DocSachHay.net
uân qua, hạ tới, bà thái hậu chưa có ý định chấp chính, chăm lo việc nước. Bà ngồi làm việc trong thư viện, bà phác họa một đồ án xây dựng cung Viên Minh, trước khi cho gọi kiến trúc sư và các nhà thầu khoán đến để thực hiện giấc mộng của bà. Cung điện xây bằng gạch và đá hoa. Ở trong thư viện, Lý Liên Anh đã tâu rõ ý định của ấu đế. Bà đang vẻ, đặt bút xuống bàn, bảo Lý Liên Anh:

- Mi đi kêu Cung thân vương vào hầu.

Thân vương đi vào thấy bà đang đi quanh gian phòng rộng lớn, mấy khuôn cửa lớn mở rộng trông ra vườn. Những cây lựu, lá xanh thẫm, điểm những bông hoa đỏ tươi. Thân vương biết tính bà thích vườn hoa, cây cảnh, nên sau mấy lời chào hỏi, ông tâng bốc, khen:

- Tâu thía hậu, cây cối ở hoa viên thật phồn mậu, hạ thần chưa được nom ở đâu cảnh vật đẹp như đây. Thứ gì được thái hậu để ý dều có một sắc thái rất khả quan.

Thân vương đã có kinh nghiệm, lời ăn, tiếng nói, đối với "Mụ" này phải thận trọng. Thân vương nói nhỏ nhẹ, điệu bộ khiêm tốn, thần phục và hơi phỉnh nịnh.

Bà thái hậu khẽ gật đầu đáp lễ. Mấy lời ca tụng, tâng bốc, bà rất đẹp lòng và có thiện cảm ngay với thân vương, bà rất đồng ý với thân vương cùng chung quan điểm với bà, không tán thành hành vi của hoàng đế. Bà đề nghị:

- Ra hoa viên nói chuyện.

Bà ngồi trên một chiếc đôn bằng sứ, còn thân vương theo phép xã giao, tỏ vẻ cung kính, không dám ngồi ngang hàng, sau phải tuân lệnh bà, ông ngồi trên một chiếc ghế đan bằng trúc để hầu chuyện. Bà nói:

- Tôi không muốn làm phiền, mất thời giờ thân vương song tôi nghe nói hoàng thượng, con tôi, chấp thuận cho sứ thần ngoại quốc được vào bệ kiến, không bắt buột họ phải theo triều nghi, phủ phục. Việc đó làm tôi khó nghĩ quá.

- Tâu thái hậu, hoàng thượng có tính tò mò như con nít, nóng lòng muốn biết tận mặt ngoại nhân.

Bà kêu lên:

- Đàn ông tính nết lúc nào cũng như con nít.

Bà giơ cánh tay với bông hoa, nét mặt bâng khuâng suy nghĩ, tay bà lầ mần bứt từng cánh hoa vứt xuống đất. Thân vương ngồi im không nói gì làm bà bực mình. Bà nói giọng có vẻ gắt gỏng:

- Thân vương không khuyên can, ngăn cấm hắn hả? Thân vương là người cũ, biết rõ lễ nghi triều đường.

Thân vuơng giương cao cặp lông mày nói:

- Tâu thái hậu, hạ thần làm sau ngăn cản nổi công việc của hoàng thượng. Nếu hạ thần làm trái ý, sẽ bị khép vào tội khi quân và xử trảm.

- Thân vuơng cũng biết, tôi không cho phép hắn được làm càn, trái với nghi lễ.

- Xin đội ơn thái hậu. Xin thái hậu biết cho, theo hạ thần biết hoàng hậu có một ảnh hưởng mỗi ngày một lớn mạnh đối với hoàng thượng. Áp lực đó rất tốt đã trừ khử được sự giao du với bọn hoạn quan lôi cuốn hoàng thượng vào con đường hắc ám.

Với một giọng đanh thép, bà nói:

- Ừ, nhưng hoàng hậu chịu ảnh hưởng của ai? Năm thì, mười họa hắn đến thăm xã giao tôi, không thấy hắn nói gì.

- Tâu thái hậu, hạ thần không rõ.

