Nói Thế Nào Để Được Chào Đón, Làm Thế Nào Để Được Ghi Nhận
Chương 5: Phương thức nói chuyện để gia đình hòa thuận

Bài 1: Nói với vợ: “bữa tối hôm nay rất tuyệt”

Thời gian gần đây, do công việc của công ty căng thẳng, hàng ngày anh Lực phải làm thêm đến tận đêm khuya mới được về nhà. Vợ anh không ngừng than phiền về chuyện này, hai vợ chồng cũng vì thế mà thường xuyên cãi vã. Một hôm, anh Lực quyết định tạm gác công việc lại, về nhà ăn tối cùng vợ, mục đích xua đi tâm trạng bất mãn của chị. Hôm ấy, sau khi về nhà, nhìn thấy vợ đang bận rộn bày bát đũa, anh vô cùng cảm động. Lúc ăn tối, vợ vẫn không ngừng than phiền. Ăn tối xong, anh chủ động giúp vợ làm việc nhà (mặc dù trước đây chẳng mấy khi anh làm việc này), vợ được ngồi trên ghế sofa nghỉ ngơi. Làm việc nhà xong, anh Lực mở nhạc, rót trà cho vợ, rồi ngồi trên sofa cùng vợ. Anh khẽ nói: “Những ngày này em vất vả quá!” Vợ lạnh lùng “Hứ” một tiếng rõ to. Anh nói tiếp: “Bữa tối hôm nay em nấu rất hợp khẩu vị của anh, nhất định là em đã dành nhiều công sức vào đó.” Nghĩ tới chồng ngày đêm bận rộn làm việc, cũng rất vất vả, giọng điệu của vợ cũng trở nên dịu dàng hơn rất nhiều. Chị ngả vào lòng anh, hai người cùng nghe nhạc, tận hưởng thời gian thoải mái nhất trong ngày.

Phương pháp giao tiếp tốt nhất mà Carnegie từng nói chính là khen ngợi người khác, phương pháp này cũng thích hợp trong quan hệ gia đình, đặc biệt là giữa hai vợ chồng. Điều này đồng nhất với “Hiệu ứng biên” trong tâm lý học. Khen ngợi người khác chính là trong lúc người khác thiếu nhu cầu nào đó, cung cấp cho họ nhu cầu này. Chỉ cần thỏa mãn được nhu cầu tự tôn và nhu cầu giá trị của người khác, có thể cho họ sự tán đồng, khẳng định thì về khách quan có thể thỏa mãn nhu cầu tình cảm của đối phương, quan hệ giữa hai bên dĩ nhiên cũng thuận lợi hơn.

“Hiệu ứng biên” (Marginal effect) là chỉ khi đối phương thiếu một nhu cầu nào đó, chúng ta chủ động cung cấp nhu cầu đó cho họ, khi ấy, đối phương sẽ vô cùng cảm kích và có ấn tượng sâu sắc với bạn.

Có thể nói, khen ngợi là món ăn tinh thần của con người. Nhà văn người Mỹ Mark Twain từng nói: “Một lời khen tuyệt diệu có thể khiến tôi sống thêm hai tháng.” Trên thế giới này không bao giờ thiếu cái đẹp mà chỉ là thiếu con mắt và trái tim phát hiện cái đẹp. Là một người chồng, nếu biết quan tâm thì sẽ không khó phát hiện ra những ưu điểm của vợ, biết khen ngợi vài câu vào thời điểm thích hợp, quan hệ vợ chồng sẽ hòa thuận. Khen ngợi người khác cũng phù hợp với nguyên tắc trong tâm lý học: Một người chồng biết khen ngợi vợ nhất định sẽ có một gia đình vô cùng hạnh phúc.

Anh Trường bận rộn cả ngày, đã thế lại phải chịu bao nhiêu sự phàn nàn từ khách hàng, sự khiển trách từ giám đốc nên trong lòng vô cùng bực tức. Nhưng cứ hễ về nhà, nhìn thấy dáng vẻ bận bịu của vợ, là anh liền vui vẻ ngồi xuống cùng ăn cơm với vợ. Mặc dù thường xuyên tiếp khách, được ăn các món ngon vật lạ ở ngoài, nhưng được ngồi ăn cơm vợ nấu, anh cảm thấy không khí gia đình thật ấm áp, nỗi mệt nhọc của anh cũng tan biến, anh nói với vợ: “Đúng là cơm nhà vẫn ngon nhất, em vất vả thật đấy!” Vợ làm việc cả ngày, về nhà lại bận rộn nấu cơm, cũng rất mệt mỏi, nhưng nghe lời chồng nói, thì liền nở một nụ cười hãnh diện, bao nhiêu mệt mỏi cũng tan đi hết.

