Trầm Vụn Hương Phai
Chương 19: Lần nữa rơi vào hiểm cảnh (p.1)

Nhan Đàm ngồi xổm trên đất, lấm la lấm lét dùng yêu thuật chữa lành những vết thương chi chít trên người.

Đường Châu căn bản chẳng thèm cảm thông cho nàng, ngược lại hắn còn cho rằng
nàng là cố ý vác chiếc đầu lâu kia ra dọa người, hơn nữa còn đem cái câu hăm he nhốt nàng vào trong pháp khí sớm đã nhai tới cũ mèm kia ra tụng
lại lần nữa.

Trời xanh đối xử với nàng, sao lại bất công đến thế!

Đường Châu đứng cách nàng ba bước chân, cất giọng đều đều: “Ngươi ngồi nghỉ bấy nhiêu đã đủ chưa?”

Nhan Đàm không thèm để ý tới hắn.

Read more…

Giọng nói dịu xuống một chút: “Chúng ta cũng nên đi tiếp rồi.”

Nhan Đàm vẫn cứ không thèm nhúc nhích.

Không ngờ Đường Châu đã từ phía sau bước tới, chìa tay tóm lấy cánh tay nàng
lôi về trước. Nhan Đàm vùng vẫy mấy cái, thấy không cách nào hất bỏ được hắn, bèn xoay người lại quàng tay qua cổ hắn buông giọng nũng nịu: “Sư
huynh, khi xưa hai ta trên núi học nghệ, thanh mai trúc mã, cùng nhau
trưởng thành từ thuở bé thơ, nay bên cạnh huynh có thêm người khác, phải chăng đã muốn phụ lời thề non hẹn biển ngày xưa?”

Đường Châu nhìn nàng không nói không rằng, Nhan Đàm ai oán trút một hơi thở dài.

Hắn buông tay ném toẹt nàng ra đất, xoay người bỏ đi.

Nhan Đàm hấp tấp chồm mình đứng dậy, lần này đã học khôn ra, luôn đi cách
hai người phía trước đủ bốn bước chân, nhỡ mà có xảy ra chuyện gì nữa
cũng còn một bước để mà xơ cua.

Nàng bị Đường Châu vứt toẹt ra
đất, mình mẩy vẫn còn có chút ê ẩm, không khỏi lầm bầm trong miệng: “Mới bị ta đem ra bỡn cợt có tí mà đã phản ứng khoa trương như vậy, sao lúc
lấy ta ra làm trò đùa không thấy có chút khách khí…” Nàng thầm nghĩ, đợi đến một ngày nàng có yêu pháp lợi hại vô biên, nhất định sẽ đem hắn ra
đầu tiên chém cho te tua tơi tả, xong trấn nước muối một tràng thừa sống thiếu chết, cuối cùng xách đi chôn sống. Mường tượng mấy hình ảnh này
trong đầu một lúc, nỗi giận trong lòng cũng nguôi ngoai được phần nào.

Đi hết một đoạn địa đạo khá dài, ba người đặt chân tới một ngã ba, trước
mặt là hai con đường giống hệt như nhau. Nhan Đàm nhân lúc hai người bọn họ đang thảo luận xem nên đi bên trái hay bên phải đưa mắt cẩn thận
quan sát chung quanh. Chầm chậm ngẩng đầu nhìn lên, phía trên đỉnh đầu
là một tảng đoạn long thạch (1). Chỉ cần chạm phải cơ quan, đoạn long
thạch sẽ rơi thẳng xuống, kẻ bị kẹt lại phía trong e là không có cách
nào thoát thân.

Nàng bước lên trước mấy bước, thấy phía trên nóc hai ngả địa đạo kia cũng đều có đoạn long thạch.

Đường Châu đưa mắt nhìn nàng, hỏi: “Là ngươi thì ngươi sẽ chọn bên nào?”

Nhan Đàm ngẩng đầu nhìn lên: “Bên nào cũng không chọn, cứ ngồi luôn ở đây.”

Đường Châu bảo: “Vậy được, cứ đi bên phải, nói không chừng hai đoạn đường này thực ra là thông với nhau cũng nên.”

“Ê…”

Không có Thái Sơn chống lưng, bản lĩnh lại kém cỏi, chỉ có thể cúi đầu trước
kẻ ác. Nhan Đàm thở dài đánh thượt, nhớ đến bộ mặt huy hoàng của mình

ngày trước, khó thể ngờ được giờ đây nàng lại bị một tên phàm nhân leo
tót lên đầu mà ngồi. Chuyện xưa cả thảy, tỉ như đã chết theo ngày hôm
qua, mặt mũi của nàng cũng đã chun đầu vào đất hết nửa, số phận của nó
giờ đây như ngọn đèn cầy lắt lay trước gió, chỉ e giây trước giây sau là nhập thổ vi an luôn.

