Việt Sử Tiêu Án ( 1775 )
Trần Nhân Tôn

NHÂN TÔN HOÀNG ĐẾ

Tên là Khâm, con trưởng vua Thánh Tôn, ở ngôi vua 14 năm, tốn vị 5 năm, xuất gia tu hành 8 năm, hưởng thọ 51 tuổi, sự nghiệp trong đời vua Nhân Tôn hơn cả các đời trước, cũng là vị vua hiền của nhà Trần.

Niên hiệu Thiệu Bảo thứ nhất, người Nguyên đánh nhà Tống, Thừa tướng nhà Tống là Lục Tú Phu cõng vua Tống nhảy xuống biển, những người theo xuống biển mà bị chết đuối đến hơn 10 vạn người. Năm ấy nhà Tống mất nước. (Năm trước có ngôi sao lớn sa về phía Nam, rơi vào biển, đến hơn 1.000 vì sao nhỏ cùng rơi theo, đó là điềm báo trước).

Ban mẫu quan xích (thước đo gỗ, thước đo lụa cùng một niên hiệu).

Em Đỗ Khắc Chung là Thiên Nghiễn tranh tụng với người ta, tình và lý đều kém hụt, người đó đón xe vua mà bày tỏ tố cáo, vua hỏi quan giữ việc hình ngục, thưa rằng: "Án đã thành rồi, nhưng hình quan thoái thác không chuẩn y"; Vua nói đó là sợ Khắc Chung đấy, sai Trần Hùng Thao xét lại, quả nhiên Lý Thiên Nghiễn gian. Hoạn quan áo xanh dự vào pháp luật bắt đầu từ Hùng Thao trước.

Sử thần bàn rằng: Thiên Nghiễn cậy thế, quan tòa ngâm việc, tiểu dân bị oan ức không kêu đâu được, sai quan khác xét lại, là phải lắm rồi, nhưng mà trong các quan khanh tướng khởi hữu không còn người đáng sai, mà cớ gì lại sai Hùng Thao là hoạn quan? Sau này quyền bính di chuyển mất dần, sự gian trong giới quan dần nảy nở, đã khơi ngòi rồi, không ngăn lại được nữa, thật đáng tiếc.

Trịnh Giác Mật ở Đà Giang làm phản, vua xuống chiếu cử Nhật Duật đến dụ Giác Mật đầu hàng.

Giác Mật xin điều khoản rằng "tôi không dám trái mệnh vua, nếu ân chủ quá bộ đến nơi chúng tôi thì tức khắc tôi xin đầu hàng". Nhật Duật đem theo 5, 6 đứa nhỏ đi đến nơi, quân sĩ ngăn không muốn để ông đi, Nhật Duật nói: "Nếu chúng phản bội ta, thì triều đình còn có vị vương khác lại đến, không lo ngại gì". Khi đến nơi, người Mán cầm gươm giáo đứng chờ sẵn, Nhật Duật không nhìn đến, cứ đi thẳng vào, Mật mời ông ngồi lên trên, ông vốn thông hiểu tiếng Mán, cùng với Mật ăn bốc bằng tay, uống bằng mũi, người Mán vui lắm, Mật đem cả gia quyến đến xin đầu hàng; không mất một mũi tên nào mà bình được Đà Giang. Nhật Duật đưa Mật đến cửa Khuyết, vua khen ngợi, liền tha cho Mật trở về.

Nhật Duật đi lần này cùng với việc Tử Nghi một ngựa đến Hồi Ngột, giống như nhau, vì rằng đã sẵn có danh vọng lớn và lòng tin thật, nên quân dịch bất giác phải hàng phục, trong khi ông tỏ phong độ và lời nói có khí phách, nhưng không phải là chính pháp của bậc danh tướng.

Cử Trần Di Ái (hàng chú Vua) đi sang Nguyên. Trước kia người Nguyên liền dụ Vua ta vào chầu. thượng hoàng dâng biểu xin đưa con hay em vào làm con tin, đến lúc ấy lấy cớ Di Ái là người tôn thất nên sai đi, vua Nguyên giận, liền lập Di Ái làm quốc vương sai Xuân đem quân hộ tống về nước, Xuân kiêu ngạo vô lễ, cưỡi ngựa đi thẳng vào, quân sĩ cản lại, Xuân dùng roi ngựa đánh bị thương ở đầu, đi đến điện Tập Hiền, Vua sai Quang Khải tiếp kiến khoản đãi, Xuân nằm không chịu ngồi dậy, Quốc Tuấn xin đến nơi xem nó làm trò gì, lúc ấy Quốc Tuấn đã cắt tóc mặc áo vải, làm ra dáng vị hòa thượng nước Tàu, Xuân đứng lên vái và mời ngồi, đối diện uống nước chè, tên hầu của Xuân cầm cái roi đứng sau Quốc Tuấn, tự đập đầu nó chảy máu, Quốc tuấn không đổi sắc mặt, đến khi trở ra về, Xuân tiễn ra tận cửa.

Bọn sứ thần nhà Nguyên kiên ngạo, khinh mạn, không chỉ một Sài xuân, như Từ Diễn, Hoàng Thường đều có ý khinh rẻ, thế mà trong khi giao tiếp, hàm xúc ý tứ, khi cương khi nhu càng nâng cao quốc thể, đó cũng là một thuật làm cho chúng phải sợ người Nam.

Cấm người làng Thiên Thuộc không được vào học.

Luyện tập quân thủy và quân bộ. Khi bấy giờ Nguyễn Chương đi sang sứ Nguyên trở về, nói rằng: "Sang năm là kỳ khởi binh của chúng". Vua thân hành đốc xuất Vương, Hầu điều động cả quân thủy và bộ tập chiến, cử Quốc Tuấn làm quan Tiết chế, kén quân hiệu người nào có tướng tài thì cho chia ra thống suất các bộ ngũ. Duyệt binh lớn ở bến Đông Bộ Đầu, chia quân đóng ở các xứ Bình Than, giữ các nơi hiểm yếu.

Nhà Nguyên sai Trấn Nam Vương là Thoát Hoan đi đánh nước Chiêm Thành cậy có đất nước hiểm trở, vững chắc, không chịu theo, phàm các sứ thần Nguyên đi qua các nước ấy đều bị bắt giữ. Chúa Nguyên giận cho quân đến đánh, Nguyên lại sai Hành Xảnh đất Kinh Hồ là Toa Đô đem quân hội chiến, lại sợ nước ta thông mưu với Chiêm Thành, đòi nước ta cung cấp lương để giúp cho quân, quan tỉnh Lạng Sơn là Lương Uất tâu Vua biết: "Toa Đô nói dối là mượn đường, thật ra là xâm lấn nước ta".

Có con cá sấu đến sông Lô, sai Nguyễn Thuyên làm bài văn ném xuống giữa sông, cá sấu tự nhiên bỏ đi. Vua cho việc này giống việc Hàn Dũ làm văn đuổi cá sấu, cho Thuyên đổi họ là Hàn. Thuyên giỏi làm văn quốc ngữ, nhiều người bắt chước. Nay các thơ Nôm gọi là Hàn luật, là bắt đầu từ đây.

Cử Trần Khánh Dư làm Phó Đô Tướng quân. Trước kia Nguyên sang xâm nước ta, Khánh Dư thừa lúc bất ngờ tập kích, Thượng hoàng khen là người có trí và thao lược, phong làm Thiên tư nghĩa dũng (nguyên là Nhân Huệ Vương), sau vì tư thông với Thiên Thụy Công chúa, vì tội ấy mà bị mất tước, (Công chúa là người đã hứa gả cho con Quốc Tuấn là Hưng Võ Vương Nghiễn, vua sợ mất lòng Quốc Tuấn, sai đánh trượng chết đi, nhưng lại tiếc người có tài, ngầm bảo đừng đánh chết), lui về ở Chí Linh, vì trước có nghề bán than, khi ấy vua đi Bình Than, hội bách quan bàn định kế sách đánh Nguyên hay là giữ; hốt nhiên có thuyền lớn chở củi gỗ, nhân được nước thủy triều lui và gió to, đi qua Bình Than, chủ thuyền đội nón cỏ mặc áo lụa ngắn, Vua chỉ vào mà nói : "Người kia có phải Nhân Huệ Vương không?", sai quân lính chạy theo gọi lại, nói:Vua triệu ngươi. Khánh Dư nói: "Ông già buôn bán than, có việc gì mà triệu?". Vua nói: "Quả thật Nhân Huệ rồi, người thường tất không dám nói câu ấy". Khi đến trước mặt Vua, vẫn mặc áo lụa ngắn yết kiến. Vua nói: "Nam nhi lạc phách đến thế kia a?". Vua cởi áo ra cho, cùng bàn việc binh, nhiều điều hợp ý, nên cho làm chức ấy.

Hoài Văn Hầu Quốc Toản cũng ở trong đoàn hỗ giá, vì còn trẻ tuổi, không được dự nghị, lấy làm xấu hổ lắm, tay đương cầm quả cam bóp bẹp lúc nào không biết, lui về nhà, đốc xuất hơn nghìn gia thuộc, sắm sửa chiến thuyền và binh khí; kéo cờ to đề 6 chữ "Phá cường địch báo hoàng ân" (1), thân hành đi trước quân sĩ, mỗi khi đối trận với giặc, không ai dám đương đầu với ông, đến khi mất, Vua rất tiếc, tự làm bài văn tế ông.

Thượng vị hầu là Trần Lão làm thư nặc danh chê trách việc nước, Vua xuống chiếu trị tội, bị phát vãng làm lính.

Vua sai Trần Phủ sang Nguyên yêu cầu hoãn việc quân. Khi Phủ trở về nói: "Nguyên sai Thoát Hoan và A Lý Hải Nha cầm quân, giả danh là đánh Chiêm Thành, thật ra là chia nhiều đường sang xâm nước ta", Thượng hoàng triệu các phụ lão trong nước đến điện Diên Hồng vấn kế, vạn người đều cùng nói đánh, (giặc Hồ vào cướp chỉ có việc đánh thôi, sao lại phải hỏi đến phu lão làm gì, là ý muốn xét biết lòng dân, làm cho họ cảm khích, vẫn còn theo ý khất ngôn của đời cổ).

Quân của Thoát Hoan kéo đến biên giới, đưa thư cho nước ta, nói là mượn đường đánh Chiêm Thành. Vua sai phục thư nói: "Từ nước tôi đến nước Chiêm Thành, cả đường thủy và đường bộ không đường nào tiện". Thoát Hoan lại nói cớ hưng binh, thật là vì Chiêm Thành không phải vì An Nam. Vua sai Quốc Tuấn đem quân chẹn ở núi Kỳ Ôn, Kỳ Cấp, quân Thoát Hoan không tiến lên được, phải do ải Khải Ly, qua cửa Chi Lăng, quan quân ta đóng ở Vạn Kiếp. Vua ngự thuyền lẹ đi Hải Đông, đã muộn mà chưa ăn sáng, tiểu tốt Trần Lai dâng cơm gạo hẩm, vua khen là trung. Vừa lúc ấy Quốc Tuấn điều động quân các lộ đến hội, kén người khoẻ mạnh làm quân tiền phong, quân thế lừng lẫy thêm, Vua cho câu thơ đề ở thuyền rằng; "Cối Kê cựu sự quân tu ký, Hoan, Diễn do tồn thập vạn binh"(2). Các vị vương là Nghiễn, Uất, Tảng, đều đốc các toán quân đến hội, dưới sự chỉ huy của Quốc Tuấn.

