Königsberg

Luật trong tôi

Tại sao tôi cần phải tốt?

Năm 1730. Trước cửa thành Königsberg, một thành phố nhỏ mở ra với thế giới, bên bờ Biển đông, một bà mẹ dẫn đứa con 6 tuổi đi dạo khi chiều trời sập tối. Bà mẹ âu yếm gải thích cho con những gì bà biết về thiên nhiên, cây cỏ, các loại đá và thú vật. đèn đường phố mờ tối. Rồi bà mẹ ngước lên trời, chỉ cho con bầu trời mênh mông đầy sao. Cả hai mơ màng nhìn lên cảnh vũ trụ vô biên. Về sau, cậu bé viết lại: „Có hai điều làm cho nội tâm tôi cảm kích, mà càng suy nghĩ tới chúng bao nhiêu, tôi lại càng thêm thán phục lạ lùng bấy nhiêu: đó là bầu trời đầy sao và luật đạo đức trong tôi. Tôi thấy chúng trước mắt và nối chúng trực tiếp vào í thức hiện hữu của tôi“. Và đúng vậy, về sau cậu đã đóng góp nhiều cho hai lãnh vực đó: Thiên văn và đạo đức học. 

Tên của cậu là Immanuel Kant, và thời gian hạnh phúc trong sự chăm sóc của người mẹ có học và đạo đức chấm dứt khi cậu được 13 tuổi. Mẹ mất, cậu bé với đôi mắt xanh nước biển thương tiếc mẹ thật lâu. Cha cậu, một người thợ cả về nghề làm đồ da thú, đã cố gắng hết mình để tiếp tục nâng đỡ đứa con nhạy cảm. Ông gởi cậu vào trường trung học Friedrichkollegium, trường khá nhất thời đó trong tỉnh. Trong thời gian trung học cũng như ở đại học Königsberg sau này, cậu thiếu niên với lồng ngực lép đã chứng tỏ là một học trò nhiều năng khiếu. Immanuel thích nhất „đài thiên văn“ trên mái nhà trường. Ban đêm, cậu thường ở lại khá lâu trên đó để quan sát. 16 tuổi cậu thi đậu vào đại học. Dù được khuyên học Thần học, cậu say mê các môn Toán, Triết và Vật lí. Thời gian giải trí, cậu nổi tiếng là một tay đánh bài và nấu bếp giỏi. Cậu cũng là một tay chơi Billard tuyệt chiêu. Người ta cũng hay mời cậu thuyết trình trong các dịp hội hè ở Königsberg, dù cậu vốn ăn nói nhẹ nhàng và hơi ấp úng. Nhưng cái mê say lớn của cậu vẫn luôn là vũ trụ và các vì sao. Giáo sư môn Luận lí và Siêu hình, Martin Knutzen, đã cố gắng hết mình giúp cậu trong sở thích đó. Kant như bị thôi miên bởi cái kính viễn vọng tư nhân mà chính nhà vật lí Isaac Newton đã dùng. Anh đọc các tác phẩm cơ bản của Newton nói về sự hình thành vũ trụ, thả hồn vào trong các con số, các bảng số và trong các con tính, và rồi từ đó xây dựng nên một mô hình riêng về thế giới vật lí. Cuốn sách mỏng anh viết về đề tài này chứa đựng một hoài bão lớn với một đầu đề thật kêu: Allgemeine Naturgeschichte und Theorie des Himmels (Lịch sử thiên nhiên tổng quát và Thuyết về bầu trời). Chẳng cần gì tới những con tính toán học, song chỉ nhờ vào những hệ luận của riêng mình, anh cố gắng đưa ra một mô hình về thế giới. Một dự án kì lạ và đầy tham vọng. Dù các nhà khoa học thiên nhiên không để í gì tới cuốn sách, Kant vẫn đánh giá phương pháp của mình là một thành công. Anh sẽ áp dụng nó cho mọi lãnh vực nghiên cứu về sau. Anh tin chắc nhiều nhận định của mình là đúng, và điều này cũng đã được chứng thực sau khi anh mất. Kant đoán rằng, hệ thống mặt trời ngày nay được hình thành do một quá trình lực hút và đẩy của các yếu tố - đây là nỗ lực đầu tiên giải thích sự hình thành của hệ thống hành tinh không do sự trợ giúp của bàn tay Thiên Chúa.

Các quan điểm của Kant rất táo bạo và tiến bộ, nhưng mặt khác, anh chẳng hoạch định gì được cho bước đường tương lai của đời mình. đường đời của anh không xuôi chảy. Sau khi học xong, anh làm gia sư suốt chín năm dài. Chỉ khi 31 tuổi – đã quá già vào thời đó – anh mới viết luận án tiến sĩ về Lửa. Anh trở thành giảng sư tư đại học với số lương rất khiêm tốn. Cho đến năm 40 tuổi cuộc hoạn lộ chẳng ra gì cả. Anh có nhiều năng khiếu, rất thông minh và thích gần như đủ mọi thứ: Thần học, Sư phạm, Luật thiên nhiên và địa lí, Nhân học và Luận lí, Siêu hình học và Toán, Cơ học và Vật lí. Sau một thời gian dài, đại học cho hay, sẵn sàng dành cho anh một ghế giáo sư về Nghệ thuật thơ văn. Nhiệm vụ của môn này là soạn những bài diễn văn lễ lạc trong đó chêm vào những câu thơ do mình sáng tác. Kant từ chối. Chỉ sau 15 năm dạy, Kant mới nhận được ghế giáo sư như vẫn mong: Giáo sư về Luận lí và Siêu hình học.

Kant nhận thấy sức khoẻ sẽ không cho ông đủ thời gian để làm chuyện lớn nơi Triết học. Ông đâm hoảng trước viễn tượng đó, và gần như một sáng một chiều thay đổi hẳn cuộc sống. đời ông từ nay trở thành đồng nghĩa với buồn chán. Thi sĩ Heinrich Heine về sau giễu cợt bảo, chẳng ai có thể viết lịch sử cuộc đời của Kant được, vì tay này chẳng có cuộc sống lẫn lịch sử. Mỗi ngày từ năm giờ sáng, Kant nhờ gia nhân thức dậy, rồi ra khỏi nhà di dạo cho tới mười giờ đêm mới lại lên giường. Bằng cách đó, ông sống rất dai, được gần 80 tuổi. Mỗi ngày lập đi lặp lại như một bài ca buồn chán như thế. Nhưng những cuốn sách ông viết ra trong 34 năm đó xem ra chẳng có gì là buồn chán cả. Nhiều người cho rằng, đó là những tác phẩm có giá trị nhất của nền Triết học tiếng đức.

Kant nhìn Lí trí con người không như một nhà nghiên cứu thiên nhiên, hoặc quy chiếu nó với Thiên Chúa, như nhiều triết gia trước ông vẫn làm, nhưng quan sát nó như một luật gia. Ông đi tìm các „luật lệ“. Lúc còn trẻ, ông tìm cách khám phá „hiến pháp“ của vũ trụ. Giờ đây ông nỗ lực tìm ra những quy tắc và những tính quy luật trong í thức con người, để từ đó đưa ra những luật định phải theo. để giải quyết bài toán đó, trước hết ông phải giải được câu hỏi có lẽ khúc mắc nhất của Triết học, câu hỏi mà chúng ta đã bàn tới trong chương đầu của cuốn sách này: Tôi có thể biết gì? Và do đâu tôi biết chắc chắn điều đó? Cũng như Descartes làm 150 năm trước, Kant không đi tìm sự chắc chắn của sự vật thế giới nơi chính sự vật đó, nhưng tìm nó trong suy tưởng của con người. Thứ Triết học nghiên cứu các điều kiện nhận thức của con người được Kant gọi là Tranzendentalphilosophie (Triết học siêu nghiệm). Nhưng ông cẩn trọng hơn Descartes nhiều về tình trạng các nhận thức của mình. Descartes tin rằng, tư duy con người có thể nhận ra bản chất „thật“ của sự vật. Kant trái lại cho rằng, con người không thể biết được cái bản chất „thật“ đó. Làm sao con người lại có thể biết được nó? Mọi trật tự thiên nhiên đều xuất hiện qua kính lọc và qua sắp xếp của bộ óc con người. Chẳng hạn màu sắc không do thiên nhiên tạo ra, nhưng do con mắt và các thần kinh thị giác của ta. Như vậy Lí trí con người đã khoác cho thiên nhiên một trật tự. Như vậy, con người có một bộ máy nhận thức và một trí hiểu để cấu trúc thế giới. Kant viết trong Kritik der reinen Vernunft (Phê bình Lí trí thuần tuý): „Lí trí tận dụng luật lệ của nó không phải từ thiên nhiên, nhưng nó đặt luật cho thiên nhiên“. Ông liều lĩnh đưa những suy tư mầu mỡ và mới mẻ này áp dụng vào lãnh vực đạo đức.

