Thinsulin giảm cân và đẹp dáng suốt đời
Chương 9 THAY ÐỔI SUY NGHĨ

“Cho một con cá, bạn nuôi người ta được một ngày; dạy cách câu cá, bạn nuôi người ta cả đời.”

-- MAIMONIDES

C

húng tôi vẫn theo dõi cách mà ngành công nghiệp giảm cân quảng bá các sản phẩm thay thế bữa ăn, các món ăn đóng gói sẵn, thuốc giảm ăn và phương pháp đếm calo như là những công cụ giúp giảm cân. Các cách này thực tế không hiệu quả lâu dài bởi vì chúng chỉ là giải pháp ngắn hạn. Nếu không được dạy “cách câu cá”, bạn sẽ không thể biết cách vượt qua ngưỡng giảm cân và duy trì cân nặng. Bạn sẽ thường xuyên gặp tình huống cân nặng dừng lại một thời gian rồi tăng lên. Bạn có thể đã thấy hiệu ứng “con quay” này ở các thành viên gia đình, bạn bè hay thậm chí chính bản thân mình. Vậy làm thế nào phá bỏ tình trạng này?

Trong quá khứ, chúng tôi đã dành giờ này sang giờ khác để nói với bệnh nhân về kim tự tháp thực phẩm của USDA và những lợi ích khi ăn uống cân bằng. Bất chấp sự chu đáo như thế, cách làm này vẫn không thành công. Người ta không nhớ những nội dung này, bởi vì chúng tôi nói chứ không phải dạy. Chúng tôi chỉ nói với họ nên ăn những gì dựa trên danh sách thực phẩm hay các tờ thực đơn. Nói là cách làm giống như cho con cá, chứ không phải là dạy họ cách câu cá.

Liệu pháp Thinsulin là một chương trình xuất phát từ các nguyên tắc khoa học, dạy cho bạn cách áp dụng các nguyên tắc sinh học của insulin để đốt chất béo và giảm cân – và nguyên tắc tâm lý của Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT) để thay đổi suy nghĩ của bạn; cũng như kỹ thuật hành vi xã hội để phá bỏ những thói quen xấu. Nói cách khác, Liệu pháp Thinsulin khai thác sức mạnh tổng hợp của ba nguyên tắc – sinh học, tâm lý và xã hội – để thay đổi hoàn toàn hành vi ăn uống của bạn bằng cách thay đổi cách nhìn nhận về thức ăn và giảm cân cùng với việc dạy cho bạn suy nghĩ theo góc độ insulin. Điều này rất quan trọng để điều trị thành công bệnh béo phì.

Ta không thể chỉ dựa vào dữ kiện mà không hiểu các khái niệm. Ví dụ như việc giáo dục công chúng về vấn đề niêm yết calo. New York là thành thành phố đầu tiên ở Hoa Kỳ yêu cầu các nhà hàng niêm yết mức calo của thực phẩm vào tháng 7 năm 2008. Lý do rất đơn giản: Nếu khách hàng biết lượng calo trong các món, họ có thể chọn món nào lành mạnh hoặc có mức calo phù hợp. Một nghiên cứu được tiến hành bởi các Giáo sư của Đại học New York và Đại học Yale, theo dõi khách hàng trong các khu phố ở ngoại ô New York, nơi có nhiều người nghèo với tỉ lệ mắc bệnh béo phì và tiểu đường cao. Khách hàng ở các khu vực này được theo dõi về việc chọn món ăn tại các nhà hàng McDonald, Wendy, Burger King, và Kentucky Fried Chicken, rồi lấy kết quả đem so sánh với nhóm khách hàng ở ngoại ô Newark, New Jersey, nơi luật niêm yết calo chưa có hiệu lực. Nghiên cứu cho thấy 50% khách hàng ở khu vực New York nhận biết việc niêm yết calo. Trong số này có khoảng 28% cho biết các thông tin niêm yết đã ảnh hưởng đến cách họ mua thức ăn. Tuy nhiên, khi các nhà nghiên cứu kiểm tra chi tiết các món ăn trong hóa đơn thì phát hiện ra có sự tăng lên về mức calo trong các món ăn mà khách hàng mua vào hai thời điểm: hai tuần trước khi luật mới có hiệu lực thì lượng calo là 825, con số này tăng lên 846 calo vào tuần thứ tư sau khi luật có hiệu lực ở thành phố New York.

Việc niêm yết calo không phải không hiệu quả – nhờ nó mà ai cũng biết rằng thức ăn nhanh và nước ngọt có nhiều calo. Vấn đề là để thay đổi thói quen ăn uống thì cần làm nhiều hơn chứ không là chỉ giáo dục về dinh dưỡng như niêm yết calo hay đọc nhãn sản phẩm.

Hãy xem một ví dụ khác. Mặc dù bác sĩ luôn nhắc đi nhắc lại về tầm quan trọng của việc dùng kháng sinh đều đặn hàng ngày để trị các loại bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên, nhưng vẫn có nhiều trường hợp bệnh nhân quên dùng thuốc trong quá trình trị liệu. Tỉ lệ bệnh nhân không tuân thủ điều trị được ghi nhận khá cao. Một nghiên cứu thực hiện bởi Bác sĩ P. Kardas trên hơn 30.000 bệnh nhân cho thấy tỉ lệ bệnh nhân không tuân thủ điều trị khi uống kháng sinh là 37,8%.

Chỉ giáo dục không thôi thì không thể làm thay đổi thói quen. Khi tập trung nhiều vào các chi tiết hơn là khái niệm, chúng ta sẽ không thể diễn đạt hết tất cả các khía cạnh. Ví dụ, để làm bài thi toán, nếu nắm vững các khái niệm thì sẽ làm bài tốt hơn là chỉ nhớ các chi tiết. Trường hợp chỉ nhớ các chi tiết mà không nắm khái niệm, nếu gặp đề lạ thì chúng ta không thể làm được bài, và chắc chắn sẽ trượt.

Tương tự như vậy, khi nắm vững cách mà thức ăn ảnh hưởng đến sự đáp ứng tăng insulin, và cách insulin ảnh hưởng đến cơ thể, bạn sẽ có cơ sở để chọn loại thực phẩm không làm tăng mức insulin, nhờ đó bạn sẽ tự do chọn lựa chứ không cần phải ăn cùng món hay phải đến cùng một nhà hàng. Nếu theo chế độ ăn kiêng với thực đơn lập sẵn, bạn có thể rơi vào các tình huống không có thức ăn đúng theo thực đơn. Vậy thì phải làm sao? Vì chỉ học những chi tiết chứ không phải khái niệm, nên trong tình huống này bạn sẽ không thể có câu trả lời, và bạn sẽ phải ăn đồ ngọt hay chất bột đường. Rồi bạn sẽ cảm thấy tội lỗi vì không tuân thủ thực đơn, nên phải trừng phạt chính mình bằng cách nhịn bù trong vài ngày tới. Khi nào tuân thủ tốt, bạn sẽ lại tự thưởng cho mình. Cứ thế, cái chu kỳ thưởng phạt kỳ cục này cứ lặp đi lặp lại.

Hãy xem lại những gì bạn đã học về cơ chế sinh học của việc giảm cân. Ta biết rằng insulin là một hormone quan trọng để giúp đốt chất béo trong Giai đoạn Chủ động. Và như thế bạn sẽ biết cách áp dụng kiến thức này để lựa chọn các loại thực phẩm hạ thấp mức insulin. Trong Giai đoạn Bị động, bạn sẽ tìm hiểu cơ sở khoa học của ngưỡng giảm cân và làm thế nào để vược qua nó nhằm duy trì mức cân nặng mới hay thậm chí tiếp tục giảm cân thêm.

Có thể nói rằng sự hiểu biết đầy đủ về nguyên lý sinh học của việc giảm cân sẽ cung cấp nền tảng vững chắc để đạt được mục tiêu. Nhưng để lựa chọn thực phẩm tốt hơn, bạn cũng cần phải thay đổi cách suy nghĩ về thực phẩm và giảm cân. Bằng cách sử dụng phương thức tâm lý trị liệu hiệu quả gọi là CBT (liệu pháp nhận thức – hành vi), bạn có thể tập để bộ não suy nghĩ khác đi về thực phẩm và giảm cân.

Nếu muốn duy trì cân nặng, và không bị tăng lên hạ xuống như kiểu “con quay”, bạn cần phải thoát khỏi những cám dỗ của môi trường xã hội và thay đổi thói quen ăn uống xấu. Bằng cách điều chỉnh hành vi, bạn sẽ học cách kiểm soát cảm giác thèm ăn và phát triển kỹ năng tạo thói quen ăn uống lành mạnh. (Vấn đề này sẽ được đề cập trong Chương 14 – Bỏ Thói Quen Xấu.)

Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT)

Giờ chúng ta sẽ bàn cụ thể hơn về Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT). Nhà tâm lý học Aaron T. Beck đã phát triển CBT vào năm 1960, với khái niệm chính là suy nghĩ và cảm xúc đóng vai trò cơ bản của hành vi. Vậy phương pháp này sẽ được áp dụng như thế nào để làm thay đổi cách suy nghĩ?

Mỗi người có những trải nghiệm riêng khác nhau, tạo ra nhân cách của mình. Những kinh nghiệm sống này tạo nên niềm tin cốt lõi của bạn. Niềm tin cốt lõi tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến cảm nhận và hành động của bạn vì tinh thần có ảnh hưởng rất mạnh, có thể khiến ta trầm cảm. Nếu bạn thường nghĩ cái gì đó là đủ rồi, bạn sẽ bắt đầu tin điều đó là sự thật.

Steve, một kế toán 45 tuổi với tính cách nhỏ nhẹ, đang bị trầm cảm. Gần đây, anh được xét tuyển vào một vị trí cao hơn trong công ty mà anh rất muốn. Tuy nhiên, vị trí này cuối cùng được trao cho một đồng nghiệp có kinh nghiệm hơn. Rồi từ đó, Steve có một suy nghĩ tiêu cực là “thế giới này là một nơi tồi tệ”, anh tin rằng người đồng nghiệp có âm mưu riêng gì đó ngay cả khi người đó cố gắng cư xử tử tế. Ngoài ra, Steve còn có kiểu suy nghĩ “có tất cả hoặc không gì cả” biểu hiện qua những từ ngữ mang tính tuyệt đối như không bao giờ, luôn luôn, hay mãi mãi. Anh cảm thấy mình luôn luôn thất bại. Anh tin mình sẽ không bao giờ được thăng tiến. Kết quả là Steve bị trầm cảm nặng hơn sau khi mất cơ hội thăng tiến.

Steve quyết định tìm đến trị liệu cá nhân để chữa bệnh trầm cảm của mình. Bác sĩ trị liệu quyết định sử dụng CBT để điều trị. Mục tiêu đầu tiên của Steve là học cách xác định những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực, thứ đã góp phần tạo ra những hành vi không tốt. Trong trường hợp này, Steve xác định niềm tin rằng đồng nghiệp của mình là người xấu, họ có âm mưu riêng. Kết quả là anh không muốn làm việc với họ.

Tiếp theo, bác sĩ trị liệu đã giúp Steve học để thay đổi cách diễn giải những suy nghĩ tiêu cực. Steve sẽ đối diện những suy nghĩ sai bằng cách kiểm tra các bằng chứng ủng hộ hoặc không ủng hộ những suy nghĩ tiêu cực. Sau khi cân nhắc các bằng chứng, anh nhận thấy rằng chúng không hỗ trợ những suy nghĩ tiêu cực. Nhận thức này phủ nhận suy nghĩ tiêu cực của anh, dẫn đến một loạt các thay đổi có ảnh hưởng đến hành vi. Nhờ vậy anh không còn tin là đồng nghiệp đang cố gắng để làm hại mình, và rồi anh trở lại làm việc với họ trong các dự án tương lai.

Thêm vào đó, Steve cũng cần thay đổi cách suy nghĩ có tất cả hoặc không có gì. Đó là hình thức phổ biến nhất của suy nghĩ tiêu cực cản trở việc tự thay đổi. Tư tưởng có tất cả hoặc không có gì của Steve bó buộc anh ta trong các tiêu chuẩn hoàn hảo không thực tế, khiến anh ta không có đủ sức để thay đổi cuộc sống của mình. Thay vì thực hiện các bước nhỏ, Steve cảm thấy bị mắc kẹt, khiến anh càng rơi vào trầm cảm và lo âu.

Để giúp Steve, bác sĩ trị liệu tập trung vào hành vi của anh, yếu tố gây ra các khó khăn. Bằng việc xác định mô hình tư tưởng tiêu cực và thay đổi cách diễn giải những suy nghĩ này, Steve đã học để tìm ra những cách mới giúp thay đổi. Thay vì chờ đợi bước nhảy vọt khổng lồ, anh thực hiện các bước nhỏ hơn và tăng dần để thay đổi hành vi của mình.

Tương tự, bạn cũng có thể gặp những lệch lạc nhận thức về việc giảm cân có thể ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi. Đã bao lần bạn nghe: “Nếu muốn giảm cân, thì chỉ cần ăn ít đi và tập thể dục nhiều hơn”? Bạn đã nghe quá nhiều đến mức tin rằng đây là thực tế chung không thể phủ nhận. Tuy nhiên, bạn đã cố gắng giảm ăn, thậm chí nhịn đói, mà vẫn không thành công. Bạn siêng năng đến phòng tập, mồ hôi đổ trên máy, nhưng không giảm được bao nhiêu. Vậy nếu câu nói trên là đúng thì tại sao bạn không thể giảm cân?

Bạn bắt đầu tin rằng vấn đề là do mình. Bạn thắc mắc có phải mình thiếu quyết tâm hay là thiếu ý chí. Rồi lại tự hỏi liệu mình đã cố gắng đủ chưa hay phải cần được động viên thêm. Bạn càng ngày càng thất vọng và chán nản thêm.

Sự thật là, không ai muốn bị thừa cân hay béo phì cả! Rõ ràng đây không phải là lựa chọn của bạn. Câu nói trên có vẻ ẩn ý rằng việc tăng cân là lỗi do bạn.

Bạn luôn mong muốn được giảm cân. Bạn luôn muốn sống khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng để vui đùa với con cái, cũng như tăng sự hấp dẫn về ngoại hình và cải thiện đời sống tình dục, hay là chứng tỏ mình có sự tự chủ. Tuy nhiên, bạn đang nằm giữa hai trạng thái đối nghịch của mong muốn giảm cân và những khó khăn thực tế. Với suy nghĩ mình thiếu kiểm soát sẽ cách ly bạn ra khỏi những hoạt động bình thường, và lúc đó bạn sẽ tìm đến kem hoặc bánh để kiếm sự thoải mái, rồi sau đó lại cảm thấy tội lỗi vì đã ăn nhiều đường. Đó là một chu kỳ đau khổ lặp đi lặp lại – giảm cân, rồi tăng cân, và sau đó lặp lại một chu kỳ khác. Đây là lý do tại sao rất nhiều người thất bại khi họ cố gắng giảm cân. Đây không phải là cách làm đúng!

Bằng cách sử dụng CBT, bạn có thể thay đổi suy nghĩ tiêu cực này và điều chỉnh hành vi. Cũng giống như việc yêu cầu người ta “suy nghĩ tích cực” nếu muốn vui sẽ không có tác dụng, việc yêu cầu ăn ít hơn và tập thể dục nhiều hơn sẽ không thể giúp giảm cân. CBT sẽ giúp bạn thành công trong việc thay đổi hành vi.

Bước đầu tiên của CBT là xác định những suy nghĩ sai lầm dẫn đến hành vi không tốt. Hãy phân tích thêm câu nói: “Bạn phải ăn ít hơn để giảm cân”. Nghe qua, bạn nghĩ rằng sẽ giảm được cân nặng nếu ăn ít, giả sử chỉ 500 calo một ngày. Điều gì sẽ xảy ra nếu chỉ ăn kem có tổng 500 calo mỗi ngày? Vâng, bạn sẽ có thể giảm cân ngay nhưng việc này cực kỳ nguy hại và rõ ràng là không lâu dài. Bạn sẽ ăn nhiều hơn để thỏa mãn cơn đói. Bạn thấy đó, câu nói này đã dẫn lối để người ta bước vào con đường sai lầm.

Vậy thì bỏ ăn vặt. Hiển nhiên rồi. Giả sử chúng ta chọn đồ ăn lành mạnh và hạn chế tổng lượng calo dung nạp. Và rồi sẽ giảm cân, đúng không? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn ăn khoai tây, bắp, củ cải, dưa hấu, dứa hay chuối? Các loại thức ăn này đều lành mạnh. Vì vậy, bạn sẽ giảm cân chứ? Không, bởi vì các thức ăn này có chỉ số đường huyết (GI) và lượng đường cao. Nếu xem xét kỹ suy nghĩ sai lầm này, bạn sẽ thấy rằng suy nghĩ theo cách mơ hồ về việc “ăn ít” hoặc “ăn lành mạnh” sẽ không đưa chúng ta đi đúng hướng.

Vậy thì bạn sẽ thay đổi như thế nào đối với suy nghĩ sai lầm về ăn ít hoặc ăn lành mạnh? Gốc rễ của giảm cân là gì? Chính là giảm insulin. Nếu thay đổi suy nghĩ từ việc ăn ít hơn sang việc giảm insulin, thì bạn chỉ cần xem xét khả năng thực phẩm gây tăng vọt insulin hay không. Bạn không cần phải kiểm tra xem thực phẩm có calo cao hay thấp, tốt hay xấu, lành mạnh hay không.

Để đơn giản, bạn chỉ cần nhìn nhận thực phẩm theo khía cạnh insulin: Nó có làm tăng insulin không? Nếu tăng, nó sẽ khiến cơ thể bạn dự trữ chất béo. Nếu giảm, cơ thể bạn sẽ đốt chất béo. Đây là một thực tế khoa học! Căn cứ theo khoa học, chúng ta có thể loại bỏ các suy nghĩ mang tính tình cảm về tốt xấu, đúng sai, có tất cả hoặc không có gì. Hãy nhớ rằng, suy nghĩ có tất cả hoặc không có gì là hình thức phổ biến nhất của suy nghĩ tiêu cực gây nhiều cản trở, ngăn cản ta thay đổi hành vi.

Bằng cách phân chia thực phẩm muốn ăn vào năm nhóm và đánh giá theo khía cạnh insulin, kỹ thuật này giúp Bạn thực hiện các bước tiến nhỏ, tăng dần để thay đổi cách ăn, ngày qua ngày, bữa này qua bữa khác. Bạn sẽ không còn xem giảm cân là một số bước tiến khổng lồ phải vượt qua, bởi cách này quả là đáng sợ! Bạn không nên gắn cảm xúc tiêu cực vào hành động vì như thế rất chán! Tại mỗi bữa ăn, bạn sẽ chia các món đang ăn vào nhóm đồ ngọt, ngũ cốc, trái cây, rau củ hay chất đạm. Sau đó, hãy xem các loại thực phẩm này có làm tăng insulin hay không. Tất cả các việc này chỉ đơn giản là nhờ vào suy nghĩ theo khía cạnh insulin. Sau thời gian ngắn, bạn sẽ rất rành trong việc phân nhóm món ăn và sẽ biết chính xác món nào làm tăng insulin và món nào không.

Shelly, 46 tuổi, một phụ nữ năng động, đến phòng khám Lorphen Medical cùng chồng là Dennis. Với chiều cao 1,77m thì cân nặng 85kg là hơi thừa. Cô tâm sự rằng sẽ thấy thoải mái nếu cân nặng vào khoảng 63kg. Do căng thẳng từ công việc kinh doanh bảo hiểm, cô đã lên cân trong vài năm qua. Trong lần gặp đầu tiên với chúng tôi, Shelly rất tò mò với nguyên lý khoa học của insulin, nhưng cô đâm ra cụt hứng khi chúng tôi nói về đồ ngọt. Mắt cô như trống rỗng đầy hoài nghi khi thì thầm: “Bác sĩ muốn nói là tôi phải bỏ đồ ngọt sao? Tôi sẽ không bao giờ có thể uống cà phê không đường”.

Những từ có ý nghĩa tuyệt đối như không bao giờ là con đường đưa đến suy nghĩ tiêu cực theo kiểu có tất cả hoặc không có gì. Để thay đổi suy nghĩ này thì cần phải giúp Shelly hiểu rằng kiểu dùng từ như vậy là có vấn đề. Tuy nhiên, nếu phản kháng quá mạnh và thiếu đồng cảm thì Shelly có thể từ bỏ. Vì vậy, đầu tiên tôi thừa nhận rằng uống cà phê không đường có thể không ngon lắm, và sau đó hỏi với giọng ủng hộ: “Liệu có quá không nếu nói rằng chị sẽ không bao giờ có thể uống cà phê không đường?” Bằng cách đặt nghi vấn với suy nghĩ có tất cả hoặc không có gì, Shelly thừa nhận rằng cô có thể làm được, nhưng không muốn vì “cà phê không đường rất kinh khủng”.

Đã có bước tiến đáng kể khi Shelly thừa nhận rằng cô làm được, chỉ là không muốn! Đến lúc này đã xuất hiện khả năng thay đổi trong cách nghĩ của cô từ “không bao giờ” đến “có thể”.

Tiếp theo, tôi hỏi, “Mục tiêu của chị là gì?”

Cô cho biết cô muốn giảm cân và khỏe mạnh hơn.

Tôi thêm vào: “Chị sẽ thấy thế nào nếu đốt được tất cả lượng chất béo thừa?”

“Thế thì quá tuyệt vời,” cô trả lời. “Đó chính là điều tôi muốn.”

“Vậy điều gì sẽ xảy ra khi ta để mức insulin tăng lên?”

“Cơ thể sẽ dự trữ chất béo,” cô nói.

“Đường có làm tăng insulin không nhỉ?”

“Chắc chắn là có!” cô nói với vẻ tự tin lớn hơn nhiều so với lúc đầu.

Lúc này Shelly đã có thể liên kết đường trong cà phê với việc tăng insulin, và cô đã tự quyết định. Nếu muốn đạt được mục tiêu, cô sẽ phải hạ thấp mức insulin, đồng nghĩa với việc phải chấp nhận uống cà phê không đường.

Từ cuộc trao đổi này bạn có thể thấy rằng, chúng tôi không đề cập gì đến “tốt” hay “xấu”, “đúng” hay “sai”. Đây là những tính từ thể hiện cảm xúc cực đoan thường gặp trong các chế độ ăn kiêng hà khắc. Tại sao đường trong cà phê lại là “xấu” hay “sai”? Trong thực tế, cho đường vào cà phê sẽ làm cho hương vị cà phê “tốt” hơn thì tại sao lại nói là “xấu”? Bạn thấy đấy, những từ này có rất nhiều ý nghĩa khác nhau, và nó khiến người ta xao nhãng đối với nội dung quan trọng nhất là: Giảm insulin.

Cuộc hành trình của Shelly giúp cô đạt được trọng lượng mong muốn là 64kg sau 8 tháng. “Tôi không muốn đếm chất bột đường”, cô chia sẻ. “Thinsulin là liệu pháp dễ thực hiện hơn bởi vì nó dạy nguyên tắc khoa học. Bây giờ tôi nhìn nhận thực phẩm hoàn toàn khác”.

Khi bạn chuyển sang Giai đoạn Bị động, CBT sẽ được sử dụng để giúp thay đổi các nhận thức lệch lạc có thể cản trở tiến bộ trong hành trình giảm cân. Chúng tôi sẽ giải quyết các lệch lạc nhận thức ở chương Giai đoạn Bị động.

Bạn có thể hỏi: “Nếu tôi đốt được chất béo bằng cách giảm insulin, thì tại sao tôi không thể ở Giai đoạn Chủ động này mãi mãi?” Bởi vì tới một mức nào đó, cơ thể bạn sẽ chống lại sự mất cân bằng và sẽ không xuống cân được nữa. Đó là ngưỡng giảm cân, không thể giảm thêm. Đây là điểm phân chia hai giai đoạn và bạn không thể thay đổi cơ chế sinh học của cơ thể, nên sẽ bước vào Giai đoạn Bị động. Mục tiêu của bạn trong vòng ba tháng tiếp theo là tăng insulin từ từ trong khi vẫn duy trì cân nặng.

Nếu cần giảm cân tiếp sau Giai đoạn Bị động, bạn có thể thực hiện Giai đoạn Chủ động một lần nữa để hạ insulin và đốt chất béo. Ở Chương 10, bạn sẽ được biết lý do tại sao cần phải tăng mức insulin của trong Giai đoạn Bị động để vượt qua ngưỡng giảm cân.

Nếu đã hài lòng với mức cân nặng mới, bạn sẽ chuyển sang mục tiêu duy trì trọng lượng bằng cách tập trung nhiều hơn vào các vấn đề tâm lý và hành vi. Bạn sẽ được học các kỹ năng mới bằng cách áp dụng CBT và thay đổi hành vi để tránh những cạm bẫy có thể gây tăng cân trở lại.

Trong suốt hành trình giảm cân, bạn sẽ học nhiều khái niệm khác nhau, từ sinh lý học của insulin đến tâm lý học của CBT. Nếu việc học “cách câu cá” là quan trọng, thì bạn chính là người cần tìm hiểu nhiều nhất.

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Thinsulin giảm cân và đẹp dáng suốt đời Chương 9 THAY ÐỔI SUY NGHĨ

Có thể bạn thích