Quiet – Sức Mạnh Của Người Hướng Nội
Chương 9: Khi Nào Thì Bạn Nên Tỏ Ra Hướng Ngoại Hơn Mức Bạn Thực Sự Là?

Phần Bốn: LÀM THẾ NÀO ĐỂ YÊU, LÀM THẾ NÀO ĐỂ LÀM VIỆC

Chương 9: KHI NÀO THÌ BẠN NÊN TỎ RA HƯỚNG NGOẠI HƠN MỨC BẠN THỰC SỰ LÀ?

Với một người, có bao nhiêu nhóm người khác nhau mà ý kiến từ họ anh ta tôn trọng, thì tương ứng sẽ có bấy nhiêu diện mạo xã hội khác nhau anh ta tự khoác lấy cho mình. Thông thường, với mỗi nhóm người khác nhau như thế, anh ta sẽ thể hiện ra một phần khác nhau của con người mình.

—WILLIAM JAMES

Hãy gặp giáo sư Brian Little, cựu giảng viên môn tâm lý học tại Đại học Harvard, và là người sở hữu giải thưởng 3M Teaching Fellowship, một giải thưởng đôi lúc được đề cập đến như giải Nobel trong lĩnh vực giảng dạy đại học. Vóc người thấp, rắn chắc, đeo kính và có một vẻ ngoài dễ mến, giáo sư Little có một chất giọng nam trầm đầy ấn tượng, một thói quen đột nhiên cất tiếng hát và nhún nhảy theo đầy ngẫu hứng trên bục giảng, và một phong cách nhấn mạnh các phụ âm, kéo dài các nguyên âm theo đúng kiểu các diễn viên Mỹ ngày xưa. Người ta thường miêu tả ông như một sự giao thoa giữa Robin Williams và Albert Einstein, và khi ông kể một chuyện cười mà làm các khán giả của mình bật cười thích thú, một điều rất thường xuyên xảy ra, ông thậm chí trông còn vui hơn cả bọn họ nữa. Các lớp học của ông ở Harvard luôn quá tải số lượng sinh viên đăng ký học, và mỗi buổi học như thế thường luôn kết thúc với cảnh cả khán phòng đứng dậy và vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt.

Trái ngược lại, người đàn ông tôi sắp miêu tả dưới đây có vẻ thuộc về một giống loài hoàn toàn khác hẳn với giáo sư Little: ông sống cùng với vợ trong một ngôi nhà rất kín đáo, trên hai mẫu đất gần một cánh rừng hẻo lánh ở Canada. Ông thỉnh thoảng có con cái và các cháu đến thăm, nhưng trừ những lúc đó ra, ông thường xuyên ở một mình. Ông dành thời gian rảnh của mình để viết nhạc, đọc và viết sách cũng như các bài báo, và gửi các email dài, mà ông gọi là “e-pistles” cho các bạn mình. Khi ông phải giao thiệp, ông thường chọn những cuộc gặp gỡ một-đối-một. Tại các bữa tiệc, ông nhanh chóng bắt cặp lấy một ai đó để nói chuyện một cách nhẹ nhàng, tĩnh lặng ngay khi ông có thể, hoặc kiếm cớ lẩn ra ngoài một mình “để hít thở chút không khí trong lành”. Khi bị buộc phải dành quá nhiều thời gian bên ngoài để giao thiệp xã hội, hay phải ở trong bất cứ tình huống có dính dáng đến xung đột nào, ông thực sự có thể phát bệnh.

Liệu bạn có ngạc nhiên không nếu tôi nói với bạn rằng vị giáo sư đại hoạt náo và kẻ lánh đời thích cuộc

sống trí óc kia là một, và là hai phần của cùng một người đàn ông? Có lẽ là không, nếu bạn cân nhắc đến việc mỗi chúng ta đều cư xử khác nhau tùy thuộc vào các tình huống khác nhau. Nhưng nếu ngay từ đầu chúng ta có khả năng thay đổi cách hành xử của mình một cách linh hoạt đến thế, vậy thì cố gắng nêu ra sự phân biệt giữa người hướng nội với người hướng ngoại có còn nghĩa lý gì nữa không? Có phải chính ý tưởng về sự hướng nội-hướng ngoại chỉ đơn giản là một sự phân đôi lưỡng cực hoàn toàn: người hướng nội là những nhà hiền triết thông thái, người hướng ngoại thì là những nhà lãnh đạo đầy dũng cảm? Người hướng nội là những nhà thơ hay những kẻ mọt sách, người hướng ngoại là những vận động viên thể thao hay thành viên các đội cổ vũ (cheerleader)? Không phải tất cả chúng ta đều có một chút của cả hai phía hay sao?

Các nhà tâm lý học gọi đây là cuộc tranh luận về “con người-tình huống” (person-situation): Liệu ở một con người, những nét tính cách cố định có thực sự tồn tại, hay chúng sẽ thay đổi khi các tình huống xung quanh người đó thay đổi? Nếu bạn nói chuyện với giáo sư Little, ông sẽ nói với bạn rằng bất chấp tính cách hoạt náo và thành tích dạy học đầy ấn tượng của ông, ông vẫn là một người hoàn-toàn, từ- trong-ra-ngoài, một-trăm-phần-trăm hướng nội, không chỉ trong cách ứng xử, mà còn cả trong tâm lý học hệ thần kinh của ông nữa (ông đã làm bài kiểm tra “nhỏ nước chanh lên lưỡi” như tôi đã miêu tả trong chương 4, và tiết nước bọt ngay tức khắc). Điều này có vẻ đặt ông hoàn toàn nghiêng về phía “con người” trong cuộc tranh luận “con người-tình huống”: Little tin rằng những nét tính cách cố định thực sự có tồn tại, rằng chúng định hình cuộc đời chúng ta theo những cách rất sâu sắc, rằng chúng hoạt động dựa trên những cơ chế sinh lý học, và rằng chúng tồn tại khá là ổn định trong suốt cuộc đời của một con người. Những người ủng hộ quan điểm này có những hậu thuẫn rất lớn: Hippocrates, Milton, Schopenhauer, Jung, và gần đây nhất là các nhà nghiên cứu đang sử dụng máy fMRI và các thí nghiệm về mức độ dẫn truyền của da.

Ở phía bên kia của cuộc tranh luận là một nhóm các nhà tâm lý học được biết đến với cái tên Người theo chủ nghĩa Tình huống (situationists). Chủ nghĩa Tình huống (situationism) chỉ ra rằng những từ ngữ phổ quát hóa về con người, trong đó có cả những từ ngữ chúng ta hay dùng để miêu tả lẫn nhau— nhút nhát, hung hăng, tận tụy, dễ mến—đều chỉ dễ gây nhầm lẫn. Không hề có một bản thể nội tại (core self); chỉ có một tập hợp đa dạng những bản thể khác nhau cho từng Hoàn cảnh X, Y, Z khác nhau. Quan điểm của những người theo chủ nghĩa Tình huống lên đến đỉnh cao vào năm 1968, khi nhà tâm lý học Walter Mischel cho xuất bản cuốn sách “Tính cách và Đánh giá” (Personality and Assessment), thách

thức ý tưởng về những nét tính cách cố định. Mischel tranh luận rằng nhân tố tình huống có thể giúp dự đoán hành vi của những người như Brian Little tốt hơn nhiều so với thứ được gọi là “nét tính cách cố định”.

Trong vài thập kỷ sau đó, Chủ nghĩa Tình huống thắng thế. Quan điểm hậu hiện đại về bản thể con người xuất hiện trong khoảng thời gian này, chịu ảnh hưởng từ những nhà lý luận như Erving Goffman, tác giả của cuốn “Sự Có Mặt của Bản thể trong Cuộc sống Hàng ngày” (The Presentation of Self in Everyday Life), đề xuất rằng cuộc sống giao tiếp xã hội là một màn trình diễn, và những tấm mặt nạ ta mang trong sự giao tiếp xã hội đều là các bản thể thật của ta. Rất nhiều nhà nghiên cứu nghi ngờ việc liệu những nét tính cách có tồn tại vì một ý nghĩa nào không. Các nhà nghiên cứu tâm lý học khi đó gặp khá nhiều khó khăn để kiếm việc.

Nhưng cũng giống như việc cuộc tranh luận về tự nhiên-nuôi dưỡng đã được thế chỗ bởi khái niệm về “mức độ phản ứng” (interactionism)—tri thức mới cho ta biết rằng cả hai tác nhân đều có đóng góp vào việc ta là ai, và thực sự còn có tác động qua lại lẫn nhau giữa chúng nữa—thì cuộc tranh luận con người-tình huống cũng đã bị thế chỗ bởi một hiểu biết sâu sắc hơn. Các nhà tâm lý học tính cách thừa nhận rằng chúng ta cảm thấy hòa đồng hơn vào lúc 6 giờ tối và cảm thấy muốn ở một mình hơn vào lúc 10 giờ tối, và rằng sự biến đổi này là có thật, và có phụ-thuộc-vào-tình-huống. Nhưng họ đồng thời cũng nhấn mạnh rằng có rất nhiều bằng chứng đã xuất hiện ủng hộ giả thiết rằng bất chấp những sự thay đổi này, thật sự vẫn có thứ gọi là “một tính cách cố định” (a fixed personality).

