Sapiens: Lược Sử Loài Người
SỰ LỪA DỐI LỚN NHẤT LỊCH SỬ

SỰ LỪA DỐI LỚN NHẤT LỊCH SỬ

Trong 2,5 triệu năm, con người đã nuôi sống mình bằng cách hái lượm thực vật và săn bắt thú vật, những loài đã sống và sinh sản mà không có sự can thiệp của con người. Homo erectus, Homo ergaster và Neanderthal đã hái lượm những quả sung, quả vả mọc hoang và săn bắt những con cừu hoang dã, không để tâm đến những cây sung, cây vả này mọc ở đâu, bầy cừu hoang gặm cỏ ở cánh đồng nào, và những con dê đực thụ tinh cho những con dê cái nào. Homo sapiens đã lan rộng từ Đông Phi tới Trung Đông, đến châu Âu và châu Á, cuối cùng là châu Úc và châu Mỹ – nhưng ở bất cứ nơi nào họ đến, họ cũng đều tiếp tục hái lượm thực vật mọc hoang và săn bắt động vật hoang dã. Tại sao phải làm khác đi khi lối sống này khiến họ no đủ và giúp phát triển một thế giới phong phú của những cấu trúc xã hội, tín ngưỡng tôn giáo và động lực chính trị?,

Tất cả những điều này đã thay đổi cách đây khoảng 10.000 năm, khi Sapiens bắt đầu dành hầu hết thời gian và nỗ lực của mình nhằm thao túng cuộc sống của một số loài động thực vật. Từ sáng sớm cho đến lúc hoàng hôn, con người gieo hạt, tưới nước cho cây, nhổ cỏ dại, và lùa cừu tới những đồng cỏ tươi tốt. Họ nghĩ rằng việc này sẽ cung cấp cho mình thêm nhiều trái cây, ngũ cốc và thịt. Đó là một cuộc cách mạng trong lối sống của con người – Cách mạng Nông nghiệp.

Thời kỳ chuyển sang nông nghiệp bắt đầu vào khoảng thời gian 9500-8500 TCN ở khu vực đồi núi phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, phía tây Iran và miền Cận Đông. Nó bắt đầu diễn ra chậm chạp trong một khu vực địa lý hạn chế. Dê và lúa mì được nuôi trồng khoảng năm 9000 TCN; cây đậu Hà Lan và cây đậu lăng khoảng năm 8000 TCN, cây ô-liu khoảng năm 5000 TCN, ngựa khoảng năm 4000 TCN, và cây nho khoảng năm 3500 TCN. Một số loài động thực vật như lạc đà, cây điều được nuôi trồng còn muộn hơn, nhưng vào khoảng năm 3500 TCN, làn sóng thuần hoá chính đã kết thúc. Đến tận ngày nay, dù đã có mọi công nghệ tiên tiến, nhưng hơn 90% lượng calo nuôi dưỡng nhân loại đều đến từ một số ít loại cây trồng mà tổ tiên chúng ta đã thuần hoá trong thời kỳ 9500-3500 TCN: lúa mì, lúa, ngô (gọi là “corn” ở Mỹ), khoai tây, kê và lúa mạch. Không có loài động thực vật đáng chú ý nào được thuần hoá trong vòng 2.000 năm qua. Nếu trí tuệ của chúng ta là trí tuệ của những kẻ săn bắt hái lượm thì cách nấu nướng của chúng ta cũng là cách nấu nướng của những nông dân cổ đại.

Các học giả từng tin rằng nông nghiệp đã khởi nguồn từ một điểm duy nhất tại Trung Đông và lan ra bốn góc của thế giới. Ngày nay, họ đồng ý rằng nông nghiệp đã xuất hiện và phát triển hoàn toàn độc lập ở khắp nơi trên thế giới, chứ không phải do nông dân Trung Đông xuất khẩu Cách mạng Nông nghiệp của mình. Dân cư ở Trung Mỹ đã thuần hoá cây ngô và cây đậu, mà không biết gì về lúa mì và đậu Hà Lan trồng ở Trung Đông. Người Nam Mỹ đã học cách trồng khoai tây và thuần hoá lạc đà không bướu, mà không biết điều gì đang xảy ra ở Mexico và Cận Đông. Những nhà cách mạng đầu tiên ở Trung Quốc đã thuần hoá lúa, kê và lợn. Những người làm vườn đầu tiên ở Bắc Mỹ, vốn đã mệt mỏi với việc phải lùng sục trong những bụi cây thấp để tìm kiếm những trái bầu có thể ăn được, đã quyết định trồng bí đỏ. Người New Guinea đã trồng mía đường và chuối, trong khi những nông dân Tây Phi đầu tiên thì trồng kê châu Phi, lúa châu Phi, cao lương, lúa mì theo nhu cầu của mình. Từ những trung tâm đầu tiên này, ngành nông nghiệp đã tỏa đi xa hơn và rộng hơn. Vào thế kỷ 1, đại đa số người dân trên thế giới làm nông nghiệp.

Tại sao Cách mạng Nông nghiệp lại nổ ra ở Trung Đông, Trung Hoa và Trung Mỹ mà không phải ở châu Úc, Alaska hay Nam Á? Lý do rất đơn giản: hầu hết các loài động thực vật không thể thuần hoá được. Sapiens có thể đào xới để tìm loại nấm cục ngon ngọt, và săn bắt những con voi ma-mút có lông mịn như len, nhưng thuần hoá các loài này thì không thể. Nấm cục quá khó kiếm, còn những con thú khổng lồ thì quá hung bạo. Trong hàng ngàn loài động thực vật mà tổ tiên chúng ta đã sân bắt và hái lượm, chỉ một số ít là thích hợp với trồng trọt và chăn nuôi. Số ít loài này sống ở những khu vực đặc biệt, và đây là những nơi xuất hiện các cuộc Cách mạng Nông nghiệp.

 

Bản đồ 2. Các vị trí và thời điểm của Cách mạng Nông nghiệp. Dữ liệu vẫn còn tranh cãi, và bản đồ đang được vẽ lại liên tục để tích hợp những phát hiện khảo cổ mới nhất.

Các học giả một lần nữa tuyên bố rằng Cách mạng Nông nghiệp là bước nhảy vọt của nhân loại. Họ kể một câu chuyện về sự tiến bộ được thúc đẩy bằng sức mạnh trí tuệ loài người. Tiến hoá đã tạo ra ngày càng nhiều con người thông minh. Cuối cùng, con người trở nên thông minh tới mức họ có thể giải mã được những bí mật của tự nhiên, giúp họ thuần hoá cừu và trồng lúa mì. Và ngay khi điều này diễn ra, họ vui vẻ từ bỏ cuộc sống săn bắt hái lượm đầy khó khăn, nguy hiểm và khổ hạnh, để an cư lạc nghiệp và tận hưởng cuộc sống no đủ, dễ chịu của người nông dân.

