Tiểu Sử Steve Jobs
Chương 4: ATARI VÀ ẤN ĐỘ

Thiền và nghệ thuật thiết kế trò chơi

Atari

Tháng Hai năm 1974, sau mười tám tháng rong ruổi ở Reed, Jobs quyết định quay về nhà cha mẹ ở Los Altos và kiếm việc để làm. Để tìm được một công việc lúc này không phải là quá khó. Trong suốt những năm 1970, lúc cao điểm, riêng trên tờ San Jose Mercury đã dành tới 60 trang đăng quảng cáo tìm nhân công lĩnh vực công nghệ. Một trong số những công ty đó lọt vào tầm ngắm của Jobs bởi khẩu hiệu mời gọi “Vừa vui, vừa kiếm được tiền”. Ngay hôm đó, Jobs bước vào sảnh đón tiếp của một công ty sản xuất thiết bị trò chơi điện tử tên là Atari và nói với giám đốc nhân sự – người vừa bị ông làm giật mình bởi mái tóc rậm rạp và quần áo lôi thôi – rằng ông sẽ không rời khỏi đây cho đến khi họ cho ông một công việc.

Người sáng lập của Atari là một doanh nhân có thân hình vạm vỡ, tên là Nolan Bushnell. Nolan là một người có tầm nhìn cùng sự tinh tế và cuốn hút của một tài năng nghệ thuật quảng cáo. Sau khi nổi tiếng, ông thích đi loanh quanh trên chiếc xe hiệu Rolls, hút thuốc phiện và họp nhân viên trong buồng tắm hơi. Giống như Friedland đã “đạt được” và Jobs thì “sắp”, Nolan có khả năng chuyển từ sự ân cần quyến rũ sang láu cá, phỉnh phờ, dọa dẫm và thậm chí xoay chuyển sự thật bằng sức mạnh của chính những đức tính trong ông. Kỹ sư trưởng của ông là Al Alcorn, một người lực lưỡng, vui tính và đôi chút cứng nhắc. Alcorn là người giúp Bushnell thực hiện những chiến lược và hạn chế sự quá khích ở ông. Sản phẩm có giá trị nhất của họ tính đến thời điểm đó là một trò chơi điện tử có tên là Pong. Hai người tham gia chơi sẽ phải cố gắng bắn vào đốm sáng nhấp nháy trên màn hình với hai cần điều khiển để di chuyển. (Hãy hỏi thêm cha mẹ mình để biết rõ hơn về trò chơi này nếu hiện tại bạn dưới 30 tuổi).

Khi Jobs bước vào sảnh chính của Atari, ông đi sandal thay vì giầy và thể hiện mong muốn được làm việc. Alcorn là người đầu tiên được thông báo khẩn cấp. “Tôi được thông báo rằng ‘Có một anh chàng lập dị đang chờ ở sảnh. Anh ta nói sẽ không rời đi cho đến khi được tuyển dụng. Chúng tôi nên gọi cảnh sát hay cho anh ta vào?’ Tôi nói cứ để cho cậu ta vào”.

Jobs sau đó trở thành một trong số năm mươi nhân viên đầu tiên tại Atari làm việc ở vị trí nhân viên kỹ thuật với mức lương 5 đô-la một giờ. Alcorn nhớ lại “Ngày đó, việc thuê một sinh viên bỏ học từ Reed là một điều gần như chưa có tiền lệ. Nhưng tôi nhìn thấy điều gì đó khác biệt trong người thanh niên trẻ tuổi lúc ấy. Anh ta thông minh, nhiệt huyết và đam mê công nghệ”. Alcorn đã phân công Jobs làm việc với một kỹ sư khắt khe và nguyên tắc tên là Don Lang. Ngay ngày hôm sau, Lang đã phàn nàn “Gã này là một tên đồng bóng (hippie) khó ưa với cơ thể bốc mùi. Sao ông lại làm điều đó với tôi? Anh ta là một người rất khó để làm việc cùng”. Jobs luôn bám vào ý nghĩ rằng chế độ ăn chay toàn rau của ông sẽ ngăn cản cơ thể khỏi niêm dịch gây hại cũng như mùi cơ thể ngay cả khi không dùng lăn khử mùi hay tắm thường xuyên. Nhưng đó là một lý thuyết thiếu chính xác.

Lang và rất nhiều người khác muốn tống Jobs ra khỏi công ty nhưng Bushnell đã tìm ra một giải pháp. “Mùi cơ thể hay hành động kỳ quái của Jobs không phải là vấn đề với tôi. Steve là một người bướng bỉnh, gai góc nhưng tôi lại khá thích anh ta. Vì vậy, tôi đề nghị anh ta đến làm việc trong thời gian chuyển ca đêm. Đó là một cách để giữ anh ta”. Job có thể đến công ty sau khi Lang và những đồng nghiệp khác đã rời công ty và làm việc suốt đêm. Mặc dù làm việc một cách biệt lập, Jobs vẫn được mọi người biết đến vì sự xấc xược của mình. Lần nào cũng vậy, khi cần trao đổi với những người khác thì thể nào ông cũng sẽ quát vào mặt họ, đai loại họ là đồ thối tha và ngu ngốc. Khi nhìn lại những điều đó, Jobs biện hộ “Lý do duy nhất mà tôi nổi trội là tất cả những người còn lại quá dở”.

Mặc dù vậy, nhờ thói kiêu căng (hoặc có lẽ là bởi vì nó), Jobs đã lấy lòng được ông chủ của Atari. Bushnell nhớ lại “Jobs là một người lắm triết lý hơn bất cứ người nào từng làm việc với tôi. Chúng tôi từng thường xuyên tranh luận về tự do ý chí và thuyết định mệnh. Tôi có xu hướng tin rằng, mọi thứ đang diễn ra đều tuân theo số phận, rằng chúng ta khi sinh ra đã được Chúa trời sắp đặt như vậy. Nếu chúng ta có thông tin hoàn hảo, chúng ta có thể dự đoán được những hành động của con người. Steve thì hoàn toàn đối lập”. Cách nhìn nhận về thế giới quan này thống nhất với niềm tin vào sức mạnh ý chí có thể lay chuyển thực tại của Jobs.

