Sapiens: Lược Sử Loài Người
XÂY DỰNG NHỮNG KIM TỰ THÁP

XÂY DỰNG NHỮNG KIM TỰ THÁP

Cách mạng Nông nghiệp là một trong những sự kiện gây tranh cãi nhất trong lịch sử. Một số người ủng hộ tuyên bố cuộc cách mạng này đã đưa nhân loại đi trên con đường tiến đến phồn vinh và tiến bộ. Số khác thì khăng khăng nói rằng nó dẫn tới diệt vong. Họ nói, đó là một bước ngoặt, nơi mà con người vứt bỏ mối quan hệ cộng sinh mật thiết với tự nhiên, trở nên tham lam và tha hoá. Dù con đường có đi theo hướng nào, cũng không còn đường lui. Nông nghiệp đã làm cho dân số tăng lên triệt để và nhanh chóng tới mức không một xã hội nông nghiệp phức tạp nào còn có thể duy trì được chính nó nếu quay lại thời kỳ săn bắt và hái lượm. Khoảng năm 10000 TCN, trước khi chuyển sang nông nghiệp, Trái đất là ngôi nhà của khoảng 5-8 triệu người hái lượm du cư. Vào thế kỷ 1, chỉ còn khoảng 1-2 triệu người hái lượm (chủ yếu ở châu Úc, châu Mỹ và châu Phi), nhưng con số này có vẻ nhỏ nhoi so với 250 triệu nông dân trên thế giới.

Đại đa số nông dân sống ở những khu định cư ổn định; chỉ một số ít là dân chăn cừu nay đây mai đó. Việc định cư khiến cho hầu hết đất đai của con người bị co lại đáng kể. Những người sân bắt hái lượm cổ đại thường sống ở những khu vực đất đai rộng hàng chục, thậm chí hàng trăm cây số vuông. “Nhà” của họ chính là toàn bộ vùng đất, với núi đồi, sông suối, rừng cây và bầu trời rộng mở. Ngược lại, nông dân sử dụng hầu hết thời gian của họ để làm việc trên những cánh đồng hoặc vườn cây ăn quả nhỏ hẹp, và cuộc sống gia đình của họ tập trung trong những công trình xây dựng bằng gỗ, đá hoặc đất bùn tù túng, mỗi cái rộng không quá vài chục mét vuông. Một nông dân điển hình thường phát sinh sự gắn bó mật thiết với công trình này. Đó là một cuộc cách mạng có ảnh hưởng sâu rộng, có tác động tâm lý nhiều như kiến trúc. Từ đó trở đi, sự gắn bó với “nhà của tôi” và sự tách biệt với những người hàng xóm trở thành dấu hiệu tâm lý của loài sinh vật tự lấy mình làm trung tâm.

Những vùng nông nghiệp mới không chỉ nhỏ hơn rất nhiều so với vùng đất của người hái lượm cổ đại, mà còn mang tính nhân tạo hơn nhiều. Ngoài việc sử dụng lửa, người săn bắt hái lượm chỉ chủ ý tạo ra một số thay đổi đối với vùng đất mà họ đi qua. Ngược lại, nông dân sống trong những hòn đảo nhân tạo mà họ vất vả dựng lên từ thiên nhiên hoang dã quanh mình. Họ chặt rừng, đào kênh mương, phát quang cánh đồng, xây dựng nhà cửa, cày đất thành luống, trồng cây ăn quả theo hàng lối trật tự. Kết quả là, môi trường sống nhân tạo này chỉ dành cho con người cũng như các loài động thực vật “của họ”, và nó thường xuyên được bao kín bởi các bức tường và hàng rào. Các gia đình nông dân đã làm mọi thứ có thể để ngăn chặn những loài cỏ dại bướng bỉnh và thú hoang. Nếu chúng xâm phạm, họ sẽ đuổi chúng ra ngoài. Nếu chúng ngoan cố, con người sẽ tìm cách tiêu diệt chúng. Đặc biệt, những hàng rào kiên cố được dựng lên xung quanh nhà. Từ buổi bình minh của nông nghiệp cho đến hôm nay, hàng tỉ người với các loại vũ khí như cành cây, vỉ đập ruồi, giày dép và bình xịt chất độc, đã tiến hành một cuộc chiến liên tục chống lại những con kiến siêng năng, những con gián lén lút, những con nhện phiêu lưu, những con bọ cánh cứng đi lạc, là những kẻ liên tục thâm nhập vào nơi ở của họ.

Trong hầu hết lịch sử, những vùng đất do con người tạo ra này vẫn rất nhỏ bé, được bao quanh bởi những dải đất rộng của thiên nhiên chưa được chế ngự. Bề mặt Trái đất rộng khoảng 510 triệu km², trong đó 155 triệu km² là đất liền. Muộn nhất là năm 1400, đại đa số nông dân cùng với cây trồng và vật nuôi của mình đã chụm lại với nhau trên một diện tích 11 triệu km², chiếm 2% bề mặt hành tinh. Mọi nơi khác đều quá lạnh, quá nóng, quá khô, quá ẩm ướt, thêm nữa là không thích hợp cho trồng trọt. Lịch sử loài người đã mở ra trên 2% nhỏ xíu này của bề mặt Trái đất.

Con người cảm thấy rất khó rời bỏ những hòn đảo nhân tạo của mình. Họ không thể bỏ được nhà cửa, ruộng đồng, kho lương thực nếu như không phải chịu những nguy cơ tổn thất nghiêm trọng. Hơn nữa, theo thời gian, họ tích lũy được ngày càng nhiều thứ không dễ chuyển đi, nó đã trói buộc họ. Với chúng ta, nông dân cổ đại dường như rất nghèo, tuy thế một gia đình nông dân điển hình thường sở hữu đồ chế tác còn nhiều hơn cả một bộ lạc hái lượm.

Sự xuất hiện của tương lai

Trong khi vùng đất trống có thể sử dụng được trong nông nghiệp bị thu hẹp lại thì thời gian dành cho việc nhà nông lại kéo dài ra. Người hái lượm thường không tốn nhiều thời gian để nghĩ đến tuần tới, tháng tới. Nông dân còn mặc cho trí tưởng tượng của họ lướt đi thêm hàng năm, hàng chục năm trong tương lai.

Người hái lượm không tính đến tương lai, vì họ sống giật gấu vá vai, và chỉ có thể dự trữ thức ăn hoặc tích lũy tài sản một cách khó khăn. Tất nhiên, rõ ràng họ cũng lên kế hoạch tương lai. Hầu hết các tác giả của những bức vẽ trong hang Chauvet, Lascaux và Altamira đều muốn chúng tồn tại cho các thế hệ tiếp theo. Các liên minh xã hội và sự ganh đua chính trị đều là những vấn đề dài hạn. Thường phải mất nhiều năm để báo đáp một ơn huệ hoặc sửa chữa một sai lầm. Tuy nhiên, trong nền kinh tế tự cung tự cấp dựa vào săn bắt và hái lượm, những kế hoạch dài hạn như vậy có một giới hạn rõ ràng. Điều nghịch lý là nó giúp người hái lượm bớt âu lo khá nhiều. Thật phi lý khi lo lắng về những điều mà họ không thể tác động.

Cách mạng Nông nghiệp đã làm cho tương lai xa trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nông dân luôn giữ tương lai ở trong đầu và phải làm việc để phục vụ nó. Nền kinh tế nông nghiệp dựa trên chu trình sản xuất theo mùa, bao gồm những tháng dài cày cấy trồng trọt, theo sau là những thời kỳ thu hoạch ngắn ngủi. Vào đêm tiếp theo sau khi kết thúc một vụ mùa bội thu, nông dân có thể tổ chức ăn mừng cho những gì mà họ xứng đáng được hưởng, nhưng trong vòng một tuần sau đó họ lại tiếp tục ra đồng từ sớm tinh mơ và làm việc cả một ngày. Mặc dù có đủ thức ăn cho hôm nay, tuần tới, và kể cả tháng tới, nhưng họ vẫn phải lo lắng về năm sau và năm sau nữa.

Lo lắng về tương lai đã bén rễ không chỉ trong những chu trình sản xuất theo mùa vụ, mà trong cả đặc điểm không chắc chắn của nông nghiệp. Vì hầu hết các làng đều nuôi trồng giới hạn các giống cây con đã thuần hoá, nên chúng là miếng mồi ngon của hạn hán, lũ lụt và sâu bệnh. Nông dân buộc phải sản xuất nhiều hơn lượng họ tiêu thụ để dành cho việc dự trữ. Không có ngũ cốc trong kho lương thực, chai dầu ô-liu trong hầm chứa, pho mát trong chạn đựng, xúc xích treo trên xà nhà, họ sẽ bị chết đói trong những năm mất mùa. Và những năm mất mùa rồi sẽ đến, không sớm thì muộn. Người nông dân nào tin rằng những năm mất mùa sẽ không đến thì chẳng thể sống được lâu.

Kết quả là ngay từ khi nông nghiệp xuất hiện, các nỗi lo âu về tương lai trở thành những diễn viên chính trong rạp hát tâm trí của loài người. Ở những nơi mà nông dân dựa vào mưa để tưới tắm cho cánh đồng của mình, mùa mưa bắt đầu đồng nghĩa với việc mỗi buổi sáng, nông dân sẽ nhìn chằm chằm về chân trời, ngửi hít mùi gió và căng mắt lên. Có phải mây đó không? Những cơn mưa sẽ đến đúng lúc chứ? Mưa có đủ không? Liệu những trận bão dữ dội có quét sạch hạt giống trên cánh đồng hay làm dập nát cây con không? Trong lúc đó, ở thung lũng các sông Euphrates, Ấn và Hoàng Hà, những nông dân khác cũng không kém phần lo lắng khi theo dõi mực nước sông.

Họ cần những dòng sông dâng cao để bồi đắp cho tầng đất mặt màu mỡ đã bị rửa trôi nơi cao nguyên, và làm cho hệ thống tưới tiêu rộng lớn của họ tràn đầy nước. Nhưng những cơn lũ dâng nước lên quá cao hoặc tới không đúng thời điểm sẽ phá hủy mùa màng của họ giống như nạn hạn hán vậy.

Nông dân lo âu về tương lai không chỉ bởi họ có nhiều thứ để lo lắng, mà còn bởi họ có thể làm điều gì đó để tác động đến nó. Họ có thể phát quang những cánh đồng khác, đào những kênh mương tưới tiêu khác, gieo những giống cây khác. Người nông dân sầu muộn đã làm việc chăm chỉ như những con kiến thợ trong mùa hè, đổ mồ hôi trồng những cây ô-liu để con cái và bố mẹ họ ép lấy dầu, để dành những thực phẩm mà họ muốn ăn hôm nay cho mùa đông hoặc năm sau.

Sự căng thẳng của việc nhà nông có những hậu quả đáng kể. Nó là nền tảng cho các hệ thống chính trị và xã hội quy mô lớn. Nhưng thật đáng buồn, người nông dân cần cù hầu như không bao giờ đạt tới sự đảm bảo về kinh tế trong tương lai mà họ rất khao khát có được qua việc lao động cực nhọc ở hiện tại. Ở khắp nơi, những kẻ cai trị và giới tinh hoa xuất hiện, sống bằng thực phẩm dư thừa của nông dân và bỏ mặc họ với cuộc sống nghèo nàn.

Số thực phẩm dư thừa bị tước mất được cung cấp cho các hoạt động chính trị, chiến tranh, nghệ thuật và triết học. Người ta xây dựng các cung điện, pháo đài, công trình tưởng niệm và đền thờ. Cho đến tận kỷ nguyên hiện đại, hơn 90% nhân loại là nông dân, những người đã đổ mồ hôi từ sớm tinh mơ cho đến lúc tối mịt. Sản phẩm dư thừa mà họ làm ra chỉ để nuôi dưỡng một thiểu số của giới tinh hoa – vua chúa, quan chức nhà nước, binh lính, linh mục, nghệ sĩ, nhà tư tưởng – những kẻ chiếm hết chỗ trong sử sách. Lịch sử là cái gì đó do rất ít người đã và đang tạo ra, trong khi mọi người khác vẫn đang cày bừa trên những cánh đồng và vác các thùng nước đầy.

Một trật tự tưởng tượng

Sự dư thừa thức ăn do nông dân làm ra, đi cùng với công nghệ vận chuyển mới, ngày càng khiến nhiều người bị nhồi nhét bên nhau, ban đầu là trong những ngôi làng rộng lớn, sau đó là thị trấn và cuối cùng là thành phố. Tất cả họ đều cùng gia nhập các vương quốc và mạng lưới thương mại mới.

Song, để tận dụng lợi thế của những cơ hội mới này, sự dư thừa thực phẩm và giao thông vận tải cải tiến là chưa đủ. Thực tế là có thể nuôi sống cả ngàn người trong cùng một thị trấn và một triệu người trong cùng một vương quốc, nhưng không thể đảm bảo rằng họ có thể thống nhất với nhau về việc phân chia đất đai hay nguồn nước, cũng như làm thế nào để xoa dịu các cuộc tranh luận hoặc xung đột, và làm gì trong thời kỳ hạn hán hoặc chiến tranh. Và nếu không đạt được sự đồng thuận nào, xung đột sẽ lan rộng cho dù những kho chứa lương thực đang phình ra. Không phải thiếu thốn lương thực đã gây ra hầu hết các cuộc chiến tranh và cách mạng trong lịch sử. Những luật sư giàu có đã cầm đầu Cách mạng Pháp chứ không phải những nông dân chết đói. Cộng hòa La Mã đạt tới đỉnh cao quyền lực của nó trong thế kỷ 1 TCN, khi những hạm đội châu báu từ khắp nơi trên biển Địa Trung Hải làm giàu cho người La Mã, vượt quá cả những giấc mơ điên cuồng nhất của tổ tiên họ. Thời điểm giàu có tột cùng nhất cũng là lúc trật tự chính trị La Mã sụp đổ trong một loạt các cuộc nội chiến đẫm máu. Nam Tư vào năm 1991 có thừa tài nguyên để nuôi sống tất cả người dân của mình, nhưng vẫn tan rã bằng một cuộc chiến khủng khiếp.

Vấn để gốc rễ của những tai ương như vậy chính là việc con người đã tiến hoá trong hàng triệu năm từ những bầy nhỏ gồm vài chục thành viên. Một vài thiên niên kỷ ít ỏi phân tách Cách mạng Nông nghiệp với sự xuất hiện của các thành phố, vương quốc và đế quốc không đủ cho bản năng hợp tác rộng rãi tiến hoá kịp.

Mặc dù thiếu những bản năng sinh học như vậy, nhưng trong suốt thời đại hái lượm, hàng trăm con người xa lạ vẫn có thể hợp tác nhờ những huyền thoại chung giữa họ. Tuy nhiên, sự hợp tác này lỏng lẻo và hạn chế. Mỗi bầy Sapiens tiếp tục sống độc lập và tự đáp ứng những nhu cầu cơ bản của mình. Một nhà xã hội học cổ xưa sống cách đây 20.000 năm, không biết gì về những sự kiện tiếp sau Cách mạng Nông nghiệp, có thể đã kết luận rằng phạm vi của huyền thoại rất giới hạn. Các câu chuyện về những linh hồn tổ tiên và vật tổ của bộ lạc đủ mạnh để làm cho 300 con người trao đổi vỏ sò, ăn mừng một lễ hội kỳ quặc, và hợp sức đánh đuổi Neanderthal, nhưng tất cả chỉ có vậy. Các nhà xã hội học thời cổ đại có thể nghĩ rằng, huyền thoại không thể khiến hàng triệu con người xa lạ có thể hợp tác với nhau hằng ngày.

Nhưng suy nghĩ này hoá ra thật sai lầm. Thực tế là huyền thoại có sức mạnh lớn hơn những gì người ta từng tưởng tượng. Khi Cách mạng Nông nghiệp mở ra nhiều cơ hội cho việc hình thành những thành phố đông đúc và những đế quốc hùng mạnh, con người đã sáng tạo các câu chuyện về các vị thần vĩ đại, đất mẹ và công ty cổ phần để cung cấp những mối liên kết xã hội cần thiết. Trong khi sự tiến hoá của con người chậm chạp như ốc sên thì trí tưởng tượng của con người lại đang xây dựng nên những mạng lưới hợp tác đại chúng đáng kinh ngạc, không giống như những gì mà người ta đã từng thấy trên Trái đất.

Khoảng năm 8500 TCN, các khu định cư lớn nhất trên thế giới là những ngôi làng, ví dụ như Jericho, có khoảng vài trăm thành viên. Khoảng năm 7000 TCN, thị trấn Çatalhöyük ở Anatolia có khoảng 5.000 đến 10.000 dân. Rất có thể, nó là khu vực định cư lớn nhất thế giới vào thời điểm đó. Trong suốt thiên niên kỷ 4 và 5 TCN, những thành phố với hàng chục ngàn cư dân đã mọc lên ở vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu (Fertile Crescent), và mỗi thành phố trong khu vực này đều kiểm soát nhiều ngôi làng lân cận. Năm 3100 TCN, toàn bộ vùng hạ lưu thung lũng sông Nile hợp nhất với nhau hình thành nên vương quốc Ai Cập. Các Pharaoh đã cai trị hàng ngàn cây số vuông đất đai và hàng trăm ngàn dân. Khoảng năm 2230 TCN, Sargon Đại đế đã xây dựng đế chế đầu tiên, Akkad. Đế chế này rất tự hào về một triệu thần dân của mình cùng đội quân thường trực 5.400 người. Vào khoảng giữa năm 1000 TCN và 500 TCN, những siêu đế chế đầu tiên xuất hiện ở Trung Đông: Đế chế Tân Assyria, Đế chế Babylon và Đế chế Ba Tư. Các nước này có nhiều triệu thần dân và hàng chục ngàn binh lính.

Vào năm 221 TCN, nhà Tần thống nhất Trung Quốc, và không lâu sau đó, Đế chế La Mã thống nhất lưu vực Địa Trung Hải. Thuế thu được từ 40 triệu thần dân nhà Tần để trả cho đội quân thường trực gồm hàng trăm ngàn binh lính và một bộ máy hành chính quan liêu phức tạp với hơn 100.000 quan lại. Đế chế La Mã ở thời kỳ đỉnh cao thu thuế khoảng trên 100 triệu thần dân. Nguồn thu từ thuế này dùng để chi trả cho đội quân thường trực từ 250.000-500.000 lính, cùng một mạng lưới đường bộ vẫn còn được sử dụng 1.500 năm sau, các rạp hát, khán đài hình vòng cung – được sử dụng để trình diễn cho đến tận ngày nay.

 

Hình 15. Một bia đá khắc Bộ luật Hammurabi, khoảng 1776 TCN.

 

Hình 16. Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, ký ngày 4 tháng Bảy năm 1776.

Không có gì phải nghi ngờ, nhưng chúng ta không nên nuôi ảo tưởng lạc quan về “những mạng lưới hợp tác đại chúng” vận hành ở Ai Cập thời Pharaoh hay Đế chế La Mã. “Hợp tác” nghe có vẻ rất vị tha, nhưng không phải lúc nào cũng mang tính tự nguyện và hiếm khi bình đẳng. Hầu hết những mạng lưới hợp tác của con người đều đã bị hướng tới sự áp bức và bóc lột. Nông dân phải trả cho những mạng lưới hợp tác đang phát triển bằng lượng thực phẩm dư thừa quý báu của mình, tuyệt vọng khi người thu thuế tước đi toàn bộ một năm lao động vất vả chỉ bằng một nét chữ từ cây bút uy quyền của họ. Những khán đài La Mã hình vòng cung nổi tiếng thường được xây dựng bởi các nô lệ, để cư dân La Mã giàu có và nhàn rỗi có thể xem các nô lệ khác tham gia vào những trận giao chiến dữ dội giữa các đấu sĩ. Thậm chí cả các nhà tù, trại tập trung cũng là những mạng lưới hợp tác, và chỉ có thể hoạt động bởi hàng ngàn người xa lạ đã xoay xở để phối hợp các hành động theo cách nào đó.

Tất cả những hệ thống hợp tác này, từ những thành phố của khu vực Lưỡng Hà cổ đại đến đế chế nhà Tần và đế chế La Mã, đều là “những trật tự tưởng tượng”. Các quy tắc xã hội nhằm duy trì chúng đều không dựa trên những bản nâng cố hữu của con người cũng như sự quen biết cá nhân, mà thay vào đó là niềm tin vào những huyền thoại chung.

Làm thế nào huyền thoại có thể duy trì toàn bộ các đế chế? Chúng ta đã thảo luận một trường hợp như vậy: Peugeot. Bây giờ hãy nghiên cứu hai trong số những câu chuyện huyền thoại nổi tiếng nhất trong lịch sử: Bộ luật Hammurabi năm 1776 TCN đã được sử dụng như bản hướng dẫn hợp tác của hàng trăm ngàn người Babylon cổ đại; và bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776, ngày nay vẫn được sử dụng như bản hướng dẫn hợp tác của hàng trăm triệu người Mỹ thời hiện đại.

Vào năm 1776 TCN, Babylon là thành phố lớn nhất thế giới. Đế chế Babylon cũng có thể là đế chế lớn nhất trên thế giới với hơn một triệu thần dân. Đế chế này cai trị hầu hết vùng Lưỡng Hà, bao gồm phần lớn Iraq cùng nhiều phần của Syria và Iran ngày nay. Nhà vua người Babylon nổi tiếng nhất cho đến nay là Hammurabi. Sự nổi tiếng của ông chủ yếu là do văn bản mang tên ông, Bộ luật Hammurabi. Đó là một tập hợp những luật lệ và quyết định của tòa án, mục tiêu là để biểu thị Hammurabi như hình mẫu của một ông vua chính trực, đóng vai trò nền tảng cho một hệ thống pháp luật thống nhất của Đế chế Babylon, giáo dục các thế hệ tương lai thế nào là công lý và một ông vua chính trực sẽ hành động như thế nào.

Các thế hệ tương lai đã để ý. Giới tinh hoa trí thức và quan chức của vùng Lưỡng Hà cổ đại đã tôn thờ Bộ luật này, những người sao chép bản thảo học việc đã tiếp tục sao chép nó rất lâu sau khi Hammurabi chết và đế chế của ông lụi tàn. Vì vậy, Bộ luật Hammurabi là một nguồn tài liệu tốt để hiểu về trật tự xã hội lý tưởng vùng Lưỡng Hà cổ đại.

Văn bản bắt đầu bằng việc tuyên bố rằng các vị thần Anu, Enlil và Marduk, đứng đầu trong tất cả các vị thần ở vùng Lưỡng Hà, đã cử Hammurabi “đem công lý phủ khắp mặt đất, để tiêu diệt kẻ xấu và cái ác, để ngăn kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu”. Sau đó nó liệt kê khoảng 300 phán quyết, được đưa ra ở dạng công thức được thiết lập “Nếu một điều là như vậy và xảy ra như vậy, thì đây là các phán quyết”. Ví dụ, các phán quyết từ 196-199 và 209-214 như sau:

196. Nếu một người đàn ông ưu tú làm mù mắt một người đàn ông ưu tú khác, người ta sẽ làm mù mắt anh ta.

197. Nếu anh ta làm gãy xương của một người đàn ông ưu tú khác, người ta sẽ làm gãy xương anh ta.

198. Nếu anh ta làm mù mắt một thường dân hoặc làm gãy xương một thường dân, anh ta sẽ phải cân và nộp 60 shekel bạc.

199. Nếu anh ta làm mù mắt một nô lệ của một người đàn ông ưu tú hoặc làm gãy xương một nô lệ của một người đàn ông ưu tú, anh ta sẽ phải cân và nộp một nửa giá trị của nô lệ đó (quy ra bạc).

209. Nếu một người đàn ông ưu tú đánh một người đàn bà ưu tú và làm cô ta sảy thai, anh ta sẽ phải cân và nộp 10 shekel bạc đền cho cái thai của chị ta.

210. Nếu người đàn bà đó bị chết, người ta sẽ giết chết con gái anh ta.

211. Nếu anh ta đánh và làm cho một người đàn bà thường dân sảy thai, anh ta sẽ phải cân và nộp 5 shekel bạc.

212. Nếu người đàn bà đó bị chết, anh ta sẽ phải cân và nộp 30 shekel bạc.

213. Nếu anh ta đánh một nữ nô lệ của một người đàn ông ưu tú và làm cho cô ta sảy thai, anh ta sẽ phải cân và nộp 2 shekel bạc.

214. Nếu nữ nô lệ đó bị chết, anh ta sẽ phải cân và nộp 20 shekel bạc.

Sau khi liệt kê các phán quyết, Hammurabi tuyên bố lần nữa rằng:

Đây là những phán quyết công bằng mà Hammubari, vị vua tài ba xây dựng nên và do đó đã dẫn dắt mọi người đi theo con đường của chân lý và cách sống đúng đắn… Ta là Hammurabi, một vị vua cao quý. Ta đã không bỏ mặc hay lơ đễnh đối với con người mà thần Enlil ban cho ta chăm sóc và thần Marduk giao cho ta chăn dắt.

Bộ luật Hammurabi khẳng định rằng trật tự xã hội Babylon bắt nguồn từ những nguyên tắc phổ quát và vĩnh cửu của công lý, được các vị thần xướng lên. Nguyên tắc của hệ thống phân tầng là hết sức quan trọng. Theo Bộ luật này, con người được chia thành hai giới tính và ba tầng lớp: người ưu tú, thường dân và nô lệ. Thành viên của mỗi giới và tầng lớp có giá trị khác nhau. Mạng sống của một nữ thường dân trị giá 30 shekel bạc, của một nữ nồ lệ là 20 shekel bạc, trong khi đôi mắt của một nam thường dân trị giá 60 shekel bạc.

Bộ luật cũng hình thành một sự phân tầng chặt chẽ trong các gia đình, theo đó con cái không phải là những người độc lập mà là tài sản của cha mẹ chúng. Vì vậy, nếu một người đàn ông ưu tú giết con gái của một người đàn ông ưu tú khác, con gái của kẻ giết người sẽ bị trừng phạt. Với chúng ta, thật kỳ lạ khi mà kẻ giết người vẫn bình an vô sự, trong khi cô con gái ngây thơ vô tội của anh ta lại bị giết, nhưng với Hammurabi và người dân Babylon thì điều này là công bằng tuyệt đối. Bộ luật Hammurabi dựa trên giả thuyết rằng nếu tất cả các thần dân của nhà vua đều chấp nhận vị trí của mình trong hệ thống phân tầng và hành động phù hợp, thì hàng triệu thần dân của đế quốc này có thể hợp tác một cách hiệu quả. Vì vậy xã hội của họ có thể sản xuất ra đủ thực phẩm cho tất cả thành viên, phân phối chúng hiệu quả, bảo vệ dân chúng khỏi kẻ thù, mở rộng lãnh thổ đế chế để đạt được sự giàu có hơn và an ninh tốt hơn.

Khoảng 3.300 năm sau cái chết của Hammurabi, dân cư ở 13 thuộc địa của Anh tại Bắc Mỹ cảm thấy rằng, nhà vua Anh đang đối xử không công bằng với họ. Các đại diện của họ đã tụ tập ở thành phố Philadenphia, và ngày 4 tháng Bảy năm 1776, các thuộc địa này đã tuyên bố rằng dân cư của họ không còn là thần dân của Vương quốc Anh. Tuyên ngôn Độc lập của họ đã tuyên bố những nguyên tắc phổ quát và vĩnh cửu của công lý, điều mà giống như các nguyên tắc của Hammurabi, được truyền cảm hứng bởi một sức mạnh siêu phàm. Tuy nhiên, nguyên tắc quan trọng nhất được viết bởi vị thần của người Mỹ có phần khác so với nguyên tắc của những vị thần của người Babylon. Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ khẳng định rằng:

Chúng tôi khẳng định những sự thật này là hiển nhiên, rằng tất cả con người sinh ra đều bình đẳng, tạo hoá đã ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, đó là quyền được sống, quyền được tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc.

Giống như Bộ luật Hammurabi, văn kiện sáng lập ra nước Mỹ đảm bảo rằng nếu con người hành động theo những nguyên tắc thiêng liêng của mình, hàng triệu người sẽ có thể hợp tác hiệu quả, sống an toàn và bình yên trong một xã hội công bằng và thịnh vượng. Giống như Bộ luật Hammurabi, Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ không chỉ là một tài liệu được chấp nhận ở thời điểm và nơi sinh ra nó, nó còn được chấp nhận bởi các thế hệ tương lai. Trong vòng 200 năm qua, học sinh ở Mỹ đã sao chép và học thuộc lòng nó.

Hai văn bản trên cho chúng ta thấy một thế lưỡng nan hiển nhiên. Cả Bộ luật Hammurabi và Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ đều tuyên bố vạch ra những nguyên tắc phổ quát và vĩnh cửu về công lý, nhưng theo người Mỹ thì tất cả mọi người đều bình đẳng, trong khi theo người Babylon, con người rõ ràng là không bình đẳng. Tất nhiên người Mỹ nói rằng họ đúng và Hammurabi sai. Đương nhiên, Hammurabi sẽ trả miếng rằng họ đúng còn người Mỹ sai. Thực tế là cả hai đều sai. Hammurabi và những Tổ phụ Lập quốc Mỹ đều tưởng tượng ra một thực tế bị chi phối bởi các nguyên tắc phổ quát và bất biến về công lý, như là sự công bằng hay hệ thống phân tầng. Song, nơi duy nhất mà những nguyên tắc phổ quát như vậy tồn tại là trong trí tưởng tượng phong phú của Sapiens, và trong các huyền thoại mà họ sáng tác và kể cho nhau nghe. Những nguyên tắc này không có giá trị khách quan.

Rất dễ để chúng ta chấp nhận rằng việc phân chia con người thành “đẳng cấp ưu tú” và “thường dân” là một điều tưởng tượng. Song, quan niệm cho rằng mọi người đều bình đẳng cũng chỉ là một huyền thoại. Mọi người đều bình đẳng với nhau theo nghĩa nào? Có sự thật khách quan nào, nằm ngoài trí tưởng tượng của con người, trong đấy chúng ta thực sự bình đẳng? Mọi người bình đẳng với nhau về mặt sinh học ư? Hãy thử cắt nghĩa dòng chữ quan trọng nhất trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ theo ngôn ngữ sinh học:

Chúng tôi khẳng định những sự thật này là hiển nhiên, rằng tất cả con người sinh ra đều bình đẳng, tạo hoá đã ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, đó là quyền được sống, quyền được tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc.

