Ba Ngày Ở Nước Tí Hon
Ngày Thứ Nhất -1 -

- Các em đã có ai đến nước Tí Hon chưa nhỉ? - Tôi hỏi bọn trẻ. Các em ngơ ngác nhìn nhau.

- Nước Tí Hon là nước nào?

- Nước Tí Hon ở đâu?

- Người dân nước Tí Hon thế nào...?

Tôi giơ tay lên. Các em thôi không xôn xao nữa.

- Vậy là chưa có em nào đến nước Tí Hon chứ gì. Thật đáng tiếc. Nước Tí Hon có nhiều cái lý thú lắm. Anh đã từng đi chu du khắp đất nước này, đã kết bạn với hết thảy mọi người dân ở đó và vẫn thường trao đổi thư từ với họ.

Bọn trẻ giỏng tai nghe, vẻ ngạc nhiên lắm. Tôi bèn hỏi:

- Các em có muốn đi cùng với anh đến thăm nước Tí Hon không nào?

- Hẳn rồi, chúng em muốn quá đi chứ!

- Anh dẫn chúng em đến nước Tí Hon nhé!

- Được, anh sẽ dẫn các em đi. - Tôi đáp.

- Đi ngay bây giờ chứ anh?

- Cũng được. Nhưng các em phải biết, chuyến đi không nhẹ nhàng thoải mái đâu nhé.

Xê-va liền tuyên bố:

- Càng tốt. Chỉ nháy mắt là em chuẩn bị xong ba lô thôi: bàn chải đánh răng là một này, khăn mặt là hai này, ca là ba này... Đủ hết mọi thứ như đi du lịch, phải không anh?

- Không phải thế đâu! - Tôi trả lời. - Chẳng cần xà phòng, cũng chẳng cần bàn chải. Nước Tí Hon là một nước hoàn toàn đặc biệt, ở đó không có nước.

- Thế thì tắm giặt bằng gì? - Ta-nhi-a khoát tay. - Dễ cứ để bẩn như ma lem mà đi du lịch chắc?

- Không, đâu có thể, - tôi phản đối, - người dân nước Tí Hon cũng có tắm chứ… họ tắm rửa bằng cái tẩy, cái tẩy bình thường của học sinh ấy mà.

Bọn trẻ cười rộ.

- Ngộ thật! Phải đi thử một chuyến xem sao! - Xê-va phát biểu.

- Thế những người kỳ dị ấy tên là gì?

- Vì họ ở nước Tí Hon cho nên người ta gọi họ tất nhiên là người tí hon rồi. - Tôi trả lời.

- Thôi được, cứ cho là người tí hon tắm rửa bằng cái tẩy đi. Nhưng nếu ở đấy không có nước thì họ uống bằng gì nhỉ? - Ta-nhi-a thắc mắc.

- Chắc là họ uống cà phê hay ca cao chăng. - Xê-va đoán.

- Thế mà cũng đòi nói! Ca cao! - Ta-nhi-a phản đối - Không có nước thì đun thế nào được cao cao.

- Mình biết rồi! Họ uống nước cà rốt đấy! - Xê-va mừng rỡ phát biểu.

- Mình không thích nước cà rốt - Ta-nhi-a nhăn nhó - Nước nho ngon hơn. Người tí hon uống nước nho cơ.

- Không phải đâu các em ạ, - tôi tham gia ý kiến, - các cháu chẳng đoán nổi người tí hon uống gì thay nước đâu.

- Uống mực! - Xê-va láu táu nêu ý kiến nhưng chính em cũng đâm hoảng vì ý kiến hóm hỉnh của mình. Mọi người lại cười rộ.

- Thế mà em đoán trúng đấy! - tôi nói - Người tí hon uống mực thật mà!

Xê-va lấy làm khoái chí về thành tích của mình. Cậu ta hỏi với một vẻ quan trọng:

- Mực xanh hay mực đỏ cơ ạ?

- Mực xanh cũng có, mực đỏ cũng có, cả mực tím, mực xanh lá cây nữa. Và nếu không có mực thì người tí hon uống phẩm.