Ngày nay, ngay cả Mischel cũng thừa nhận rằng những nét tính cách thực sự có tồn tại, nhưng ông tin rằng chúng thường xuất hiện theo những quy luật nhất định. Ví dụ, một số người tỏ ra hung hăng áp đảo đối với các đồng bạn và cấp dưới, nhưng lại hết sức ngoan ngoãn với các nhân vật có quyền lực cao hơn mình; một số khác thì lại ngược lại. Những người “nhạy-cảm-với-việc-bị-chối-bỏ” sẽ nồng ấm và tình cảm khi họ cảm thấy an toàn, hung dữ và kiểm soát nếu họ cảm thấy mình đang bị chối bỏ.

Nhưng sự thỏa hiệp thoải mái này đem đến một cơ số vấn đề về ý chí tự do mà chúng ta đã khám phá ở chương 5. Chúng ta biết rằng có những giới hạn sinh lý học về việc chúng ta là ai và chúng ta hành xử như thế nào. Nhưng liệu chúng ta có nên thử cố gắng dao động các hành vi của mình trong khả năng giới hạn có thể, hay chúng ta chỉ nên đơn giản là chính bản thân mình? Đến mức nào thì việc cố kiểm soát các hành vi của bản thân là vô nghĩa, hoặc vượt quá sức của chúng ta?

Nếu bạn là một người hướng nội trong nước Mỹ liên hiệp (corporate America), liệu bạn có nên cố để dành con người thật của mình cho chỉ những ngày nghỉ cuối tuần yên tĩnh, và dành tất cả những ngày còn lại trong tuần cố gắng hết sức để “lao ra ngoài đó, hòa nhập, nói thường xuyên hơn, và kết nối với đồng đội của bạn và những người khác, khai thác tất cả năng lượng và tính cách mà bạn có thể có”, như Jack Welch đã khuyên trong chuyên trang điện tử của tờ BusinessWeek? Nếu bạn là một sinh viên đại học hướng ngoại, liệu bạn có nên để dành con người thật của mình cho những ngày nghỉ cuối tuần náo nhiệt, và dành toàn bộ những ngày còn lại trong tuần cố gắng tập trung cho việc học? Liệu mọi người có thể tùy chỉnh được tính cách của họ theo cách này hay không?

Câu trả lời tốt duy nhất tôi đã được nghe cho những câu hỏi này đến từ giáo sư Brian Little.

Vào buổi sáng ngày 12 tháng Mười, năm 1979, Little ghé thăm trường Đại học Quân đội Hoàng gia Saint-Jean (Royal Military College Saint-Jean) bên bờ sông Richelieu, nằm cách Montreal bốn mươi km về phía Nam, để phát biểu một bài nói trước một nhóm các sĩ quan quân đội cấp cao. Đúng như một người hướng nội được kỳ vọng sẽ làm, ông đã chuẩn bị kỹ càng cho bài nói, không chỉ luyện nói trước những ý kiến của mình, mà còn đảm bảo rằng ông có thể trích dẫn những nghiên cứu mới nhất. Kể cả trong khi đang thực hiện bài nói của mình, ông vẫn đang trong trong trạng thái mà ông gọi là “trạng thái hướng nội kinh điển”, liên tục rà soát các khán giả và phát hiện mọi dấu hiệu tỏ ra không thích thú dù nhỏ nhất nào, để đưa ra những tùy chỉnh kịp thời—một số liệu nghiên cứu ở chỗ này, một chút hài hước ở chỗ kia.

Bài phát biểu đã thành công mỹ mãn (đến mức từ đó ông được mời đến phát biểu hàng năm). Nhưng lần tiếp theo ông được mời tới trường đại học này, ông đã phải phát hoảng: họ mời ông cùng dùng bữa trưa với những người đứng đầu trường. Little phải thực hiện một bài nói nữa vào buổi chiều hôm đó, và ông biết rằng nói chuyện phiếm trong suốt một tiếng rưỡi trước đó sẽ đánh gục ông hoàn toàn. Ông cần có thời gian để nạp lại năng lượng cho màn trình diễn vào buổi chiều của ông.

Nhanh trí, ông thông báo ngay rằng mình có một niềm đam mê rất lớn với thiết kế tàu thủy, và hỏi các vị chủ nhà đã mời mình rằng liệu ông có thể nhân cơ hội được đến thăm trường này mà chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những con tàu trên sông Richelieu được không. Sau đó ông dành toàn bộ hơn một tiếng ăn trưa của mình đó để đi bộ dọc bờ sông Richelieu, với một vẻ hàm ơn trân trọng trên khuôn mặt ông.

Suốt hàng nhiều năm sau đó, Little vẫn trở lại ngôi trường này để phát biểu, và suốt hàng nhiều năm đó, ông luôn thả bước dọc bờ sông Richelieu, tận hưởng “thú vui” không có thật này của ông—cho đến ngày ngôi trường này chuyển địa điểm tới một địa điểm khác, lần này không còn sông suối gì hết nữa. Bị mất đi cái cớ hoàn hảo bấy lâu của mình, giáo sư Little quay về với kế sách rút lui duy nhất mà ông có thể kiếm được—nhà vệ sinh nam. Sau mỗi bài phát biểu, ông sẽ nhanh chóng chạy ngay tới nhà vệ sinh và trốn vào một buồng kín. Một lần, một viên sĩ quan phát hiện thấy giày của Little qua khe hở dưới một cánh cửa, liền bắt đầu tán gẫu với ông một cách hăng say; bởi vậy từ những lần sau đó Little luôn co hai chân lên đạp vào bức vách buồng vệ sinh để chúng không bị nhìn thấy. (Ẩn thân trong nhà vệ sinh là một hiện tượng phổ biến đến bất ngờ, như bạn có thể cũng đã biết nếu bạn là một người hướng nội. “Sau mỗi bài nói, tôi luôn ở trong buồng vệ sinh số chín”, Little một lần từng nói với Peter Gzowski, một trong những người dẫn chương trình talk-show nổi tiếng nhất Canada. “Còn tôi, sau mỗi show truyền hình như thế này, tôi ở trong buồng vệ sinh số tám”, Gzowski trả lời ngay, không mất đến một giây.

Bạn có thể tự hỏi tại sao một người hướng nội mạnh đến như giáo sư Little lại có thể xoay sở để nói trước đám đông tốt đến thế. Câu trả lời, ông nói, rất đơn giản, và nó có liên quan tới một nhánh nghiên cứu tâm lý học mới mà gần như do ông một mình ông tạo ra, gọi là Lý Thuyết Về Nét Tính Cách Tự Do (Free Trait Theory). Little tin rằng những nét tính cách cố định và những nét tính cách tự do cùng tồn tại. Theo Lý Thuyết Về Nét Tính Cách Tự Do, chúng ta từ bẩm sinh, cũng như được nền văn hóa mà chúng ta lớn lên trong đó trang bị cho một số nét tính cách nhất định—ví dụ, tính hướng nội—nhưng chúng ta cũng có thể và thực sự có hành động vượt ra khỏi những nét tính cách cố định này, khi phải phục vụ cho “những dự án cá nhân cốt lõi” (core personal projects).

Nói một cách khác, người hướng nội hoàn toàn có khả năng hành động được như người hướng ngoại, nếu đó là vì những công việc mà họ cho là quan trọng, những người mà họ yêu quý, hay bất cứ điều gì mà họ đề cao. Lý Thuyết Về Nét Tính Cách Tự Do giải thích tại sao một người hướng nội có thể tổ chức một bữa tiệc bất ngờ cho người vợ hướng ngoại của mình, hay tham gia hội phụ huynh ở trường con gái mình. Nó lý giải việc làm thế nào mà một nhà khoa học hướng ngoại có thể cư xử đúng mực, khá khép kín trong phòng thí nghiệm của bà; làm thế nào một người dễ tính có thể tỏ ra rất cứng đầu trong một buổi thương lượng hợp đồng kinh doanh; và làm thế nào một người chú luôn cáu cẳn, cằn nhằn có thể cư xử rất dịu dàng với cô cháu gái bé nhỏ của ông khi đưa cô bé đi ăn kem. Như những ví dụ này đã

gợi ý, Lý Thuyết Về Nét Tính Cách Tự Do áp dụng được vào rất nhiều bối cảnh khác nhau, nhưng nó đặc biệt liên quan tới những người hướng nội sống dưới Khuôn Mẫu Hướng Ngoại Lý Tưởng.

Dựa theo Little, cuộc sống của chúng ta sẽ được cải thiện đến đáng kinh ngạc nếu chúng ta tham gia vào những dự án cá nhân cốt lõi mà chúng ta coi là giàu ý nghĩa, có thể giải quyết được, không quá căng thẳng, và khi làm nó chúng ta có thể được ủng hộ bởi những người khác. Khi một ai đó hỏi ta: “Mọi thứ dạo này thế nào?”, chúng ta có thể đưa ra một câu trả lời buột miệng nào đấy, nhưng câu trả lời thực sự của chúng ta sẽ là kết quả của việc các dự án cá nhân cốt lõi của chúng ta đang tiến hành tốt đến đâu.

Đó là lý do tại sao giáo sư Little, một người hoàn toàn hướng nội, lại có thể giảng bài với niềm đam mê lớn đến vậy. Như một Socrates của thời hiện đại, ông yêu các học sinh của mình một cách sâu sắc; khai mở tâm trí cho họ và chăm lo đến việc tiến bộ của họ là hai trong số những dự án cá nhân cốt lõi của ông. Khi Little làm việc ở trường Harvard trong văn phòng của mình, các sinh viên sẽ xếp hàng dài ngoài hành lang như thể ông đang phát miễn phí vé đi xem đại nhạc hội nhạc Rock vậy. Trong suốt hơn hai mươi năm, các sinh viên đã nhờ ông viết hàng vài trăm lá thư tiến cử mỗi năm. “Brian Little là vị giáo sư hấp dẫn, hoạt náo, và quan tâm tới học sinh nhiều nhất mà tôi từng được gặp”, một sinh viên đã viết như vậy về ông. “Tôi thậm chí không biết nên bắt đầu từ đâu để giải thích về bao nhiêu cách mà giáo sư đã có tác động tới cuộc đời tôi”. Vậy là, với Brian Little, việc bỏ thêm thật nhiều nỗ lực cần thiết để kéo dãn bản thân ra khỏi giới hạn là hợp lý, khi thấy rằng dự án cá nhân cốt lõi của ông—khai sáng tất cả tâm trí của họ—đã đạt được thành quả.

Từ cái nhìn đầu tiên, Lý Thuyết Về Nét Tính Cách Tự Do có vẻ trái ngược với một phần rất được trân trọng trong di sản văn hóa của chúng ta. Lời khuyên thường-xuyên-được-trích-dẫn của Shakespeare: “To thine own self be true” (be true to your own self—hãy sống thật với chính mình) đã ăn sâu vào trong ADN của chúng ta. Rất nhiều trong số chúng ta không thoải mái với ý tưởng khoác lấy lên mình một diện mạo giả trong bất cứ một khoảng thời gian nào. Và nếu chúng ta cố hành động vượt ra ngoài tính cách thật của mình bằng cách tự thuyết phục bản thân rằng bản-thể-giả-hiệu kia mới là bản thể thật của chúng ta, ta có thể kết cục là hoàn toàn kiệt sức mà chẳng hiểu tại sao. Điều thiên tài ở lý thuyết của Little là ở chỗ nó giải quyết sự thiếu thoải mái này gọn gàng đến thế nào. Phải, chúng ta chỉ đơn giản đang giả vờ là người hướng ngoại mà thôi, và phải, sự thiếu xác thực này có thể không đúng đắn về mặt đạo đức (đó là còn chưa kể đến vắt kiệt hết sức lực tinh thần của chúng ta); nhưng nếu nó

là để phục vụ cho tình yêu hoặc một tiếng gọi của công việc, vậy thì chúng ta cũng chỉ đang làm đúng theo điều mà Shakespeare đã khuyên mà thôi.

Khi mọi người đã trở nên thuần thục trong việc thực hành những nét tính cách tự do, sẽ khó để có thể tin rằng họ đang hành động vượt ra ngoài tính cách thật của họ. Các sinh viên của giáo sư Little thường tỏ ra ngờ vực khi ông bảo với họ rằng mình là một người hướng nội. Nhưng Little hoàn toàn không phải là một trường hợp duy nhất; rất nhiều người, đặc biệt là những người trong vai trò lãnh đạo, cũng đều tham gia đến một mức độ nào đấy vào việc giả-vờ-là-người-hướng-ngoại này. Ví dụ, hãy cân nhắc đến người bạn của tôi, Alex, nhà lãnh đạo quảng giao, lịch thiệp của một công ty dịch vụ tài chính, người đã đồng ý thực hiện một cuộc phỏng vấn hoàn toàn cởi mở, thẳng thắn; với điều kiện sống chết là không được để lộ danh tính thật của anh. Alex nói với tôi rằng giả-vờ-hướng-ngoại là một thứ anh đã tự dạy mình từ năm lớp Bảy, khi anh nhận ra rằng những đứa trẻ khác đang lợi dụng anh.

“Tôi đã từng là người dễ tính hiền lành nhất mà bạn sẽ muốn biết”, Alex nhớ lại, “nhưng thế giới thì không như vậy. Vấn đề là nếu bạn chỉ là một đứa dễ tính hiền lành, đời sẽ đè bạn bẹp rúm. Tôi từ chối sống một cuộc đời nơi mọi người đều có thể dẫm đạp lên tôi. Tôi lúc đó nghĩ, OK, thế giải pháp ở đây có thể là gì? Và chỉ có duy nhất một mà thôi. Tôi cần phải có tất cả mọi người trong lòng bàn tay của tôi. Nếu tôi muốn làm một người dễ tính hiền lành, tôi cần phải nắm gọn cả cái trường này”.

Nhưng làm thế nào để đi từ A đến B? “Tôi đã nghiên cứu cách ứng xử xã hội của cộng đồng, chắc chắn là nhiều hơn bất cứ ai bạn đã từng gặp”, Alex nói với tôi. Anh quan sát cách mọi người nói, cách họ di chuyển—đặc biệt là các tư thế uy quyền của nam giới. Anh điều chỉnh tác phong của mình, cho phép anh vẫn có thể tiếp tục là một thiếu niên bản chất nhút nhát, hiền lành, nhưng không còn bị lợi dụng nữa. “Bất cứ thứ khó khăn gì có thể khiến bạn bị đè bẹp, tôi sẽ tự bảo, “Mình cần phải học cách làm được cái này”. Vậy nên cho đến giờ, tôi đã được trang bị cho chiến tranh. Bởi vì chỉ có thế, người ta mới không dám đụng đến bạn”.

Alex cũng đồng thời tận dụng những thế mạnh tự nhiên của mình. “Tôi đã học được rằng bọn con trai về cơ bản chỉ làm có một thứ: chúng đuổi theo tụi con gái. Chúng giành được họ, chúng đánh mất họ, rồi chúng bàn luận về họ. Tôi tự nghĩ, “Thật là lòng vòng. Tôi thật sự thích con gái”. Sự gần gũi sẽ đến từ đó chứ đâu. Vậy nên thay vì ngồi lê và tán gẫu về tụi con gái, tôi tìm hiểu họ. Tôi sử dụng việc có các

mối quan hệ tốt với tụi con gái, cộng thêm việc giỏi thể thao, để nắm gọn tụi con trai trong lòng bàn tay tôi. Ồ, và thỉnh thoảng, bạn cũng phải đấm một đứa nào đó. Tôi cũng làm cả cái đó nữa”.

Ngày hôm nay Alex có một tác phong làm việc thân thiện, dễ gần, huýt-sáo-khi-làm-việc. Tôi chưa bao giờ thấy anh ở trong tâm trạng xấu. Nhưng bạn sẽ thấy sự hung hăng tự-dạy-mình của anh ấy thế nào nếu bạn có bao giờ thử chống đối lại anh trên bàn đàm phán. Và bạn sẽ thấy bản thể hướng nội của anh ấy, nếu bạn có bao giờ có kế hoạch dùng bữa tối một lần với anh.

“Tôi thực sự có thể sống hàng nhiều năm trời không cần có bất cứ một người bạn nào, ngoại trừ vợ và các con tôi”, anh nói. “Cứ thử nhìn cậu với tôi mà xem. Cậu là một trong số những người bạn thân nhất của tôi, và có bao nhiêu lần chúng ta thực sự nói chuyện—khi cậu gọi tôi nào! Tôi không thích giao thiệp. Mơ ước của tôi là được sống biệt lập trên một mảnh đất hàng nghìn mẫu với chỉ gia đình tôi. Bạn sẽ không bao giờ thấy một đội các thể loại bạn bè trong giấc mơ đó của tôi đâu. Vậy nên bất chấp bất kể thứ gì cậu nhìn thấy nơi diện mạo xã hội của tôi, tôi là một kẻ hướng nội. Tôi nghĩ rằng về bản chất tôi vẫn là con người như trước giờ tôi vẫn luôn là. Nhút nhát rụt rè đến kinh hoàng, nhưng tôi đã có cách để bù đắp được cho nó”.

Nhưng bao nhiêu trong số chúng ta thực sự có khả năng hành động vượt ra ngoài tính cách đến được mức độ như vậy (tạm thời, hãy bỏ qua câu hỏi rằng liệu bạn có muốn làm thế hay không?). Giáo sư Little tình cờ là một nhà biểu diễn cực kỳ tài giỏi, và rất nhiều CEO của các công ty lớn cũng vậy. Thế còn những người còn lại thì sao?

Một vài năm trước, một nhà tâm lý học nghiên cứu (research psychologist) tên Richard Lippa quyết tâm tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi này. Ông gọi một nhóm những người hướng nội tới phòng thí nghiệm của mình và nhờ họ cư xử như những người hướng ngoại trong khi giả vờ đang dạy một giờ toán. Rồi sau đó ông và các đồng nghiệp của mình, với máy quay phim trong tay, đo lại độ dài các sải bước của họ, lượng giao tiếp bằng mắt họ thực hiện với các “học sinh”, tỷ lệ thời gian họ dành để nói chuyện, tốc độ và âm lượng khi nói của họ, và độ dài tổng cộng của mỗi buổi học. Họ cũng đồng thời đánh giá xem về tổng quát, đối tượng đã tỏ ra hướng ngoại được đến thế nào, dựa vào giọng nói và ngôn ngữ cơ thể của họ.

Và rồi Lippa lặp lại chính xác quy trình đó, lần này với những người hướng ngoại thực thụ, và so sánh các kết quả. Ông khám phá ra rằng dù cho nhóm sau có tạo ra ấn tượng hướng ngoại hơn, một vài trong số các kẻ-hướng-ngoại-giả-vờ vẫn thực sự đã diễn một cách thuyết phục đến bất ngờ. Có vẻ như là hầu hết chúng ta đều biết đóng giả đến một mức độ nào đấy. Bất kể chúng ta có nhận thức được hay không việc độ dài các sải bước của chúng ta, hay lượng thời gian chúng ta dành để nói chuyện và mỉm cười đánh dấu chúng ta là người hướng nội hay hướng ngoại; thì chúng ta vẫn biết các điều đó một cách vô thức.

Mặc dù vậy, chúng ta cũng chỉ có thể khống chế việc tự-thể-hiện-bản-thân này đến một giới hạn nhất định. Điều này một phần là bởi một hiện tượng có tên “rò rỉ hành vi” (behavioral leakage) của chúng ta; trong đó, bản chất thật của chúng ta bị rò rỉ ra ngoài thông qua những ngôn ngữ cử chỉ vô thức: một cái nhìn ra ngoài thoáng chút lơ đãng, vào cái lúc mà nếu là một người hướng ngoại thực sự sẽ phải giữ ánh nhìn thẳng vào mắt khán giả; hoặc một bước chuyển khéo léo trong cuộc đối thoại để đẩy gánh nặng của việc nói sang cho người khán giả, trong khi nếu là một người hướng ngoại thực sự, người diễn giả hẳn sẽ phải muốn giữ quyền được nói lâu hơn một chút nữa.

Vậy thì làm thế nào mà một vài trong số những kẻ giả-vờ-là-người-hướng-ngoại của Lippa có thể tới gần với mức điểm số của những người hướng ngoại thực thụ đến vậy? Hóa ra, những người hướng nội mà đặc biệt giỏi trong việc đóng giả người hướng ngoại thường có điểm số rất cao trong một nét tính cách mà các nhà tâm lý học gọi là “tự-giám-sát-bản-thân” (self-monitoring). Những người tự-giám-sát- bản-thân rất thành thục trong việc tự điều chỉnh hành vi của bản thân theo như yêu cầu giao tiếp của tình huống. Họ tìm kiếm những dấu hiệu để chỉ cho họ nên hành xử như thế nào. Khi ở Rome, họ sẽ cư xử như người Rome; như cách nhà tâm lý học Mark Snyder, tác giả của các cuốn sách “Diện Mạo Công Cộng” (Public Appearances), Thực Tại Riêng Tư (Private Realities), và là người sáng lập ra Thang Đo Mức Độ Tự-giám-sát-bản-thân (Self-Monitoring Scale), đã nói.

Một trong những người tự-giám-sát-bản-thân một cách hiệu quả nhất mà tôi từng biết là một người đàn ông tên Edgar, một nhân vật nổi tiếng và rất được quý mến trong xã hội New York. Ông và vợ đều đặn cả tổ chức lẫn tham dự rất nhiều những buổi gây quỹ lớn, tham gia các sự kiện xã hội khác gần như mọi buổi tối trong tuần. Ông là loại người thành-đạt-mà-lập-dị (enfant terrible) với những “chiêu trò” quái đản luôn là chủ đề bàn tán ưa thích của mọi người. Nhưng Edgar lại là một người công khai thừa

nhận mình là người hướng nội. “Tôi thà ngồi đọc sách và nghĩ ngợi về các thứ còn hơn rất nhiều phải tiếp chuyện với mọi người”, ông bảo.

Ấy vậy nhưng tiếp chuyện với mọi người là một việc ông làm rất thường xuyên. Edgar được nuôi lớn trong một gia đình cực kỳ quảng giao, những người kỳ vọng ông phải biết tự-giám-sát-bản-thân, và ông được thôi thúc làm điều đó. “Tôi yêu thích chính trị”, ông nói. “Tôi thích các chính sách, thích việc khiến mọi thứ xảy ra, tôi muốn thay đổi thế giới theo cách của riêng tôi. Vậy nên tôi cố ý làm những thứ trái tự nhiên kiểu thế. Tôi không thật sự thích làm khách tại một bữa tiệc của ai đó, bởi vì khi đó tôi phải tỏ ra hoạt náo, hấp dẫn. Nhưng tôi sẽ tổ chức những bữa tiệc của riêng mình, vì nó đặt anh ở ngay tâm điểm của mọi thứ, mà anh hoàn toàn không cần phải là một người quảng giao chút gì cả”.

Nhưng khi ông phải có mặt ở các bữa tiệc của những người khác, Edgar sẽ đi rất xa để đóng thật đạt vai của mình. “Suốt cả những năm đại học, và thậm chí tới cả gần đây, trước mỗi khi tôi tới một bữa tối hay một tiệc rượu cocktail, tôi sẽ thủ sẵn một tấm thẻ giấy nhỏ, trên đó ghi khoảng ba đến năm câu chuyện vui hóm hỉnh, có liên quan đến bối cảnh xung quanh. Tôi sẽ nghĩ ra chúng trong một ngày trước đó— nếu có ý tưởng nào xuất hiện, tôi sẽ ghi chúng lại. Rồi, đến bữa tiệc đó, tôi sẽ đợi đến đúng thời cơ thích hợp và tung chúng ra. Đôi lúc tôi phải kiếm cớ lỉnh vào nhà vệ sinh và lôi đám thẻ giấy này ra để học thuộc lại những câu chuyện nhỏ nhỏ của mình”.

Dù vậy, dần dần, Edgar cũng thôi không mang những tấm thẻ giấy tới các bữa tiệc nữa. Ông vẫn tự coi mình là một người hướng nội, nhưng đã hòa nhập quá sâu vào vai diễn hướng ngoại của mình đến độ việc kể chuyện vui bắt đầu tới với ông một cách tự nhiên. Quả thực vậy, những người tự-giám-sát-bản- thân nhiều nhất không chỉ thường giỏi trong việc tạo ra hiệu quả và cảm xúc như mong muốn trong một tình huống nhất định—họ còn đồng thời ít căng thẳng hơn khi làm thế nữa.

Đối ngược lại với những Edgar của thế giới, những người ít tự-giám-sát-bản-thân lại xây dựng hành vi của mình dựa trên chiếc la bàn nội tại của chính họ. Họ có số lượng hành vi cũng như số mặt nạ xã hội sẵn có trong tay ít hơn nhiều. Họ ít nhạy cảm hơn với các dấu hiệu giao tiếp (thứ có thể nhắc họ nên làm gì thì sẽ thích hợp hơn với cuộc giao tiếp), như việc bạn được kỳ vọng sẽ kể bao nhiêu câu chuyện vui tại một bữa tiệc tối; cũng như ít hứng thú hơn với việc đóng-vai, kể cả khi họ nhận biết được các dấu hiệu giao tiếp. Cứ như thể những người ít tự-giám-sát-bản-thân (low self-monitors, hay LSM) và những người hay tự-giám-sát-bản-thân (high self-monitors, hay HSM) hợp với những đối tượng khán giả khác

nhau, như Snyder đã nói: một người là các đối tượng bên trong, người còn lại hướng ra các đối tượng

bên ngoài.

Nếu bạn muốn biết mức độ tự-giám-sát-bản-thân của mình mạnh đến đâu, dưới đây là một vài câu hỏi trong Thang Đo Mức Độ Tự-giám-sát-bản-thân của Snyder.

· Khi bạn không chắc liệu nên hành xử thế nào trong một tình huống giao tiếp nhất định, bạn có quan sát cách cư xử của những người xung quanh không?

· Bạn có hay tìm kiếm lời khuyên từ bạn bè trong việc chọn phim, sách hay nhạc không?

· Bạn có hay cư xử rất khác nhau trong các tình huống khác nhau, hay với những nhóm người

khác nhau không?

· Bạn có thấy bắt chước người khác là một việc khá dễ dàng với bạn không?

· Bạn có bao giờ lừa gạt người khác bằng cách tỏ ra thân thiện, trong khi thực ra có thể bạn không ưa họ chút nào?

· Bạn có hay “diễn trò” để gây ấn tượng, hay để tạo tiếng cười khi giao tiếp với người khác

không?

· Có phải đôi lúc bạn hiện ra trong mắt người khác như một kẻ phải trải qua những cảm xúc sâu sắc, mãnh liệt hơn nhiều những gì bạn thực sự trải qua?

Càng trả lời “có” với những câu hỏi này nhiều, mức độ tự-giám-sát-bản-thân của bạn càng cao. Giờ bạn hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi này xem:

· Có phải các hành động và lời nói của bạn nói chung thường là đại diện cảm xúc, thái độ, hay niềm tin thực sự bên trong của bạn?

· Bạn có bao giờ cảm thấy rằng bạn chỉ có thể tranh cãi cho những ý tưởng bạn đã tin vào từ trước?

· Có phải bạn thường từ chối thay đổi ý kiến, hay cách làm việc của mình nếu chỉ để làm vừa lòng ai đó, hoặc khiến họ có cảm tình hơn với bạn?

· Bạn có ghét những trò chơi như charades (một người chơi dùng điệu bộ, cử chỉ diễn lại một từ ngữ bí mật, để cho các người chơi khác đoán xem từ đó là gì), hay diễn kịch ứng tác (diễn kịch không kịch bản, người diễn tự ứng biến ra nội dung ngay trong khi diễn)?

· Bạn có gặp hay khó khăn không trong việc thay đổi cách nói năng, hành xử của mình cho phù hợp với những nhóm người khác nhau và các hoàn cảnh khác nhau?

Bạn càng có xu hướng trả lời “có” cho những câu hỏi trong nhóm thứ hai này nhiều, bạn có mức độ tự- giám-sát-bản-thân càng thấp.

Khi giáo sư Little giới thiệu ý tưởng về việc tự-giám-sát-bản-thân với các lớp học về tâm lý học tính cách của ông, một số sinh viên đã tranh luận rất hăng về việc liệu làm một người tự-giám-sát-bản-thân có đạo đức hay không. Một số cặp đôi “lẫn lộn”—người HSM và LSM yêu nhau—thậm chí đã chia tay vì điều này, ông nghe mọi người nói lại vậy. Với những người hay tự-giám-sát-bản-thân, những người ít tự-giám-sát-bản-thân có vẻ quá cứng nhắc và vụng về trong giao tiếp. Với những người ít tự-giám-sát- bản-thân, những ai hay tự-giám-sát-bản-thân có thể hiện lên như là những kẻ luôn sẵn lòng tuân thủ, thiếu chính kiến và dối trá—“họ thực dụng nhiều hơn là nguyên tắc”, theo lời của Mark Snyder. Quả thực vậy, những người HSM đã được chứng minh là giỏi nói dối hơn những người LSM, một điêu có vẻ ủng hộ cho quan điểm về đạo đức của những người ít tự-giám-sát-bản-thân.

Nhưng Little, một người đàn ông tốt bụng, mực thước về đạo đức lại tình cờ là một người cực kỳ hay tự-giám-sát-bản-thân, lại có cái nhìn khác. Ông coi việc tự-giám-sát-bản-thân là một hành vi thể hiện sự khiêm tốn. Nó là về việc thích nghi bản thân với những tiêu chuẩn thông thường của hoàn cảnh, hơn là “kéo mọi thứ về nhu cầu và quan tâm của riêng mình”. Không phải tất cả mọi hành động tự-giám-sát- bản-thân đều chỉ là diễn kịch, ông nói, hay đều là để kiểm soát môi trường xung quanh. Một phiên bản hướng nội hơn của nó có thể không phải là để tìm-kiếm-sự-chú-ý, mà là để tránh những tình huống gây xấu hổ trong giao tiếp xã hội. Khi giáo sư Little thực hiện được một bài nói tuyệt vời, đó một phần là vì ông đã tự-giám-sát-bản-thân từng khoảnh khắc một, liên tục kiểm tra các khán giả của mình để phát hiện ngay từng dấu hiệu vui thích, hoặc chán chường dù là nhỏ nhất, để từ đó điều chỉnh việc thuyết trình của ông cho phù hợp.

Vậy nếu bạn có thể đóng giả, nếu bạn có thể làm chủ kỹ năng diễn xuất, có thể chú tâm đến từng biến đổi nhỏ nhất trong cuộc giao tiếp, và nếu bạn sẵn sàng thuận theo những tiêu chuẩn giao tiếp thông thường mà việc tự-giám-sát-bản-thân yêu cầu; câu hỏi đặt ra là: liệu bạn có nên làm thế không? Câu trả lời là: chiến lược Nét Tính Cách Tự Do có thể đạt hiệu quả khi được dùng hợp lý, nhưng sẽ là thảm họa

nếu dùng quá độ.

Gần đây tôi có tham gia một buổi nói chuyện cùng một nhóm các khách mời tại Đại học Luật Harvard. Buổi phát biểu này nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 55 năm ngày phụ nữ được nhận vào trường học Luật. Các nữ cựu học sinh từ khắp nơi trên cả nước tập hợp về trường để cùng chúc mừng. Chủ đề của bài nói là “Với một Giọng Nói Khác: Những Chiến Lược để Tự Trình Diễn Bản Thân Một Cách Hiệu Quả” (“In a Different Voice: Strategies for Powerful Self-Presentation”). Có bốn diễn giả: một luật sư bào chữa, một thẩm phán, một huấn luyện viên chuyên về đào tạo kỹ năng nói trước đám đông, và tôi. Tôi đã chuẩn bị những ý kiến của mình một cách kỹ lưỡng; tôi biết vai diễn mà mình muốn đóng là gì.

Vị huấn luyện viên kỹ năng nói-trước-đám-đông bắt đầu trước. Cô phát biểu về việc làm thế nào để thực hiện một bài nói có thể khiến người nghe phải bất ngờ, choáng ngợp. Vị thẩm phán, một người Mỹ gốc Hàn, nói về sự khó chịu đến thế nào khi mọi người luôn mặc định rằng người gốc châu Á luôn trầm tính và chỉ biết có học, trong khi sự thực thì cô là một người rất hoạt bát, năng nổ và quả quyết. Vị luật sư, một cô gái có cơ thể nhỏ bé, mái tóc vàng và hăng hái tranh luận đến đáng kinh ngạc, thì kể về một lần khi cô thẩm vấn nhân chứng trước tòa đã hăng tới mức quan tòa phải can thiệp “Lùi lại một chút đi, cô hổ!” (“Back down, tiger!”).

Khi tới lượt tôi, tôi nhắm các ý kiến của mình tới những người phụ nữ nhất định trong số khán giả, những người không tự nhìn mình như những cô hổ, như những kẻ hoạt-bát-năng-nổ-quả-quyết, hay những người khiến người khác phải “bất ngờ, choáng ngợp”. Tôi nói rằng năng lực thương thuyết và đàm phán không phải là thứ bẩm sinh, như màu tóc vàng hay hàm răng thẳng, và rằng nó không chỉ độc quyền thuộc về những người lên-giọng-và-đấm-xuống-mặt-bàn hùng hổ. Bất cứ ai cũng có thể là một nhà đàm phán xuất sắc, tôi nói với họ, và sự thực là thường sẽ có lợi hơn khi bạn tĩnh lặng và lịch sự, khi bạn lắng nghe nhiều hơn là nói, và khi bạn ưa thích sự hài hòa hơn là mâu thuẫn. Với phong cách này, bạn có thể chủ động tấn công mà vẫn không làm kích động đến cái tôi của đối tác của bạn. Và bằng cách lắng nghe, bạn có thể hiểu ra được điều gì đang thực sự thôi thúc người đang đàm phán với bạn, và có thể đưa ra những giải pháp sáng tạo có thể làm hài lòng cả hai bên.

Tôi cũng đồng thời chia sẻ một vài mẹo tâm lý để cảm thấy bình tĩnh và tự tin hơn trong những tình huống đáng sợ, như là chú ý đến vẻ mặt và tư thế cơ thể của bạn khi bạn cảm thấy thực sự tự tin, và rồi áp dụng lại đúng những tư thế đó khi bạn cần tỏ ra tự tin. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng áp dụng

những thay đổi nhỏ về cơ thể này—như mỉm cười chẳng hạn—giúp chúng ta thấy mạnh mẽ và hạnh phúc hơn, trong khi nhăn nhó sẽ khiến chúng ta cảm thấy tệ đi.

Như một lẽ tự nhiên, khi buổi nói chuyện kết thúc và các khán giả tới gần để nói chuyện thêm với các diễn giả, chính những người hướng nội và giả-vờ-hướng-ngoại đã tìm đến tôi. Trong số họ, có hai người mà tôi đặc biệt nhớ nhất.

Người đầu tiên là Alison, một luật sư bào chữa. Alison có một vóc người thon thả và phục sức, kiểu tóc đều được chăm sóc rất kỹ lưỡng; nhưng khuôn mặt cô thì nhợt nhạt, và có vẻ không vui. Cô đã là một luật sư biện hộ cho cùng một hãng luật đã được hơn mười năm rồi. Giờ cô đang xin ứng cử vào vị trí tổng tư vấn pháp lý (general counsel) cho hàng loạt công ty lớn, điều có vẻ là một bước đi tiếp theo rất hợp lý, chỉ trừ có một việc rằng tình cảm của cô rõ ràng không để ở đó. Và dĩ nhiên, cô không nhận được một lời mời nhận việc nào. Với trình độ và năng lực của bản thân, cô luôn dễ dàng tiến vào được đến vòng phỏng vấn cuối cùng, nhưng đều chỉ để bị loại ra ngay phút cuối. Và cô biết lý do tại sao, đó là vì những người đứng đầu công việc tuyển dụng cô đã từng tham gia phỏng vấn với đều cho cô cùng một phản hồi giống hệt nhau: cô thiếu một tính cách phù hợp cho công việc này. Alison, một người tự- miêu-tả-bản-thân là hướng nội, có vẻ đau khổ khi cô kể lại về phán quyết gay gắt đó.

Người cựu học sinh thứ hai, Jillian, giữ một vị trí cấp cao tại một tổ chức bảo vệ môi trường mà cô rất yêu quý. Jillian hiện lên như một người hiền lành, vui vẻ, và rất bình dị. Cô may mắn được dành hầu hết thời gian của mình nghiên cứu và viết những giấy tờ chính sách về các chủ đề mà cô thực sự quan tâm tới. Dù vậy, đôi lúc, cô cũng phải tham gia các cuộc họp với hội đồng, và phải thuyết trình. Mặc dù cô cảm thấy hết sức thỏa mãn sau những cuộc họp này, cô không thích thú lắm với vị trí trung tâm của sự chú ý, và muốn xin lời khuyên của tôi về việc làm thế nào để giữ vẻ ngoài bình tĩnh, tự nhiên khi cô cảm thấy sợ.

Đâu là sự khác biệt giữa Alison và Jillian? Cả hai đều là những người giả-vờ-hướng-ngoại (pseudo- extrovert), và bạn có lẽ sẽ nói rằng Alison đang cố gắng nhưng vẫn thất bại, trong khi Jillian thì đang thành công. Nhưng vấn đề thực sự của Alison lại là ở chỗ cô đang cố hành xử vượt ra khỏi tính cách thật của mình chỉ để phục vụ cho những dự án cô không thực sự quan tâm tới. Cô không thích luật. Cô đã chọn trở thành một luật sư biện hộ chỉ vì cô thấy có vẻ đây là việc những người luật sư thành công và xuất sắc nhất làm, vậy nên sự giả-vờ-hướng-ngoại của cô không hề được hỗ trợ bởi những giá trị

tinh thần sâu sắc hơn. Cô không tự bảo mình rằng “Mình đang làm cái này là để thúc đẩy những công việc mà mình thực sự quan tâm sâu sắc tới”, và “khi nào xong cái công việc này, mình sẽ quay trở lại với tính cách thật của mình”. Thay vào đó, cô lại tự tâm niệm với bản thân: “Con đường tới thành công phải là trở thành dạng người không phải mình”. Đây không còn là sự tự-giám-sát-bản-thân nữa, đây là sự tự- chối-bỏ-bản-thân. Trong khi Jillian hành động vượt ra khỏi tính cách thật của mình vì những công việc xứng đáng, mà tạm thời cần đến một sự định hướng khác; Alison lại thực sự tin rằng có gì đó sai lầm từ trong bản chất với việc là chính bản thân mình.

Hóa ra, không phải lúc nào cũng dễ dàng để nhận diện được các các dự án cá nhân cốt lõi của bản thân mình. Và nó có thể đặc biệt khó khăn với những người hướng nội, những người đã dành phần lớn thời gian trong cuộc đời họ cố thay đổi bản thân theo tiêu chuẩn hướng ngoại, đến độ khi họ phải chọn một sự nghiệp, hoặc một nghĩa vụ cá nhân, họ hoàn toàn cảm thấy ổn với việc bỏ qua hoàn toàn sở thích thật sự của bản thân. Họ có thể sẽ không thấy thoải mái ở trường luật hay trường y, hay ở bộ phận marketing của một công ty, nhưng cũng chẳng khó chịu gì hơn cảm giác không thoải mái mà họ đã quen trải qua từ trường phổ thông ngày trước, hay ở các trại nghỉ hè.

Tôi, cũng vậy, đã một thời từng ở trong vị trí này. Tôi rất thích được hoạt động trong lĩnh vực luật, và đã có thời điểm tôi thuyết phục được bản thân mình rằng tôi thực sự muốn làm một luật sư biện hộ. Tôi cực kỳ muốn tin vào điều đó, bởi đến lúc đó tôi đã đầu tư hàng nhiều năm vào việc học tại đại học luật và thực tập tại các công ty; và cũng có rất nhiều điều về luật ở phố Wall có sức hấp dẫn lớn với tôi. Các đồng nghiệp của tôi là những người giàu tri thức, hiền lành, và cẩn trọng (hầu hết). Tôi có một mức lương khá tốt. Tôi có một văn phòng trên tầng thứ bốn mươi hai của một cao ốc chọc trời, với tầm nhìn ra tượng đài Nữ thần Tự Do. Tôi thich thú tận hưởng cái ý nghĩ rằng mình có thể thành công trong một môi trường đầy năng động thế này. Và tôi cũng khá giỏi trong việc hỏi những câu “nhưng” và “nếu thế thì sao”, những thứ rất quan trọng trong quá trình suy nghĩ của hầu hết mọi luật sư.

Phải mất đến gần một thập kỷ tôi mới nhận ra rằng luật chưa bao giờ là dự án cá nhân của tôi, chưa bao giờ, dù chỉ suýt soát. Ngày nay, tôi có thể nói với bạn không một chút chần chừ rằng thứ gì mới là các dự án cá nhân cốt lõi của tôi: chồng và các con tôi; việc viết lách; và khuyến khích các giá trị được nhắc đến trong cuốn sách này. Một khi tôi đã nhận ra điều đó, tôi phải thay đổi. Tôi nhìn lại những năm tháng làm một luật sư phố Wall của mình như thể nhìn về quãng thời gian tôi đã sống ở một nước khác.

Nó rất lôi cuốn, rất hấp dẫn, và tôi đã có cơ hội được gặp rất nhiều người thú vị mà nếu làm khác chắc chắn tôi sẽ không bao giờ có thể biết họ. Nhưng tôi vẫn luôn luôn là một kẻ không được sống ở nơi thực sự của mình.

Đã dành rất nhiều thời gian tự định hướng cho việc chuyển đổi sự nghiệp của mình, cũng như đã tư vấn cho rất nhiều người trải qua các giai đoạn chuyển đổi sự nghiệp của họ; tôi nhận ra rằng có ba bước quan trọng để nhận diện được các dự án cá nhân cốt lõi của riêng bạn:

Đầu tiên, hãy nghĩ lại về những gì bạn từng thích làm khi còn nhỏ. Bạn đã trả lời câu hỏi “sau này lớn lên mình muốn làm gì” như thế nào? Câu trả lời cụ thể mà bạn đưa ra có thể trật lất hết, nhưng niềm ước muốn ẩn giấu đằng sau nó thì không. Nếu bạn đã muốn làm một người lính cứu hỏa, vậy việc làm lính cứu hỏa có ý nghĩa gì đối với bạn? Một người tốt luôn giải cứu những ai đang gặp nạn? Một kẻ không sợ hãi chút gì trước hiểm nguy? Hay chỉ đơn giản là cảm giác thích thú khi được lái chiếc xe tải chữa cháy? Nếu bạn đã muốn làm một vũ công, có phải là vì bạn sẽ được mặc đồ đẹp, hay vì bạn khao khát tiếng vỗ tay tán thưởng, hay đó chỉ đơn giản vì niềm vui được lượn múa qua lại với tốc độ nhanh đến chóng mặt? Có khi bạn của hồi đó đã biết nhiều hơn về bản thân bạn hơn là bạn của bây giờ đấy.

Thứ hai, hãy để tâm tới công việc khiến bạn bị thu hút nhất. Ở hãng luật cũ của tôi, tôi chưa một lần nào tình nguyện tham gia một vụ tranh tụng luật doanh nghiệp nào, nhưng tôi lại đã dành rất nhiều thời gian làm công việc miễn phí cho một tổ chức phi lợi nhuận về khả năng lãnh đạo của nữ giới. Tôi cũng đồng thời tham gia vào vài hội đồng của hãng luật với nhiệm vụ đào tạo, rèn luyện, và phát triển các luật sư trẻ cho hãng. Giờ, chắc bạn cũng có thể đoán từ cuốn sách này, tôi không phải dạng người thích hợp với những hội đồng. Nhưng mục tiêu của những hội đồng này thúc đẩy tôi, vậy nên tôi đã làm như thế.

Cuối cùng, hãy để tâm tới những gì khiến bạn ghen tỵ. Đố kỵ hay ghen tỵ là một thứ cảm xúc xấu xí, nhưng nó nói lên sự thật. Bạn hầu hết sẽ ghen tỵ với những ai có thứ mà bạn thèm muốn. Tôi đã đối mặt với sự ghen tỵ của riêng mình sau khi một vài trong số các bạn cùng lớp tại đại học luật ngày trước của tôi tụ tập lại và so sánh thành tích về sự nghiệp giữa các cựu học sinh. Họ nói với sự ngưỡng mộ, và phải, cả ghen tỵ nữa, khi kể về một người bạn cùng lớp hiện giờ đang thường xuyên được biện hộ ở Tòa Án Tối Cao (Supreme Court). Phản ứng đầu tiên của tôi là không tán thành. Cô ấy càng có nhiều uy quyền thì càng tốt cho cô ấy chứ sao! Có gì mà ghen tỵ! Tôi nghĩ vậy, và tự đắc ý với bản thân vì sự cao

thượng của mình. Nhưng rồi tôi nhận ra sự hào phóng của tôi cũng đến rất là rẻ mạt thôi, bởi ngay từ đầu tôi cũng đã chẳng có ước muốn được làm luật sư biện hộ ở Tòa Án Tối Cao, hay thậm chí là làm bất cứ cái gì liên quan đến nghề luật sư rồi. Khi tôi tự hỏi bản thân mình là thế ai mới là người khiến tôi ghen tỵ, câu trả lời đến ngay tức khắc. Đó là những người bạn học đại học cũ của tôi giờ đã trở thành những tác giả sách hay những nhà tâm lý học. Ngày nay, tôi đang theo đuổi một phiên bản của riêng mình ở cả hai vai trò này.

Nhưng kể cả nếu bạn có kéo dãn bản thân ra để phục vụ cho một dự án cá nhân cốt lõi, bạn cũng sẽ không muốn hành động vượt ra ngoài tính cách quá nhiều, hoặc trong thời gian quá dài. Bạn có còn nhớ những cuộc “trốn chạy” tới nhà vệ sinh giữa mỗi bài nói chuyện của giáo sư Little không? Những cuộc bỏ trốn đó nói với chúng ta rằng: nghịch lý thay, cách tốt nhất để hành động vượt ra ngoài tính cách là trung thành với con người thật của bạn đến hết mức có thể—bắt đầu bằng việc tạo ra càng nhiều “điểm hồi phục” (“restorative niche”) càng tốt trong cuộc sống hàng ngày của bạn.