Quốc Tuấn có gia nô là Giã Tượng và Yết Kiêu. Kiêu giữ thuyền ở bến đò Bãi, một mình Tượng theo ông đi; quan quân ta bị thất lợi, Quốc Tuấn muốn noi theo đường sơn cước mà tiến quân. Tượng nói: Kiêu chưa gặp vương, tất không nhổ thuyền đi nơi khác. Vội đến bến đò Bãi, quả nhiên còn độc một thuyền của Kiêu ở đó, Quốc Tuấn mừng lắm nói: "Chim Hồng và chim hộc bay được cao, tất phải nhờ có lông cánh mạnh, nếu không thì chả khác gì chim thường; liền kéo thuyền đến cả sông Vạn Kiếp, chia quân đóng giữ Bắc Giang. Người Nguyên chia ra 2 đạo quân mà đánh, quan quân ta phải lùi, 20 vạn chiến thuyền bị quân giặc cướp mất cả, quân giặc thừa thắng kéo lên Gia Lâm, Đông Ngàn, bắt được tên quân nào của ta ở cánh tay đều có thích 2 chữ "sát thát" bằng mực, thì giận lắm, lại càng chém giết mạnh hơn. Vua muốn cho người dò tình hình quân giặc, mà khó kén được người, Đỗ Khắc Chung xin đi, Vua khen là có chí khí hăng hái, nói rằng: "Biết đâu trong đám ngựa kéo xe muối lại có ngựa hay như kỳ ký". Liền sai Chung đi đến trại quân Nguyên xin hòa, Ô Mã Nhi hỏi vặn về hai chữ sát thát, cho là vô lễ, Chung trả lời: "Chó nhà người ta cắn chó người vì không phải là chủ nó, lòng trung phẫn của quân lính tự thích chữ đó, quốc vương tôi nào biết được, tôi là cận thần sao lại không có các chữ ấy thích vào tay" rồi giơ tay cho chúng xem. Ô Mã Nhi nói: "Đại quân ở xa đến, sao nước người không đến yết kiến, lại dám kháng cự?". Chung trả lời: "Vì tướng quân không theo cánh của Hàn Tín bình nước Yên, hãy đóng quân ở biên giới, cho đem thư đến trước, nếu bấy giờ không chịu thông hiếu, mới là có lỗi; nay lại bức bách nhau quá, loài thú cùng quá cũng phải cắn lại, huống chi là người". Ô Mã Nhi nói: "Đại quân chỉ mượn đường đi đánh ChiêmThành, Quốc vương phải đến tương kiến ngay, thì trong nước được yên; nếu không thì chỉ trong khoảnh khắc, núi sông sẽ phá bằng như bình địa, lúc ấy không hối lại được nữa". Khi Khắc Chung về rồi, người Nguyên bảo nhau rằng: "Chúng nó đương bị oai hiếp, mà vẫn ăn nói có vẻ mặt tự nhiên, không hạ Vua xuống là tên ăn trộm Chích, không nịnh vua ta là vua Nghiêu, thật khéo ứng đối, nước chúng có người giỏi, chưa dễ tính được đâu". Khắc Chung về thì quân Nguyên lại theo gót đến, cự nhau với quân ta. Thoát Hoan lên sông Nhĩ Hà, cột liền bè vào làm cầu, cho quân qua sông; quân ta theo hai bên sông lập đồn để cự lại, không được; ngày đã về chiều, quân giặc qua được sông vào kinh thành, Vua sai đưa Thiên Tư Công chúa cho chúng, để thư nạn cho nước (Công chúa là em gái út của vua Thánh Tôn, đem gả cho Thoát Hoan thật không còn kế sách gì, đáng cười lắm).

Trần Bình Trọng (con cháu vua Lê Đại Hành, làm quan với Trần, được đổi họ Trần, phong làm Bảo Nghĩa Vương) đánh nhau với quân Nguyên ở bãi Đà Mạc, thua, bị bắt, quân giặc hỏi quốc sư, ông không trả lời, ông nói: Thà ta làm quỷ nước Nam, không thèm làm vương đất Bắc", rồi bị chúng giết, Vua được tin thương xót quá.

Vua triệu Quốc Tuấn đến vấn kế. Bấy giờ quân Nguyên bầy hàng thuyền ở từ Hoàng Giang trở lên, đầy khắp hai bên sông, Quốc Tuấn ở thượng lưu sông ghép tre làm bè, chứa đá sỏi, thừa lúc gió bắc thuận dòng thả xuống, chiến thuyền theo sau, thuyền của Nguyên bị bè tre nứa vướng chặt, quân ta nhân cơ hội ấy đánh giáp lại, phá được quân giặc.

Vua rước Thượng hoàng đi Tam Trĩ Nguyên, Thoát Hoan vào thành biết Vua đã đi rồi, đuổi theo càng gấp. Khi bấy giờ xa giá đã chạy trốn, Quốc Tuấn có tiếng là người có kỳ tài, lại có điều hiềm khích của An Sinh Vương, dân chúng để lòng ngờ vực; khi ấy ông theo vua đi tay cầm gậy gỗ đầu có bịt sắt nhọn, ai cũng ngấp nghé nhìn xem sao, Quốc Tuấn lập tức tháo bỏ sắt nhọn ấy đi, chỉ còn gậy gỗ không, dân chúng mới được yên lòng.

Bấy giờ quân Nguyên dò biết vua ở nơi nào rồi, lại gặp lúc tướng Nguyên là Toa Đô đem quân từ Chiêm Thành về, hợp với quân của Thoát Hoan, chia cho Tả thừa đi đường thủy, Hữu thừa đi đường bộ, cùng tiến quân; Vua phải bỏ thuyền lên đường bộ, dẫn quân về phía đông, còn chiến thuyền thì bị quân Nguyên bắt mất cả, Vua lại phải lấy thuyền do cửa biển Nam Triệu vào Thanh Hóa.

Con Quốc Khang là Kiến cùng thuộc hạ là Lê Xí đầu hàng quân Nguyên (Toa Đô đưa Kiến về Yên Kinh, gia nô của Quốc Tuấn đón đường bắn chết Kiến).

Lũ Trần Ích Tắc cũng đưa gia quyến đầu hàng quân Nguyên. Ích Tắc 15 tuổi đã thông hiểu thư sử, tự phụ là thông minh, vẫn ngấm ngầm có lòng cướp ngôi con cả, đã từng gởi thư riêng nhờ bọn lái buôn Vân Đồn đưa đi, xin quân Nguyên sang nước Nam, đến khi ấy quân Nguyên đến xâm lăng thì y liền đầu hàng, mong được có cả nước Nam. (Xưa vua Thái Tôn nằm mộng thấy vị thần 3 mắt, nói rằng bị thượng đế phạt, giáng xuống trần xin ký thác vào Vua, sau lại đi về bắc. Đến lúc sinh ra Ích Tắc trên trán có vết ẩn ở trong như một mắt nữa).

Chiêu Văn Vương là Nhật Duật đánh bại quân Nguyên ở Hàm Tử Quan, hồi trước Toa Đô từ Chiêm Thành ra, hội quân ở Ô Rí, liền đến cướp đất Hoan và Ái, tiến lên đóng ở Tây Kết, Vua và quần thần bàn rằng: "Quân giặc bao năm đi xa, vận lương hàng vạn dặm, thế tất mỏi mệt, quân ta thư thả đánh quân bị khó nhọc sẵn, tất phá được chúng". Sai khinh binh đón đánh, đánh nhau ở Hàm Tử Quan, trong quân của Nhật Duật có người ăn mặc lối người Tống, cầm cung tên ra đánh, Thượng hoàng lấy cớ người Tống và người Thát Đát tiếng nói và ăn mặc giống nhau, sợ không phân biệt, sai người truyền cáo rằng: Đó là người Thát Đát của Chiêu Văn Vương đấy, lên nhận kỹ. Người Nguyên thấy có người ăn mặc lối nhà Tống, cho là có người Tống giúp sức, đều tan vỡ chạy mất. Xưa lúc Tống mất nước, có nhiều người chạy về nước ta trong bọn có Triệu Trung là người mạnh giỏi, Nhật Duật thu dụng làm gia tướng. Cho nên công đánh được Nguyên, là công Nhật Duật nhiều hơn cả.

Vua rước Thượng hoàng thân chinh, đánh bại lớn quân Nguyên ở Tràng An, giết và bắt được vô kể. Lúc bấy giờ Toa Đô cùng Thoát Hoan đóng quân cách nhau 200 dặm, quân Thoát Hoan thua, mà quân Toa Đô còn chưa biết, cùng với Ô Mã Nhi từ đường biển đi đến sông Thiên Mạc, muốn đến làm viện binh cho Thoát Hoan, quân du kích đi đến Phù Ninh, Phụ Đạo là Hà Đặc lên đóng ở Trĩ Sơn để cố thủ, lấy tre đan thành hình người to lớn, cho mặc áo, cứ đêm thì dẫn ra, dẫn vào; lại khoét thủng cây lớn, cắm mũi tên lớn vào đó, để cho giặc nghi sức tên bắn mạnh đến thế; quả nhiên giặc sợ không dám giao chiến, quân ta nhân thể cố sức đánh phá được. Em Đặc là Chương lấy trộm được cờ xí trốn về dâng Vua, xin dùng hiệu cờ giả làm quân giặc, đương đêm đến phá quân dinh, giặc không ngờ là quân của ta, liền tan vỡ. Vua tiến quân lên đóng ở Đại Mang, Tổng quản của Nguyên là Trương Hiển đầu hàng, đại phá quân Nguyên ở Tây Kết, chém được Nguyên súy Toa Đô, bắt được đồ đảng của chúng 5 vạn người, Ô Mã Nhi phải trốn, dùng một thuyền nhỏ ra biển được thoát chết. Thoát Hoan cũng phải thu quân chạy về nước, Lý Hoằng đi tập hậu; đến Sách Giang chưa kịp qua đò. Quốc Tuấn mai phục sẵn trong rừng nứa, dùng nỏ bắn ra, Hoằng bị trúng mũi tên chết; quân ta đuổi theo, quân Nguyên mất đến quá nữa, tướng sĩ đánh thù tử mới hộ vệ Thoát Hoan ra được khỏi địa giới, rồi về Tàu. Vua trông thấy thủ cấp Toa Đô, động lòng nói "Làm tôi phải như thế này", rồi sai đem mai táng. Sau lại vì Toa Đô đốt cung điện, tàn bạo bách tính, sai tẩm dầu cái đầu ấy mà đốt đi, để răn bảo dân chúng.

Sử thần bàn rằng: Mỗi lần có tin báo quân Nguyên sang cướp, thì tất là Vua thân hành ra ngoài trông coi quân, khi đi đông, đi tây, không đi nhất định đường nào, khi ở trên bộ, khi ở thủy không đóng nhất định ở đâu, đó không phải là rát, là vì Vua ở bên ngoài, thì dễ hiệu triệu thiên hạ. Cổ lệ lòng hăng hái của quân sĩ, chư tướng thì tiện việc tâu xin mệnh lệnh, tam quân thì vui lòng xông pha, lính tráng đều là quân của nước, của nhà giàu là của nước, có cơ hội nào thì cổ động quân sĩ xông vào trước, gặp tình thế không may thì tùy tiện mà chống giữ; khi tiến quân thì nhanh như chớp nhoáng, khi lui về thì như rồng rắn ẩn thân, giặc không biết đâu mà lường đạc được, nếu chỉ nấp giữ ở trong thành, thì địch coi đó là sào huyệt, chúng sẽ chặn đường không cho vận lương đến, và giữ viện binh không vào được, đến nỗi lương hết, lực cùng, chả nguy lắm sao. Có tin giặc đến mà Vua lập tức đi ra ngoài, đó là kỳ kế, liệu sức giặc và tính cách đánh của nhà Trần.

Vua rước Thượng hoàng về kinh đô, tuyên công trạng và phong chức tước cho công thần, trị tội kẻ đã hàng quân giặc.

Cho đưa tù binh Chiêm Thành trả về nước (người Chiêm Thành bị Toa Đô bắt thì đều cho về hết).

Vua xuống chiếu định số nhân khẩu ở trong nước. Triều thần can rằng: "Dân đương lao khổ, mà định số nhân khẩu, không phải là việc cấp". Vua nói: "Lúc này chính là lúc nên xét định, để cho chúng đừng dò sự điêu tàn của ta". Quần thần đều phục là phải.

Lúc ấy quân giặc mới rút lui, dân bị thương đau chưa khỏi, dân lưu tán chưa kéo về, thôn xóm đồng ruộng điêu tàn xơ xác, chiêu tập vỗ về dân còn chua xong, mà đã vội vàng làm sổ đinh; trong việc làm ấy thì phải quan chức tra xét, dân chúng hội họp, phí tổn về ăn uống; con gà, đùi lợn tránh sao khỏi phí, sổ mới, lệ cũ so sánh khó đều, sau khi binh lửa, mà phải bỏ nghề nghiệp đi hầu tra cứu nhiễu dân quá lắm; quần thần biết nói phải để chữa lỗi lầm, Vua trên lại trái lời can mà đặt điều để che lỗi; thế mà quần thần không cố can gián, mà lại khen phục, có phải gần như xiểm nịnh không?

Thoát Hoan thu về nước, vua Nguyên giận lắm, bãi quân đánh Nhật Bản, đưa hết quân sang đánh Nam, hẹn đến tháng 8 thì xuất quân sang xâm lấn nước Nam; phong Trần Ích Tắc làm vua nước Nam, sai đưa về nước. Lưu Tuyên can rằng: "Liền liền năm nào cũng dụng binh, tật bịnh chưa lại sức, nay lại đưa quân đến viêm nhiệt, tứ dân đều phải bỏ nghề nghiệp mà đi đánh, không phải là kế sách hay". Vua Nguyên nghe theo, tha quân tỉnh nào về tỉnh ấy, cho Ích Tắc ở Ngạc Châu, cấp cho khu ruộng Hán Dương để mà sinh nhai.

Vua hỏi Quốc Tuấn rằng: "Năm nay quân Nguyên tất lại sang, chưa biết tình thế chúng thế nào?". Quốc Tuấn trả lời: "Nước ta hưởng thái bình đã lâu, dân không biết đến việc binh, vì thế, năm trước quân giặc đến có kẻ đầu hàng, có kẻ trốn tránh, may nhờ oai linh tổ tiên và thần vũ của Bệ hạ, mà đánh đuổi chúng. Nếu lần này chúng lại sang, thì quân ta đã quen chiến đấu rồi, quân chúng thì sợ phải đi xa xôi, tất là phá được".

Nhà Nguyên lại sai Thoát Hoan đốc suất 7 vạn quân Mông Cổ, Hán Khoản sang xâm lấn nước ta, Trương Văn Hổ vận tải 17 vạn thạch(3) vạn lương thực đi theo. Khi ấy hốt nhiên có biên báo, nhà cầm quyền xin kén tráng đinh xung vào quân ngũ, Quốc Tuấn nói: "Cần luyện tập quân cho tinh, chứ không cần nhiều; túng xử có 10 vạn quân như quân Bồ Kiên mà không tinh luyện có làm gì được". Vua hỏi: "Giặc đến thì làm thế nào?". Quốc Tuấn trả lời: "Năm nay thế giặc dễ đánh, không đáng lo".

Quân Thoát Hoan đến Nam Quan, chia ra ba đạo tiến sang. (Trình Bằng Phi do đạo tây đi vào Vĩnh Bình, Ô Mã Nhi đi đường biển vào An Bang, Áo Lỗ Ma đi theo cửa Nữ Nhi Quan). Tướng bộ quân của Nguyên là Bằng Phi đánh trại Phù Sơn, quân ta đón đánh, bắn bằng tên thuốc độc, quân giặc hơi phải rút lui, chiến thuyền của Nguyên đến cửa biển An Bang, quân ta thảng thốt không phòng bị sẵn, phải bỏ thuyền chạy, bị quân giặc lấy mất nhiều chiến thuyền; Nhân Đức độc lực cố đánh, quân giặc chết đuối mất nhiều, lấy lại được thuyền chiến. Thoát Hoan sai Bằng Phi kéo quân đánh Vạn Kiếp, hợp với quân Ô Mã Nhi thuận theo dòng sông xuống phía đông, đến thẳng kinh đô, qua sông Phú Lương, đóng quân ở bên thành, quan quân ta đến đánh, không được lợi. Vua phải rước Thượng hoàng đi về phía nam. Khi bấy giờ Quốc Tuấn làm Thống tướng, nhất thiết các việc ở biên giới đến ủy cho Phó tướng Vân Đồn là Trần Khánh Dư. Đến lúc này Ô Mã Nhi đưa thủy quân ra cửa biển Đại Bàng đón thuyền lương của Văn Hổ, nhưng không gặp, Khánh Dư đến đánh không lợi, Thương hoàng được tin, sai trung sứ khóa tay giải đến nơi Vua đóng quân, Khánh Dư nói: "Xin chịu nhận quân kỷ, nhưng xin rộng cho 3 ngày để lo đánh lại", Trung sứ theo lời xin; Khánh Dư đoán chừng thuyền quân của giặc đi qua rồi, thuyền lương tất phải theo sau, liền thu thập tàn tốt chờ ở đó, lát sau, quả nhiều thuyền lương của Văn Hổ kéo đến, đón đánh đại phá được, gạo phải chìm xuống biển, bắt được nhiều quân sĩ và khí giới, dâng thư báo tiệp, Thương hoàng tha tội trước không hỏi đến, và nói: "Quân giặc chỉ trông nhờ vào lương thực, nay bị ta bắt mất, không thể nào ở lâu được". Mới thả bọn quân đã bắt được trở về trại quân Nguyên để cho chúng biết. Quân Nguyên thiếu lương ăn, không còn chí chiến đấu nữa, cho nên năm nay bách tính không bị thảm khốc quá như năm trước, thật là công Khánh Dư.

Lúc trước Khánh Dư ở Vân Đồn, tục nơi ấy chỉ có nghề buôn bán để sinh nhai, ăn mặc đều nhờ vào bọn dân Tàu, nên cái gì cũng theo phong tục Tàu. Khánh Dư hạ lệnh nói: "Quân trấn giữ Vân Đồn, là để ngăn phòng giặc Hồ, không nên đội nói của Tàu, sợ khi vội vàng khó phân biệt, nên đội nón Ma Lôị(4) để cho phân biệt". Khánh Dư đã mua thứ nói ấy chở đầy thuyền đem về, người trại Vân Đồn tranh nhau đến mua nón, giá bán cao lắm, 1 cái nón trị giá 1 tấm vải, được lợi kể hàng nghìn tấm vải; người Tàu làm thơ mừng ông có câu: "Gà chó Vân Đồn đều phải sợ", nói thác là người ta sợ oai danh của ông, nhưng thật là chê bai ngầm đó. Sự tham bỉ của ông đại loại như thế.

Khi Khánh Dư ở trấn Vân Đồn, có người cáo giác là tham bỉ, quan Hành khiển đưa sự trạng tâu Vua, Khánh Dư nói: "Tướng là chim ưng, quân là con vịt, đưa con vịt để nuôi chim ưng, có gì là lạ". Việc đánh lui được giặc trong đời Trùng Hưng, ai cũng khen nhiều về trận thắng ở sông Bạch Đằng của Hưng Đạo, nhưng không bằng trận thắng ở Vân Đồn của Khánh Dư, là trương bản của các trận thắng khác đó.

Thoát Hoan vào chiếm thành Thăng Long, thật ra lấy chỗ Vạn Kiếp làm đại đồn, mà Phả Lại làm nơi tựa, ngày đêm mong đợi thuyền lương của Văn Hổ vận theo đường biển đến. Đến lúc này quân tuyệt lương đói, liền dẫn quân về Vạn Kiếp, sai A Bát Xích đi cướp lương thực của làng xóm lân cận, được hơn 4 vạn gạo, mưu toan chia cho các đồn, để làm kế cố thủ; tướng sĩ cấp dưới nhốn nháo kêu rằng: "Không còn kho tàng nào có thể làm lương được, không gì bằng kéo quân về là hơn". Thoát Hoan nghe lời ấy, liền quyết ý kéo quân về, sai Ô Mã Nhi đưa chiến thuyền đi đường thủy kéo về trước. Trước kia, Quốc Tuấn lấy cớ An Bang(5) là con đường mà quân Nguên về Bắc tất phải đi qua, sai cắm gỗ sẵn ở lòng sông Bạch Đằng che cỏ lên trên, đề chờ quân giặc. Đến khi quân giặc của Ô Mã Nhi kéo về, Quốc Tuấn thừa lúc thủy triều lên, ra khiêu chiến, giả thua chạy, quân giặc đuổi theo, mực nước xuống thấp, thuyền mắc vào cây, Nguyễn Khoái lãnh đạo quân Thánh Dực giao chiến, lại gặp được đại quân của Vua đến theo, tung ra đánh mạnh, đại phá được quân giặc, nước triều lui rất gấp, thuyền của giặc đều vướng vào cọc gỗ, lật úp cả, chết đuối vô kể, nước sông đỏ ngầu, bắt được Ô Mã Nhi dâng lên Thượng hoàng, khi dẫn y lên thuyền ngự, rót rượu cho uống. Bằng Phi đi đường bộ, hộ vệ Thoát Hoan trốn về, quan quân ta đã chặn đón trước ở ải Nội Bàng. Người Nguyên tự đắc, không thoát được, vừa đánh vừa chạy, quân ta đứng trên cao dùng nỏ bắn xuống; tướng sĩ Nguyên ngã như rạ, Thoát Hoan chỉ một thân đi đường tắt Đan Ba trốn về.

Sử thần bàn rằng: Ngô Tiên Chúa phá quân Lưu Hoằng Tháo, Trần Hưng Đạo bắt được Ô Mã Nhi, đều ở sông Bạch Đằng, là võ công vẻ vang nhất của nước ta, danh tiếng các vị hào kiệt ấy cùng với non sông nghìn đời nhớ mãi, dấu vết hôi tanh của Hán và Nguyên, cũng theo mãi với nước non. Giang sơn nước Nam, sách trời định rõ, người Bắc tuy có cậy trí lực chực chiếm cứ, nhưng dù có lấy được cũng không thể nào giữ được, vậy thì tham binh có làm gì được. Trương Hán Siêu làm bài phú sông Bạch Đằng có câu: "Binh khí chôn vùi trong đống cát, xương khô chất đống thành non cao; trận đại thắng ở sông này là do tự Đại Vương đã định liệu trước", nghiền ngẫm kỹ lời và ý câu văn, mô tả được trận thua của Hán và Nguyên, rất là thiết thực.

Vua rước Thượng hoàng về phủ Long Hưng, dâng tù binh quân Nguyên lên Chiêu Lăng - Lúc trước người Nguyên đã khai quật Chiêu Lăng, không phạm vào Tử cung(6); đến khi quân giặc thua, thì thấy chân ngựa đá ở lăng đều lấm bùn, cho nên khi yết lăng có câu thơ: "Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã, sơn hà thiên cổ điện kim âu"(7), đó là cảm thấy thần linh của ông cha phù hộ ngầm cho mới được thế. Khi xe Vua đã về kinh đô, cung điện bị giặc đốt phá, vào ở tạm nhà thị vệ. Đại xá cho trong nước, phàm xứ nào bị binh lửa thì được tha thuế khóa hoàn toàn, ngoài ra tha có từng hạng một.

Lệ cũ: Tòa Hàn Lâm nghĩ soạn tờ chiếu, quan Hành khiển tuyên đọc chiếu. Nên dự thảo tờ chiếu thì đưa đến trước để tập đọc, để khi tuyên đọc hiểu cả âm và nghĩa, cho dân dễ hiểu. Bấy giờ quan Tả phụ Lê Tòng Giáo cùng quan Hàn lâm Đinh Củng Viên bất hòa với nhau, Củng Viên không đưa bản thảo trước, Tòng Giáo đòi không được; đến ngày lễ, Vua đã ra rồi, mới giao tờ chiếu, Tòng Giáo đọc không được thông, chỉ cúi đầu lặng yên, Vua bảo Củng Viên đứng đằng sau mách bảo, Tòng Giáo xấu hổ. Vua dụ rằng: "Củng Viên là văn sĩ, người là Trung quan sao lại bất hòa với nhau đến thế? Người làm quan Lưu thủ ở Thiên Trường có thổ sản như tôm biển, cam ngọt, tống tặng qua lại nhau, thì có hại gì". Từ đấy trở đi hai người lại thân mật với nhau lắm.

Sử thần bàn rằng: Vua tôi triềuTrần thân nhau như một, người ở xa không hiềm là xa mà kiêng kỵ; người ở gần không dám cậy gần vua mà khen chê bậy; lại biết kinh lễ sĩ phu, nên các bậc nho được vì có văn học mà tự trọng, mà có phong tục tốt của cổ nhân. Có người nói: Vua bảo Tòng Giáo như thế, chả là mở lối cho người bày tôi giao thiệp tư đi chăng? Trả lời: việc làm thì hơi giống thế, nhưng thật không phải thế, kia như Xuân Thu chê Tế Bá tư giao, kinh Thi có câu ca: Tặng cho quả dưa, trả lại quả mận, tư giao ấy không giống việc này.

Vua sai Đỗ Thiên Nghiễn đi sang Nguyên (Thiên Nguyễn là em Khắc Chung, đã có công về việc đi sứ Nguyên, nay lại tiến cử em). Trong tờ biểu đem đi, đại lược nói: "Đại quân về rồi, mà thiên sứ chưa thấy đến, vậy xin sai bồi thần kính dâng lễ mọn, đến trước cửa vua trần tình, lễ thờ nước lớn tôi không dám thiếu. Ô Mã Nhi đã khởi hành về nước, người trong nước ai cũng biết, đã giúp cho hành trang và sai người hộ tống đi lối đường biển, sớm muộn sẽ về đến kinh đô".

Đưa Ô Mã Nhi trở về nước. Dùng kế của Hưng Đạo; kén người thạo nghề đi biển làm phu thuyền, đương đêm đục thủng thuyền cho chìm, Ô Mã Nhi chết đuối.

Trả tù binh Nguyên cho về như lũ Tích Lệ Cơ, Đường Ngột Phản, đồng thời khởi trình với Ô Mã Nhi, đều được đi thuận tiện cả; duy có Ô Mã Nhi là người gian hiệt quá, mà lại đa sát, khi quân Nguyên đến, y bảo người nước ta rằng: "Chúng mày đi lên trời hay xuống đất, ta cũng đuổi theo; chúng mày trốn lên núi, xuống biển ta cũng theo đi". Nên người nước ta giận y lắm, duy có một mình y bị chết đuối: mà trả lời với Nguyên rằng: Nước lớn thuyền chìm quan Tham chính người cao lớn, khó vớt lên lắm. Nguyên cũng biết là nói dối, không hỏi vặn làm gì.

Chữ tín là quí báu nhất của nước; đã bảo cho về, lại còn dùng kế giết đi, quỉ quyệt như thế, thủ tín với lân bang sao được. Đến sau này vua Lê Thái Tổ cũng trả người Minh về nước, có người nói đến sự đục thuyền cho đắm. Vua không dùng: người Minh cũng không nghi gì. Như thế mới thật là Vương giả có đại tín.

Khi Thoát Hoan trở về, Vua sai Nguyễn Đức Vinh, Đoàn Khải Khung mang lễ vật theo đi; Vua Nguyên giận lắm, muốn cho quân sang lần nữa, nên giữ cả sứ thần ở lại không cho về; đến khi đưa lũ Tích Lê Cơ về đến nơi, mới cho sứ thần ta về nước, và lại sai Lưu Đình Trực sang tuyên dụ, giục Vua mau vào chầu, Đình Trực đi đến cửa điện xuống ngựa; Vua sai Quốc Tuấn mời vào viện Tập Hiền, bảo cho biết duyên cớ Ô Mã Nhi bị chết đắm và nói là Vua tuổi già không đi xa được. Đến lúc Đình Trực cáo từ trở về, Hưng Đạo vẫn kính thuận như lời trong tờ biểu đã nói: Từ đấy hai bên Nam và Bắc lại thông hiếu với nhau.

Định công đánh được Nguyên, tiến phong Quốc Tuấn làm Hưng Đạo Đại Vương. Đỗ Khắc Chung được đổi là họ Trần, còn các người có công tiến lên trước tiên mà phá trận giặc, đều được ghi họ tên mà vẽ hình tượng; hoặc có người còn oán vọng không vừa ý, thì dụ bảo rằng: "Các người biết chắc quân giặc không đến nữa, thì tuy có cho lên đến cực đẳng, Trẫm cũng không tiếc; vạn nhất chúng lại đến nữa, mà các ngươi lại có công, thì lấy bậc gì mà thưởng cho được". Ai cũng vui vẻ phục lời đó. Duy có Phùng Sĩ Chu thì lúc quân Nguyên đến, Vua sai ông bói, tâu rằng: Tất đại thắng, Vua mừng rỡ nói: "Nếu quả đúng như lời người, thì sẽ có trọng thưởng"; đến khi bình được giặc, Vua nói: "Thiên tử không có đùa", nên cho Sĩ Chu làm chức Hành Khiển; lại có Trần Khiển, Vua cũng sai bói, bói được quẻ Dự và Chấn, nói rằng: Mùa hạ sang năm thì quân Nguyên thua, đến khi Nguyên lại sang, lại sai bói, được quẻ Quán và Hoán, nói rằng: "Sông Bạch Đằng là nơi quân Nguyên tẩu tán. Hai quẻ đều ứng nghiệm cả, cho nên cũng cho làm chức An Phủ". Lại phong Nguyễn Khoái làm liệt hầu, cho một quận để làm nơi hưởng lộc, gọi là Khoái Lộ (Tức là phủ Khoái Châu, Hưng Yên).

Trị tội những kẻ đầu hàng giặc, (Trần kiện, Trần Lộng đều bị tước xóa tên trong sổ họ nhà vua, cải là họ Mai, duy có Ích Tắc vì cớ anh em ruột thịt nhà vua, không nỡ phạt, chỉ gọi tên là Ả Trần, ý bảo là nhu nhược hèn như đàn bà, cho nên thời bấy giờ có tên gọi là Ả Trần và Mai Kiện).

Lúc quân Nguyên đến xâm lăng trong bọn thần liêu nhiều kẻ đi lại biếu xén ở trại giặc, đến khi giặc tan, bắt được nhiều tráp đầy tờ biểu xin đầu hàng. Thượng hoàng sai đốt tất cả đi, để yên lòng kẻ phản trắc. Duy có người đã đầu hàng rồi thì tuy thân ở triều đình của địch, nhưng cũng tuyên xử tội lưu đày hay tử hình, tịch thu điền sản; còn các quân và dân mà hàng giặc thì tha cho tội chết, chỉ bắt chuyển chở gỗ, đá làm cung điện để chuộc tội, có 2 làng Ba Điểm, Bàng Hà khi giặc đến đã đầu hàng trước, thì bắt tội dân 2 làng ấy chỉ bị sai khiến làm tôi tớ, không được vào làm quan.

Vua Thái Tôn đốt tờ hàng biểu, cũng như vua Quang Vũ đốt văn thư, độ lượng đế vương rộng lớn đến thế.

Thượng hoàng trở về Thiên Trường, trông thấy cung khuyết không bị giặc xâm hại đến, có làm thơ rằng:

(8)"Cảnh thanh u vật diệc thanh u,

"Thập nhị thần chu thử nhất chu,

"Bách bộ sinh ca cầm bách thiệt,

"Thiên hàng nô bộc quất thiên đầu,

"Nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự,

"Thủy hữu thu hàm thiên hữu thu,

"Tứ hải dĩ thanh trần dĩ tĩnh,

"Kim niên du thắng tích niên du".

Từ năm Thiệu Bảo nổi việc binh đao, hai lần đánh quân Nguyên, may mà xã tắc lại yên, giang sơn y như cũ, tuy rằng lòng trời giúp cho, nhưng nhân sự cũng rất gian nan, họp vương hầu ở Bình Than, đãi phụ lão ở Diên Hồng, không hạng nào là không hỏi đến; khi vào Thanh Hóa, khi ra Hải Đông, lúc đi Đại Bàng, lúc về Thiên Trường, không nơi nào là không đi đến. Nhất đán rửa rạch bụi Hồ, lại yên thế nước, về thăm cố hương, mắt trong cảnh đẹp, tai nghe chim ca, chén rượu dưới trăng, tiếng đàn trên suối, nghĩ lại khi đi Chí Linh, Vạn Kiếp, trận đánh Đại Than, Bạch Đằng, những lúc con thuyền lênh đênh, dùng bát cơm hẩm, vua tôi, cha con vẫn nhất tâm lo sao cho qua cơn sóng gió, sở dĩ vì có hoài cảm ấy mà làm bài thơ trên này.

Vua thân đi đánh nước Ai Lao. Triều thần can rằng: "Giặc Hồ mới lui, vết thương của dân chưa lành, sao lại đã hưng binh". Vua nói: "Chỉ nên xuất binh vào lúc này; lân bang sẽ bảo ta có bao nhiêu quân sĩ, voi ngựa mất hết, sắp có sự khinh rẻ ta, nên phải đại cử để thị oai". Quần thần đều nói: "Thánh nhân lo xa, không ai nghĩ kịp"

Thượng hoàng mất (Đỗ Quốc Kế nói: thần được biết khi cư tang không làm cho ai đau thương, xin vua nên cưỡi ngựa thay cho kiệu do người khiêng. Vua nghe lời, nên chỉ dùng yên ngựa mộc). Cử Phí Mệnh làm quan An phủ Diễn Châu. Mệnh ở nơi làm quan, có tiếng tham ô, Vua triệu về đánh trượng, sau lại được tiếng là công bình, thanh liêm, dân Diễn Châu có câu ca: "Diễn Châu An phủ thanh như thủy"(9).

Lập Hoàng tử Thuyên làm Thái tử.

Nhà Nguyên sai Trương Lập Đạo đến nói: "Quân sang năm trước không phải chú ý của vua, là vì biên thần dèm pha mà sinh ra đó"; nhân tiện lại yêu cầu Vua phải vào chầu, Vua cáo từ là có tang, liền sai Nguyễn Đại Phạp dâng biểu lên tạ lỗi: Sứ thần đi đến Ngạc Châu, thấy Ích Tắc ngồi ở sảnh đường, nói rằng: "Mày có phải là thư nhi nhà Chiêu Đạo Vương đó chăng?". (Chiêu Đạo Vương là con vua Thái Tôn, anh cùng mẹ với Ích Tắc). Đại Phạp nói: "Việc đời biến chuyển, ta trước là thư nhi, nay là vị sứ thần một nước, cũng như quan Bình Chương (chức của Nguyên cho Ích Tắc) xưa là con vua này lại là tên giặc đầu hàng" Ích Tắc xấu hổ lắm, từ đấy khi trông thấy sứ thần nước ta, không dám ngồi ở sảnh đường nữa.

(Từ khi Ích Tắc đầu hàng, người Nguyên thường cho quan dẫn về nước, nhưng không xong, thì cho ở Ngạc Châu, trải qua các đời vua Thế Tổ, Thanh Tôn và Vũ Tôn nhà Nguyên, chúng thương tuổi già vẫn trọng đãi, lời trong tờ chế cáo phong Ích Tắc đại lược có câu: Quân nhà vua đã vài lần đưa về, cũng như với kẻ chết đuối, cứu kẻ bị cháy, gần 30 năm ở tỉnh Hồ, được có quan tước và nhà ở, trải qua 4 triều, vẫn một dạ trung thành. Ích Tắc 76 tuổi thì mất).

Vua đi chơi, gặp gia đồng các nhà vương hầu, tất gọi tên đến hỏi: Chủ mày đâu? Vẫn răn bảo các vệ sĩ không được quát mắng những người ấy, vì khi có hoạn nạn xưa, chỉ có lũ chúng ở lại, vua cảm công lao đã hộ tụng, mà cho ân huệ đó.

Lời bàn: Khi nước rút thì bờ bến mới hiện ra, gặp vận cùng thì lòng tiết nghĩa mới rõ rệt; khi vô sự và khi lâm nạn, hoàn cảnh khác mà lòng người thường thay đổi mới biết những kẻ mồm mép, sốt sắng không bằng người lão thực mà chuyên nhất. Hai lần đánh lui quân Nguyên, trèo non lội biển, gối giáo nằm sương, thật là công lao to lớn của chư thần, yên người mà yêu lây cả chim quạ đậu nóc nhà, quen mặt nhớ tên, gặp ở đường cũng ân cần thăm hỏi, có tình chủ bộc thân yêu nhau. Vua Nhân Tôn như thế thật là khoan hậu.

Vua truyền ngôi cho Thái tử, Thái tử Thuyên lên ngôi Vua, cải niên hiệu là Hưng Long.

Vua Nhân Tôn 16 tuổi làm Thái tử, đã có chí đi tu, xin nhường ngôi vua cho em, vua Thánh Tôn không cho, đến khi nhận truyền ngôi, ban ngày thì làm việc nước, ban đêm vẫn tụng kinh, đến đây lại cùng các vị tăng Pháp Loa (Đồng Kiên Cương), Huyền Quang (Lý Đạo Tái) vân du các núi An Tử, Lôi Âm, giảng cứu nội điển nhà Phật.

Khi trước Nguyên Đại Phạp sang sứ Nguyên, vị từ thần làm tờ biểu, làm các lời kéo dài lời văn, có ước hẹn sang năm sẽ đến cửa vua Nguyên; đến lúc ấy Nguyên lại sai Lương Tăng đến trách, giục phải vào chầu. Thượng hoàng từ chối là bị đau, lại sai Đào Tử Kỳ đưa tờ biểu sách bằng vàng chúc tụng vạn thọ dâng Nguyên, vua Nguyên giận, câu lưu Tử Kỳ ở Giang Lăng, nghị lại đem quân sang, sai Quốc Kiệu, Cát Ải chia 2 đường thủy và bộ cùng sang, mà cho Ích Tắc đi theo quân đến Tràng Sa, gặp lúc vua Thế Tổ nhà Nguyên mất, vua Thành Tôn lên nối ngôi, mới xuống chiếu bãi việc sai quân ấy, liền cho Tử Kỳ về nước. Nguyên lại sai Lý Hán làm tờ chiếu dụ, đại lược nói: "Vì vua Nguyên mới lên ngôi, khoan tha cả mọi việc, đã có sắc bãi quân An Nam rồi, từ nay trở đi thì nên nghĩ kỹ về việc sợ oai trời, thờ nước lớn". Bà Khâm Từ Hoàng Thái hậu mất (Thượng hoàng làm chuồng hổ, sai quân sĩ bắt hổ, Vua ở trên lầu xem, vì thềm lầu thấp, con hổ thoát ra khỏi chuồng, rồi nhảy lên lầu, Hoàng hậu cùng thi nữ lấy chiếu che cho Thượng hoàng, con hổ vội vàng nhảy xuống, không động chạm gì đến Thượng hoàng. Lại một lần xem đấu voi ở sân rồng, con voi đột nhập, tả hữu chạy cả, duy chỉ còn một Thái hậu ở lại, xem thế đủ biết Thái hậu cũng là bậc anh hùng trong nữ lưu).

Bà Khâm Từ Thái hậu mất rồi, bà Truyền Từ Hoàng hậu mới được chủ việc trong nhà; tính bà thẳng mà dạy bảo thì nghiêm, vua Anh Tôn lại phụng thừa rất cẩn trọng, Thượng hoàng khen lắm, nói bằng tên gọi vua là Hiếu Hoàng, không thẹn gì với tên đó, thì nên lấy tên ấy mà gọi Quan gia(10) sau này.

_____________________

1) Phá giặc mạnh, báo ơn Vua.

2) Ông nên nhớ việc trận Cối Kê xưa, vua Việt Câu Tiễn bị quân Ngô đánh thua bắt đem về giam ở Ngô. Ở Thanh và Nghệ còn có 10 vạn quân.

3) Tức như tạ của ta bây giờ, nhưng không biết bao nhiêu cân hay lạng.

4) Không rõ kiểu nón nào.

5) An Bang. Nay là tỉnh Quảng Bình.

6) Quan tài của vua.

7) Hai lần yên được xã tắc, ngựa đá cũng khó nhọc, sơn hà bền vững nghìn đời như cái âu bằng vàng.

8) Vịnh cảnh vật Thiên Trường, mừng rằng đã bình được giặc, lần đi này vui hơn lần đi trước.

9) Quan An phủ Diễn Châu trong sạch như nước.

10) Khi Thượng hoàng còn sống thì gọi Vua là quan gia.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Việt Sử Tiêu Án ( 1775 ) Trần Nhân Tôn

Có thể bạn thích