Jobs tham gia giúp đỡ nâng cấp một vài trò chơi bằng cách đưa thêm chip vào để xây dựng nên một số hình ảnh vui nhộn; và chính sự sốt sắng truyền cảm hứng khi chơi trên những luật lệ do chính mình đặt ra của Bushnell đã ảnh hưởng rất lớn tới Jobs. Ngoài ra, Jobs còn đề cao sự đơn giản trong các trò chơi của Atari. Không cần sổ tay hướng dẫn, những trò chơi này được thiết kế đơn giản nhất có thể để một anh chàng “khù khờ nhất” cũng có thể tìm ra cách chơi. Những hướng dẫn duy nhất của trò chơi Star Trek của Atari là “1. Đút đồng 25 xu vào. 2. Tránh các Klingon (một cuộc đua giả tưởng của các chiến binh trong thế giới Star Trek).

Không phải tất cả đồng nghiệp đều xa lánh Jobs. Ông kết bạn với Ron Wayne, một nhân viên thiết kế bản vẽ tại Atari. Ron đã từng mở một công ty sản xuất những chiếc máy có rãnh nhận xu. Việc kinh doanh này sau đó thất bại nhưng Jobs lại thấy hứng thú với ý tưởng mở một công ty và tự mình kinh doanh. Jobs nói “Ron là một người đáng ngưỡng mộ. Ông ấy tự mở công ty và tôi chưa từng gặp một ai như thế”. Jobs đề xuất với Wayne rằng họ sẽ góp vốn mở một công ty. Jobs có thể vay 50.000 đô-la và họ sẽ thiết kế và tung ra thị trường những chiếc máy nhét xu. Nhưng Wayne đã kiệt lực sau vụ kinh doanh trước nên ông từ chối. Wayne kể lại “Tôi nói đó là cách nhanh nhất để đốt 50.000 đô-la, nhưng tôi ngưỡng mộ Jobs vì ông ấy có một khao khát cháy bỏng là sẽ tự mở công ty của chính mình”.

Một buổi cuối tuần nọ, Jobs đang ngồi với Wayne ở căn hộ của ông, say sưa với những chủ đề triết học như thường lệ thì Wayne nói có một vài điều cần nói với Jobs. Jobs đã đáp lại rằng“Yeah, tôi nghĩ tôi biết anh định nói gì. Tôi biết anh thích đàn ông”. Và Wayne gật đầu đồng ý. Jobs nói “Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi tiếp xúc với một người mà tôi biết trước là bị đồng tính (gay) nhưng chính anh ấy đã đưa cho tôi một cái nhìn đúng đắn về vấn đề đó”. Ông tra hỏi Wayne: “Anh cảm thấy thế nào khi nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp”. Wayne trả lời, “Nó giống như việc bạn nhìn thấy một chú ngựa đẹp. Bạn có thể trầm trồ tán dương nó nhưng bạn sẽ không muốn lên giường với nó. Đơn giản đó chỉ là sự tán dương cái đẹp”. Wayne nói với tôi rằng có điều gì đó ở Jobs khiến ông muốn tiết lộ bí mật đó cho Jobs. “Không một ai ở Atari biết điều đó, và tôi có thể đếm trên đầu ngón tay số người được tôi tiết lộ về điều đó trong cả cuộc đời mình. Nhưng tôi đoán mọi thứ sẽ ổn thôi nếu tôi kể cho Jobs nghe điều này vì cậu ấy sẽ hiểu và sẽ chẳng có gì ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai chúng tôi”.

Ấn Độ

Một lý do khiến Jobs háo hức kiếm được kha khá tiền vào đầu năm 1974 đó chính là Robert Friedland, người bạn của ông đã từng đến Ấn Độ trước đó. Friedland đã thúc giục ông nên thực hiện một chuyến hành hương đến đây. Friedland từng nghiên cứu về văn hóa con người Ấn Độ cùng với Neem Karoli Baba (Maharaj-ji), người đã từng là thủ lĩnh phong trào nổi dậy của sáu mươi thanh niên lập dị (hippie). Jobs quyết định làm theo những gì Friedland đã làm và rủ Daniel Kottke đi cùng. Jobs không bao giờ hứng thú với những cuộc phiêu lưu đơn thuần. “Với tôi, đó là một cuộc tìm kiếm nghiêm túc. Tôi háo hức muốn tìm ra sự giác ngộ, muốn biết thực sự tôi là ai và cách tôi hòa hợp với mọi vật xung quanh”. Kotte bổ sung thêm rằng quá trình tìm kiếm này của Jobs dường như được thôi thúc một phần bởi ông ấy không biết bố mẹ đẻ của mình là ai “Có một khoảng trống lớn trong tâm hồn Jobs và ông ấy đang cố gắng lấp đầy nó”.

Khi Jobs nói với những đồng nghiệp thân thiết ở Atari rằng sẽ thôi việc để tìm kiếm một đại sư ở Ấn Độ, Alcorn vui tính lấy làm ngạc nhiên. “Jobs bước vào, nhìn chằm chằm vào tôi và tuyên bố, ‘Tôi định đi tìm kiếm đấng tối cao tâm linh’ và tôi nói ‘Ồ không, điều đó thật quá tuyệt vời. Hãy viết thư kể cho tôi nhé!’ và Jobs nói ông ấy muốn tôi chi trả chi phí của chuyến đi, nhưng tôi nói ‘Thật là vớ vẩn’”. Sau đó Alcorn có một ý tưởng. Atari đang chế tạo bộ thiết bị và sẽ phải vận chuyển nó đến Munich, nơi sẽ lắp ráp nó thành thiết bị hoàn chỉnh và một đại lý của họ ở Turin sẽ chịu trách nhiệm phân phối. Nhưng có một rắc rối xảy ra là trò chơi được thiết kế theo tốc độ của Mỹ là 60 khung hình một giây trong khi ở châu Âu thì chỉ có 50 khung hình một giây. Alcorn đã cùng Jobs phác thảo ra bản sửa lỗi và ông đề nghị sẽ chi trả cho Jobs để ông ấy đến châu Âu và thực thi nó. Alcorn nói “Sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều nếu đến Ấn Độ từ đó”. Và Jobs đã đồng ý. Alcorn đã chào tạm biệt Jobs bằng lời cổ vũ “Gửi lời chào của tôi đến ‘đấng tối cao’ của cậu nhé”.

