Bản Tin Chiều
Chương 20

Trên chiếc Cheyenne II, phải mấy phút sau mọi người mới cảm thấy có thể nói chuyện được. Crawford Sloane đang ôm chặt Jessica và Nicky, như chỉ có ba người với nhau. Cuối cùng Sloane ngẩng đầu hỏi Minh Văn Cảnh: “Về Harry… anh có thấy thêm gì nữa không?”.

Minh buồn rầu gật đầu: “Tôi tập trung ghi hình anh ấy. Lại trúng đạn mấy lần. Không còn nghi ngờ gì nữa”.

Sloane thở dài, nói: “Anh ấy là người giỏi nhất…”.

Minh sửa lại, giọng bỗng rất to: “Một phóng viên tài ba nhất, một người tốt nhất. Tôi đã gặp nhiều, nhưng không một ai trong số tôi biết có thể sánh được với Harry trong tất cả những năm vừa qua”. Câu này được nói như một lời thách thức. Minh biết Sloane và Partridge cùng một thời gian.

Nếu đó là lời thách thức, thì Sloane cũng không có ý định tranh cãi. Anh chỉ nói: “Tôi cũng thấy thế”.

Jessica và Nicky đứng nghe, cả hai đang bận rộn với suy nghĩ riêng của mình.

Chính Rita, một người làm tin chuyên nghiệp và có trách nhiệm phải làm, lên tiếng hỏi Minh: “Tôi có thể xem những hình anh ghi được không?”. Cô biết mặc dù Harry đã chết, cô vẫn phải làm để kịp chuyển tin ở Lima, tiếc là chỉ còn không đầy một giờ nữa.

Cô cũng biết họ đang có một tin độc nhất vô nhị trên thế giới.

Minh tua lại băng, rồi chuyên chiếc máy quay Betacam cho Rita. Nheo mắt nhìn qua ống kính, cô ta xem những đoạn ghi trong băng: Minh bao giờ cũng ghi được cái cốt yếu của vụ việc. Những hình ảnh tuyệt vời. Những hình ảnh cuối cùng – lúc Harry bị thương, rồi ngã gục trong làn đạn hiểm – được quay trọn vẹn và cảm động. Khi đưa lại máy cho Minh, Rita rơm rớm nước mắt, nhưng cô lấy mu bàn tay lau vội, biết rằng không có thời gian để thương tiếc Harry hay khóc lóc. Hai cái đó để sau, có lẽ là tối nay khi còn lại còn một mình.

Sloane hỏi: “Harry có ai – có bạn gái không? Tôi biết sau khi Gemma mất, anh ấy không lấy ai nữa”. “À, cũng có đấy”, Rita trả lời. “Tên chị ấy là Vivien. Chị ấy là y tá, hiện sống ở một nơi gọi là Port Credit, ngoại ô Toronto”.

“Chúng ta cần gọi điện báo cho chị ấy. Nếu chị muốn, tôi sẽ nói chuyện với chị ấy”.

“Vâng, tôi muốn vậy”, Rita đáp. “Khi nói chuyện, anh nhớ cho chị ấy biết trước khi đi, Harry có để lại có để lại di chúc, hiện tôi đang giữ. Anh ấy để lại tất cả mọi thứ cho chị ấy. Vivien không biết hiện giờ chị ấy đã trở thành một triệu phú. Có vẻ Harry gửi tiền ở những nơi không bị thuế khắp trên thế giới. Kèm theo di chúc, anh ấy liệt kê những nơi anh ấy gửi tiền”.

Trong khi mọi người mải nói chuyện không chú ý, Minh đang quay Jessica và Nicky. Lúc này Rita thấy anh ta chĩa ống kính vào bàn tay quấn băng của Nicky. Nó làm cô nhớ đến cái cô mang theo từ Lima; thò tay vào túi đeo, cô rút ra bức điện telex nhận qua Entel Peru.

“Trước khi đi”, Rita nói với mọi người, “anh ấy nhờ tôi gửi điện cho một người bạn hiện là bác sĩ phẩu thuật ở Orleans, California. Harry giải thích bạn anh ấy là một trong những chuyên gia có hạng về chữa tay bị thương trên thế giới. Trong điện, anh ấy hỏi một số vấn đề về trường hợp của Nicholas. Đây là điện trả lời”.

Cô đưa bức điện chữ in cho Sloane và anh đọc to:

“Phúc điện cho anh. Đã đọc tin anh cung cấp, đồng thời biết chi tiết qua báo chí về bàn tay của anh bạn trẻ. Không nên nối ngón tay giả. Chúng không cử động được và giúp cậu bé chơi piano, thậm chí còn vướng thêm. Trái lại, cần và có thể học cách đổi ngón tay sao cho ngón trỏ và ngón út chạm tới phím đàn. Dẫu sao cũng còn may, vì nếu mất ngón khác sẽ không làm thế được. Chỉ áp dụng được cho hai ngón vừa nói.

Tập đổi ngón tay đòi hỏi kiên rì, nhẫn nại, song nếu hăng say thì có thể làm được. Còn trẻ nên cũng dễ. Chỗ tôi có bà cũng mất hai ngón, bây giờ vẫn chơi được piano. Rất vui lòng để hai người gặp nhau nếu anh muốn.

Giữ mình cẩn thận, Harry, chào thân ái nhất.

Bác sĩ Jack Tupper.

Mọi người im lặng, rồi Nicky nói: “Con xem được không bố?”. Sloane đưa cho nó bức điện.

“Đừng đánh mất nhé”, Jessica dặn Nicky. “Nó sẽ là kỷ niêm của con về chú Harry. Nàng nghĩ sự gắn bó tự nhiên giữa Harry và Nicky tuy ngắn ngủi nhưng đẹp biết bao!

Nàng nhớ lại những lời xót xa mà lúc trước Nicky đã nói với Harry ở Nueva Esperanza: “Chúng giết ông chặt đứt hai ngón tay của cháu; thế là cháu không còn chơi piano được nữa”. Rõ ràng Nicky không bao giờ có thể chơi trong dàn nhạc, điều nó hằng mơ ước. Nhưng nó sẽ chơi đàn bằng cách khác và thoả mãn được lòng say mê âm nhạc của nó.

Nicky dùng tay trái cầm bức điện và đọc, nụ cười nở trên môi. Bàn tay quấn bưng đang đảo qua đảo lại. Crawf bảo: “Tôi nghĩ sẽ không bao giờ trong những việc ta làm, ta lại không có lý do để cảm ơn Harry”.

“Cả Fernandez nữa”, Jessica nhắc anh. Họ đã kể về gương hy sinh cầm chắc cái chết của anh thợ dựng kèo nhà. Bây giờ nàng kể cho Crawf và Rita nghe lời Harry hứa trước khi để Fernandez lại bên cạnh đường mòn.

Fernandez nói đến vợ và bốn đứa con, hỏi liệu có ai sẽ chăm nom họ không và Harry đã trả lời: “Anh làm cho CBA nên CBA sẽ chịu trách nhiệm việc đó. Tôi đảm bảo với anh, chính thức hứa sẽ làm như vậy. Việc ăn học của lũ trẻ, tất cả”.

“Nếu Harry đã nói như vậy”, Sloane bảo, “anh ấy đã thay mặt CBA và nó có tính ràng buộc như một văn bản pháp lý. Khi về New York tôi sẽ lo thực hiện việc ấy”.

“Cũng hơi khó đấy”, Rita trả lời: “Việc đó xảy ra sau khi Harry bị đuổi việc, mặc dù anh ấy không hề biết”.

Nghe được câu đó, Minh có vẻ giật mình sửng sốt, điều đó cho thấy chỉ rất ít người biết có bức thư cho thôi việc của Chippingham.

“Không có vấn đề gì”, Sloane nói: “Lời hứa của Harry sẽ được thực hiện”.

“Nảy sinh vấn đề ta phải quyết định ngay”, Rita chỉ rõ: “Chúng ta sẽ nói đến việc đuổi Harry trong phần đưa tin hôm nay chứ?”.

“Không”, Sloane dằn giọng: “Đó là chuyện nội bộ xấu xa, chúng ta không vạch áo cho người xem lưng”.

“Nhưng rồi cũng sẽ lộ ra”, Rita nghĩ bụng. “cuối cùng mọi người đều biết, luôn luôn là như vậy”.

