Trí Thông Minh Thực Dụng
Chương 6: Sự Quả Quyết

“Hãy cân nhắc thận trọng, nhưng khi quyết định là phải hành động hoặc nhường nhịn khoan dung, hoặc kiên quyết chống lại.”

– CHARLESCOLTON, GIÁO SỸ VÀ NHÀ VĂN ANH –

Quả quyết là khả năng duy trì các giới hạn và diễn đạt các nhu cầu của bản thân rõ ràng, thẳng thắn. Điều này bao gồm việc có thể diễn tả những xúc cảm người đó đang cảm thấy và đưa ra những ý kiến có thể gặp sự phản đối hoặc đi ngược lại với “ý kiến đám đông”. Dù quả quyết có nghĩa là yêu cầu những gì chúng ta muốn, nhưng nó cũng không có nghĩa là chúng ta luôn nhận được những gì chúng ta yêu cầu. Tính quả quyết bị coi là xấu ở một số lĩnh vực xã hội vì nó thường bị nhầm với tính hung hăng.

Những người quả quyết theo nghĩa tích cực, trong khi rất rõ ràng về mong ước của mình thì vẫn rất tôn trọng quyền của người khác. Những người quả quyết duy trì các giới hạn của mình như thế nào thì cũng tôn trọng các ranh giới của người khác như thế. Tính quả quyết cho phép có sự khác biệt về quan điểm mà không cần phải cố gắng đánh bại, khiến người khác phải phục tùng hoặc buộc họ phải thay đổi suy nghĩ. Nó cho phép tồn tại tình huống trong đó cả hai bên đều là người chiến thắng. Đây là điều mà sự hung hăng không thể làm được. Hai người quả quyết có thể duy trì một tình bạn thân thiết và tôn trọng lẫn nhau trong khi vẫn bất đồng với nhau. Thông thường, những người đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình được kính trọng và được người khác đánh giá cao hơn vì hành động của họ. Tuy nhiên, vì ranh giới giữa tính quả quyết và hung hăng thường rất mong manh nên những người được tôn trọng rất cố gắng để tôn trọng ranh giới của người khác.

Sự hung hăng

Tính hung hăng, đòi hỏi phải có người thắng – kẻ bại. Những người hung hăng không tôn trọng các giới hạn và muốn áp đặt ý chí của mình lên đối phương. Dù sự hung hăng có thể đạt được mục đích trước mắt nhưng nó để lại những vết hằn xấu xí luôn đi theo những kẻ hung hăng đó. Nạn nhân của tính hung hăng thường cảm thấy bị bắt nạt, căm thù và tức giận trước kết quả và sẽ thường tìm cơ hội phá hoại và “trả đũa” kẻ hung hăng kia. Đó là lý do vì sao những người hung hăng thường bị ghét và có ít bạn thân. Dù có vẻ là họ được tôn trọng, đặc biệt nếu họ ở vị trí quyền lực và có quyền chỉ đạo người khác, nhưng thái độ tôn trọng ấy rất mong manh. Những con dao sẽ chìa ra nếu họ rời khỏi vị trí quyền lực đó.

Tính thụ động

Trong khi hung hăng đứng ở đầu này của thang đo mức độ bảo vệ bản thân thì thụ động đứng ở đầu bên kia. Những người thụ động được ví như những chiếc thảm chùi chân, ai muốn bước qua cũng được. Cho dù vì bất kỳ lý do gì, những người thụ động cũng không nói lên nhu cầu và mong muốn của mình và thường bị người khác áp đặt. Những người này trở thành nạn nhân của xã hội. Tính hung hăng – thụ động lại là một lĩnh vực khác không ăn khớp trên bậc thang đo mức độ tự vệ.

Tất cả chúng ta đều biết những người hung hăng-thụ động. Họ có vẻ kín tiếng và không thích bị làm phiền. Dù nhìn bề ngoài, có vẻ họ hòa hợp với mọi thứ và không gì có thể làm họ thấy phiền, nhưng bên trong đang sục sôi, cảm giác như có rất nhiều mũi kim châm vào lòng mỗi khi họ cảm thấy người ta đang chĩa mũi sự bất công vào mình. Cuối cùng, khi họ không thể chịu đựng thêm chút nào nữa là họ bùng nổ cơn tức giận. Sự hung hăng thụ động thường là cơ chế được biết đến ở những người ở vào những hoàn cảnh dễ bị tổn thương và từng bị trừng phạt do nói ra những xúc cảm và ý kiến của mình. Thông thường, hành vi này được biết đến vào thời thơ ấu khi trẻ con học được bài học rằng, sẽ không ổn nếu chúng thể hiện sự giận dữ hoặc một số loại xúc cảm khác và ý kiến của chúng không có ý nghĩa gì. Nếu đứa trẻ không nhận được sự giúp đỡ thì nó sẽ mang theo tính hung hăng – thụ động đó cho tới khi trưởng thành và sử dụng tính đó với người bạn đời, với cấp trên, bạn bè và những người khác.

Người lớn cũng vậy, họ có thể học cách chôn giấu xúc cảm và suy nghĩ của mình khi thấy không có cách nào khác hoặc khi họ liên tiếp bị tổn thương do nói ra những xúc cảm và suy nghĩ của mình. Những người có ông chủ hoặc có bạn đời độc đoán có thể học được cách giữ kín những suy nghĩ và cảm giác của mình. Khi cơn giận dữ của những người hung hăng – thụ động bùng lên, nó có thể gây ra rất nhiều tổn hại. Những cơn giận dữ bùng phát thường có kết quả là những mối quan hệ bị phá hỏng, cũng như mất đi tình bạn và công việc. Các cơ hội nghề nghiệp bị tổn hại nghiêm trọng hoặc mất hoàn toàn do một ai đó trải qua cơn giận không thể kiểm soát được. Điều quan trọng là những người hung hăng – thụ động cần phải học cách quả quyết, nói ra sớm hơn mức họ cảm thấy cần. Đây là hành vi có thể vừa học vừa thực hành.

Sự quả quyết tích cực

Có nhiều cách hiệu quả để trở nên quả quyết, nhiều như số lượng tính cách của con người vậy. Trong khi cách nhìn của chúng ta về một người hung hăng là một kẻ to mồm và đáng ghét, thì một người kín tiếng và nhẹ nhàng vẫn có thể đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình, giống như một người sống thoải mái và thích giao du. Câu nói của Teddy Roosevelt “tẩm ngầm tầm ngầm mà đánh chết voi” làm rõ một điều rằng, chúng ta không nên nhầm lẫn giữa sự im lặng với việc thiếu kiên định và mục đích. Sự quả quyết đòi hỏi phải có nhận thức về cảm giác và mức độ tự trọng khá. Chúng ta cần tin rằng ý kiến và cảm giác của bản thân là quan trọng trước khi chúng ta sẵn sàng và dễ dàng nói lên những điều đó.

Sự độc lập cũng quan trọng. Càng ít phụ thuộc vào sự ủng hộ của người khác, chúng ta càng ít sợ sẽ xúc phạm họ khi chúng ta cởi mở, trung thực và nói lên những điều mong muốn. Khi ai đó nói ra những điều trái ngược với niềm tin và giá trị chúng ta vẫn tin tưởng mạnh mẽ bấy lâu nay, chúng ta thường không thể thốt ra điều đầu tiên xuất hiện trong đầu, nên biện pháp kiểm soát tốt cơn bốc đồng sẽ có tác dụng; nếu không, chúng ta có thể sẽ tức giận hoặc nói điều gì đó sau này phải hối tiếc. Người có thể giữ bình tĩnh trong cơn tức giận và trong tình huống căng thẳng cuối cùng sẽ là người chiến thắng.

