Một sớm tinh mơ ở Cối Kê, kinh đô của nước Việt. Văn Chủng vào tâu với vua Việt Vương Câu Tiễn:

- Tâu chúa thuợng, đêm qua Phạm Thiếu Bá(tức Phạm Lãi) đã về.

Câu Tiễn hỏi:

- Số mỹ nữ ở các nơi tuyển về được bao nhiêu?

Văn Chủng thưa:

- Sau năm tháng chọn lọc, giờ còn hơn bốn mươi người. Trong đó có Tây Thi và Trịnh Đán là hơn cả.

Tây Thi(có sách gọi là Tiên Thi) vốn là con gái người kiếm củi họ Thi ở thôn Tất, vùng Trữ Nga(Chiết Giang, Trung Quốc). Ngay từ nhỏ đã xinh đẹp, thông minh - điển tích có kể, nàng đẹp đến mức mà mỗi khi ra rửa bát hoặc gũi lụa ở sông Cán, cá thấy nàng đẹp phải lặn ngay xuống nước (có một thứ cá đẹp cũng được người ta đặt tên là Tây Thi).

Trưa hôm ấy, cô bé Tây Thi đang ngồi trên phiến đá bên bờ sông đập tơ, bỗng thấy phía trước xôn xao. Đó là đoàn quan quân của nước Việt ở thành Gia Lâm trẩy qua vùng núi Trữ La.

Tây Thi dừng tay, đứng ngó lên nhìn - thấy mọi người chỉ chỏ bảo nhau: đó là quan Đại phu họ Phạm, người đã gian khổ với vua Việt ta rất nhiều.

Nàng nhìn về phía tây, thấy một chàng trai khôi ngô, tư thế hiên ngang, thông minh lanh lợi. Nhưng quan Đại phu ít ra cũng phải có tuổi chứ? - Nàng hỏi người bên cạnh:

- Phạm Đại phu mà trẻ thế kia à?

Người kia không nhìn Tây Thi đáp:

- Thế mới là bậc tuấn kiệt thiên hạ chứ.

°

*

Sau khi thua trận trước quân Ngô, Việt Vương Câu Tiễn rời đô tử Gia Lâm sang Cối Kê, quyết chí báo thù - Đêm nằm trên đống gai, sáng ra nếm mật đắng (nằm gai, nếm mật), rèn luyện gian khổ, tìm mưu tính kế. Phạm Lãi và Văn Chủng được Câu Tiễn sai đi tìm các cô gái đẹp cùng những chàng trai khỏe. Gái đẹp thì cho học hát, múa, ứng xử. Trai khỏe thì cho luyện bắn cung, chèo thuyền, cưỡi ngựa, thời gian chuẩn bị là ba năm.

Phạm Lãi lần ấy ở lại thôn Trữ La mấy ngày, tìm cách làm quen với nhà họ Thi. Lãi thấy Tây Thi rất đẹp, ưng ý, và nhờ đi thăm một số xóm có gái đẹp trong vùng. Có lần cùng lội qua một khe suối, không may Tây Thi trượt chân ngã, bèn được Phạm Lãi nhanh tay ôm vào lòng bế lên bờ.

Khi chia tay, Phạm Lãi hẹn rằng ba kỳ trăng tròn sẽ gặp lại. Thế nhưng đến bữa gặp nhau ở Cối Kê trước mặt Câu Tiễn, phút chốc đã hai năm hơn. Trong buổi gặp mặt ấy có bốn cô gái: Tây Thi, Trịnh Đán, Di Quang và Chiền Ba.

Những cô gái này được huấn luyện trong vòng một năm nữa, và chuẩn bị cùng Phạm Lãi sang nước Ngô. Trong những tháng ngày này, các cô gái được ở phògn riêng, có nữ tỳ, tập các thứ lễ nghi cần thiết cho một phi tần, đặc biệt là những người có nhan sắc thì được chú ý hơn. Chính trong thời gian này, cuộc tình duyên giữa Tây Thi và Phạm Lãi lên tới đỉnh cao. Nàng sinh được một đứa con, Phạm Lãi nhờ người nuôi. Tây Thi lại tiếp tục rèn luyện để sang Ngô.

Thành Cối Kê, ba ngày mở liền "Mỹ nhân hội". Dân chúng kéo tới xem chật đường xá.

Các cô từ từ bước qua cầu. Khi Tây Thi xuất hiện, tiếng reo khen bỗng nổi dậy, có người thốt lên: "Của quý trời ban!".

Trong cuộc "Mỹ nhân hội" này, có cả viên quan "giám đốc" người nước Ngô (ví như toàn quyền thời bây giờ). Viên quan này, có sứ mạng đi cùng đoàn mỹ nữ do Câu Tiễn thay mặt nước Việt đưa sang lễ cống vua Ngô.

Trên sông, các thuyền đều trang hoàng đẹp đẽ, nhã nhạc tưng bừng. Bỗng từ bên bờ có hai quan Đại phu đến mạn thuyền Tây Thi, người thứ nhất là Văn Chủng. Chủng nói:

- Đất nước ta trông cậy ở nàng, mong nàng hãy xứng đáng là một cô gái Việt.

Tây Thi chắp tay vái chào. Người thứ hai là Phạm Lãi không nói một câu nào. Tây Thi nhẹ lấy tay nâng vạt áo lên mắt…

Rèm trúc buông rồi, buồm gấm bắt đầu kéo lên cùng phồng theo làn gió…Đoàn thuyền đi về phương bắc.

°

*

Nghe tin có đoàn cống hiến từ Việt sang do Văn Chủng dẫn đầu, Tướng quốc Ngũ Tử Tư vào ngay Cô Tô đài xin yết kiến vua Ngô là Ngô Phù Sai. Phù Sai hỏi:

- Tướng quốc đến sớm chắc có việc gì quan trọng?

Ngũ Tử Tư thưa:

- Hạ thần xin tâu nhà vua chú ý tới việc triều cống của nước Việt. Nếu có thể xin hãy giữ chân Văn Chủng ở lại Ngô.

Phù Sai nói:

- Văn Chủng trở về nước Việt rồi. Vả lại trẫm nhớ rằng việc nước Sở là do Tướng quốc, còn việc nước Việt là do Thái Tế Bá Hi trông coi…

Ngũ Tử Tư đang định nói, chợt có cung nữ Di Quang bước ra, khép nép quỳ bên:

- Tây nương kính mời đại vương cùng dạo vườn hoa…

Phù Sai mời Ngũ Tướng quốc về nghỉ, còn mình vào hậu cung. Thái Tế Bá Hi cũng vừa tới chầu, vua Ngô cho cùng đi. Vua Ngô bảo Di Quang mời Tây Thi, nói là có Thái Tể muốn gặp. Ít phút sau, Tây Thi từ hậu cung bước ra. Thoáng trông thấy một thân bướm vàng dắt dải lụa tím, hai cung nữ đỡ bên. Tây Thi vờ như không trông thấy Bá Hi, bước tới trước mặt Phù Sai quỳ xuống. Vua Ngô vội vàng nâng nàng lên… bất chợt Thái Tế Bá Hi chào trước:

- Tây Thi phu nhân.

Nàng vội cúi mình đáp lễ.

Phù Sai nói với Bá Hi:

- Quan Thái Tể thấy thế nào?

Bá Hi thưa:

- Quả là một trang quốc sắc. Kính mừng đại vương được trời trao của báu.

Nói rồi Bá Hi xin phép lui ra.

Có lúc đứng trên đài Cô Tô, nhìn thấy cửa nhà san sát, dân đông, dân đông, quân mạnh, lại thấy Ngô Vương Phù Sai cũng là bậc tuấn kiệt, Tây Thi cũng băn khoăn vấn vương, nhiệm vụ phải dò xét tình hình mọi mặt của nước Ngô cũng không dễ dàng gì.