Crawf vẫn chưa biết là có bức điện “đồ chó đẻ” mà cô đã gửi qua fax về Vành móng ngựa cho Leslie Chippingham. Có lẽ chỉ một tuần sau nó sẽ được đăng trên tờ thời báo New York hoặc Bưu điện Washington. Nếu không thì cũng là trên tờ Tạp chí báo chí Colombia, hoặc Tạp chí báo chí Washing ton. Mặc kệ, không sao!

Rita cũng nhớ là vì bức điện đó, cô có thể mất việc. Ngoài những điều đã viết, cô còn ký “cựu chủ nhiệm”. Thôi muốn ra sao cũng được, còn bây giờ cô phải hoàn thành công việc này đã.

Jessica lên tiếng: “Có một việc tôi cứ nghĩ mãi. Đó là về cái đường băng chúng ta ở đó lúc nãy, cái cuối cùng ấy”, “Sion”, Rita nhắc.

Jessica gật đầu. “Trên đường mòn, và khi ở đường băng tôi có cảm giác đã thấy nó từ trước. Tôi nghĩ đó là nơi lúc đầu chúng tôi bị đưa đến và rồi dần tỉnh lại. Song lúc ấy tôi không biết đó là đường băng máy bay. Và còn việc này nữa”.

“Chị cứ nói tiếp đi”, Rita bảo. Cô đã có trong tay cuốn sổ và đang ghi chép.

“Có một gã trong chiếc lán chúng tôi bị giam. Tôi không biết hắn là ai nhưng biết chắc hắn là người Mỹ. Tôi cầu cứu hắn, nhưng gã không giúp gì cả. Song tôi có được cái này”.

Hôm trước Jessica đã lấy bức hoạ mà nàng vẽ từ dưới nệm giường ra. Nàng gấp lại, và từ đó mang theo, giấu trong áo lót. Nàng đưa cho Rita.

Đó là hình tay phi công lái chiếc Learjet, Denis Underhill.

“Tối nay chúng ta sẽ phát bức hình này trong bản tin chiều toàn quốc và yêu cầu mọi người nhận diện”, Rita nói: “Trong số hai mươi triệu người xem, thế nào cũng có người nhận ra hắn”.

Chiếc Cheyenne kêu vù vù, vẫn đang ngóc lên lấy độ cao chuẩn bị vượt những đỉnh cao Andes thuộc dãy Cordillera, sau đó sẽ xuống dần và trở lại Lima. Rita thấy lúc này là chín giờ sáng. Còn khoảng bốn mươi phút nữa mới tới Lima.

Cô thấy rằng ngay bây giờ cần cùng với Crawf vạch rõ kế hoạch cho thời gian còn lại trong ngày. Cô đã làm trước một số việc, trong đó đưa lại phần lớn, chứ chưa phải tất cả, những gì đã xảy ra.

Vào lúc này, câu chuyện ky kỳ về cuộc giải thoát con tin chỉ riêng CBA có. Vì thế, cho đến năm giờ rưỡi tối ở Peru, tức là thời gian phát bản tin đầu tiên ở New York, cần đưa Jessica và Nicky đến một nơi nào đó, để cánh báo chí và truyền hình khác không thấy và không gặp được họ. Cô tin là Crawf cũng thấy cần làm như vậy. Điều đó có nghĩa là chưa thể đưa Jessica và Nicky về khách sạn Cesar hoặc Entel Peru, vì cả hai nơi đều đầy phóng viên và nhóm làm tin truyền hình. Các khách sạn khác ở trung tâm Lima cũng vậy.

Vì thế Rita dàn xếp cho họ tới nhà giám đốc kiêm phi công hãng Aerolibertad, ông Oswaldo Zileri ở vùng ngoại ô Maraflores. Họ sẽ ở đó cho đến năm rưỡi chiều, sau đó có gặp phóng viên báo chí và truyền hình cũng không sao. Đó quả là một thử thách mà cuối cùng họ đành chấp nhận

Trong thời gian đó, cùng với biên tập viên video Bob Watson, Rita sẽ sắp xếp tin cho chương trình tin chiều hôm đó. Đó sẽ là một tin dài, dùng phần lớn số hình Minh ghi được, cảnh cứu con tin, cái chết của Harry Partridge và giây phút đau buồn khi Fernandez ngồi lại bên đường mòn.

Cô thậm chí không cần hỏi New York xem độ dài cụ thể của tin là bao nhiêu. Cô biết đây là một dịp cô muốn sử dụng bao nhiêu thời gian cũng được.

Cô cũng tin hãng sẽ muốn có bản tin đặc biệt trong một giờ vào giữa buổi tối. Được thôi, cô đã có đủ tư liệu cho nó, bao gồm cả băng hình Dolores, bạn rượu của cựu bác sĩ người Mỹ Hartley Gossage, còn gọi Baudelio, kẻ đã táng tận lương tâm dùng tay nghề của hắn vào việc đưa ba nạn nhận của vụ bắt cóc qua Peru. Harry đã chuẩn bị trước, với lời bình luận của anh và có thể dùng được ngay.

Còn những thứ khác cho chương trình tin tối và các chương trình sau, Crawf sẽ viết lời và thu hình tại chỗ. Việc đó cũng khó cho anh. Anh sẽ phải nói đến cái chết của cha mình, của Harry Partridge và Fernandez, đến việc chặt ngón tay Nicky. Đôi lúc Crawf cũng hay xúc động và có thể nghẹn lời. Nhưng không sao, Rita nghĩ. Nó càng làm cho câu chuyện có sức thuyết phục hơn, và Crawf sẽ qua được và nói tiếp. Anh ta là người làm tin chuyên nghiệp, giống như Rita và những người khác.

Rita nhận thấy một đoạn tin không thể và không nên để cho đến hết ngày. Đó là việc giải thoát con tin đã được tiến hành, Jessica và Nicky đã được cứu thoát. Chắc chắn sẽ phải phát tin. Khi Ban tin CBA ở New York nhận được, họ sẽ ngừng ngay chương trình đang phát để đưa. Một lần nữa, CBA lại nhanh chân hơn các hãng khác đang cạnh tranh với nó.

Rita lại nhìn đồng hồ: chín giờ hai mươi ba phút. Còn bay khoảng hai mươi phút nữa. Trừ thời gian đi từ sân bay về Lima, có thể đưa ngay tin vào lúc mười giờ rưỡi sáng. Họ sẽ chỉ gửi một vài hình ảnh, “Truyền ngay và truyền thô” như lối họ đã làm ở sân bay Dallas Ford khi đưa tin về vụ tai nạn máy bay mà cô, Harry, Minh và Ken O’Hara phối hợp làm cách đây chưa đầy một tháng.

Chả lẽ mới vừa đây sao? Thế mà như có vẻ lâu hơn, lâu lắm rồi.

Cô cần đăng ký thời gian phát qua vệ tinh cho bản tin mười giờ rưỡi sáng. Rita nhoài về phía trước, vỗ vào vai Zileri. Khi ông quay lại, cô chỉ chiếc đài liên lạc trên máy bay. “Ông có thể gọi về được không? Tôi muốn nói chuyện với New York”.

Cô ghị vội số điện đưa ông ta. Chỉ một lát sau, thật không ngờ, trên loa vang lên giọng nói: “Tin đối ngoại CBA”.

Người lái phụ, Filipe, đưa cho cô chiếc micro và bảo: “Chị nói đi”.

Cô bấm nút và nói: “Rita Abrams đây. Đăng ký cho tôi phát tin từ Lima vào lúc mười rưỡi sáng, giờ Lima. Hãy báo Vành móng ngựa biết”.

Tiếng trả lời ngắn gọn: “Được, chúng tôi sẽ làm”. “Cám ơn, chào anh”. Cô đưa trả micro.

Cần có bài làm cho bản tin này, cũng như cho các chương trình sau. Rita ngoáy mấy dòng, sau đó quyết định để Crawf làm nốt và tìm đúng câu chữ. Anh ta bao giờ cũng làm được việc đó. Có thể anh ta còn phải nói vơ một số đoạn và làm việc ấy cũng rất giỏi.

Trong chặng bay còn lại, cô và Crawf phải cùng nhau làm. Đáng tiếc điều đó có nghĩa là phải kéo anh ta ra khỏi vòng tay của Jessica và Nicky. Song anh ấy, cũng như hai mẹ con Jessica sẽ hiểu cần phải làm như thế. Như mọi người khác trong nghề, họ đều hiểu tin tức là trước hết.

“Crawf”, Rita nhẹ nhàng nói: “Anh và tôi còn có việc phải làm. Đã tới lúc chúng ta bắt đầu”.

HẾT

 

DocSachHay.net

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Bản Tin Chiều Chương 20

Có thể bạn thích