Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống
Chương 8: Luật bình quân - phương thuốc hiệu nghiệm!

LUẬT BÌNH QUÂN: PHƯƠNG THUỐC HIỆU NGHIỆM!

Ngày còn nhỏ, lúc nào tôi cũng lo lắng. Khi mưa bão, tôi sợ mình sẽ bị sét đánh chết. Thời kỳ khó khăn, tôi sợ chúng tôi sẽ không có gì để ăn. Tôi sợ bị chôn sống, sợ lúc chết sẽ phải xuống địa ngục. Tôi cũng rất sợ một thằng bé lớn tuổi hơn tên là Sam White sẽ cắt tai tôi như lời nó dọa. Tôi sợ các cô gái sẽ cười nếu tôi bày tỏ tình cảm đối với họ. Tôi sợ không biết sẽ phải nói gì với vọ ngay sau đám cưới. Tôi tưởng tượng chúng tôi sẽ tổ chức lễ cưới trong một nhà thờ ở vùng nông thôn, rồi bước lên một chiếc xe ngựa có tua rua trang trí và đánh xe trở về nông trại … Nhưng tôi biết nói chuyện gì trên suốt quãng đường ấy? Làm cách nào giữ cho cuộc đối thoại được liên tục? Làm sao đây? … Tôi sứ suy nghĩ về vấn đề ghê gớm đó hàng giờ liền những lúc đang đi sau lưỡi cày trên cánh đồng.

Nhiều năm trôi qua, tôi dần nhận ra rằng 90% những điều tôi lo lắng sẽ không bao giờ xảy ra.

Chẳng hạn về nỗi sợ sấm sét, đến bây giờ tôi đã biết rằng tỷ lệ người bị sét đánh chết chỉ là 1/350.000. Việc sợ bị chôn sống thậm chí còn vô lý hơn: ngay cả vào thời man rợ, cũng chỉ có 1/10.000.000 người bị chôn sống. Ấy thế mà tôi từng khóc lóc lo sợ về chuyện đó!

Những lo sợ ngớ ngẩn kiểu này không chỉ có ở tuổi niên thiếu và vị thành niên mà người lớn đôi khi cũng không tránh khỏi. Bạn và tôi có thể loại bỏ 9/10 những lo âu của mình ngay lập tức nếu chịu dành ra một khoảng thời gian hợp lý tạm gác lại nỗi phiền muộn để kiểm tra xem theo luật bình quân, liệu có căn cứ nào cho những lo lắng của mình hay không.

Công ty bảo hiểm nổi tiếng nhất thế giới – Lloyd’s of London – đã kiếm được hàng triệu đô-la nhờ xu hướng hay lo lắng về những chuyện hiếm khi xảy ra của mỗi người. Lloyd’s o London đánh cược với khách hàng rằng những thảm họa mà họ đang lo lắng sẽ không bao giờ xảy ra. Tuy nhiên, công ty này không gọi đó là đánh cược. Họ gọi đó là bảo hiểm. Nhưng thực chất đây là một sự đánh cược dựa trên luật bình quân. Công ty bảo hiểm này đã không ngừng lớn mạnh trong hơn 200 năm qua; và nếu bản tính của con người không thay đổi, nó sẽ vẫn tiếp tục lớn mạnh trong hơn 50 thế kỷ nữa, bằng cách bảo hiểm dày dép, tàu thuyền, xi gắn … khỏi những thảm họa mà theo luật bình quân, sẽ không xảy ra thường xuyên như người ta tưởng.

Nếu xem xét kỹ quy luật này, chúng ta sẽ phải kinh ngạc trước những gì ta phát hiện được. Chẳng hạn, nếu biết rằng trong 5 năm nữa mình phải chiến đấu trong một trận đánh đẫm máu như trận Gettysburg(25), tôi sẽ hoảng sợ. Tôi sẽ tham gia tất cả mọi loại bảo hiểm nhận thọ có thể tìm được. Tôi sẽ viết di chúc và thu xếp hết những vấn đề chưa giải quyết xong. Tôi tự nhủ: “Biết đâu mình không sống nổi qua trận này, thế thì phải gắng tận dụng những năm tháng ít ỏi còn lại của cuộc đời”. Tuy nhiên, thực tế là theo luật bình quân, việc chiến đấu trong trận Gettysburg cũng chỉ xác suất tử trận ngang bằng với tỷ lệ người trong độ tuổi 50-55 tử vong trong thời bình.

Khi đi nghỉ hè tại bờ hồ Bow Lake, tôi đã gặp ông bà Herbert H. Salinger đến từ San Francisco. Bà Salinger là một phụ nữ điềm đạm, trầm lặng và tạo cho tôi ấn tượng rằng bà không bao giờ lo lắng. Một buổi tối, trước ánh lửa bập bùng bên lò sưởi, tôi hỏi bà đã bao giờ gặp phải rắc rối vì lo lắng hay chưa. Bà trả lời tôi bằng một câu hỏi và sau đó, bà gần như kể cả một câu chuyện về cuộc đời mình:

“Chỉ rắc rối thôi ư? Cuộc đời tôi đã từng gần như bị hủy hoại vì lo lắng ấy chứ! Trước khi học được cách kiểm soát nỗi lo lắng, tôi đã phải sống 11 năm trong cái địa ngục do mình tự tạo ra. Tôi rất nóng tính, dễ nổi cáu và thường xuyên cảm thấy căng thẳng khủng khiếp. Hàng tuần, tôi bắt xe buýt từ nhà ở San Mateo để đi mua sắm ở San Francisco. Nhưng thậm chí ngay cả lúc mua sắm, tôi cũng lo lắng đến rùng mình: Tôi có thể quên rút dây điện ra khỏi bàn ủi. Có thể ngôi nhà đã bị cháy. Có thể người giúp việc đã bỏ chạy và bỏ mặc bọn trẻ. Có thể chúng đã đi xe đạp ra ngoài chơi và bị một chiếc xe ô-tô đâm chết … Chưa mua xong hàng, tôi đã lo lắng đến toát mồ hôi lạnh và cuống quýt bắt xe buýt về nhà để xem mọi chuyện có ổn thỏa không. Chẳng có gì lạ khi cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi kết thúc trong bi kịch.

Người chồng thứ hai của tôi là một luật sư – một người trầm tính và biết suy xét kỹ lưỡng, người không bao giờ lo lắng về bất cứ điều gì. Mỗi khi tôi lo lắng và căng thẳng, anh lại bảo: “Thư giãn đi em. Chúng ta hãy tìm cách tống nó khỏi đầu nào … Em đang thực sự lo lắng về điều gì vậy? Hãy lấy luật bình quân ra kiểm tra xem điều đó có khả năng xảy ra hay không”.

Chẳng hạn, tôi nhớ có lần đang lái xe trên một con đường bụi đất mù mịt từ Albuquerque, New Maxico đến Carlsbad Carvens thì chúng tôi gặp một trận mưa khủng khiếp. Chiếc xe cứ trượt đi mà không kiểm soát nổi. Tôi đinh ninh rằng chúng tôi sẽ bị trượt vào một cái rãnh bên đường; nhưng chồng tôi liên tục bảo: “Anh đang lái rất chậm. Sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra đâu. Thậm chí nếu xe có trượt vào rãnh, thì theo luật bình quân, chúng ta cũng sẽ không bị thương”. Sự bình tĩnh và tự tin của anh ấy đã làm tôi trấn tĩnh lại.

Có một mùa hè, vợ chồng tôi đi cắm trại trong thung lũng Touquin của dãy núi Canadian. Một buổi tối, khi chúng tôi đang ở độ cao hơn 2.000 mét so với mực nước biển thì một cơn bão nổi lên, đe dọa xé tung căn lều của chúng tôi thành từng mảnh. Những chiếc lều đã được cột chặt với sàn gỗ bằng dây thừng nhưng vẫn rung lắc dữ dội và kêu rít lên trong gió. Tôi có cảm tưởng nó sẽ bị giật phăng và cuốn tung lên trời bất cứ lúc nào. Tôi thật sự hoảng hốt nhưng chồng tôi đã trấn an: “Em đừng lo, chúng ta có những người hướng dẫn dày dạn kinh nghiệm. Người ta đã dựng lều cắm trại ở đây từ 60 năm qua. Ngay chỗ mình đang đứng đây cũng là nơi dựng trại nhiều năm rồi mà có bao giờ bị gió cuốn đi đâu. Mà ngay cả khi chuyện đó có xảy ra đi nữa thì chúng ta vẫn có thể trú ở một cái lều khác. Em hãy thư giãn đi, đừng lo lắng nữa …”. Tôi nghe theo và đã ngủ một giấc ngon lành ngay trong đêm mưa bão đó.

Mấy năm trước, ở California này cũng xảy ra một đợt dịch bại liệt trẻ em. Nếu là ngày xưa, hẳn tôi đã lo lắng cuống quýt lên rồi, nhưng chồng tôi đã thuyết phục tôi rằng hãy bình tĩnh. Hai vợ chồng tôi đề phòng rất cẩn thận: không cho bọn trẻ đến trường, đi xem phim hay tới bất kỳ chỗ nào đông người. Thông tin của ngành y tế cho biết là ngay trong trận dịch bại liệt tồi tệ nhất trong lịch sử thì toàn bang California cũng chỉ có 1.835 trẻ nhiễm bệnh, còn bình thường thì con số này chỉ từ 200-300 trẻ. Vậy thì theo luật bình quân, khả năng một đứa trẻ mặc bệnh là rất thấp.

“Theo luật bình quân, điều đó sẽ không xảy ra”. Chính câu nói đó đã xóa tan 90% nỗi lo lắng của tôi, giúp tôi sống bình tâm và vui vẻ trong suốt 20 năm qua.

Có người từng nói, hầu hết những nỗi lo lắng và phiền muộn của chúng ta chỉ có trong tưởng tượng chứ chẳng mấy khi xảy ra trong thực tế. Ngẫm lại mấy chục năm đời người, tôi thấy nhận xét đó chẳng sai chút nào. Jim Grant, chủ công ty phân phối James A. Grant tại New York kể rằng ông đã từng rơi vào trường hợp như thế. Công ty ông phải vận chuyển từ 10 đến 15 xe trái cây mỗi ngày để cung cấp cho thị trường New York. Và ông đã tự làm khổ mình với những ý nghĩ như: Nếu những chiếc xe tải bị trục trặc thì sao? Nhỡ trái cây bị rơi dọc đường? Chẳng may xe đang đi qua mà cầu bị sập thì làm thế nào? Tất nhiên là số trái cây của công ty ông đã được mua bảo hiểm, nhưng ông sợ mất thị trường nếu hàng đến chậm. Ông lo lắng tới mức bị loét dạ dày và phải đi khám bệnh. Bác sĩ cho biết rắc rối duy nhất của ông là sự căng thẳng thần kinh. Ông kể lại:

“Tôi chợt hiểu ra vấn đề và bắt đầu tư vấn bản thân: “Này, Jim Grant, mày đã vận chuyển tộng cộng bao nhiêu lần xe hoa quả trong những năm qua, và bao nhiêu chiếc trong số đó bị trục trặc?. Câu trả lời: “Chỉ chừng 5 chiếc trong khoảng 25.000 xe”. Theo tỷ lệ thì chỉ có 1/5.000 chiếc xe bị hỏng trên đường. “Vậy thì mình còn lo lắng về cái gì nữa? Tôi lo cầu sập! Nhưng nghĩ lại thì chưa từng có một chuyến xe nào bị sự cố sập cầu cả. Đến lúc ấy, tôi đã tự mắng mình: “Mình thật là ngốc khi lo lắng đến loét cả dạ dày chỉ vì một cái cầu chưa bao giờ sập và vì những vụ trục trặc xe cộ chỉ xảy ta với xác suất 1/5.000!”.

Khi nhìn thận thấy sự việc theo hướng đó, tôi thấy mình sao mà ngớ ngẩn đến thế.Từ đấy, tôi quyết định lấy luật bình quân để làm căn cứ cho việc có nên lo lắng hay không – và cũng từ ngày đó, các vết loét dạ dày không còn hành hạ tôi nữa!”

Khi Al Smith làm thống đốc bang New York, tôi thấy ông đã đáp lại lời công kích từ các đối thủ chính trị bằng cách nhắc đi nhắc lại một câu quen thuộc: “Chúng ta hãy cùng kiểm tra các số liệu …”. Sau câu nói ấy, bao giờ ông cũng đưa ra các chứng cứ xác thực có thể giải tỏa mọi lo lắng và thắc mắc. Tôi nghĩ nếu còn e ngại về những chuyện không hay có thể xảy ra, chúng ta cũng nên làm theo cách khôn ngoan ấy: Kiểm tra các số liệu đẻ biết có cơ sở nào cho những lo lắng đang giày vò mình hay không. Đó cũng chính xác là điều mà Frederick J. Mahlstedt đã làm trong Thế chiến thứ hai khi ông lo sợ rằng mình sẽ vùi xác tại nơi đang trú ẩn. Đây là câu chuyện mà ông đã kể trước một lớp học của chúng tôi ở New York:

“Đầu tháng 6 năm 1944, tôi đang nằm trong một chiến hào gần bãi biển Omaha. Lúc ấy, Đại đội  999th Signal Service của chúng tôi đã “khoét sâu” vào tận Normandy. Lúc nhìn khắp đường hào đã bị bom đánh thủng thành những cái hố hình chữ nhật trên mặt đất, tôi lẩm bẩm: “Trông cứ như những cái huyệt ấy …”. Khi nằm xuống và cố chợp mắt, tôi lại càng thấy cảm giác của mình là thật và không thể không tự nhủ: “Có khi đây sẽ là nấm mộ của mình!”.

Đến 11 giờ trưa, máy bay Đức bắt đầu thả bom khiến tôi sợ hãi cứng đờ cả người. Trong hai ba đêm đầu tiên, tôi không sao ngủ được. Đến đêm thứ tư và thứ năm thì tinh thần tôi hoảng loạn trầm trọng. Tôi biết rằng mình sẽ phát điên nếu không làm một điều gì đó. Vậy là tôi tự động viên bản thân rằng năm đêm đã trôi qua mà tôi vẫn chưa chết, và cả đại đội của tôi cũng thế. Chỉ có hai người bị thương, nhưng không phải do bom của bọn Đức mà do mãnh đạn từ chính súng phòng không của quân đồng minh. Tôi liền quyết định sẽ làm một điều gì đó có ích để xua đi nỗi lo lắng. Thế là tôi làm một cái nắp hầm kiên cố bằng gỗ để tránh đạn lạc. Trong lúc ước lượng về diện tích của khu vực rộng lớn mà đơn vị đang đóng quân, tôi tự nhủ mình không thể chết được trong cái đường hào dài và hẹp này, trừ khi bị dội bom thẳng xuống đầu, một khả năng mà theo tính toán của tôi chỉ có xác suất chưa tới 1/10.000. Sau vài đêm đánh giá tình hình dưới góc độ ấy, tôi đã lấy lại được bình tĩnh và thậm chí còn có thể ngủ ngon lành ngay trong tiếng bom nổ ầm ầm”.

Hải quân Mỹ cũng dựa vào luật bình quân để trấn an tình thần binh lính. Một cựu lính thủy đã kể với tôi rằng khi ông và các đồng nghiệp được phân công làm nhiệm vụ trên một tàu chở dầu, họ đã vô cùng lo sợ. Ai cũng biết rằng nếu một chiếc tàu như thế bị trúng thủy lôi thì chẳng còn thanh niên nào có thể sống sót trở về.

Nhưng Hải quân Hoa Kỳ đã đưa ra những số liệu chính xác cho thấy trong 100 tàu chở dầu bị trúng thủy lôi thì 60 chiếc vẫn nổi được; và trong số 40 chiếc bị đắm, chỉ có 5 chiếc có thời gian chìm nhanh hơn 10 phút. Đât cũng chính là khoảng thời gian cần thiết để thoát ra khỏi một chiếc tàu chìm. Điều này có nghĩa là tỷ lệ tử vong vô cùng nhỏ. Phân tích đó có giúp nâng cao tinh thần không? Theo lời bộc bạch của Clyde W. Mass, lính thủy tàu St. Paul, Minnesota, cũng chính là tác giả của câu chuyện trên thì: “Nỗi hoảng sợ của tôi tan biến hẳn sau khi biết được sự thật ấy … Cả thủy thủ đoàn thấy nhẹ cả người vì biết mình vẫn còn cơ hội sống sót (kể cả nếu bị trúng thủy lôi), bởi theo luật bình quân có thể chúng tôi sẽ không chết”.

Để gạt bỏ thói quen lo lắng trước khi nó hủy hoại bạn – hãy tuân theo nguyên tắc 3:

HÃY KIỂM TRA CÁC SỐ LIỆU! HÃY TỰ HỎI BẢN THÂN

“THEO LUẬT BÌNH QUÂN THÌ XÁC SUẤT XẢY RA SỰ VIỆC MÌNH ĐANG LO LẮNG LÀ BAO NHIÊU?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống Chương 8: Luật bình quân - phương thuốc hiệu nghiệm!

Có thể bạn thích