Bà lấy bàn tay gạt trên vạt áo vóc những cánh hoa rớt.

- Chắc thân vương cũng biết, do người chị họ tôi, bà Đông cung.

Thân vương cúi đầu không nói gì. Ông nói mấy câu để bà nguôi giận:

- Hạ thần nghĩ không nên tiếp bọn ngoại nhân ở cung điện.

Bà tán thành:

- Cái đó dĩ nhiên.

Thân vương khôn ngoan đã lái câu chuyện sang một khía cạnh khác và trao đổi với bà nhiều ý nghĩ. Bà ngồi, mắt lơ đãng nhìn ánh nắng xuyên qua những cành lựu, đột nhiên bà mỉm cười, như đã tìm ra một ý kiến gì rất hay.

- Tôi có ý kiến này. Tiếp bọn họ trong Hồng Quang điện. Điện đó ở ngoài thành nội, bọn họ sao có thể biết được. Như thế bọn họ có cảm tưởng thỏa mãn được yêu sách của họ, sự thật mình không chịu nhượng bộ.

Trong thâm tâm thân vương rất ghét phải theo lời "Mụ", song thân vương cũng thấy thích thú "Chơi xỏ" bọn người ngoại quốc. Hồng Quang điện ở phía góc hồ giữa, con đường ranh giới ngoài thành nội. Ở đó, mỗi năm một lần, vào Tết Nguyên Đán, hoàng thượng tiếp sứ thần các rợ, các thuộc quốc, chư hầu.

Thân vương làm ra mừng rỡ, reo lên:

- Tâu thái hậu, trí thông minh của thái hậu thật biệt nhân xuất chúng. Hạ thần bái phục cao kiến đó. Hạ thần tuân theo ý đó để ra chỉ thị cho thuộc cấp sửa soạn tiếp tân.

Hôm đó, bà rất vui vẻ, lại được thân vương nồng nhiệt khen ngợi, bà mời thân vương đi theo bà vào trong thư viện coi họa đồ về cung Viên Minh.

Suốt trong một giờ, thân vương xem xét, ngắm nhìn đồ án. Ông được bà chỉ cho xem đồ án, những kiến trúc sắp đem ra thực hiện. Những con sông nhân tạo, quanh co uốn khúc, các giả sơn, những hồ nước, chỗ này, chỗ khác, những đồi làm bằng các phiếm đá tải từ miền Tây đến, trên có kỳ hoa, dị thảo, các mái điện lợp bằng ngói sứ, mạ vàng, những ngôi chùa ở các đỉnh đồi, xung quanh có một hồ nước lớn. Ông nghe bà tả cảnh, một công trình vô cùng vĩ đại, làm ông hết vía không nói được một lời. Nếu ông dám mở mồm ra nói thực hiện đồ án này, làm tiêu hao hết công khố, bà sẽ nổi cơn lôi đình và đem ra chém. Ông chỉ lẩm bẩm khẽ trong mồm:

- Ngoài thái hậu, hạ thần chắc không ai có sáng kiến tạo lập một cung diện nguy nga như thế.

Thân vương xin cáo lui đi ra đến thẳng viên quân cơ đại thần Nhung Lữ. Bà thái hậu đoán biết, buổi tối hôm đó trước giờ giới nghiêm, Nhung Lữ xin vào yết kiến.

Lúc đó, bà đang cắm cúi vẽ một ngôi chùa lớn với một ngọn bút lông nhọn hoắt. Bà không ngửng đầu lên, bảo tên thái giám:

- Mời ông quân cơ vào.

Biết tính Nhung Lữ không thích tính thất thường của bà, bà để yên cho hắn đứng một lúc lâu, bà cắm cúi vẽ, không ngoảnh đầu lại. Bà thủng thẳng hỏi:

- Ai đó?

- Tâu thái hậụ..

Như một thói quen, nghe tiếng nói trầm trầm của Nhung Lữ, bà thấy lòng nao nao, song hôm đó bà là ra vẻ hững hờ không để ý.

- À, anh, anh đến có việc gì? Anh không nom thấy ư, tôi bận lắm.

- Tôi đến đây có lý do, để trình thái hậu một việc. Xin thái hậu nghe, đã gần đến giờ giới nghiêm.

Đã lâu, bà nhận thấy Nhung Lữ như có quyền lực với bà. Ông là người duy nhất được bà nể, bà cũng biết ông rất yêu bà song nhất định không chiều theo ý bà. Hắn vẫn có óc tự chủ như hồi niên thiếu hai người đã đính hôn, bà có ý dềnh dàng để cho hắn đứng chờ. Bà đặt chiếc nắp ngọc trên nghiên mực, lau ngòi bút trong một chiếc chén nhỏ, công việc đó thường nhật bà sai thái giám làm, nhưng nay tự tay bà làm lấy. Nhung Lữ đứng chờ, thấy thái độ, cử chỉ của bà, đoán hiểu tâm trạng bà.

Bà đi suốt qua gian phòng rộng lớn, lên ngồi trên ngai. Theo tục lệ, Nhung Lữ đến quỳ trước ngai. Bà để mặt cho hắn quỳ, nhìn hai con mắt hắn nom vừa dữ, vừa như có vẻ nhạo báng mà lại dịu dàng.

Một lúc lâu, bà cất tiếng hỏi:

- Anh có thấy đau ở đầu gối không?

Với giọng bình tĩnh, Nhung Lữ trả lời:

- Cái đó không có gì quan trọng.

- Thôi anh đứng dậy. Tôi không muốn anh quỳ trước mặt tôi.

Nhung Lữ thủng thẳng đứng dậy, nom rất bệ vệ. Hắn đứng yên, bà để ý nhìn hắn từ đầu đến chân. Một lúc sau bốn mắt gặp nhau không chớp, không ai có thể bất chợp nom thấy, tên thái giám đứng trấn ở ngoài hành lang.

Bà nói giọng mềm mại, dịu dàng như một đứa trẻ xin lỗi:

- Thế nào, tôi dã làm gì anh không vừa ý?

- Bà làm gì chắc bà biết.

Bà thái hậu nhún vai.

- Tôi chưa nói chuyện với anh về cung Viên Minh tôi muốn tái lập lại. Tôi biết người nào sẽ đảm nhiệm việc tạo tác đó. Người đứng ra đảm nhiệm trông nom chắc chắn là Cung Thân vương. Tái tạo cung Viên Minh là sáng kiến của con tôi muốn dâng lên cho tôi. Đó là ý nguyện của hắn.

Nhung Lữ trịnh trọng thưa:

- Thái hậu cũng biết ngân khố không đủ tiền để xây cất cung điện đó. Phải đặt ra nhiều thứ thuế đánh vào các tỉnh.

Bà lại nhún vai nói:

- Không cần phải thu nhập tiền nong gì hết. Các tỉnh trong nước đem cống hiến, tùy theo mức độ mỗi địa phương đá, gỗ, ngọc thạch, thợ... Những thứ đó ở đâu cũng có.

- Thợ làm phải trả công chớ?

- Cái đó cũng không cần thiết lắm. Nhà Tần xưa kia đắp Vạn Lý trường thành có cần phải trả công đâu? Khi họ chết, nắm xương vùi tàn trong đống gạch, như thế đỡ tốn kém, ma chay, chôn cất.

- Trong thời gian đó triều đình nhà Tần đang cường thịnh không ai giám ho he, nói gì. Hoàng đế Tần Thủy Hoàng là người Hán không phải người Mãn Châu, đắp bức tường đó để bảo vệ cho dân, rợ Phiên khỏi tràn xuống. Bây giờ dân chúng có chịu hy sinh người và của để xây một cung điện cho thái hậu không? Thái hậu liệu có sung sướng gì ở trong những cung điện xây cất bằng xương người những kẻ vô tội? Tôi không thể tin thái hậu có tính độc ác như vậy?

Chỉ có Nhung Lữ là người duy nhất làm bà thái hậu phải rơi lệ. Bà quay mặt để che giấu.

- Tôi không độc ác.

Bà nói thêm, tiếng nói rất khẽ:

-Tôi sống, cô đơn... Cô đơn.

