Thiên Nga Đen
Chương 19: 50/50 Hay Cách Để Cân Bằng Với Thiên Nga Đen

MỘT NỬA CÒN LẠI ■ HÃY NHỚ VỀ APELLES ■ KHI VIỆC NHỠ TÀU CHẲNG CÓ GÌ LÀ “GHÊ GỚM”

Đã đến lúc nói vài lời cuối cùng.

Thời gian của được chia làm hai nửa, tôi là người cực kỳ hoài nghi, còn nửa kia duy trì các trạng thái ổn định với một thái độ hết sức bướng bỉnh. Dĩ nhiên, tôi là người hoài nghi cực độ trong khi người khác, đặc biệt những người tôi gọi là phàm phu tục tử, đều cả tin, và tôi trở nên cả tin khi người khác hoài nghi. Tôi hoài nghi về sự chứng thực - dù chỉ khi các sai sót khiến phải trả giá đắt - chứ không hoài nghi về sự phản chứng thực. Việc có nhiều dữ liệu sẽ không tạo ra sự chứng thực, nhưng một ví dụ đơn giản có thể phủ nhận sự chứng thực đó. Tôi hoài nghi khi không tin vào sự ngẫu nhiên dữ dội, và cả tin khi cho rằng sự ngẫu nhiên đó ôn hòa.

Một nửa thời gian, tôi ghét các Thiên Nga Đen, nửa còn lại, tôi yêu chúng. Tôi thích sự ngẫu nhiên nào tạo ra cuộc sống tốt đẹp, những tai nạn tích cực, thành công của họa sỹ Apelles, những món quà mà bạn không phải trả tiền để có được. Ít người hiểu được vẻ đẹp trong câu chuyên về Apelles; trên thực tế, hầu hết mọi người đều né tránh sai sót bằng cách đè nén cái Apelles đó bên trong mình.

Một nửa thời gian, tôi là người làm việc rất bảo thủ, nửa còn lại, tôi cực kỳ xông xáo. Có vẻ như đây không phải là trường hợp ngoại lệ, trừ khi tính bảo thủ đó của tôi được áp dụng cho những gì mà mọi người gọi là chấp nhận rủi ro, còn sự xông xáo được áp dụng cho những lĩnh vực cần thận trọng.

Tôi không lo lắng nhiều về những thất bại nhỏ mà về những thất bại lớn, đặc biệt những thất bại mang tính kết thúc. Tôi lo lắng về thị trường cổ phiếu “đầy hứa hẹn”, đặc biệt các cổ phiếu blue chip “an toàn”, nhiều hơn so với các đầu tư mạo hiểm - cái thứ nhất hiển thị nhiều rủi ro vô hình, còn cái thứ hai không có gì bất ngờ vì bạn biết chúng biến động như thế nào và có thể giới hạn thiệt hại bằng cách đầu tư những khoản tiền nhỏ hơn.

Tôi không lo lắng lắm về những rủi ro đã được thông báo và mang tính giật gân, nhưng lại lo lắng nhiều về những rủi ro tiềm ẩn dữ dội hơn. Tôi không lo lắng nhiều về khủng bố nhưng lại lo lắng về bệnh tiểu đường, không lo nhiều về những vấn đề mà mọi người thường lo lắng vì chúng là những thứ rõ ràng, nhưng lại rất không yên tâm về những vấn đề nằm ngoài ý thức và tranh luận thông thường của chúng ta (tôi cũng phải thú nhận rằng mình không mấy khi lo lắng, chỉ cố gắng quan tâm đến những vấn đề mình có thể làm được điều gì đó). Tôi chỉ lo mình bỏ lỡ cơ hội chứ không lo bị bẽ mặt.

Cuối cùng, đây là một quy tắc không quan trọng trong việc ra quyết định: tôi rất xông xáo khi được tiếp xúc với các Thiên Nga Đen tích cực - khi một thất bại chỉ diễn ra trong chốc lát - và rất thận trọng khi bị đe họa bởi một Thiên Nga Đen tiêu cực. Tôi rất xông xáo khi sai sót trong một mô hình có thể làm lợi cho mình, và trở nên hoang tưởng khi sai sót đó có thể gây tổn thương. Có thể điều này chẳng có gì thú vị cho lắm ngoại trừ một điều nó chính là những gì mà người khác không làm. Ví dụ, trong lĩnh vực tài chính, người ta sử dụng các lý thuyết hời hợt để quản lý rủi ro của mình và xem xét một cách “có lý trí” các ý tưởng hoang dại.

Nửa thời gian, tôi là có khả năng trí óc, nửa còn lại tôi là người thực tế biết lý lẽ. Tôi thực tế và biết lý lẽ trong những vấn đề học thuật, và có trí óc khi liên quan đến thực tiễn.

Nửa thời gian, tôi là người nông cạn, nửa còn lại, tôi muốn tránh né sự nông cạn đó. Tôi nông cạn khi có liên quan đến mỹ học, và tránh nông cạn trong bối cảnh rủi ro và lợi nhuận. Tính thẩm mỹ buộc tôi ưu tiên cho thơ ca hơn văn xuôi, tiếng Hy Lạp hơn tiếng La Mã, phẩm cách hơn sự tao nhã, tao nhã hơn văn hóa, văn hóa hơn sự uyên bác, sự uyên bác hơn kiến thức, kiến thức hơn trí tuệ, và trí tuệ hơn sự thật, nhưng chỉ đối với những vấn đề không mang yếu tố Thiên Nga Đen. Chúng ta có xu hướng rất lý trí, ngoại trừ trường hợp có liên quan đến Thiên Nga Đen. Nửa số người tôi biết gọi tôi là kẻ bất kính (bạn đã đọc những lời bình luận của tôi về các giáo sư theo chủ nghĩa Plato), nửa còn lại gọi tôi là nịnh hót (bạn đã thấy sự sừng bái mù quáng của tôi đối với Huet, Bayle, Popper, Poincaré, Montaigne, Hayek, và nhiều người khác).

Nửa thời gian, tôi ghét Nietzche, nửa còn lại tôi yêu văn của ông.

KHI VIỆC NHỠ TÀU CHẲNG CÓ GÌ LÀ “GHÊ GỚM”

Một lần nọ, tôi nhận được một lời khuyên làm thay đổi cuộc đời mình. Không giống với lời khuyên mà tôi nhận được từ một người bạn như đã nói ở chương 3, lời khuyên lần này sáng suốt, có thể áp dụng được, và có giá trị thực nghiệm. Nhà tiểu thuyết tương lai Jean Olivier Tedessco, bạn cùng lớp của tôi ở Paris, đã tuyên bố “không chạy theo tàu hỏa” khi ngăn tôi đuổi theo một chiếc tàu điện ngầm.

Hãy “hất mặt” với số phận. Tôi đã tự bảo mình sẽ không chạy theo lịch biểu. Có lẽ đây là một lời khuyên nhỏ nhưng có tác động lớn. Khi không còn chạy theo tàu hỏa, tôi đã cảm nhận được chân giá trị của sự tao nhã và mỹ học trong hành vi, một cảm giác tự làm chủ thời gian của mình, kế hoạch của mình và cuộc đời mình. Việc nhỡ tàu chỉ trở nên “ghê gớm” khi bạn cố tìm cách đuổi kịp nó! Tương tự, việc không hoàn thành ý tưởng mà người khác kỳ vọng ở bạn sẽ chỉ gây đau đớn khi nó là thứ bạn đang tìm kiếm.

Bạn đứng trên cuộc chiến quyết liệt và trên hệ thống cấp bậc xã hội, chứ không phải đứng ngoài nó, nếu chủ ý làm thế.

Việc từ bỏ một vị trí được trả lương hậu hĩnh (nếu đó là quyết định của bạn) có vẻ như là phần thưởng đáng hài lòng hơn so với lợi ích của số tiền có được từ việc làm đó (điều này có vẻ điên rồ nhưng tôi đã thử và nó đã có tác dụng). Đây là bước đầu tiên để những kẻ khắc kỷ “ném” vào số phận một từ gồm bốn chữ cái. Bạn sẽ có nhiều quyền kiểm soát cuộc sống của mình nếu quyết định dựa theo các tiêu chí mà mình đề ra.

Mẹ Thiên Nhiên đã ban cho chúng ta một số cơ chế phòng thủ: như trong truyền thuyết Aesop, một trong số các cơ chế đó là việc xét đến khả năng những quả nho chúng ta không thể với tới chính là những quả chua. Nhưng một người khắc kỷ thậm chí còn thấy việc coi thường và chối bỏ những quả nho đó là việc làm đáng tưởng thưởng. Hãy là người năng nổ, hãy là người dám từ chức nếu có can đảm làm thế.

Sẽ rất khó khăn để trở thành kẻ chiến bại trong cuộc chơi mà bạn đặt ra cho chính mình.

Theo thuật ngữ Thiên Nga Đen, điều này có nghĩa là bạn chỉ “phơi nhiễm” với những thứ có xác suất cực nhỏ khi để nó điều khiển mình. Bạn luôn kiểm soát những gì mình làm; vì thế hãy tự quyết định hoàn cảnh của mình.

Phần 4: PHẦN KẾT

Nhưng toàn bộ những ý tưởng này, toàn bộ triết lý về phương pháp quy nạp này, toàn bộ các vấn đề về kiến thức này, toàn bộ các biến cố dữ dội này, và các tổn thất đáng sợ này, tất cả đều trở nên tầm thường trước sự cân nhắc mang tính siêu hình sau.

Đôi khi, tôi lấy làm ngạc nhiên về cách mọi người trở nên đau khổ hay tức giận vì không được ăn ngon, bị từ chối hay bị đối xử khiếm nhã. Hãy nhớ lại phần thảo luận của tôi ở Chương 8 về khó khăn trong việc nhìn thấy khả năng thật sự của những biến số có thể điều khiển cuộc sống của chính mình. Chúng ta mau chóng quên rằng chỉ cần được sống đã là một cơ hội, một điều kỳ diệu mà không phải ai cũng may mắn có được.

Vì thế, đừng lo lắng vì những chuyện không đâu. Đừng hành động như một kẻ vong ơn bội nghĩa và lo lắng về chút rêu mốc mọc trong nhà tắm. Đừng hoài nghi những gì mình đang có - hãy nhớ rằng bạn chính là một Thiên Nga Đen. Và xin cảm ơn bạn đã đọc cuốn sách này.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Thiên Nga Đen Chương 19: 50/50 Hay Cách Để Cân Bằng Với Thiên Nga Đen

Có thể bạn thích