Tay Không Gây Dựng Cơ Đồ
Chương 18: Phát triển bền vững

Tôi rất tâm đắc với câu nói của Mahatma Gandi, người được cả thế giới ngưỡng mộ, rằng: “Ở đâu có tình yêu, ở đó có sự sống”. Con người có thành đạt hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố theo luật nhân quả, trong đó, có điều rất quan trọng là sự rộng lượng, giúp đỡ và chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình.

Khi chúng ta nhận thức chính xác “con người” của mình thì mọi hành động sẽ trở nên đúng đắn. Điều gì đem lại sự thanh thản trong tâm hồn thì nên làm, điều gì gây cho mình sự bất an thì nên tránh.

Trong suốt cuộc đời của mỗi người, học tập là điều không bao giờ chấm dứt, giống như hơi thở đi theo chúng ta cho đến chết. Khi gặp những điều tốt đẹp, chúng ta nên đi sâu phân tích để nhận ra bản chất của chúng và đem vận dụng vào công việc cũng như trong cuộc sống riêng của mình.

Mặc dù đạt được sự thành công bước đầu, nhưng tôi không bao giờ ngừng học hỏi, tìm kiếm những điều mới mẻ cho cuộc sống của mình. Tôi luôn nhìn xung quanh cả về trước mắt cũng như lâu dài xem điều gì có ích để vận dụng vào công việc của mình hay không. Chẳng hạn việc sát sườn là quản lý điều hành công ty theo kiểu của người Nhật.

Từ những câu chuyện thành công của rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản trong Khu Công nghiệp Amata mà chính mắt tôi đã nhìn thấy, điển hình như Công ty Toyota, tôi thấy có nhiều điều đáng học tập ở họ từ vai trò của người lãnh đạo, quản lý công ty, tư duy quản lý hay có thể gọi là “tính hệ thống”.

Chẳng hạn, điều thứ nhất, đó là sự tăng trưởng liên tục từng bước trong suốt mười năm qua; thứ hai, Toyota là một công ty tăng trưởng bền vững, vì sự mở rộng kinh doanh của họ là dựa trên cơ sở lợi nhuận thu được qua từng năm; thứ ba, Toyota không ngừng nghiên cứu cải tiến để tạo ra sản phẩm mới có chất lượng cao hơn và giá thành thấp hơn, dẫn đến luôn có nhiều loại ô tô mới ra đời, chất lượng tốt hơn nhưng giá giảm xuống, đồng thời giao hàng nhanh và đúng hạn.

Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế 1997, Toyota là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng ít nhất và vẫn tiếp tục mở rộng kinh doanh, điều đó chứng tỏ cơ cấu tổ chức của công ty rất vững mạnh cả về tài chính lẫn quản lý. Nhưng Toyota cũng đang chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế 2009, trong khi hai công ty khổng lồ của Mỹ là GM và Chrysler bị phá sản phải đóng cửa.

Nếu doanh nghiệp nào cũng được tổ chức và quản lý tốt như Toyota thì có thể nói họ đã giảm được một nửa gánh nặng khi xảy những biến động “không thể lường trước” trong tương lai. Chính điểm này làm tôi phải suy nghĩ, vì tôi không muốn doanh nghiệp của mình cũng giống như các công ty bất động sản xây dựng các khu căn hộ, sau khi bán xong các căn hộ là kết thúc dự án không có nguồn thu nhập tiếp tục, còn dự án “Amata” xây dựng nên những “thành phố hoàn hảo” mang nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn thế.

Mô hình quản lý các thành phố khu công nghiệp này về cơ bản cũng giống như mô hình quản lý các thành phố lớn, nghĩa là chúng tự phát triển mà không hoàn toàn phụ thuộc vào “nhà quản lý”, nhưng chúng phải gắn liền với “hệ thống” đã có.

Nếu muốn “Amata” phát triển bền vững, tôi cần có chiến lược và kế hoạch phát triển như thế nào? Thứ nhất, Amata không được nợ nhiều, hay không nợ càng tốt, và phải có đủ tiền mặt cho việc mở rộng kinh doanh của mình. Thứ hai, tăng trưởng lãi ròng hàng năm ít nhất phải từ 10-30%. Thứ ba, phải có loại hình kinh doanh phụ ngoài lĩnh vực xây dựng khu công nghiệp, và phải bảo đảm trong trường hợp việc bán lại đất trong khu công nghiệp chấm dứt (dù với bất cứ lý do nào) thì Amata vẫn có thể tiếp tục tồn tại và phát triển được (nhờ các loại hình kinh doanh khác trong khu công nghiệp).

Sau đó là vạch ra mục tiêu, kế hoạch cụ thể để thực hiện nhằm hướng đến mục tiêu lâu dài là xây dựng “Thành phố hoàn hảo” (The Perfect City). Tôi có nhiệm vụ làm cho toàn thể nhân viên trong công ty, khách hàng và tất cả những ai quan tâm khi nghe điều đó sẽ hiểu ngay Amata muốn gì.

Để thực hiện nguyên tắc kinh doanh coi trọng chất lượng sản phẩm với giá cả hợp lý thì hoạt động quản lý có ý nghĩa rất quan trọng. Chẳng hạn, nhà máy điện khí thiên nhiên và nhà máy cấp nước của Amata phải có chất lượng tốt hơn và giá rẻ hơn nơi khác, tạo ra hệ thống liên hoàn khép kín theo yêu cầu của khách hàng cần giảm chi phí đầu vào và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khu dân cư và các nhà máy.

Tôi cần phải làm gì nếu muốn doanh nghiệp của mình không ngừng phát triển bền vững? Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2009 sẽ là một thử thách nữa cho thấy “Amata” có thực sự là “bất diệt” hay không…

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Tay Không Gây Dựng Cơ Đồ Chương 18: Phát triển bền vững

Có thể bạn thích