Tôi cho rằng bất kỳ tác giả nào, khi viết một cuốn sách đều hình dung sẵn trong đầu những lợi ích mà độc giả sẽ lĩnh hội được sau khi đọc nó. Với tôi, lợi ích của việc đọc sách được ẩn dụ dưới hình ảnh chiếc bàn uống nước được đặt trong các văn phòng - nơi mọi người thường ngồi trao đổi ý kiến, hay truyền tai nhau những câu chuyện phiếm. Tôi hy vọng, cuốn sách này sẽ làm giàu vốn ngữ vựng cho độc giả mỗi khi đi đến một vài quyết định nhanh trong cuộc sống như: Khi chúng ta bàn về những phán đoán và lựa chọn của người khác, hoặc những chính sách mới của công ty, hay những quyết định đầu tư của một đồng nghiệp. Tại sao chúng ta lại quan tâm đến những câu chuyện phiếm? Bởi “kể tội” hay “nói xấu” người khác bao giờ cũng dễ dàng và thích thú hơn là tự nhận ra lỗi lầm của chính mình. Ngay cả trong những điều kiện thuận lợi nhất, đặt câu hỏi đối với những gì ta hằng tin tưởng và ham muốn là vô cùng khó khăn nhưng may mắn là chúng ta có thể tiếp thu được những ý kiến từ người khác. Rất nhiều người trong số chúng ta, tự nhiên đoán trước được phản ứng và dự đoán của bạn bè, đồng nghiệp về các lựa chọn của mình; vì vậy giá trị và nội dung của những câu chuyện phiếm lại trở thành những chủ đề “nóng” xoay quanh chiếc bàn uống nước. Những câu chuyện phiếm hữu ích là động cơ thúc đẩy con người ta tự phê bình và nhìn nhận bản thân một cách nghiêm túc hơn, đôi khi lợi ích mà những câu chuyện phiếm này mang lại còn có tác dụng hơn cả bản kế hoạch đánh giá hàng năm của mỗi chúng ta.

Muốn trở thành một bác sĩ giỏi thì người thầy thuốc phải hiểu rõ rất nhiều loại bệnh với những triệu chứng kèm theo trước và sau khi phát bệnh, cũng như phải phán đoán được nguyên nhân và hậu quả của bệnh, thậm chí có thể đưa ra cả phác đồ điều trị cho bệnh đó. Học nghề thuốc đòi hỏi người thầy thuốc phải học cả thuật ngữ của y khoa. Càng hiểu sâu về các phán đoán và lựa chọn sẽ càng đòi hỏi chúng ta phải sử dụng vốn từ vựng phong phú hơn so với ngôn ngữ thường ngày. Mặt tích cực của những câu chuyện phiếm là nó giúp chúng ta nhận biết được những sai lầm mà con người thường mắc phải. Chúng chính là những lỗi sai hệ thống và được lặp đi lặp lại một cách có chủ đích trong một số hoàn cảnh nhất định. Ví dụ, khi một diễn giả điển trai và tự tin bước lên sân khấu, bạn có thể dự đoán được rằng khán giả sẽ dành cho bài diễn thuyết của anh ta nhiều cảm tình hơn so với tài năng diễn thuyết của anh ta. Khả năng chẩn đoán những sai lệch này còn gọi là Hiệu ứng hào quang và nhờ có Hiệu ứng hào quang, những bàn luận và những trao đổi xung quanh câu chuyện phiếm của chúng ta sẽ trở nên dễ đoán, dễ nhận ra và dễ hiểu hơn.

Nếu có ai hỏi bạn đang nghĩ gì, bạn sẽ trả lời được câu hỏi đó một cách dễ dàng. Bạn tin rằng bạn biết được trí não của mình được vận hành bằng một ý nghĩ chủ đạo, tuần tự dẫn dắt bạn đi từ suy nghĩ này sang suy nghĩ khác. Tuy nhiên, đó không phải là cách hoạt động duy nhất, càng không phải là cách hoạt động điển hình của trí não. Hầu hết mọi ấn tượng và suy nghĩ của bạn thường diễn ra trong trí não theo cách mà bạn không sao biết được. Bạn không thể lý giải được vì sao bạn lại tin là trên mặt bàn có một chiếc đèn, hoặc làm sao bạn lại cảm thấy giọng nói của người bạn đời trên điện thoại có thoáng chút hờn ghen, hoặc xoay xở thế nào bạn có thể tránh một tai nạn trên đường đi khi nó chưa thực sự xảy ra mà chỉ bằng linh cảm của bạn. Rất nhiều những quyết định được hình thành một cách lặng lẽ bên trong đầu óc của bạn và khi trí óc của bạn hoạt động sẽ sinh ra những cảm xúc và những trực giác.

Cuốn sách này bàn rất nhiều về sự sai lệch của trực giác trong trí óc của con người. Tuy vậy, tập trung vào sự sai lệch không nhằm mục đích bôi nhọ nhận thức của loài người, giống như các nghiên cứu y học, sự quan tâm nghiên cứu các căn bệnh không nằm ngoài mục đích mang lại sức khỏe tốt hơn cho loài người. Thông thường hầu hết chúng ta đều khỏe mạnh và hầu hết những phán đoán và hành động của chúng ta đều đúng đắn. Chúng ta làm chủ cuộc sống của mình, nên tự thân chúng ta tuân theo những ấn tượng và cảm xúc của cá nhân và tự tin rằng niềm tin bản năng, cũng như sở thích của bản thân thường là đúng đắn. Nhưng không hẳn thế, chúng ta vẫn tự tin ngay cả khi mắc sai lầm và thường những người khác dễ phát hiện ra sai lầm đó hơn là bản thân chúng ta.

Những phát hiện này chính là mục đích của tôi khi đề cập tới câu chuyện phiếm ở trên, nhằm nâng cao khả năng nhận thức của bản thân khi đưa ra các dự đoán và lựa chọn của người khác bằng việc cung cấp một thứ ngôn ngữ phong phú hơn, chính xác hơn khi thảo luận. Bởi vì ít nhất trong một vài trường hợp, một chẩn đoán chính xác có thể đưa ra một giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do những phán đoán và lựa chọn sai lầm của chúng ta gây ra.

NGUỒN GỐC

Cuốn sách này trình bày những hiểu biết của tôi về sự phán đoán và ra quyết định, vốn là những lĩnh vực đã được các nhà tâm lý học nghiên cứu sâu trong vài thập kỷ trở lại đây. Tuy nhiên, tôi bắt đầu theo đuổi ý tưởng nghiên cứu này vào một ngày may mắn của năm 1969, khi tôi mời Amos - một đồng nghiệp của tôi đến nói chuyện ở buổi thảo luận, tại khoa Tâm lý học của trường Đại học Hebrew ở Jerusalem - nơi tôi dạy học khi đó. Amos Tversky khi ấy được đánh giá là ngôi sao mới nổi chuyên nghiên cứu về việc ra quyết định, mà thực ra tôi nghĩ ông ấy là ngôi sao trong mọi lĩnh vực nghiên cứu mà ông tham gia thì đúng hơn, vì thế tôi hình dung chúng tôi sẽ có một buổi nói chuyện rất thú vị. Nhiều người biết Amos đều nghĩ ông là người thông minh nhất mà họ từng gặp. Ông xuất sắc, linh hoạt và cuốn hút. Ông được ban tặng một trí nhớ tuyệt vời, cùng với cách nói chuyện hài hước và khả năng sử dụng chúng một cách nhuần nhuyễn; sẽ không bao giờ cảm thấy buồn chán khi có Amos ở bên cạnh. Vào thời điểm này Amos mới 32 tuổi, còn tôi 35 tuổi.

Bài giảng của Amos hôm đó trình bày về một chương trình nghiên cứu đang được tiến hành ở Đại học Michigan, nhằm trả lời cho câu hỏi: Con người có phải là những nhà thống kê trực quan tài ba? Như các bạn biết đấy, chúng ta vốn đều là những nhà ngôn ngữ học tự nhiên: Một đứa trẻ bốn tuổi không cần cố gắng cũng có thể tự thiết lập được những cấu trúc ngữ pháp khi nói, mặc dù chúng chẳng có ý niệm gì về sự tồn tại của những cấu trúc ngữ pháp ấy cả. Liệu con người có bản năng trực giác tương tự đối với những nguyên tắc cơ bản của các phép tính thống kê? Amos đã trả lời rằng, chắc chắn con người có khả năng đó. Sau buổi hội thảo này, chúng tôi kết luận lại không có câu trả lời nào hợp lý hơn câu trả lời trên, rằng con người có khả năng làm phép tính thống kê.

Amos và tôi đều hứng thú với buổi thảo luận và kết luận rằng thống kê trực quan là một chủ đề hấp dẫn và rất tuyệt nếu cả hai cùng tiếp tục nghiên cứu. Thứ Sáu của tuần ấy, chúng tôi ăn trưa tại quán Cafe Rimon - nơi gặp gỡ yêu thích của giới nghệ sĩ và các giáo sư ở Jerusalem. Tại đây chúng tôi đã lên kế hoạch nghiên cứu về khả năng thống kê trực quan của một số nhà nghiên cứu thực nghiệm điển hình. Kết luận trong lần thảo luận trước đó (tại buổi thảo luận ở Đại học Hebrew) chỉ bằng trực giác của chúng tôi thôi là chưa đủ. Cho dù đã có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc với các số liệu, chúng tôi vẫn chưa có được nhạy cảm bản năng để đưa ra phán đoán chuẩn xác cho những kết quả thống kê được quan sát dựa trên nhóm mẫu quá nhỏ. Vẫn còn rất nhiều những sai lệch trong những nhận định chủ quan của chúng tôi. Khi mà chúng tôi quá hào hứng tin tưởng vào các kết quả nghiên cứu dựa trên những chứng cứ không đầy đủ và quá đề cao hoạt động thu thập dữ liệu dựa trên những quan sát của những nhóm mẫu quá nhỏ. Mục tiêu của nghiên cứu này là để kiểm chứng xem liệu những nhà nghiên cứu khác có chung những suy nghĩ như chúng tôi không?

Chúng tôi đã chuẩn bị một cuộc điều tra trong đó đã phác thảo bộ khung cho những vấn đề thường xuất hiện trong các nghiên cứu. Amos đi thu thập các câu trả lời của một nhóm chuyên gia trong một cuộc họp của Hiệp hội Tâm lý Toán học, trong đó có cả hai nhà viết sách giáo khoa thống kê. Đúng như mong đợi, chúng tôi phát hiện ra rằng những chuyên gia này cũng như chúng tôi, đã phóng đại quá mức xác suất đúng các kết quả gốc của một thí nghiệm chỉ dựa trên lượng mẫu quá nhỏ, mà ngay cả khi nhân lên nhiều lần kết quả ấy cũng không thay đổi. Các nhà khoa học này cũng khuyến cáo đến sinh viên cần phải phân tích đủ mức tối thiểu lượng mẫu được quan sát trong thí nghiệm, bởi vì ngay cả những chuyên gia của ngành Thống kê học cũng không phải là những nhà thống kê trực quan tài ba.

Trong khi viết báo cáo về phát hiện này, cả Amos và tôi đều cảm nhận là thật thú vị khi được làm việc cùng nhau. Amos luôn hài hước và nhờ sự có mặt của ông, tôi cũng trở nên vui tính hơn, vì thế chúng tôi đã có nhiều thời gian làm việc nghiêm túc trong bầu không khí vui nhộn. Chính niềm vui mà chúng tôi tìm thấy trong việc hợp tác khiến cả hai trở nên kiên nhẫn hơn; bạn cũng vậy - sẽ dễ dàng đặt toàn tâm vào công việc hơn khi không bao giờ cảm thấy buồn chán. Cũng có thể, điều quan trọng nhất là chúng tôi đã khám phá ra vũ khí bí mật, chính là tính cách của cả hai đã hỗ trợ rất tốt cho nhau trong công việc. Cả Amos và tôi cùng là những người vô cùng hiếu thắng và hay lý lẽ, thậm chí ông ấy còn cực đoan hơn cả tôi nhưng trong suốt những năm cộng tác, chưa bao giờ người này bác bỏ bất cứ ý kiến nào của người kia. Thực vậy, một trong những niềm hạnh phúc nhất mà tôi có được khi làm việc cùng Amos, đó là những gì chúng tôi thu được đã trở thành tài sản quý giá nhất mà cả hai cùng tích luỹ được.

Nghiên cứu của chúng tôi dưới dạng những cuộc đối thoại, trong đó chúng tôi tạo ra những câu hỏi và cùng nhau kiểm chứng chúng bằng những câu trả lời dựa trên trực giác. Mỗi câu hỏi là một thí nghiệm nhỏ và mỗi ngày chúng tôi thực hiện rất nhiều thí nghiệm như thế. Chúng tôi không thực sự đi tìm đáp án đúng cho những câu hỏi thống kê mà mình đặt ra đó. Mục tiêu của chúng tôi là nhận dạng và phân tích các câu trả lời bằng trực giác - ập đến tức thì trong đầu, những đáp án nảy sinh ngay lập tức, ngay cả khi chúng tôi biết đó là một đáp án sai. Chúng tôi tin tưởng tuyệt đối rằng một khi có bất cứ đáp án trực giác nào bật ra trong trí não của cả hai chúng tôi, thì hẳn là cũng sẽ có rất nhiều người khác có chung những suy nghĩ đó và từ kết luận này, sẽ dễ dàng chỉ ra những ảnh hưởng của trực giác lên các phán đoán của chúng ta như thế nào.

Một lần, chúng tôi đã vô cùng hạnh phúc khi nhận ra rằng, cả hai cùng có những suy nghĩ ngốc nghếch liên quan đến nghề nghiệp tương lai của những em bé mà cả hai cùng biết, như là cả hai cùng nhận ra một “luật sư ba tuổi hay lý luận,” hoặc một “giáo sư mọt sách,” hay một “nhà tâm lý học cảm thông và dịu dàng”. Tất nhiên, những tiên đoán này rất ngớ ngẩn nhưng chúng tôi vẫn thấy chúng thật hấp dẫn. Rõ ràng trực giác của chúng ta đã bị dẫn dắt bởi tập hợp những khuôn mẫu về một nghề nghiệp nhất định nào đó. Bài tập thú vị này đã giúp chúng tôi phát triển một giả thuyết về vai trò của sự tương đồng trong các dự đoán ở mỗi thực nghiệm mà chúng tôi tiến hành. Chúng tôi quyết định kiểm tra và thử nghiệm giả thuyết ấy bằng cách chia nhỏ giả thuyết ấy thành hàng tá những thí nghiệm nhỏ, sau đây là một ví dụ:

Giả thuyết là cậu bé Steve được lựa chọn ngẫu nhiên trong số những mẫu thí nghiệm:

Cậu bé được một người hàng xóm mô tả như sau: “Steve rất bẽn lẽn và khép kín, sẵn lòng giúp đỡ người khác nhưng không mấy quan tâm tới mọi người hay thế giới xung quanh.” Vậy sau này Steve sẽ trở thành một anh thủ thư hay một anh nông dân?

Những đặc điểm tương đồng trong tính cách của Steve khiến mọi người lập tức nghĩ rằng cậu sẽ làm nghề thủ thư, dự đoán này không hề dựa trên số liệu thống kê thực tế. Đã bao giờ bạn quan tâm kết quả thống kê thực tế trên toàn nước Mỹ là tỷ lệ những người nông dân là nam giới nhiều gấp 20 lần so với tỷ lệ những người nam giới làm nghề thủ thư? Và bởi vì số người làm nông dân nhiều hơn rất nhiều số người làm thủ thư, nên chắc chắn những người “nhu mì và gọn ghẽ” ngồi trong xe kéo được mô phỏng ở ví dụ trên sẽ nhiều hơn số người ngồi sau bàn thủ thư. Tuy vậy, chúng tôi nhận thấy những người tham gia thí nghiệm đều phớt lờ các con số thống kê thực tế và lệ thuộc hoàn toàn vào các yếu tố tương đồng trong các dự đoán. Chúng tôi đưa ra giả thuyết là họ đã biến sự tương đồng thành một suy nghiệm đơn giản hóa (nói ngắn gọn là suy đoán dựa theo kinh nghiệm) khi đưa ra một phán đoán khó khăn nhằm chỉ ra các dự đoán của họ. Việc phụ thuộc vào kinh nghiệm cá nhân chính là nguyên nhân tạo ra những sai lệch có thể đoán trước (những lỗi sai hệ thống) trong các phỏng đoán của họ.

Trong một lần khác, Amos và tôi đặt vấn đề về tỷ lệ ly hôn giữa các giảng viên trong trường Đại học của chúng tôi. Khi đặt ra câu hỏi này chúng tôi bắt đầu rà soát trong trí nhớ về những giảng viên đã ly hôn mà mình biết hoặc nghe nói tới, từ đó dự đoán xem số lượng này có lớn không. Chúng tôi gọi sự phụ thuộc vào khả năng rà soát của trí nhớ là một suy nghiệm thực tế. Ở một số nghiên cứu khác, chúng tôi để người tham gia trả lời một câu hỏi đơn giản về từ vựng trong một đoạn ngữ văn Anh điển hình như sau:

Hãy nghĩ về chữ cái K.

Chữ cái K thường xuất hiện ở vị trí đầu tiên HAY vị trí thứ ba trong một từ?

Bất cứ người nào hay chơi trò sắp chữ Scrabble đều biết, để tìm một từ bắt đầu bằng một chữ cái bao giờ cũng dễ hơn tìm một từ có một chữ cái nằm ở vị trí thứ ba. Điều này đúng với mọi chữ trong bảng chữ cái. Từ đó chúng ta cho rằng các câu trả lời sẽ phóng đại mức độ thường xuyên xuất hiện của các chữ cái ở vị trí đầu tiên, thậm chí cả với những chữ cái (như K, L, N, R, V) trong khi trên thực tế, thì những chữ cái ấy lại xuất hiện với tần suất cao hơn ở vị trí thứ ba. Một lần nữa, phụ thuộc vào suy nghiệm lại sinh ra những sai lệch có thể đoán được trong các dự báo. Ví dụ, gần đây tôi bỗng nghi ngờ điều mà lâu nay vẫn đinh ninh, ấy là hiện tượng ngoại tình ở các chính trị gia phổ biến hơn so với hiện tượng ngoại tình của bác sĩ hay luật sư. Thậm chí tôi còn đưa ra những lý giải cho “thực tế” này, trong đó phân tích cả các yếu tố như đam mê quyền lực và cạm bẫy của cuộc sống xa gia đình là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ngoại tình này. Cuối cùng tôi lại nhận ra rằng chẳng qua vì giới truyền thông thích soi mói vào các cuộc tình vụng trộm của những chính trị gia nhiều hơn so với những cuộc tình vụng trộm của những người làm nghề luật sư hay bác sĩ. Rất có thể ấn tượng trực giác của tôi hoàn toàn phụ thuộc vào đề tài mà các nhà báo lựa chọn khai thác và đi đến những suy nghiệm cá nhân về hiện tượng ly hôn này.

Amos và tôi đã dành nhiều năm để nghiên cứu và thu thập tài liệu về những sai lệch trong tư duy trực giác, với công việc cụ thể như là dự trù khả năng cho các sự kiện, tiên đoán tương lai và đặt ra các giả thuyết và ước lượng tần suất. Đến năm thứ năm hợp tác, chúng tôi trình bày những phát hiện chính của mình trên tạp chí Khoa học, một ấn phẩm dành cho các học giả ở rất nhiều ngành khoa học. Bài báo có tên là “Phán đoán dưới sự thiếu chắc chắn: Suy nghiệm và Sai lệch.” Nó mô tả những đường tắt rút gọn của tư duy trực giác và giải thích khoảng chừng 20 sự sai lệch là những cách thể hiện của suy nghiệm, đồng thời là những minh chứng cho thấy vai trò của những suy nghiệm trong các dự đoán.

Các sử gia cũng thường xuyên ghi nhận rằng ở bất cứ thời điểm nào, trong bất cứ ngành nào, các học giả cũng có xu hướng đưa ra những phỏng đoán về đối tượng trong các nghiên cứu của mình. Các nhà khoa học xã hội cũng không phải là ngoại lệ, họ dựa vào bản tính tự nhiên của loài người để làm cơ sở cho hầu hết những cuộc tranh luận về các hành vi ứng xử đặc biệt của con người nhưng rất hiếm khi đặt câu hỏi trở lại cho các phán đoán này. Các nhà khoa học xã hội trong những năm 1970 hầu như công nhận hai ý tưởng về bản tính con người. Thứ nhất, đó là con người lý trí và tư duy của họ là những ấn tượng về tinh thần rất thông thường. Thứ hai, các xúc cảm như sợ hãi, nhân ái và thù hận xuất hiện hầu hết khi con người không kiểm soát được lý trí (hay còn gọi là con người duy lý trí). Bài báo của chúng tôi ngầm thách thức cả hai giả thuyết ấy mà không tranh luận trực tiếp vào chúng. Chúng tôi thu thập những lỗi sai hệ thống trong tư duy của con người và dựa trên dấu vết của những lỗi sai hệ thống ấy để phác thảo ra cách vận hành của nhận thức mà không đơn thuần chỉ đổ lỗi cho cảm xúc.

Bài báo của chúng tôi thu hút được sự chú ý hơn so với kỳ vọng ban đầu và đến giờ nó vẫn là một trong “những từ khóa” được nhắc đến nhiều nhất trong ngành khoa học xã hội (hơn 200 bài báo học thuật đã dùng bài báo đó để tham chiếu trong năm 2010). Các nhà nghiên cứu trong những lĩnh vực khác cũng nhận thấy bài báo đó hữu ích, đồng thời các ý tưởng về suy nghiệm và sai lệch đã được áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, trong đó có chẩn đoán y học, triết học, tài chính, thống kê và chiến lược chiến tranh.

Ví dụ, các sinh viên chuyên ngành Chính sách đã nhận ra rằng chính nhờ dựa trên sự suy nghiệm đã giải thích vì sao một số vấn đề thu hút được sự chú ý của công chúng nhiều hơn so với một số vấn đề khác. Con người có xu hướng chú tâm vào những vấn đề quan trọng mà họ dễ dàng truy cập trong trí nhớ của mình hơn là những vấn đề khó khăn phức tạp. Điều này càng được kiểm định là đúng đắn thông qua việc quan sát những trang nhất các báo thường được công chúng ghi nhớ nhanh hơn. Những chủ đề được các phương tiện truyền thông đặc biệt quan tâm phản ánh, đã ăn sâu vào đầu óc chúng ta, khiến những chủ đề khác dễ bị chúng ta lãng quên. Ngược lại, những gì giới truyền thông lựa chọn đưa tin lại phản ánh quan điểm của họ sao cho phù hợp với những gì hiện hữu trong đầu óc của công chúng. Không phải ngẫu nhiên mà các thể chế độc tài áp đặt đối với tự do truyền thông (thông tin không được phản ánh trung thực mà bị bóp méo, định hướng theo chủ trương chính sách của chế độ độc tài đó). Vì công chúng rất dễ bị thu hút bởi những tin tức giật gân, những sự kiện giải trí và thông tin liên quan đến người nổi tiếng, truyền thông ăn theo những sự kiện như vậy cũng là chuyện dễ hiểu. Ví dụ, vài tuần sau khi Michael Jackson qua đời, những kênh truyền hình đưa tin về các chủ đề khác ngoài thông tin về Michael Jackson quả là rất ít. Truyền thông đề cập rất ít những vấn đề thiết yếu trong cuộc sống nhưng những tin tức này cũng được truyền tải kém hấp dẫn, như là cung cấp những chi tiết ít kịch tính, từ chối những chuẩn mực giáo dục hay chi quá nhiều tiền cho thuốc men vào những năm cuối đời. (Khi viết như vậy, tôi phải ghi chú thêm là những ví dụ về những đề tài “ít được đưa tin” cũng vẫn được dẫn dắt bởi những thông tin có sẵn. Những chủ đề không được tôi chọn làm ví dụ cũng vẫn được giới truyền thông đề cập thường xuyên, nghĩa là sẽ còn có những vấn đề quan trọng khác nữa nhưng không hề xuất hiện trong đầu óc của tôi.)

Chúng tôi không hoàn toàn nhận thức được điều này nhưng có một lý do đó là một chi tiết phụ trong công việc của chúng tôi đã khiến chủ đề “suy nghiệm và sai lệch” hấp dẫn hơn bên cạnh các yếu tố tâm lý: Chúng tôi thường đính toàn bộ bài báo với những bảng câu hỏi mà chúng tôi tự đặt ra cho bản thân, cũng như để những người tham gia thí nghiệm cùng trả lời. Những câu hỏi này nhằm mục đích chứng minh cho độc giả thấy những suy nghĩ của họ đã bị ảnh hưởng bởi những sai lệch của nhận thức như thế nào. Tôi hy vọng bạn cũng có được trải nghiệm tương tự khi đọc các câu hỏi về thủ thư Steve, mục đích là giúp bạn đánh giá đầy đủ sức mạnh của sự tương đồng, như là một đầu mối mà bạn thấy chúng ta đã dễ dàng bỏ qua những dữ liệu thống kê thực tế ấy và chúng có mối liên quan với nhau như thế nào.

Việc sử dụng các luận chứng cung cấp cho các học giả ở nhiều chuyên ngành, đặc biệt là các nhà triết học và kinh tế học, là một cơ hội hiếm có để tập trung chú ý đến các lỗi sai có thể xảy ra trong dòng chảy tư duy của chính mình. Khi chứng kiến sự thất bại của bản thân, các nhà khoa học càng trở nên tha thiết với câu hỏi của những giả thuyết võ đoán về nhận thức của con người, đặc biệt là trong thời kỳ mà tâm lý con người được cho là lý trí và logic. Lựa chọn phương pháp đã quyết định việc: Nếu chúng tôi đưa ra những kết quả chỉ dựa trên các thí nghiệm thông thường, bài báo sẽ kém độ tin cậy và ít được nhớ tới. Hơn thế nữa, những độc giả khó tính có thể nhận ra kết quả thu thập trong thí nghiệm thông thường này không phản ánh đúng con người họ, bởi họ cho rằng những lỗi sai trong dự đoán ấy thuộc về những người có học vấn trung bình vốn là những đối tượng phổ biến được ngành Tâm lý học quan tâm nghiên cứu. Tất nhiên, chúng tôi không chọn các luận chứng nằm ngoài tiêu chuẩn chung của thí nghiệm mà chọn các luận chứng được ưu tiên hơn trong các thí nghiệm của mình, bởi vì chúng tôi kỳ vọng nghiên cứu này sẽ ảnh hưởng đến cả các triết gia hay các nhà kinh tế học. Và chúng tôi đã may mắn lựa chọn phương pháp này, cũng như may mắn ở nhiều vấn đề khác nữa trong suốt quá trình thực hiện nghiên cứu này. Một chủ đề thường xuyên xuất hiện trong cuốn sách này đó là sự may mắn đóng vai trò rất lớn trong mọi câu chuyện thành công của mỗi chúng ta; người ta có thể thường xuyên và dễ dàng nhận diện một sự thay đổi nhỏ trong toàn bộ câu chuyện, có thể trở thành một trong những động lực cho một thay đổi lớn hơn. Câu chuyện của chúng tôi cũng không nằm ngoài ngoại lệ thông thường đó.

Phản hồi đối với nghiên cứu của chúng tôi không chỉ toàn là những đánh giá tích cực, đặc biệt phần tập trung vào sự sai lệch bị chỉ trích là đưa ra các quan điểm rất tiêu cực và không công bằng. Đúng như mong đợi của chúng tôi, trong các ngành khoa học thông thường, một vài nhà nghiên cứu đã đánh giá cao ý tưởng của chúng tôi nhưng cũng có người lại đưa ra những giải pháp nhằm thay thế ý tưởng đó. Tuy vậy, điều thành công nhất là nhìn chung mọi người đã chấp nhận ý tưởng cho rằng trí não của con người có thể mắc phải những lỗi sai hệ thống. Nghiên cứu của chúng tôi về sự dự đoán đã có tác động đến giới khoa học hơn nhiều so với mong đợi ban đầu.

Ngay sau khi hoàn thành nghiên cứu tổng quan về sự sai lệch, chúng tôi lập tức chuyển sự quan tâm của mình đến nghiên cứu về việc ra quyết định trong những điều kiện không chắc chắn. Mục tiêu của chúng tôi là phát triển một học thuyết Tâm lý học, trong đó nghiên cứu xem con người đưa ra những quyết định như thế nào. Bạn có thể hình dung về lý thuyết ấy thông qua một trò chơi đơn giản sau: Ví dụ, bạn có đồng ý đánh cược để tung đồng xu, nếu tung được mặt số, bạn thắng và giành được 130 đô-la, còn nếu ra mặt người, bạn thua và mất 100 đô-la? Những lựa chọn cơ bản như thế từ lâu đã được sử dụng để kiểm chứng cho những câu hỏi bao quát hơn về việc ra quyết định, ví dụ mối liên hệ tương đối khi con người quyết định tham gia vào những việc mà họ chắc chắn mang lại kết quả tốt nhưng cuối cùng kết quả lại không tốt như mong đợi của họ. Phương pháp của chúng tôi không thay đổi: chúng tôi dành nhiều ngày để xem xét tình huống để lựa chọn và kiểm nghiệm xem trực giác của chúng ta có ảnh hưởng như thế nào đối với sự lựa chọn logic. Một lần nữa, như trong một dự đoán, chúng tôi để ý đến những sai lệch hệ thống trong các quyết định của cá nhân, các tham chiếu trực giác hình thành nên những nguyên tắc thiết yếu trong các lựa chọn lý trí. 5 năm sau khi bài báo được đăng tải trên tạp chí Khoa học, chúng tôi xuất bản cuốn “Lý thuyết viễn cảnh”. Đây là cuốn sách phân tích về “quyết định trong nguy cơ,” một học thuyết về chọn lựa trong đó tính đến các yếu tố ảnh hưởng hơn đến nghiên cứu của chúng tôi về dự báo và nó là một trong những nghiên cứu đã làm nền móng cho sự hình thành và phát triển của kinh tế học hành vi sau này.

Ngay cả khi chúng tôi gặp cản trở vì khoảng cách địa lý, Amos và tôi vẫn cùng nhau tận hưởng niềm hạnh phúc tuyệt vời được chia sẻ những suy nghĩ cùng nhau và niềm hạnh phúc cùng sự may mắn khi có được từ mối quan hệ bằng hữu, giúp chúng tôi làm việc vui vẻ và hiệu quả hơn. Sự hợp tác của chúng tôi trong quá trình nghiên cứu về dự báo và ra quyết định đã mang lại cho tôi giải Nobel vào năm 2002, đáng lẽ Amos cũng sẽ cùng tôi chia sẻ niềm hạnh phúc được bước lên bục nhận giải Nobel này nếu ông không qua đời ở tuổi 59, vào năm 1996.

CHÚNG TA ĐANG Ở ĐÂU?

Cuốn sách này không nhằm mục đích trình bày những nghiên cứu của tôi và Amos, vấn đề này đã được rất nhiều tác giả đề cập đến trong rất nhiều năm qua. Mục tiêu chính của tôi khi viết cuốn sách này nhằm giới thiệu đến độc giả một góc nhìn về cách thức hoạt động của trí não, mà cách nhìn này đã đánh dấu những phát triển gần đây của nghiên cứu về nhận thức và tâm lý xã hội. Chúng là một trong số những phát triển quan trọng, hơn nữa là giờ đây chúng ta hiểu được sự kỳ diệu cũng như những sai lầm trong cách vận hành của tư duy trực giác của chúng ta.

Amos và tôi không có ý định nhằm thẳng tới những trực giác thường được hiểu như là những “phỏng đoán suy nghiệm khá hữu ích nhưng đôi khi cũng dẫn đến những lỗi sai nghiêm trọng và lỗi sai hệ thống.” Chúng tôi tập trung vào nghiên cứu những sai lệch, đầu tiên là vì cả hai cùng nhận thấy tự thân những sai lệch này là một đề tài nghiên cứu rất hấp dẫn và bởi vì hiển nhiên chúng cung cấp bằng chứng cho những phỏng đoán suy nghiệm. Chúng tôi tự hỏi rằng, liệu mọi phỏng đoán trực giác trong những tình huống không rõ ràng đều được sinh ra nhờ những suy nghiệm mà chúng tôi nghiên cứu hay không; giờ thì tôi có thể kết luận là không. Đặc biệt, chúng ta có thể giải thích việc “các chuyên gia có trực giác chính xác” một cách hợp lý hơn, đó là kết quả của việc chúng được thực hành nhiều lần, chứ không phải là nhờ vào khả năng suy nghiệm của các chuyên gia này. Giờ đây chúng ta có thể phác thảo lên một bức tranh về các tình huống phong phú hơn, cân bằng hơn, trong đó, một số kỹ năng và suy nghiệm là nguồn lực thay thế cho các phán đoán và lựa chọn dựa trên trực giác.

Nhà tâm lý học Gary Klein kể câu chuyện về một đội cứu hỏa trong lần giải cứu một ngôi nhà bị cháy ở gian bếp. Ngay khi bắt đầu lắp vòi nước, bỗng nhiên người chỉ huy dường như nghe thấy một tiếng nói vang lên từ bên trong: “Rút khỏi đây, mau!” Toàn bộ sàn nhà dưới chân gần như sập xuống ngay khi đội cứu hỏa vừa rút khỏi căn nhà. Tất cả chỉ dựa trên thực tế là khi vừa có mặt tại hiện trường, người đội trưởng bỗng cảm nhận được sự im ắng lạ thường của ngọn lửa và cảm thấy tai của mình phải chịu sức nóng bất thường. Cùng lúc, tất cả những cảm nhận ấy tạo thành một ấn tượng mà ông gọi là “giác quan thứ sáu đối với sự nguy hiểm”. Ông không biết cụ thể chúng là gì, mà chỉ biết chắc chắn rằng có điều gì đó bất ổn sắp xảy ra. Sau này người ta mới biết được tâm của ngọn lửa không nằm ở gian bếp mà nằm ở ngay tầng hầm bên dưới chỗ đội cứu hoả đã đứng.

Hẳn chúng ta cũng đã từng nghe những chuyện tương tự như vậy về trực giác của các chuyên gia, như là: Một cao thủ của môn cờ vua có thể chỉ cần đi ngang qua, liếc mắt vào một bàn cờ trên đường phố là có thể tuyên bố “quân trắng, 3 nước, chiếu tướng” mà không cần đứng lại, hoặc một bác sĩ chỉ cần liếc mắt nhìn bệnh nhân là có thể đưa ra những chẩn đoán phức tạp của một căn bệnh. Đối với chúng ta, trực giác chuẩn xác của các chuyên gia là một khả năng kỳ diệu, nhưng thực tế không phải như vậy. Mỗi chúng ta cũng có thể có được trực giác chính xác như thế nhờ luyện tập mỗi ngày. Trong một số tình huống, hầu hết chúng ta đều dễ dàng nhận thấy sự nguy hiểm ngay từ lần đầu tiên nghe tiếng của kẻ ác trong điện thoại, hay dễ dàng nhận ra ta chính là nhân vật chính của câu chuyện phiếm ngay khi bước chân vào một căn phòng, và có khả năng phản ứng tức thời với những dấu hiệu nguy hiểm tiềm ẩn rất tinh tế khi nhìn thấy gã tài xế ở làn xe bên cạnh. Khả năng trực giác của chúng ta cũng không hề kém độ tinh anh so với trực giác của một anh lính cứu hỏa kỳ cựu hay của một bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm, mà do họ được luyện tập thường xuyên hơn chúng ta mà thôi.

Yếu tố tâm lý của trực giác chuẩn xác cũng không phải là một phép màu bí ẩn. Có lẽ cách lý giải ngắn gọn nhất đã được Herbert Simon vĩ đại, một kỳ thủ cao cường đã giải thích rằng sau hàng ngàn giờ luyện tập khiến cho các kỳ thủ có được khả năng nhìn từng ô vuông trên bàn cờ khác hẳn so với khả năng của mỗi chúng ta. Bạn có thể cảm thấy Simone nôn nóng khi phân tích yếu tố thần thoại của trực giác chuyên gia khi ông viết: “Chính hoàn cảnh là điểm mấu chốt, nó giúp các cao thủ xâm nhập được vào kho lưu trữ thông tin trong bộ nhớ và những thông tin này cung cấp câu trả lời. Trực giác chính là sự nhận thức, không hơn, không kém.”

Chúng ta cũng không ngạc nhiên khi một đứa trẻ hai tuổi nhìn một con chó và nói: “Chó ơi!” bởi vì chúng ta đã quá quen với khả năng học hỏi kỳ diệu của trẻ em khi nhận diện và đặt tên cho các sự vật. Quan điểm của Simon về những điều kỳ diệu trong trực giác chuyên gia cũng tương tự như vậy. Những trực giác chuẩn xác phát triển khi các chuyên gia học được cách nhận diện những yếu tố quen thuộc trong một hoàn cảnh mới và xử lý theo những cách phù hợp với nó. Những phán đoán trực giác chuẩn xác cũng lập tức xuất hiện trong đầu óc con người như hiện tượng nói “Chó ơi!” của em bé hai tuổi vậy.

Đáng tiếc là không phải mọi trực giác nghề nghiệp đều có ở các chuyên gia thật sự. Cách đây nhiều năm, tôi gặp một giám đốc đầu tư của một công ty tài chính lớn, ông nói với tôi rằng ông mới đầu tư vài chục triệu đô-la vào cổ phiếu của hãng ô tô Ford. Khi tôi hỏi vì sao ông lại đưa ra quyết định đầu tư này, ông trả lời là gần đây ông có tham dự một buổi trình diễn ô tô của hãng xe này, ông rất thích và rất ấn tượng với buổi trình diễn đó. “Cậu ạ, họ quả là những tay biết làm xe hơi đấy!” là lời giải thích của ông. Ông tin vào cảm giác của mình và ông hoàn toàn hài lòng với cảm giác đó cũng như việc quyết định mua cổ phiếu của bản thân. Tôi nhận ra một điều là ông ta hầu như không hề quan tâm tới một câu hỏi mà đáng lẽ một giám đốc tài chính như ông phải hỏi: “Liệu cổ phiếu của hãng xe Ford hiện thời có bị định giá thấp hơn so với giá trị thực tế của nó không?” Ngược lại, ông chỉ nghe theo trực giác của mình, ông thích xe hơi, ông thích công ty này và ông thích ý tưởng sở hữu cổ phiếu của nó. Với những hiểu biết của chúng ta về thị trường cổ phiếu, thì có thể tin rằng nhà đầu tư này không biết mình đang làm gì.

Những suy nghiệm đặc biệt mà Amos và tôi đã nghiên cứu có thể lý giải được ít nhiều lý do vì sao nhà đầu tư kia lại quyết định đầu tư vào cổ phiếu của hãng xe Ford, nhưng với hiểu biết và nhận thức rộng hơn về suy nghiệm thì giờ đây chúng ta có thể giải thích hợp lý cho ví dụ đó. Một bước tiến quan trọng là giờ đây ta đã hiểu ra rằng: Cảm xúc có ảnh hưởng rõ nét trong mọi phán đoán và lựa chọn của trực giác của mỗi chúng ta, giờ đây chúng ta có hiểu biết về trực giác hơn trước kia rất nhiều. Quyết định của các chuyên gia ngày nay có thể mô tả như một ví dụ điển hình về hiệu ứng suy nghiệm, ở đó những phỏng đoán và quyết định được dẫn dắt trực tiếp bởi cảm giác thích hay không thích, với rất ít cân nhắc và lý lẽ.

Khi đối mặt với một vấn đề, dù chỉ là đi một nước cờ hay quyết định đầu tư vào cổ phiếu, thì bộ máy tư duy trực giác vẫn chạy hết tốc lực của nó. Nếu một người có những kinh nghiệm phù hợp, sẽ nhận định được tình hình và có khả năng đưa ra các giải pháp trực giác chuẩn xác rất cao. Đó chính xác là những gì diễn ra, khi một kỳ thủ nhìn vào một bàn cờ rối rắm: Những nước cờ lập tức xâm chiếm lấy anh ta. Khi câu hỏi đặt ra khó hơn và một giải pháp khả thi không xuất hiện, trực giác lúc này vẫn còn là một ý tưởng mơ hồ. Câu trả lời có thể xuất hiện nhanh chóng trong đầu nhưng đó không phải là câu trả lời cho câu hỏi gốc - câu hỏi mà vị chuyên gia phải đối mặt (liệu tôi có nên đầu tư vào cổ phiếu của Ford?) quá khó nhưng câu trả lời cho một câu hỏi dễ hơn và có liên quan (liệu tôi có thích xe Ford không?) xuất hiện rõ rệt trong đầu và dẫn đến quyết định lựa chọn của ông. Đây chính là điểm cốt yếu của suy nghiệm trực giác: Khi đối mặt với một câu hỏi khó, thay vì trả lời trực tiếp vào câu hỏi đó, chúng ta lại thường trả lời vào câu hỏi dễ hơn và thường là chúng ta không nhận ra sự hoán đổi này.

Đôi khi bạn không thể lập tức tìm ra một giải pháp trực giác nào, ngay cả giải pháp của chuyên gia lẫn đáp án suy nghiệm đều không xuất hiện. Trong những trường hợp này, chúng ta sẽ nhận thấy bản thân tư duy của chúng ta sẽ chuyển qua một dạng thức tư duy chậm rãi hơn, chính xác hơn và đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn. Đó chính là cách tư duy chậm mà tôi đề cập đến ở tiêu đề của cuốn sách này. Tư duy nhanh lại bao gồm hai dạng thức là tư duy trực giác của các chuyên gia và suy nghiệm trực giác đơn thuần, cũng như toàn bộ hoạt động trí não tự động đưa nhận thức vào bộ nhớ, những hoạt động đó cho phép bạn nhận thức rằng có một chiếc đèn trên mặt bàn hay nhớ ra tên thủ đô của nước Nga.

Sự khác biệt giữa tư duy nhanh và tư duy chậm đã được các nhà tâm lý học khám phá từ hơn 25 năm qua. Tôi sẽ giải thích đầy đủ hơn trong chương sau, tôi đã mô tả hoạt động trí não bằng hình ảnh ẩn dụ của hai nhân tố, được gọi là Hệ thống 1 và Hệ thống 2, trong đó mỗi hệ thống đại diện cho một quá trình là tư duy nhanh và tư duy chậm. Tôi nhắc đến các yếu tố này như là nét đặc trưng của nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính, cũng như là những đặc điểm và thiên hướng tư duy của hai tính cách trong bộ não của chúng ta. Nhìn tổng thể bức tranh nghiên cứu trong thời gian gần đây, Hệ thống 1 ảnh hưởng tới chúng ta nhiều hơn so với trải nghiệm của chúng ta và đó là tác nhân bí ẩn của rất nhiều lựa chọn và phỏng đoán mà bạn đã đưa ra. Cuốn sách này dành phần lớn để nghiên cứu về cách thức hoạt động của Hệ thống 1 và sự ảnh hưởng qua lại giữa nó với Hệ thống 2.

Chuyện gì tiếp theo

Cuốn sách được chia thành năm phần. Phần 1 giới thiệu những yếu tố cơ bản của cách tiếp cận hai hệ thống, khi đưa ra các phỏng đoán và các lựa chọn. Nó mô tả chi tiết sự khác biệt giữa việc tổ chức tự động của Hệ thống 1 và việc tổ chức có kiểm soát của Hệ thống 2, đồng thời cho thấy bộ nhớ liên kết, Hệ thống 1 liên tục diễn dịch xem chuyện gì đang diễn ra trong thế giới của chúng ta, tại bất cứ thời điểm nào. Tôi sẽ nỗ lực chứng minh cho thấy sự phức tạp và phong phú của quá trình hoạt động tự động và thường là vô thức nằm ẩn sâu trong tư duy trực giác của mỗi chúng ta. Và quá trình tự động này giải thích cho những phán đoán suy nghiệm được diễn ra như thế nào. Mục đích của tôi là giới thiệu một thứ ngôn ngữ của tư duy và tiếng nói của trí óc đến bạn đọc.

Phần 2 cập nhật những nghiên cứu về những phán đoán suy nghiệm và khám phá một vấn đề cơ bản là: Tại sao con người lại khó khăn để tư duy dựa trên những hiện thực thống kê? Chúng ta dễ dàng để tư duy liên tưởng, tư duy ẩn dụ, hay tư duy nguyên nhân – hệ quả nhưng chúng ta lại thấy khó khăn để tư duy dựa trên hiện thực thống kê, bởi sự tư duy này đòi hỏi bộ não của chúng ta phải tư duy về rất nhiều thứ xảy ra cùng một lúc, đó chính là điều mà Hệ thống 1 không được thiết kế để đảm nhiệm.

Những điểm khó của tư duy dựa trên hiện thực thống kê là chủ đề chính của Phần 3, trong đó mô tả những giới hạn của đầu óc chúng ta như: Niềm tin thái quá vào những gì chúng ta tin là mình hiểu biết và hiển nhiên đó chính là sự bất lực của chúng ta trong việc nhận ra sự “vô tri” của chính mình ở cấp độ cao nhất của quá trình nhận thức, và sự thiếu chắc chắn của thế giới mà chúng ta đang sống. Chúng ta dễ dãi đánh giá quá cao sự hiểu biết của mình về thế giới, bên cạnh đó lại đánh giá quá thấp vai trò của các cơ hội trong mỗi sự kiện diễn ra hàng ngày. Đây chính là sự tự tin thái quá được chính ảo tưởng giá trị về sự “nhận thức muộn” nuôi nấng. Quan điểm của tôi về chủ đề này bị ảnh hưởng bởi Nassim Taleb, tác giả của học thuyết The Black Swan (Thiên nga đen). Tôi hy vọng những câu chuyện phiếm bên bàn uống nước ở văn phòng mở ra cho chúng ta những bài học hữu ích mà mỗi người có thể học tập từ quá khứ trong khi cưỡng lại với sức quyến rũ của “nhận thức muộn” và “ảo tưởng về giá trị”.

Phần 4 tập trung vào trao đổi giữa các nguyên tắc của ngành Kinh tế học về bản chất của việc ra quyết định với giả định các nhân tố kinh tế học là lý trí. Phần này của cuốn sách tôi trình bày một góc nhìn hiện nay về những khái niệm chính trong “học thuyết viễn cảnh” được hình thành bởi một mô hình hai hệ thống, một mô hình của sự lựa chọn mà Amos và tôi đã xuất bản năm 1979. Các chương tiếp theo chỉ ra một vài lựa chọn sai lệch của con người so với các nguyên tắc chung của “tư duy phi duy lý”. Tôi đã rất khó khăn để có thể tách biệt các vấn đề của nguyên tắc “tư duy phi duy lý” đó, đi kèm với các hệ quả, nơi các quyết định được đưa ra dựa trên những yếu tố bất hợp lý. Những quan sát như vậy, hoàn toàn có thể được giải thích bằng Hệ thống 1, trở thành một thách thức lớn đối với giả định các yếu tố chuẩn trong Kinh tế học đều lý trí vốn rất được ưa chuộng.

Phần 5 mô tả các nghiên cứu gần đây mà trong nghiên cứu đó chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc sự khác biệt giữa hai cái tôi, một cái tôi kinh nghiệm và một cái tôi ghi nhớ, cả hai có những mối quan tâm riêng. Ví dụ, chúng ta có thể thấy con người có hai kiểu trải nghiệm không mấy dễ chịu. Một số trải nghiệm của chúng ta diễn ra trong một thời gian dài, do đó chắc chắn nó là trải nghiệm tệ hại hơn những trải nghiệm còn lại. Nhưng chức năng tự động của bộ nhớ - một tính năng của Hệ thống 1 - có những nguyên tắc, mà chúng ta có thể lợi dụng sao cho những ký ức tệ hơn được ghi nhớ tốt hơn. Sau này, khi con người lựa chọn những hồi ức để nhớ lại, một cách tự nhiên, họ sẽ được dẫn dắt bởi sự ghi nhớ bản thân và nhờ vào đó (cái tôi kinh nghiệm) đã gợi đến những ký ức không cần thiết. Sự phân biệt giữa hai cái tôi được ứng dụng để kiểm nghiệm hành vi, ở đó chúng ta lại một lần nữa nhận thấy cái gì khiến cho cái tôi kinh nghiệm hạnh phúc hoá ra không hoàn toàn là cái làm thoả mãn cho cái tôi ghi nhớ. Làm thế nào để hai cái tôi này trong cùng một cơ thể, có thể theo đuổi hạnh phúc là một câu hỏi khó trả lời đối với cả cá nhân và cả xã hội, trong đó hành xử đúng đắn của đại đa số mọi người đã trở thành một chuẩn mực chung được quy ước và công nhận là cách xử sự khách quan, đa số hành xử đúng đắn sẽ là tham chiếu chung để đánh giá hành động của từng cá nhân riêng lẻ.

Chương kết luận phát hiện ra các ứng dụng của ba nỗ lực khác nhau trong cuốn sách để lý giải: Giữa cái tôi kinh nghiệm và cái tôi ghi nhớ, giữa khái niệm về các nhân tố trong ngành Kinh tế học cổ điển và Kinh tế học hành vi (có sự vay mượn từ ngành Tâm lý học) và giữa Hệ thống tự động 1 và Hệ thống nỗ lực 2. Tôi trở lại vấn đề về câu chuyện phiếm xoay quay bàn uống nước trong một tổ chức, được định hướng và mở ra bài học để tổ chức này có thể cải thiện được khả năng phán đoán cũng như đưa ra quyết định cho tổ chức mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích