Chết Ở Venice
Chương 4

Từ ấy, ngày nối ngày, thần mặt trời[22] má đỏ phừng phừng trần mình dong cỗ xe tứ mã rực lửa qua cả vòm trời, cuồn cuộn tóc vàng tung bay cùng ngọn gió đông. Ánh bạc lấp lánh trên đầu những con sóng lười biếng nhấp nhô ngoài bể. Cát nóng như nung. Dưới không trung chói chang xanh biếc một màu, người ta căng lên trước dãy lều ngoài bãi tắm mấy tấm bạt màu gỉ sắt để núp trong bóng râm toen hoẻn của chúng mà tiêu khiển cho qua buổi sáng. Nhưng đêm xuống thì thật tuyệt vời, khi cây cối trong công viên tỏa hương mát dịu, các vì tinh tú trên cao xoay vần theo quỹ đạo vòng quanh, và tiếng rì rầm hỗn tạp của đại dương nổi lên nhè nhẹ, thủ thỉ tâm tình với linh hồn. Mỗi đêm như thế lại hào phóng hứa hẹn một ngày nắng mới thảnh thơi, được điểm xuyết thêm chuỗi khả năng vô vàn những chuyện tình cờ thú vị.

Ông khách, nhân cơ hội mượn gió bẻ măng lưu lại chốn này, còn khuya mới nghĩ đến chuyện ra đi sau khi đã thu hồi của nả. Ròng rã hai ngày ông phải muối mặt xuống phòng ăn lớn dùng bữa trong bộ quần áo đi đường. Rồi, khi cái gánh nặng thất lạc cuối cùng được đưa trở về khách sạn, ông dỡ tất cả vật dụng ra xếp vào đầy tủ và ngăn kéo, quyết tâm trước mắt cứ ở lại vô thời hạn, khoái chí vì đã có thể diện đồ lụa ra ngoài bãi tắm và mặc dạ phục thật bảnh xuống lấy le bên bàn ăn.

Nếp đời nhàn tản ấy cuốn hút ông theo nhịp điệu đều đều của nó, lối sống hào nhoáng bọc đường nhanh chóng cám dỗ ông. Thật vậy, có chốn nào bằng được nơi này, vừa có sức hấp dẫn của một vùng nghỉ mát thanh lịch trên bờ biển phương Nam lại vừa gắn bó mật thiết với thành phố liêu trai tuyệt sắc kia! Aschenbach không phải là người ham hưởng thụ. Dù ở đâu, lúc nào, mỗi khi có dịp tiệc tùng, xả hơi, nếm mùi hạnh phúc trần gian thì ông lại cảm thấy bồn chồn đầy ác cảm - nét tâm lý này thể hiện đặc biệt rõ trong những năm ông còn trẻ - và nhanh chóng rút lui quay về với công việc nặng nhọc, nếp sống khổ hạnh phục vụ bổn phận thiêng liêng của mình. Duy chỉ có nơi này quyến rũ được ông, xoa dịu tinh thần ông, làm ông hạnh phúc. Đôi khi vào buổi sáng, dưới bóng tấm bạt che trước mái lều, thả hồn mơ màng trong xanh thẳm màu nước Nam Hải, hay vào những đêm ấm áp dưới vòm trời bao la rắc đầy tinh tú, ngả mình trên gối đệm êm đềm trong chiếc gondola đi từ quảng trường san Marco về lại đảo Lido sau những giờ giải trí - bỏ lại sau lưng ánh đèn màu, bản tình ca mùi mẫn - ông chợt nhớ tới túp nhà sơn cước, nơi diễn ra cuộc vật lộn của ông mỗi mùa hè, mây đen vần vũ kéo qua vườn, dông tố cuồng phong thổi đèn lửa trong nhà tắt ngóm, và những con quạ ông thường cho ăn bay nháo nhác trên ngọn cây thông. Khi ấy ông thấy mình như lạc vào cõi thiên đàng, ở ngoài rìa chốn trần ai, nơi con người được ban cho cuộc sống thảnh thơi, chẳng sợ tuyết băng và mùa đông cũng như bão tố và mưa lũ, chỉ có những làn gió mát mơn man mà hải thần okeanos[23] gửi lên, và ngày tháng trôi đi trong vô vi hạnh phúc, không phải cố gắng, không cần tranh đấu, trọn vẹn hiến thân cho mặt trời và những lễ hội tôn vinh thái dương thần. Aschenbach rất hay gặp Tadzio, gần như thường xuyên; vì chỉ quanh quẩn trong một môi trường chật hẹp, mỗi người theo nếp sinh hoạt điều độ của mình, nên ban ngày cậu bé xinh đẹp lúc nào cũng ở gần ông, chỉ trừ vài khoảng gián đoạn ngắn ngủi. Ông thấy, ông gặp cậu bé ở mọi nơi mọi chỗ: trong dãy phòng tầng dưới khách sạn, trên các chuyến đò mát rượi qua vịnh sang thành phố và lúc trở về, cả trên quảng trường sầm uất và trong các cuộc chạm trán giữa đường do hóa công tình cờ xui khiến. Nhưng nhiều nhất và may mắn làm sao cũng thường xuyên nhất, là cơ hội mỗi buổi sáng trên bãi tắm, khi ấy ông có nhiều giờ đồng hồ để thả sức chiêm ngưỡng và nghiên cứu hình dáng yêu kiều tuyệt mỹ kia. Phải, chính sự lệ thuộc vận may, hoàn cảnh thuận lợi lặp đi lặp lại hằng ngày ấy đã làm ông rất hài lòng đẹp ý, khiến hồn ông tràn ngập cảm giác mãn nguyện và yêu đời, làm cho kỳ nghỉ của ông trở nên quý báu và những ngày nắng đẹp cứ êm đềm nối đuôi nhau không dứt.

Ông dậy sớm, như thói quen bao năm làm việc cần cù, và ra bãi trước tất cả mọi người, lúc nắng còn dịu và mặt biển trắng lóa còn mơ màng giấc mộng ban mai. Ông niềm nở chào người gác đêm, thân mật hỏi han lão già râu bạc đi chân đất trong lúc lão lo sửa soạn chỗ cho ông, căng tấm bạt nâu che nắng, mang bàn ghế trong lều ra kê ngoài bục, rồi ông ngả lưng nằm nghỉ. sau đó là khoảng thời gian ba hay bốn tiếng đồng hồ, khi mặt trời lững thững leo lên đỉnh cao tỏ uy quyền đáng sợ của mình, khi biển mỗi lúc một thẳm xanh hơn, và cũng là khi ông được nhìn thấy Tadzio.

Ông thấy cậu đi từ mé trái lại dọc theo mép nước, thấy cậu nhô ra từ phía sau mấy túp lều, hoặc cũng có khi bất ý chẳng ngờ ông giật mình vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ thấy cậu đã sờ sờ đứng đó, trong bộ đồ tắm xanh trắng là trang phục duy nhất của cậu ngoài bãi biển, tiếp tục những trò tiêu khiển bêu nắng và nghịch cát - lang thang nhàn nhã, vô công rồi nghề một cách đáng yêu, kiếp sống vô tư chỉ có rong chơi và ngơi nghỉ, lúc tản bộ, lúc lội nước, lúc đào cát, lúc chơi đuổi bắt với chúng bạn, lúc lăn ra tắm nắng và lúc nhảy xuống bơi, được mấy người phụ nữ ngồi trên cái bục trước lều ráo riết canh chừng, cao giọng véo von liên tục gọi: “Tadziu! Tadziu!” và cậu chạy về mặt mày hăm hở, kể cho họ nghe cậu mới làm gì, chỉ cho họ thấy cậu lượm lặt được những gì: vài cái vỏ sò, mấy con hải mã, mấy con sứa và những con cua lểnh khểnh bò ngang. Aschenbach chẳng hiểu cậu nói mô tê gì, nhưng mặc cho đó chỉ là những điều vô vị tầm thường nhất, trong tai ông nó vang lên thật êm ái du dương. Thế là tiếng nói lạ tai của cậu bé thăng hoa thành âm nhạc, vầng thái dương kiêu hãnh hào phóng tỏa hào quang bao quanh người cậu, và đại dương thâm trầm hùng vĩ chấp nhận làm nền tôn sự hiện diện của cậu lên.

Chẳng bao lâu người chiêm ngưỡng đã thuộc từng đường nét và dáng điệu của cái thân thể ngọc ngà được phơi bày hết sức tự nhiên ấy, ông vui sướng trăm lần như một khi gặp lại nét đẹp thân quen và cảm thấy niềm thán phục, nỗi say mê cứ trào dâng bất tận. Người ta gọi cậu bé đến chào một vị khách tới thăm đám phụ nữ trong lều; cậu chạy về, ướt rượt như vừa từ dưới nước lên, vuốt những lọn tóc ra sau gáy, đưa tay bắt tay khách, nhún một chân, chân kia chạm nhẹ mũi xuống đất, thân mình hơi xoay đi và nghiêng xuống vô cùng duyên dáng, bẽn lẽn hồi hộp, thẹn thùng khả ái, kiểu cách như một trang công tử chính cống. Hoặc khi cậu nằm dài, tấm khăn tắm quàng quanh ngực, cánh tay mảnh khảnh như tạc từ cẩm thạch chống xuống cát, lòng bàn tay đỡ lấy cằm; thằng bé tên gọi “Jaschu” ngồi chầu chực một bên, và không có gì mê hoặc lòng người hơn nụ cười trong ánh mắt và trên cặp môi của kẻ được hưởng thiên ân chiếu cố ban cho kẻ thua kém dưới cơ mình. Cũng có lúc cậu đứng bên mép nước, một mình, xa những người thân, rất gần Aschenbach - vươn thẳng người, chắp tay sau gáy, chầm chậm nhón chân lắc lư nhịp nhàng từ trước tới sau, mơ màng nhìn ra xa tít ngoài biển xanh, để mặc những con sóng lăn tăn bò vào vuốt ve mấy ngón chân. Mái tóc vàng như mật ong cuộn những búp xoăn hờ hững trên thái dương và sau gáy, lớp lông tơ mịn màng trên sống lưng óng mượt dưới ánh mặt trời, mấy rẻ xương sườn phác những đường cong thanh tú, vồng ngực cân đối nổi lên dưới bộ đồ tắm bó sát người, hốc nách còn trơn nhẵn như một pho tượng, khuỷu chân láng bóng mờ mờ những mạch máu xanh gợi lên ấn tượng thân thể cậu được tạo ra từ một chất liệu trong suốt. Tu dưỡng rèn luyện nào, tư duy xác đáng nào được biểu lộ ra qua tấm thân trẻ trung hoàn hảo vươn cao này! Nhưng cái ý chí sắt thép thuần túy âm thầm vận động trong bóng tối để đưa tạo tác siêu việt này ra ánh sáng - đối với ông, người nghệ sĩ, đâu có gì xa lạ? Chẳng phải cũng chính ý chí ấy đã từng tác động vào ông, mỗi khi lòng ông tràn ngập mê say, dốc sức đẽo gọt khối cẩm thạch ngôn từ để giải phóng ra một hình tượng thanh tao mà ông phác họa trong tư tưởng, để trưng bày ra với người đời như một biểu tượng, một tấm gương của vẻ đẹp tinh thần?

Biểu tượng và tấm gương! Mắt ông ôm trọn hình ảnh cao quý đứng bên bờ biển xanh, và trong cơn hào hứng mê say ông tin rằng với nhãn quan này ông đã giác ngộ được bản thể cái đẹp, hình thức của những tư duy siêu phàm, sự hoàn hảo thuần khiết và duy nhất tồn tại trong tư tưởng, được sao chép, mô phỏng dưới hình hài con người như một biểu tượng được dựng lên ở đây nhẹ nhàng cao nhã để phụng thờ. Đó là một cơn say; và người nghệ sĩ về già chẳng những không lưỡng lự, mà còn hăm hở lao vào. Đầu óc ông quay cuồng, tri thức đảo lộn, ký ức nhả ra những tư tưởng cổ xưa ông hấp thụ từ thời trẻ dại mà cho tới bây giờ chưa từng khơi dậy được ngọn lửa nhiệt tình trong hồn ông. sách vở chẳng đã viết rằng mặt trời hướng mối quan tâm của chúng ta từ lĩnh vực tinh thần sang những điều trần tục hay sao? Theo đó thì vầng thái dương làm trí tuệ và ký ức ta mụ mẫm và mê muội, đến nỗi linh hồn hoan lạc quên cả hiện trạng của mình, chỉ mải đắm say ngưỡng mộ theo đuổi đối tượng đẹp nhất giữa những vật thể sáng ngời trong ánh nắng: chính thế, phải cần một thân xác linh hồn mới có thể nâng mình lên tầm vóc cao hơn. Giống như các nhà toán học dùng những hình ảnh gần gũi để bày cho các trẻ em tối dạ những khái niệm trừu tượng, thần ái tình amor[24] cũng làm như vậy để tinh thần hiển hiện trước mắt ta, thường là dưới hình dáng và màu sắc của tuổi thanh xuân, làm công cụ cho ký ức, tô điểm bằng tất cả ánh hào quang đẹp đẽ, khiến mỗi khi chiêm ngưỡng lòng ta cháy bùng lên ngọn lửa đớn đau và hy vọng.

Những tư tưởng ấy tràn ngập đầu óc kẻ xuất thần; những cảm xúc ấy choáng ngợp tâm hồn ông. Và tiếng sóng biển ầm ì cùng ánh mặt trời chói lọi gợi lên trước mắt ông một cảnh tượng thần tiên. Một cây tiêu huyền cổ thụ đứng không xa những bức tường thành athena - một trong những chốn linh thiêng mát rượi, ngát hương hoa anh đào, được trang điểm bằng những linh vật và lễ vật cúng thần sông achelous[25] cùng các nàng tiên nước. Một dòng suối trong vắt chảy dưới tán lá tiêu huyền xòe rộng, giữa những hòn cuội nhẵn bóng, dế gáy nỉ non. Trên bãi cỏ hơi thoai thoải dốc, có hai người nằm gối đầu cao, lẩn tránh nắng gắt ban trưa: một già một trẻ, một xấu một đẹp, nhà thông thái bên cạnh chú tiên đồng. Và xen giữa những lời tâng bốc, những câu bông đùa ý nhị, socrates giảng giải cho Phaidros[26] về tình yêu và đạo đức. Ông nói về chấn động kinh hoàng nóng bỏng giáng xuống đầu người cảm thụ, khi mắt y bắt gặp một hình ảnh hiện thân của vẻ đẹp vĩnh hằng; ông nói về dục vọng của kẻ vô đạo và kẻ tà tâm, những kẻ không cảm nhận được cái đẹp từ biểu tượng, và vì thế không biết tôn kính Chân, Thiện, Mỹ; ông nói về niềm e sợ thiêng liêng của người quân tử khi chiêm ngưỡng một gương mặt thánh thiện, một tấm thân hoàn hảo, khi ấy hồn y run lên thổn thức bồi hồi tưởng không dám ngước mắt nhìn, tôn thờ kẻ mang trong mình cái đẹp, thậm chí sẵn sàng hy sinh thân mình để thờ phụng kẻ kia như một thần tượng, nếu không sợ bị người đời coi là lố bịch. Vì cái đẹp, hỡi Phaidros, chỉ có cái đẹp là vừa khả ái vừa mục khả thị: cái đẹp, hãy ghi nhớ điều này, là hình thức duy nhất của tư tưởng mà ta có thể tiếp thu qua các giác quan, cảm thụ bằng các giác quan. Hoặc giả chúng ta sẽ ra sao, nếu những điều siêu phàm như trí tuệ và đạo đức và chân lý bỗng hiển hiện rành rành trước mắt ta? Khi ấy ta làm sao tránh khỏi tội phạm thượng và khỏi bị tình yêu thiêu đốt thành tro bụi, như nàng semele[27] ngày ấy trước thần Zeus? Như vậy cái đẹp là con đường đưa người cảm thụ đến với tư tưởng - chỉ là con đường, là một phương tiện mà thôi, Phaidros bé nhỏ của ta... Và rồi ông, kẻ quyến rũ cáo già, đã nói ra điều tinh tế nhất: Đó là, kẻ đem lòng yêu cao cả hơn kẻ được yêu, vì cái thần ẩn trong kẻ yêu người chứ không phải ở người được yêu - có lẽ đó là tư tưởng tế nhị nhất mà cũng mai mỉa nhất tự cổ chí kim, là nguồn gốc nảy sinh mọi thủ đoạn xảo quyệt và lạc thú thầm kín nhất của ái tình.

Hạnh phúc đến với nhà văn khi một tư tưởng có thể hóa thân hoàn toàn thành cảm xúc, và một cảm xúc hoàn toàn thành tư tưởng. Khi ấy chính một tư tưởng xung động như thế, một cảm xúc xác thực như thế đã vừa thống trị vừa phục tùng người khách cô đơn: thân xác run rẩy đắm say, trong khi tinh thần gục đầu tôn vinh cái đẹp. Đột nhiên, ông muốn viết. Đã đành người đời vẫn cho rằng thần ái tình Eros ưa nhàn nhã, và sinh ra chỉ để hưởng an nhàn. Nhưng ở thời điểm này trong cơn khủng hoảng, hứng thú của kẻ cuồng si tập trung vào sáng tác. Không cần quan tâm đến nguyên do. Một câu hỏi, một đề nghị khơi mào cho một vấn đề lớn đang là điểm nóng về văn hóa và thị hiếu, làm xôn xao giới trí thức đương thời, đã lọt tới tai người lữ khách. Đề tài ấy đối với ông quá quen thuộc, ông đã tự mình trải nghiệm; đột nhiên ông không cưỡng lại được ham muốn soi sáng nó dưới ánh hào quang tỏa ra từ ngôn ngữ của chính ông. Kỳ thực ông thấy thèm được làm việc với sự hiện diện của Tadzio, khi viết lấy thân hình cậu làm mẫu vật, để cho ngòi bút của ông lượn theo những đường nét thân thể ông cho là thánh thiện, chuyển tải vẻ đẹp ấy thành tư tưởng, như cánh đại bàng ngày xưa đưa chàng mục đồng thành Troja[28] về thế giới thần linh. Chưa bao giờ ông cảm nhận khoái lạc văn chương một cách ngọt ngào hơn thế, chưa bao giờ ông ngờ rằng thần ái tình Eros lại có mặt trong từng câu chữ, như trong những giờ phút thần tiên gay cấn này, ngồi bên chiếc bàn thô sơ dưới tấm bạt che nắng, có thần tượng ngay trước mắt, giọng nói thần tượng du dương như tiếng nhạc trong tai, phóng bút thảo nên áng tản văn nho nhỏ - chỉ vỏn vẹn một trang rưỡi văn xuôi trau chuốt, nhưng vừa phổ biến đã gây chấn động dư luận nhờ sự khúc chiết, thanh cao và những rung động dồn nén bên trong. Càng tốt, nếu thiên hạ chỉ biết đến tuyệt phẩm mà không rõ nguồn gốc, không rõ hoàn cảnh ra đời của nó; vì biết rõ cội nguồn nảy sinh cảm hứng nơi người nghệ sĩ chỉ làm cho họ thấy hoang mang, khiếp sợ và sinh ra rẻ rúng kiệt tác. Giờ phút xuất thần lạ lùng thay! Nỗ lực căng thẳng lạ lùng thay! sự giao cấu giữa tinh thần và thể xác mới kỳ quái làm sao! Khi Aschenbach hoàn thành công việc và rời bãi tắm, ông thấy mình kiệt lực, người bải hoải rã rời, và có cảm tưởng lương tâm lên tiếng kêu ca như sau một đêm chơi bời phóng đãng. sáng hôm sau, khi vừa định rời khách sạn, từ trên bậc tam cấp ông nhìn thấy Tadzio đang trên đường ra biển - mà chỉ có một mình - cũng đi theo lối qua hàng rào bãi tắm. Lòng ông nổi lên một mong muốn thôi thúc, một ý tưởng đơn giản, tận dụng cơ hội này để làm quen với người đã vô tình gây ra bao sóng gió trong hồn ông, nhẹ nhàng, vui vẻ chào hỏi cậu, được một câu trả lời của cậu, vui sướng nhận một ánh mắt cậu gửi trao. Thần tượng của ông bước đi thong thả, muốn kịp cậu chẳng khó khăn gì, và Aschenbach rảo bước đuổi theo. Ông bắt kịp cậu trên lối đi lót ván phía sau những túp lều, ông định xoa đầu, đặt tay lên vai cậu, và một lời vô thưởng vô phạt, một câu thân mật bằng tiếng Pháp đã mấp mé trên môi: thì ông bỗng thấy tim mình đập như búa thợ rèn, cũng có thể vì ráng sức đi nhanh, ông cảm thấy hụt hơi tới mức sợ lên tiếng bây giờ thì chỉ thốt ra những lời hào hển và đứt đoạn; ông ngần ngừ, ông cố lấy lại tự chủ, đột nhiên ông thấy sợ mình đã đeo theo cậu nhỏ quá lâu, sợ cậu để ý và quay nhìn dò hỏi, ông lấy đà thử thêm lần nữa, vẫn không dám, đành bỏ qua cơ hội và cúi đầu lủi thủi đi vượt lên trước.

Muộn mất rồi! Lúc ấy đầu ông chỉ quay cuồng một ý nghĩ. Muộn mất rồi! Nhưng có thực là đã quá muộn không? Cái bước mà ông vừa để lỡ, rất có thể giúp ông mở mắt nhìn nhận sự vật ở khía cạnh tốt lành, nhẹ nhàng và vui tươi, giúp ông tỉnh ngộ. Chỉ rắc rối một điều là người nghệ sĩ về già không muốn tỉnh ngộ, cơn say này quá ư quý giá đối với ông. ai mà lý giải nổi bản chất và đặc điểm của nhân sinh quan nghệ sĩ! ai mà hiểu nổi do đâu có sự hòa trộn bản năng giữa tu dưỡng kỷ luật và tự do phóng đãng! Bởi không muốn hồi tâm tỉnh ngộ, đó là phóng đãng. Aschenbach đã mất khả năng tự phê bình; tự tin vào thẩm mỹ, vào khả năng trí tuệ đã được bồi đắp nhiều năm, lòng tự ái, bậc tuổi cao niên và tính xuề xòa đại khái về sau khiến ông không lao vào mổ xẻ những động cơ thúc đẩy mình, tìm hiểu xem điều gì đã ngăn cản ông thực hiện ý đồ, mặc lòng cho đó là lương tâm, hay sự dễ dãi và yếu đuối. Ông hoảng hốt sợ có ai bắt gặp hành vi của mình, thất bại của mình, sợ cả người gác dan ngoài bãi tắm, sợ bị trở thành trò cười cho thiên hạ. Đồng thời ông lại tự giễu cợt bản thân, sao lại sợ đến vãi cả linh hồn ra thế nhỉ. “Thảm hại”, ông thầm nghĩ, “thảm hại như một con gà chiến sợ đến sã cánh trong xới chọi. Đó phải là thượng đế quyền năng mới khiến ta khi gặp mặt người thương mến bỗng mất hết can đảm, để cho lòng tự hào bị giày xéo tan tành dưới đất...” Ông cười cợt, ông nổi xung, nhưng vẫn còn quá tự phụ để e dè trước một cảm xúc.

Ông đã thôi không còn kiểm soát thời gian rong chơi mà ông tự cho phép mình hưởng thụ; cũng chẳng một lần đả động đến ý định về nhà. Ông đã tiêu tốn một đống tiền. Nỗi lo duy nhất của ông là sợ gia đình Ba Lan kia ra đi; nhưng ông đã kín đáo làm bộ tình cờ thăm dò gã thợ cắt tóc của khách sạn và được biết, họ chỉ đến đây ở trước ông không bao lâu. Mặt trời làm da ông rám nắng, làn gió mặn mòi khiến ông phấn chấn tâm hồn, và giống như trước kia quen dồn vào công việc toàn bộ sinh lực mà giấc ngủ, dinh dưỡng hay thiên nhiên cung cấp, giờ đây ông phung phí một cách hào phóng, không tính đến hiệu quả kinh tế, tất cả những gì ánh thái dương, không khí biển và nếp sống an nhàn bồi bổ cho ông vào niềm say mê và cảm xúc.

Ông chỉ ngủ chập chờn; xen vào giữa những ngày vui thú giống nhau là những đêm ngắn bồn chồn đầy hạnh phúc. Mặc dù vẫn lên phòng từ sớm, vì mỗi khi Tadzio biến khỏi sân khấu vào tầm chín giờ tối thì ngày hôm ấy cũng kể như chấm dứt đối với ông. Nhưng cứ sáng sớm tinh mơ, một nỗi khiếp sợ mong manh lại len vào giấc ngủ đánh thức ông, trái tim nhắc ông nhớ đến cuộc phiêu lưu tình cảm của mình, không thể nằm yên trong nệm ấm gối êm, ông nhỏm dậy, khoác thêm tấm áo mỏng chống khí lạnh ban mai, và ngồi xuống bên khung cửa sổ mở rộng chờ đón bình minh. sự kiện kỳ diệu khởi đầu một ngày mới luôn khiến linh hồn ông, vừa được gột rửa qua giấc ngủ, tràn ngập một niềm sùng kính thiêng liêng. Trời, đất và biển vẫn mờ ảo trong ánh lê minh bàng bạc liêu trai; một vì sao tàn lụi còn thoi thóp trôi dạt giữa mông lung. Nhưng rồi một làn gió nhẹ nhàng thổi tới, đưa cánh tin từ miền bất khả lai, cho biết nàng Eos[29] đã cựa mình thức giấc bên chồng, và những ánh ửng hồng dịu ngọt đầu tiên hé lên ngấp nghé đường chân trời tít tắp khơi xa, báo hiệu sự thức tỉnh dục vọng của tạo hóa. Vị nữ thần tiến lại gần, thủ phạm quyến rũ trai tơ, cướp đi chàng Kleitos và chàng Kephalos[30], bất chấp mọi ghen tuông dị nghị của các vị thần trên đỉnh olympus điềm nhiên thụ hưởng tình yêu của chàng orion xinh đẹp[31]. Những nụ hồng bắt đầu rải rác xuất hiện nơi cuối đất, nở rộ và tỏa sáng lộng lẫy vô cùng, những cụm mây thơ trẻ, rạng ngời, sáng rực, bồng bềnh trong dải hương lam hồng như những tiểu thần amor đang làm nhiệm vụ nhắn tin, ánh đỏ tía rớt xuống mặt biển được sóng cuộn lên đẩy về phía trước, những ngọn giáo vàng từ đáy nước vung cao chĩa thẳng lên trời, ráng đỏ bùng lên như đám cháy, âm thầm với một sức mạnh siêu phàm cồn lên dục vọng sục sôi, bừng bừng ngọn lửa, và với nhịp vó câu dồn dập, những con thần mã đưa vị huynh thần[32] nhô lên từ phía chân trời. Bao bọc trong ánh sáng lộng lẫy của thái dương thần, kẻ canh gác cô đơn ngồi lặng, để những tia hào quang hôn lên cặp mi khép chặt. Những xúc cảm cũ càng, những đớn đau ngọt ngào non trẻ của con tim đã bị bóp chết vì lối sống khắc kỷ của ông, giờ bỗng quay trở lại thay hình đổi dạng một cách lạ kỳ - được ông tiếp nhận với một nụ cười hoang mang, kinh ngạc. Ông trầm ngâm, tơ tưởng, chầm chậm môi ông uốn thành tiếng gọi một cái tên, và vẫn mỉm cười, mặt ngửa lên, tay khép lại trong lòng, một lần nữa ông thiêm thiếp chìm vào giấc ngủ trên chiếc ghế bành.

Nhưng mặc dù khởi đầu một cách long trọng huy hoàng như vậy, nhìn chung mỗi ngày vẫn có nhiều thay đổi lạ lùng và biến động hoang đường. Từ đâu thổi tới làn gió nhẹ, bỗng dưng dịu dàng đầy ý nghĩa, như một lời thầm lén kiêu sa, đến vờn quanh thái dương và vành tai ông? Những cụm mây trắng nõn rải rác từng đàn khắp bầu trời, như những đàn gia súc của thần linh đang gặm cỏ. Cuồng phong nổi lên, và những con tuấn mã của thần Poseidon[33] rùng rùng phi tới, và những con bò mộng của vị thần tóc xanh cuồn cuộn cũng chúi sừng gầm rống lao vào. Giữa những hòn đá tảng ngoài bãi xa, sóng xô như bầy dê nhảy cỡn. Một thế giới biến dạng linh thiêng đầy những thuộc hạ của thần Pan[34] bao vây quanh kẻ đắm say, và trái tim ông mơ đến những cảnh tượng hoang đường huyễn hoặc. Nhiều lần, khi mặt trời ngả xuống khuất dạng sau Venice, ông ngồi trên một băng ghế trong công viên ngắm nhìn Tadzio chơi bóng trên khoảng sân đá cuội đầm phẳng, mặc quần áo trắng thắt dải dây lưng màu, mà tưởng như thấy trước mắt mình hình ảnh chàng

Hyakinthos[35], người đã bỏ mạng vì được hai vị thần đồng thời ái mộ. Đúng thế, ông cảm nhận được nỗi ghen tuông đau đớn của nữ thần gió đông Zephyros, mà đối tượng là kẻ tình địch đầy quyền năng[36] đã quên cả những lời tiên tri, bỏ cả những vật bất ly thân là cánh cung và cây đàn kithara[37] để vui chơi với chàng trai xinh đẹp; ông thấy chiếc đĩa ném ra, bị cơn ghen tàn bạo lái đi, chạm vào mái đầu yêu dấu, ông đón lấy tấm thân quị ngã, mặt ông cũng tái xanh, và đóa hoa trổ ra từ dòng máu ngọt tuôn trào là lời khắc ghi tiếng kêu than ai oán bất tận của ông...

Không có gì lạ lùng, khó xử hơn mối quan hệ giữa hai người chỉ biết mặt nhau - dù họ gặp gỡ, quan sát nhau mỗi ngày, có khi mỗi giờ, nhưng vì phép tắc xã giao bó buộc hay tính khí gàn dở thất thường mà vẫn buộc lòng làm bộ dửng dưng như người xa lạ, không chào không hỏi. Giữa họ nảy sinh cảm giác hồi hộp, nỗi hiếu kỳ cao độ, sự bấn loạn vì nhu cầu tìm hiểu và trao đổi không được thỏa mãn, bị đè nén một cách thiếu tự nhiên, đặc biệt còn có phần nể trọng một cách căng thẳng. Vì một Từ dòng máu của chàng mọc lên một loài hoa thơm ngát. người chỉ yêu quý và tôn thờ người khác chừng nào họ còn chưa có khả năng phán xét về nhau, và khao khát tương tư là kết quả của sự hiểu biết không đầy đủ.

Đương nhiên một mối tương giao nhất định thế nào cũng phải hình thành giữa Aschenbach và cậu bé Tadzio, và người lớn tuổi hơn hân hoan không thể tả khi nhận thấy cảm tình và sự chú ý của mình không phải hoàn toàn không được đền đáp. Tỉ như mỗi buổi sáng khi đi qua bãi tắm ra lều nhà mình, điều gì đã khiến cậu bé xinh đẹp gần đây không chọn con đường lót ván đằng sau dãy lều nữa, mà luôn luôn đi phía trước, lội cát ngang qua chỗ Aschenbach, thi thoảng còn lượn sát quá mức cần thiết bên ông, gần như chạm vào bàn, vào ghế ông? Phải chăng sức hấp dẫn, sự quyến rũ từ tình cảm của người trên cũng gây tác động nào đó đến đối tượng bé bỏng vô tư lự? Ngày nào Aschenbach cũng mong đợi sự xuất hiện của Tadzio, và khi điều ấy xảy ra, thì đôi khi ông lại làm bộ bận rộn, giả đò không để ý lúc cậu bé xinh đẹp đi qua. Nhưng đôi khi ông ngước nhìn lên, và ánh mắt họ gặp nhau. Những lần ấy cả hai đều giữ nét mặt hết sức nghiêm trang. Vẻ đạo mạo khả kính của người đàn ông lớn tuổi không để lộ một xúc động nội tâm nào; nhưng trong cặp mắt Tadzio có một ánh thăm dò, một câu hỏi băn khoăn, bước chân cậu ngập ngừng, cậu nhìn xuống đất rồi lại ngước mắt lên đáng yêu khôn xiết, và khi cậu đã đi qua, có một cái gì đó trong dáng dấp tiết lộ rằng chỉ vì phải giữ phép tắc của người có giáo dục mà cậu không quay đầu nhìn lại.

Tuy nhiên có một lần, một buổi tối, đã xảy ra một sự kiện khác thường. Mấy chị em người Ba Lan và cả cô gia sư của chúng vắng mặt không dự bữa tối trong phòng ăn lớn - Aschenbach ghi nhận điều đó với một nỗi lo lắng bồn chồn. sau khi ăn ông mặc nguyên dạ phục, đội mũ rơm đi đi lại lại trước khách sạn, dưới chân hàng hiên, đang nóng lòng sốt ruột không biết họ đi đâu, đột nhiên ông thấy mấy cô chị âm thầm như những nữ tu cùng với cô gia sư hiện ra trong ánh sáng ngọn đèn treo trên cây cột đèn cong hình cánh cung, và bốn bước sau lưng họ có Tadzio lẽo đẽo đi theo. Họ đi từ phía cầu tàu về khách sạn, chắc là đã ăn tối trong thành phố nhân một dịp gì đó. Có vẻ khi qua vịnh trời hơi lạnh; Tadzio mặc thêm một chiếc áo khoác thủy thủ màu xanh đậm có khuy vàng, và đội trên đầu chiếc mũ cùng kiểu. Nắng và gió biển không làm da cậu sạm đi chút nào, gương mặt cậu vẫn mang màu ngà ngà của đá hoa cương như buổi ban đầu; nhưng hôm nay cậu hơi nhợt nhạt hơn mọi bữa, không rõ tại khí lạnh ban đêm hay tại ánh đèn vàng vọt. Cặp chân mày đều đặn của cậu nổi lên sắc nét hơn, đôi mắt đen và sâu hơn. Cậu đẹp không bút nào tả xiết, và như bao nhiêu lần trước, Aschenbach thấy lòng nhói đau khi thầm nghĩ, ngôn từ chỉ có thể ca tụng vẻ đẹp chứ không thể nào tái tạo được vẻ đẹp.

Ông không ngờ có cuộc gặp gỡ này, và trong lúc xuất kỳ bất ý ông không đủ thời gian tạo cho mình một vẻ bình tĩnh và đạo mạo. Chắc vui mừng, ngạc nhiên, ngưỡng mộ phơi trần cả ra trên nét mặt ông lúc mắt ông bắt gặp ánh mắt người mong nhớ - và trong khoảnh khắc ấy điều đó xảy ra: Tadzio mỉm cười, cậu cười với ông, một nụ cười biết nói, thân thiết, quyến rũ một cách không giấu giếm, trong khi cười làn môi mới từ từ hé mở. Đó là nụ cười của chàng Narcissus[38] khi nghiêng mình soi bóng xuống nước, một nụ cười say đắm, mê hồn, lôi cuốn đến nỗi khi nhìn thấy bóng mình chàng bất giác muốn dang tay vòng ôm lấy - nụ cười hơi thoáng nét đắng cay, đắng cay vì đeo đuổi một cách vô vọng, không tài nào hôn được cặp môi kiều diễm in hình dưới suối, nụ cười lẳng lơ, hiếu kỳ và phảng phất đau thương, vừa bị mê hoặc vừa làm mê hoặc lòng người.

Người được nhận nụ cười ấy vội vã quay đi, mang theo mình một món quà định mệnh. Ông bàng hoàng đến nỗi phải chạy trốn ánh sáng từ trên hiên, từ vườn hoa, và hướng những bước chân líu ríu đi tìm bóng tối sâu trong công viên mé sau khách sạn. Những lời trách móc phẫn nộ và âu yếm cứ trào lên từ đáy lòng ông: “Em không được cười như thế! Nghe chưa, không được cười như thế với bất kỳ ai!” Ông vật mình xuống một băng ghế, ông dồn dập thở hít hương thơm cây cối tỏa trong đêm. Và ngửa người dựa vào lưng ghế, hai tay thõng thượt buông xuôi, xúc động rùng mình liên tục, ông thều thào cái công thức bất di bất dịch của bệnh tương tư - trong hoàn cảnh này không thể chấp nhận được, phi lý, vô đạo đức, thật nực cười và đồng thời cũng thật thiêng liêng, thật đáng trân trọng: “Tôi yêu em!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Chết Ở Venice Chương 4

Có thể bạn thích