Thạch đạo bên phải được xây vào không sâu
lắm, đi khoảng trăm bước là hết, ở nơi cuối đường vẫn như cũ là một gian mộ thất. Nhan Đàm trong lòng đã bắt đầu sinh lòng thán phục, một tòa mộ địa thiết kế công phu thế này, không biết phải tốn bao nhiêu tiền tài
nhân lực. Lúc nhìn thấy cảnh tượng bên trong gian mộ, nàng không nhịn
được buông một hơi dài cảm thán: “Thật đúng phong nhã.”

Mặt đất
phía trước gian mộ trải ra một thảm lưu li xanh biếc. Mộ thất có dạ minh châu khảm tường đem ra so với nơi này, thật chỉ có thể xứng tầm thô lậu sơ sài. Bài trí bên trong tề toàn không sót thứ gì, bàn ghế được đẽo từ Tương Phi trúc, trà cụ bằng sứ Thanh Hoa, lọ hoa gốm trắng, còn có một
cỗ thất huyền cổ cầm (2), chỉ cần là thứ có thể nghĩ ra nơi đây đều có
đủ không thiếu. Một bộ cờ được bày giữa bàn, hắc bạch hai quân tranh
hùng, cuộc đọ sức hãy còn đang dở.

Đào Tử Khí bước đến trước
chiếc bàn đặt cỗ thất huyền cổ cầm, nâng cổ tay gảy đôi nốt nhạc, tiếng
cầm ngân vang như chuỗi châu gieo mâm ngọc (3): “Cỗ cầm này là dùng gỗ
cây ngô đồng và đinh tán đẽo thành, âm sắc tinh diệu, xem ra chủ nhân
của nó hẳn là một vị cao nhân tinh thông cầm đạo.”

Đường Châu
đứng cạnh vách tường, chăm chú ngắm nhìn bức tranh thủy mặc được họa
trên vách. Trên mặt nước sông sương giăng mờ mịt, sau bức rèm sương nhạt nhòa khung cảnh non xanh uốn lượn, từng đường mực nét bút đều toát lên
cốt cách thanh tao phong nhã. Nhan Đàm nhìn không chớp mắt, buột miệng
cất lời: “Sinh tử trường, Dạ Vong Xuyên, Hoàng Tuyền đạo.”

Đào Tử Khí nghe những lời này thì quay sang nhìn nàng khó hiểu: “Mới nãy nàng vừa nói gì?”

Nhan Đàm nhăn răng cười toe toét: “Đào cô nương, nàng có tin ta từng đặt chân qua U Minh địa phủ hay không?”

Đào Tử Khí nhoáng cái ngã người ra chiếc ghế tre, gương mặt vừa mới hồng hào lên được một chút đã lại trắng bệch như vôi.

Đường Châu giọng điệu ảm đạm chầm chậm nhả ra một câu: “Sư muội, giờ này nằm mơ e là còn hơi bị sớm.”

Nhan Đàm xòe hai bàn tay nhún vai: “Được rồi được rồi, nói giỡn chơi thôi,
mọi người không cần nghiêm trọng vậy mà.” Nàng xoay người bước tới bên
cạnh chiếc bàn trà nhỏ, chỉ thấy trên tấm nhuyễn điếm có đặt một lò trầm hương, là dùng gỗ đàn hương chạm trổ mà thành, bên trong có dán một lớp đồng tích (4). Nhìn kĩ một chút thì sẽ cảm thấy hình dáng của chiếc lò
này rất giống một đóa hoa sen. Nhan Đàm vươn bàn tay sang từ tốn vuốt
nhẹ, từ phiến lá sen được khắc tinh xảo ở nơi mép góc đến cánh hoa sen
sống động như thật chạm trên thành lò. Nàng cảm thấy đầu óc có chút mụ
mị như bị thôi miên, tựa hồ bản thân đang đặt mình giữa một khoảng sân
trống trải tịch mịch, chân trần bước trên nền gạch lạnh lẽo, tiếng bước
chân rơi trên mặt đất chậm rãi vọng lại giữa khoảng sân rộng trải dài
miên man.