Jobs ở Munich một vài ngày để giải quyết vấn đề rắc rối trên. Nhưng trong thời gian ở đây, ông đã làm những người quản lý người Đức, những người luôn nhốt mình trong những bộ vest đen lịch sự, cảm thấy lúng túng. Họ phàn nàn với Alcorn rằng Jobs ăn mặc luộm thuộm, người thì nồng nặc bốc mùi như thể một kẻ vô công rồi nghề, còn cách cư xử thì cực kỳ thô lỗ. “Tôi hỏi họ ‘Thế anh ta đã giải quyết được vấn đề của các ông chưa?’ và họ trả lời ‘Anh ta đã giải quyết xong’. Tôi nói tiếp ‘Nếu ông gặp bất cứ vấn đề nào khác, hãy gọi cho tôi, tôi có nhiều gã lập dị giống anh ta’, Và họ đáp lại tôi cuống quýt ‘Không, không cần đâu, lần sau chúng tôi có thể tự giải quyết được’”. Về phần mình, Jobs không hài lòng vì người Đức cứ cố gắng “chiêu đãi” ông thịt và khoai tây. Ông phàn nàn (không chính xác) trong một lần nói chuyện qua điện thoại với Alcorn “Họ thậm chí không có khái niệm ăn chay trong từ điển của mình”.

Jobs đã có một quãng thời gian tốt đẹp hơn nhiều khi bắt tàu tới gặp một nhà phân phối của Atari tại Turin. Ở đây, Jobs cảm thấy dễ thở hơn với món mỳ Ý và sự thân thiện của vị chủ nhà, người đón tiếp ông ở đây. Jobs kể lại “Tôi đã có hai tuần thú vị ở Turin, một thị trấn công nghiệp sầm uất. Nhà phân phối tối nào cũng đưa tôi đi ăn tại một nhà hàng với không gian chỉ đặt vừa tám chiếc bàn và đặc biệt, bạn không hề thấy bất kỳ một quyển thực đơn nào. Việc duy nhất bạn cần làm khi tới đây là gọi món mà bạn thích, họ sẽ làm nó. Đặc biệt, một trong những chiếc bàn hôm đó đang được phục vụ cho chủ tịch hội đồng quản trị của Fiat. Điều đó thật tuyệt diệu”. Sau đó, Jobs tiếp tục chặng tiếp theo trong hành trình của mình là Lugano, Thụy Sĩ. Tại đây, ông ở nhờ nhà người chú của Friedland và sẽ bắt máy bay từ đây đi Ấn Độ”.

Ngay khi đặt chân xuống New Delhi, Jobs đã cảm nhận ngay những luồng hơi nóng bốc lên từ mặt đường trải nhựa mặc dù mới là tháng Tư. Ông đến khách sạn được mọi người giới thiệu trước đó nhưng khách sạn đã chật ních khách, vì vậy, ông chọn đến ở một khách sạn mà người lái xe taxi gợi ý là rất tốt.

“Tôi chắc chắn rằng anh ta đã nhận được tiền hoa hồng mồi chài khách của khách sạn này vì anh ta đã đưa tôi đến một nơi hoàn toàn có thể coi là địa ngục”. Jobs hỏi người chủ khách sạn xem nguồn nước của họ có được lọc trước khi sử dụng không và ngây thơ tin vào câu trả lời của anh ta. “Tôi lập tức bị kiết lỵ. Tôi bị ốm, ốm nặng với những cơn sốt cao. Tôi sụt cân từ khoảng 72 kg xuống còn 54 kg trong vòng một tuần”. Ngay khi Jobs cảm thấy đủ khỏe để có thể di chuyển, ông quyết định rằng ông cần phải đi ngay khỏi Delhi này càng sớm càng tốt. Vì vậy, ông thẳng tiến tới thị trấn Haridwar ở phía Tây của Ấn Độ, gần đầu nguồn sông Gaga. Nơi này đang diễn ra một lễ hội với cái tên Kumbh Mela (lễ hội tắm sông Hằng). Hơn mười triệu tín đồ đổ xô về thị trấn nhỏ bé vốn chỉ dưới 100.000 người dân sinh sống này. “Khắp nơi la liệt những lều trú chân do các tín đồ dựng nên. Có người cưỡi voi, hãy thử nghĩ xem bạn nên gọi nó là gì. Và tôi ở đó một vài ngày nhưng đã sớm quyết định là tôi nên rời ngay khỏi cả nơi này nữa”.

Jobs di chuyển tới một ngôi làng gần Nainital dưới chân núi Himalaya bằng tàu và xe buýt. Đó cũng là nơi mà Neem Karoli Baba sống, hay chính xác hơn là đã từng sống. Vì lúc Jobs đến nơi thì ông ta đã chết. Jobs thuê một căn phòng với một chiếc đệm trải trên sàn để ngủ của một gia đình, những người đã giúp ông phục hồi sức khỏe bằng việc nấu cho ông những món ăn chay. “Có một bản sao cuốn “Hồi ký của một Yogi ” bằng tiếng Anh ở đây, do một khách du lịch trước đó để quên. Tôi đã đọc đi đọc lại vài lần vì ở đây không có nhiều thứ để làm và tôi chỉ việc đi đi lại lại từ làng này sang làng khác trong khi chờ bình phục khỏi chứng kiết lỵ”. Trong số những người sống ở đây, có một nhà dịch tễ học tên là Larry Brilliant. Ông đang nghiên cứu cách để trừ bệnh đậu mùa và sau đó trở thành người điều hành một tổ chức từ thiện của Google và Quỹ Skoll. Ông sau này đã trở thành một người bạn tri kỷ của Jobs.