Khen ngợi không những có thể khiến tâm trạng của con người vui vẻ mà còn có thể giúp người khác giảm đi những áp lực trong công việc và cuộc sống, khiến trái tim vô cùng mệt mỏi của họ được an ủi. Đặc biệt là giữa vợ chồng, những lời khen ngợi và quan tâm này vô cùng có ý nghĩa. Đối với phụ nữ, thì họ càng thích nghe chồng khen ngợi tài nấu nướng của mình. Bởi vậy, là người chồng, bạn hãy khen tài nấu nướng của vợ nhiều hơn nữa nhé.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Khen ngợi tài nấu ăn của vợ, đây là điều mà một người đàn ông thông minh nên làm được. Đây cũng là nhân tố quan trọng để thắt chặt sợi dây tình cảm giữa hai vợ chồng. Vậy thì, chồng nên khen ngợi tài nấu ăn của vợ như thế nào?

(1) Khen ngợi vợ nhất định phải chân thành, không được miễn cưỡng

Phụ nữ phản cảm nhất là khi đàn ông miễn cưỡng với họ, bởi vậy, bạn không được tùy tiện nói một câu “ngon”, hãy bày tỏ sự chân thành của mình, hãy thử hỏi vợ món này làm thế nào, cho những gia vị gì, cần bao nhiêu thời gian, bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt này cho đến khi kết thúc bằng một lời khen, như thế, lời khen của chồng dành cho vợ mới có thể đạt được hiệu quả tốt nhất.

(2) Biết cách dùng ẩn ý bày tỏ lời khen

Phụ nữ chú trọng điều gì? Đó chính là cảm giác của người đàn ông đối với gia đình. Bởi vậy, bạn nên nói nhiều hơn những câu như thế này:

“Cơm của nhà hàng đối diện còn kém xa cơm em nấu”, “Cơm bên ngoài có ngon thế nào cũng không bằng cơm em nấu”, “Ăn cơm ở nhà mới có thể cảm nhận được sự ấm áp và tình yêu thương”…

Bài 2: Nói với chồng “hôm nay anh thật phong độ”

Một người phụ nữ nọ, sau khi kết hôn với chồng; có lẽ là do nhìn thấy nhau nhiều quá đâm nhàm, nên cảm thấy đối phương chướng mắt, hay tìm cơ hội đả kích đối phương, qua đó nhằm chứng tỏ cảm giác vượt trội của mình. Bạn học của người phụ nữ này tổ chức một buổi gặp mặt, bất đắc dĩ, cô ta phải đưa chồng tới tham dự. Trong buổi gặp mặt, cô ta nhìn thấy các bạn nữ khác đều khen chồng mình giỏi giang như thế nào. Chồng của cô cũng cố gắng phối hợp, thể hiện phong độ ga lăng, lịch sự, vì thế nhận được không ít lời khen từ các bạn nữ khác. Điều này khiến người vợ rất vui, cứ cười suốt cả buổi. Sau khi buổi gặp mặt kết thúc, người phụ nữ này khoác tay chồng đi trên đường, vui vẻ cười nói. Về đến nhà, cô dịu dàng rót cho chồng một cốc nước và nói: “Hôm nay anh thể hiện rất tốt, trước đây em không phát hiện ra anh có nhiều ưu điểm như vậy, sau này em phải chú ý quan sát để tìm hiểu lại mới được.” Chồng nghe lời vợ nói, trong lòng cũng cảm thấy ấm áp.

Ai cũng cần được khen, ai cũng hy vọng nhận được lời khen của người khác, đây là bản tính của con người. Trong tâm lý học có “hiệu ứng Pygmalion”, là chỉ những mong đợi tích cực của một người có liên quan đến kết quả mong đợi. Tên Pygmalion được lấy từ bộ phim My Fair Lady, còn được gọi là “hiệu ứng Rosenthal”. Hiệu ứng này là một kiểu tiên đoán cho sự tự hài lòng với bản thân. Ngược lại với “hiệu ứng Pygmalion” là “hiệu ứng Golem”, cho rằng những trông đợi thấp hơn có thể dẫn đến những kết quả kém chất lượng hơn.

Chúng ta có thể rút ra được một gợi ý như sau qua “hiệu ứng Pygmalion” trong tâm lý học: Khen ngợi và mong đợi có thể đem lại hiệu quả ngoài sức tưởng tượng, có thể thay đổi tư tưởng và hành vi của một người. Một người sau khi được người khác tin tưởng và khen ngợi, anh ta sẽ trở nên tự tin hơn, từ đó có được động lực tích cực vươn lên. Hiệu ứng này có thể áp dụng trong việc xử lý các mối quan hệ trong gia đình.

Có một người vợ ở nhà nội trợ bận rộn suốt cả ngày, chồng rất áy náy, ân cần bóp vai đấm lưng cho vợ, vợ thật lòng nói: “Em cảm thấy dễ chịu hơn rồi, cảm ơn anh!” Nhận được lời khen của vợ, chồng vô cùng cảm động, những ngày sau đó, người chồng cũng chủ động bóp vai, đấm lưng cho vợ, thậm chí còn nấu cơm giặt quần áo.

Vì sao đàn ông lại muốn chủ động làm giúp vợ một vài việc lặt vặt, bao gồm cả chia sẻ việc nhà? Đó là bởi vợ truyền đạt với chồng một vài thông tin tích cực: “Anh đúng là biết quan tâm tới người khác”, “Cơm anh nấu rất ngon”, “Anh đúng là mẫu người đàn ông hoàn hảo”… Qua những lời khen ngợi của vợ, chồng có thể có được cảm giác thành công, vì không muốn khiến vợ thất vọng, dĩ nhiên anh ta sẽ cố gắng gấp bội để ưu thế của mình được phát huy, cố gắng đạt được kỳ vọng của đối phương. Ngược lại, nếu vợ truyền đạt tới chồng một kỳ vọng tiêu cực, e là cả đời này chồng cũng không muốn phục vụ cho gia đình.

Nhà tâm lý học người Mỹ William James nói: “Khát vọng tha thiết nhất của con người chính là nhận được lời khen của người khác, đây là điểm khiến con người khác với động vật.” Cho dù là nhân vật nổi tiếng hay phàm phu tục tử, thì ai cũng đều hy vọng nhận được lời khen và sự tôn trọng của những người xung quanh. Sự đánh giá về hình tượng bản thân là tổng hợp cách nhìn của cá nhân và môi trường bên ngoài, còn thông tin bên ngoài đóng vai trò quan trọng đối với việc đánh giá bản thân. Khi một người nghe thấy lời khen tích cực đến từ bên ngoài, anh ta sẽ tỏ ra nỗ lực hơn. Điều này cũng có tác dụng rất lớn trong việc xử lý các mối quan hệ gia đình. Khi chồng ăn mặc gọn gàng, chỉnh tề, vợ nhất định phải khen ngợi, sau này anh ta sẽ càng chú ý tới hình tượng của mình hơn. Khi vợ uống trà nóng mà chồng pha, không được quên khen một câu: ‘Thơm quá, ngon hơn trà ngoài quán nhiều.” Khi vợ nhìn thấy chồng dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, không được quên nói một câu: “Bố bận thế này mà đi làm về còn giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa!” Nếu vợ chú ý tới từng ưu điểm của chồng và kịp thời bày tỏ lời khen của mình, thì mỗi người vợ đều sẽ có một gia đình hòa thuận, một người chồng hoàn mỹ.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Khen ngợi là vũ khí của người phụ nữ thông minh, là bí quyết để có được gia đình hòa thuận… đối với phụ nữ, chỉ cần biết cách khen chồng mình, khẳng định chồng mình, thì người chồng sẽ trở nên ưu tú hơn, hoàn mỹ hơn. Vậy, là một người vợ, bạn nên khen chồng như thế nào?

(1) Khen ngợi phải lựa chọn “góc độ”

Vợ phải biết cách nói điểm tốt của chồng trước mặt người khác, đặc biệt là trước mặt người ngoài, không được chỉ biết khen chồng trong việc dọn dẹp nhà cửa, bếp núc mà còn phải khen ngợi những mặt giỏi giang của chồng trong sự nghiệp, hạn chế nói chuyện trong nhà của chồng, dù sao thì đàn ông cũng phải có sĩ diện, họ rất coi trọng biểu hiện trước mặt người ngoài.

(2) Khéo léo nói ra sự mong đợi của chồng

“Món canh mấy hôm trước anh nấu rất ngon, bây giờ mà em vẫn cảm thấy mùi vị của nó…” Chồng sẽ không thờ ơ trước lời nói này, sau khi thỏa mãn lòng hư vinh của bản thân, chồng sẽ nói: “Hôm nào anh lại nấu cho em…” Có lẽ, vài câu cảm kích và khen ngợi của một người phụ nữ đối với đàn ông chẳng khác nào “nắng hạn gặp mưa rào”.

Bài 3: Người trong nhà đỔi kiểu tóc mới và quần áo mới, không tiếc lời khen ngợi

Bố phát hiện gần đây con gái không chuyên tâm học hành, muốn khuyên nhủ con. Con gái vốn rất bướng bỉnh, thế nên bố quyết định thay đổi phương thức trò chuyện. Một ngày cuối tuần, bố vừa bước vào cửa, nhìn thấy con gái mặc một chiếc áo khoác mới, bố liền khen: “Ôi, con mua chiếc áo này ở đâu vậy? Con mặc vào rất đẹp!” Con gái nhìn thấy ánh mắt khen ngợi của bố, trong lòng vô cùng đắc trí, phấn khích nói: “Chiều nay lúc đi dạo phố, chị Phương kéo con vào siêu thị, con nhìn thấy chiếc áo này thiết kế rất đẹp, liền mua nó.” Bố nói: “Đẹp lắm, gu thời trang của con gái bố có tiến bộ, thật sự là đẹp!” Con gái cảm thấy rất vui. Bố nói tiếp: “Con gái, bố biết con không muốn bố can thiệp vào cuộc sống của con, nhưng bố vẫn muốn nói với con rằng, nếu trong học tập con cũng có tiến bộ lớn như thế này, thì con sẽ càng khiến bố tự hào hơn!” Con gái hiểu được sự kỳ vọng của bố, ngượng ngùng nói: “Bố, con biết rồi, bố đừng lo, con sẽ cố gắng.” Chỉ một câu khen ngợi đã khiến ông bố này hoàn thành được cuộc trò chuyện ôn hòa, hữu hiệu với con gái.

Con người đều muốn giao lưu với người biết cách khen ngợi mình, đây là phép tắc quan trọng trong giao tiếp.

Mỗi người đều có bản tính thích đẹp, đặc biệt là phụ nữ. Là chồng, bạn không được thờ ơ với bản tính này của vợ, nhất định phải phát hiện ra vẻ đẹp của vợ và không tiếc lời khen. Lời khen thích hợp của chồng có thể khiến vợ vui cả ngày, còn lời nói không đúng mực thậm chí có thể khiến vợ bực tức cả tuần. Khen ngợi dùng trong xử lý quan hệ gia đình cũng rất thích hợp. Nếu một người phụ nữ nhắc tới chồng của mình khi nói chuyện với người khác rằng: “Anh ấy lúc nào cũng nhìn mình bằng ánh mắt soi mói, mình mua một chiếc áo mới cũng nói này nói nọ”, như thế không những khiến quan hệ gia đình bị ảnh hưởng mà hình tượng của bản thân ít nhiều cũng bị tổn thương. Vì thế, là đàn ông, khi nhìn thấy vợ có quần áo mới thì nên bày tỏ lời khen của mình đầu tiên.

Trong tâm lý học, có một định luật là “cùng vui vẻ”. Định luật này chỉ sự hài hòa về tình cảm và sự quý mến lẫn nhau giữa con người với con người, điều này có thể tăng cường sức hút qua lại trong giao tiếp. Nói một cách khác, “cùng vui vẻ” chính là yêu quý sẽ được yêu quý, tôn trọng sẽ được tôn trọng. Con người thường thích giao lưu với người có thể mang lại niềm vui cho mình, sự thích thú này sẽ thúc đẩy bản thân cố tiếp cận với những người biết mang lại cho mình niềm vui.

Người nữ vì người yêu mà làm đẹp, thực ra không chỉ phụ nữ mà đàn ông cũng vậy, cùng có tâm lý này. Con người đều muốn giao lưu với người yêu quý mình chứ không muốn giao lưu với những người mà mình không thích. Trong cuộc sống, câu mà người ta thường nói nhất khi bị soi mói kén chọn là: “Nếu anh đã thấy chướng mắt như vậy thì cứ nhìn tôi làm gì?” Đây chính là sự khúc xạ của định luật cùng vui vẻ.

Người đàn ông thông minh sẽ không đả kích tâm lý thích đẹp của vợ mà luôn tích cực đáp lại với thái độ “làm cho người khác vui vẻ”, bày tỏ tình cảm yêu quý với vợ một cách trực tiếp và thành khẩn. “Kiểu tóc mới này thật đẹp, nhưng lần sau em để tóc mái dài hơn một chút, anh thấy như thế sẽ nữ tính hơn.” “Nhìn kiểu tóc của em kìa, quá kinh khủng, em chọn thợ cắt tóc kiểu gì vậy?” Hai câu nói khác nhau mang lại hiệu quả khác nhau. Muốn gia đình hòa thuận thì không thể thiếu sự khen ngợi và yêu quý, lời khen thích hợp có thể xoa dịu quan hệ căng thẳng giữa hai bên.

Vợ vừa cãi nhau với chồng xong liền đi ra ngoài. Chồng đuổi theo, kéo vợ vào hàng mỹ phẩm. Vợ tức giận nói: “Anh thấy em chướng mắt, còn kéo em làm gì?” Chồng nói: “Mua tặng em bộ mỹ phẩm này, coi như là anh xin lỗi em.” Vợ không phản đối, thế là lựa chọn nhãn hiệu mỹ phẩm rất kỹ càng. Chồng đứng cạnh chốc chốc lại đưa ra vài kiến nghị. Sau khi vợ mua một đống đồ, chồng tươi cười nói: “Những thứ mua hôm nay em vừa ý chứ? Phụ nữ nhất định phải giữ gìn nhan sắc mới xinh đẹp lâu dài, nhưng em cứ tức giận là nhan sắc sẽ bị giảm đi đấy!” Vợ lườm chồng một cái nhưng trong lòng ngập tràn hạnh phúc và cảm thấy có lỗi vì thái độ “chua ngoa” của mình. Sau đó, quan hệ của hai người có thêm sự thấu hiểu và nhường nhịn lẫn nhau hơn.

Có thể người có người tính cách rất thẳng thắn, đối nhân xử thế rất có nguyên tắc, phân rõ méo tròn sẽ nói: “Tôi thấy không đẹp, vì sao cứ phải nói là đẹp?” Thực ra điều này không quan trọng, thẩm mỹ của mỗi người không nhất thiết phải giống nhau, chỉ cần người nhà thích là chúng ta có thể khen ngợi được rồi, coi như là lời nói dối thiện ý. Vì sự hòa thuận trong gia đình, quan hệ giữa hai bên, cho dù chúng ta đưa ra ý kiến sửa đổi thì cũng nên dùng lời khen để mở đường.

Nếu chúng ta có thể nói ra một lời khen ngợi, khiến tâm trạng sa sút của người nhà được cải thiện, nếu lời khen của chúng ta có thể làm hòa hoãn thái độ căng thẳng của hai bên, nếu lời khen của chúng ta có thể khiến người thân cảm thấy ấm áp và được yêu thương, thì hãy thử là người đầu tiên tặng đi lời khen ấy. Nàng Lọ Lem sau khi biến thành công chúa, người nàng nên cảm ơn nhiều nhất chính là người đầu tiên đi giày thủy tinh cho nàng. Như vậy, lời khen của người thân vô cùng quan trọng với các thành viên trong gia đình. Nếu chúng ta làm được điều này thì tin chắc rằng gia đình sẽ luôn được hòa thuận.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Khi người thân thay đổi hình ảnh bên ngoài, có được hình tượng mới thì chúng ta nhất định đừng tiết kiệm lời khen của mình, để người thân thấy được lời khen của mình, như vậy tâm trạng sẽ thoải mái, và tin rằng gia đình sẽ càng hòa thuận hơn. Vậy, chúng ta nên dành tặng lời khen của mình như thế nào?

(1) Phát hiện đầu tiên, khen ngợi đầu tiên

Khi người thân đổi kiểu tóc mới, mua quần áo mới, chúng ta phải là người đầu tiên ý thức được rằng: Nên khen ngợi chứ không phải là đợi đối phương hỏi mình. Bởi rất nhiều người sau khi có sự đổi mới, trong lòng thường có chút bất an, lo lắng, không biết người khác sẽ đánh giá mình thế nào, nếu chúng ta có thể tặng họ lời khen thì chúng ta cũng sẽ nhận được sự cảm kích của đối phương.

(2) Khen ngợi phải chú trọng kỹ xảo

Chúng ta nhất định phải để đối phương cảm nhận được rằng sự thay đổi của đối phương cho mình cảm giác thật mới mẻ và dễ chịu. Ví dụ, chúng ta có thể nói: “Vợ à, hôm nay em mặc bộ quần áo này, trông đẹp hơn rất nhiều, cảm giác như có một vườn hoa rực rỡ trong nhà mình vậy.” Như vậy có thể tạo thêm sự tự tin cho người vừa được khen.

Bài 4: Chia sẻ với người thân những bí mật có thể nói ra

Phương Linh cùng chồng đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe, bác sĩ nói rằng sau này có khả năng cô không thể sinh con được nữa. Trước sự dò hỏi của chồng, Phương Linh nói với chồng bí mật mà mình đã giấu kín suốt hai năm. Thì ra trước khi kết hôn với chồng, Phương Linh đã từng yêu hai người, hơn nữa còn phá thai một lần, có thể là di chứng để lại từ lần phá thai ấy khiến cô không thể mang thai được. Chồng của Phương Linh vì chuyện này mà thường xuyên cãi vã, thậm chí còn muốn ly hôn với cô. Chuyện này cũng trở thành điểm yếu để chồng công kích Phương Linh, động một tý là lại mang chuyện này ra làm tổn thương cô. Điều đó khiến cô cảm thấy vô cùng khổ sở.

Sở dĩ mối quan hệ giữa hai vợ chồng căng thẳng tới mức ấy, chính là vì cô đã nói thẳng với chồng bí mật động trời ấy, giống như sét đánh ngang tai, khiến chồng cô cảm thấy kinh ngạc và rất buồn, tình cảm bị đè nén chẳng khác nào khối thuốc nổ, chỉ cần một mồi lửa là bùng phát lên ngay. Bí mật giống như chiếc hộp của Pandora(1), sau khi nói ra, có thể sẽ phá vỡ quan hệ của hai bên.

(1) Pandora: Trong thần thoại Hy Lạp, đó là một chiếc hộp mà các vị thần trên đỉnh núi Olympus đã tặng cho nàng Pandora - người phụ nữ đầu tiên đến thế giới loài người. Nàng Pandora đã được các vị thần dặn kỹ rằng không được mở chiếc hộp đó ra. Nhưng với sự tò mò của mình, Pandora đã mở chiếc hộp ra và những gì trong chiếc hộp kỳ bí đó xuất hiện đã khiến cho tất cả những điều bất hạnh tràn ngập khắp thế gian: thiên tai, bệnh tật, chiến tranh…

Nhà tâm lý học chỉ ra rằng, mỗi người đều có tâm lý tò mò và thổ lộ bí mật. Dĩ nhiên, không phải tất cả bí mật đều có thể chia sẻ với người khác, đặc biệt là với vợ chồng, nếu một bên có nhiều ký ức lãng mạn hơn bên kia, một khi bộc lộ quá nhiều sẽ ảnh hưởng xấu tới quan hệ của hai người. Những vợ chồng chung sống hòa thuận, quan hệ tốt đẹp thường chia sẻ với đối phương bí mật của mình một cách có lựa chọn.

Trong tâm lý học có lý luận “Cửa sổ Johari”, trong lý luận này, có một phần nội dung liên quan tới sự giao lưu giữa con người với con người. Thông thường thì con người đều có xu hướng giữ bí mật của mình, còn lý luận “Cửa sổ Johari” đã chỉ ra, một mặt quan trọng trong sự giao lưu giữa con người với con người chính là phải tăng cường tiết lộ bí mật. Đây là quá trình để một người giao lưu tiếp xúc với người khác, hay nói cách khác đây là một sự trao đổi thông minh. Nhưng sự trao đổi thông tin này (chia sẻ bí mật) không phải là tuyệt đối, chúng ta có một số thông tin cần phải giữ lại, đặc biệt là giữa vợ chồng thì càng cần biết chia sẻ bí mật với đối phương một cách có lựa chọn.

Một số nhà nghiên cứu tâm lý học chứng minh, trạng thái giao tiếp tốt hay xấu có quan hệ rất lớn tới việc thể hiện bản thân, tức là cùng nhau chia sẻ bí mật. Chia sẻ bí mật là quá trình tương tác khi giao lưu giữa con người với con người. Chúng ta chia sẻ càng nhiều bí mật với người khác thì người khác lại càng chia sẻ nhiều bí mật của họ với chúng ta. Sự chia sẻ bí mật cũng thúc đẩy quan hệ giữa hai bên. Nhưng chia sẻ bí mật đối với vợ chồng cũng cần có sự lựa chọn và che giấu, không phải cứ có bí mật nào là nói ra hết bí mật ấy.

Lý luận cửa sổ Johari (Johari window): Trong giao tiếp, chia sẻ cảm nhận với người khác sẽ vô cùng có lợi với bản thân, nó có thể khiến người khác thấu hiểu suy nghĩ và hành vi của chúng ta. Lý luận cửa sổ Johari là một khái niệm quan trọng liên quan tới tình cảm mở, tự tiết lộ bí mật ở một mức độ nhất định có thể thúc đẩy giao tiếp, tuy vậy, cần lưu ý những thông tin chia sẻ với người khác cũng phải chọn lựa.

Một ngày cách đây hai năm, khi Minh Quân và vợ cùng ăn tối, đột nhiên anh nhận được một cuộc điện thoại. Là điện thoại của bạn gái cũ Minh Quân gọi tới. Thì ra bố cô ấy bị bệnh nặng, làm phẫu thuật cần tiền. Mặc dù hai người đã chia tay nhưng vẫn giữ quan hệ bạn bè, Minh Quân vui vẻ nhận lời. Anh nói với vợ là bạn gái của một người anh em gọi điện thoại tới, người anh em ấy bị bệnh, cần tiền. Vợ Minh Quân cũng không nghĩ nhiều, thế là liền đồng ý. Ngày hôm sau Minh Quân liền mang tiền tới bệnh viện. Thỉnh thoảng, vợ nhớ ra liền hỏi Minh Quân chuyện cho vay tiền, cho ai vay. Minh Quân liền trả lời qua loa là một người anh em, nhất định sẽ trả. Hai năm sau, bạn gái cũ của Minh Quân đến tận nhà trả lại số tiền đó. Vợ Minh Quân không hiểu rõ, đợi Minh Quân về nhà, chị mới hiểu rõ đầu đuôi sự việc. Minh Quân giải thích rằng: “Chuyện này nói với em chắc chắn em sẽ không đồng ý, sở dĩ giấu lâu như vậy là vì sợ em nghĩ nhiều.” Vợ bị giấu giếm sự thật hai năm nhưng không vì thế mà tức giận, ngược lại quan hệ vợ chồng còn tốt đẹp hơn.

Giữa vợ chồng cần phải giữ một vài bí mật cho mình, nhưng một số bí mật khi chia sẻ với đối phương, có thể không mang tới quan hệ hòa thuận hơn mà là một tờ đơn ly hôn. Vợ chồng chia sẻ chân thành một số bí mật có thể khiến hai bên càng tin tưởng nhau hơn, nhưng nếu chia sẻ bí mật một cách sai lầm sẽ hủy hoại quan hệ của đôi bên. Mỗi người đều sống trong thế giới riêng của mình, giữa con người với con người luôn có một vài bí mật không thể chia sẻ được. Vì thế, khi chung sống với người thân, chỉ có thể chia sẻ những bí mật nên nói ra, như thế mới khiến không khí gia đình càng hòa thuận hơn.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Chúng ta chia sẻ bí mật với người thân một cách thích hợp có thể khiến gia đình càng hòa thuận hơn, quan hệ với người thân cũng càng hài hòa hơn; nhưng bạn cũng phải nhớ, một số bí mật nhất định không được chia sẻ, một khi nói ra có thể khiến quan hệ gia đình đổ vỡ. Vậy chúng ta nên nắm mức độ chia sẻ bí mật như thế nào?

(1) Có thể chia sẻ hứng thú, sở thích của bản thân

Một vài bí mật nhỏ trong cuộc sống có thể thúc đẩy quan hệ giữa vợ chồng. Ví dụ hồi nhỏ bạn ăn một loại thức ăn nào đó và gặp “trục trặc” với thức ăn đó, nhưng sau khi kết hôn, vợ lại đặc biệt thích ăn thức ăn này, bạn có thể cùng chia sẻ bí mật nhỏ này với vợ, vợ cũng sẽ tỏ ra thấu hiểu. Còn nữa, một vài thói quen nhỏ khi chúng ta đọc sách, vài ý nghĩ ngây thơ khi còn nhỏ… những bí mật nhỏ này không ảnh hưởng gì, có thể thúc đẩy quan hệ vợ chồng tốt đẹp hơn.

(2) Bí mật ở công ty, bí mật của bạn bè không được tùy tiện nói ra

Ví dụ, chi tiết về những văn bản, về kế hoạch, về đối thủ cạnh tranh cần được bảo mật trong công việc, cho dù là người thân cũng không được nói, điều này liên quan tới vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Một người bạn thân nào đó tâm sự riêng tư với chúng ta, nói với chúng ta một bí mật nào đó, nếu chúng ta tiết lộ bí mật thì sẽ mất đi một người bạn. Bí mật của một người bạn liên quan tới cả gia đình bạn đó, chúng ta vô tình nói với vợ, vợ lại truyền ra ngoài, vừa hay người bạn này biết được thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tình bạn, giữa vợ chồng cũng vì chuyện này mà ít nhiều nảy sinh mâu thuẫn.

(3) Một số bí mật cá nhân

Giữa vợ chồng, có một vài bí mật không thể chia sẻ được. Đặc biệt là những cảm nhận với bạn gái cũ, bạn trai cũ, tuyệt đối không được tùy tiện nói ra. Những bí mật này tốt nhất là vĩnh viễn giấu trong tim. Cho dù là phụ nữ hay đàn ông đều có lòng đố kỵ, những bí mật này một khi được chia sẻ, chắc chắn sẽ để lại ám ảnh trong tâm lý của đối phương, ảnh hưởng tới quan hệ hòa thuận gia đình.

Bài 5: Khi gặp chủ đề nhạy cảm hãy thử “chậm hiểu” một chút

Lúc ăn tối, vợ Đức Trường nói với anh: “Bạn trai Phương Dung muốn tài trợ cho bạn gái cũ tiền học thạc sĩ, anh nói có nên không?” Đức Trường không hiểu ẩn ý của vợ, chẳng suy nghĩ gì mà nói luôn: “Chuyện này cũng chẳng có gì, anh thấy bạn trai Phương Dung cũng được coi là người có tình có nghĩa. Anh ta cũng đáng khâm phục đấy chứ!” Vợ nghe vậy hét lên: “Cái gì? Anh còn dám khâm phục anh ta? Anh ngưỡng mộ đúng không? Nhìn đàn ông các anh, có mới còn không quên cũ. Có phải anh vẫn chưa quên bạn gái cũ không?” Chẳng mấy chốc, những “món nợ” trước đây của Đức Trường bị vợ lật lại một cách không thương tiếc. Đức Trường cảm thấy vợ giận dỗi vô cớ, trong lúc tức giận đã mặc kệ vợ, đi tìm bạn uống rượu.

Tâm tư của phụ nữ rất tinh tế, còn đàn ông thì thường không chú ý tới điểm này. Trong câu chuyện, vợ của Đức Trường giận dỗi vô cớ sao? Lẽ nào Đức Trường không có trách nhiệm gì với lần cãi cọ này? Rất nhiều mâu thuẫn xảy ra là do phương thức tư duy và phong cách hành xử khác nhau giữa nam và nữ.

Nguyên tắc đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để suy nghĩ: Đứng trên lập trường của người khác để nhìn sự việc và thấu hiểu suy nghĩ, cảm nhận của đối phương, dùng tâm lý của đối phương để suy nghĩ vấn đề.

Những sự việc tương tự thường xuyên xảy ra giữa vợ chồng. Vì sao lại xuất hiện tình huống như thế này? Bởi vì phụ nữ quá nhạy cảm còn đàn ông lại quá vô tâm. Thiết nghĩ, nếu đàn ông có thể đứng ở góc độ của phụ nữ để suy nghĩ vấn đề, thì sự giao lưu giữa vợ chồng sẽ thuận lợi, vui vẻ hơn rất nhiều.

Trong tâm lý học có một nguyên tắc là đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Nó yêu cầu con người đứng ở góc độ của đối phương để suy nghĩ về cảm nhận và hành vi của đối phương. Nguyên tắc này thích hợp trong việc xử lý các mối quan hệ gia đình. Trong câu chuyện kể trên, nếu Đức Trường cảm nhận được ẩn ý qua cách nói của vợ thì liệu anh ta có thốt ra những lời cấm kỵ đó không? Dĩ nhiên là không. Nhất định anh sẽ suy nghĩ tới cảm nhận của vợ. Trong vấn đề mà hai bên đều tương đối nhạy cảm này, đàn ông nên xử lý linh hoạt chứ không nên cứng nhắc làm theo suy nghĩ của mình. Suy cho cùng thì phụ nữ rất thích giả thiết, sẽ càng lo lắng chuyện tương tự sẽ xảy ra với mình.

Chủ đề nhạy cảm giữa hai vợ chồng có rất nhiều, ví dụ chồng không sạch sẽ, lười biếng, tiếp khách uống rượu nhiều, phụ nữ thích tiêu tiền, có quá nhiều bạn thân, chuyện tình yêu trước đây của hai bên… Trước những vướng mắc của đối phương, cả hai vợ chồng đều cần bình tĩnh, giữ độ mềm dẻo cần thiết, tránh xảy ra căng thẳng, nếu không sẽ có thể ảnh hưởng tới quan hệ vợ chồng.

Phần lớn đàn ông đều có lúc về muộn, dĩ nhiên phụ nữ cũng đôi lúc như thế. Khi đối phương về muộn, người ở nhà chờ chắc chắn sẽ rất khó chịu, thế nên rất dễ nảy sinh vấn đề.

Đức Trường và bạn uống rượu tới gần sáng, mang mùi rượu nồng nặc về nhà. Vợ nhìn thấy chồng về nhà muộn như vậy, không khỏi than phiền: “Anh còn biết đường về nhà à, nhìn xem mấy giờ rồi?” Đức Trường ngà ngà say, chưa hiểu được ẩn ý của vợ, lảm nhảm nói: “Chẳng phải đã gọi điện cho em rồi sao? Bạn bè gặp mặt, em không đi ngủ sớm, đợi anh làm gì?” Vợ đợi đến nửa đêm, dĩ nhiên có chút ấm ức, Đức Trường không kiên nhẫn giải thích mà còn tỏ ra khó chịu. Vợ thấy vậy bực tức ném cho anh một cái gối và nói: “Anh tưởng nhà là quán trọ à? Anh muốn về thì về, không về thì thôi à!” Đức Trường uống hơi nhiều, không coi lời vợ nói ra gì: “Tôi muốn về lúc nào là tự do của tôi, không cần cô phải quản.” Vợ nói: “Được, tôi không quản được, vậy thì anh không cần ngủ với tôi, anh ra sofa mà ngủ.” Đức Trường cũng mặc kệ vợ, ôm chăn ra sofa ngủ. Mấy ngày liền hai người ở trong trạng thái chiến tranh lạnh.

Vợ chồng chung sống với nhau, trước những vấn đề nhạy cảm của hai bên, cần một người bình tĩnh và nín nhịn, không cần thiết phải khiến không khí căng thẳng như vậy, hãy đứng ở góc độ của đối phương để suy nghĩ vấn đề, gia đình nhờ vậy sẽ hòa thuận hơn rất nhiều. Giống như Đức Trường trong câu chuyện, nếu anh ta có thể đứng ở góc độ của vợ để suy nghĩ, nghĩ đến việc một mình vợ đợi mình đến nửa đêm thì sẽ không gây chuyện với vợ, hai bên thấu hiểu và thông cảm với nhau thì mới có thể tăng thêm tình cảm.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Trước vấn đề nhạy cảm của hai bên, chúng ta nên xử lý như thế nào?

(1) Đặt mình vào hoàn cảnh của người khác

Trước khi trả lời đối phương, chúng ta nhất định phải nghĩ tới cảm nhận và suy nghĩ của đối phương, sau đó căn cứ vào đó để linh hoạt biểu đạt ý của mình.

(2) Biết cách tự phê bình

Đi tiếp khách uống rượu quá nhiều, thời gian ở cạnh vợ ít đi, đàn ông phải biết tự phê bình, đồng thời phải kiểm điểm sâu sắc, thái độ phải thành khẩn.

(3) Giao lưu với nữ giới phải biết khen ngợi

Mỗi người phụ nữ đều hy vọng mình là người ưu tú nhất, hoàn mỹ nhất trong mắt đàn ông. Để làm được điều này, phụ nữ tuyệt đối không được trở thành người hay gây chuyện, giận dỗi vô cớ. Còn đàn ông cũng cần nắm được tâm lý phụ nữ, thông qua viêc khen ngợi để giảm mức độ nhạy cảm của phụ nữ trước một số vấn đề.

(4) Chủ động dùng ngôn ngữ cơ thể hóa giải mâu thuẫn

Ai đó đã nói: “Ôm ấp không liên quan đến khả năng, chỉ liên quan đến tình yêu, nếu một người đàn ông không yêu bạn thì ngay cả một cái ôm cũng keo kiệt.” Khi vợ chồng nặng lời, căng thẳng với nhau, để tránh hai bên xuất hiện mâu thuẫn và chia rẽ nghiêm trọng, chúng ta hãy thử chủ động sử dụng ngôn ngữ cơ thể để hóa giải mâu thuẫn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Nói Thế Nào Để Được Chào Đón, Làm Thế Nào Để Được Ghi Nhận Chương 5: Phương thức nói chuyện để gia đình hòa thuận

Có thể bạn thích