Tập truyện ngắn Tô Hoài
Con cua tám cẳng...

Ông lão đang ngồi lơ mơ. Bỗng thoáng một cái gì đụng đậy ngoài sân đất. A, con cua, con cua bò lổm ngổm dưới bờ ao lên. Lại một con nữa. Hai con cua, cái càng giơ lêu ngêu. Ngoài đồng bây giờ chẳng có bóng một con cua. Người ta bỏ cái thuốc sâu, như thuốc mối thuốc mọt ấy mà, đến thằng nhện nước loăng quăng cũng chết mất giống. Những con cua sống sót này ranh ma thế. Nó khôn bằng mấy người già đấy, biết chạy chết vào các ao trong làng.

Ông lão cúi ngắm nghía con cua đồng như chưa trông thấy con cua bao giờ. Cái càng cua huơ lên định quắp. Con cua tám cẳng hai càng, một mai hai mắt rõ ràng con cua. Con cua có tám cẳng, con cua đến lắm chân. Cứ đương bò ngang con cua lại bò dọc, hu ríu chẳng chân nào bảo được chân nào. Phải rồi, cho nên người đời mới mắng nhau: Ngang như cua, ngang như cua bò.

Chẳng phải đứa nào đâu xa, bà lão nhà này vẫn nhiếc tớ, tớ chỉ được cái nói ngang, ngang như cua. Chẳng biết bà lão hay lẩm bẩm về tớ như thế từ bao giờ. Ở với nhau cả đời, sao mà cứ ngày lại thấy ra một cái tật, một cái chẳng hay ho ra làm sao. Bà lão bảo lão ngang như cua, lão chỉ thấy cái miệng bà lão nói dối dựng đứng. Nó đi chợ về, nó bảo nó ra bến. Nó ngỡ nếu nói là đi chợ thì lão này lại cho là bà lão đi chợ ăn quà. Không biết lão có nghĩ thế không, nhưng lão đoán có phần có khi đúng, không phải lão ngang như cua.

Thế là lão bực, lão dúi một cái. Bà lão ngã ngồi xuống. Nhưng bà lão đã nhổm lên, đẩy ông lão một cái ông lão lăn chiêng ra, hay là ông lão nằm ăn vạ ông lão quờ quạng như con cua bò thế rồi lại rên phè phè như con rắn hổ mang.

Bà lão lập cập bước ra ngõ, nói trống không:

- Đứt đuôi con nòng nọc, đứt đuôi con nòng nọc, từ đây cơm ai người nấy ăn.

Mấy hôm sắp trở trời hay sao, cái mảnh mìn giắt trong bắp chân làm ông lão lại nhức nhối. Ông lão được trợ cấp thương tật, nhưng có đứa bảo đấy là ngày trước tại lão đi vô ý giẫm phải. Không biết mìn ta hay mìn Tây, ông không cãi lại với ai bao giờ. Chỗ ấy là ven đường thằng Tây qua lại, chỗ nào Tây gài mìn thì đấy là mặt trận, có là du kích cảm tử như tao mới dám ra đấy biết chưa. Bà lão dỗi thật. Cả ngày hôm sau, cái bếp im ắng. Đúng là bà lão dỗi thật rồi. Mặc kệ. Có lúc ông lão muốn lên tỉnh chơi với thằng giáo. Nhưng mới nghĩ đến nó, ông lão đã bực mình. Trẻ con bây giờ hỗn. Đời ông, cầm súng cũng có, cầm cuốc cũng có, ông chẳng phải đi học trường thấp đẳng, cao đẳng gì cả. Nhưng cái gì ông cũng biết, cái gì không đúng “quy lát” cũng không qua được mắt ông. Mày cậy mày có đôi ba chữ, mày cũng bảo ông nói ngang như cua. Mày bảo ông im đi, ông đừng nói nữa. Con nhà láo đâu mà láo thế. Cái con mẹ mày cả đời chỉ biết dựa cột cũng vào hùa với mày. Chúng mày ếch ngồi đáy giếng thì có. Mẹ mày bảo từ giờ mỗi người một niêu. Ông sợ gì. Ông lên nhà thương nhà nước trên huyện ông ở cho mà xem. Ông có sổ ốm, ông đi bệnh viện lúc nào cũng được. Nhưng mà ông cũng nghĩ doạ chúng nó thôi, có bần cùng mới đến cái chỗ chứa người bệnh, người chết cho nó ốm đau sầu não người ra.

Ông cũng có việc của ông. Đến mùa hanh hao, ông đi mua những cây tre chết dóc. Tre ấy chẳng bán thì cũng đẵn bỏ cho măng mọc, người ta bán như cho không. Ông vác tre về, chặt từng đốt, ngâm bùn phơi rồi chẻ ra vót đũa cả, đũa quấy bánh đúc. Cái tre chết dóc, lại tre cật, trông đôi đũa chưa gác bếp đã muốn mua rồi, mà nhà nào cũng phải có đũa, có đũa cả, chưa dùng đến thì cũng cắm vào rọ cho đẹp bếp, đẹp chạn, cho vẻ nllà phong lưu. Nó là cái đũa cả, đũa đầu họ nhà vua bếp. Ông chỉ vót đũa cả. Cả chợ gọi ông là cụ “đũa cả” ông cười.

Chẳng qua ông lão nghĩ ồn ào thế chứ anh giáo có dám láo, hỗn gì với cụ đâu. Anh giáo chỉ ngượng mỗi cái gì ông cũng bảo ông biết, ai cắt nghĩa ông cũng có ý kiến. Cái rađiô, cái truyền hình ấy a, chỉ hơn được là trông thấy cái thằng người chứ nó cũng ở cái galen mà ra. Chỉ được cái không phải dựng cây tre ngoài sân, không lo bị sét đánh, chứ nó cũng eo éo thế thôi, có gì đâu... Hội hè à, ngày trước, ông mà đi hội Lim ấy a, con gái Lim có mà theo ông hàng đàn. Chúng mày bảo tham ô là thế nào, đứa nào cầm tiền trong tay chẳng muốn tiêu, ngày xưa việc vua quan việc thằng Tây cũng vậy thôi. Ông đã bảo mà.., mày thấy tao nói cái gì không đúng. Ông không biết à? ông biết tất... Rồi cả mấy hôm nay không có khói bếp. Cơ mà bà lão bỏ bếp thật. Thế thì ông đi. Ông đi cho mà biết tay cho mà thấy là ông đi đâu cũng được. Nhưng ông không lên nhà anh giáo trên tỉnh. Ông lại lên bệnh viện. Cái sổ ốm của ông lão và cái chân ông đau, cả hàng huyện người ta đã quen mặt, quen bệnh ông rồi. Từ hôm lên đây lão không nhắn thằng giáo, nó không biết mà về thăm ông đã đành, nhưng cũng không thấy mặt bà lão. Thế là ra sao nhỉ, ông mà có thế nào ở đây, ông mà chết ở đây cho chúng mày trắng mắt ra. Ông lão nói quở mình thế, nhưng mấy hôm nay ông lão cũng ê ẩm cái chân thật. Có người thấy ông vắng nhà, hỏi thì bà lão nói: “Ông lão đi ăn cơm hà nước rồi”. “Ông ấy đi ăn cơm tù hay sao mà cơm nhà nước ạ?”. Biết người ta trêu, nhưng bà lão cũng chửi: “Quân này xấc nào? Nhà nước mời ông ấy lên trên nhà thương, không phải chuyện đùa đâu” - “À ra thế... Thế thì bà cũng lên huyện ăn cơm nhà thương một thể, tội gì!” – “Ăn cơm nhà thương ghê chết được”.

Bề ngoài thì cứ như thờ ơ, như đủng đỉnh, chả biết ông bà khinh khỉnh với nhau từ bao giờ. Cái lúc còn trẻ chẳng biết thế nào, mà lúc còn trẻ bao nhiêu chuyện, thì nói làm gì. Vả chăng, ông lão ba hoa cứ ba hoa ông lão vẫn vót đũa bán được tiền, bà lão chỉ để ý có thế. Rồi đôi khi ông lão hay vặc nhau với thằng giáo trên tỉnh về - nhưng thằng giáo mà giảng giải, mà đưa tiền biếu, lão cũng im. Nhiều lần như thế bà lão mới nhận ra quả là ông lão hay nói ba hoa như tướng thế mà cái số ông lão sướng. Ông lão là tướng xó nhà. Nhưng bà lão không như thằng giáo, mà bà lão thấy ông trái mười mươi cũng chẳng biết nói thế nào, bà lão im, bà lão nhịn. Cái khó chịu nhau lịm vào trong từ bao giờ.

Ừ cứ để nằm như con gà rù ở đấy vài hôm cho bớt rác tai. Bà lão bảo thế, nghĩ thế nhưng rồi cũng sốt ruột. Buổi chợ hôm ấy có người dưới bãi đem lên chợ bán cái mía bãi mềm và ngọt. Bà lão mua hai cây.

Chốc nữa tan chợ, tạt sang bệnh viện.

Bấy giờ ông lão vẫn đứng nhìn con cua ở ngoài sân. Ông đi bắt cua từ thuở bé, mà cũng không bao giờ tẩn mẩn nhìn con cua như hôm nay. Những cái chân cua, càng cua líu, ríu xô ngang đằng này, xô dọc đằng kia, tám cái mỗi cái một phách làm cho cái mai cua cứ xoay ngang xoay dọc. Buồn cười đấy Nhưng mà cái thằng giáo bảo ông ngang như cua thì không được. Con cua là con cua, con cua bò ngang con cua bò dọc, thì nó là con cua chứ nó có phải là ông đâu.

Ông lão đã ra ngoài thềm, ngồi xuống, tay cầm cái túi nilông. Con cua bò nghênh càng lên định cắp, ông lão chộp chộp.., hai ngón tay nhón xuống, nhấc mai con cua, ông lão thấy ông vẫn nhanh vẫn thạo chẳng khác ngày trước đi bắt cua ngoài đồng. Ông lão đã nhón được mấy con cua bỏ vào túi. Những chân cua quào quào trong cái giấy bóng mà không leo lên được. Còn ở khe gạch thập thò mấy con cua nữa. Ông nhấc gạch bắt nốt. Chốc nữa, ông xuống nhà bếp. Hái vài cái rau dền cơm, thế là được bát canh cua ngọt. Hay là đem nướng ăn chơi, cua nướng chấm muối nhắm rượu, nghe cũng được đấy

Bên kia bờ ao, thoáng bóng người đi vào. Hình như trên tỉnh người ta sắp về khám, cho nên nhà thương đã đuổi không cho đám người nhà thổi cơm ngoài hiên, lại che mắt cán bộ đem chậu vôi quệt trắng nham nhở lên những góc tường ám khói bếp. Thôi, nghỉ tay cái đã. Ngộ nhỡ các cô y tá vào, thấy ông bắt cua phê bình ông “đau chân mà đi bắt cua, cụ khỏi rồi ạ” rồi bảo ông bác sĩ cho ông đem sổ ốm về thì rầy rà. Ồi, mà cũng phải ngả dưng. Chỉ cúi xuống nhặt con cua mà cái sống lưng đã lục cục tê tê như bị ai dằn xuống.

Ông lão nghiêng đầu nhìn ra. Người nào lù rù đi vào như cái bà lão đụn rạ nhà mình. Không, không phải. Nhận ra người nào, nhận ra ai rồi. Cái bà lão ngày trước ở dưới bãi đây mà, chỉ thoang thoáng cũng nhận nhau ngay. Thuở con gái, ả này mê mình, mê tơi, đã thề không lấy được nhau thì nhảy xuống sông trẫm mình, thì uống dấm thanh thuốc phiện mà chết. Thế rồi mỗi người lại đi một ngả. Cho đến bây giờ, dường như đã quên nhau. Bây giờ làm sao lại biết ta ở đây mà mò vào. Vào đây có việc hay là bà lão thăm ai, nhưng mà ông lão cứ bỗng nhiên thấy mình như ngày xưa, như ngày xưa. Đằng ấy biết tớ ở đây, ư, gái phải hơi trai như thài lài gặp cứt chó, đi đâu cũng đánh hơi được Thánh thiên tử thật. Mà đã bao nhiêu năm nay ai biết ai thế nào, nó đi lấy chồng xa tận đâu, tít tận đâu chẳng biết. Ông lại càng thấy ông đương trở về ngày trước. Mày đến chấp chới tao.

Thế đấy... Thế đấy...

Bà lão đã bước lên thềm.

- Ông đấy à?

Bà lão cất tiếng trước. Ông lão làm như bây giờ mới nhìn ra và im lặng, ông lão thật thấy bà lão nhưng bởi vì cái giọng rè rè của người già lại làm cho cái thuở trẻ mơ hồ kia nhàn nhạt đi. Không phải cái bà lão rồi... Bà lão lại kêu lên trước:

- Ôi giời ôi? Sao lại hom hem mõ ra thế kia?

Tiên sư con quạ mổ, ông chúa ghét cái đứa độc miệng. Đã kêu giời, lại rủa hom hem mõ ra là thế nào. Ông lão bực mình, ông lão lầm lì không hỏi lại một câu. Ông câm như thóc. Nhưng bà lão dường như thương hại ông gầy yếu quá, bà lão tần ngần ngồi ngay xuống đầu giường.

- Ông ốm đến thế cơ à?

Ông lão lại cáu nữa. Bà lão nói:

- Tưởng ông đi đông đi tây ông lên xe xuống ngựa thế nào chứ ông lại co quắp mốc meo thế này à?

Con mẹ này nói đến thế thì ngu quá. Thôi chấp gì cái đứa lú lẫn đến nỗi cái lưng còng như con rùa cả đời nằm trong xó luồn bắt muỗi thế kia mà. Nhớ rồi, con này ngày ấy là cái đứa ăn nói ba toác, bạ gì nói đấy. Đàn bà ti hí mắt lươn, chúa ớ, chỉ khỏe nhìn trộm. Bây giờ mà cái quần vẫn bê bết bùn như lội dưới ao lên. Cái đũng sứt chỉ xuống đến đầu gối mà vẫn để toạc tè he như thế. Mày mới là con mẹ mõ già, mày mới là con mẹ sắp xuống lỗ.

Nghĩ thế, tưởng như đã hả, lão ra ý thương hại. Lão dịu giọng hỏi:

- Làm sao biết ở đây mà vào?

Bà lão cười nhe hai cái lợi nhợt nhạt chẳng còn chiếc răng nào. Ông lão cúi mặt, ghê cả người, không nhìn.

Thì bà lão nói nhỏ:

- Yêu nhau tam tử núi cũng trèo... Nói đùa chứ, nghe ở ngoài chợ họ rủa cái lão “đũa cả” lên nằm nhà thương rồi.

Ở ngoài chợ cũng phải đồn về tớ. Ông lão khoái bởi cái câu bà lão nói, nhưng ông chỉ thích nghe ra cái nửa câu nỉ non véo von Yêu nhau tam tứ núi... ông lại hỏi khe khẽ, đã nhãng những khó chịu từ nãy.

- Người ta nói láo thế à?

- Chúng nó còn bảo nhà lão ấy bây giờ hai niêu. Thế mà lão cứ bốc vụng cơm, bà lão tức không thổi nữa. Đói quát phải lên xin cơm nhà nước. Nghe thế cũng chạnh lòng, thử tạt vào xem thế nào?

Hai tiếng “chạnh lòng” làm cho ông lão nghĩ lại cái đời mình, cũng thấy ngậm ngùi, ông quên cả những lời đồn ác. Nhưng ông lại tỏ ra cứng cựa ngay. Ông hét:

- Xà! Mồm thiên hạ như cái đít trẻ con?

- Nằm chong gọng một xó thế này dễ người ta bêu xấu oan đấy?

Ông lão không nói gì nữa. Chẳng nhẽ lại đi cãi nhau với cái đứa lắm lời này. Bây giờ ông mới tẩn mẩn nhìn mặt bà lão, hai hàm răng rụng tiệt, cái cằm móp dẹt lại, trông như mặt con tườu. Ông lão nhớ ông có cái thú thỉnh thoảng ông ngồi đếm tay xem ngày trước đã có bao nhiêu đứa con gái mê ông, lần nào cũng đếm lẫn, ông thích đếm lẫn. Nhưng mà tớ phải cái tính dễ tặc Lưỡi, gái nào cắn câu cũng tặc lưỡi. Chứ người như con khỉ con tườu thế kia, đâu đã đáng lọt vào đuôi mắt, thì lão phải lòng phải bề nỗi gì. Trong khi lão rủa thầm, lão chê bà lão thì bà lão thở dài:

- Ngỡ những thế nào rồi mà bây giờ ngồi vót đũa...

- Xà Mày thì.., mày thì... Câm đi

- Ờ, cái gì sột soạt... Cái gói kia, cái gói gì đấy>

Ông lão nhìn chiếc túi nilông treo trên đầu giường ngay bên chân bà lão. Ông nói ơ hờ:

- Mấy con cua...

- Đồng áng nước trong như mắt mèo thế này mà bắt được cua, giỏi nhỉ?

- Mày thì biết gì! Cua thằng chủ nhiệm biếu... Người ta biếu?

- Thì vưỡn!

Ông định nói có ăn cua thì mang về. Mỗi con cua bây giờ cũng bạc trăm, mà phải lên chợ, chứ ra bến đâu dễ đã chuốc được. Ông lão định bảo bà lão thế, bởi ông lại nhớ cái tính ông huếch, ngày trước hay đi bẫy con gáy, có khi vác cần đi câu được con cá con chim lại đem cho các cô nhân ngãi. Ôi chao, bây giờ thì ông nói: Của thằng chủ tịch, thằng chủ nhiệm.., nghe cũng oai oai.

Bà lão nói: “Vào cữ này cua đồng ngọt thịt. Ngày trước, chỗ cánh ruộng nào cũng ối cua...”. Ông đương nói: “Này có...” thì có một bà lão xách hai cây mía, tò tò vào. Bà lão ở trong vẫn ngồi vắt chân lên đầu giường. Ôi chao, mắt toét nhoẻn mắt quáng gà hay sao.

Bà lão kia chống hai cây mía đứng ngoài hiên. Rồi nói vào như quát:

- Có nuôi được nhau thì đem nhau về.

Rồi vác hai cây mía, cung cúc đi ra. Ngoài cổng, các cô y tá ở ngoài chợ về, thấy bà lão đi xăm xăm, nước mắt nước mũi giàn giụa. Các cô hỏi:

- Cái gì hả bà? Ông ấy làm sao, hả bà?

Bà lão đứng xững lại, không nói. Mấy cô hốt hoảng chạy vào, xem ông lão làm sao.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Tập truyện ngắn Tô Hoài Con cua tám cẳng...

Có thể bạn thích