Một hôm, Jobs có cơ hội nói chuyện với một thanh niên trẻ tuổi theo đạo Hindu, người đang có rất nhiều môn đồ ở vùng Hymalaya này và đồng thời cũng là một thương nhân giàu có. “Đó là một cơ hội để gặp gỡ một thực thể tâm linh và tụ tập với những môn đệ của họ, đồng thời cũng là cơ hội để tham dự một bữa tiệc ngon miệng. Tôi có thể ngửi thấy mùi thức ăn khi chúng tôi đến gần và tôi thật sự rất đói”. Khi Jobs đang ăn thì người đàn ông này, có lẽ không già hơn so với Jobs bao nhiêu, lôi ông ra khỏi đám đông, chỉ tay vào Jobs và cười một cách điên khùng. Jobs kể “Anh ta bước đến, nhìn chằm chằm vào tôi, túm lấy tôi, huýt như còi rồi nói ‘Trông cậu giống hệt một đứa trẻ’. Tất nhiên tôi không lấy làm thoải mái lắm với sự chú ý này”. Người đàn ông này đưa tay nắm lấy Jobs, lôi ra khỏi đám đông đang cầu nguyện và buộc ông cùng leo lên một quả đồi, nơi có một chiếc giếng và một cái ao nhỏ. “Chúng tôi ngồi xuống và ông ấy lấy ra một con dao cạo thẳng. Tôi nghĩ anh ta là một kẻ điên và bắt đầu thấy lo sợ. Sau đó, anh ta lấy ra một bánh xà phòng và anh ta bắt đầu lật ngược tóc tôi lên rồi cạo đầu tôi. Lúc đó tóc tôi dài lượt thượt và anh ta nói rằng anh ta làm vậy để giúp tôi cải thiện sức khỏe”.

Daniel Kottke đến Ấn Độ vào đầu hè năm đó và Jobs quay về New Delhi để gặp bạn mình. Họ đi lang thang khắp nơi không chủ đích, chủ yếu là bằng xe buýt. Vào thời điểm này, Jobs đã từ bỏ ý định tìm kiếm một “đấng tối cao”, người có thể truyền đạt sự khôn ngoan cho ông. Thay vào đó, ông tìm kiếm sự giác ngộ qua chính những trải nghiệm sống khổ hạnh, thiếu thốn và giản đơn của mình. Nhưng ông không bao giờ có thể chạm đến được sự tĩnh tâm. Kottke nhớ rằng Jobs đã nổi giận quát lại một phụ nữ người Hindu ở một khu chợ của ngôi làng vì nghi ngờ rằng bà ta đổ nước pha với sữa để bán.

Tuy nhiên, Jobs cũng là một người khá hào phóng. Khi Kottke và Jobs đến thị trấn Manali, túi ngủ của Kottke đã bị lấy cắp cùng với quyển séc du lịch của ông. Kottke nhớ lại “Steve đã chi trả toàn bộ số tiền ăn ở của tôi lúc đó và mua vé xe buýt cho tôi trở lại New Delhi”. Ông ấy cũng đưa cho Kottke 100 đô-la cuối cùng của mình để đỡ đần trong lúc khó khăn.

Trong suốt 7 tháng ở Ấn Độ, Jobs thỉnh thoảng mới viết thư cho cha mẹ mình. Khi nào tiện, ông mới ghé qua văn phòng của American Express ở New Delhi để nhận thư; vì vậy, cha mẹ ông đã vô cùng ngạc nhiên khi nhận được điện thoại của ông từ sân bay Oakland nhờ họ đến đón. Họ lập tức lái xe từ Los Altos lên đón ông. “Đầu tôi được cạo trọc. Lúc đó, tôi lại đang mặc một chiếc áo vải bông kiểu Ấn Độ cùng nước da bánh mật do cháy nắng nên cha mẹ tôi đã đi qua tôi phải đến năm lần trước khi mẹ ngờ ngợ nhận ra và đến hỏi tôi ‘Steve phải không?’ và tôi nói, ‘chào cha mẹ!’”.

Họ đưa tôi về nhà, nơi tôi tiếp tục cố gắng tìm kiếm bản ngã của mình. Đó là cuộc hành trình với rất nhiều ngả đường tìm đến sự giác ngộ. Các buổi sáng và buổi tối, tôi ngồi thiền và nghiên cứu về thế giới thiền định. Thời gian còn lại trong ngày, tôi dự thính những lớp học về vật lý và kỹ thuật ở trường Standford.

Hành trình kiếm tìm

Niềm đam mê thế giới tâm linh phương Đông, đạo Hindu, Thiền Phật giáo hay sự tìm kiếm con đường đến với giác ngộ của Jobs không đơn thuần chỉ dừng lại ở những bồng bột thoáng qua của một thanh niên mười chín tuổi. Trong suốt cuộc đời mình, ông đã tìm kiếm và theo đuổi rất nhiều giới luật cơ bản trong văn hóa phương Đông như sự nhấn mạnh vào Bát nhã , trí tuệ và sự hiểu biết có được bằng trực giác khi tập trung suy nghĩ. Nhiều năm sau, trong ngôi vườn nhà ông ở Palo Alto, Jobs đã chia sẻ những suy nghĩ của ông về những ảnh hưởng lâu dài của chuyến đi tới Ấn Độ tới ông:

Việc quay trở lại Mỹ là một cú sốc văn hóa với tôi, hơn cả khi tôi đến Ấn Độ. Những người dân sống ở nông thôn Ấn Độ không sử dụng lý trí của họ như chúng ta vẫn làm, mà thay vào đó họ sử dụng trực giác. Và trực giác của họ, thì khỏi phải nói, phát triển hơn rất nhiều so với phần còn lại của thế giới. Với tôi, trực giác là một thứ gì đó đầy quyền uy, có sức mạnh lớn hơn cả trí tuệ. Nó là yếu tố có tác động lớn tới công việc của tôi.

Những suy nghĩ chủ yếu dựa trên lý trí của người phương Tây không phải là đặc tính bẩm sinh của loài người. Nó được trau dồi và đúc kết qua thời gian, và là thành tựu vĩ đại nhất của nền văn minh phương Tây. Ở những ngôi làng của Ấn Độ, họ không bao giờ học nó. Họ học những thứ khác, những thứ mà xét trên một số phương diện sẽ rất giá trị nhưng trên một vài phương diện khác thì không. Đó là sức mạnh của trực giác và sự khôn ngoan có được từ những trải nghiệm.

Quay trở lại sau bảy tháng rong ruổi khắp các ngôi làng của Ấn Độ, tôi nhìn thấy sự điên khùng trong thế giới của người phương Tây cũng như khả năng chứa chất những ý nghĩ lý trí của họ. Nếu bạn ngồi và quan sát, bạn sẽ thấy cách thức mà bộ não của chúng ta hoạt động không ngừng nghỉ. Nếu chúng ta cố gắng kìm chế, nó chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn; nhưng qua thời gian, não bộ của chúng ta sẽ quen với những tình huống đó và trở nên điềm tĩnh hơn. Bạn có thể nghe thấy sự chuyển động của những sự vật nhỏ nhất, những âm thanh khẽ khàng nhất, và đó chính là lúc trực giác của bạn bắt đầu thức giấc. Bộ não dần dần suy nghĩ chậm lại và bạn có thể thấy thời gian như được kéo dài hơn trong cùng một khoảnh khắc và bạn có thể nhìn thấy nhiều sự việc hơn so với trước đây. Đó là một kỷ luật, bạn phải luyện tập nó.

Thiền đã có tác động sâu sắc tới cuộc sống của tôi kể từ đó. Có lúc tôi nghĩ rằng sẽ đến Nhật Bản và cố gắng để được tới tu viện Eihei-ji, nhưng người cố vấn tâm linh của tôi lại muốn tôi ở lại đây. Ông ấy nói không có thứ gì ở đó có mà ở đây không có, và ông ấy đã đúng. Tôi học được một điều trong Thiền dạy rằng: Nếu bạn mong muốn đi vòng quanh thế giới để gặp một người thầy xứng đáng, người đó sẽ xuất hiện ngay cạnh chỗ bạn.

Jobs thực tế đã tìm được người thầy của mình ở ngay cạnh khu phố bên. Shunryu Suzuki, người viết cuốn “Thiền tâm” (Zen Mind), “Luyện tập trí tuệ cho người bắt đầu” (Beginner’s Mind) và cũng là người quản lý Trung tâm thiền San Francisco, thường xuyên đến Los Atlos vào tối thứ Tư hàng tuần để thuyết giảng và hành thiền cùng một nhóm nhỏ các môn đệ của ông. Sau một thời gian, ông đã đề nghị người trợ lý của mình, Kobun Chino Otogawa, mở một trung tâm phục vụ toàn thời gian tại đây. Jobs cùng với người bạn gái một thời Chrisann Brennan, Daniel Kottke và Elizabeth Holmes trở thành những môn đệ trung thành của trung tâm Tassajara, một thiền viện ở Carmel, nơi Kobun dạy.

Kottke cho rằng Kobun thật tuyệt vời. Ông tiếp “Tiếng Anh của ông ấy thật tệ. Ông sẽ nói như đọc thơ haiku với những cụm từ mang tính chất thơ văn và gợi nhớ. Chúng tôi ngồi nghe ông ấy nói và được nửa thời gian thì chúng tôi bắt đầu không có một khái niệm gì về những điều ông ấy đang nói. Tôi coi đó là khoảng thời gian giải lao, vô âu, vô lo”. Holmes thì cho rằng “Chúng tôi thiền cùng Kobun. Chúng tôi ngồi ở dưới thảm tập còn ông ấy thì ngồi trên chiếc bục. Chúng tôi được dạy cách để đẩy lùi mọi phiền nhiễu, và nó như một phép thuật huyền diệu. Một buổi tối nọ, trời đổ mưa to trong lúc chúng tôi đang thiền với Kobun, và ông đã dạy cho chúng tôi cách sử dụng những âm thanh xung quanh để đưa mình trở lại sự tĩnh tâm khi thiền”.

Đối với Jobs, ông chú tâm cao độ vào thiền. Theo như Kottke thì “Ông ấy thực sự rất nghiêm túc, quan trọng hóa nó và nhìn chung, đôi lúc thật không thể chịu nổi”. Ông ấy gần như ngày nào cũng gặp Kobun và cứ vài tháng, họ lại cùng nhau đi ở ẩn để thiền. Jobs nhớ rằng “Tôi luôn cố gắng dành nhiều thời gian nhất có thể để thỉnh giáo ông ấy. Ông ấy có vợ và hai con nhỏ. Vợ ông làm y tá ở Standford và trực ca đêm; vì vậy, tôi thường tụ tập với Kobun vào các buổi tối. Khi vợ ông ấy trở về nhà vào lúc nửa đêm, bà ấy sẽ lùa chúng tôi về”. Họ đôi lúc cũng tranh luận về việc liệu Jobs có nên chú tâm hoàn toàn vào việc theo đuổi những giá trị tâm linh không, nhưng Kobun thì có quan điểm ngược lại. Ông chắc chắn rằng Jobs có thể chạm được đến thế giới tâm linh trong khi vẫn tham gia vào công việc kinh doanh của mình. Mối quan hệ giữa hai người trở nên gắn bó và lâu dài. Kobun cũng đã đến tham dự lễ cưới của Jobs mười bảy năm sau đó.

Sự thôi thúc tìm ra bản ngã bên trong con người mình của Jobs lớn đến mức ông quyết định trải qua giải pháp trị liệu tâm lý được nghiên cứu và phổ biến gần đây bởi một bác sĩ tâm lý trị liệu ở Los Angeles, tên là Arthur Janov. Phương pháp này được dựa trên học thuyết Freud (Freudian theory), cho rằng những vấn đề về tâm lý bắt nguồn từ những đau đớn dồn nén khi còn nhỏ của con người có thể được giải quyết bằng cách cùng người bệnh tái tạo lại cảnh tượng khi đó, tái trải nghiệm nỗi đau từng có nhưng bằng cách giãi bày tất cả các cảm xúc, thậm chí cả kêu gào, than khóc, không kìm nén bất cứ điều gì. Với Jobs, liệu pháp nói chuyện có vẻ tốt hơn vì nó liên quan đến cảm nhận mang tính bản năng và hành động mang tính xúc cảm hơn là sự phân tích một cách lý trí. Sau này, ông có nói rằng “Bạn không cần phải suy nghĩ quá nhiều về nó, đơn giản chỉ hành động: nhắm mắt lại, giữ nhịp thở đều đặn, bước vào thế giới tiềm thức và bước ra sáng suốt hơn”.

Một nhóm những tín đồ của phương pháp Janov trên đã mở một trung tâm tâm lý tên là Oregon trong một khách sạn cũ ở Eugene. Người quản lý trung tâm này, không ai khác chính là người bạn tại trường Reed của Jobs, Robert Friedland. Cộng đồng All One Farm của ông cũng tọa lạc gần đó. Khoảng cuối năm 1974, Jobs đăng ký khóa học trị liệu này trong 12 tuần với lệ phí 1.000 đô-la. Kottke nhớ rằng “Steve và tôi có giai đoạn phát triển tính cách như nhau, vì vậy tôi rất muốn tham gia cùng ông ấy, nhưng tôi không có tiền đóng phí”.

Jobs từng tâm sự với những người bạn thân rằng ông luôn bị thôi thúc bởi nỗi đau của một đứa trẻ bị bỏ rơi và không biết cha mẹ đẻ là ai. Friedland nói “Steve có một mong muốn cháy bỏng tìm ra cha mẹ đẻ của mình để ông hiểu rõ hơn về chính bản thân mình, xem ông là ai”. Tất cả những gì ông biết về cha mẹ đẻ của mình qua Paul và Clara là họ đều tốt nghiệp đại học và cha của ông hình như là một người Syria. Ông thậm chí đã có ý định thuê một thám tử riêng để tìm ra sự thật nhưng cuối cùng, ông lại không làm như vậy. Ông nói “Tôi không muốn gây tổn thương cho cha mẹ tôi”. Ý ông là Paul và Clara.

Theo như Elizabeth Holmes thì “Jobs luôn phải đấu tranh với sự thật rằng mình chỉ là con nuôi. Ông ấy cảm thấy rằng đó chính là vấn đề khiến cảm xúc bị dồn nén”. Jobs thừa nhận “Đó là vấn đề luôn làm tôi không yên và tôi cần phải tập trung giải quyết nó”. Ông thậm chí còn cởi mở về việc này hơn với Greg Calhoun. Ông này kể lại rằng “Steve dằn vặt lương tâm về việc được nhận nuôi từ khi còn nhỏ và ông ấy tâm sự với tôi khá nhiều.Việc tham gia điều trị để có thể trải nghiệm và giải tỏa cảm xúc của những nỗi đau chất chứa từ lâu hay việc gò mình trong chế độ ăn nghiêm ngặt, với mong muốn không phát sinh niêm dịch là cách ông ấy đang cố gắng để tẩy rửa chính bản thân mình và tiến sâu hơn vào nỗi sợ hãi về nguồn gốc bản thân. Ông ấy nói với tôi một cách giận dữ về sự thật ông ấy bị cha mẹ bỏ rơi”.

John Lenon cũng trải qua liệu pháp tâm lý như Jobs vào năm 1970, và tháng 12 năm đó, ông đã cho ra đời bài hát “Mẹ” (Mother) với ban nhạc Plastic Ono. Bài hát là nỗi lòng của một cậu bé bị cha bỏ rơi và mẹ thì bị giết hại khi còn ở độ tuổi thiếu niên. Đoạn điệp khúc lặp đi lặp lại những câu chữ chất chứa nỗi ám ảnh “Mama don’t go, Daddy come home” (Mẹ ơi, đừng bỏ con. Cha ơi, hay quay về nhà đi – ND). Jobs trước đây cũng thường xuyên nghe bài này.

Sau đó, Jobs cho rằng phương pháp của Janov không thật sự hiệu quả. “Ông ấy đưa ra những câu hỏi có sẵn và những câu trả lời thiếu sự tưởng tượng, một thứ trắc nghiệm dường như quá đơn giản. Điều đó hiển nhiên chứng minh rằng phương pháp điều trị này sẽ không mang lại bất kỳ điều gì sâu sắc cho tâm hồn bạn”. Nhưng Holmes lại cho rằng nó khiến Jobs cảm thấy tự tin hơn. “Sau khi tham gia liệu pháp này, ông ấy đã thay đổi. Mặc dù ông ấy có tính cách chai sạn nhưng tôi cảm thấy tâm hồn ông ấy đã có sự tĩnh lặng, ít nhất là trong một khoảng thời gian. Ông ấy cũng cảm thấy tự tin hơn và cảm giác thiếu thốn hoặc không xứng đáng giảm đi đáng kể”.

Jobs bắt đầu tin rằng ông có thể truyền cảm giác tự tin này cho người khác và từ đó thúc đẩy họ làm những điều mà trước đó họ nghĩ là không thể. Holmes chia tay với Kottke và tham gia vào một giáo phái tôn giáo ở San Francisco với mong muốn cắt đứt mọi mối liên hệ với bạn bè xung quanh. Nhưng Jobs phản đối suy nghĩ đó của Holmes. Một hôm, Jobs đến tòa nhà của giáo hội đó trên chiếc Ford Ranchero, và thông báo rằng ông đang trên đường tới nông trại trồng táo của Friedland, và Holmes sẽ đi cùng ông. Thậm chí độc ác hơn, ông nói bà sẽ phải cầm lái một phần quãng đường mặc dù bà còn không biết cách gạt cần số xe. Holmes kể “Khi chúng tôi ra đến con đường lớn, Jobs bắt tôi ngồi trên ghế lái, chỉnh tốc độ lên mức khoảng 88 km/h (55 dặm) rồi sau đó mở bản nhạc Blood của Dylan, gối đầu vào lòng tôi và ngủ. Ông ấy cư xử như thể ông ấy có thể làm tất cả mọi thứ, vì thế, bạn cũng vậy. Steve đã đặt mạng sống của mình vào trong tay tôi để bắt tôi phải làm những thứ mà trước đây tôi nghĩ tôi không thể làm được”.

Đó chính là mặt sáng của tính cách vốn được biết đến với cụm từ “Reality distortion field” (Triết lý bóp méo sự thật) của Jobs (như đã được nhắc đến ở chương trước). Holmes nói thêm “Nếu bạn tin tưởng ông ấy, bạn có thể làm được nhiều thứ. Một khi Steve đã quyết định việc gì đó phải được diễn ra thì ông ấy sẽ tìm mọi cách để nó diễn ra”.

Sự vượt rào

Một ngày đầu năm 1975, Alcorn đang ngồi trong phòng làm việc của mình ở Atari thì Ron Wayne lao vào nói lớn “Này, Steve đã trở lại rồi”. Alcorn đáp lại “Ôi, dẫn anh ta vào đây!”. Jobs đi chân trần, mặc chiếc áo choàng màu vàng nghệ và cầm theo một bản sao của cuốn “Be Here Now” (Trở về) và khăng khăng nói rằng Alcorn phải đọc nó. Ông cũng hỏi thêm “Tôi có thể tiếp tục công việc trước đây của mình không? Alcorn nhớ rằng “Lúc đó trông ông ấy hệt như một tín đồ ở ngôi đền Hare Krishna, nhưng thật vui khi được gặp lại ông ấy. Vì vậy tôi nói: chắc chắn rồi”.

Một lần nữa, vì sự hòa hảo và yên ổn của tất cả mọi người, Jobs hầu như làm việc vào ban đêm. Wozniak lúc đó đang làm việc tại HP và sống ở khu căn hộ ngay gần chỗ Jobs làm nên ông thường lui tới sau bữa tối để gặp gỡ nói chuyện và chơi điện tử với Jobs. Woz trở nên nghiện trò Pong, nhất là level chơi ở con đường bowling Sunnyvale. Ông thậm chí còn tạo ra phiên bản có chức năng kết nối vào Tivi ở nhà.

Vào một ngày cuối năm 1975, Nolan Bushnell, với sự khôn ngoan vốn có của mình, thừa biết rằng thời kỳ của những trò chơi dùng cần điều khiển đã kết thúc, nhưng ông vẫn quyết định phát triển phiên bản Pong một người chơi thay vì hai người chơi đối kháng như trước kia. Người chơi sẽ đánh bóng về phía một bức tường gạch được thiết kế để bị phá vỡ khi đánh trúng. Ông gọi Jobs lên phòng mình, vẽ ý tưởng ấy lên chiếc bảng đen và đề nghị Jobs chế tạo nó và với tổng số lượng chip ít hơn 50. Jobs sẽ có một khoản thưởng lớn nếu làm được. Bushnell biết Jobs không phải là một kỹ sư giỏi nhưng ông ấy biết chắc rằng Jobs sẽ mời Wozniak, người vẫn thường tụ tập với Jobs ở công ty, cộng tác làm việc. Bushnell nói “Tôi biết giao công việc đó cho Jobs là một công đôi việc. Woz là một kỹ sư tài năng và tốt hơn Jobs nhiều”.

Wozniak hơi sởn da gà khi Jobs yêu cầu ông giúp đỡ và đề xuất phương án phân chia lợi nhuận. Woz nói “Đó là một lời đề nghị tuyệt vời nhất trong đời tôi, về việc có thể thiết kế một trò chơi mà mọi người sẽ chơi nó”. Jobs nói công việc cần phải hoàn thành trong vòng bốn ngày với số chip ít nhất có thể. Nhưng Jobs đã giấu không nói với Woz về hạn chót giao nộp thực sự bởi vì ông cần đến nông trại All One Farm để kịp giúp đỡ mùa thu hoạch táo. Ông cũng không đề cập tới việc sẽ có một khoản thưởng dựa trên số con chip tiết kiệm được.

Woz nhớ lại “Thông thường, một kỹ sư phải mất một vài tháng để làm một trò chơi như vậy. Tôi nghĩ chắc tôi không thể nào làm được nó đúng hạn nhưng Steve khẳng định rằng tôi có thể”. Vì thế, Woz đã thức trắng bốn đêm liên tiếp để thiết kế nó. Ban ngày, khi làm việc ở HP, Woz vẽ nháp ý tưởng của mình ra giấy và sau đó, sau bữa ăn nhanh, ông đi thẳng đến Atari và làm việc thâu đêm tại đây. Khi Wozniak thiết kế xong thì Steve ngồi trên một chiếc ghế dài bên trái bọc dây những con chip trên bảng mạch khung. Wozniak kể “Trong khi Steve đang lắp bảng mạch khung thì tôi dành thời gian chơi trò chơi yêu thích nhất của tôi, trò đua tô tô Gran Trak 10”.

Thật bất ngờ, họ có thể hoàn thiện công việc được giao trong bốn ngày và Wozniak chỉ sử dụng 45 con chip. Mỗi người nhớ một cách khác nhau về sự việc này, nhưng theo như mọi người vẫn nghĩ thì Jobs chỉ đưa cho Wozniak một nửa số tiền được trả cho việc tạo ra trò chơi, không có số tiền thưởng do tiết kiệm được năm con chip. Phải mất mười năm sau Wozniak mới phát hiện ra điều đó (do vô tình đọc cuốn sách ghi lại lịch sử của Atari tên là Zap). Wozniak nói rằng “Tôi nghĩ Steve cần số tiền đó và vì vậy, ông ấy chỉ đơn giản là không nói cho tôi biết sự thật”. Bây giờ, khi nói về điều đó, Wozniak ngắt quãng hồi lâu và thừa nhận rằng điều đó khiến ông cảm thấy bị tổn thương. “Tôi ước gì Jobs thành thật với tôi lúc đó. Nếu ông ấy nói với tôi rằng mình cần số tiền ấy, ông ấy phải biết rằng tôi sẽ đưa ngay. Ông ấy là bạn tôi. Và bạn có thể giúp đỡ những người bạn của mình”. Đó là sự khác biệt căn bản trong tính cách của Jobs và Wozniak. “Đạo đức luôn luôn là điều được tôi coi trọng và chú ý. Tôi vẫn không hiểu tại sao ông ấy được trả một khoản thế này mà lại nói với tôi thế khác. Nhưng, ông biết đấy, mỗi người một tính”.

Khi Jobs biết vụ việc đã được phơi bày, ông gọi cho Wozniak để phủ nhận nó. Wozniak nhớ lại “Jobs khẳng định với tôi ông ấy không nhớ mình đã làm việc đó và rằng nếu thật sự ông ấy đã làm thì ông ấy sẽ nhớ. Nhưng ông ấy không nhớ gì cả, vì vậy khả năng lớn hơn là ông ấy không hề làm điều đó”. Khi tôi hỏi trực tiếp Jobs, tự nhiên ông ấy im lặng và do dự khác thường. Ông nói “Tôi không biết lời cáo buộc đó bắt nguồn từ đâu. Tôi đã đưa cho Woz một nửa số tiền mà tôi nhận được. Đó là cách tôi vẫn luôn đối xử với Woz. Ý tôi là Woz đã thôi làm việc từ năm 1978. Ông ấy không hề làm việc một tí nào sau 1978 nhưng ông ấy vẫn có được số cổ phần tại Apple ngang với tôi”.

Liệu có khả năng rằng ký ức bị lộn xộn và rằng Jobs thực tế không lừa gạt và trả thiếu số tiền cho Wozniak? Woz nói với tôi rằng “Có khả năng tôi đã nhầm và nhớ lẫn lộn”. Nhưng sau một hồi dừng lại suy xét, ông nói “Không. Tôi nhớ rất rõ con số được ghi trong quyển số liệu của Atari, đó là một tấm séc trị giá 350 đô-la”. Ông đã khẳng định lại trí nhớ của ông với Nolan Bushnell và Al Alcorn. Bushnell nói “Tôi nhớ là có đề cập đến khoản tiền thưởng với Woz và ông ấy trông rất buồn. Tôi nói với ông ấy là đúng, có một khoản tiền thưởng cho mỗi con chip tiết kiệm được, ông ấy chỉ lắc đầu và tặc lưỡi”.

Dù sự thật có thế nào đi chăng nữa, Wozniak sau này vẫn nói rằng nó không đáng để đào bới lại. Ông nói Jobs là một người phức tạp, và mánh khóe chỉ là một mặt tối của một con người thành công đó. Wozniak thì không bao giờ như vậy. Nhưng như ông đã chỉ ra, rằng với tính cách tốt ấy của mình, ông cũng chẳng bao giờ là người xây dựng được Apple. Khi tôi nhấn mạnh điều đó, ông nói “Tốt hơn hết là tôi nên bỏ qua điều này. Nó không phải là cái gì đó to tát mà tôi muốn cáo buộc và đánh giá Steve qua đó”.

Những kinh nghiệm ở Atari đã giúp Jobs định hình cách tiếp cận tới lĩnh vực kinh doanh và thiết kế. Ông đánh giá cao những thiết kế trò chơi thân thiện với người dùng của Atari, những trò chơi mà chỉ cần có những chỉ dẫn đơn giản kiểu ‘đút đồng xu 25 xu vào và tránh Klingons’ như đã đề cập ở trên. Ron Wayne nói “Sự đơn giản ấy đã tác động tới Jobs và khiến ông ấy trở thành một người rất chú trọng đến sản phẩm”. Jobs cũng tiếp thu được thái độ “không bao giờ làm nô lệ của chữ ‘không’” của Bushnell. Theo Alcorn thì “Nolan không bao giờ nói không. Và đó chính là ấn tượng đầu tiên của Steve về cách mọi thứ được hoàn thành. Nolan không bao giờ phản ứng thái quá hay xúc phạm ai như Steve đôi khi vẫn làm. Nhưng ông ấy cũng có chung một thái độ cầu thị và khả năng chỉ huy. Điều đó nhiều lúc làm tôi cảm thấy rúm ró nhưng thực tế, nó đã giúp mọi thứ được hoàn thành như mong đợi. Về khoản này thì Nolan là vị cố vấn dày dặn kinh nghiệm của Jobs”.

Bushnell cũng đồng ý rằng “Có một thứ gì đó không thể cắt nghĩa rõ ràng ở một doanh nhân, và tôi thấy điều đó ở Steve. Ông ấy không chỉ đam mê công nghệ mà cả lĩnh vực kinh doanh nữa. Tôi đã chỉ cho ông ấy rằng nếu bạn tỏ ra rằng mình có thể làm được điều gì, chắc chắn bạn sẽ làm được. Và ‘Hãy cố gắng đóng giả như mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát của bạn và mọi người sẽ tin rằng bạn đang kiểm soát được nó”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Tiểu Sử Steve Jobs Chương 4: ATARI VÀ ẤN ĐỘ

Có thể bạn thích