Đặng Thúc Liêng sinh năm 1867, thuở nhỏ tên là Đặng Văn Huấn, năm 18 tuổi ông lấy biệt hiệu là Trúc Am, năm 30 tuổi ông đổi tên là Đặng Thúc Liêng, biệt hiệu Lục Hà Tẩu, bút tự Mộng Liêm. Ông nguyên quán ở làng Tân Phú Trung, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định nay thuộc xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1904, Phan Bội Châu, Nguyễn Thành... thành lập Duy tân hội, phát động phong trào Đông du. Phong trào từ miền Trung nhanh chóng phát triển vào Nam Kỳ. Những người hưởng ứng phong trào Đông du đầu tiên là Trần Chánh Chiếu (Gibbert Chiếu) Đặng Thúc Liêng, ắt, Nguyễn An Khương... Đặng Thúc Liêng đã tích cực trong việc vận động tuyển chọn thanh niên đi du học, quyên góp tài chính cho phong trào Đông du. Đặng Thúc Liêng hoạt động trên nhiều lãnh vực: báo chí, văn, thơ, dịch thuật, phê bình văn học, sân khấu, y dược. Ông còn là người tích cực cổ động cho việc học chữ Quốc ngữ.

Đặng Thúc Liêng với bút danh Lục Hà Tẩu, Mộng Liêm, Phụ viên thập bát (18 thôn vườn trầu), ông đã viết cho các tờ báo Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn, Đại Việt Tạp chí, Đông Pháp thời báo, Phụ nữ tân văn, Thần chung, Công luận báo. Từ chỗ tham gia viết báo, Đặng Thúc Liêng đã giữ vai trò người chủ trương ra báo chí. Năm 1933, ông sáng lập và làm chủ bút báo Việt Dân, xuất bản ở Sài Gòn, công kích bọn tay sai, thân Pháp, đảng Lập hiến của Bùi Quang Chiêu thân Pháp. Tháng 1 năm 1938 khi nhà cầm quyền Pháp đóng cửa báo Việt Dân, ông chuyển sang phụ trách biên tập tờ Tạp chí Văn học Đông Phương.

Trong hoạt động báo chí của ông có những bài xuất sắc, nêu cao tinh thần tự chủ dân tộc như bài xã luận "Quốc văn hồn" đăng ở Đông Pháp thời báo số tháng 5/1926, đăng lại trên báo Đông Phong số 31 tháng 12 năm 1943.

Trong văn học, Đặng Thúc Liêng sáng tác, biên khảo, dịch thuật, làm thơ, bình luận. Trong đó sách văn học có Quốc văn hồn, Hán văn thi tập, Việt âm thi tập, Tiểu Phù viên thi văn toàn tập, Trương Vĩnh Ký hành trạng, Việt Nam Trung lương công thần, Lê Văn Duyệt. Sách khuyến nông có các quyển Tâm bổn mễ thượng, Canh hoang biến pháp. Sách giáo dục đạo đức có Tâm quyền giải, Tu lưỡng học dĩ phục nhơn tâm... Sách Tôn giáo có Cao Đài đàm quái giáo nghị...

Trong hoạt động văn học, thơ của Đặng Thúc Liêng cũng được độc giả đương thời ca ngợi. Đặc biệt thơ của ông ca tụng những canh tân của đất nước theo chủ trương của Duy tân hội. Ông có bài thơ trên báo Nông cổ mín đàm ca ngợi báo có ích đốivới quốc dân. Báo Nông cổ Mín đàm mở cuộc thi thơ cũng lấy bài thơ "Sùng tu VănThanh miếu" của ông làm đề tài cho cuộc thi thơ. Trong số những người hưởng ứng có nhà văn yêu nước Nguyễn Chánh Sắt mà hai năm sau, ông cùng với Trần Chánh Chiếu là yếu nhân của phong trào Duy tân và Đông du. Đặng Thúc Liêng cũng sáng tác cổ vũ cho phong trào thơ mới. Ông còn phê bình thơ như bài: "Đọc Thanh quan thi hữu cảm thỉnh dẫn" đăng trên "Đại Việt tạp chí" năm 1918. Ông quan niệm: "Thi ca là để tỏ cái chí khí và ý thức của người, chẳng phải để làm trò vui về lối văn chương... Vậy mới biết người mà không chí khí, không ý thức, thời có thể làm được thi ca gì".

Về sân khấu, Đặng Thúc Liêng đã có công phục hồi, chấn hưng loại hình hát tuồng, hát bội, hát cải lương. Ông soạn sách Tuồng "Trưng nữ vương" ca ngợi khí phách chống giặc ngoại xâm của Trưng Trắc, Trưng Nhị.

Với chủ trương "Người Nam dùng thuốc Nam", năm 1934, Đặng Thúc Liêng sáng lập "Việt Nam y dược hội".

Đặng Thúc Liêng còn là một nhà từ thiện, năm 1926, các tỉnh Bắc Kỳ bị vỡ đê, lụt, Đặng Thúc Liêng đã đi khắp nơi diễn thuyết "Quốc văn hồn" kêu gọi đồng bào lạc quyên, cứu trợ...

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích