Một hôm, nhà hiền triết Hy Lạp đang ngồi trong nhà, bỗng có một người vẻ mặt giận dữ chạy vào bảo ông:

- Ông ơi, ông có biết X…, người bạn của ông, nói gì về ông không?

- Không – Ông Socrate đáp – Nhưng trước khi nghe anh nói, tôi muốn anh cho phép tôi lượt đãi những gì anh sắp kể cho tôi nghe qua ba cái sàng này nhé. Cái thứ nhất là “chân lý”. Anh có biết chắc chắn về những điều anh nói chăng?

- Không, đó là do tôi nghe một người khác nói lại.

- Bây giờ xin anh hãy đãi qua một cái sàng thứ hai: Nếu những gì anh sắp nói không phải là “chân lý” thì ít ra nó cũng chứa một phần “thiện” hoặc “mỹ” nào?

- Cũng không nốt.

- Bao nhiêu đó cũng đủ cho chúng ta đừng tin, nhưng anh hãy thử đãi nó qua cái sàng thứ ba, những gì anh sắp kể lại có “ích lợi” gì chăng?

- Tôi nghe sao thì thuật lại như thế chứ đâu biết có ích lợi hay không.

- Ấy vậy, nếu những gì anh sắp thuật lại cho tôi nghe đã không “thật”, đã không “thiện”, đã không “mỹ”, mà cũng không “bổ ích” vào đâu cả thì anh và tôi hãy gạt bỏ nó ra ngoài tai, có gì đáng lưu tâm để rồi áy náy.

Anh và tôi có thể quẳng bao nhiêu gánh lo, nếu chúng ta chịu dùng đến ba cái sàng của nhà hiền triết Socrate.

Trước khi giận dữ về một lời gièm pha, soi bói của những người hẹp dạ chúng ta đừng quên dùng ba cái sang của Socrate.

Trước khi nói với ai về một người hay một việc gì, chúng ta đừng quên đãi qua ba cái sàng ấy.

Và những gì chúng ta thốt ra muốn có một chút giá trị, muốn đặng người khác lưu tâm đến ít ra nó phải: Thật, Tốt, Đẹp hoặc Hữu Ích.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích