Biết Hài Lòng
Tự tạo niềm vui và gặp gỡ mọi người

Nếu việc biết hài lòng và hạnh phúc với chính mình có ích khi ta yêu, thì liệu nó có ích trong mối quan hệ bạn bè, với đồng nghiệp hay khách hàng không?

Thực ra, cũng tương tự.

Hạnh phúc với bản thân mình có nghĩa là khi gặp gỡ người khác, ta không cần họ. Ta có thể hạnh phúc cho dù có họ hay không. Tuy nhiên, một người có thể tự tạo niềm vui cho mình vẫn có thể đi cùng những người khác, trò chuyện vui vẻ và tạo một mối quan hệ tốt đẹp.

Không cần người khác không có nghĩa là bạn không muốn tiếp xúc với họ. Tuy nhiên, có vẻ như nếu ta chịu tiếp xúc thì sẽ tạo được ấn tượng tốt hơn. Người ta thường có xu hướng quay lưng lại nếu họ cảm thấy ta quá tham lam, kiểu vồ vập quá vậy. Ngược lại, họ rất tôn trọng người chịu đáp lại sự vồn vã từ họ (dĩ nhiên, không có nghĩa là ta phải chảnh – chỉ là ta phải biết hạnh phúc khi là chính mình thôi).

Khi mà chúng ta không nghĩ rằng mình thực sự đáng mến, ta bắt đầu lo lắng về ấn tượng mà mình để lại với người khác. Sự lo lắng này sẽ lộ ra trước mắt những người xung quanh và làm cho họ nghĩ rằng ta không thích chính bản thân mình, rằng ta đang che giấu một điều gì đó, rằng ta không đáng tin cậy, không cởi mở và không chân thật.

Nhưng nếu ta nghĩ rằng mình đủ dễ mến và có điều gì đó để cho đi, ta có thể trở nên cởi mở, chân thực và luôn tươi cười. Ta không ngại thể hiện bản thân mình bởi vì ta thực sự cảm thấy mình “hot”. Điều này lan tỏa đến người khác và khiến họ thích thú.

Vì vậy, biết hài lòng và hạnh phúc với chính mình sẽ giúp ta dễ dàng kết thêm bạn bè, có được công việc mới, tạo được ấn tượng tốt với đồng nghiệp và với khách hàng. Tóm lại, phương pháp này giúp cho mọi mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn.  

Hạnh phúc trên bàn làm việc

Vậy phải làm thế nào nếu ta không tự tin với bản thân và khả năng của mình? Làm thế nào để ta ra ngoài, gặp gỡ người khác và tin rằng mình có đóng góp tích cực tới những cuộc chuyện trò, giúp cho những mối quan hệ ngày càng bền vững?

Đây là bí quyết: Hãy bắt đầu bằng cách nhận ra rằng ta không cần bất kì ai tán thưởng. Dù chẳng ai khen, ta vẫn chả sao cả. Thật vậy: Nếu một người nào đó không thích ta, thì cuộc sống của ta cũng chẳng bị hủy hoại tí nào. Ta có thể tạo được niềm vui khi đi bộ, đọc sách, viết tiểu thuyết, tập thể dục, nằm trên cỏ và ngắm hoàng hôn. Ta có thể tự tìm thấy niềm vui cho mình.

Một khi ta bắt đầu với suy nghĩ đó, ta có thể gạt bỏ được mọi sự lo lắng về cách nghĩ của những người xung quanh về chính mình. Khi thiếu tự tin xuất hiện (thường xuất hiện khi những điều không quen thuộc xảy đến), chủ yếu bắt nguồn từ mong muốn cần được sự chấp nhận của người khác, thì ta phải nhớ rằng mình không cần ai khen ngợi cả. Ta vẫn vui vẻ dù chẳng ai cho phép. Chính mong muốn nhận được sự chấp nhận từ những người khác mang lại khổ đau cho ta. Mà ta thì không cần khổ đau cho lắm đâu.

Tiến trình này có thể lặp đi lặp lại, nhưng qua đó, dần dần ta sẽ giỏi hơn. Ta chỉ nên tập trung vào những điều mình thích, những tài năng của bản thân, những điều ta có thể mang lại cho đời. Hãy trân trọng những thứ thuộc về mình. Hãy nhớ rằng ta xứng đáng với sự chú ý và tin tưởng của mọi người.

Sự tự tin này có thể có được nhờ luyện tập, bởi vì khi có người thích ta vì ta không cố thể hiện mình để được ngợi khen, tất cả chúng ta sẽ tin tưởng phương pháp này.

Liệu ta có cần khoác lác về bản thân với người khác không? Hoàn toàn không – một người thèm khát sự ngợi khen sẽ cố chém gió thật nhiều về chính họ. Một người không bị sự ngợi khen làm chủ sẽ sẵn lòng lắng nghe người khác, họ nghe để hiểu hơn về người đối diện, và biết cách sẻ chia về bản thân ở nhiều mặt. Dĩ nhiên, họ sẽ không chỉ nói về mặt tốt của mình. 

Đáng nói là việc cởi mở và sẵn sàng chia sẻ những điểm yếu là cách hay để xây dựng niềm tin. Khi ta có thể cởi mở và chia sẻ về mình với người khác thì không phải là ta đang tự tâng bốc bản thân, mà là ta không sợ người khác đánh giá. Người đối diện sẽ tin tưởng ta hơn và cảm thấy thích được chia sẻ. Điều đó tạo nên sự nối kết thực sự.

Bước hành động: Liệt kê những điều ta thích ở bản thân mình, những năng khiếu, điểm mạnh chẳng hạn. Dành thời gian cho từng điều trong danh sách trên và trân trọng những điều ấy. Giữ danh sách này để thường xuyên nhắc nhở bản thân. Ta sẽ dần dần nhận ra giá trị của ta và cảm thấy hạnh phúc với chính bản thân mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Biết Hài Lòng Tự tạo niềm vui và gặp gỡ mọi người

Có thể bạn thích