Chị Em Thù Hận
Chương 1

Ánh nắng xuyên qua tàn lá dày của các cây sồi có cành đan vào nhau, in lốm đốm lên tượng đài bằng cẩm thạch đánh dấu mộ địa của dòng họ Lawson chiếm một góc nghĩa trang Houston. Tượng đài có hình bốn góc, càng lên cao càng nhỏ dần và kết thúc bằng hình tháp, đã được dựng lên cách đây một trăm năm, để canh chừng các ngôi mộ của những người đầu tiên thuộc dòng họ Lawson chôn cất ở Texas - và để tưởng niệm những người khác của dòng họ này đã bỏ mình xa cố hương miền đông Texas trong khi hãnh diện phục vụ Liên minh Miền Nam. Một lần nữa, người đi đưa đám lại tập họp, trước mộ huyệt mới đào, để tiếp nhận thi hài một người khác của dòng họ Lawson, ông Robert Dean Lawson con, mà mọi người thường quen gọi là Dean. Cái làm Abbie đau lòng nhất là cái chết đột ngột của cha nàng. Một tai nạn, cảnh sát đã bảo vậy. Ông lái xe quá nhanh và lật xe ở một khúc quẹo. Thật mỉa mai, ông đang trên đường từ phi cảng về nhà, sau một chuyến đi Los Angeles vì công việc. Chết liền tại chỗ, người ta đã bảo Abbie vậy, như thể điều đó làm cho cái chết của ông dễ chấp nhận hơn.

Không dễ hơn chút nào. Sự đau đớn, tiếc thương, là do ở chỗ không có được cơ hội nói gì với ông một lần chót, nói với ông là nàng yêu thương ông biết bao nhiêu, và có lẽ... chỉ có lẽ mà thôi... được nghe ông nói rằng ông thương yêu nàng. Nói ra thì có vẻ ngớ ngẩn, trẻ con, nhưng đó là sự thật. Nàng đã hai mươi bảy tuổi, nhưng chưa hết là cô bé cần biết được cha yêu. Dù nàng đã cố gắng tỏ ra gần gũi với cha, nhưng hình như luôn luôn có một sự ngăn cách giữa hai cha con, một bức tường vẫn chưa đổ sau nhiều năm công phá. Buồn rầu tê tái, Abbie rời mắt khỏi chiếc quan tài đựng xác cha nàng, đã phủ một lớp hoa hồng màu vàng của miền Taxas, và nhìn lướt qua đám đông đang vây quanh mộ huyệt để dự lễ tang.

Phải thừa nhận rằng số người đi đưa đám không đông như trong đám tang của ông nội nàng cách đây mười chín năm. Hồi đó ngay cả vị thống đốc cũng đi đưa đám. Người ta đã trong đợi việc đó. Ông nội của nàng, R.D.Lawson, là một trong những người đi tiên phong trong kỹ nghệ dầu hỏa. Ông là người gây dựng lại tài sản của dòng họ đã gần như kiệt quệ trong các năm khủng khiếp của chương trình tái thiết sau cuộc nội chiến. Táo bạo, tinh khôn, và rất tự tin - đó là những đức tính của ông nội mà Abbie còn nhớ, dù nàng mới tám tuổi, còn là một đứa bé, khi ông qua đời. Theo lời người ta kể lại, ông là một con người đặc sắc và quyến rũ, đôi khi tàn nhẫn trong việc chiếm đọat cho kỳ được cái gì ông mong muốn. Trong thời sơ khai của ngành dầu hỏa, đôi khi người ta phải vậy.

Nhưng dòng họ Lawson không phải là triệu phú do dầu hỏa. Mỗi khi có ai nói bóng gió với Abbie như vậy - tên rửa tội của nàng là Abigail Louise Lawson, đặt theo tên bà cố của nàng, - nàng thích mượn câu nói nổi tiếng của ông nội để đáp: "Không phải do dầu hỏa, cưng ạ. Gia đình tôi làm giàu nhờ bùn". Và nàng cười khi thấy nét mặt họ sửng sốt. Rồi nàng mới giải thích rằng "bùn" là tên gọi các dung dịch dùng trong công việc khoan giếng dầu, được bơm vào giếng để làm mềm đất và dễ khoan, để cuốn đi các mảnh vụn và duy trì sức ép ngăn chận giếng nổ. Trong buổi đầu còn dùng mũi khoan quay tròn ở các giếng dầu, người ta bơm vào giếng một hỗn hợp đất sét và nước - tức là "bùn". Về sau, người ta trộn thêm vào chất ba- rít và ben- tô- nít cho dung dịch nặng hơn. Vào những năm hai mươi của thế kỷ hai mươi, sau khi làm việc trên các khu dầu hỏa phát triển mạnh ở Texas, R.D. Lawson đã tìm ra một công thức riêng của ông để làm thứ "bùn" ấy, và đích thân đưa ra bán ở thị trường, qua một công ty do ông sáng lập, và cuối cùng trở thành một công ty lớn có số vốn hàng triệu đô la.

Sau khi ông nội chết và cha nàng bán lại công ty cho người khác, vai trò của dòng họ Lawson ở Houston thay đổi rất nhiều. Họ không còn là thành viên của kỹ nghệ dầu hỏa rộng lớn. Không còn cơ sở quyền lực là công ty, họ có rất ít ảnh hưởng đối với cộng đồng dầu hoả, chỉ thông qua các người công tác với R.D. trước đây đã trở thành những bạn thân lâu đời của gia đình. Nhưng họ vẫn còn là thành phần quan trọng trong xã hội thượng lưu của Houston, nhờ giàu có và thừa kế một dòng họ tên tuổi, điều này được chứng tỏ bởi số người có danh vọng và quyền thế của vùng Texas có mặt trong lễ tang.

Trong khi điểm qua các gương mặt quen thân, Abbie lấy làm lạ sao người ta để ý đến những chuyện như vậy trong một lúc như thế này, làm như người sống cần có sự xác nhận địa vị quan trọng của người thân của mình đã chết - một sự xác nhận chỉ đo được bằng số người có quyền thế đến dự tang lễ. Thoáng ghi nhận một cử động về một bên mắt mình, do mẹ nàng đang đưa một khăn tay bằng ren màu trắng lên thấm nước mắt dưới mạng che mặt dính ở mũ bà, Abbie bắt đầu quay qua phía mẹ. Hầu như liền lúc đó, nàng để ý thấy người phụ nữ trẻ đứng gần tượng người đài, người ấy có vẻ quen thuộc một cách kỳ lạ làm Abbie phải nhìn lại một lần thứ hai. Nàng sững sờ nhìn chằm chằm vào cô ta, mặt biến sắc. Sự giống nhau thật kỳ quái.

- Nào, chúng ta hãy đọc kinh cầu nguyện.- Ông mục sư lên tiếng, đầu cúi gằm xuống, trong khi đứng trước quan tài đóng kín. - Lạy Chúa, chúng con đã họp mặt hôm nay ở đây để đưa thân xác kẻ tôi tớ Chúa là Dean Lawson, chồng và cha thân yêu, về nơi an nghỉ...

Abbie nghe tiếng ông mục sư kêu gọi đọc kinh, nhưng lời nói của ông không lọt vào tai nàng. Nàng quá sửng sốt vì thấy người phụ nữ ấy trong đám đông. Không thể có được. Không thể có, nàng nghĩ hỏang, và cố giữ cho khỏi rùng mình vì thấy lạnh ở xương sống.

Người phụ nữ đang đứng, đầu hơi cúi xuống, thì một ngọn gió mát lay động mái tóc bóng loáng màu hạt dẻ cuả cô ta - cũng một màu như tóc cuả Abbiẹ Nhưng màu mắt của cô ta mới là điểm khiến Abbie bủn rủn cả người. Cặp mắt ấy màu xanh dương sáng chói, thăm thẳm như đáy biển - cùng một màu sắc tươi sáng như mắt nàng. "Màu xanh của dòng họ Lawson"- Ông nội nàng đã đặt tên cho nó, và khoe rằng nó có nghĩa là mắt họ "xanh hơn một loại mũ xanh cuả vùng Texas".

Abbie có cảm tưởng rõ rệt là nàng đang nhìn vào một tấm gương soi không trung thực lắm, và thấy hình ảnh hơi lệch lạc của bản thân nàng. Cảm giác ấy thật lạ kỳ. Bất giác nàng đưa một tay lên sờ tóc, để xem thử mái tóc của nàng có còn vuốt sát về đàng sau và xoắn lại theo kiểu Pháp, chứ không phải xõa xuống vai như của người phụ nữ đứng bên kia con đường.

"Cô ta là ai?".

Với câu hỏi lởn vởn trong đầu, Abbie cúi sát xuống Bebedykt Jablonski, người quản lý trại nuôi ngựa giống A Rập ở River Bend, gia trang của dòng họ Lawson về phía tây nam Houston. Nàng chưa kịp hỏi ông về người phụ nữ giống hệt nàng, thì một loạt tiếng "Amen" đồng thanh vang lên, đánh dấu sự chấm dứt lễ hạ huyệt, và đám đông người đi đưa đám trước đó đứng yên bây giờ bắt đầu cử động. Người phụ nữ kia mất hút. Giây phút trước cô ta còn đó, giây phút sau đã biến mất. Đi đâu? Làm sao cô ta có thể biến đi nhanh vậy? "Cô ta là ai?".

Khi ông mục sư đến gần các ghế của họ ngồi, mẹ nàng đứng dậy, tấm mạng che mặt đen che đôi mắt nhòa lệ. Abbie đứng lên cạnh bà, nàng luôn luôn cảm thấy muốn che chở cho người mẹ mảnh dẻ như cây sậy, tên là Babs Lawson. Giống như cha nàng, từ khi còn nhỏ Abbie đã tập thói quen giấu không cho mẹ biết những điều gì không vui. Bà không đủ sức đối phó với bất cứ vấn đề gì. Thà bà nhìn lảng đi phía khác, và giả tảng như không có vấn đề gì, như thể các vấn đề tự chúng sẽ biến mất.

Abbie thì không vậy. Nàng thích đương đầu với các tình huống hơn, và thông thường bặm môi dẫn đường tiến tới, phần lớn do tính kiêu hãnh và ngoan cố của dòng họ Lawson truyền lại khá nhiều cho nàng. Cũng như lúc này, nàng không xua đuổi được hình ảnh người phụ nữ ấy ra khỏi trí óc, nên cứ đưa mắt lướt qua các khuôn mặt đang loanh quanh bên mộ huyệt, quyết tâm tìm cho kỳ được người phụ nữ giống nàng quá đỗi, trong khi nghe lóang thoáng ông mục sư nói mấy lời chia buồn với mẹ nàng. Cô ta ắt vẫn còn quanh đây.

Bất giác, nàng quay lại Benedykt Jablonski để cầu cưú ông ta, như suốt đời nàng đã hay làm vậy. Ông ta mặc một bộ đồ vải tuýt cũng lâu đời như ông, tay cầm cái mũ cát két có vành nhỏ. Mái tóc rậm muối tiêu thường ngày rối bù của ông hôm nay được chải láng.

Tuổi già đã mang lại những nét nhăn trên mặt ông và làm phai màu tóc đen của ông, nhưng không làm giảm bớt ấn tượng ông là một thành trì vững chắc, không một điều gì có thể làm ông nao núng. Điều đó không đáng ngạc nhiên chút nào, nếu xét đến những sự việc ông đã trải qua trong đại chiến thứ hai ở xứ Ba Lan bị Đức chiếm đóng.

Lúc này đứng bên cạnh con người chắc chắn của ông, Abbie nhớ lại nàng đã từng nói rằng ở nơi ông cái gì cũng vuông vức: cái hàm, cái cằm, đôi vai - và bộ điệu của ông. Tuy nhiên, Ben đã có ảnh hưởng điều hòa đến đời sống của nàng. Khi còn nhỏ, hễ có chuyện gì cần hỏi, nàng tìm tới ông.

Là một người trịnh trọng ít khi mỉm cười, ông nhìn nàng một chút, để đọc ý nghĩ cuả nàng qua bộ dạng của nàng, giống như nàng đã từng thấy ông làm thế nhiều lần với một con ngựa con Ả Rập thuần chủng của ông đang dạy.

- Có chuyện gì không ổn vậy? - Ông nói bằng giọng cổ và có âm điệu cuả xứ Ba Lan.

- Hồi nãy có một người đàn bà đứng cạnh về phía tượng đài, ông có thấy không?

- Không, - Ông đáp và đưa mắt nhìn về phía tượng đài. - Ai vậy?

- Tôi không biết, - Abbie đáp, và cau mày nhìn lướt qua mặt các người đang đi loanh quanh. Nàng vô tình đưa tay vuốt eo, để kín đáo vuốt cho thẳng chiếc áo đen kiểu của Chanel, bằng nhiễu Trung Quốc mịn màng như luạ. Nhất quyết tìm cho kỳ được người phụ nữ ấy, nàng quay lại nói với Ben.

- Ông ở cạnh mẹ tôi giùm nhé, Ben.

- Được.

Không chờ nghe đáp, nàng len lỏi đi giữa những người vây quanh mộ huyệt, dừng lại nói một câu với người này, bắt tay người kia chia buồn với nàng, gật đầu, mỉm cười, lẩm bẩm mấy tiếng thích hợp - không ngừng đưa mắt tìm người phụ nữ đã thoáng nhìn thấy.

Đúng lúc sắp sửa cho rằng người phụ nữ ấy đã rời nghĩa trang, thì Abbie nhìn thấy cô ta đứng ở ngoài rìa đám đông. Nàng lại bàng hòang vì sự giống nhau lạ lùng giữa họ. Đứng bên cạnh cô ta là bà Mary Jo Anderson có mái tóc hoa râm, thư ký riêng lâu đời của cha nàng, một tay bà ta đã gần như đìều hành toàn bộ công việc ít ỏi ở văn phòng luật sư của cha nàng. Sửng sốt và bối rối, Abbie nhìn hai người. Mary Jo đang làm gì với cô ấy? Bà có biết cô ta không?

Mấy ngón tay nắm cánh tay nàng và một giọng nói đàn ông trầm trầm cất lên từ một ai đó đứng gần nàng. "Cô Lawson? Cô không việc gì chứ?".

- Cái gì? - nàng quay lại nhìn ngẩn ngơ người đàn ông cao lớn, tóc đen đang nắm cánh tay nàng.

- Tôi hỏi, cô không việc gì chứ? - Miệng ông hơi nhếch lên, để lộ một nụ cười mỉm vừa kiên nhẫn vừa dịu dàng, nhưng cặp mắt ông thì nheo lại và nhìn nàng quan sát một cách tinh tế.

- Tôi khỏe, - nàng đáp, cố vươn ra khỏi tình trạng đãng trí, trong khi nhìn sững những nét mặt sắt sảo của ông, mà nàng thấy hình như quen thuộc.

Sực nhớ đến người phụ nữ, nàng ngoái lại nhìn để tìm cô tạ Người đàn ông vòng cánh tay sau lưng nàng để đỡ nàng.

- Tốt hơn cô nên ngồi. - Ông bắt đầu dìu nàng đi về hướng ngược lại. Abbie trân mình cưỡng lại.

- Tôi đã bảo ông tôi khoẻ. - Nhưng nàng vẫn bị đà kéo của ông ta đưa tới một cái ghế xếp cạnh đó. Nàng nhất quyết đứng yên không chịu cho ông kéo nàng ngồi xuống.

- Tôi cảm thấy khoẻ, - nàng lặp lại.

Người đàng ông nghiêng đầu qua một bên, bỏ tay ra khỏi người nàng và nhìn nàng với vẻ không tin.

- Trông cô không được khoẻ. Thực sự mà nói, cô Lawson ạ, một phút trước đây, cô như người chết rồi!

Vì lời nói thẳng của ông, hơn là vì nàng vừa thấy Mary Jo Anderson rời bước một mình khỏi mộ huyệt, tưởng mình học được cách giấu kỹ cảm xúc của mình từ nhiều năm naỵ Có lè nàng chưa đạt - hay có lè ông ta quan sát giỏi hơn đa số các người khác.

Dù là trường hợp nào, Abbie cũng cố gắng che đậy phản ứng vừa qua của nàng.

- Có lẽ do trời nóng quá.

- Nóng thật, - Ông gật đầu công nhận, nhưng Abbie nghĩ rằng ông không tin lý do là trời chiều nay oi bức. Mắt ông thong thả lướt qua mặt nàng có vẻ đang dò xét và tinh tế, khiến nàng càng có cảm nghĩ đã gặp ông rồi ở đâu đó - và lần đó, ông cũng quan sát nàng kỹ lưỡng như vậy.

- Tuy vậy, tôi không có việc gì. Dù sao, cám ơn ông đã quan tâm... - Nàng ngừng nói, không nhớ tên ông là gì.

- Tên tôi là Wilder, Mac Crea Wilder. - Cái tên không có một âm vang quen thuộc gì với nàng và ông hình như cảm biết điều đó. - Chúng ta đã gặp nhau ngắn ngủi vào mùa xuân vừa rồi, trong văn phòng của thân phụ cô.

Mọi ký ức, Abbie sực nhớ lại hình ảnh ông ta ngồi choáng gần hết chiếc ghế bành to bọc da trong văn phòng của cha nàng, vẻ bực bội thoáng qua trên mặt ông khi nàng ập vào phòng không báo trước, làm cuộc họp giữa cha nàng và ông bị gián đoạn, và cái dáng điệu của ông ngồi dựa vào lưng ghế, nhìn nàng quan sát, trong khi ngón tay trỏ đưa lên vuốt qua vuốt lại bộ ria mép và môi trên của ông. Chiều hôm đó ông mặc một cái sơmi ka- ki, tay áo xắn lên, và cổ áo để hở, lộ ra một mớ lông ngực loáng thoáng. Nàng nhớ các bắp thịt ở hai tay ông cuồn cuộn như dây chão, nước da màu đồng láng bóng, và bề rộng của hai vai. Nhưng cũng còn một điểm mà nàng đã quên. Nàng hít vào một hơi và vô tình hít mùi xạ hương của nước hoa cologne của ông.

- Dầu hỏa! - Trong mùi thơm thuốc ống điếu của cha nàng, đã có trộn lẫn mùi các giếng dầu - Có phải ông đã bàn về thứ đó với cha tôi?

- Một cách gián tiếp. Cô nhớ là hân hạnh cho tôi lắm.

- Thật không? - Ông ta không có vẻ thuộc lọai người bị ảnh hưởng bởi lời khen chê.

- Ai lại không hân hạnh khi được một người đẹp nhớ đến sau một lần gặp ngẫu nhiên?

- Tôi có thể kể tên một số. - Abbie không bị lầm về vẻ duyên dáng ngọt ngào của ông ta, cũng như không bị lầm về các bắp thịt rắng chắc của ông tạ Thông thường nàng đánh giá người khác khá đúng.

- Chẳng hạn như người chồng củ cuả cô, phải không?

Abbie vô tình đưa tay che ngón tay trái đeo nhẫn của nàng, không có mang gì cả. Ngón ấy không còn đeo hai khoen nhẫn dính vào nhau bằng bạch kim, nạm một viên ngọc xaphia ba ca- ra viền kim cương - đúng chiếc nhẫn do nàng đã chọn ở cửa hiệu Tiffany sau khi Christopher John Atuell cùng nàng ăn điểm tâm rất lãng mạn bên ngoài cửa hàng nằm ở đại lộ Năm của New York. Cách đây mười tháng, nàng đã quăn chiếc nhẫn ấy vào mặt anh ta, và thấy nó rơi xuống sàn bể ra từng mảnh - giống như cuộc hôn nhân bất hạnh của họ đã kéo dài được sáu năm. Ngay chiều hôm đó, nàng đã bỏ ra khỏi ngôi nhà của họ Ở đường Lerzzy Lane, trong khu cây sồi ở bờ sông Houston, để trở về nhà cha mẹ Ở River Bend và lấy lại tên con gái cuả nàng. Trong đời nàng, nàng hối tiếc nhiều thứ, nhưng sự chấm dứt cuộc hôn nhân của nàng không có trong những thứ đó.

Tuy nhiên, nàng giận vì ông đã xen vào đời tư của nàng.

- Ông có vẻ biết nhiều về tôi, ông Wilder - nàng đáp, với vẻ hơi thách thức.

- Theo tôi nhớ, hôm đó cô rốt cuộc đã nắm trong tay tờ án lệnh ly hôn và muốn ăn mừng. Đàn ông làm sao quên được một phụ nữ trẻ - và hấp dẫn lạ lùng - loan báo mình đang rảnh.

Cho đến bây giờ nàng đã quên bẵng lý do nàng ập vào văn phòng của cha nàng hôm đó.

- Ông nhớ kia à? Nàng nói, giọng dịu bớt. - Tôi rất hân hạnh.

- Thật không?

Nàng nhìn ông, chú ý hơn trước, vì ngạc nhiên trước sự nhanh nhẩu của ông, đã dùng lại đúng những tiếng ông nói với nàng. Lần đầu tiên, từ khi nàng được tin cha nàng chết, một phần của con người nàng dường như sống lại, nhưng chỉ trong chốc lát ngắn ngủi. Nàng không tránh khỏi được sự cần phải giữ gìn trong dịp này, nhất là khi quan tài của cha nàng còn chưa lấp đất, và khí trời oi bức còn ngào ngạt mùi thơm của hoa hồng.

Mac Crea liếc nhìn chiếc quan tài cẩn đồng.

- Tôi thành thật chia buồn với cô về cái chết của thân phụ cộ - Abbie tiếc thầm họ đã trở lại với các câu nói khách sáo - và trả lời cũng khách sáo không kém.

- Cám ơn ông. Và cám ơn ông đã tỏ ra quan tâm.

Lúc ông ta bỏ đi, nàng cảm thấy ngay sự vắng mặt của ông, nhưng nàng không có dịp suy nghĩ lâu về việc đó. Một người khác đang chờ để nói lời chia buồn với nàng, và Abbie lại bắt đầu đi loanh quanh, mắt đảo qua đảo lại, để tìm người phụ nữ mà nàng đã tự hỏi là ai.

Rachel Farr quan sát nàng từ xa, để ý thấy vẻ duyên dáng và tự tin của nàng khi len lỏi qua đám đông. Đúng là nhờ cái áo dài đen đơn sớ ấy, Rachel nghĩ; cái áo ấy tuy đơn sơ mà lịch sự, với những viền xa tanh đen ở cổ tay, ở chỗ xẻ bên trên váy, và cổ áo. Hay có lẽ nhờ kiểu làm tóc cuả nàng- chải vuốt hết lên và cuộn lại theo kiểu Pháp, trông kiểu cách và gọn gàng. Ắt hẳn nàng không bị khổ sở bởi cái nóng và ẩm ướt như Rachel. Áo nàng không dán vào da và tóc nàng không ướt đẫm mồ hôi như Rachel. Rachel đã trông chờ gặp nóng, nhưng không ngờ khí trời ẩm ướt đến vậy. Texas thì thường được coi là khô ráo, đất nâu, và bằng phẳng. Houston bằng phẳng, nhưng xanh um và ẩm ướt.

Rachel liếc mắt xuống cành hoa hồng đơn độc đang cầm trong taỵ Mấy cánh hoa như nhung đã rũ xuống vì trời nóng. Cô đã mua nó ở xe bán hoa tại phi cảng liên lục địa Houston, ngay sau khi từ California đến chiều hôm quạ Cô đã muốn đặt bông hồng ấy lên quan tài của Dean để biểu tượng tình yêu thương của cô đối với ông, thế nhưng cô đã e ngại không dám làm cử chỉ đơn giản ấy.

Tối hôm qua, cô đã đến nhà tổ chức lễ tang, nhưng không có can đảm vào nhà, sợ phản ứng của gia đình, sinh chuyện gây gỗ. Và hôm nay, khi gia đình làm lễ tang cho Dean trong nhà thờ, cô đã ngồi ngoài, trong lòng muốn vào dự, nhưng lại cảm thấy một cách lạ kỳ là mình không trong sạch để dự lễ. Cuối cùng, cô đã đi theo đoàn xe đưa đám gồm những chiếc Lincoln, Mercedes, Rolls và Cadillac đến nghĩa trang ở ven thành phố.

Cô nghĩ đi nghĩ lại hoài rằng nếu không có cô thư ký của ông gọi dây nói cho cô hay, thì đã không có ai báo cho cô tin Dean tử nạn. Và có thể cô chỉ biết được sau nhiều ngày, nhiều tuần, hay nhiều tháng. Cô đã thử bày tỏ lòng biết ơn với bà Anderson, nhưng cảm thấy bà ta lúng túng và không thỏai mái với cô tại đám tang.

Bất công thật! Cô cũng thương yêu Dean vậy. Chắc gia đình ông cũng hiểu được rằng cô muốn chia buồn với họ về nỗi mất mát chung. Cô không được hưởng bao nhiêu về ông, mà họ thì được quá nhiều. Cô sẽ đặt chiếc hoa hồng lên quan tài. Cô không quan tâm đến họ nghĩ thế nào.

Không để cho mình có dịp nghĩ lui, cô rảo bước trên con đường hẹp nằm lọt giữa hai hàng mộ. Đôi giày đế thấp cuả cô lún trong thảm cỏ dày, trong khi cô đi xuyên qua các bóng râm lốm đốm của các tàn cây sồi cao vút đứng canh gác các người chết. Làm như cô đang đi trong một khoảng chân không, bao bọc trong nỗi buồn đau vô tri vô giác, không nghe không thấy những cảnh vật và tiếng động ở chung quanh.

Tuy nhiên, mặc dầu đau khổ, Rachel vẫn ý thức được sự mỉa mai của hoàn cảnh này. Vì khi ông sống, cô chỉ được hưởng một ít mảnh vụn của đời ông, thì nay cô chỉ được phép dự một phần nhỏ vào lúc chết cuả ông cũng là phải thôi. Nhưng cũng như cô đã nguyền rủa sử bất công của việc trước, bây giờ cô khóc vì việc sau. Cô không làm gì được để thay đổi chuyện ấy. Dean là người duy nhất có quyền hành để làm thế, và ông đã chết.

Quan tài đột ngột hiện ra trước mặt cô, bao phủ một lớp hoa hồng màu vàng như mặt trời. Rachel đứng dừng lại một bên và ngần ngừ đặt cành hoa hồng đã héo lên mặt quan tài. Đóa hoa trông đơn độc và không đúng chỗ quá đỗi, khiến cô muốn khóc. Rưng rưng lệ, cô lim dim mắt và vuốt mấy ngón tay lên cạnh quan tài để từ biệt, rồi quay mặt đi. Khi ngẩng lên, cô thấy Abbie đứng cách đó chỉ năm thước, cau mày và bối rối nhìn chằm chằm vào cộ Trong nửa giây đồng hồ, Rachel định hấp tấp bỏ đi, như thể cô có tội. Cô chẳng có tội gì cả.Vậy tại sao cô phải bỏ chạy? Thu hết lòng kiêu hãnh, Rachel ngẩng cao đầu lên thêm một chút và bước tới trước cùng lúc với Abbie.

Họ gặp nhau giữa khoảng cách. Abbie lên tiếng trước:

- Cô là ai? Tôi quen cô không? - Giọng nói của nàng hơi kéo dài như giọng miền Texas, và giống giọng Dean. Rachel để ý thấy cô cao hơn Abbie cả mười phân, những không vì vậy mà thấy mình có ưu thế, chỉ lúng túng vụng về hơn mà thôi.

- Tôi là Rachel. Rachel Farr ở Los Angeles.

- Ở Los Angeles? - Mặt Abbie càng cau lại nhiều hơn. - Ba từ đó mới về.

- Tôi biết. - Nhận thấy Abbie hoàn toàn không có một ý niệm gì về thân thế cuả cô, Rachel đột nhiên cảm thấy cay đắng và tự ái bị tổn thương. - Dean thường bảo rằng chúng ta rất giống nhau. Tôi cũng nghĩ vậy, về một mặt nào đó.

- Cô là ai? - nàng hỏi lại.

- Tôi là con gái của ông.

Abbie co lại vì choáng váng và tức giận:

- Không thể có được chuyện ấy. Tôi là con gái của ông, con gái duy nhất của ông!

- Không, cô là...

Song Abbie đã không muốn nghe nữa lời nói dối phi lý cuả cô:

- Tôi không biết cô là ai và đến đây làm gì, - nàng tuyên bố, cố nén giận để hạ thấp giọng, - nhưng nếu cô không đi ngay bây giờ - ngay phút này - tôi sẽ cho người ném cô ra khỏi nghĩa trang.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Chị Em Thù Hận Chương 1

Có thể bạn thích