80 Lời Mẹ Gửi Con Gái
Bức Thư Thứ 19: “Bị” Lúc Ở Trường, Phải Làm Sao?

Minh Anh thân mến:

Mẹ biết “sự cố” của bạn Diệp ngày hôm ấy đã để lại ấn tượng xấu trong lòng con. Theo như suy đoán của mẹ, chắc là con cũng sắp đến lúc có kinh nguyệt lần đầu rồi, điều mà con sợ hãi nhất là “bị” ở trường giống như bạn Diệp, bị mất mặt trước mặt bạn bè phải không? Mấy hôm nay, thỉnh thoảng con lại nhắc đến bạn này, bạn kia “xúi quẩy”, rồi thầm cầu khấn cho mình có kinh muộn một chút… Mẹ thấy như vậy không tốt đâu con!

Trước đây, việc tuyên truyền các kiến thức vệ sinh còn tương đối bảo thủ, lạc hậu, đại đa số các bạn gái trước khi bước vào tuổi dậy thì, thậm chí đã bắt đầu tuổi dậy thì rồi vẫn chưa hiểu biết đầy đủ, toàn diện về vấn đề vệ sinh sinh lí, sức khỏe sinh sản… Do đó, khi gặp phải những thắc mắc, nghi vấn rồi đủ loại vấn đề trước và trong thời gian có kinh gặp phải, ví dụ: buồn nôn, chướng bụng, đau bụng kinh, tâm trạng không ổn định, căng thẳng, dễ nổi nóng… con gái thường cảm thấy bất lực, không biết làm thế nào. Hơn nữa, bởi vì xấu hổ, ngại không dám hỏi người lớn, không dám tìm hiểu nên khó tránh khỏi tâm lí hoang mang, hoảng sợ, từ đó nảy sinh suy nghĩ: kinh nguyệt là chuyện “xúi quẩy”.

Bây giờ, xã hội đã văn minh hơn, quan niệm của mọi người cũng đã thay đổi, các con có thể tìm hiểu trước các kiến thức về phương diện này thông qua rất nhiều phương thức: sách giáo dục giới tính ở trường, các buổi trò chuyện của các chuyên gia, các chương trình giáo dục giới tính trên truyền hình…, mẹ cũng sẵn sàng lắng nghe và giao lưu với con về vấn đề này, sẵn sàng dạy con cách xử lí tình huống. Mẹ nghĩ, tất cả những phương pháp này có thể giúp con dễ dàng đối phó với các vấn đề của tuổi dậy thì, nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi trong tuổi dậy thì, vì vậy, con không nên có những trạng thái tâm lí tiêu cực như vậy.

Còn về vấn đề mà con đang lo lắng: Nếu “bị” ở trường thì phải làm sao? Mẹ nghĩ ở trường các con đều có bạn thân, bây giờ chính là lúc cần giúp đỡ lẫn nhau rồi đấy. Các con có thể tự đặt ra một “ám hiệu” nào đó với nhau, khi một người cảm thấy “có rắc rối”, nhất định không được đột ngột đứng bật dậy khỏi ghế mà phải nhờ bạn thân xem giúp quần áo có bị “dính bẩn” không, tránh để phải khó xử trước mặt các bạn khác. Nếu chẳng may bị “dính” ra quần cũng không cần hoang mang, hãy tìm một chiếc áo khoác ngang lưng hoặc tìm một cuốn sách to, cầm ở tay để che phía sau rồi lặng lẽ rời khỏi phòng học.

Hãy nhớ, đây là một việc hết sức bình thường, chẳng có gì phải ngại ngùng cả. Bất cứ một giáo viên nào (nhớ là phải tìm giáo viên nữ nhé!), cho dù là giáo viên chủ nhiệm hay giáo viên bộ môn thì đều có thể giúp đỡ các con. Con có thể xin cô giáo một miếng băng vệ sinh (nếu như các con không chuẩn bị), có thể nhờ cô giáo gọi điện thoại cho mẹ mang quần áo sạch đến hoặc nhờ cô tìm giúp con một chiếc quần để thay tạm… nếu cảm thấy bụng dưới căng và đau, ảnh hưởng đến việc học, có thể nhờ cô giáo lấy giúp một ít nước ấm, uống nước ấm pha đường đỏ hoặc tìm một nơi thích hợp để nghỉ ngơi.

Điều mẹ muốn nói với con vẫn luôn chỉ là câu này thôi: Đây là hiện tượng hết sức bình thường, bắt buộc phải đối mặt trong giai đoạn dậy thì, không thể nào thay đổi theo ý muốn con người. Vì vậy, nếu đã không thể tránh, cách tốt nhất là nên bình thản chấp nhận, sử dụng cách thức thích hợp nhất để giải quyết vấn đề, nếu không thì có khác gì “lấy trứng chọi đá”?

Mẹ

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
80 Lời Mẹ Gửi Con Gái Bức Thư Thứ 19: “Bị” Lúc Ở Trường, Phải Làm Sao?

Có thể bạn thích