Câu chuyện này là một sự hư cấu. Không có bằng chứng nào cho thấy con người đã trở nên thông minh hơn theo thời gian. Những người hái lượm đã biết được bí mật của tự nhiên từ trước Cách mạng Nông nghiệp rất lâu, bởi sự sống còn của họ phụ thuộc vào những kiến thức sâu sắc về các loài động thực vật mà họ đã săn bắt và hái lượm. Thay vì báo hiệu cho một kỷ nguyên mới dễ sống, Cách mạng Nông nghiệp lại đem tới cho nông dân cuộc sống nhìn chung có vẻ khó khăn hơn và ít thỏa mãn hơn so với người hái lượm. Người săn bắt hái lượm sử dụng thời gian của mình thú vị và phong phú hơn, ít bị cơn đói và bệnh tật đe dọa hơn. Cách mạng Nông nghiệp tất nhiên đã làm tăng tổng lượng thức ăn dự trữ của loài người, nhưng nhiều thức ăn không có nghĩa là có một chế độ ăn tốt hơn. Đúng hơn, nó biến thành những đợt bùng nổ dân số và tạo ra giới tinh hoa được nuông chiều. Những nông dân bình thường phải làm việc vất vả hơn những kẻ hái lượm bình thường, và lại có một chế độ ăn uống tồi hơn. Cách mạng Nông nghiệp là sự lừa dối lớn nhất của lịch sử.

Ai chịu trách nhiệm? Không phải vua, không phải tu sĩ, cũng không phải thương gia. Thủ phạm là một nhúm các loài thực vật, gồm lúa mì, gạo và khoai tây. Chúng đã thuần hoá Homo sapiens chứ không phải là ngược lại.

Thử suy nghĩ một chút về Cách mạng Nông nghiệp từ quan điểm về lúa mì. 10.000 năm trước đây, lúa mì chỉ là một trong nhiều loài cỏ dại, sống hạn chế trong một phạm vi nhỏ ở Trung Đông. Đột nhiên, chỉ trong một vài thiên niên kỷ ngắn ngủi, nó đã phát triển ra khắp thế giới. Theo các tiêu chí cơ bản về tiến hoá của sự sống và sinh sản, lúa mì đã trở thành một trong những loài cây thành công nhất trong lịch sử Trái đất. Ở những khu vực như Đại Bình Nguyên vùng Bắc Mỹ, nơi cách đây khoảng 10.000 năm không có một cây lúa mì nào mọc, giờ đây bạn có thể đi bộ hàng trăm cây số mà không bắt gặp loại cây nào khác ngoài lúa mì. Trên thế giới, lúa mì đã bao phủ khoảng 2,25 triệu km² bề mặt địa cầu, gấp gần 10 lần kích thước nước Anh. Tại sao loại cỏ này từ vị trí tầm thường lại có thể có mặt ở khắp nơi như vậy?

Lúa mì đã thành công bằng cách thao túng Homo sapiens sao cho có lợi cho nó. Loài vượn này đã sống một cuộc sống săn bắt và hái lượm vô cùng dễ chịu cho đến 10.000 năm trước, nhưng sau đó bắt đầu nỗ lực trồng lúa mì ngày càng nhiều. Trong vòng vài thiên niên kỷ, con người ở nhiều nơi trên thế giới hầu như đã dành thời gian từ sáng đến tối để chăm sóc lúa mì. Việc này không hề dễ dàng. Lúa mì đòi hỏi phải chăm sóc nhiều. Lúa mì không ưa sỏi đá, nên Sapiens phải dọn dẹp các cánh đồng đến gãy cả lưng. Lúa mì không chia sẻ không gian, nước và chất dinh dưỡng cho các loài cây khác, vì vậy đàn ông đàn bà phải lao động suốt ngày để rẫy cỏ dưới ánh nắng chói chang. Lúa mì dễ bị bệnh, nên Sapiens phải trông chừng sâu bệnh và rệp vừng. Lúa mì không có khả năng tự vệ trước những sinh vật thích ăn lúa, từ những bầy thỏ đến những đàn châu chấu, vì vậy nông dân phải trông chừng và bảo vệ lúa. Khi lúa mì khát nước, người ta phải lấy nước từ sông suối tưới cho nó. Khi nó đói, Sapiens phải thu gom phân động vật để bón cho đất trồng lúa mì.

Cơ thể của Homo sapiens đã không được tiến hoá cho những nhiệm vụ như vậy. Nó thích nghi với việc trèo lên cây táo hoặc đuổi theo những con linh dương, chứ không phải để dọn sạch đất đá hay xách những thùng nước. Xương sống, đầu gối, cổ và xương sườn của con người đã phải trả giá. Các nghiên cứu về những bộ xương cổ đại đã chỉ ra rằng, việc chuyển sang làm nông nghiệp dường như đã mang đến rất nhiều bệnh tật như trẹo khớp, viêm khớp và sa ruột. Hơn nữa, những công việc làm nông mới đòi hỏi rất nhiều thời gian nên con người buộc phải định cư lâu dài gần cánh đồng lúa mì của mình. Điều này đã thay đổi hoàn toàn lối sống của họ. Chúng ta không thuần hoá lúa mì. Nó đã thuần hoá chúng ta. Từ “thuần hoá” bắt nguồn từ tiếng Latin domus, nghĩa là “ngôi nhà”. Ai là người đang sống trong một ngôi nhà? Không phải lúa mì, mà đó chính là Sapiens.

Làm thế nào lúa mì có thể thuyết phục được Homo sapiens đánh đổi cuộc sống tươi đẹp để chịu cực khổ như vậy? Đổi lại, con người nhận được gì? Đó không phải là một chế độ ăn uống tốt hơn. Nên nhớ, con người thực chất là một loài vượn ăn tạp, phát triển mạnh nhờ vào việc ăn đủ loại thức ăn. Ngũ cốc chỉ là một phần rất nhỏ trong chế độ ăn uống của con người trước Cách mạng Nông nghiệp. Một chế độ ăn uống chỉ dựa vào ngũ cốc thì rất nghèo vitamin và khoáng chất, khó tiêu hoá, thực sự không tốt cho răng và lợi của bạn.

Lúa mì không mang lại an toàn lương thực cho con người. Cuộc sống của người nông dân kém an toàn hơn cuộc sống của kẻ săn bắt hái lượm. Người hái lượm dựa vào hàng chục loài động thực vật để sinh tồn, và vì vậy có thể vượt qua những năm tháng khó khăn kể cả khi không có những kho thức ăn dự trữ. Nếu số lượng một loài nào đó bị giảm, họ có thể săn bắt và hái lượm thêm loài khác. Cho đến gần đây, các xã hội nông nghiệp vẫn dựa vào một số ít loài thực vật đã được thuần hoá để lấy phần lớn lượng calo cho mình. Ở nhiều vùng, họ chủ yếu dựa vào chỉ một loại cây, như lúa mì, khoai tây hoặc lúa. Nếu không có mưa, hoặc có những đám mây châu chấu bay đến, hoặc có một loại nấm ký sinh gây bệnh cho những loại cây này, hàng ngàn hàng triệu nông dân sẽ chết đói.

Lúa mì cũng không thể bảo vệ con người trước bạo lực. Những nông dân đầu tiên ít nhất cũng hung dữ giống như tổ tiên hái lượm của họ, nếu không muốn nói là hơn. Với những nông dân có nhiều tài sản hơn, họ cần đất đai để trồng trọt. Việc bị hàng xóm cướp bóc đất đai đồng nghĩa với sự chết đói, vì vậy không có chỗ cho sự thỏa hiệp. Khi một bầy hái lượm bị các đối thủ mạnh hơn chèn ép, họ có thể bỏ đi.

Việc này vất vả và nguy hiểm nhưng vẫn thực hiện được. Nhưng khi một kẻ thù mạnh đe dọa một làng nông nghiệp, thì rút lui có nghĩa là bỏ lại ruộng đồng, nhà cửa, kho lương thực. Trong nhiều trường hợp, kết cục với những người tị nạn là chết đói. Vì vậy nông dân có khuynh hướng ở lại và chiến đấu đến cùng.

 

Hình 11. Chiến tranh bộ lạc ở New Guinea giữa hai cộng đồng nông nghiệp (1960). Những cảnh thế này phổ biến trong hàng ngàn năm tiếp sau Cách mạng Nông nghiệp.

Nhiều nghiên cứu về nhân học và khảo cổ học đã chỉ ra rằng trong một xã hội nông nghiệp giản đơn, không có cơ cấu chính trị nào ngoài làng xã và bộ lạc, bạo lực của con người là nguyên nhân cho khoảng 15% trường hợp tử vong, trong đó có 25% là đàn ông. Ở New Guinea ngày nay, bạo lực là nguyên nhân cho khoảng 30% trường hợp tử vong của đàn ông trong xã hội bộ lạc nông nghiệp Dani, và 35% trong bộ lạc Enga. Ở Ecuador, có lẽ khoảng 50% số người trưởng thành của bộ lạc Waoranis đã tử vong dưới tay người khác. Sau này, bạo lực của con người đã được kiểm soát bằng sự phát triển của những cơ cấu xã hội rộng hơn, như các thành phố, vương quốc và quốc gia. Nhưng phải mất hàng ngàn năm để xây dựng những cơ cấu chính trị khổng lồ và hiệu quả như vậy.

Cuộc sống làng xã chắc chắn đã mang lại cho người nông dân những lợi ích tức thì, như việc được bảo vệ tốt hơn trước những loài thú hoang dã, mưa và lạnh. Tuy nhiên, với một người bình thường thì lợi bất cập hại. Rất khó để người sống trong một xã hội phồn vinh như ngày nay hiểu được điều này. Từ khi chúng ta tận hưởng sự sung túc và an toàn, và từ khi sự sung túc và an toàn này được xây dựng dựa trên cơ sở Cách mạng Nông nghiệp, chúng ta đã cho rằng Cách mạng Nông nghiệp là một tiến bộ tuyệt vời. Song, thật sai lầm khi đánh giá hàng ngàn năm lịch sử từ góc nhìn của hôm nay. Một quan điểm toàn diện hơn là của một bé gái 3 tuổi, hấp hối do suy dinh dưỡng vào thế kỷ 1 ở Trung Hoa do người cha có mùa màng thất bát. Liệu bé gái có thể nói “con hấp hối là do thiếu ăn, nhưng trong 2.000 năm tới, con người sẽ có rất nhiều thứ để ăn, và sống trong những ngôi nhà lớn có lắp điều hòa, cho nên sự đau khổ của con là một hy sinh đáng giá?”

Vậy lúa mì đã mang lại gì cho những người làm nông, gồm cả bé gái Trung Hoa suy sinh dưỡng kia? Nó chẳng mang lại lợi lộc gì cho con người với tư cách cá nhân. Song, nó đã dành tặng một thứ gì đó cho Homo sapiens với tư cách một loài. Việc trồng lúa mì cung cấp thức ăn nhiều hơn trên mỗi đơn vị đất đai, vì vậy làm cho số lượng Homo sapiens tăng lên theo cấp số nhân. Khoảng năm 13000 TCN, khi con người nuôi sống mình bằng cách hái lượm những loài thực vật mọc hoang và săn bắt thú hoang, khu vực xung quanh ốc đảo Jericho thuộc Palestine có thể nuôi dưỡng tối đa một bộ lạc du cư gồm 100 thành viên tương đối khỏe mạnh và đầy đủ dinh dưỡng. Khoảng năm 8300 TCN, khi các loài thực vật mọc hoang nhường chỗ cho những cánh đồng lúa mì, ốc đảo này đã nuôi dưỡng một ngôi làng lớn nhưng chật chội gồm 1.000 thành viên, họ phải chịu đựng bệnh tật và suy sinh dưỡng thường xuyên hơn.

Diễn trình tiến hoá không nằm ở đói khát hay đau đớn, mà ở số bản sao của những vòng xoắn ADN. Giống như thành công kinh tế của một công ty được đo bằng số tiền có trong tài khoản ngân hàng chứ không phải là hạnh phúc của người làm thuê, sự tiến hoá thành công của một loài cũng được đo bằng số bản sao chuỗi ADN của nó. Nếu không còn bản sao ADN nào, loài đó sẽ bị tuyệt chủng, giống như một công ty không có tiền sẽ phá sản. Nếu một loài khoe mình có nhiều bản sao ADN, thì đó chính là một thành công và loài sẽ hưng thịnh. Tư góc nhìn này, 1.000 bản sao sẽ luôn luôn tốt hơn 100 bản sao. Đây chính là điểm cốt lõi trong Cách mạng Nông nghiệp: nâng lực giữ cho nhiều người sống sót hơn trong những điều kiện tồi tệ.

Song, tại sao các cá nhân lại phải quan tâm đến bài toán tiến hoá này? Tại sao bất cứ ai có đầu óc bình thường lại đi hạ thấp tiêu chuẩn sống của mình chỉ cốt để những bản sao trong bộ gen Homo sapiens được nhân lên? Không ai lại đồng ý với thỏa thuận này: Cách mạng Nông nghiệp là một cái bẫy.

Cái bẫy xa xỉ

Sự xuất hiện của nghề nông là một việc xảy ra từ từ qua các thế kỷ và thiên niên kỷ. Một bầy Homo sapiens đang hái nấm và quả hạch, đang săn hươu nai và thỏ, sẽ không đột nhiên định cư lâu dài ở một ngôi làng, cày ruộng, gieo hạt lúa mì và vác nước từ sông về. Sự thay đổi này tiếp diễn theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn đều liên quan đến một sự thay đổi nhỏ trong cuộc sống thường ngày.

Homo sapiens đã đến Trung Đông khoảng 70.000 năm về trước. Trong 50.000 năm tiếp theo, tổ tiên của chúng ta đã phát triển thịnh vượng mà không cần có nông nghiệp. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên đủ để nuôi dưỡng cư dân của vùng đất này. Trong những lúc sung túc mọi người đã có thêm con, và trong thời kỳ khó khăn đã giảm đi một ít. Con người, cũng giống như nhiều loài động vật có vú khác, có những cơ chế hoóc-môn và gen có thể giúp kiểm soát sinh sản. Trong những thời điểm thuận lợi, phụ nữ sẽ đến tuổi dậy thì sớm hơn, và cơ hội mang thai của họ sẽ cao hơn. Ở các thời điểm khó khăn, dậy thì muộn và cơ hội mang thai sẽ giảm.

Việc kiểm soát dân số tự nhiên còn được hỗ trợ thêm bởi các cơ chế văn hoá. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vốn di chuyển chậm chạp và đòi hỏi nhiều sự quan tâm, sẽ trở thành gánh nặng cho những kẻ hái lượm du cư. Con người cố gắng sinh con cách nhau từ ba đến bốn năm. Phụ nữ làm được vậy nhờ chăm sóc con cái suốt ngày đêm cho đến khi lớn (cho con bú suốt ngày đêm đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm khả năng mang thai). Những phương pháp khác bao gồm sự kiêng khem tình dục một phần hoặc hoàn toàn (có thể được hỗ trợ bởi những kiêng kị văn hoá), nạo phá thai, và đôi khi là tục giết trẻ sơ sinh.

Trong suốt những thiên niên kỷ dài này, con người thi thoảng ăn hạt lúa mì, nhưng đây chỉ là phần nhỏ trong chế độ ăn uống của họ. Khoảng 18.000 năm trước, thời kỳ băng hà cuối cùng đã chuyển sang thời kỳ ấm lên toàn cầu. Nhiệt độ tăng nên lượng mưa cũng tăng theo. Kiểu khí hậu mới này lý tưởng cho lúa mì và các cây ngũ cốc khác ở Trung Đông, vốn đã sinh sôi nảy nở mạnh mẽ và lan rộng. Con người bắt đầu ăn nhiều lúa mì hơn và tình cờ thúc đẩy sự tăng trưởng của nó hơn nữa. Vì không thể ăn được ngũ cốc hoang dại nếu không chọn lọc, nghiền sàng và nấu chúng, nên con người sau khi hái lượm những loại ngũ cốc này đã mang chúng về khu lều trại tạm để chế biến. Hạt lúa mì nhỏ và nhiều, nên một số chắc chắn sẽ bị rơi vãi trên đường tới khu lều trại. Theo thời gian, ngày càng nhiều lúa mì sinh sôi dọc theo những tuyến đường yêu thích của con người và gần những khu lều trại.

Khi con người đốt rừng và bụi rậm, điều này cũng giúp ích cho lúa mì. Lửa sẽ xóa sạch cây cối và bụi rậm, cho phép lúa mì và những loài cỏ khác độc quyền hưởng ánh nắng, nước và chất dinh dưỡng. Ở đó, lúa mì phát triển cực thịnh, các con thú săn được và nguồn thức ăn cũng trở nên dồi dào, các bầy người có thể dần dần từ bỏ cuộc sống du cư để định cư theo mùa hoặc thậm chí vĩnh viễn ở khu lều trại.

Đầu tiên, họ có thể cắm trại bốn tuần trong mùa thu hoạch. Một thế hệ sau đó, khi những cây lúa mì nhân lên và lan rộng, thời gian cắm trại trong mùa thu hoạch có thể kéo dài năm tuần, sau đó là sáu tuần và cuối cùng nơi đó trở thành một ngôi làng định cư. Bằng chứng về những khu định cư như vậy đã được phát hiện trên khắp Trung Đông, đặc biệt ở Cận Đông, nơi mà nền văn minh Natuhan phát triển rực rỡ giai đoạn 12500-9.500 TCN.* Người Natuhan chuyên săn bắt hái lượm, sống dựa vào nhiều loài hoang dã, nhưng lại ở trong những ngôi làng cố định, và dành nhiều thời gian để hái lượm và chế biến tập trung các loại ngũ cốc hoang. Họ xây những ngôi nhà và kho chứa ngũ cốc bằng đá. Họ trữ ngũ cốc cho những lúc khó khăn. Họ phát minh ra những công cụ mới như lưỡi hái bằng đá để hái lượm lúa mì hoang, những cái chày và cối giã bằng đá để nghiền chúng.

Những năm tiếp theo sau năm 9500 TCN, hậu duệ của người Natuhan tiếp tục hái lượm và chế biến ngũ cốc, nhưng họ cũng đã bắt đầu trồng lúa mì nhiều hơn bằng những cách tinh vi hơn. Khi thu hoạch lúa mì hoang, họ dành ra một phần để gieo hạt trên cánh đồng cho mùa sau. Họ phát hiện ra rằng mình có thể đạt được những kết quả tốt hơn bằng cách gieo hạt vào sâu trong đất, thay vì rải chúng lung tung trên bề mặt. Vì vậy, họ bắt đầu cày và cuốc đất. Dần dần, họ cũng bắt đầu nhổ cỏ dại trên những cánh đồng, bảo vệ chúng khỏi những loài ký sinh, tưới nước và bón phân cho chúng. Khi ngày càng tập trung vào việc trồng trọt ngũ cốc, họ sẽ có ít thời gian hơn cho việc săn bắt và hái lượm những loài động thực vật hoang dã. Những kẻ hái lượm đã trở thành nông dân.

Không có một bước duy nhất nào có thể tách biệt người phụ nữ chuyên hái lượm lúa mì hoang với người phụ nữ làm nông chuyên trồng lúa mì, vì vậy thật khó để xác định được chính xác khi nào đã diễn ra thời kỷ chuyển tiếp có tính quyết định sang nông nghiệp. Tuy nhiên, vào khoảng năm 8500 TCN, những ngôi làng định cư đã xuất hiện khắp Trung Đông, ví dụ như Jericho, dân cư ở đó đã dành phần lớn thời gian để trồng trọt một vài loài cây đã thuần hoá.

Cùng với việc chuyển thành những ngồi làng định cư và nguồn cung thực phẩm tăng lên, dân số cũng bắt đầu gia tăng. Từ bỏ cuộc sống du cư khiến phụ nữ có thể sinh con mỗi năm. Những đứa trẻ được cai sữa từ rất sớm, được cho ăn cháo và bột nấu lỏng. Rất cần thêm những bàn tay phụ giúp trên ruộng đồng. Nhưng những miệng ăn thêm nhanh chóng ngốn hết lượng thực phẩm dư, nên phải mở rộng thêm đồng ruộng để trồng trọt. Vì con người bắt đầu sinh sống ở những khu định cư đầy mầm bệnh, vì trẻ con được cho ăn nhiều ngũ cốc hơn và ít sữa mẹ hơn, và vì mỗi đứa trẻ phải giành giật cháo với anh chị em ruột của mình, nên tỉ lệ tử vong ở trẻ em cũng tăng vọt. Ở hầu hết các xã hội nông nghiệp, ít nhất là có một trong ba đứa trẻ sẽ tử vong trước tuổi 20. Song, sự gia tăng tỉ lệ sinh vẫn cao hơn sự gia tăng tỉ lệ tử vong; con người tiếp tục đẻ nhiều con hơn.

Theo thời gian, “món hời lúa mì” đã trở nên ngày càng phiền toái. Trẻ em chết lũ lượt, còn người lớn thì ăn thứ bánh mì phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được. Một người bình thường ở Jericho vào năm 8500 TCN sống cực khổ hơn tổ tiên của mình vào năm 9500 TCN hay năm 13000 TCN. Nhưng không một ai nhận ra điều gì đang xảy ra. Mỗi thế hệ đều tiếp tục sống cuộc đời giống như các thế hệ trước, chỉ có một số cải tiến nhỏ trong cách làm việc. Điều nghịch lý là một loạt “cải tiến” nhằm làm cho cuộc sống dễ chịu hơn, lại càng khiến cuộc sống của nông dân vất vả hơn.

Tại sao con người lại có những tính toán sai lầm định mệnh như vậy? Vì cùng một lý do mà loài người trong toàn bộ lịch sử đã tính toán sai lầm. Họ không thể lường trước đầy đủ các hậu quả từ những quyết định của mình. Bất cứ khi nào họ quyết định làm thêm một chút công việc – Ví dụ, cuốc xới ruộng đồng thay vì chỉ rải hạt giống khắp nơi trên bề mặt – con người đều nghĩ: “Đúng, chúng ta sẽ phải làm việc vất vả hơn, nhưng mùa gặt sẽ bội thu! Chúng ta sẽ không phải lo lắng nữa về những năm mất mùa. Con cái chúng ta sẽ không bao giờ phải nhịn đói đi ngủ”. Điều này hợp lý đấy chứ. Nếu bạn làm việc chăm chỉ hơn, bạn sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó là kế hoạch.

Phần đầu tiên của kế hoạch này diễn ra suôn sẻ. Quả thật con người đã làm việc chăm chỉ hơn. Nhưng con người không đoán trước được số trẻ con sẽ tăng lên, nghĩa là cần thêm nhiều lúa mì để chia cho lũ trẻ đông hơn. Những nông dân đầu tiên cũng không hiểu rằng, việc nuôi trẻ con bằng cháo nhiều hơn và dùng ít sữa mẹ hơn sẽ làm hệ miễn dịch của chúng yếu đi, cùng với định cư sẽ là những ổ bệnh truyền nhiễm. Họ không thấy trước được việc gia tăng sự phụ thuộc vào một nguồn thực phẩm đơn lẻ sẽ thực sự làm họ dễ bị những đợt hạn hán làm tổn hại. Những nông dân cũng không thấy trước được rằng trong những tháng năm tươi đẹp, khi các kho lương thực của họ phình to lên sẽ cám dỗ những kẻ trộm cắp và kẻ thù, khiến họ bắt buộc phải xây tường bảo vệ và canh gác chúng.

Vậy tại sao con người không từ bỏ nông nghiệp khi dự định ban đầu bị đổ bể? Một phần là do phải cần đến vài thế hệ thì những thay đổi nhỏ mới tích lũy lại và biến đổi một xã hội, và đến lúc đó thì không ai còn nhớ rằng mình đã từng sống rất khác. Và phần vì sự gia tăng dân số đã làm cho nhân loại không thể trở về tình trạng ban đầu được nữa. Nếu chấp nhận việc cày cấy làm tăng dân số của một làng từ 100 lên 110 thì 10 người nào sẽ tình nguyện chết đói để cho những người khác có thể trở lại thời kỳ xưa cũ tốt đẹp đây? Không thể trở lại được nữa. Cái bẫy đã sập xuống.

Việc mưu cầu một cuộc sống dễ chịu hơn đã dẫn đến nhiều thử thách cam go hơn, không phải cho con người trước đó, mà cho chính chúng ta hôm nay. Có bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp chấp nhận những công việc căng thẳng tại các công ty quyền lực, thề rằng họ sẽ làm việc chăm chỉ kiếm tiền để có thể về hưu và theo đuổi những công việc họ thực sự yêu thích ở tuổi 33? Nhưng theo thời gian và đến tuổi đó, họ lại có nhiều giấy vay nợ, những đứa con đi học, những ngôi nhà ngoại ô đòi hỏi ít nhất hai xe hơi cho một gia đình, và họ cảm thấy cuộc đời sẽ không đáng sống nếu thiếu rượu ngon và những kỳ nghỉ đắt tiền ở nước ngoài. Họ phải làm gì đây, quay trở lại đào xới đất? Không, họ sẽ nỗ lực gấp đôi và làm việc như nô lệ.

Một trong những quy luật sắt của lịch sử, đó là những thứ xa hoa có xu hướng trở thành những thứ phải có và sẽ tạo ra những nghĩa vụ mới. Một khi con người đã quen với sự xa hoa nào đó, họ sẽ cho đó là hiển nhiên. Rồi họ bắt đầu mong đợi nó. Cuối cùng họ sẽ không thể sống thiếu nó. Hãy lấy một ví dụ tương tự khác ở thời đại của chúng ta. Trong một vài thế kỷ gần đây, chúng ta đã phát minh ra vô số thiết bị để tiết kiệm thời gian, nghĩ rằng chúng sẽ làm cho cuộc sống dễ chịu và thảnh thơi hơn, như máy giặt, máy hút bụi, máy rửa bát, điện thoại, điện thoại di động, máy vi tính, email. Trước đây, người ta cần rất nhiều công sức để viết một bức thư, để địa chỉ, dán tem lên phong bì, và cho nó vào hòm thư. Phải mất vài ngày, vài tuần, thậm chí là vài tháng để nhận được thư trả lời. Ngày nay, tôi có thể viết nhanh một bức thư, gửi nó đến một nơi cách xa nửa vòng Trái đất, và (nếu địa chỉ của tôi là trên mạng) tối sẽ nhận được thư trả lời trong vòng một phút sau đó. Tôi đã tránh được mọi phiền toái và tiết kiệm thời gian, nhưng tôi có đang sống một cuộc đời thảnh thơi hơn hay không?

Thật buồn là không. Quay trở lại kỷ nguyên của những bức thư chậm như sên, con người thường chỉ viết thư khi họ có điều gì quan trọng cần phải thuật lại. Thay vì viết ngay những điều vừa xuất hiện trong tâm trí mình, họ cân nhắc một cách cẩn thận những gì họ muốn nói và làm thế nào để diễn đạt nó. Họ mong đợi nhận được một câu trả lời cũng được suy nghĩ kĩ càng như vậy. Hầu hết mọi người viết và nhận rất ít thư trong một tháng và hiếm khi cảm thấy bị ép buộc phải trả lời ngay lập tức. Ngày nay, tôi nhận được hàng tá thư điện tử mỗi ngày, tất cả đều từ những người muốn được trả lời luôn. Chúng ta nghĩ rằng mình đang tiết kiệm thời gian; thay vào đó, chúng ta tăng tốc guồng quay cuộc sống lên chục lần so với tốc độ trước đây, làm cho những ngày làm việc của mình trở nên đầy lo âu và bối rối.

Ở đâu đó, một người bảo thủ lạc hậu từ chối mở một tài khoản email, cũng giống như cách đây hàng ngàn năm có những bầy người đã từ chối làm nông nghiệp và trốn chạy cái bẫy xa xỉ. Nhưng Cách mạng Nông nghiệp không cần đến mọi bầy người ở một vùng nào đó tham gia vào. Nó chỉ cần một. Ngay khi một bầy người ở lại sinh sống lâu dài và bắt đầu việc cày bừa, thì dù là ở Trung Đông hay Trung Mỹ, nông nghiệp đều có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Từ khi nông nghiệp tạo ra những điều kiện cho sự phát triển nhân khẩu một cách nhanh chóng, nông dân thường có thể vượt qua những kẻ hái lượm bằng số lượng người. Những kẻ hái lượm có thể chạy trốn, rời bỏ những vùng đất săn bắt của mình để tới cánh đồng và đồng cỏ, hoặc có thể nhặt cái cày lên. Cách nào đi nữa, cuộc sống cũ cũng đã kết thúc.

Câu chuyện về cái bẫy xa xỉ đã chỉ ra một bài học quan trọng. Sự tìm kiếm một cuộc sống dễ chịu hơn của nhân loại đã giải phóng những sức mạnh to lớn, biến đổi thế giới theo những cách mà không ai hình dung hay mong muốn. Không ai mưu tính Cách mạng Nông nghiệp hoặc tìm kiếm sự phụ thuộc của con người vào việc trồng trọt ngũ cốc. Từ một loạt những quyết định thông thường chủ yếu nhằm lấp đẩy những cái bụng rỗng và có được một chút an toàn, đã có tác động tích tụ trong việc ép buộc những người hái lượm cổ đại dành cả ngày của mình để gánh mấy thùng nước đầy dưới ánh nắng thiêu đốt.

Sự can thiệp của thần linh

Viễn cảnh trên đã lý giải rằng Cách mạng Nông nghiệp là một tính toán sai lầm. Rất có khả năng. Lịch sử chứa đầy những sai lầm còn ngớ ngẩn hơn nhiều. Nhưng còn một khả năng khác. Có thể không phải việc kiếm tìm một cuộc sống dễ chịu hơn đã tạo ra sự thay đổi. Có thể Sapiens có những mong muốn khác, và chủ ý làm cuộc sống của mình vất vả hơn để đạt được chúng.

Các nhà khoa học luôn muốn quy sự phát triển lịch sử cho các yếu tố kinh tế và nhân khẩu học buồn tẻ. Nó phù hợp hơn với những phương pháp lý trí và toán học của họ. Trong lịch sử hiện đại, các học giả không thể tránh khỏi việc đưa vào các nhân tố phi vật chất như ý thức hệ và văn hoá. Bằng chứng thành văn ép buộc họ. Chúng ta có đủ các tài liệu, thư từ, hồi ký để chứng tỏ rằng Thế chiến II xảy ra không phải do thiếu hụt thực phẩm hay áp lực dân số. Nhưng chúng ta không có tài liệu từ nền văn hoá Natuhan, vì vậy khi nghiên cứu về những thời kỳ cổ đại, các nhà duy vật chiếm ưu thế tuyệt đối. Thật khó để chứng minh rằng con người trước khi có chữ viết đã bị thôi thúc bởi niềm tin hơn là những nhu cầu kinh tế.

Song, trong một vài trường hợp hiếm hoi, chúng ta có đủ may mắn để tìm ra được những manh mối tiết lộ. Vào năm 1995, các nhà khảo cổ học bắt đầu khai quật một khu vực thuộc phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, gọi là Göbekli Tepe. Trong những địa tầng cổ xưa nhất, họ không phát hiện ra dấu hiệu nào của sự định cư, những ngôi nhà, hay những hoạt động thường ngày. Tuy nhiên, họ đã phát hiện ra những kiến trúc vĩ đại được chống đỡ bằng cột trụ và trang trí bằng các hình chạm khắc vô cùng đẹp mắt. Mỗi cột đá nặng đến 7 tấn và cao tới 5 mét. Ở mỏ đá gần đấy, họ tìm thấy một cột đá đã được chạm trổ một nửa, nặng 50 tấn. Tổng cộng, họ phát hiện ra khoảng hơn 10 kiến trúc vĩ đại, cái lớn nhất có bề ngang gần 30 mét.

Các nhà khảo cổ học đã quá quen thuộc với những công trình kiến trúc hoành tráng như vậy được phát hiện ở nhiều di chỉ trên thế giới – nổi tiếng nhất là bãi đá cổ Stonehenge ở Anh. Song, khi nghiên cứu về Göbekli Tepe, họ đã khám phá ra một sự thật kinh ngạc. Stonehenge có niên đại khoảng năm 2500 TCN và được xây dựng bởi một xã hội nông nghiệp phát triển. Những kiến trúc ở Göbekli Tepe có niên đại khoảng năm 9500 TCN, và mọi bằng chứng hiện có đều chỉ ra rằng chúng do những người săn bắt hái lượm xây dựng nên. Cộng đồng khảo cổ học ban đầu cảm thấy khó mà tin vào những phát hiện này, nhưng các cuộc kiểm tra sau đó đã xác nhận niên đại sớm của những công trình kiến trúc đó, cũng như những người xây dựng nên chúng đã sống trong một xã hội tiền nông nghiệp. Các khả năng của người hái lượm cổ đại và sự phức tạp về văn hoá của họ có vẻ gây ấn tượng vượt xa những dự đoán trước đây.

 

Hình 12. Những gì còn sót lại của công trình vĩ đại ở Göbekli Tepe

 

Một trong những cột đá được trang trí (cao khoảng 5 mét)

Tại sao một xã hội hái lượm lại xây dựng được những công trình kiến trúc như vậy. Chúng không mang mục đích vị lợi rõ ràng. Chúng không phải là những lò sát sinh voi ma-mút, cũng không phải là nơi che mưa che nắng hay nơi ẩn nấp để trốn tránh sư tử. Chỉ còn một giả định là chúng được xây dựng cho một mục đích văn hoá thần bí nào đó mà các nhà khảo cổ học đã phải mất thời gian giải đoán vất vả. Dù là gì đi nữa, người hái lượm đã nghĩ rằng rất đáng để bỏ nhiều công sức và thời gian xây dựng những công trình này Cách duy nhất để xây dựng được Göbekli Tepe là hàng ngàn con người thuộc rất nhiều bầy người và bộ lạc khác nhau phải hợp tác trong một khoảng thời gian dài. Chỉ có tôn giáo hoặc hệ thống ý thức hệ phức tạp mới có thể duy trì được những nỗ lực như vậy.

Göbekli Tepe còn nắm giữ những bí mật lý thú khác. Trong nhiều năm, các nhà di truyền học đã truy tìm nguồn gốc của lúa mì thuần chủng. Những phát hiện gần đây đã chỉ ra rằng có ít nhất một biến thể đã được thuần chủng, giống lúa mì einkorn, có nguồn gốc từ đồi Karaçadag, cách Göbekli Tepe khoảng 30 km.

Đây khó có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nó kiểu như là trung tâm văn hoá Göbekli Tepe bằng cách nào đó có liên hệ giữa việc thuần hoá ban đầu của con người với lúa mì và giữa lúa mì với con người. Để có thể nuôi dưỡng được những người xây dựng và sử dụng các kiến trúc vĩ đại này, đòi hỏi phải có một lượng thực phẩm cực kỳ lớn. Như vậy có thể là con người đã chuyển từ việc hái lượm lúa mì hoang sang việc chăm chỉ trồng lúa mì, không chỉ để làm tăng lượng cung cấp thực phẩm bình thường mà còn để hỗ trợ xây dựng và vận hành một ngôi đền. Trong hình dung thông thường, những người đi khai hoang ban đầu sẽ xây dựng một ngôi làng, và khi nó trở nên thịnh vượng, họ sẽ xây dựng một ngôi đền ở khu trung tâm. Nhưng Göbekli Tepe lại cho thấy rằng, đền thờ có thể được xây dựng đầu tiên, sau đó làng mới mọc lên quanh nó.

Những nạn nhân của Cách mạng

Thỏa thuận Faust* giữa con người và ngũ cốc không phải là trường hợp duy nhất mà loài người đã thực hiện. Một thỏa thuận khác được ký kết liên quan đến số phận của các loài động vật như cừu, dê, lợn và gà. Những bầy người du cư lén đuổi theo những con cừu hoang dã đã dần làm thay đổi cấu tạo của bầy thú mà họ săn. Quá trình này có khả năng bắt đầu bằng việc săn bắt có chọn lọc. Con người đã nhận thấy rằng họ sẽ có lợi nếu chỉ săn bắt những con cừu đực trưởng thành hoặc những con cừu già hay ốm yếu. Họ tha cho những con cừu cái tốt giống và những con cừu còn non để đảm bảo khả năng tồn tại lâu dài của đàn thú địa phương. Bước thứ hai có thể là tích cực bảo vệ đàn thú khỏi những động vật ăn thịt, đánh đuổi sư tử, chó sói và những bầy người thù địch khác. Tiếp theo, họ có thể dồn đàn thú vào trong những hẻm núi chật hẹp để kiểm soát và bảo vệ chúng tốt hơn. Cuối cùng, họ bắt đầu lựa chọn những con cừu một cách cẩn thận hơn để đáp ứng nhu cầu của mình. Những con cừu đực hung hăng nhất, kháng cự hùng hổ nhất sự quản lý của con người sẽ bị thịt đầu tiên. Tương tự như vậy với những con cái gầy gò nhất và thường phá phách nhất. (Người chăn cừu không thích những con cừu có tính tò mò hay tách khỏi bầy đàn của nó). Cứ mỗi lứa trôi qua, đàn cừu càng trở nên béo tốt hơn, ngoan ngoãn hơn và ít tò mò hơn. Thế đấy! Mary có một con cừu nhỏ, và mỗi khi Mary đi bất cứ đâu, nó cũng đi theo.*

Khả năng khác là những người đi săn có thể bắt và “nuôi dưỡng” một con cừu, vỗ béo nó trong những tháng sung túc và giết thịt nó trong mùa đói kém. Ớ một số giai đoạn, họ bắt đầu giữ lại nhiều hơn những con cừu như vậy. Một số con cừu đến tuổi động dục và bắt đầu sinh sản. Những con hung hăng nhất, ngỗ ngược nhất sẽ được đưa đến lò mổ đầu tiên. Những con ngoan ngoãn nhất, béo tốt nhất sẽ được phép sinh sản và sống lâu hơn. Kết quả là một đàn cừu đã được thuần hoá và biết nghe lời.

Những con vật đã được thuần hoá như cừu, gà, lừa và nhiều con khác, cung cấp thực phẩm (thịt, trứng, sữa), nguyên liệu thô (da, lông) và sức mạnh cơ bắp. Vận chuyển, cày xới, xay nghiền và các việc khác, cho tới lúc bấy giờ được thực hiện bởi con người, thì nay đã được các con vật thay thế ngày càng nhiều hơn. Trong hầu hết các xã hội nông nghiệp, con người chủ yêu tập trung vào việc trồng trọt, còn chăn nuôi là hoạt động thứ cấp. Nhưng một mô hình xã hội mới cũng đã xuất hiện ở vài nơi, chủ yếu dựa vào việc khai thác các loài vật: những bộ lạc chăn nuôi gia súc trên đồng cỏ.

Khi con người lan ra khắp thế giới, theo đó những con vật mà họ thuần hoá cũng vậy. Cách đây khoảng 10.000 năm, chỉ có vài triệu con cừu, bò, dê, lợn và gà sống trong những hang hốc hạn hẹp ở Á-Phi. Ngày nay, thế giới có khoảng một tỉ con cừu, một tỉ con lợn, hơn một tỉ con gia súc và hơn 25 tỉ con gà. Và chúng ở khắp nơi trên địa cầu. Gà thuần chủng là loại thịt phổ biến nhất cho đến tận bây giờ. Sau Homo sapiens, các loài gia súc, lợn và cừu thuần chủng là những loài động vật lớn có vú lan tỏa rộng khắp hơn cả, vào hàng thứ hai, thứ ba và thứ tư trên thế giới. Từ góc nhìn hẹp về tiến hoá, vốn đánh giá sự thành công dựa vào số lượng bản sao ADN, Cách mạng Nông nghiệp là ấn huệ tuyệt vời cho gà, gia súc, lợn và cừu.

Thật không may, góc nhìn tiến hoá là một đánh giá không hoàn chỉnh về sự thành công. Nó phán xét mọi thứ bằng tiêu chuẩn về sống sót và sinh sản mà không quan tâm đến nỗi đau khổ hay niềm hạnh phúc của mỗi cá thể. Gà và gia súc thuần hoá có thể là một câu chuyện tiến hoá thành công, nhưng chúng cũng ở trong số những sinh vật khốn khổ nhất từng tồn tại. Thuần hoá động vật đã được dựa trên các biện pháp tàn bạo nhất, và ngày càng trở nên độc ác hơn theo các thế kỷ.

Đời sống trong tự nhiên của gà hoang kéo dài khoảng 7-12 năm, và đối với gia súc là khoảng 20-25 năm. Trong môi trường hoang dã, hầu hết gà và gia súc sẽ chết sớm hơn nhiều, nhưng chúng lại có cơ hội sống tốt hơn trong một vài năm tươi đẹp. Ngược lại, đại đa số gà và gia súc được thuần hoá đều bị giết thịt khi mới được vài tuần hoặc vài tháng tuổi, vì đó luôn là độ tuổi giết mổ tối ưu đứng trên quan điểm kinh tế. (Tại sao phải nuôi một con gà đến ba năm nếu như nó đã đạt cân nặng tối đa sau ba tháng?)

Gà mái đẻ, bò sữa và súc vật kéo xe đôi khi cũng được phép sống nhiều năm. Nhưng cái giá phải trả là sự nô dịch hoá trong một cuộc sống hoàn toàn xa lạ với những nhu cầu và khát vọng của chúng. Ví dụ, có thể giả định hợp lý rằng bò đực thích lang thang trên những đồng cỏ rộng rãi cùng với bò đực và bò cái khác, hơn là kéo những chiếc xe và cái cày dưới gông cùm của một con vượn cầm roi.

 

Hình 13. Một bức tranh từ ngôi mộ của người Ai Cập (khoảng năm 1200 TCN): một cặp bò đực thiến đang cày ruộng. Trong tự nhiên, gia súc đi lang thang, chúng thấy dễ chịu khi ở trong bầy với một cấu trúc xã hội phức tạp. Bò đực bị thiến và thuần hoá đã lãng phí đời mình dưới roi đòn và trong chiếc chuồng hẹp, lao động đơn độc hoặc theo cặp, một kiểu sống không thích hợp với cơ thể cũng như nhu cầu bầy đàn và cảm xúc của chúng. Khi một con bò đực không thể kéo cày được nữa, nó sẽ bị thịt. (Để ý tư thế cong người của người nông dân Ai Cập cũng rất giống bò đực, dành cả đời mình để lao động cực nhọc, ngược đãi cơ thể, tâm trí và các mối quan hệ xã hội của anh ta.)

Để có thể biến bò đực, ngựa, lừa và lạc đà thành những con vật kéo xe biết nghe lời, phải phá vỡ các bản năng tự nhiên và gắn kết bầy đàn, phải kìm lại tính hung hăng và bản năng tình dục, tước đi sự tự do di chuyển của chúng. Nông dân phát triển những kĩ thuật như nhốt súc vật trong chuồng, lồng, kìm giữ chúng bằng dây cương hoặc xích, huấn luyện chúng bằng roi da và gậy nhọn, cắt bỏ những bộ phận không cần thiết của chúng. Hầu hết những con đực đều bị thiến trong quá trình thuần hoá. Làm vậy sẽ kiềm chế tính hung hăng của con đực, giúp con người có thể kiểm soát có chọn lọc việc sinh sản của gia súc.

Trong nhiều cộng đồng xã hội New Guinea, theo truyền thống, sự giàu có của một người được đánh giá bằng số lợn mà anh ta hay chị ta sở hữu. Để ngăn lợn không đi mất, những nông dân ở phía bắc New Guinea đã cắt bỏ một mẩu mũi của chúng. Điều này sẽ gây ra đau đớn khủng khiếp mỗi khi con vật cố gắng đánh hơi. Vì lợn không thể tìm thức ăn và thậm chí không thể tìm được đường đi mà không đánh hơi, nên sự cắt bỏ này làm chúng phụ thuộc hoàn toàn vào người chủ của mình. Ở vùng khác thuộc New Guinea, có tục chọc mù mắt lợn để chúng thậm chí không thể nhìn được mình đang đi đâu.

Ngành công nghiệp sản xuất bơ sữa cũng có nhiều chiêu trò riêng để cưỡng ép các loài vật làm theo ý muốn của mình. Bò, dê và cừu chỉ tiết sữa sau khi đẻ, và chỉ khi những con con còn bú. Để tiếp tục vắt sữa động vật, nông dân cần những con con bú mẹ, nhưng lại phải ngăn chúng độc quyền nguồn sữa. Một trong những cách phổ biến trong lịch sử là đơn giản giết thịt những con con ngay sau khi sinh ra, vắt sữa con mẹ triệt để và sau đó lại làm con mẹ tiếp tục mang thai. Đây hiện vẫn là một phương pháp rất phổ biến. Trong nhiều trang trại sữa hiện đại, một con bò sữa thường sống được khoảng năm năm trước khi bị thịt. Trong suốt năm năm đó, nó thường mang thai liên tục, và lại được thụ tinh trong vòng 60 đến 120 ngày sau khi sinh con để duy trì việc cho sữa tối đa. Bò con bị tách khỏi mẹ rất sớm sau khi sinh. Con cái được nuôi để trở thành thế hệ bò sữa tiếp theo, trong khi đó con đực được chuyển cho ngành công nghiệp sản xuất và chế biến thịt.

Một phương pháp khác là giữ cho những con con ở gần con mẹ, nhưng dùng nhiều mẹo để đánh lừa chúng, ngăn chúng bú quá nhiều sữa. Cách đơn giản nhất là cho những con dê con hoặc con bê bắt đầu bú mẹ, nhưng khi sữa bắt đầu chảy thì lại mang chúng đi chỗ khác. Cách này thường gặp phải sự kháng cự của cả con mẹ lẫn con con. Một số bộ lạc chăn cừu thường giết những con con, ăn thịt và nhồi da chúng. Những con con đã bị nhồi da sau đó sẽ được đưa đến chỗ con mẹ, và sự có mặt này sẽ kích thích sự tiết sữa của con mẹ. Bộ lạc Nuer ở Sudan thậm chí còn bôi nước tiểu của con mẹ lên những con con đã bị nhồi da, làm cho chúng có mùi quen thuộc và như thật. Một kĩ thuật khác của người Nuer là buộc một vòng cây có gai xung quanh mõm của con bê, khiến nó chọc vào con mẹ và con mẹ không muốn cho con con bú sữa. Người Tuareg chăn nuôi lạc đà ở Sahara thường đâm thủng hoặc cắt đi các phần mũi hoặc môi trên của lạc đà con, khiến chúng đau khi cố bú, do đó ngăn chúng tiêu thụ quá nhiều sữa.

Không phải mọi xã hội nông nghiệp đều tàn bạo như vậy với vật nuôi trong trang trại của mình. Cuộc sống của một số loài động vật thuần hoá có thể khá tốt. Cừu được nuôi để lấy len, chó, mèo, ngựa chiến, ngựa đua thường được hưởng những điều kiện sống cực kỳ thoải mái. Nghe đâu Hoàng đế La Mã Caligula từng có ý định phong chức quan chấp chính cho con ngựa yêu thích của mình là Incitatus. Trong lịch sử, những người chăn cừu và nông dân đều thể hiện tình cảm yêu mến của mình đối với vật nuôi và chăm sóc chúng rất chu đáo, giống như các chủ nô yêu quý và quan tâm đến nô lệ của mình. Không phải ngẫu nhiên mà những ông vua và nhà tiên tri đều tạo cho mình phong cách giống người chăn cừu, so sánh cách họ và những vị thần quan tâm đến thần dân như người chăn cừu châm sóc bầy cừu của mình.

 

Hình 14. Một con bê thời nay trong một trang trại thịt công nghiệp. Ngay sau khi ra đời, con bê sẽ bị tách khỏi mẹ và nhốt trong cái chuồng chật hẹp không lớn hơn kích thước thân nó là bao. Con bê sẽ ở đó trong toàn bộ đời mình, trung bình khoảng bốn tháng. Nó không bao giờ rời chuồng, cũng như không được phép chơi đùa cùng các con bê khác, thậm chí không được bước đi, tất cả chỉ để cơ bắp của nó không phát triển được.

Bắp mềm đồng nghĩa với món bít-tết mềm và ngon. Lần đầu tiên con bê có cơ hội đi bộ, kéo giãn cơ bắp và chạm vào các con bê khác là trên đường tới lò mổ. Theo quan điểm tiến hoá, gia súc đại diện cho một trong những loài động vật từng tồn tại thành công nhất. Đồng thời, chúng là một trong những loài động vật khốn khổ nhất hành tinh.

Song, nếu nhìn từ quan điểm của vật nuôi hơn là của người chăn chúng, thật khó tránh cảm giác là với đại đa số các loài vật đã thuần hoá, Cách mạng Nông nghiệp là một thảm họa tồi tệ. “Thành công” theo quan điểm tiến hoá thật vô nghĩa. Những con tê giác hoang dã quý hiếm đang bên bờ vực tuyệt chủng có thể sẽ thấy thỏa mãn hơn mấy con bê con với cuộc đời ngắn ngủi trong cái chuồng chật hẹp, bị vỗ béo để trở thành miếng bít-tết ngon lành. Những con tê giác thỏa mãn này cũng là những cá thể còn sống sót cuối cùng trong loài. Sự thành công về số lượng của loài bê chỉ là sự an ủi nhỏ nhoi cho những đau đớn mà mỗi cá thể phải chịu đựng.

Sự khác biệt giữa thành công về mặt tiến hoá và sự đau đớn của mỗi cá thể có lẽ là bài học quan trọng nhất mà chúng ta có thể rút ra từ Cách mạng Nông nghiệp. Khi chúng ta nghiên cứu câu chuyện của các loài thực vật như lúa mì, ngô, lý lẽ thuần tiến hoá nghe còn có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, trong trường hợp các loài động vật như gia súc, cừu và Sapiens, với mỗi loài đều có thế giới cảm giác và cảm xúc phức tạp riêng, chúng ta phải xem xét sự thành công về mặt tiến hoá này chuyển dịch sang trải nghiệm của mỗi cá thể như thế nào. Trong các chương tiếp theo, chúng ta sẽ thấy sự lặp đi lặp lại của việc gia tăng ngoạn mục sức mạnh tập thể và thành công bề ngoài của loài người đã đi kèm với sự gia tăng khổ đau của mỗi cá nhân ra sao.

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Sapiens: Lược Sử Loài Người SỰ LỪA DỐI LỚN NHẤT LỊCH SỬ

Có thể bạn thích