Nhưng lúc đó, Ngô Phù Sai cũng lơ đãng dần việc triều chính, suốt ngày quấn quýt bên Tây Thi. Ngay những lúc ra dự chầu cũng có Tây Thi ngồi đợi ở phòng bên cạnh.

Đến nỗi Trịnh Đán là một cô gái kiều diễm, được huấn luyện không kém Tây Thi, nhưng sang tới Ngô, không được vua Phù Sai gần gũi mấy. Và vua Ngô cho người dẫn Trịnh Đán và hai cô gái Việt khác đến tặng Tướng quốc Ngũ Tử Tư. Nhưng Ngũ Tử Tư từ chối trả về. Trịnh Đán sau này cũng buồn mà chết khi chưa đầy hai mươi mốt tuổi.

Càng ngày càng mê Tây Thi, Ngô Phù Sai cho xây một quán gọi là "quán người đẹp", bao nhiêu đồ lạ và báu vật đều được đưa về đây. Các nhạc công vũ nữ giỏi nhất cũng được đưa tới. Hành lang xây theo kiểu rồng và rung, khi đi nhẹ cũng có tiếng ngân vang kỳ dị.

Cứ thế dần dần, Ngô Phù Sai quên hết mọi việc, kể cả tiếp xúc với Tướng quốc và sứ thần ngoại bang.

Hơn mười năm nữa trôi qua. Tình hình nước Ngô không còn lớn mạnh, và việc gì đến sẽ phải đến.

Tin quân Câu Tiễn nước Việt chia mấy mũi kéo về Cô Tô ngày một dồn dập, trong thành có tiếng trẻ con hát:

Mưa mùa thu

Vua Ngô rầu.

Mưa thu xối xả, tiết đông bắt đầu, nước sông dâng cao. Một sáng quân Việt trên những bè gỗ lớn theo thế nước phá sập tường vào thành Cô Tô. Ngô Phù Sai thế cùng phải chạy trốn, rồi sai người cầu hòa với Việt Vương Câu Tiễn nhưng không được.

Trong lúc lửa gươm hỗn loạn ấy, ở cung Tây Thi có một võ sĩ xuất hiện. Nàng nhìn ra, nhận ra đó là Tử Thường, gia thần của Phạm Lãi, mười bảy năm trước về thăm nàng ở Cối Kê với họ Phạm. Tử Thường cung kính nói:

- Tôi là Tử Thường. Phạm Lãi Đại phu cho tôi đến để bảo vệ nương nương.

Tử Thường cùng mấy thị nữ đi cùng và Tây Thi.

Sương sớm tan dần, bên bờ sông có một con thuyền đợi sẵn.

 Con thuyền đó có ba buồm lớn. Đợi cho đoàn người có Tây Thi và Phạm Lãi bước xuống thuyền xong, lập tức ba cánh buồm căng nhanh, các thủy thủ động chèo. Buồm theo gió lướt nhanh nhằm hướng bắc ra Ngũ Hồ.

Tây Thi cùng Phạm Lãi sang nước Tề, Lãi đổi tên thành Chi Di Tử Bì, làm ăn buôn bán giàu có. Nhưng ít lâu sau có người biết chuyện đó, hai vợ chồng lại đưa nhau lên đất Đào, Lãi đổi tên mới là Đào Chu Công.

°

*

Có sách nói sau khi Ngô thua, Tây Thi bị quăng xuống sông.

Nhân đây, xin chép thêm một chi tiết nhỏ: Mỗi khi Tây Thi bị đau bụng, thì thường nhăn mặt, nhưng sự nhăn mặt ấy càng làm cho nàng trở nên hấp dẫn hơn. Bở vậy, ở xóm Đông Trữ La có cô gái cũng họ Thi, cũng bắt chước đau bụng nhăn mặt, hòng làm các trai làng chú ý. Có điều, cô Đông Thi càng nhăn mặt thì càng xấu xí hơn. Do đó có điển tích "Đông Thi hiệu tần", nghĩa là nàng Đông Thi bắt chước nhăn mặt.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích