UNG CHÍNH HOÀNG ĐẾ
HỒI THỨ HAI MƯƠI BẨY

DocSachHay.net

ừ Khang Hy và Trương Đình Ngọc ra, các a-ca thấy bộ dạng thảm hại của Dận Thì ai nấy đều thấy giải hận. Dận Chỉ nghĩ lúc Đại ca mượn chuyện Mạnh Quang Tổ mà chỉnh mình thì lại càng thấy khoái trá khôn xiết kể; nhưng ông vẫn không hề để lộ ra nét mặt chút nào; ông quay mặt về phía Khang Hy nói:

- Vạn tuế, người giận Đại a-ca như vậy thật không cần thiết. Giờ đây con nghĩ việc cần phải làm nhất hiện nay là tra xét việc của Nhị ca. Có một việc, mà nhi thần vẫn giữ mãi trong lòng từ lâu cũng không rõ được là nên như thế nào cho phải. Do lời vạn tuế nói ra hôm qua, con mới nghĩ tới sự hung hiểm, kì quái trong đó...

- Việc gì thế?

Khang Hy thấy Dận Chỉ nói rất nghiêm túc, muốn nói rồi lại thôi; biết là có vấn đề gì rồi đây, nhà vua bèn nói:

- Việc đó có liên quan gì tới Dận Nhưng không?

Dận Chỉ vội nói:

- Từ sau năm Khang Hy thứ 44, Dận Thì đã mấy lần đến "Tùng Hạc Sơn phòng" của nhi tử mượn sách, các loại sách mượn rất tạp. Nhị thập nhất Tử (59) và "Dịch kinh thuyên chú" thì Đại ca không đụng đến; nhưng có một số sách, như "Hoàng nghiệt sư thi tập", "Thiêu bính ca", "Suy bối đồ" các loại bản quý thì đều mượn mãi không trả. Nhi tử biết vậy nhưng cũng không để tâm đến điều đó; Trần Mộng Lôi tiên sinh thấy vậy đã nói: "Đại thiên tuế mượn những loại sách Kì môn (60) ngũ hành, mệnh sao, đó đều là loại sách mà những người trị thế quân tử (61) không nên lưu ý tới! Tiên sinh có bảo nhi tử cần kiểm lại sách cho cẩn thận. Sau đó, Đại ca lại đi mượn Ngọc điệp (62), nhi tử lúc đó mới thấy có chút lạ kì vì trong Ngọc điệp toàn chép các ngày sinh của các con em trong tôn thất, mục đích để xem tướng số, sách này không có bổ ích gì về mặt trị học (63). Đại ca mượn những sách đó để làm gì? Sau này thái giám tổng quản Dục Khánh cung là Hà Trụ Nhi nói với nhi thần một việc...

Dận Chỉ nói đến đây, tất cả mọi người trong điện đều giật mình trợn mắt, há miệng; mọi người cảm thấy như có những trận gió lạnh tràn tới khiến lông tóc họ đều dựng đứng hết cả lên! Dậân Thì khi đó mặt xám lại, ông quay đầu về phía sau, nói:

- Tam đệ, chú... chú ngậm máu phun người!

- Láo xược, câm ngay! - Khang Hy quát lên, nói tiếp: - Dận Chỉ, ngươi nói tiếp đi!

- Thưa vâng. - Dận Chỉ, tỏ ra hết sức thận trọng, ông dừng lại một chút, rồi nói tiếp: - Hà Trụ Nhi se sẽ nói với nhi tử: "Xin a-ca khuyên Đại thiên tuế một chút; nếu Đại a-ca không có việc thì chớ có đến Dục Khánh cung làm gì, xẩy ra chuyện thì nô tài không đương nổi..." Khi đó nhi thần còn mắng y nói như thế là ly gián tình anh em giữa các a-ca với nhau. Hà Trụ Nhi thấy nhi thần mắng, không làm sao được nên mới nói là y nhìn thấy Đại a-ca chôn một vật gì đó ở chỗ thái tử thường ở, thường đến.

- Vạn tuế...

- Thế là phản thật rồi! - Khang Hy đập tay xuống bàn đánh "chát" một tiếng: - Có chuyện như vậy mà sao bây giờ ngươi mới nói? Sách ngươi đọc trôi cả vào bụng chó sao?

Dận Chỉ sợ quá khấu đầu liên tục, nghẹn ngào nói:

- Thưa vâng... nhưng Dân Thì là trưởng huynh của các nhi thần, lại sớm được phong vương vị; khác hẳn với thân phận của nhi thần. Nhi thẩn lại không có bằng cớ sao dám chỉ căn cứ vào lời của thái giám mà coi thường, cứ nói bừa lại với phụ hoàng? Mà đây lại là một chuyện thuộc cỡ nào! Sự việc liên quan tới những âm mưu gian trá, nhi tử sao dám nghi xằng, đoán láo? Lời nói hôm qua của vạn tuế: "Dận Nhưng nó đã bị quỉ ám hay sao?" nhi tử mới liên hệ với việc của Đại a-ca nhưng lại sợ vạn tuế phát hiện ra. Đêm qua khi nhi thần quỳ trên tuyết mà cứ tự dằn vặt mãi; không biết nên nói ra hay không nên nói ra; phần sợ oan cho Đại ca, phần lại thương cho Nhị ca... nhi thần thật cảm thấy khó nghĩ vô cùng, thật rất khó làm theo được như đạo trung dung... Với cách làm của Đại ca thì rõ là trời khiến cho tự mình lại hại mình, hiểm tâm đã hoàn toàn bộc lộ trước hoàng thượng. Nay nếu nhi thần lại không nói thì nhi thần là một kẻ bất trung, bất hiếu, bất nghĩa, bất đễ; còn mặt mũi nào dám nhìn hoàng thượng nữa? Hoàng thượng...  Xin soi xét cho tấm lòng của nhi thần...

Dận Tự ở bên nghe thấy Dận Chỉ nói vậy; ông bất giác ngước nhìn Dận Chỉ bằng cặp mắt tỏ ra "khâm phục"! Bản cáo trạng xảo quyệt này thật là ngũ độc (64) nhập tâm, mà không hề để lại chút dấu vết nào; thế mới thật là một người đã đọc rất nhiều sách đó.

Khang Hy tức giận mặt bệch ra, nhà vua nghiến răng nói:

- Được! Thật là một bọn a-ca rất tốt! Rất có hiếu. Những lời Dận Thì, Dận Chỉ nói có thật đúng thế không?

Dận Thì lúc đó đã đến mức bất chấp mọi điều, với tiếng nói nặng chịch, ông nói:

- Phụ hoàng không nên tin lời nói xằng bậy của Dận Chỉ! Đó là chuyện đặt điều, nó thấy con thất sủng với phụ hoàng thì làm chuyện "giậu đổ bìm leo"! Con người này đã đọc rất nhiều sách sử, rất am hiểu những thủ đoạn, những âm mưu; tâm địa của nó hiểm sâu như núi sông, lòng dạ của nó cứ trơ trơ như tường thành (65)! Không kể chuyện phái Mạnh Quang Tổ ra tỉnh ngoài kết giao với các đại thần, y còn kết giao với yêu nhân Trương Ức Chi, trong phủ còn đặt đàn cúng sao, xem tướng đoán mệnh, tâm địa đen tối... những chuyện như yểm hình nhân hại thái tử, cũng là chuyện mà Dận Chỉ làm!

Thật là rắn cắn người một miếng, ăn sâu vào xương ba phần - Dận Tự đột nhiên nói, ông vẫn chỉ muốn cứ ngồi yên làm chuyện "xem cháy bên kia sông", để rồi thu cái lợi của ngư ông, nhưng Dận Thì lại nói tới chuyện đại đệ tử Trương Ức Chi của Trương Đức Minh, như vậy là có cơ cháy lan đến mình. Mắt Dận Tự lóe lên sáng rực, ông vội khấu đầu tâu:

- Chính miệng Dận Thì đã nói với nhi thần rằng: pháp luật của Trương Ức Chi nói kinh kỳ không ai bằng y, nói Dận Thì vào năm đại quí sẽ được hai hoàng giáp (66). Vì thấy rằng đó chỉ là những lời vu vơ nên nhi thần không để tâm. Hôm nay Đại ca lại cắn Tam ca một miếng, thật là lẽ trời không tha được!

Dận Tự nói dứt lời thì Dận Đường, Dận Đề đều nhao nhao hưởng ứng, hai người đều nói Dận Thì có rủ mình đi xem tướng. Dận Ngã lại lớn tiếng trợ uy, nói:

- Thật thì không giả mà giả cũng không thật được! Trần Mộng Lôi, Hà Trụ Nhi đều là người ở "Tùng Hạc Sơn phòng", họ đều chưa ai chết cả, vạn tuế cứ hỏi thì rõ!

Khang Hy thật không thể nào ngờ rằng, những đứa con mình thường ngày lại có sự giao du với bọn người hạ tiện đó. Nhà vua tức giận đờ người, hai tay lạnh toát, toàn thân run bắn, người đờ đẫn không nói năng gì hết. Trương Đình Ngọc rất sợ Khang Hy lại nổi bệnh rồi thẳng tay trừng trị đám a-ca này. Ông vội đến bên Khang Hy nhẹ nói:

- Việc xấu trong nhà không thể cho người ngoài biết, Đại a-ca là tội nhân đầu sỏ.

Khang Hy rùng mình, nhà vua bình tĩnh trở lại nghĩ: Nếu truy cứu đến cùng thì các a-ca đều có phần liên can, như vậy thì lập tức chấn động thiên hạ, trở thành một việc xấu xa bậc nhất từ khi mở nước đến nay, sau này còn làm sao cho tốt đẹp được nữa. Suy nghĩ một lúc; Khang Hy cười nhạt, nói:

- Nước sạch trong ao không nuôi nổi cá. Trẫm vốn tưởng các ngươi dù không thành những người hữu ích, thì cũng không đến nỗi sa xuống bước đường này. Giờ đây nhìn ra thì các ngươi nhơ nhớp có khác nào một bãi cứt chó! Nay trẫm hãy còn khỏe mạnh, mà các ngươi đã tính toán mời bọn khốn kiếp, vỗ tay đưa trẫm vào quan tài! Dận Thì, trẫm tạm thời không hỏi ngươi về những hành vi không khác gì chó, lợn của ngươi, nhưng chỉ riêng chuyện muốn hại Dận Nhưng ngày hôm nay cũng đáng tội chết không tha! Con người ta sống trong trời đất, đều có ngũ luân. Ngươi, Dận Thì không trung quân, không ái phụ, không hiểu nghĩa lớn quân thần, không biết gì đến tình tay chân; xảo quyệt, hiểm độc như muông thú. Trời làm cho ngươi lộ mặt gian ác, đất chẳng chứa ngươi, tên mặt người dạ thú kia! Truyền Hà Trụ Nhi!

Hà Trụ Nhi đã đứng sẵn trong hành lang ngoài điện, tình hình bên trong y đã nghe thấy rất rõ. Không đợi tuyên chiếu; vừa lăn, vừa bò vào điện y rập đầu liên tục như gà mổ thóc, nói:

- Vạn tuế... nô tài tội chết... những lời Tam da nói... đều là thật cả...

Nói rồi, hai tay y run rẩy chụm vào nhau, xé góc áo; từ trong lôi ra một miếng lụa vàng, đầu không ngẩng lên nhưng hai tay nâng cao miếng lụa, run rẩy nói:

- Đây là vật mà nô tài chính mắt trông thấy Đại thiên tuế nhét vào trong vỏ gối của thái tử da... kính xin Vạn tuế da xem, xem...

Trương Đình Ngọc vội đỡ lấy, nhưng ông không dám xem trước mà hai tay chuyển trình Khang Hy. Khang Hy nhìn, thấy bên trên có vẽ một bức tranh thủy mặc, đã phai màu, phía trên vẽ một đám mây dầy, đám mây này che đi ánh sáng của mặt trời, mặt trăng và sao. Ở giữa vẽ cảnh một người đứng sừng sững giữa núi sông, trông người đó rõ ra là hình Dận Nhưng, nhưng hai chân ông lại sa xuống hố sâu, bên dưới là sông Nại, địa ngục; năm tên ác quỷ mặt xanh nanh vàng đang ra sức lôi người đó xuống phía dưới; bên góc trái có bốn chữ: "Tam tài chiếu mệnh", bên phải có một hàng chữ nhỏ, viết: Quý Sửu, Nhâm Thân, Đinh Tị, Kỷ Hợi. Tám chữ này đúng là Bát tự của Dận Nhưng, nhìn kỹ dáng chữ, không thấy có gì là hoa hòe hoa sói, đúng là kiểu chữ hành, nhan thể (67) với nét bút thành thục, tinh tế của Dận Thì. Khang Hy xem xong nhưng nhà vua không nói gì chỉ ném đánh "soạt", tờ lụa vàng xuống cho Dận Thì. Mặt Dận Thì xám lại như tro, nhưng cứng họng không nói được gì hết! Còn Hà Trụ Nhi vẫn lảm nhảm phân giải:

- Nô tài thấy vật này thì sợ hết hồn. Bất luận là thái tử hay Đại thiên tuế muốn giết nô tài thì còn dễ hơn dẫm chết một con kiến... nô tài thật không dám làm điều gì đắc tội với các a-ca đó, nô tài chỉ dám coi mảnh lụa này như tính mệnh của mình mà giấu vào trong người thôi...

- Đồ khốn kiếp!

Khang Hy giận dữ gầm lên một tiếng, thuận thế đạp Hà Trụ Nhi bắn sang một bên, nhà vua lên tiếng:

- Lưu Thiết Thành, Trương Ngũ Ca!

- Nô tài có mặt!

- Đưa tên súc sinh Dận Thì này ra ngoài!

Khang Hy giận dữ hét lên:

- Giam vào phòng Phối Điện, cạnh Dận Nhưng!

- Rõ!

- Trương Đình Ngọc!

- Nô tài chờ lệnh!

- Khanh đi gọi Dận Chân vào đây.

Sắc mặt Khang Hy chỗ xanh, chỗ trắng:

- Đi chuyển vấn Dận Tường: hôm qua trẫm còn coi ngươi là một người trung thực, nhưng vì sao mà ngươi táng tận lương tâm, càn rỡ, dám tự điều binh vào Thượng Uyển? Hành động đó là như thế nào bảo nó hãy nói cho thực rồi về bẩm tấu!

- Rõ!

- Chuyển vấn xong rồi lập tức bắt trói, cùng giam một nơi vơi Dận Thì!

Khang Hy lại nghiến răng nói tiếp:

- Lại còn tên đái bậy Ngạc Luân Đại, dám uống rượu rồi náo loạn trước Yên Ba Trí Sảng trai, lập tức tống cổ tên khốn kiếp đó đi, tới doanh của Triệu Phùng Xuân làm tham tướng!

Mọi người nghe Khang Hy nói vậy thì đều không biết Ngạc phạm tội gì; Dận Đề lặng lẽ đến gần Dận Chỉ, hỏi:

- Ngạc Luân Đại sao thế?

Dận Chỉ khẽ trả lời:

- Ông ta uống rượu say rồi ra đi tiểu bên ngoài Tẩm cung của vạn tuế, sau đó chửi nhau với Lưu Thiết Thành làm kinh động tới thánh giá. Vạn tuế bực đến nỗi không ngủ được, người mới đến Lãnh Hương đình...

Dận Đề bấy giờ mới rõ là câu chuyện rối ren này xẩy ra là do vậy.

Mọi người đi hết, trong điện chỉ còn lại cha con Khang Hy, sự bực tức của Khang Hy đã dần dần dịu đi, hai mắt nhà vua nhìn về phía trước hình như muốn xuyên thấu cả bức tường trước mặt, không biết là ánh nước mắt hay ánh lửa, lóe lên óng ánh thể hiện một sự mệt mỏi và buồn bã. Rất lâu rất lâu, Khang Hy mới thở dài một tiếng, giọng nói trở nên hết sức dịu dàng:

- Các con đã phải quỳ suốt đêm, hãy đứng dậy nói chuyện thôi... Đến gần trẫm một chút, trẫm có lời gan ruột muốn nói.

Các a-ca đứng dậy một cách khó khăn, mọi người đều cảm thấy đầu gối tê cứng và đau, họ từ từ đến sát bên Khang Hy. Thế rồi màn gió "sột soạt", Dận Chân cũng bước vào; sắc mặt ông đã xanh lại xám. Ông vốn là người thận trọng trong tiếng nói, câu cười; nay trông lại càng giống một bức tượng đá, người trông lại càng cứng nhắc, xấu xí! Dận Chân đờ người nhìn các anh em mình, mọi người ai nấy cũng đều vừa đứng dậy và dường như ai cũng chưa tỉnh táo trở lại được; sau khi họ đều đã bị chấn động mạnh về tinh thần. Dận Chân khấu đầu, nói khô khốc:

- Nhi thần khấu an a-ma... không biết kẻ nào vu hãm; Trương Đình Ngọc vừa...

- Việc của Dận Tường hãy để đấy!

Khang Hy uống một ngụm trà, nói tiếp:

- Con hãy đứng dậy! Trẫm có một câu muốn hỏi các con: năm mà Đại Thanh ta nhập quan (68), binh lực quân ta có bao nhiêu, binh lực người Hán có bao nhiêu, các con ai có thể trả lời đúng?

Các a-ca ngơ ngác nhìn nhau không ai đoán nổi vị hoàng đế già này hỏi như vậy là có ý gì. Dận Đề thấy các a-ca đều không ai lên tiếng, liền nói:

- Nhi tử vì đang nắm việc luyện binh nên câu hỏi của a-ma cũng biết được chút ít. Quân ta khi nhập quan, giáp binh của Bát kỳ có 127 nghìn người, cộng với hàng binh ở Sơn Hải quan của Ngô Tam Quế (69) có 41 nghìn người, tất cả là 168 nghìn người. Quân của Lý Tự Thành (70) ở Trực Lệ có khoảng 1 triệu 100 nghìn người, cộng thêm với các quân Đoàn luyện, Tự bảo ở Nam Minh và ở các nơi khác, con số này tuy chưa thống kê được hết nhưng tổng số cũng có khoảng ba triệu quân.

- 170 nghìn quân đánh với ba triệu quân! - Khang Hy gật gật đầu: - Các con thử nói xem vì sao ba triệu quân đánh không nổi 170 nghìn quân?

Dận Chỉ lúc bấy giờ là một a-ca nhiều tuổi nhất, vì thấy Khang Hy nhìn vào mình, liền nói:

- Hoàng thiên vô thân, duy đức thị phụ (71). Quân ta nhập quan được vì có mối thù tuyết hận; trên vâng mệnh trời, dưới thuận lòng dân, cho nên thế như chẻ tre!

- Người Hán quân yếu, tướng hèn; cứ khư khư giữ lấy cái cũ! - Dận Tự buông lời, nhưng thấy Khang Hy không nói gì biết nhà vua không cho lời đó là đúng, bèn nói:

- Quân ta nhân sâu, đức dầy, việc binh bị đã từng xưng hùng nơi quan ải, quân sĩ hăng hái, trăm trận đều thắng; chỉ ruổi dài một mạch là thu hết toàn cõi, cho nên chỉ trong vòng vài năm đã yên định được Trung Nguyên!

Khang Hy lắc lắc đầu, các a-ca ba miệng, bẩy mép, ai cũng đều đưa ra ý kiến của riêng mình.

- Người Hán không có minh quân, minh chúa nên cách trị nước của họ chỉ gây ra mối loạn lâu dài; đó là ý trời muốn trao cho ta miền Hoa Hạ!

- Lý Tự Thành "vô năng hôn ám", không biết cách lung lạc các sĩ đại phu tộc Hán nên đã làm cho Ngô Tam Quế phản lại họ!

Khang Hy nghe các a-ca nói, nhà vua chỉ một mực lắc đầu. Khang Hy nhìn thấy Dân Chân ngồi đờ đẫn, liền hỏi:

- Con làm sao không nói năng gì?

- Cứ như nhi thần thấy thì lời các anh em con nói, tất cả đều có lý - Dận Chân đã suy nghĩ rất lâu và nắm được tâm tư của Khang Hy, cho nên trong lòng ông đã có chủ kiến, do vậy ông cười, nói tiếp: - Người Hán tuy nhiều, nhưng là Quần long vô thủ (72), ai cũng có ý đồ riêng. Chúng ta đánh bại Lý Tự Thành, các tướng Hán khác không những không giúp, mà lại còn vui mừng; chúng ta thu được quân của Lý Tự Thành rồi đi đánh phá các nơi, bọn chúng lại tưởng là chúng ta vì chúng mà diệt kẻ địch chính trị của chúng. Sử Khả Pháp giữ Dương Châu, thế như "trứng để đầu đẳng"; quân của Hoàng Tương thì gần trong gang tấc, mà lại có tâm lý "sống chết mặc bay"! Người Hán mất thiên hạ, chính là mất từ tay của mình, đó là ý trời.

Khang Hy luôn nhìn Dận Chân; mãi sau, nhà vua mới nói:

- Nói vậy là được rồi. Lý Tự Thành bại ngay trong tay kiêu binh và dũng tướng của mình, Minh Đường vương thất bại vì chính lệnh không thi hành được xuống dưới; đó chính là tự mình lại đánh bại mình.

Nói đến đó giọng nhà vua trở nên nặng nề và tiếng thì khản đi. Nhà vua lại nói tiếp:

- Cái lẽ đó thật ra chỉ cần nói chút ít như thế là đủ rõ! Vậy mà vì sao các ngươi lại làm rối việc nhà như vậy? Hôm nay con nhét một vật gì đó ở dưới gối của ta; ngày mai ta phái môn khách đi liên hệ với các quan ngoài; còn nó thì ngày kia lại lén điều binh! Các con làm như thế là như thế nào? Đó là các con tự sát, tự sát; hiểu không?

Các a-ca bị ánh mắt dữ dằn của Khang Hy soi rọi, lấn ép thì đều run lên, tất cả lại cùng quỳ xuống.

- Để thu phục được nhân tâm người Hán, trẫm đã hao tổn biết bao tâm tư? - Khang Hy buồn bã nói: - Loạn Tam Phiên, 11 tỉnh khói sói (73) bốc ngút trời, trẫm cũng không dám đình việc khoa cử. Hoàng Tông Nghĩa, Cố Viêm Võ viết biết bao nhiêu thi văn nhục mạ bản triều, trẫm đã phải mặt dầy mày dạn mà dùng lễ đối xử; một đầu ngón tay cũng không dám động đến bọn họ; mở khoa thi bác học, hồng nho là một thịnh điển từ xưa chưa hề có thế mà trong đám danh nho có kẻ chết cũng không theo lệnh, có kẻ giả bệnh không đến, có kẻ cố ý không nộp quyển, có kẻ còn cố tình làm thơ sai vần... trẫm đều nuốt giận chịu đựng, như vậy chẳng phải là vì giang sơn này, chẳng phải là vì các con, những đồ bất thành khí (74) này sao?

Nói rồi nước mắt nhà vua rơi xuống như mưa, hai lòng bàn tay ngửa lên trời giang ra, run rẩy, sụt sùi; giọng nói gần như buồn bã, cầu khẩn:

- Có bao nhiêu người Hán: hơn một trăm triệu người! người Mãn chúng ta chỉ có hơn một triệu người, Mãn - Hán ở lẫn lộn với nhau, mà người Mãn số lượng không đáng kể, đó chẳng là điều hiển nhiên sao? Thế mà các ngươi... còn đấu đá lẫn nhau; moi mũi, móc mắt nhau, tính toán những chuyện tôi ăn thịt anh, anh ăn thịt tôi! Các ngươi còn định đấu đá nhau đến mức độ nào? Đấu đá đến mức độ cây đổ khỉ chạy ư? Đấu đá đến... chúng ta phải quay về Mãn Châu, người Hán kéo nhau trở lại? Các con ơi, các ngươi đừng giầy vò nhau nữa, hãy tỉnh lại đi có được không?...

Nói đến đây Khang Hy mặt bệch ra, hết hơi; những nỗi buồn, khổ, hận, uất kết trong mấy năm nay nhất tề trào dâng khiến nhà vua không nén nổi nữa lớn tiếng khóc:

- Trời ơi, trời ơi... ít con thì sợ không có người nối dõi tông đường; nhiều con thì lại đấu đá nhau,  đánh đấm nhau... các ngươi nói trẫm phải làm gì đây...

Các con thấy người bố già của mình khóc, cũng tự thương cảm nên đều khóc oà cả lên, khiến cho hậu điện của Giới Đắc Cư như một nhà đám vậy. Ở phía trước, Trương Đình Ngọc đương tiếp kiến viên quan ở Thượng thư phòng, người của Đồng Quốc Duy từ Bắc Kinh mang các bản sớ tấu đến. Thoạt nghe thấy những tiếng khóc từ phía sau vang lên, ông sợ hãi vội rảo bước đến ngay. Bước vào cửa, ông vội quỳ xuống, hỏi:

- Hoàng thượng... vì sao mà...?

- Không có gì hết!

Khang Hy gạt nước mắt, thổn thức, nét mặt dần dần trở lại bình thường:

- Cha con chúng ta nói với nhau những lời gan ruột, nhưng kết thúc rồi! Khanh đang làm gì thì cứ làm tiếp đi... đợi trận tuyết này tan hết thì ta trở về Bắc Kinh...

Khi các a-ca rời khỏi Giới Đắc cư thì ai đi đường ấy. Dận Chỉ quay đầu lại lặng lẽ nhìn nơi mình đã quỳ đêm qua, rồi ông lên kiệu đi; Dận Kỳ, Dân Tộ, Dận Hựu ba người cùng ở hành cung Tắc hồ, họ giơ tay vái nhau rồi cùng lên ngựa sóng cương đi. Dận Tự, Dận Đường, Dận Ngã vốn cùng cộng tác với nhau nay họ lại cùng đứng trước cửa nói chuyện với nhau; Dận Tự nét mặt trang trọng. Dận Đường luôn miệng kêu đói phàn nàn các gia nhân của mình không biết làm việc nhà!

- Ngay cả một liễn cơm mà chúng nó cũng không biết mang tới.

Dận Ngã thì như khỉ được xổng chuồng luôn chân nhẩy nhót, cười nói:

- Sợ gì! Đói cũng chẳng làm chết được ta! Chúng ta là người đã từng xông pha rừng gươm bể giáo, dù có chết ngay ta cũng không coi vào đâu! Này! Tứ ca, nghe nói huynh đang hầm hai đôi tay gấu? Không mời Thập đệ này sao?

Nhìn những người anh em của mình đang nói cười không chút vướng bận; Dận Chân đơn độc đứng đó, lòng ông càng thấy bức xúc! Mới rồi, ông đã bàn với Dận Tường, 13 tháng Mười là ngày sinh của ông, ông muốn cho chuẩn bị một mâm dã vị rồi cùng vui với nhau, nhưng nay chỉ mới qua một đêm mà tình thế đã biến đổi! Thái tử bị phế là việc ông biết trước thì chẳng nói làm gì; nhưng nay liên tiếp nào là Dận Thì, Dận Tường loảng xoảng xích sắt kéo nhau vào nhà giam... Đời người như vậy đó! Họa phúc cát hung bất trắc như vậy đó!

- Tứ da, xin mời lên ngựa...

Dận Chân quay đầu lại nhìn, thấy Đới Đạc, Cao Phúc Nhi dẫn một tốp thị vệ trong vương phủ đến đón mình, tay Cao Phúc Nhi còn mang hai chiếc áo choàng lông cáo đen, một chiếc là của mình, một chiếc là của Dận Tường hàng ngày vẫn mặc... Dận Chân bất giác thấy sống mũi cay cay, hầu như muốn rơi nước mắt. Ông đón lấy dây cương, dẫm lên lưng một gia nhân người thấy bàng hoàng! Ông cho ngựa giẫm trên mặt tuyết đi.

- Thật ngoài cả sự dự liệu của ta!

Ô Tư Đạo khi nghe Dận Chân thuật lại những việc xẩy ra đêm qua thì Ô tuy ngạc nhiên nhưng cũng không lấy gì làm kinh hoàng lắm; Ô nói:

- Thật khó biết là câu chuyện lại xẩy ra như thế!

Dận Chân than thở:

- Sớm biết như vậy, tôi đã cùng với Thập tam đệ đến bái yết vạn tuế để biện bạch với Người về mảnh giấy đó. Dù thế nào bọn họ cũng không dám hãm hại trắng trợn Thập tam đệ! Nhưng thôi gác chuyện đó lại; tôi chỉ không hiểu là, những người anh em của tôi thấy vạn tuế khóc lóc thống thiết thế mà vẫn không một chút động tâm! Họ như vậy mà còn nói tôi là lòng dạ sắt đá!

Ô Tư Đạo lấy đũa sắt khều miếng than cháy đỏ không nói gì, nhưng suy nghĩ: Dận Chân thật là thực tâm, ngay cả chuyện tuyệt mật trong vấn đề Hán - Mãn mà ông cũng thuật lại với mình, lòng Ô Tư Đạo vừa không bình tĩnh, vừa rất cảm động; mãi sau Ô mới nói:

- Điều này cũng chẳng lấy gì làm lạ. Mấy vị a- ca lúc đó không tỏ ra cảm động không phải là các vị đó đều như cây cỏ cả đâu! Ta hãy nói về quan hệ giữa thái tử với các a-ca, đó là quan hệ quân thần, quan hệ trời đất! Ta cần biết rằng cái lợi lớn bao giờ người ta cũng nghĩ tới trước hết còn tình cảm thì phải đặt sau! Ví như Tứ da là thái tử, thì ngay anh của Tứ da; thúc tổ, thúc phụ của Tứ da thấy Tứ da cũng phải thi lễ quân thần. Một ngày ở ngôi báu thì mọi sự vinh nhục, sinh sát đều ở trong tay Tứ da cả; đó đâu phải là chuyện nhỏ? Làm sao mà người ta khỏi động tâm được?

- Tôi không có cái ý nghĩ đó đâu.

Dận Chân ôm lấy đầu, mắt nhìn ngọn lửa rừng rực cháy trong lò, lẩm bẩm:

- Thái tử có nỗi khổ của thái tử, hoàng đế có nỗi khổ của hoàng đế, tranh đoạt lẫn nhau thì có ý vị gì?

Lời này Dận Chân nói không chỉ một lần, bất luận là thật hay giả, dù sao thì cũng không thể nào có chuyện lập Dận Chân làm thái tử. Ô Tư Đạo mặc ông nói, Ô chỉ lặng yên suy nghĩ rồi mãi sau mới hỏi:

- Theo ý của Tứ da, tờ thủ dụ điều binh đó là từ tay ai ra? Phải chăng là Thập tam da viết?

Dận Chân cười gượng nói:

- Giờ đây tôi thấy bối rối lắm, không nghĩ ra được điều gì hết. Nhưng nếu Thập tam đệ làm điều này thì không bao giờ lại không bàn trước với tôi.

Ô Tư Đạo gật đầu nói:

- Tất nhiên, đây chỉ là một mặt của vấn đề thôi. Cái điều quan trọng mà ta phải thấy là, thực ra mà nói thì Thập tam da không phải thuộc thái tử đảng, mà Thập tam da là "Tứ da đảng", do vậy nên chẳng khi nào Thập tam da lại liều mình vì thái tử! Cái lẽ đó thì không những các a-ca, mà ngay cả hoàng thượng, tất cả mọi người cũng đều thấy rõ! Nhưng vì sao hoàng thượng lại không cho trần tình gì cả mà cho bắt giam ngay?

Dận Chân ngẩn người: ông thật cũng chưa từng nghĩ đến điều này.

- Các hoàng a-ca đã ở một chỗ với nhau từ nhỏ, ai mà chẳng bắt chước được bút tích của nhau?

Ô Tư Đạo lại nói tiếp:

- Làm cái việc đó, tôi xem ra thì chỉ có Đại a-ca hoặc Thập tứ a-ca. Vạn tuế cho bắt giam liên tiếp Đại a-ca và Thập tam a-ca; một là để tỏ rằng ta là người chí công vô tư, hai là để "khua rừng dọa hổ"; tất cả là để các a-ca thấy rằng ai dám gây rối thì sẽ bị xử lý như vậy! Vạn tuế làm thế để xẹp cái nhuệ khí của kẻ muốn đoạt ngôi thái tử, để diệt hết cái ý muốn của một số người không yên phận; như vậy chẳng phải là Người có lòng dạ Bồ tát sao?

Dận Chân vừa nghe, vừa gật đầu; ông cũng là người rất tinh tế, nhưng tâm tư của Ô Tư Đạo thì đến đá cũng muốn ép cho ra dầu, như vậy quả thật Ô đã tới mức độ tuyệt đỉnh của sự nhận định tình hình. Dận Chân đang định nói thì thấy Niên Canh Nghiêu từ ngoài bước vào, họ Niên thi lễ với Dận Chân, nói:

- Tứ da, Mã Tề gọi thái giám truyền mời Tứ da, nói mời Tứ da đến Giới Đắc cư cùng gặp thái tử, Đại thiên tuế và Thập tam da.

Dận Chân giật mình ngẩng đầu lên, sắc mặt biến đổi hẳn, nói là "mời", hay là "cùng", không biết chỉ là một cách đùng từ "khách khí", hay lại là một đại từ của từ "ngồi tù"? Mãi sau, Dận Chân mới gặng hỏi:

- Chỉ một mình ta đi, hay là đem cả hộ vệ? Các a-ca khác có cùng đi không?

Niên Canh Nghiêu thấy Dận Chân có chút hoảng hốt, vội nói:

- Nô tài cũng không hỏi. Nhưng nếu không có chỉ ý thì Tứ da cứ cho người đi theo; nô tài xin thân tự hộ tống Tứ da đi. Người truyền đạt nói là cũng mời cả Tam da, Bát da cùng đi, chắc là cũng cùng một việc.

- Tứ da cứ việc yên tâm đi.

Ô Tư Đạo biết là Dận Chân có chút lo ngại, ông ta khác nào như con chim bị cung bắn, thấy cành cong là sợ, Ô bèn cười nói, và thêm:

- Ngài không phải lo sợ hão huyền, không có việc gì đáng ngại đâu! Niên Lượng Công cũng không cần đi, Lượng Công là quan nhị phẩm triều đình, trong trường hợp này mà có một ông quan như vậy đi hộ tống Tứ da thì chỉ thêm rắc rối. Có việc gì thì chỉ cần bảo Cẩu Nhi về nói lại một tiếng là được.

Dận Chân vội vã đi. Trong nhà chỉ còn hai người là Ô Tư Đạo và Niên Canh Nghiêu; một người đứng, một người ngồi, hai người có vẻ như không biết nói gì với nhau. Niên Canh Nghiêu đưa mắt ngắm nhìn Ô Tư Đạo, thấy ông ta không mời mình ngồi thì trong lòng thầm trách: "Cái anh què nghèo kiết này lại cậy được sủng ái mà lên mặt". Niên cầm chén trà nguội trên bàn uống một hớp rồi thuận tay hắt đi, sau đó ngồi đối diện ngay với Ô Tư Đạo, mặt hướng về phía lửa, mãi sau mới hỏi:

- Ô tiên sinh, ông đang nghĩ gì thế?

- À - Ô Tư Đạo giật mình, đang trong cơn trầm ngâm suy nghĩ chợt bừng tỉnh: - Tôi đang nghĩ, từ nay sự việc sẽ càng rắc rối; ta nên đối phó như thế nào đây?

Niên Canh Nghiêu cười rồi nói oang oang:

- Ông thật là người lòng son, dạ sắt! Quá khứ, hiện tại, tương lai là "Như lai tam thế" pháp thân, con người ta làm sao biết được những điều đó mà đối phó? Bận tâm đến những việc đó thì thật vô vị!

Ô Tư Đạo liếc nhìn Niên Canh Nghiêu nói:

- Nhân định thì thắng thiên; cũng không hoàn toàn là chúng ta phải chịu sự chi phối của vận mệnh đâu. Triết nhân quan sát bóng râm ở cạnh nhà mà biết được sự vận hành của mặt trời, mặt trăng và sự biến đổi của trời đất; họ nhìn chiếc lá rơi mà biết được mùa thu sắp đến.

Niên Canh Nghiêu bĩu môi, nói:

- Như vậy tiên sinh là một bậc hiền triết đã tính biết được những việc của 500 năm trước đây và 500 năm sau này! Những khi rảnh rỗi tôi thường nghĩ tới tiên sinh. Tiên sinh về các mặt nhân phẩm học thức, trí mưu đều là những mặt mà người thường không thể bì được. Chỉ đáng tiếc là cảnh ngộ lại gian truân như vậy! Nếu không thì trong triều đình tiên sinh không là tướng văn thì cũng là tướng võ!

- Tôi không được như vậy đâu! Nhưng lẽ nào bây giờ tôi không phải là đang ra sức vì triều đình sao?

Ô Tư Đạo lắng nghe những lời mỉa mai sắc lẹm đó, bất giác cười rồi nói tiếp:

- Tôi đã đọc hết sách sử, đâu chỉ biết được có các việc của 500 năm trước đây. Những việc sau này, quả ngũ hành, tinh, mệnh tôi cũng biết được một hai, còn những việc cảm ứng giữa trời, người, y bốc, tướng thuật thì tôi cũng tạm hiểu biết. Chắc Niên Công cũng biết rằng, về mặt y thuật thì mình không tự chữa được cho nên Lý Thiết Quải, Tôn Tẫn (75) cũng đành bó tay chịu sự tàn phế?

Niên Canh Nghiêu nhổm lên, nói:

- Ồ! Thế ra tiên sinh cũng tinh cả thuật của Tử Bình, Kinh phòng? Tiên sinh thấy mệnh tướng của Tứ da như thế nào?

- Thập tam da cũng hỏi tôi về mệnh tướng của Tứ da!

Ô Tư Đạo nói tiếp:

- Tôi nói Tứ da long tương, hổ bộ (76), ưng, chuẩn hùng chí (77), làm vua thì một thanh Long tuyền (78) gỡ mối loạn, là bầy tôi thì là một bậc anh tài trị thế điều này không cần hỏi; mệnh của Tứ da là thuộc trời!

Niên Canh Nghiêu cười lên ha hả, vỗ đùi nói:

- Tiên sinh thật là hài hước, nhìn thì không thấy rõ được tiên sinh là một tay cừ về thủ đoạn, chắc tiên sinh đã làm việc tướng số này từ lâu! Nào là "làm vua", nào là "làm bầy tôi" tiên sinh đều nói cả, thật không sơ hở một tí nào hết!

Ô Tư Đạo cười nói:

- Mệnh của vua và tể tướng thì vô thường, vô định; đức mà phối hợp với trời thì tức là vua; đức mà phối hợp với đất thì tức là tể tướng; về lẽ đó Niên Công có rõ không? Nói về Tứ da thì như vậy; còn nói về ông thì tôi cũng không phải thủ đoạn, mà cũng không phải là nói tướng số nhăng nhít. Khi ông trở về Bắc Kinh chẳng những ông vẫn giữ gìn khuôn phép, mà ông ra khỏi Bắc Kinh thì vẫn cứ như vậy; lão Ô này có nói sai điều gì về ông không?

Niên Canh Nghiêu đang cười, nghe thấy Ô nói vậy thì ngừng bặt, giật mình hỏi:

- Tiên sinh nói thế là có ý gì?

- Ông ngoài đức, năng, quyền, mưu thì còn nhiều hơn người khác một cái "gan".

Ô Tư Đạo chống nạng đứng dậy, từ từ đi vài bước, nói:

- Về điều đó các môn khách của Tứ da không ai so với ông được; điều này nguyên ra thì rất tốt, nhưng bẩm tính của ông tàn nhẫn mà đa nghi, cho nên không thể dính với "hỏa" được! Vì ông thuộc mệnh Kim, là một nhân thần thì như vậy là cực quý, Hỏa thì khắc Kim, rồi đây có thể ông sẽ gặp người mệnh Hỏa nếu như vậy thì sự việc xẩy ra sẽ không thể tưởng tượng được!

Niên Canh Nghiêu cũng đứng dậy, Niên không nói một lời, chỉ nhìn chằm chằm vào Ô Tư Đạo, Ô nói tiếp:

- Tôi tuy thông ngũ hành, nhưng lại theo đạo Nho.

Ô Tư Đạo tiếp tục nói mà không nhìn Niên Canh Nghiêu:

- Ông thì lại không giống vậy, từ nhỏ ông đã là một tên vô lại ngỗ ngược, học hành không được, đã phải thay tới ba thày học. Ông luyện thủy quân ở hồ Huyền Vũ Nam Kinh, ở đấy ông đã nhuộm đỏ máu thuỷ phỉ ở một thôn. Ông tòng quân Tây chinh, chỉ với thân phận là một viên tì tướng nhỏ bé, mà đã tiền trảm hậu tấu, giết chết ngay Thiểm Tây tổng đốc Cát Lễ, ông không phải là thiện nhân!

Niên Canh Nghiêu nghe Ô Tư Đạo nói vậy thì có vẻ dịu đi, cười nói:

- Tôi có làm chức gì to lắm đâu? Điều này thì mọi người đều biết.

- Nhưng cũng có người không biết.

Ô Tư Đạo ngắm nhìn Niên, chậm rãi nói:

- Góc miệng của ông có một vết nhăn, vết nhăn đó có tên là "Đoạn sát văn". Ở ông có chuyện giết tì thiếp không? Ba vị thày học của ông do tài học không cao nhưng vẫn quản được ông trong việc này, việc khác? Ông tiễu trừ thủy phỉ, máu đỏ cả một thôn xóm, có phải là do việc chuẩn bị lương hướng khao quân không? Ông giết Cát Lễ, có phải chỉ bởi y làm trở ngại việc chuẩn bị lương thực trong quân hay là vì khi y đương nhiệm tổng đốc Nam Kinh đã làm mất lòng ông? Mà ngay cả lần này ông đến Thừa Đức là ông phụng chỉ đến, hay là ông tự xin về để thuật chức? 

Lưng Niên Canh Nghiêu lấm tấm toát mồ hôi, y bất giác sờ vào lưng một cách vô ý thức, chỉ trong khoảnh khắc sát khí trong người Niên bừng bừng bốc lên.

- Không nên nổi nóng, tôi nói những điều này với ý tốt thôi.

Ô Tư Đạo vừa đi bách bộ vừa nói một cách mềm mỏng:

- Đại trượng phu đứng trong trời đất, may sao gặp được chủ nhân là người tri kỷ, kết thân tình cốt nhục, lại mang nghĩa lớn vua tôi. Nay chỉ vì một câu nói thật lòng mà ông định chút khí giận với một người tàn phế sao? Chúng ta đều là vì Tứ da, vì thiên hạ xã tắc mà cùng chung một chí hướng đó, ông hãy làm sao như các tướng tài thời trước, để hình mình được vẽ nơi Lăng Yên các (79). Nay nếu ông bỏ mất lương tri thì địa ngục sẵn sàng chờ ông đó! Tứ da là một vị hùng chủ, ông nên một lòng với Tứ da mới phải!

Niên Canh Nghiêu gục đầu, Niên đã thấy tin phục Ô Tư Đạo; đây là lần đầu tiên trong đời Niên thấy tin phục tận đáy lòng một người! Mãi sau Niên mới nói:

- Tiên sinh, Niên này xin nghe lời dậy bảo của tiên sinh. Nói thực lòng, tôi và các gia khách của Tam da, Cửu da đều có sự đi lại; nhưng thật nói có trời đất, lương tâm, lòng tôi không đặt vào ai hết, ngoài Tứ da!

- Điều này thì tôi biết, đó là vì tôi đã xem tướng cho ông rồi.

Vừa dứt lời Ô Tư Đạo lặng lẽ cười, nói tiếp:

- Nếu là người không nghe nổi lời hay; khi nào tôi lại nói năng thẳng thắn như vậy?

Hai người đang lúc tâm tình thì Cẩu Nhi từ ngoài chạy vào, xoa tay nói:

- Người ta nói: tuyết rơi không lạnh bằng tuyết tan, thật không sai chút nào! Tứ da bảo con về nói với Ô tiên sinh, mọi điều đều tốt cả. Tứ da đang cùng với Tam da, Bát da đến chỗ Đại thiên tuế, Thái tử và Thập tam da. Không có chuyện gì hết!

- Vạn tuế và thái tử, hai người vẫn có tình cảm gắn bó với nhau, cắt không thể đứt, nhưng mà vẫn còn có chỗ rối, nên phải gỡ! Vạn tuế sợ có người hại thái tử, nên phải mời ba vị a-ca đến!

Ô Tư Đạo nói rồi, ngẩng lên nhìn trời; ông thở ra một hơi dài, nói tiếp:

- Lượng Công, chúng ta sắp trở về Bắc Kinh rồi. Nhưng đồng hành với Tứ da chắc không tiện, sợ rằng chúng ta sẽ phải đi trước một chút!

--------------

(59) Tử: chỉ các triết gia. học giả Trung Quốc thời xưa như Khổng Tử, Lão Tử v.v...

(60) Kì môn: chỉ các môn học không chính phái, như sách tướng số, sách để mồ để mả v.v...

(61) Trị thế quân tử: chỉ những người làm chính trị thời xưa.

(62) Ngọc Điệp: gia phả của Hoàng tộc.

(63) Trị học: trị ở đây là "cai trị".

(64) Ngũ độc: gồm bọ cạp, rắn, rết, thạch sùng và cóc.

(65) Trường thành: nguyên bản là "phủ thành".

(66) Hoàng giáp: ở đây có nghĩa là "quả thực".

(67) chữ hành, nhan thể: một kiểu chữ Hán.

(68) Nhập quan: tức vượt qua cửa ải nơi biên giới, tấn công xâm lược người Hán.

(69) Ngô Tam Quế: tổng binh thời Minh mạt đầu hàng Mãn Thanh rồi đưa quân Thanh nhập quan trấn áp nông dân khởi nghĩa.

(70) Lý Tự Thành: lãnh tụ của cuộc nông dân khởi nghĩa cuối đời nhà Minh. Ông đã đem quân chiếm được Bắc Kinh, lật đổ triều Minh, nhưng sau do tàn dư thế lực phong kiến đã khiến cho quân Minh vào được Trung Nguyên. Lý phải tự vẫn.

(71) Hoàng thiên vô thân, duy đức thị phụ: trời không thân với ai, chỉ có đức độ mới phụ trời được ta thôi.

(72) Quần long vô thủ: ý nói vô tổ chức, không thống nhất về ý chí.

(73) Khói sói: đốt phân chó sói lẫn củi ở Đài phong hỏa để báo có giặc cho nơi khác đem quân đến cứu.

(74) Bất thành khí: ý nói là chưa thành người.

(75) Lý Thiết Quải: một trong bát tiên chân què. Tôn Tẫn: người nước Tề thời chiến quốc bị bạn đồng học là Bàng Quyên ghen tài nói với vua chặt chân ông.

(76) long tương, hổ bộ: rồng nghển cổ, hổ bước đi.

(77) ưng chuẩn, hùng chí: đều là những loài chim dữ.

(78) Long tuyền: một bảo kiếm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
UNG CHÍNH HOÀNG ĐẾ HỒI THỨ HAI MƯƠI BẨY

Có thể bạn thích