Chợt thấy trên trán có gì man mát, Nhan Đàm lập tức
định thần trở lại, giơ tay lên trán sờ thử thì chạm phải một mảnh giấy.
Giật ngay xuống xem, quả nhiên là một tấm bùa, bên trên còn vẽ một mớ
chú văn đuổi tà xiêu xiêu vẹo vẹo. Liền tay nàng vo mảnh giấy thành một
cục tròn ném thẳng về phía Đường Châu: “Ngươi ngươi ngươi…”

Đường Châu nét mặt nghiêm nghị: “Mới nãy thần sắc của ngươi nhìn không được ổn cho lắm, e là đã bị trúng tà.”


Nhan Đàm không thèm đáp trả, chỉ quay đầu đi chỗ khác gặm nhấm cục tức của mình.

Đào Tử Khí mỉm cười bảo: “Đường công tử, sư muội của huynh thật là đáng yêu.”

Đường Châu bật ra một tiếng cười nén: “Đã bị chiều hư cả rồi, hễ đụng vào là giãy đành đạch.”

Nhan Đàm tiếp tục giả câm vờ điếc, trong lòng lại đang thầm nghĩ, cái loại
nuông chiều này nếu mà tăng thêm mấy phần, nàng còn sợ sẽ bị chọc tức
đến độ phát điên.

Đường Châu lại bảo: “Xem ra nơi đây đã là cuối đường, quay trở ra ngoài xem thử thế nào.”

Chú thích:

(1) đoạn long thạch: khái niệm (đến nay vẫn thuộc) hư cấu xuất phát từ tác
phẩm “Thần điêu hiệp lữ” của nhà văn Kim Dung và được dùng nhiều trong
các tiểu thuyết sau này, chưa được ghi nhận trên diện khảo cổ; theo miêu tả là một tảng đá có sức nặng ngàn cân, khi được kích hoạt bởi cơ quan
sẽ rơi thẳng xuống niêm phong mộ huyệt.

(2) Tương Phi trúc: còn
có tên gọi ban trúc (ban: vệt, đốm), là loài tre đốm sinh trưởng ở các
tỉnh Hồ Nam, Hà Nam, Giang Tây, Chiết Giang. Tương truyền vua Thuấn khi
đi Nam tuần lâm bạo bệnh mất ở Thương Ngô, hai vị phi tử của ông là Nga
Hoàng và Nữ Anh khóc chồng làm dây nước mắt lên thân cây tre, những vệt
hằn tạo thành không cách tẩy được, về sau trở thành đặc điểm của loài
tre này. Cái tên “Tương Phi trúc” là bắt nguồn từ truyền thuyết này,
Tương là tên con sông ở tỉnh Hồ Nam nơi câu chuyện xảy ra, Phi trong phi tần.

Sứ Thanh Hoa: Một trong những chủng loại sứ chủ đạo của
Trung Quốc, dùng quặng cobalt chứa cobalt oxide làm nguyên liệu màu.
Phôi gốm sau khi tạo hình được vẽ họa tiết trang trí lên, sau đó tráng
một lớp men trong suốt bên ngoài rồi đem đi nung dưới nhiệt độ cao bằng
lửa khử. Thuật làm sứ Thanh Hoa hình thành từ thời Đường-Tống, đến triều Nguyên thì loại sứ này đã được chế tạo với kĩ thuật hoàn thiện tại lò
nung Hồ Điền thuộc trấn Cảnh Đức. Sứ Thanh Hoa đánh dấu giai đoạn phát
triển đỉnh cao dưới thời Minh-Thanh.

Thất huyền cổ cầm: loại đàn cổ gồm một hộp âm bằng gỗ và bảy dây đàn.

(3) châu gieo mâm ngọc: thành ngữ hình dung âm thanh (thường của nhạc cụ)
trong và cao, nghe rất hay. Điển cố trích từ bài thơ “Tì bà hành” của
Bạch Cư Dị thời nhà Đường:

Tao tao thiết thiết thác tạp đàn

Đại châu tiểu châu lạc ngọc bàn

Gian quan oanh ngữ hoa để hoạt

U yết tuyền lưu thủy hạ than

Dịch nghĩa:

Rào rạt, tỉ tê, gẩy xen thành nhịp

Như bao hạt châu lớn nhỏ rắc xuống mâm ngọc

Ca oanh trơn giọng, líu lo trong hoa

Nhịp suối ngập ngừng, nước dội xuống thác

Dịch thơ:

Tiếng cao thấp lựa chen lần gẩy

Mâm ngọc đâu bỗng nẩy hạt châu

Trong hoa oanh ríu rít nhau

Nước tuôn róc rách chảy mau xuống ghềnh

(Bản dịch của Phan Huy Vịnh).

(4) đồng tích: hợp kim của đồng và thiếc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Trầm Vụn Hương Phai Chương 19: Lần nữa rơi vào hiểm cảnh (p.1)

Có thể bạn thích