Thoạt tiên ông có những bước đi rất thận trọng. Ông ít quan tâm tới những bản năng như

Rousseau đã tin. Và ông cũng tránh những xác định bản chất đơn giản về con người. Con người „có bản chất“ tốt hay xấu, cái đó ông không muốn xác định. Nhưng đã có những cái khuôn giúp con người nhận biết được thế giới, thì hẳn cũng có những cái khuôn giúp họ có khả năng hành động đạo đức. Chính trong cái khả năng này – đây là tư tưởng quan trọng nhất của Kant – hẳn phải ẩn dấu một luật đạo đức, luật này ấn định con người phải nên đối xử với nhau ra sao. 

Khả năng hướng thiện của con người tạo ấn tượng lên Kant quá mạnh, khiến ông gán cho con người một danh vị rất đặc biệt, đó là Nhân phẩm. Ai có được tự do để có thể hành động một cách đạo đức, người đó là một thực thể cao cả vượt lên tất cả mọi thứ. Nhìn như vậy thì chẳng có gì lớn hơn con người. Là vì theo Kant, mọi loài sinh vật khác có lẽ không có được tự do để quyết định và hành động. Và vì con người là loài cao cả nhất trong mọi loài, nên cũng không có gì quý hơn sự sống con người. „Nhân phẩm“ không phải là điều do Kant khám phá ra. Người đầu tiên nghĩ ra khái niệm đó sống cách Kant 300 năm về trước. đó là triết gia người Í Pico della Mirandola, một trong những triết gia tên tuổi của thời Phục hưng. Con người, theo Pico della Mirandola, là một thực thể rất độc lập. Vì con người có phẩm giá (khả năng) tự do suy nghĩ và hành động, nên họ có toàn quyền định đoạt làm gì và tự mình trở nên như thế nào. 

Kant cũng có cái nhìn như thế. Vấn đề không phải là bản tính thiện nơi con người, mà là sự thúc đẩy, bó buộc họ trở nên thiện hảo. Không phải bản tính thiện, mà là sự cần-trở-nên-thiện mới là đề tài của Kant. Ông nghiên cứu tường tận Lí trí con người, để tìm xem thiên nhiên có bẩm sinh cho con người một nguyên tắc nào đó giúp họ có được đạo đức không. Ông nhận ra, chẳng phải năng khiếu hay tính khí hoặc môi trường sống bảo đảm cho con người nên tốt, nhưng con người trở nên tốt duy nhất chỉ vì Í chí của họ. Nếu con người muốn chung sống hài hoà bên nhau, họ phải hành động theo cái Í chí tốt lành đó, Í chí này không chỉ là một động cơ, nhưng còn là một luật bất biến. Yêu sách phải trở nên tốt này Kant gọi là kategorischer Imperativ (Yêu sách nền tảng). Câu nổi tiếng nhất nói về điều này được ông viết ra trong Kritik der reinen Vernunft như sau: „Bạn hãy không ngừng hành động như thể cái châm ngôn của í chí Bạn luôn đồng thời cũng có giá trị như nguyên tắc của một luật chung“ (Handle stets so, dass die Maxime deines Willens jederzeit zugleich als Prinzip einer allgemeinen Gesetzgebung gelten könne).

Vì con người có khả năng muốn sống thiện, thì họ cũng cần nên sống thiện. Với Kant, kết luận trên đây không phải là một đạo đức do ông đặt ra, nhưng đó là cách thức Lí trí con người hoạt động một cách hoàn toàn hợp lí. Có luật đạo đức trong tâm con người. Và Kant chẳng làm gì ngoài việc phân tích nó, cũng như trước đây ông đã phân tích vũ trụ. Với ông, nhiệm vụ hướng thiện như vậy là một thứ hiện tượng thiên nhiên, cũng giống như tinh tú và bầu trời. Vì thế, ông tin rằng, Yêu sách nền tảng có giá trị tuyệt đối và phổ quát. Mọi người trên thế gian có thể và nên sử dụng nó. Ai làm theo luật đạo đức của lòng mình, thì đó là một người tốt, người đó có được những hành vi tốt, cho dù í hướng tốt của họ có thể mang lại những hậu quả xấu. Là vì theo Kant, nếu í hướng tốt, thì hành động cũng được coi là hợp lí về mặt đạo đức. 

Kant hài lòng về mô hình tư tưởng của ông, dù rằng trong những năm cuối đời, có dấy lên một nghi ngờ, là không biết hệ thống suy tư của ông rồi đây có đứng vững được trước những khám phá của khoa Sinh học không. Rốt cuộc Kant tự an ủi rằng, „việc hành xử rập khuôn của Lí trí“ có thể là „một nghệ thuật muôn đời ẩn dấu trong tận thâm sâu của não chúng ta“, và „ta khó mà đoán ra và lột trần những xảo thuật của nó ra trước mắt mình được“. Cuộc sống thanh bạch của ông đã giúp ông tránh được những lo lắng thái quá. Vào tuổi 60, ông đã có thể tậu cho mình một căn nhà riêng, có một người giúp việc và một bà nấu bếp. Trong tuổi già, ông đột ngột bị chứng Alzheimer (bệnh quên), trí nhớ mòn dần và cuối cùng không còn nhận ra được phương hướng. Vào một buổi sáng lúc 11 giờ năm 1804 ông mất trong tình trạng đã loạn trí nặng.

Khi mất, tên tuổi ông đã nổi rồi. Rồi đây danh ông sẽ còn nổi hơn nữa. Nhiều triết gia sánh công lao của ông với công lao của Kopernikus, là kẻ đã chỉ ra cho nhân loại biết: trái đất là một hình cầu quay chung quanh mặt trời. Nhưng Kant đã chỉ ra gì, đã minh chứng gì? Còn lại những gì thật sự đúng đắn trong các pha nhào lộn tư duy của ông? Kant đã rất cẩn thận chỉ ra cho thấy, Lí trí chúng ta dùng các cấu trúc sẵn có để khảo sát thế giới như thế nào. Và ông còn đi xa hơn, khi quả quyết rằng, mỗi người mang trong mình một lược đồ lô-gích bó buộc họ hướng thiện. Nhưng lược đồ đó có hình thù ra sao? Có thật một lược đồ lô-gích, một „luật đạo đức“ trong tâm chúng ta không? Nếu có, thì nó đi vào trong tâm ta như thế nào, và nó nằm ở đâu?

để hiểu được, tại sao con người cần trở nên tốt, trước hết phải hiểu, tại sao họ muốn trở

nên tốt. điểm này Kant đã chẳng nói đến gì cả. Sinh thời, Kant rất mê các khoa học tự nhiên, và dĩ nhiên ông cũng muốn dùng khoa học để nghiệm chứng xem „cái hành xử rập khuôn của Lí trí“ hoạt động như thế nào, và tìm cách „lột trần những xảo thuật của nó ra“. Nhưng ở thời Kant chưa có ai tìm hiểu vượn người, và khoa nghiên cứu não hãy còn phôi thai. Bác sĩ người đức Franz Joseph Gall vừa mới bắt đầu đo não, nhưng bản đồ não của ông cũng dở hơi như những bản đồ đại tây dương của thời trước Kolumbus. Và ông cũng còn rất mơ hồ về những gì diễn ra trong não. 

Lúc còn trẻ, Kant thích tìm hiểu vũ trụ và các tinh tú. Ông đã có những cố gắng trong việc tính toán bầu trời. Về sau, ông nỗ lực tìm hiểu Lí trí con người và những luật của Lí trí đó. Nhưng cũng giống như nỗ lực của một nhà vật lí, muốn đo vũ trụ mà không có lấy một ống kính viễn vọng. Kant đã có thể phỏng đoán về não con người, nhưng ông đã không thể nhìn vào trong não được. Ngày nay, các nhà khoa học đã có được ống viễn kính đó. Họ dùng điện cực để đo não, dùng máy chụp để rọi quang nó. Và vì thế ngày nay ta đặt ra lại câu hỏi mà Kant trước đây chưa có câu trả lời: Có một trung tâm đạo đức trong não không? Nếu có, trung tâm đó cấu tạo như thế nào và hoạt động ra sao? Và cái gì điều khiến khả năng sử dụng đạo đức của chúng ta?

Nhưng trước khi đi vào những câu hỏi lôi cuốn đó, chúng ta phải giải toả một điều rất căn bản có liên quan tới các câu hỏi đó. Kant đưa Lí trí lên thành ông chủ và ông thầy của não bộ.

Ông chẳng có chút nghi ngờ gì cả trong việc coi Lí trí là kẻ nói cho chúng ta hay phải làm gì. Nhưng như ta đã biết trong phần đầu cuốn sách, Vô thức có vai trò quyết định hơn Í thức. Như vậy, tư tưởng của Kant về luật đạo đức trong ta sẽ còn lại gì, khi ta chấp nhận vai trò trổi vượt của Vô thức lên trên cảm nhận, suy tư và í chí của ta. Như vậy, Í chí đạo đức của chúng ta sẽ ra như thế nào?

•Thí nghiệm Libet. Tôi có thể muốn điều tôi muốn không?

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích