CHÂN TRẦN, CHÍ THÉP
CỬA VIỆT CÁT BAY

DocSachHay.net

ống Huy Tịnh nhập ngũ năm 1971 ở tuổi 18. Anh từng tham gia dân quân nên chỉ cần được huấn luyện thêm một thời gian ngắn trước khi xuôi Đường mòn Hồ Chí Minh vào Nam.

Tịnh may mắn hơn nhiều người khác vì hành trình của anh chỉ mất chưa đầy một tháng. Anh đi tàu từ Hà Nội vào Vinh, rồi từ đó đi xe tải vào sông Gianh. Mọi người cùng đợi trời tối để qua phà Long Đại.

Sau khi qua sông, đơn vị của Tịnh – Sư đoàn 320 – đi bộ trong chặng cuối vào Nam. Theo nguyên tắc chung – được thiết kế nhằm hạn chế tổn thất trong các trận ném bom dọc Đường mòn – sư đoàn được chia ra thành nhiều đơn vị nhỏ, cấp đại đội.

“Tôi nhớ rõ nhất là thời điểm đơn vị chia nhỏ ra trong chặng hành quân cuối cùng”, Tịnh kể. “Chúng tôi tạm biệt nhau và không biết bao giờ mới có thể gặp lại. Nói lời tạm biệt còn nặng nề hơn cả việc di chuyển dọc đường Trường Sơn”.

Mang theo ba lô nặng tới 50 cân là một thách thức thể lực thực sự. “Khi leo lên con dốc dựng đứng, chúng tôi phải dùng dây thừng”, Tịnh kể. Sau hành trình mệt nhọc, họ tới Lào.

Với kinh nghiệm tham gia dân quân, chàng trai trẻ Huy Tịnh được cử làm tiểu đội trưởng. Sư đoàn ngay lập tức tham gia những trận đánh lớn nên chàng tiểu đội trưởng trẻ tuổi nhanh chóng trở thành một chiến binh dày dạn kinh nghiệm. Nhưng một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất đối với Tịnh đó là việc đón tân binh. Anh biết rằng phần lớn họ đến đây là để thay thế số vừa chết hoặc bị thương, những người mà anh cũng mới tiếp nhận vài ngày trước.

Suốt hai năm sau đó, sư đoàn của Tịnh thường di chuyển từ Lào qua Quảng Bình, rồi Vĩnh Linh và cuối cùng là Quảng Trị. Tháng 1 năm 1973, đơn vị đến Cửa Việt. Chính tại nơi này, sư đoàn được giao một nhiệm vụ đặc biệt – tấn công tàu của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ.

Cửa Việt nằm ngay bờ biển. Quân Việt Nam Cộng hòa thường hoạt động dọc bờ biển này với sự hỗ trợ của tàu Hải quân Mỹ ở cận bờ, vốn luôn bị sư đoàn của Tịnh theo dõi chặt chẽ. Sư đoàn được lệnh dồn hỏa lực vào những chiếc tàu này.

Đó là một nhiệm vụ khó khăn. Tịnh nhớ rằng tàu Mỹ thường ngang nhiên chạy tới chạy lui song song với đường bờ biển, đôi khi chạy theo từng hàng hai chiếc một. Do lo ngại rằng quân Việt Nam Cộng hòa có thể dùng tàu để đổ bộ nên sư đoàn thường xuyên bắn quấy rối. Nhiệm vụ của Tịnh là gửi thông điệp cho Hải quân Mỹ rằng bất kỳ cuộc đổ bộ nào cũng sẽ phải đối đầu với một hỏa lực rất mạnh.

Trung đoàn của Tịnh, được chia thành nhiều đơn vị chiến đấu cấp trung đội, có nhiệm vụ bắn quấy rối. Lợi dụng bóng đêm, các tổ chiến đấu tiến tới vị trí cách mép nước biển chừng một cây số. Suốt đêm, họ tìm cách thọc sâu ra bờ biển. Để phòng thủ trước bất kỳ cuộc tấn công đổ bộ nào từ biển, đơn vị của Tịnh được trang bị sáu xe tăng. Xe tăng được chôn xuống cát, ngập tới tận tháp pháo và được ngụy trang bằng lá cây.

Sáng hôm sau, Tịnh ngạc nhiên khi thấy rằng đơn vị của anh chỉ cách vị trí của quân Việt Nam Cộng hòa có một cây số. Thông thường, sau khi phát hiện như vậy thì đơn vị sẽ lập tức chủ động khai hỏa. Tuy nhiên, Tịnh được lệnh là không để lộ quy mô của đơn vị mình. Chỉ khi quân Việt Nam Cộng hòa khai hỏa trước thì mới nổ súng đáp trả.

Phía Việt Nam Cộng hòa cũng đã phát hiện ra đơn vị Tịnh vào buổi sáng hôm đó nhưng không phát động tấn công. Tịnh không hiểu nguyên do. Anh cho rằng có lẽ quân bên kia cũng được lệnh không nổ súng để tránh bị lộ quy mô đơn vị.

“Thật kỳ lạ”, Tịnh nhớ lại. “Tình hình lúc đó cứ như thể hai bên đã có thỏa thuận ngừng bắn vậy. Đôi lúc chúng tôi nổ súng vào ban đêm nhưng tới 3 giờ sáng thì tất cả ngưng chiến đấu”.

Vũ khí duy nhất có thể quấy rối tàu của Hải quân Mỹ là DKZ 82, một loại súng cối tầm xa thường được sử dụng để chống tăng. Mỗi tổ chiến đấu trong trung đoàn được trang bị một khẩu. Một buổi tối nọ, các tổ vào vị trí dọc bờ biển để có thể tấn công tàu. Họ chờ đợi mục tiêu tiến vào tầm bắn.

Khi mắt đã bắt đầu quen với bóng tối, các thành viên nhìn ra phía đường chân trời để tìm tàu Hải quân Mỹ đi qua. Tàu chiến Mỹ luôn tuân thủ nguyên tắc không bật đèn nên chỉ có thể thấy được hình ảnh mờ mờ mà thôi. Việc dùng DKZ 82 để bắn xe tăng vốn đã khó, nhưng sau đó Tịnh nhanh chóng nhận ra rằng dùng loại súng này để bắn vào những chiếc tàu mờ xa trên biển còn khó gấp bội.

Các tổ chiến đấu được phép khai hỏa bất kỳ lúc nào. Tổ của Tịnh nhanh chóng phát hiện ra một mục tiêu. Tuy nhiên trước khi nổ súng họ đã nghe tiếng nổ của DKZ 82  ở các vị trí khác dọc bờ biển. Tịnh biết rằng giờ đây vấn đề thời gian là cực kỳ quan trọng. Tổ của Tịnh phải nổ súng và nhanh chóng chuyển tới vị trí chiến đấu khác – bởi vì con mồi ngay sau đó sẽ trở thành kẻ săn mồi, khi mà chiếc tàu chiến mục tiêu sẽ sớm phản công. Thế là khẩu DKZ 82 của họ gầm lên, sau đó họ lập tức chuyển tới vị trí mới đã được chọn sẵn.

Nhưng những phát đạn trả đũa đã không xuất hiện như dự đoán. Tịnh nhận thấy rằng vị trí của đơn vị khá gần với nơi đóng quân của lính Việt Nam Cộng hòa vô hình trung lại là một lợi thế. Chiếc tàu chiến kia sợ bắn nhầm vào quân Việt Nam Cộng hòa gần đó nên đã chọn giải pháp im lặng.

Trong hai tuần kế tiếp, đơn vị của anh tiếp tục hoạt động theo cách thức này, chỉ thay đổi thời gian tấn công sau mỗi đêm. Tịnh thấy tình cảnh thật lạ lùng: “Ban đêm, chúng tôi nhả đạn vào những chiếc tàu Mỹ không dám bắn trả; ban ngày, chúng tôi nghỉ ngơi ngay trong tầm mắt của các binh sĩ miền Nam”.

Trong sáu chiếc tăng của đơn vị Tịnh, năm chiếc đã bị quân Việt Nam Cộng hòa bắn hủy sau vài cuộc đọ súng chừng mực vào ban đêm. Về sau, đụng độ gia tăng. Bấy giờ, với hai năm kinh nghiệm chiến đấu, Tịnh đã trở thành một chiến binh dày dạn trận mạc, được chuẩn bị kỹ càng – ít nhất là trong suy nghĩ của anh – để đối phó với bất kỳ tai ương nào. Nhưng rồi anh nhanh chóng nhận ra rằng, cuộc chiến trên bãi biển Cửa Việt có một khía cạnh mà anh chưa hề được chuẩn bị.

Khi giao tranh tạm ngưng trong chốc lát, cả hai phía tranh thủ thực hiện một nhiệm vụ khó khăn, nhưng rất cần thiết, đó là chôn người chết. Một khu vực ở trên bãi biển được sư đoàn của Tịnh chọn làm nghĩa trang. Các nhóm mai táng thường được điều đi để chôn cất người tử trận. Có một lần Tịnh đi theo đoàn mai táng. Việc chôn cất đồng đội ngã xuống chẳng phải là điều gì mới lạ đối với Tịnh, nhưng khi thực hiện công việc này tại Cửa Việt, anh nhanh chóng nhận ra một thực tế ghê người.

Thông thường, chỉ vài ngày sau khi được chôn, các thi thể lại lộ ra trên mặt đất. Nhìn xác người đang trong quá trình phân hủy là một điều thật ghê khiếp. Không phải con người mà chính là thiên nhiên đã quật mộ. Gió lớn thường xuyên ở Cửa Việt đã tàn phá bãi biển, thổi bay lớp cát dày trên bề mặt và làm lộ thiên các thi thể vừa được chôn. Bằng cách ấy, thiên nhiên tại Cửa Việt đã phơi trần sự khủng khiếp của chiến tranh mà con người muốn chôn giấu. Một khi gió làm lộ thiên thi thể nào thì các nhóm mai táng tìm cách chôn cất lại.

“Tôi thực hiện việc này rất nhiều lần”, Tịnh kể. “Đôi khi chúng tôi chôn rất sâu nhưng gió vẫn quật lên. Có khi phải chôn đi chôn lại tới lần thứ ba, thứ tư và thật là khủng khiếp khi nhìn thấy thi thể của một người bạn đang phân hủy”.

Nhiều năm sau khi cuộc chiến đi qua, hình ảnh thi thể bị phân hủy của bạn bè dưới những ngôi mộ cát vẫn còn in đậm trong tâm trí Tịnh.

“Nhiều lần tôi vẫn còn nhìn thấy gương mặt của họ”, Tịnh nói.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
CHÂN TRẦN, CHÍ THÉP CỬA VIỆT CÁT BAY

Có thể bạn thích