Ta-nhi-a tỏ vẻ không tin:

- Sao lại thế được nhỉ? Không có nước thì làm sao hòa được mực cơ chứ.

- Họ nhập mực pha sẵn từ nước khác. - Tôi đáp.

- Nhập từ nước Mực. - Xê-va đắc chí nói thêm.

- Xin cậu để “cái thộn” của cậu lại cho mình nhờ, - Ta-nhi-a ngắt lời Xê-va, - ở nước Tí Hon người ta ghét cái ấy lắm đấy.

Thế là chúng tôi chuẩn bị lên đường.

Cùng đi với tôi có ba em: Ta-nhi-a, Xê-va và Ô-lếch.

Ô-lếch suốt ngày chẳng hé răng nửa lời, điều này chắc các bạn cũng đã thấy. Cậu ta ít nói lắm, nhưng đã nói điều gì thì bao giờ cũng đúng chỗ và chí lý. Người ta đã tặng cho cậu cái tên “Ô-lếch tiên tri”.

Còn Xê-va thì không bao giờ chịu ngơi miệng, ngay cả khi chỉ có một mình. Ra phố, cậu hết đọc oang oang các tấm biển lại dừng lại “hỏi han” những con chó gặp ngang đường, có khi cậu ta lại tự nói với mình về những điều được nghe Ta-nhi-a nói. Chẳng là cô nữ sinh Ta-nhi-a vốn giỏi nhất lớp cho nên cô bé cũng có hơi lên mặt tí chút.

A-RA-BEN-LA

Chúng tôi vào tới thành phố lúc nào không biết.

Đó là một thành phố đẹp lạ thường. Trung tâm thành phố là một quảng trường lớn hình tròn, từ quảng trường này xòe ra chín phố. Tên phố được đặt là “Phố 1”, “Phố 2”, và cứ thế cho đến “Phố 9”, còn chính quảng trường thì tên là “Quảng trường Số”.

Các đường phố có vô số đường ngõ cắt ngang, khiến ta có thể đi tắt từ phố này sang phố kia mà không cần phải vòng qua Quảng trường Số. Các ngõ cũng có tên riêng: “Ngõ phân số”, “Ngõ số thập phân”, “Ngõ phân số thường”… Lại còn có cả những “Ngõ phân số thập phân tuần hoàn” dài tít mù tắp, chạy ra khỏi thành phố. Một số đường đi vào ngõ cụt, cạnh đó lại có những đại lộ rộng thênh thang.

Ở chính giữa Quảng trường Số đứng sừng sững một tòa nhà kính nguy nga, trên đỉnh tháp cao lấp lánh một dòng chữ rực rỡ như ánh sáng cầu vồng:

THỦ ĐÔ NƯỚC TÍ HON: A-RA-BEN-LA

Chúng tôi lặng lẽ bước vào Phố 8, ở đây san sát một kiểu nhà tám tầng giống hệt nhau. Nhà nào cũng có tám cửa ra vào, mỗi tầng có tám cửa sổ. Và bạn hãy thử tưởng tượng xem, tất cả các nhà trong phố này đều đồng loạt mang số 8 cả mới kỳ chứ!

Ta-nhi-a là người đầu tiên phá tan sự yên lặng:

- Nhà nào cũng tuyền một số thì người đưa thư xoay xở ra sao nhỉ?

Được dịp mở miệng, Xê-va khoái quá toan phát biểu thì bỗng có tiếng hát vọng ra từ khung cửa một căn nhà nào đó. Có lẽ đó là tiếng hát ru con của một bà mẹ:

Ngủ đi con, ngủ đi con

Bé Số Không của mẹ

Sắp sang một ngày mới rồi

Bảy giờ bảy phút

Có là bao

Mười bốn chú mèo con đang ngủ

Bốn chục gã chuột nhắt cũng đang ngủ

Ngay cả bác voi nặng trăm yến

Cũng đang ngủ giấc nồng thứ một trăm linh chín. Ngủ đi con, ngủ đi con

Bé Số Không của mẹ

Sắp sang một ngày mới rồi

Bảy giờ sáu phút

Có là bao.

Muốn mỗi năm một khôn lớn

Đừng bao giờ con leo lên phía trước

Cứ khiêm tốn nhũn nhặn Con sẽ lớn gấp mười Ngủ đi con, ngủ đi con Bé Số Không của mẹ

Sắp sang một ngày mới rồi

Bảy giờ năm phút

Có là bao.

Tiếng hát im bặt. Nghe thấy một tiếng vỗ nhẹ, rồi tiếng bà mẹ nói:

- Ngủ đi, hư lắm! Chỉ còn bảy giờ bốn phút rưỡi nữa là sang một ngày mới. Con không ngủ đi thì con sẽ là số không suốt đời đấy.

Chúng tôi rón rén đi tiếp và rẽ vào một ngõ cụt, tận cùng là một cái kho lớn. Xê-va liền đọc ngay tấm biển:

KHO NGƯỜI TÍ HON, HÃY XẾP MỌI THỨ VÀO ĐÂY!

Tuy ở A-ra-ben-la đang là đêm nhưng từ trong kho vẫn vọng ra tiếng ồn ào, rậm rịch. Có tiếng la hét, cãi cọ và tiếng vận chuyển những vật gì cồng kềnh lắm.

Chúng tôi lại gần và lắng tai nghe.

- Sao cháu lại xếp cam vào đây, cô bé kia?! - Một giọng nói ồm ồm tỏ ra bực dọc - Cháu không thấy ở đây xếp bóng điện ư? Bóng điện phải xếp với bóng điện, cam phải xếp với cam chứ. Nếu không cộng lại sẽ được “đầu bóng điện, đuôi cam” à! Cô giáo dạy cháu thế nào? Biết ngay cháu là Số Hai quèn mà! Phải, phải, Số Hai không hơn được! Chưa chừng ngày mai cháu lại xếp nhái với cò cũng nên, và thế là đi đời nhà nhái - cò nó sẽ lẩm hết nhái còn gì!

- Thế tại sao chính bác lại cộng bánh mì với giăm-bông nào? - Một giọng thanh thanh phản đối lại.

- Cháu mới ngốc làm sao chứ! - Giọng ồm ồm tức giận - Bác có cộng hai thứ này đâu. Bác làm món bánh mì kẹp giăm-bông đấy chứ. Đó là chuyện khác! Bánh mì kẹp giăm-bông thì thật là ngon! À, mà cháu lại dám dạy bác hả? Chờ

bao giờ bằng tuổi bác hãy dạy người khác. Còn bác thì tự bác cũng hiểu được phải làm thế nào, phải ăn giăm-bông với cái gì chứ.

- Hì hì hì! - Cô bé cười rộ - Chẳng qua bác là kẻ phàm ăn.

- Còn cháu thì dốt đặc cán mai! - Giọng ồm ồm phẫn nộ - Cút đi, không mai bác mách cô giáo hết mọi chuyện cho mà xem.

Không nán chờ gặp hai người tranh cãi trong kho, chúng tôi rảo cẳng ra khỏi ngõ cụt. Xê-va nói:

- Này, bây giờ có lẽ mình đã hiểu nước Tí Hon là thế nào rồi. Là nước Số

Học đấy!

- Úi chà! Cậu mới chỉ đoán mò thế thôi chứ gì? - Ta-nhi-a nói khích - Hôm qua chính cậu chả cộng quýt với công tắc điện là gì.

Xê-va len lén liếc nhìn tôi nhưng tôi giả tảng như không nghe thấy gì cả. Chúng tôi trở lại Quảng trường Số. Trời đã rạng. Cửa sổ các nhà đã mở dần,

ngoài phố bắt đầu lẻ tẻ có người qua lại.

Một ngày mới bắt đầu ở A-ra-ben-la.

Dân trong thành phố chưa ai nhìn thấy chúng tôi. Chúng tôi nấp trong một khu vườn nhỏ. Và tôi bắt đầu kể cho các bạn đường của tôi nghe về nguồn gốc của quốc gia này.

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Ba Ngày Ở Nước Tí Hon Ngày Thứ Nhất -1 -

Có thể bạn thích