào sát một bờ nhỏ đắp bằng cỏ dại ken thật dầy. Bờ cỏ phân ranh giới và xác định phần ruộng của mỗi chị em, ở đó những cây mạ non mơn mởn màu ngọc bích giờ đây đã nhô lên cao hơn mặt nước chiều dọc một bàn tay.

Vì kích thước mảnh ruộng của mỗi phụ nữ là do Hội đồng bô lão làng Jufurê quyết định mỗi năm một lần, tùy theo số miệng ăn mà mỗi phụ nữ phải cung đốn bằng gạo, thành thử phần của Binta hiện vẫn còn nhỏ bé. Thận trọng giữ thăng bằng khi địu đứa con mới đẻ từ xuồng bước lên bờ, Binta bước vài bước rồi dừng phắt lại ngạc nhiên và sung sướng nhìn một cái chòi tre nhỏ xíu lợp rạ. Trong khi chị đau đẻ, Ômôrô đã tới đây, dựng nó lên làm chỗ che mưa nắng cho con trai. Với cái đặc tính của đàn ông, anh chẳng nói gì về chuyện đó cả.

Sau khi cho con bú, rồi đặt gọn nó vào trong chòi, Binta thay quần áo, mặc bộ đồ lao động mang theo trong cái bọc đội đầu và lội ra làm việc. Gập đôi mình trên mặt nước, chị nhổ đến tận rễ những túm cỏ dại mà, nếu để mặc, chúng sẽ mọc vượt lên, làm chết lúa. Hễ Kunta khóc, Binta lại lội tới, ròng ròng nước, cho nó bú trong bóng râm của chòi.

Cứ thế, hằng ngày, bé Kunta sưởi ấm trong âu yếm nâng niu của mẹ. Chiều chiều trở về lều, sau khi nấu nướng và dọn bữa tối cho Ômôrô, Binta thường lấy dầu cây hạt mỡ thoa từ đầu đến chân thằng bé cho mượt da rồi – đây là chuyện thường xuyên – hãnh diện bế nó đi xuyên qua làng tới lều của bà nội Yaixa cho bà chầm bập, hôn hít nó. Và cả hai thi nhau liên tiếp nắn đầu, nắn mũi, nắn tai, nắn môi thằng bé cho cân đối, ngay ngắn hơn, làm cho Kunta cáu kỉnh khóc nhặng lên.

Thỉnh thoảng, Ômôrô mang con trai đi, tạm rời khỏi mẹ và bà nó, và ẵm thằng bé bọc kín trong chăn đến túp lều riêng của mình – các ông chồng bao giờ cũng có chỗ ở riêng cách biệt với vợ – tại đó, anh để cho nó tha hồ nhìn ngắm, sờ mó những đồ vật hấp dẫn, chẳng hạn như những cái bùa ở đầu giường Ômôrô để xua đuổi ma quỷ. Mọi thứ gì có màu sắc đều gợi trí tò mò của Kunta – đặc biệt là cái túi săn bằng da của bố, giờ đây gần như phủ kín bằng những đồng tiền vỏ ốc, mỗi đồng tượng trưng cho một con thú mà đích thân Ômôrô đã mang về làm thức ăn cho bản làng. Và Kunta cứ bi bô hoài với chiếc nỏ dài, cong vút cùng bó tên treo bên cạnh. Ômôrô mỉm cười khi thấy một bàn tay nhỏ xíu với ra và nắm lấy cây dao đen xẫm, thanh mảnh, cán bóng lên vì dùng nhiều. Anh để cho Kunta sờ mó tất cả mọi thứ, trừ tấm thảm cầu kinh là vật thiêng liêng đối với người sở hữu nó. Và một mình với con trai trong lều, Ômôrô thường nói với Kunta về những hành động đẹp đẽ và dũng cảm mà nó sẽ làm khi lớn lên.

Cuối cùng, anh đem Kunta về lều Binta cho nó bú bữa sau. Ở đâu, Kunta cũng luôn luôn khoái và cu cậu thường ngủ tít khi Binta ẵm vào lòng mà đu đưa hoặc đặt lên giường và cúi xuống hát khe khẽ một điệu ru con đại loại như:

Ngoan ngoan con nhoẻn miệng cười

Mang tên ông, phải tỏ ngời tên ông.

Rồi mai, săn thú trên rừng

Hay nơi trận mạc lẫy lừng chiến công

Cha con hởi dạ hởi lòng

Mẹ riêng nhớ thưở con nằm trong nôi.

 

Dù yêu con, yêu chồng đến đâu chăng nữa, Binta vẫn cảm thấy một mối lo lắng rất thực tế, những người chồng theo đạo Hồi, do tập tục cũ, thường hay chọn lấy một người vợ thứ trong khi vợ cả đang nuôi con thơ. Cho tới nay, Ômôrô chưa lấy thêm người vợ nào khác; và vì Binta không muốn anh bị chuyện đó cám dỗ, nên chị cảm thấy rằng bé Kunta càng chóng biết đi càng tốt, vì đó là lúc kết thúc giai đoạn nuôi con thơ.

 

Vì vậy, khi Kunta, chừng mười ba tháng, thử đi những bước chập chững đầu tiên, là Binta vội vã giúp nó ngay. Và chẳng mấy chốc, nó đã có thể lẩm chẫm đi quanh không cần ai đỡ. Ômôrô hãnh diện bao nhiêu thì Binta nhẹ nhõm đi bấy nhiêu và sau đó, khi Kunta khóc đòi ăn thì Binta không chìa vú ra cho con nữa mà phát một cái kêu ra dáng vào đít nó và ấn vào miệng nó một bầu sữa bò. 

Chú thích:

[1] Sông.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Cội Rễ Chương 2

Có thể bạn thích