Theo sinh học, con người không phải được sáng tạo ra. Họ tiến hoá. Và chắc chắn, họ không tiến hoá để “bình đẳng”. Ý tưởng bình đẳng gắn bó chặt chẽ với quan niệm về sáng tạo. Người Mỹ lấy ý tưởng bình đẳng từ Ki-tô giáo, trong đó lập luận rằng mọi người đều có một linh hồn tuyệt diệu được tạo ra, và mọi linh hồn này đều bình đẳng trước Thiên Chúa. Tuy nhiên, nếu chúng ta không tin vào các huyền thoại Ki-tô giáo về Thiên Chúa, về sự sáng tạo và linh hồn, thì khi nói mọi người đều “bình đẳng” có nghĩa là gì? Tiến hoá dựa trên sự khác biệt, chứ không phải sự bình đẳng. Mỗi người đều mang một bộ gen khác nhau chút ít, và nó chịu các ảnh hưởng môi trường khác nhau từ khi sinh ra. Nó dẫn đến sự phát triển các phẩm chất khác nhau, mang đến những cơ hội sống sót khác nhau. Vì vậy “được sinh ra bình đẳng” nên được hiểu là “tiến hoá khác nhau”.

Giống như con người chưa bao giờ được sáng tạo ra, nên trên phương diện sinh học, chẳng có “Đấng tạo hoá” nào “ban cho” con người bất cứ cái gì? Chỉ có một quá trình tiến hoá không nhìn thấy được, không có bất cứ mục đích nào, dẫn tới sự sinh ra của các cá nhân. “Được tạo hoá ban cho” nên được hiểu đơn giản là “sinh ra”.

Công bằng mà nói, không có những điều như là quyền trong sinh học. Chỉ có các bộ phận cơ thể, các khả năng và các đặc điểm. Con chim bay không phải vì nó có quyền được bay, mà bởi vì nó có cánh. Và cũng không đúng khi nói rằng các bộ phận cơ thể, các khả năng và các đặc điểm này là “không thể xâm phạm được”. Nhiều trong số chúng trải qua quá trình biến đổi không ngừng, và có thể biến mất hoàn toàn theo thời gian. Đà điểu là một loài chim đánh mất khả năng bay của mình. Vì vậy “quyền không thể xâm phạm được” phải được hiểu là “những đặc điểm có thể biến đổi”.

Và những đặc điểm nào ở con người đã tiến hoá? “Cuộc sống”, chắc chắn rồi. Nhưng còn “tự do”? Không có một khái niệm nào như vậy trong sinh học. Giống như sự công bằng, các quyền và những công ty trách nhiệm hữu hạn, tự do là một khái niệm mà con người tự sáng tạo ra và nó chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của họ. Từ quan điểm sinh học, sẽ vô nghĩa khi nói rằng con người trong những xã hội dân chủ thì tự do, trong khi con người trong những chế độ độc tài thì không tự do. Thế còn “hạnh phúc” thì sao? Cho đến nay, các nghiên cứu sinh học đã thất bại trong việc đưa ra một định nghĩa rõ ràng về hạnh phúc hoặc cách để đo lường nó khách quan. Hầu hết các nghiên cứu sinh học đều chỉ thừa nhận sự tồn tại của lạc thú, thứ dễ định nghĩa và đo lường hơn. Vì vậy, “sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc” nên được hiểu là “sống và theo đuổi lạc thú”.

Vì vậy ở đây, những dòng trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ được hiểu theo ngôn ngữ sinh học như sau:

Chúng tôi khẳng định những sự thật này là hiển nhiên, rằng tất cả con người tiến hoá một cách khác nhau, họ sinh ra với những đặc điểm có thể biến đổi nhất định, và trong số đó là sống và theo đuổi lạc thú.

Những người ủng hộ cho sự công bằng và quyền con người có thể bị tổn thương bởi dòng tranh luận trên. Phản ứng của họ có thể kiểu như “Chúng tôi biết rằng con người không bình đẳng về mặt sinh học! Nhưng nếu chúng tôi tin rằng tất cả chúng ta bình đẳng về bản chất, nó sẽ giúp chúng ta tạo ra một xã hội phồn vinh và ổn định”. Tôi không tranh luận về điều này. Nó chính xác là những gì tôi muốn nói về “trật tự tưởng tượng”. Chúng ta tin vào một trật tự riêng biệt không phải vì nó là một sự thật khách quan, mà bởi tin vào nó sẽ làm chúng ta có thể hợp tác hiệu quả và tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn. Những trật tự tưởng tượng không phải là những âm mưu xấu xa hoặc những ảo tưởng vô ích. Hơn nữa, chúng còn là cách duy nhất để một số lớn người có thể hợp tác hiệu quả. Tuy vậy, cũng nên nhớ rằng Hammurabi có thể bảo vệ nguyên tắc về sự phân tầng của ông ta bằng việc sử dụng cùng một logic: “Ta hiểu rằng, những người ưu tú, thường dân và nô lệ không phải là những hạng người khác nhau. Nhưng nếu chúng ta tin như vậy, nó sẽ giúp chúng ta có thể tạo ra một xã hội ổn định và phồn vinh”.

Những người thực sự tin tưởng

Có vẻ nhiều người cảm thấy lúng túng khi đọc những đoạn trước. Hầu hết chúng ta ngày nay được giáo dục để phản ứng như vậy. Rất dễ dàng để chấp nhận Bộ luật Hammurabi là một huyền thoại, nhưng chúng ta không muốn nghe rằng nhân quyền cũng là một huyền thoại. Nếu con người nhận thức được rằng nhân quyền chỉ tồn tại trong tưởng tượng, liệu có mối nguy hiểm nào làm xã hội của chúng ta sụp đổ hay không? Voltaire đã nói về Chúa rằng, “Không có Chúa, nhưng đừng nói điều đó cho người đầy tớ của tôi, e rằng anh ta sẽ giết tôi vào ban đêm”. Hammurabi hẳn sẽ nói điều tương tự như vậy về nguyên tắc trong hệ thống phân tầng của ông ta, giống như Thomas Jefferson khi nói về quyền con người. Homo sapiens không có những quyền tự nhiên, giống như loài nhện, linh cẩu, tinh tinh. Nhưng đừng nói điều này với lũ đầy tớ của chúng ta, vì chúng sẽ giết chúng ta trong đêm.

Những nỗi sợ hãi như vậy được bào chữa rất hợp lý. Một trật tự tự nhiên là một trật tự ổn định. Lực hấp dẫn không thể ngừng hoạt động vào ngày mai, ngay cả nếu con người ngừng tin vào nó. Ngược lại, một trật tự tưởng tượng luôn ở trong tình trạng nguy hiểm của sự sụp đổ, bởi nó phụ thuộc vào huyền thoại, và huyền thoại sẽ biến mất khi con người ngừng tin vào chúng. Để có thể bảo vệ một trật tự tưởng tượng, đòi hỏi những cố gắng liên tục và vất vả. Một vài trong những nỗ lực này được thực hiện dưới hình thức bạo lực và áp bức. Các lực lượng quân đội, cảnh sát, tòa án và nhà tù đang làm việc liên tục để cưỡng ép con người hành động theo một trật tự tưởng tượng. Nếu một người Babylon cổ đại làm mù mắt hàng xóm của anh ta, những hình thức bạo lực luôn là cần thiết để luật lệ “một mắt đổi một mắt” được thi hành. Vào năm 1860, khi phần lớn người Mỹ đã quyết định rằng, nô lệ châu Phi cũng là những con người và vì vậy phải được hưởng quyền tự do, thì một cuộc nội chiến đẫm máu đã diễn ra để ép các bang miền Nam đồng thuận với quyết định này.

Tuy nhiên, một trật tự tưởng tượng không thể được giữ vững chỉ bằng bạo lực. Nó còn đòi hỏi phải có cả những người thực sự tin tưởng. Nhà quý tộc Talleyrand, người bắt đầu sự nghiệp tắc kè hoa của ông ta dưới thời Louis XVI, sau này phục vụ dưới cả chế độ cách mạng lẫn chính quyền Napoleon, và chuyển lòng trung thành kịp thời lúc cuối đời sang chế độ quân chủ vừa được phục hồi, đã tổng kết kinh nghiệm làm việc cho các chính phủ qua nhiều thập kỷ như sau: “Bạn có thể làm được nhiều việc bằng lưỡi lê, nhưng ngồi lên chúng sẽ khá khó chịu”. Hơn nữa, bất kể lưỡi lê có hiệu quả thế nào, quan trọng là phải có ai đó sử dụng chúng. Tại sao những binh lính, cai ngục, thẩm phán và cảnh sát lại duy trì một trật tự tưởng tượng trong khi họ không tin vào chúng? Trong mọi hoạt động tập thể của con người, khó nhất trong việc tổ chức chính là bạo lực. Khi nói rằng trật tự xã hội được duy trì bởi lực lượng quân đội, lập tức một câu hỏi nảy ra: cái gì đang duy trì trật tự quân đội? Sẽ không thể tổ chức được quân đội nếu chỉ dùng sự ép buộc. ít nhất, phải có một số chỉ huy và binh lính phải thực sự tin vào điều gì đó, có thể là Chúa, danh dự, tổ quốc, nhân cách hay tiền.

Một câu hỏi thú vị hơn liên quan đến nhóm đứng trên đỉnh kim tự tháp xã hội. Tại sao họ lại mong muốn thi hành một trật tự tưởng tượng, nếu bản thân họ không tin vào nó? Người ta hay cho rằng giới tinh hoa làm vậy do tính tham lam, không tin người. Song, một kẻ hoài nghi không tin vào điều gì cả thì khó mà tham lam được. Không khó để đáp ứng những nhu cầu sinh học khách quan của Homo sapiens. Sau khi những nhu cầu này được đáp ứng, thêm nhiều tiền sẽ được sử dụng vào việc xây dựng kim tự tháp, đi nghỉ vòng quanh thế giới, tài trợ những chiến dịch tranh cử, góp tiền cho những tổ chức khủng bố bạn thích, hoặc đầu tư vào thị trường chứng khoán kiếm thêm nhiều tiền – tất cả đều là những hoạt động mà một kẻ hoài nghi thực sự sẽ thấy cực kỳ vô nghĩa. Diogenes, triết gia Hy Lạp sáng lập trường phái hoài nghi,* sống trong một thùng gỗ. Alexander Đại đế có lần đến thăm Diogenes khi ông đang thư giãn trong nắng và hỏi liệu mình có thể làm điều gì cho ông hay không, triết gia hoài nghi đã trả lời người chinh phục quyền năng, “Vâng, có một điều ngài có thể làm cho tôi. Làm ơn dịch sang bên một chút. Ngài đang che mất ánh nắng”.

Đó là lý do mà những người hoài nghi không xây dựng các đế chế, và tại sao một trật tự tưởng tượng chỉ có thể được duy trì nếu phần lớn dân chúng, đặc biệt là phần đông giới tinh hoa và lực lượng an ninh, thực sự tin vào nó. Nền dân chủ của Mỹ sẽ không thể kéo dài 230 năm nếu như đa số các tổng thống và nghị sĩ không còn tin vào nhân quyền. Hệ thống kinh tế hiện đại sẽ không thể tồn tại dù chỉ một ngày nếu phần lớn các nhà đầu tư và chủ ngân hàng không còn tin vào chủ nghĩa tư bản.

Những bức tường tù ngục

Làm thế nào bạn có thể khiến con người tin vào một trật tự tưởng tượng như nền dân chủ hoặc chủ nghĩa tư bản? Đầu tiên, bạn chẳng bao giờ thừa nhận trật tự đó được tưởng tượng ra. Bạn luôn khăng khăng rằng trật tự duy trì xã hội là một thực tế khách quan được những vị thần vĩ đại hay các luật lệ tự nhiên tạo ra. Con người không bình đẳng, không phải bởi Hammurabi nói như vậy, mà bởi thần Enlil và Marduk quy định như vậy. Con người bình đẳng không phải vì Thomas Jefferson nói như vậy, mà vì Chúa đã tạo ra họ theo cách như vậy. Thị trường tự do là hệ thống kinh tế tốt nhất không phải bởi Adam Smith đã nói như vậy, mà bởi đó là những luật lệ bất biến của tự nhiên.

Bạn cũng có thể giáo dục con người một cách kĩ lưỡng. Từ thời điểm mà họ sinh ra, bạn có thể luôn nhắc cho họ nhớ về những luật lệ của trật tự tưởng tượng, cái có thể kết hợp với bất cứ thứ gì và tất cả mọi thứ. Chúng có thể được lồng vào những câu chuyện cổ tích, phim truyền hình, tranh ảnh, bài hát, phép xã giao, tuyên truyền chính trị, kiến trúc, đơn thuốc và thời trang. Ví dụ, ngày nay mọi người tin vào sự công bằng, nên thời trang với bọn trẻ nhà giàu là mặc quần jean, vốn ban đầu là của tầng lớp lao động. Trong thời trung cổ, con người tin vào sự phân chia giai cấp, vì vậy không có nam quý tộc trẻ tuổi nào lại mặc một chiếc áo khoác của nông dân. Vào thời đó, được gọi là “Ông” hoặc “Bà” là một đặc quyền hiếm hoi dành cho giới quý tộc, và thường được đánh đổi bằng máu. Ngày nay tất cả các thư từ lịch sự, bất kể người nhận là ai, đều bắt đầu bằng “Ông hoặc Bà thân mến”.

Khoa học xã hội và nhân văn dành phần lớn năng lực của mình để giải thích chính xác cách một trật tự tưởng tượng được dệt vào tấm thảm cuộc sống. Trong phạm vi giới hạn của mình, chúng ta chỉ có thể bàn luận lướt qua bề ngoài. Có ba nhân tố chính ngăn cản con người nhận thức rằng trật tự tổ chức cuộc sống của họ chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của mình:

a. Trật tự tưởng tượng được nhúng vào thế giới vật chất. Mặc dù trật tự tưởng tượng chỉ tồn tại trong tâm trí của chúng ta, nhưng nó có thể được đan xen vào thực tế vật chất quanh chúng ta, và thậm chí được khắc trên đá. Hầu hết người phương Tây ngày nay tin vào chủ nghĩa cá nhân. Họ cho rằng mỗi người là một cá nhân mà giá trị của anh ta không phụ thuộc vào việc người khác nghĩ gì về mình. Mỗi người chúng ta đều có một tia sáng lấp lánh bên trong, mang đến giá trị và ý nghĩa cho cuộc đời mình. Ở các trường học phương Tây hiện đại, cha mẹ và thầy cô nói với bọn trẻ rằng, nếu bị bạn cùng lớp trêu chọc, chúng nên lờ đi. Chỉ bản thân chúng, chứ không phải người khác, biết được giá trị thực của mình.

Trong kiến trúc hiện đại, những biến đổi huyền thoại này đã vượt qua cả trí tưởng tượng để tạo hình trên đá và vữa. Một ngôi nhà hiện đại lý tưởng được chia ra làm nhiều phòng nhỏ, do đó mỗi đứa trẻ có thể có không gian riêng tư, tránh khỏi tầm nhìn, cấp cho nó một sự tự trị tối đa. Căn phòng riêng tư này thường có cửa, và trong nhiều gia đình phải chấp nhận một thực tế là đứa trẻ sẽ đóng và có thể là khoá cửa. Thậm chí cha mẹ bị cấm bước vào nếu không gõ cửa và xin phép. Căn phòng được trang trí theo sở thích của đứa trẻ, với những tấm áp phích của các ngôi sao nhạc rock dán đầy trên tường và tất bẩn vứt đầy trên sàn. Ai đó lớn lên trong một không gian như vậy sẽ không thể không tưởng tượng mình là “một cá nhân” mà giá trị thực sự được bắt nguồn từ bên trong chứ không phải từ bên ngoài.

Người quý tộc trung cổ không tin vào chủ nghĩa cá nhân. Giá trị của mỗi người được xác định dựa vào vị trí của họ trong hệ thống phân tầng xã hội và bởi những gì người khác nói về họ. Bị cười nhạo là một sự sỉ nhục kinh khủng. Các quý tộc đã dạy dỗ con cái mình phải bảo vệ thanh danh bằng mọi giá. Giống như chủ nghĩa cá nhân hiện đại, các hệ thống giá trị trung cổ đã rời trí tưởng tượng và thể hiện trên viên đá của các lâu đài trung cổ. Những lâu đài này hiếm khi có các căn phòng riêng cho trẻ con (hoặc bất cứ ai). Cậu con trai đến tuổi thiếu niên của một nam tước thời trung cổ không có phòng riêng ở tầng hai của lâu đài, với những áp phích của Richard Tim Sư tử (Richard the Lionheart) và Vua Arthur trên tường, khoá cửa phòng không cho phép cha mẹ mở ra. Cậu ta ngủ cùng với nhiều đứa trẻ khác trong một gian rộng. Cậu ta luôn lộ diện và phải để ý đến những gì người khác nhìn và nói. Ai đó lớn lên trong những điều kiện như vậy dĩ nhiên sẽ quyết định rằng giá trị thực sự của một con người được xác định bằng vị trí của anh ta trong hệ thống phân tầng xã hội và bằng những gì người khác nói về anh ta.

b. Trật tự tưởng tượng định hình khát vọng của chúng ta. Hầu hết con người đều không muốn chấp nhận rằng trật tự đang chi phối cuộc sống của họ chỉ là tưởng tượng, nhưng trong thực tế mỗi người sinh ra đều bị đưa vào một trật tự tưởng tượng đã tồn tại trước đó, và khát vọng của anh ta hoặc chị ta được hình thành từ khi sinh ra bởi những huyền thoại thịnh hành. Vì vậy, khát vọng cá nhân của chúng ta trở thành sự phòng thủ quan trọng nhất của một trật tự tưởng tượng.

Ví dụ, các khát vọng được ấp ủ nhất trong lòng của người phương Tây hiện đại được hình thành từ các huyền thoại lãng mạn về chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa nhân văn đã tồn tại trong hàng thế kỷ. Bạn bè khi đưa ra lời khuyên thường nói với nhau, “Hãy đi theo trái tim của cậu”. Nhưng trái tim là một điệp viên hai mang, thường lấy chỉ dẫn từ những huyền thoại thịnh hành và chính lời khuyên “Hãy đi theo trái tim của cậu” đã in dấu trong tâm trí chúng ta bởi sự kết hợp giữa những huyền thoại lãng mạn thế kỷ 19 và những huyền thoại tiêu thụ thế kỷ 20. Công ty Coca Cola là một ví dụ, đã quảng bá sản phẩm Diet Coke (Coke dành cho người ăn kiêng) ra khắp thế giới với khẩu hiệu “Diet Coke. Hãy làm những gì bạn cảm thấy tốt”.

Kể cả những gì mà mọi người coi là khát vọng cá nhân nhất của họ cũng thường được lên chương trình bằng trật tự tưởng tượng. Ví dụ, hãy xét đến một khát vọng phổ biến là đi nghỉ ở nước ngoài. Chẳng có gì tự nhiên hoặc hiển nhiên về nó. Một con tinh tinh alpha sẽ không bao giờ nghĩ tới việc sử dụng sức mạnh của mình để đi nghỉ trên vùng lãnh thổ của một bầy tinh tinh láng giềng. Giới tinh hoa ở Ai Cập cổ đại sử dụng tài sản riêng để xây dựng kim tự tháp và ướp xác của mình, nhưng không một ai trong số họ nghĩ đến việc đi mua sắm ở Babylon hoặc đi trượt tuyết ở Phoenicia. Con người ngày nay dành một số tiền lớn vào các kỳ nghỉ ở nước ngoài, vì họ là những người cực kỳ tin tưởng vào những huyền thoại của chủ nghĩa tiêu thụ được lãng mạn hoá.

Chủ nghĩa lãng mạn nói với chúng ta rằng, để có thể phát triển tối đa năng lực của mình, chúng ta phải có càng nhiều trải nghiệm khác nhau càng tốt. Chúng ta phải cởi mở mình trước những trạng thái cảm xúc đa dạng; chúng ta phải thử nghiệm nhiều loại mối quan hệ; chúng ta phải thử nghiệm nhiều cách nấu nướng khác nhau; chúng ta phải học cách thưởng thức những phong cách âm nhạc khác nhau. Một trong những cách tốt nhất để làm tất cả những điều này là phá vỡ thói quen hằng ngày của mình, bỏ lại đằng sau những khung cảnh sống quen thuộc, và đi du lịch tới các vùng đất xa xôi, nơi chúng ta có thể “trải nghiệm” văn hoá, hương vị, thị hiếu và những chuẩn mực của người khác. Chúng ta nghe đi nghe lại những huyền thoại lãng mạn về việc “một trải nghiệm mới đã mở mắt và thay đổi cuộc sống của tôi như thế nào”.

Chủ nghĩa tiêu thụ nói với chúng ta rằng để hạnh phúc, chúng ta phải tiêu thụ càng nhiều sản phẩm và dịch vụ càng tốt. Nếu chúng ta cảm thấy có điều gì đó thiếu vắng hoặc chưa ổn, thì có lẽ chúng ta cần phải mua một sản phẩm (xe hơi, quần áo mới, thực phẩm hữu cơ) hoặc một dịch vụ (dọn nhà, trị liệu tâm lý, các lớp yoga). Mỗi quảng cáo truyền hình là một huyền thoại nhỏ khác nhau về việc tiêu dùng sản phẩm hoặc dịch vụ sẽ làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

 

Hình 17. Kim tự tháp vĩ đại ở Giza. Cách để những người giàu có ở Ai Cập cổ đại tiêu tiền của mình.

Chủ nghĩa lãng mạn khuyến khích sự đa dạng và hoàn toàn ăn khớp với chủ nghĩa tiêu dùng. Cặp đôi này đã sinh ra một “thị trường của những trải nghiệm” vô tận mà trên đó ngành du lịch hiện đại đã được hình thành. Ngành du lịch không chỉ bán những tấm vé máy bay và các phòng khách sạn. Nó bán các trải nghiệm. Paris không phải là một thành phố, cũng như Ấn Độ không phải là một quốc gia, cả hai đều là những trải nghiệm mà sự tận hưởng chúng được cho rằng sẽ mở rộng tầm nhìn, phát huy hết năng lực bản thân của con người và làm cho chúng ta hạnh phúc hơn. Kết quả là, khi mối quan hệ giữa một triệu phú và vợ mình phải trải qua một con đường đầy chông gai, ông ta sẽ đưa vợ mình tới Paris trong một kỳ nghỉ đắt đỏ. Chuyến đi không phản ánh khát vọng độc lập nào đó, mà nó phản ánh niềm tin mãnh liệt vào những huyền thoại của chủ nghĩa tiêu dùng lãng mạn. Một người đàn ông giàu có ở Ai Cập cổ đại sẽ không bao giờ mơ đến việc giải quyết khủng hoảng của một mối quan hệ bằng cách đưa vợ mình đi nghỉ ở Babylon. Thay vào đó, ông ta sẽ xây cho vợ mình một ngôi mộ lộng lẫy như bà ta hằng mơ ước.

Giống như giới tinh hoa ở Ai Cập cổ đại, đa số con người ở hầu hết các nền văn hoá đều dâng hiến cuộc sống của mình cho việc xây dựng kim tự tháp. Chỉ có những cái tên, hình dáng, và kích cỡ của các kim tự tháp là khác nhau giữa các nền văn hoá. Ví dụ, họ có thể lấy hình dáng của một mái nhà tranh ở vùng nông thôn cùng với bể bơi và bãi cỏ xanh mướt, hoặc một căn áp mái bóng bảy với tầm nhìn đáng ghen tị. Chẳng mấy ai băn khoăn trước những huyền thoại vốn là nguyên nhân khiến chúng ta thèm khát ban đầu.

c. Một trật tự tưởng tượng mang tính liên-chủ quan. Kể cả nếu do những nỗ lực siêu anh hùng khiến tôi giải phóng được những khát vọng cá nhân của mình ra khỏi một trật tự tưởng tượng, tôi cũng chỉ là một cá nhân mà thôi. Để có thể thay đổi một trật tự tưởng tượng, tôi phải thuyết phục hàng triệu người xa lạ cùng hợp tác với mình. Bởi một trật tự tưởng tượng không phải là một trật tự chủ quan tồn tại trong trí tưởng tượng của tôi – nó là một trật tự liên-chủ quan, tồn tại trong một trí tưởng tượng được chia sẻ của hàng ngàn, hàng triệu người.

Để hiểu được điều này, chúng ta cần hiểu được sự khác nhau giữa “tính khách quan”, “tính chủ quan” và “tính liên-chủ quan”.

Một hiện tượng khách quan tồn tại độc lập với nhận thức và niềm tin của con người. Ví dụ, phóng xạ không phải là một câu chuyện huyền thoại. Những hiện tượng phóng xạ xảy ra rất lâu trước khi con người phát hiện ra chúng, và chúng rất nguy hiểm kể cả khi con người không tin vào điều đó. Marie Curie, một trong những người phát hiện ra phóng xạ, không biết rằng trong suốt những năm tháng dài nghiên cứu về vật liệu phóng xạ, có thể chúng đã gây hại cho cơ thể mình. Bà đã không tin rằng phóng xạ có thể giết mình, nhưng bà đã chết vi bệnh thiếu máu bất sản, một căn bệnh do sự phơi nhiễm quá mức đối với các vật liệu phóng xạ.

Tính chủ quan là những gì tồn tại dựa vào nhận thức và niềm tin của một cá nhân đơn lẻ. Nó sẽ biến mất hoặc thay đổi nếu cá nhân đó thay đổi niềm tin của mình. Nhiều đứa trẻ tin vào sự tồn tại của một người bạn tưởng tượng vô hình và vô thanh trong thế giới này. Người bạn tưởng tượng này chỉ tồn tại trong nhận thức chủ quan của đứa trẻ, và khi đứa trẻ lớn lên sẽ không còn tin vào điều đó nữa, và người bạn tưởng tượng sẽ biến mất.

Tính liên-chủ quan là thứ gì đó tồn tại trong mạng lưới thông tin kết nối giữa nhận thức chủ quan của nhiều cá nhân. Nếu một cá nhân đơn lẻ thay đổi niềm tin của mình, hoặc thậm chí chết đi, điều đó cũng không quan trọng lắm. Tuy nhiên, nếu hầu hết các cá nhân trong mạng lưới này bị chết hoặc thay đổi niềm tin của họ, thì hiện tượng liên-chủ quan sẽ thay đổi hoặc biến mất. Những hiện tượng liên-chủ quan không phải là những sự dối trá ác ý, cũng không phải là trò bịa đặt vô nghĩa. Chúng tồn tại theo một cách khác với những hiện tượng vật lý như phóng xạ, nhưng chúng ảnh hưởng đáng kể lên thế giới. Nhiều yếu tố thúc đẩy quan trọng nhất trong lịch sử mang tính liên-chủ quan: pháp luật, tiền bạc, các vị thần, các quốc gia.

Ví dụ, Peugeot không phải là một người bạn tưởng tượng của vị CEO Peugeot. Công ty này tồn tại trong sự tưởng tượng được chia sẻ của hàng triệu người. CEO tin vào sự tồn tại của công ty vì ban giám đốc cũng tin vào nó, giống như các luật sư của công ty, các thư ký của văn phòng gần đó, các giao dịch viên trong ngân hàng, những người mua bán chứng khoán và những đại lý xe từ Pháp tới Úc. Nếu CEO đột nhiên không còn tin vào sự tồn tại của Peugeot, ông ta sẽ nhanh chóng bị đưa đến bệnh viện tâm thần gần nhất và một người nào đó sẽ chiếm văn phòng của ông ta.

Tương tự như vậy, đồng đô-la, nhân quyền và Hợp chúng quốc Hoa Kỷ đều tồn tại trong trí tưởng tượng được chia sẻ của hàng tỉ người, và không một cá nhân nào có thể đe dọa sự tồn tại của chúng. Nếu mình tôi ngừng tin vào sự tồn tại của đồng đô-la, nhân quyền hoặc Mỹ, thì sẽ chẳng có vấn đề gì xảy ra. Những trật tự tưởng tượng này mang tính liên-chủ quan, vì vậy để có thể thay đổi chúng, chúng ta phải đồng thời thay đổi nhận thức của hàng tỉ người, và thực hiện điều này không hề dễ dàng. Một sự thay đổi tầm cỡ như vậy chỉ có thể được thực hiện với sự giúp đỡ của một tổ chức phức hợp, như một đảng phái chính trị, một phong trào tư tưởng hoặc một giáo phái. Tuy nhiên, để có thể hình thành nên những tổ chức phức hợp như vậy, chúng ta cần phải thuyết phục rất nhiều người xa lạ cùng hợp tác với nhau. Và điều này sẽ chỉ xảy ra nếu những người xa lạ này cùng tin vào các câu chuyện huyền thoại chung nào đó. Do đó, để có thể thay đổi một trật tự tưởng tượng đang tồn tại, trước hết chúng ta phải tin vào một trật tự tưởng tượng khác để thay thế.

Ví dụ, để có thể phá hủy được Peugeot, chúng ta cần tưởng tượng ra cái gì đó quyền lực hơn, chẳng hạn hệ thống pháp luật của Pháp. Và để có thể phá hủy được hệ thống pháp luật của Pháp, chúng ta cần phải tưởng tượng ra cái gì đó có quyền lực hơn nữa, chẳng hạn nhà nước Pháp. Và nếu chúng ta muốn phá hủy luôn cả nhà nước Pháp, thì chúng ta sẽ phải tưởng tượng ra thứ gì đó quyền lực hơn thế nữa.

Không có cách nào để thoát khỏi trật tự tưởng tượng. Khi chúng ta phá vỡ những bức tường nhà tù của mình và chạy tới tự do, thực tế là chúng ta đang chạy tới một sân tập thể dục rộng rãi hơn của một nhà tù lớn hơn mà thôi.

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Sapiens: Lược Sử Loài Người XÂY DỰNG NHỮNG KIM TỰ THÁP

Có thể bạn thích