“Điểm hồi phục” là từ ngữ giáo sư Little dùng để chỉ nơi mà bạn tới khi bạn muốn trở về với con người thật của mình. Nó có thể là một không gian vật lý, ví dụ như một con đường bên bờ sông Richelieu, hoặc một thứ về mặt tinh thần, như những khoảng nghỉ yên tĩnh bạn dành cho mình giữa những phiên bán hàng qua điện thoại. Nó có thể có nghĩa là hủy bỏ những kế hoạch giao thiệp của bạn vào dịp cuối tuần trước một buổi họp quan trọng tại chỗ làm; tập luyện yoga hoặc thiền; hay lựa chọn việc trao đổi qua email thay vì gặp gỡ trực tiếp tại công ty. (Kể cả với những người con gái thời nữ hoàng Victoria, những người mà công việc luôn là phải sẵn sàng dành thời gian cho gia đình và bạn bè, cũng được kỳ vọng là phải rút lui về để nghỉ ngơi mỗi buổi chiều).

Bạn lựa chọn điểm hồi phục khi bạn trở về với văn phòng riêng của mình và khép chặt cửa lại (nếu bạn đủ may mắn để có một văn phòng riêng) trong khoảng nghỉ giữa các cuộc họp. Bạn thậm chí có thể tạo ra một điểm hồi phục ngay giữa một cuộc họp, bằng cách cẩn thận lựa chọn nơi bạn sẽ ngồi, và khi nào cũng như bằng cách nào bạn sẽ tham gia vào cuộc bàn luận. Trong cuốn hồi ký của mình, “Trong một thế giới không chắc chắn” (In an Uncertain World), Robert Rubin, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ (treasury secretary) dưới thời tổng thống Bill Clinton, miêu tả lại cách ông “luôn muốn ở thật xa vị trí trung tâm, bất kể có là ở trong Phòng Bầu dục hay trong văn phòng của một nhà lãnh đạo cấp cao nào

đấy, chỗ ngồi quen thuộc của tôi vẫn là ở tận phía cuối bàn họp. Cái khoảng cách vật lý xa xa một chút đó khiến tôi cảm thấy thoải mái hơn, và cho phép tôi đọc được bầu không khí của căn phòng, và bình luận từ một góc nhìn hơi xa cách một chút. Tôi không lo lắng lắm về chuyện bị bỏ qua. Bất kể vị trí đứng hay ngồi của bạn có xa cách đến thế nào đi nữa, bạn vẫn luôn có thể nói, “Ngài Tổng thống, tôi nghĩ thế này, thế kia, hoặc thế nào đó”.

Chúng ta đều có thể sẽ thu được lợi ích nếu, trước khi chấp nhận một công việc mới, chúng ta đánh giá sự có mặt (hoặc không có mặt) của những điểm phục hồi, với cùng một mức độ cẩn thận cũng như khi chúng ta cân nhắc về chế độ nghỉ thai sản hay kế hoạch bảo hiểm sức khỏe vậy. Những người hướng nội nên tự hỏi bản thân mình: Liệu công việc này có cho phép mình được dành thời gian cho những hoạt động trong vòng tính cách của mình không, ví dụ như đọc, lên kế hoạch, viết, hay làm nghiên cứu? Liệu mình sẽ có một không gian làm việc riêng tư chứ, hay sẽ phải là đối tượng cho những đòi hỏi liên tục từ một văn phòng mở? Nếu công việc không cho tôi đủ các điểm phục hồi, thì ít nhất liệu tôi cũng có thể có đủ thời gian rảnh vào các buổi tối hay các ngày nghỉ cuối tuần để tự thưởng chúng cho mình chứ?

Những người hướng ngoại cũng sẽ muốn tìm kiếm các điểm phục hồi nữa. Liệu công việc có bao gồm được nói chuyện, di chuyển, và gặp gỡ những người mới không? Liệu không gian làm việc có đủ kích thích không? Nếu công việc không đáp ứng đầy đủ những yêu cầu này, thì ít nhất giờ giấc làm việc cũng đủ linh hoạt để tôi có thể đi xả hơi thoải mái sau mỗi giờ làm chứ? Hãy cân nhắc lời mô tả công việc thật cẩn thận. Một người phụ nữ đặc biệt hướng ngoại tôi phỏng vấn đã từng rất phấn khích về một vị trí “tổ chức cộng đồng” (community organizer) cho một trang web về cách nuôi dạy con cái, cho đến khi cô nhận ra rằng để làm công việc này, cô sẽ phải ngồi trước màn hình máy tính đủ tám tiếng mỗi ngày.

Cũng có những lúc mọi người tìm thấy điểm phục hồi ở những công việc họ ít ngờ đến nhất. Một trong các đồng nghiệp cũ của tôi là một luật sư biện hộ đã dành hầu hết thời gian của mình trong tĩnh lặng tuyệt đối để nghiên cứu và viết các biên bản pháp lý. Bởi vì hầu hết các vụ của cô đều được dàn xếp ổn thỏa cả, cô ít khi phải tới tòa tới mức cô chẳng bận tâm đến việc phải sử dụng các kỹ năng giả-vờ- hướng-ngoại của mình nữa. Một trợ lý quản lý hành chính nhân sự (administrative assistant) hướng nội khác tôi từng phỏng vấn thì đã mở rộng trải nghiệm văn phòng của mình thành một công việc làm- từ-xa-tại-nhà thông qua mạng Internet, cung cấp các dịch vụ thanh toán (clearinghouse) và tổ chức đào

tạo, huấn luyện công tác trợ lý “qua mạng”. Và trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ gặp một người bán hàng siêu sao, đã phá vỡ kỷ lục bán hàng của công ty ông suốt năm này qua năm khác bằng cách kiên định trung thành với con người hướng nội thực của mình. Cả ba người này đều đã chọn những ngành nghề chắc chắn rất hướng ngoại, và sáng tạo lại chúng bằng hình ảnh của chính họ, để họ có thể hành động trong vòng tính cách của mình nhiều nhất có thể, từ đó biến đổi rất hiệu quả mỗi ngày làm việc của họ thành một điểm phục hồi khổng lồ.

Nhưng, tìm kiếm những điểm phục hồi cũng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Có thể bạn muốn được yên tĩnh đọc sách bên cạnh lò sưởi vào những tối thứ Bảy, nhưng giả sử nếu vợ bạn muốn dành thời gian những buổi tối cuối tuần đó để gặp gỡ những người bạn (trong số rất nhiều bạn bè) của cô ấy thì sao? Có thể bạn muốn rút lui về ốc đảo riêng của văn phòng mình giữa những phiên bán hàng qua điện thoại, nhưng sẽ thế nào nếu công ty của bạn vừa chuyển đổi thành một văn phòng mở? Nếu bạn có ý định luyện tập những nét tính cách tự do, bạn sẽ cần đến sự giúp đỡ từ bạn bè, gia đình, và các đồng nghiệp. Đó cũng là lý do tại sao giáo sư Little lại kêu gọi tất cả chúng ta, với sự tha thiết mãnh liệt, hãy cùng tham gia vào một “Thỏa thuận Về Nét Tính Cách Tự Do” (“a Free Trait Agreement”).

Đây chính là miếng ghép cuối cùng cho Lý Thuyết Về Nét Tính Cách Tự Do. Một Thỏa thuận Về Nét Tính Cách Tự Do công nhận rằng mỗi chúng ta đều có những lúc phải cư xử vượt ra ngoài tính cách thật của mình—để đổi lấy việc chúng ta sẽ được là chính mình trong suốt quãng thời gian còn lại trong ngày. Sẽ là một Thỏa thuận Về Nét Tính Cách Tự Do nếu người vợ muốn đi chơi mỗi tối thứ Bảy và người chồng muốn thư giãn bên lò sưởi cùng vạch ra một thời gian biểu: một nửa thời gian chúng ta sẽ đi chơi, một nửa thời gian còn lại chúng ta sẽ ở nhà. Sẽ là một Thỏa thuận Về Nét Tính Cách Tự Do khi bạn có tới tham dự lễ tặng quà cho cô dâu (wedding shower), có tới tham dự lễ đính hôn, và có tới tham dự cả tiệc ăn mừng “chia tay độc thân” của người bạn hướng ngoại của bạn; nhưng cô ấy sẽ hiểu nếu bạn bỏ qua ba ngày tụ tập ngay trước ngày cưới của cô ấy, vì đó đã là giới hạn của bạn rồi.

Bạn thường sẽ có thể thương lượng về Thỏa thuận Về Nét Tính Cách Tự Do với bạn bè và người yêu của bạn, những người các bạn muốn chiều lòng và những người yêu con người thật, trong-vòng-tính- cách thật của bạn. Về công việc của bạn thì có hơi khó khăn hơn một chút, khi hầu hết các công ty vẫn chưa suy nghĩ theo cách này. Tạm thời, vào lúc này, có lẽ bạn sẽ phải tác động dần dần một cách gián tiếp. Nhà tư vấn sự nghiệp (career counselor) Shoya Zichy kể với tôi về câu chuyện của một trong

những khách hàng của cô, một chuyên viên phân tích tài chính (financial analyst) hướng nội phải làm việc trong một môi trường nơi cô hoặc phải thuyết trình trước khách hàng, hoặc phải liên tục nói chuyện với các đồng nghiệp cứ đều đặn ra vào văn phòng của cô liên tục. Cô mệt mỏi tới mức đã tính tới chuyện nghỉ việc—cho đến khi Zichy gợi ý rằng cô nên thương lượng để có thêm thời gian nghỉ ngơi.

Giờ thì, người phụ nữ này làm việc cho một ngân hàng phố Wall, không phải một nền văn hóa thuận lợi cho một cuộc thảo luận thẳng thắn về nhu cầu của những người đặc biệt hướng nội. Vậy nên cô rất cẩn thận cân nhắc cách mình sẽ yêu cầu như thế nào. Cô nói với sếp của mình rằng bản chất công việc của cô—phân tích và lên chiến lược—đòi hỏi những quãng thời gian yên tĩnh để cô có thể tập trung. Một khi cô đã đưa yêu cầu của mình về mặt thực tế, sẽ dễ hơn để xin thứ cô cần về mặt tâm lý: hai ngày mỗi tuần không phải đến chỗ làm. Sếp của cô đồng ý.

Nhưng người mà bạn có thể ký một Thỏa thuận Về Nét Tính Cách Tự Do tốt nhất—sau khi đã vượt qua được sự chống trả của người đó—là chính bạn.

Hãy giả sử như bạn đang độc thân. Bạn không thích khung cảnh quán bar, nhưng bạn khát khao sự gần gũi thân mật, và bạn muốn ở trong một mối quan hệ lâu dài mà trong đó, bạn có thể chia sẻ những buổi tối ấm cúng và những cuộc nói chuyện dài với người bạn đời của bạn, với chỉ một vài người bạn thân. Để đạt được điều này, bạn tự thỏa thuận với bản thân rằng bạn sẽ bắt mình phải tới những sự kiện xã hội, vì chỉ bằng cách này bạn mới có thể hy vọng tìm thấy một người bạn tình và có thể giảm thiểu số lần bạn phải đi tham gia những sự kiện tụ tập thế này về lâu về dài. Nhưng trong khi theo đuổi mục tiêu này, bạn cũng sẽ chỉ tham gia các sự kiện xã hội nhiều đến khi nào bạn vẫn còn cảm thấy thoải mái với nó mà thôi. Bạn sẽ quyết định trước số lượng đó là gì—một lần một tuần, một lần một tháng, hay một lần một quý. Và khi bạn đã đáp ứng đủ mức chỉ tiêu này rồi, vậy thì bạn đã giành được một cách xứng đáng quyền được ở nhà mà không cần cảm thấy tội lỗi.

Hoặc có lẽ bạn đã luôn mơ về việc được xây dựng một công ty nhỏ của riêng mình, làm việc từ nhà để bạn có thể dành nhiều thời gian hơn cho bạn đời và các con của mình. Bạn biết bạn sẽ cần phải làm một số công tác tạo quan hệ, vậy nên bạn tạo lập một Thỏa thuận Về Nét Tính Cách Tự Do với chính mình: bạn sẽ đi tới một buổi sự kiện xã hội mỗi tuần. Tại mỗi sự kiện đó bạn sẽ có ít nhất một cuộc đối thoại thực sự (vì điều này đến với bạn dễ dàng hơn là “chiếm lĩnh cả căn phòng”), và tiếp tục cuộc nói chuyện

với người đó vào ngày hôm sau. Sau đó, bạn sẽ được về nhà, và sẽ không cảm thấy tệ về bản thân nữa khi bạn khước từ những cơ hội tạo quan hệ đến sau đó.

Giáo sư Little biết quá rõ điều gì sẽ xảy ra khi bạn thiếu một Thỏa thuận Về Nét Tính Cách Tự Do với chính mình. Bên cạnh những cuộc dạo chơi tới bờ sông Richelieu hoặc các cuộc bỏ trốn tới nhà vệ sinh, ông từng một lần đã cố theo đuổi một lịch làm việc kết hợp những yếu tố kích thích năng lượng nhất của cả tính hướng nội lẫn tính hướng ngoại. Về mặt hướng ngoại, những ngày ấy của ông ấy bao gồm những buổi giảng và nói chuyện không ngừng nghỉ, các cuộc gặp gỡ với sinh viên, giám sát các buổi thảo luận nhóm, và viết tất cả những lá thư tiến cử đó. Về mặt hướng nội, ông đảm nhận những trách nhiệm đó một cách cực kỳ, cực kỳ nghiêm túc.

“Một cách để nhìn vào chuyện này”, ông bảo, “là nói rằng tôi đã hành xử như một người cực kỳ hướng ngoại, nhưng, tất nhiên, nếu tôi là một người hướng ngoại thật tôi thì tôi đã chọn viết những lá thư tiến cử nhanh hơn, ít phức tạp hơn; đã không đầu tư thời gian nhiều đến thế vào việc chuẩn bị các bài giảng và phát biểu; và các sự kiện xã hội đã không làm tôi kiệt sức đến thế”. Ông đồng thời cũng phải chịu đựng một lượng nhất định thứ mà ông gọi là “danh tiếng hiểu lầm” (“reputational confusion”), trong đó ông được biết đến như một người siêu hướng ngoại sôi nổi, và danh tiếng đó cứ tự nó lớn lên mãi. Đây là hình ảnh con người ông mà những người khác biết, vậy nên nó là hình ảnh mà ông cảm thấy mình có nghĩa vụ phải duy trì.

Dần dần, như một lẽ tự nhiên, giáo sư Little bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức, không chỉ về mặt tinh thần mà còn cả về mặt thể chất nữa. Nhưng không hề gì cả. Ông yêu các học sinh của mình, yêu lĩnh vực nghiên cứu của mình, ông yêu tất cả. Cho tới tận ngày ông phải nằm trong phòng khám bác sĩ với chứng bệnh viêm phổi kép (double pneumonia), ông vẫn còn quá bận rộn để có thể nhận ra. Vợ ông đã phải lôi ông tới đó bất chấp ông phản đối, và cũng may là bà đã làm thế. Theo lời bác sĩ, nếu chần chừ lâu thêm nữa, rất có thể ông đã mất mạng.

Chứng viêm phổi kép và một lịch làm việc quá tải có thể xảy đến với bất kỳ ai, tất nhiên, nhưng với Little, nó là hậu quả của việc cư xử vượt ra ngoài tính cách thật của mình quá lâu, mà lại không có đủ những điểm phục hồi. Khi sự tận tụy của bạn thúc ép bạn nhận lấy nhiều việc hơn mức bạn có thể đảm đương, hứng thú làm việc của bạn sẽ bắt đầu giảm đi hẳn, kể cả ở những công việc mà bình thường rất

thu hút bạn. Bạn đồng thời cũng sẽ mạo hiểm cả sức khỏe thể chất của mình nữa. “Lao động cảm xúc” (“emotional labor”), tức lượng công sức chúng ta bỏ ra để điều khiển và thay đổi cảm xúc của chúng ta, có liên kết chặt chẽ với stress, sự mệt mỏi, và thậm chí cả những dấu hiệu thể chất như làm gia tăng nguy cơ các bệnh tim mạch nữa. Giáo sư Little tin rằng việc hành động vượt ra ngoài tính cách quá lâu có thể đồng thời còn làm gia tăng các hoạt động ở hệ thần kinh vô thức (autonomic nervous system), thứ, đến lượt nó, lại làm suy yếu các chức năng miễn dịch của cơ thể.

Một nghiên cứu đáng lưu tâm đã gợi ý rằng những người thường xuyên đè nén các cảm xúc tiêu cực thường không sớm thì muộn sẽ làm rò rỉ các cảm xúc này ra ngoài theo những cách không ngờ đến được nhất. Nhà tâm lý học Judith Grob đã từng yêu cầu mọi người che giấu cảm xúc thật của họ khi cô cho họ xem những hình ảnh các cảnh tượng kinh tởm. Cô thậm chí còn cho họ ngậm bút trong miệng để họ không cau mày. Cô phát hiện ra rằng nhóm này báo cáo lại rằng họ ít thấy kinh tởm hơn bởi các bức ảnh so với nhóm được thoải mái phản ứng một cách tự nhiên. Tuy vậy, sau đó, nhóm người phải che giấu cảm xúc thật của họ phải chịu đựng những phản ứng phụ. Trí nhớ của họ bị tổn thương, và những cảm xúc tiêu cực mà họ phải che giấu có vẻ đã ảnh hưởng tới quan điểm của họ. Ví dụ, khi Grob yêu cầu họ điền vào chỗ trống trong từ “gr_ss”, họ có xu hướng cao hơn những người khác trong việc điền là “gross” (tức “kinh tởm”), thay vì “grass” (tức “cỏ”). “Những người thường [che giấu cảm xúc thật của họ] một cách thường xuyên”, Grob kết luận, “có thể sẽ bắt đầu nhìn thế giới theo một cách tiêu cực hơn”.

Đó là lý do tại sao những ngày này, giáo sư Little đang ở trong trạng thái phục hồi, nghỉ hưu khỏi công việc ở trường đại học, và thoải mái dành thời gian tại công ty của vợ ông tại căn nhà của họ ở một vùng nông thôn Canada. Little nói rằng vợ ông, Sue Phillips, giám đốc của Trường Chính Sách Công Cộng Và Quản Lý Nhân Sự tại Đại học Carleton (School of Public Policy and Administration at Carleton University), giống ông nhiều đến mức họ không cần một Thỏa thuận Về Nét Tính Cách Tự Do để điều hành mối quan hệ của họ. Nhưng Thỏa thuận Về Nét Tính Cách Tự Do của ông với chính ông thì có, nó cho ông được tiếp tục “làm những công việc học thuật và chuyên môn”, nhưng không “ở lại quá nhiều hơn mức cần thiết”.

Sau đó, ông sẽ trở về nhà và thu mình lại bên ngọn lửa lò sưởi ấm áp, cùng với Sue.

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Quiet – Sức Mạnh Của Người Hướng Nội Chương 9: Khi Nào Thì Bạn Nên Tỏ Ra Hướng Ngoại Hơn Mức Bạn Thực Sự Là?

Có thể bạn thích