Thế giới có đầy những người lợi dụng ta và vượt qua các ranh giới của ta nếu chúng ta cho phép họ. Để tìm ra con đường riêng cho mình và nhận được những gì mong muốn, chúng ta cần phải có khả năng duy trì vững chắc ranh giới của mình.

“Mục đích kiên định là một trong những nguồn sức mạnh cần thiết nhất của tính cách, và là một trong những công cụ tốt nhất dẫn đến thành công. Không có nó, các thiên tài sẽ lãng phí nỗ lực của mình trong một mê cung bất định.”

– PHILIP DORMER CHESTERFIELD, CHÍNH KHÁCH ANH –

Câu chuyện của Don

Chủ đề của hội thảo là “Ảnh hưởng đối với công việc”. Hơn 40 người đã tới tham dự nghe diễn giả, một chuyên gia hàng đầu về cách gây chú ý và thăng tiến tại công sở, nói chuyện. Những khả năng của vị diễn giả này thật ấn tượng. Don Maxwell đã thuyết trình trước các tập đoàn lớn, các chính phủ và các nhà giáo dục trên khắp cả nước. Ông còn là khách mời của các chương trình thuyết trình trên truyền hình được yêu thích và thu hút được nhiều người tham gia ở bất kỳ nơi nào ông đến.

Bài nói của Don với nhóm 40 người này thật trôi chảy và tinh tế. Ông luôn dừng đúng lúc để đưa quan điểm của mình vào và nhấn mạnh những lĩnh vực quan trọng. Don cao lớn đứng đó, mang tới cho khán giả một bài thuyết trình tràn đầy năng lượng, sự nhiệt tình và tự tin. Ông lần lượt nhìn vào những người tham gia và đảm bảo rằng tất cả họ đều cảm thấy như ông đang nói với một mình họ vậy. Quần áo được may cầu kỳ, phong cách và thái độ của ông, tất cả đều toát lên ông là người tự tin và thành đạt. Nếu khán giả được yêu cầu tưởng tượng ra nền giáo dục ông được hưởng, rất có thể họ sẽ hình dung ra một cậu bé sáng sủa có thành tích học tập xuất sắc, giỏi thể thao, được nhiều bạn gái mến mộ và được bố mẹ nuôi nấng trong yêu thương.

Bức tranh của họ về quá khứ của Don khác xa thực tế. Trước khi hoàn thành bài thuyết trình của mình, Don đã yêu cầu các khán giả của mình cố gắng tưởng tượng thời thơ ấu và thời kỳ đầu trưởng thành của ông như thế nào, dựa trên những gì họ vừa được nhìn và nghe. Vào cuối buổi thuyết trình, Don tóm tắt cho các khán giả nghe về cuộc đời của mình. Hồi bé, ông là một đứa trẻ gầy gò, vụng về và hay xấu hổ. Cha của ông, một thương nhân, nghiện rượu rất nặng và mãi sau này, Don mới biết điều đó. Dù không ngược đãi vợ con nhưng ông hoàn toàn chìm đắm vào những rắc rối của mình và không làm được gì nhiều cho Don và người anh trai Jason của Don. Mẹ ông phải chịu đựng những đợt trầm cảm. Khi sức khỏe khá hơn, bà có thể thể hiện tình yêu thương của mình với hai cậu con trai, nhưng sau đó bà lại thu mình vào thế giới riêng của mình. Don nhớ lại cảm giác cô đơn, sợ hãi và bất lực khi trong gia đình không có ai là trụ cột, trừ người anh trai hơn ông có hai tuổi.

Có một người mà hai anh em có thể trông cậy – đó là chú Chuck đằng bố. Chú Chuck là anh hùng thời chiến và kinh doanh khá thành đạt sau khi chiến tranh kết thúc. Dù ông chỉ cao có khoảng 1m60 nhưng với hai anh em ông phải cao đến 2m10. Thấy hai đứa cháu của mình bị thiếu sự dạy dỗ của cha mẹ, chú Chuck đã che chở cho chúng. Cảm thấy sự thiếu tự tin ở Don, ông ghi tên cho cậu tham gia lớp judo khi cậu bảy tuổi.

Đứa học sinh đầu gấu ở trường Don vẫn thường bắt nạt Don và những đứa trẻ nhỏ con hơn khác. Được sự khuyến khích, huấn luyện của chú Chuck và tập luyện judo, cuối cùng Don cũng đủ can đảm để đánh trả. Ông nhớ rõ ngày hôm đó. Khi cậu bé Don đang đi dọc hành lang thì đứa bé kia xuất hiện từ phía sau và đánh đổ túi đựng bữa trưa khỏi tay cậu, thức ăn đổ hết ra đất. Thằng bé bảo, Don làm gì được nó nào. Không suy nghĩ nhiều, Don sấn tới và hất đám sách vở khỏi tay thằng bé rơi la liệt dưới đất. Có tiếng cười đằng sau hai đứa bé. Thằng bé kia, choáng váng và tức giận, vung cú đấm hướng về Don. Don đoán được ý thằng bé liền chộp lấy cánh tay và quật nó xuống đất. Bàng hoàng và đau đớn, trông có vẻ sững sờ và khá xấu hổ, thằng bé ngồi dậy và cúi mặt bỏ đi. Nó không còn dám làm phiền Don nữa.

Tiếng đồn lan nhanh và cậu bé hay xấu hổ và bị bắt nạt ngày nào nhanh chóng trở thành người hùng, được cả bạn bè lẫn thầy cô giáo kính nể. Trong khi Don đã giành được sự tự tin khi tự vệ thì việc phải nói trước đám đông lại là một vấn đề khác. Bất kỳ khi nào thầy cô giáo đặt câu hỏi, Don đều chết lặng, hầu như chỉ có thể mấp máy trả lời bằng một giọng yếu ớt và nhút nhát. Khi Don nói cho chú về vấn đề này của mình, chú Chuck đưa ra một kế hoạch. Ông bảo Don hãy hình dung lại việc quật ngã đứa hay bắt nạt cậu bất kỳ khi nào cậu phải nói trước đám đông. Cậu phải hình dung chắc chắn trong đầu mình hình ảnh mạnh mẽ, tự tin và chắc chắn vào bản thân trước khi bắt đầu nói.

Lần đầu thử điều này, thầy cô giáo và những bạn học khác trong lớp đều lặng đi trong chốc lát, ngạc nhiên trước giọng nói mạnh mẽ và tự tin của cậu. Càng luyện cậu càng làm được dễ dàng hơn và cuối cùng cậu bé nhút nhát bắt đầu thích nói trước đám đông. Cậu đủ tự tin về khả năng của mình để có thể tranh cử chức chủ tịch hội học sinh và kết quả là cậu chỉ chịu về thứ hai, người thắng cuộc là cô bé được yêu thích nhất trường và từng giành vương miện trong cuộc thi sắc đẹp. Don tự hào về nỗ lực của mình vì biết rằng mình đã làm hết sức. Chú Chuck vẫn luôn nói với cậu rằng, thất bại không có gì đáng xấu hổ nếu mình đã cố gắng hết sức.

Don đi học đại học và trở thành một nhà tâm lý học. Dù ông thích giúp đỡ từng cá nhân nhưng niềm đam mê của ông là nói chuyện với các nhóm người. Mỗi khi có dịp, ông lại tình nguyện nói chuyện với các nhóm cộng đồng hoặc cơ quan. Dù không kiếm được chút tiền nào từ những hoạt động này nhưng ông vẫn coi đó là cơ hội để rèn luyện khả năng và có được những kinh nghiệm diễn thuyết quý báu.

Sau 20 năm tốt nghiệp đại học, hiện Don đã trở thành một diễn giả có tiếng, chuyên về các hội thảo và thảo luận phát triển nhân viên. Dù không còn phải nói chuyện miễn phí nữa nhưng ông vẫn tình nguyện nói chuyện với các nhóm trường học. Don thích kể “câu chuyện đánh bại kẻ bắt nạt” của mình và thấy lại mình trên gương mặt của nhiều đứa trẻ ít nói ngồi cuối lớp. Ông hy vọng rằng thông điệp của ông sẽ mang tới sự can đảm cần thiết cho một vài đứa trẻ đó để chúng không trở thành nạn nhân cả đời. Ông suy xét rằng, ngay cả nếu cuộc nói chuyện của ông chỉ có thể khích lệ chúng làm một điều trước đây chúng sợ không dám thử thì ông cũng đã thành công rồi. Lý thuyết của ông là, khi con người ta đã thoát ra khỏi được điểm ỳ của mình rồi thì họ không bao giờ trở lại con đường trước đây nữa.


Kỹ thuật tăng tính quyết đoán

Ø Tập đòi hỏi những điều bạn muốn. Đừng xin phép hoặc rào đón, hãy hỏi thẳng. Hãy tự nói với mình rằng thời gian và ý kiến của bạn cũng đáng giá như của bất kỳ ai khác. Ngay cả nếu bạn không thật sự tin như vậy thì cũng cứ thu hết can đảm và thực hiện. Thẳng thắn đòi hỏi ít nhất mỗi lần một ngày. Bắt đầu bằng những tình huống ít đáng sợ và tiến tới những tình huống khó khăn hơn.

Ø Chú ý tới ngôn ngữ bạn sử dụng. Tiến tới cắt bỏ sự ngập ngừng, “à”, “ừ”. Những từ chêm này khiến bạn có vẻ không quyết đoán. Nói chậm lại nếu bạn thấy cần thiết, nhưng hãy tập làm cho lời nói của mình nghe chắc chắn và mạnh mẽ.

Ø Gọi mọi người bằng tên, không dùng danh xưng trừ khi theo quy tắc thông thường, ta gọi những người đó bằng chức danh của họ (khi nói chuyện với bác sỹ). Gọi ai đó bằng chức danh khi không được yêu cầu sẽ trao cho họ vị trí quyền lực cao hơn bạn. Hãy nhìn thẳng vào mặt người đối thoại.

Ø Tạo lập thói quen lên tiếng và yêu cầu bồi thường khi bạn thấy có điều bất ổn với món hàng mình mua, cho dù đó là một bữa ăn ở nhà hàng, hay một món quần áo hay một lần sửa xe. Yêu cầu bằng chứng cho thấy người ta đã làm dịch vụ cho ô tô của bạn, ví dụ như cho xem bộ phận đã được thay thế.

Ø Đừng để các chuyên gia dọa cho không dám yêu cầu làm rõ hoặc giải thích, vì bạn nghĩ họ sẽ cho mình là dốt nát. Họ có trách nhiệm giải thích vấn đề theo hướng đơn giản hóa sao cho bạn hiểu chứ bạn không có nghĩa vụ phải học những chuyên môn của họ. Hãy cứ yêu cầu họ giải thích cho đến khi bạn cảm thấy thoải mái và hiểu hết những điều họ nói.

Ø Không bao giờ lên tiếng tự vệ khi bạn thấy mình đang bị mất kiểm soát, nếu không giọng bạn sẽ thể hiện rõ sự giận dữ. Khi bạn làm điều này tức là bạn sẽ cho người kia quyền kiểm soát bạn. Hãy chờ cho đến khi bạn có thể nói một cách bình tĩnh và dõng dạc. Hãy nhớ, không phải bạn đang tấn công đối phương mà đơn giản là bạn đang yêu cầu những gì mình muốn. Nếu bạn không nhận được thứ mình muốn, hãy tiến lên và thử lại lần nữa. Hãy tập trung vào thực tế là bạn không sợ thử và bạn đã làm hết sức.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Trí Thông Minh Thực Dụng Chương 6: Sự Quả Quyết

Có thể bạn thích