Bà lấy chiếc khăn tay bằng the hoa chùi nước mắt. Nhưng chiếc dây vô hình như ràng buộc hai người. Trong lòng bà muốn hắn đến gần bà, ít nhất nắm bàn tay bà.

Nhung Lữ ngồi yên như pho tượng, với một giọng trầm trầm hắn nói tiếp:

- Bà phải bảo ấu hoàng đã nghĩ nhầm cho việc tái lập cung Viên Minh, trong nước đang bị giặc giã ngoại xâm, đe dọa, dân chúng lầm than, nhất là những tỉnh ở trung tâm trong nước bị nạn lụt lội. Nói rõ cho ấu hoàng biết những việc đó là bổn phận của bà.

Bà quay mặt về hắn, hai con mắt buồn bã, long lanh nước mắt.

- Ôi, chao ôi! Nước với non, lúc nào dân chúng cũng khổ cực.

Hai môi bà rung rung, hai tay xoắn vào nhau.

- Làm sao anh không bảo nó. Anh là cha nó?

- Suỵt! Đừng nói gì về ấu đế.

Bà cúi xuống, những giọt nước mắt rơi lã chã trên vạt áo vóc hồng. Nhung Lữ nói:

- Làm sao bà buồn. Tôi tưởng như bà được mãn nguyện lắm thì phải. Bà muốn gì cũng có. Bà con muốn gì nữa? Ở trên đời này có người đàn bà nào quyền uy như bà?

Bà ngồi yên không trả lời, nước mắt vẫn rạt rào. Nhung Lữ nói như để an ủi:

- Triều đại này vững vàng ít nhất cũng trọn đời bà đã rèn luyện được một vị hoàng đế, bà đã lo vợ, mọi việc đã được hoàn hảo. Hai vợ chồng trẻ yêu nhau, chẳng bao lâu sẽ có hoàng nam.

Bà ngửng đầu, vẻ sửng sốt.

- Đã có rồi sao?

- Tôi không rõ, song trai gái quấn quýt, yêu nhau thế nào mà chẳng có sớm.

Nhung Lữ nhìn bà như có vẻ ái ngại.

- Cách đây mấy hôm, tình cờ tôi gặp hai người. Lúc đó đã khuya, tôi rảo bước ra cổng chính vì sắp đến giờ giới nghiêm. Tôi đi ngang qua viên đình Thanh Phong...

Bà lẫm bẫm khẽ nói:

- Nơi đó gần dinh bà Đông Cung.

- Lúc đó, cửa Viên Minh mở rộng, bất giác tôi liếc mắt nhìn vào trong. Trong ánh sáng lờ mờ, tôi thấy hai người quấn chặt lấy nhau như hai đứa trẻ.

Bà cắn chặt hai môi, cằm bà rung rung, nước mắt rạt rào. Khuôn mặt bà lúc buồn nom càng đẹp, Nhung Lữ không sao cầm được lòng. Hắn tiến lại ba bước, tiến thêm hai bước nữa đến sát bên bà. Suốt trong bao nhiêu năm nay chưa lần nào được gần gũi như thế. Hắn nói rất khẻ chỉ đủ bà nghe, người ngoài không ai có thể nghe thấy:

- Mối tình chúng ta thật là oái ăm, thâm sâu. Phải giữ kín trong đáy lòng. Phải đem hết tài năng, tâm trí gây dựng, củng cố triều đại hiện hữu này vì nó phát nguyên từ mối tình thầm kín giữa hai chúng ta.

Bà bị cảm xúc mạnh, lấy hai tay che mặt, nức nở khóc, vừa khóc, vừa nói:

- Thôi đi, đi. Để tôi một mình như tôi đã sống trong bấy lâu nay.

Bà khóc, tiếng khóc nghe lớn quá, Nhung Lữ phải ra đi sợ có ai nghe thấy. Hắn thờ dài, lùi ra theo như ý bà muốn.

Tuy bà che mặt khóc nhưng bà vẫn để ý quan sát các kẻ tay; khi bà thấy hắn ra cửa, bà bỏ tay ra, ngửng đầu, hai mắt ráo hoảnh.

- Ta chắc... Ta chắc... Ngoài con anh, anh không yêu ai hơn phải không?

Nhung Lữ đứng dừng lại, khoanh tay:

- Tâu thái hậu, có ba đứa.

- Con trai?

- Con trai.

Một lúc lâu, bốn mắt buồn bã, thương tiếc nhìn nhau, Nhung Lữ ra đi, bà ở lại trong gian phòng một mình.

Cuối tháng sáu dương lịch, hoàng đế Đồng Trị tiếp kiến các sứ thần Tây Phương. Bà thái hậu nghe lời tường thuật đầy đủ của viên tổng thái giám Lý Liên Anh.

Cuộc triều kiến bắt đầu 6 giờ sáng ở Hồng Quan Điện. Hoàng đế ngồi hai chân quặp lại sau một chiếc an thư thấp, trên một bục gỗ cao. Hoàng đế, chú mục quan sát những khuôn mặt lạ của bọn người bạch chủng, có thân hình cao lớn: Sứ thần Anh Cát Lợi, Pháp, Nga La Tư, Hòa Lan và Hoa Kỳ. Trừ có sứ thần Nga còn ăn vận quần áo thường màu sẫm, hai cẳng chân lồng trong chiếc quần hẹp, nữa người phía trên mặc chiếc áo ngắn cùn cỡn, họ không mặc đồ dài. Họ nghiêng đầu chào hoàng đế, không lay, không dập trán xuống đất, mỗi người đưa cho Cung thân vương một tờ giấy để đọc, đọc lớn cho vua nghe. Tờ giấy có những dòng chữ viết bằng Hán văn, lời lẽ tờ nào cũng giống hệt như nhau. Lời chúc mừng hoàng thượng lên ngôi, triều đại được thái bình, thịnh trị.

Hoàng thượng trả lời mọi người, lời lẽ cũng giống nhau, Cung thân vương trèo lên bậc, phủ phục, lễ rất thận trọng, dập trán xuống đất, hai tay kính cẩn nhận của "Hoàng điệt" một tờ phiếu chỉ. Trước bọn người ngoại quốc, ông theo thật đúng nghi lễ cổ truyền, có hàng bao nhiêu thế kỷ, theo đúng quy tắc của Khổng giáo. Khi lễ, mỗi lần đứng lên, quỳ xuống, hai tay ông giơ cao như hai cánh chim, những tà áo bay quanh ngươi, nét mặt hân hoan như được phò một minh quân, thánh chúa. Ông chuyển giao cho mỗi sứ thần một mảnh giấy của hoàng thượng. Các sứ thần lần lượt đặt lên trên án thư những ủy nhiệm thư và đi giật lùi ra ngoài. Mấy viên sứ thần này yên chí tưởng yêu sách của mình được toại nguyện, mình đã thắng chứ biết đâu, cả bọn họ được tiếp trong một cung điện thường không phải ở Long điện, nơi thiết đại triều.

Bà thái hậu ngồi yên nghe bản tường thuật của Lý Liên Anh, bà bĩu môi trong lòng bừng bừng tức giận. Sao con bà dám cưỡng lời bà như thế? Chắc con Ái Lan nó xúi giục, ỏn thót mới dám làm như thế, Bây giờ con bà nghe Ái Lan nó bảo gì cũng nghe còn hơn đối với mẹ ruột. Như Nhung Lữ đã nom thấy nói lại, bà tưởng tượng hai người quấn quýt, ôm lấy nhau, nghĩ thế lòng bà thấn nhói đau. Tại sao con bà không chiều bà, làm theo ý bà. Bà không từ bỏ việc tái tạo cung Viên Minh, trái lại bà còn muốn làm lộng lẫy, nguy nga hơn, vì con bà say mê Ái Lan. Đột nhiên như một mũi tên độc ở trên trời trớt xuống, một ý nghĩ kinh khủng thoáng qua trong óc bà. Nếu Ái Lan sanh con trai, như Nhung Lữ nói, kết quả cuộc ái tình, đứa con đầu lòng bao giờ cũng là trai như thế đương nhiên Ái Lan lên ngôi hoàng thái hậu. Bà lẩm bẩm nói một mình.

"Ta ngu thật, sao ta không nghĩ một ngày kia ta bị Ái Lan truất phế. Ta sẽ làm sao trong lúc đó, chẳng qua chỉ là một mụ già sống vất vưởng trong hoàng thành."

Bà quát đuổi tên thái giám ra ngoài.

Ngồi một mình, người ngay đờ như pho tượng gỗ, bà suy nghĩ, hoạch định đường lối để bảo trì quyền uy. Bà phá tan mối tình mà Nhung Lữ đã khuyên bà phải bảo vệ. Bà sực nhớ đến bốn cung phi chính bà lựa chọn hiện nay ở Diễm Hoa cung. Bốn người đó ở đây, chờ được vua cho vời đến. Hoàng thượng đang say mê Ái Lan, nên không nghĩ gì, thiết gì bốn người này. Bà thái hậu nhớ ra một trong bốn người rất đẹp, ít có... Bà chọn ba người vì con nhà danh giá tính nết hòa nhã còn người thứ tư vì có nhan sắc. Sao bà không lợi dụng bọn thứ phi này. Bà dạy dỗ, trang điểm cho bọn này để đem lên trình diện hoàng thượng. Bà sẽ lấy cớ, hoàng thượng thỉnh thoảng cũng phải tiêu khiển, thay cũ đổi mới, Ái Lan nghiêm nghị quá lại phải chung lo công việc triều chính, tính lại rất cẩn thận không thích hợp cho một người đàn ông còn trai trẻ, khao khát về nhục dục. Người thứ phi con nhà hèn kém, dân dã được tiến cử vào cung nhờ có sắc đẹp này nếu lung lạc được vua, kế ly gián Ái Lan và con bà đã thành công.

Xây dựng những mưu đồ đen tối đó, bà cũng tự biết là rất ác và thất đức, song bà không từ bỏ. Như bà bị cô độc, sống thui thủi một mình không ai dám yêu bà, vì sự ngăn cách về quyền thế, về địa vị. Nếu bà sợ vì lẽ nọ, lẽ kia, không dám làm, bà sẽ là một mụ già không tên tuổi, một mụ già không ai còn biết đến, tâm hồn, trí óc bà sẽ bị một lớp da tàn úa che kín. Hiện giờ bà còn trẻ, còn đẹp, bà phải xếp đặt để trở lại ngôi báu, nếu không muốn tên tuổi bị chôn vùi, sống cũng như chết.

Bà hồi tưởng lại thời thơ ấu, hoa niên. Bà là cô gái nhỏ, lo công việc hàng ngày. Khi ở với ông chú Muyanga, mẹ nàng góa bụa, ở nhà ông anh chồng như một tôi đòi. Đi đâu, cô nhỏ cũng phải điệu em nhỏ sau lưng, không thể chạy nhảy, nô đùa. Nàng thông minh, nhanh nhẹn, nên được giao phó làm đủ mọi việc. Suốt ngày làm việc trong nhà lo bếp nước, nấu nướng, vá may, bà còn được sai ra chợ, mặc cả mua con gà hay con cá. Đêm nằm co quắp cùng một giường với em. Nhung Lữ cũng không giúp gì được cho nàng, vì Nhng Lữ lúc đó còn trẻ, một cậu nhỏ vô tư lự. Nếu lấy Nhung Lữ, suốt đời chàng chỉ là một ngự lâm quân, rồi nàg cũng như mọi người chăm lo công việc trong nhà, bếp nước, nuôi con, trông nom sai bảo gia đình, đầy tớ... Nàng làm vua, nàng đã giúp đỡ, cất nhắc cho người nàng yêu. Thế mà chàng không biết ơn, còn lấy địa vị là anh họ chê trách.

Còn con bà, ngoài tình mẹ con, công lao dưỡng dục lại còn nhờ mẹ lên được tuyệt đỉnh cao sang, bây giờ lại quý vợ hơn mẹ. Khi còn thơ ấu, con bà quyến luyến người chị họ bà (Đông cung) còn hơn bà. Bà phải cắn răng chịu đựng nhận một ông vua hèn yếu, bất lực làm chồng là dụng ý giành ngôi báu lại cho con. Bà nghĩ lại thấy ghê tởm, những giờ phút phải ở bên cạnh ông vua đó, khuôn mặt nhợt nhạt, hai bàn tay nóng ran, gầy còm, bệnh hoạn... Bà nghĩ lại thấy não lòng.

Suốt trong mười hai năm ở ngôi vị nhiếp chính, một mình bà không quản gian nguy phải đối phó với nội loạn, ngoại xâm, để cho con tước vị làm hoàng đế. Mộ một mình bà đã có thể kìm hãm được sự tham vọng đất đai của người da trắng, các rợ Mông Cổ phải hàng phục. Bà đã đè bẹp những cuộc nổi dậy của người Hồi giáo ở Vân Nam, Quế Lâm. Con bà lên ngôi hoàng đế, trong nước thiên hạ được thái bình, an lạc. Con bà cũng biết bà có tài an bang tế thế, sao không thấy đến hỏi han bà những việc trọng đại, bà là người độc nhất mới có thể dìu dắt, giúp đỡ, giải quyết được.

Những ý nghĩ đó luẩn quẩn trong tâm trí bà, tạo nên một sức mạnh đen tối và táo bạo. Tất cả tâm trí bà hướng về một nổ lực, phản ứng lại một số phận đen tối rình rập chờ đợi, hãm hại bà. Bà quyết tâm với một ý chí sắc đá như một lưỡi gươm sắc, phá tan đám cỏ hoang, vạch một lối đi, tiến đến thành công.

Tuy nhiên, bà hành động trong mọi công việc, theo lẽ công bằng, bà cần phải có một lý do chính đáng.

Trong nước đã trải qua một thời kỳ dài hai mươi năm giặc giã, thiên hạ điêu linh; năm con bà đăng quang lên ngôi, năm đó duy nhất, trong nước được thái bình, an lạc. Bây giờ những cuộc nổi dậy lại phát sinh khắp nơi. Ở Đài Loan, một cù lao ngoài biển, dân ở đó đã sát hại những thủy thủ người Nhật trôi dạt vào bờ khi thương thuyền của họ mắc nạn, bị đắm. Vua nước Nhật phái chiến thuyền, quân lính đến hải phận Trung Hoa để hạch tội và tuyên bố hải đảo đó và những hải đạo phụ cận thuộc về lãnh thổ Nhật Bản. Cung thân cương đảm nhiệm ngoại giao vụ khán nghị sự vi phạm vào những hải đảo thuộc quyền Trung Hoa. Vua nước Nhật dọa sẽ tuyên chiến với Trung Hoa.

Không riêng một chuyện đó. Từ bao nhiêu thế kỷ nay, các vua chúa nước tàu cai trị các miền đất thuộc về An Nam, trước khi sự hoan nghênh của dân chúng các miền đó. Nhờ uy danh của hoàng đế nước tàu, dân chúng ở các miền đó được sống yên ổn, không nước nào dám dòm ngó, trừ ra có người da trắng. Trong thế kỷ trước, quân đội Pháp đã xâm nhập vào nội địa An Nam. Đã hai mươi năm nay, các cố đạo và các nhà buôn người Pháp thâm nhập vào trong lãnh thổ An Nam, ỷ sức mạnh cưỡng bách vua An Nam ký một hiệp ước thoái nhượng những tỉnh miền duyên hải Đông Bắc kỳ, viện lẽ có hải tặc Trung Hoa quấy phá.

Bà thái hậu biết hết không sót một chuyện gì, nhưng tâm trí bà để hết vào công việc tái tạo cung điện Viên Minh. Đột nhiên, bà quyết định những việc trọng đại trong nước, bà phải tự giải quyết lấy mới được. Bà nhất quyết cáo giác, con bà không chịu hoạt động, các thân vương chơi bời, phóng túng, vận nước lâm nguy, bắt buộc bà, một lần nữa phải lên cầm quyền để cứu nguy trăm họ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích