Nói Thế Nào Để Được Chào Đón, Làm Thế Nào Để Được Ghi Nhận
Chương 2: Rèn luyện tài ăn nói để không đắc tội với người khác

Bài 1: Không cần tranh chấp để giải quyết vấn đề

Một đám người xúm lại trên đường, vô cùng ồn ào.

“Cãi nhau rồi, cãi nhau gay gắt lắm!”

“Cái gì thế, đánh nhau rồi sao? Mau đi can ngăn!”

“Cái gì, giết người rồi á? Báo cảnh sát đi!”

Hai người vốn không quen biết nhau, chỉ vì một câu tranh chấp mà gây ra vụ án mạng. Đây chính là “hiệu ứng hồ điệp”(1) trong tâm lý học hoặc cụ thể hơn, con người chỉ vì tranh chấp nhỏ mà gây ra những tổn thương rất lớn cho cả hai. Sự tổn thương này vượt xa phạm vi tưởng tượng của bản thân. Cuộc sống hiện thực chính là như vậy, chúng ta thường vì một chuyện mà gây ra tranh chấp, dần dần phát triển tới mức cãi nhau quyết liệt không thể cứu vãn được.

(1) Hiệu ứng hồ điệp: Chỉ sự thay đổi hàng loạt khi có sự thay đổi nào đó.

Bậc thầy tâm lý học nổi tiếng Dale Carnegie nói: “Chúng ta phải tránh xa tranh chấp, giống như tránh động đất và dã thú vậy.” Bởi vì trong quá trình tranh chấp, tư duy của con người sẽ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, quên đi việc bình tĩnh suy nghĩ, thậm chí quên đi nguyện vọng ban đầu của mình – có khi chỉ là muốn nói với người khác một ý kiến hợp lý hơn, cũng có thể chỉ là muốn cùng anh ta thảo luận một chút về quan điểm của cá nhân mình.

Dale Carnegie đã từng có một lần tranh chấp với người khác, về sau, khi nhớ lại ông đã vô cùng hối hận:

Có một lần, Dale Carnegie tham gia một bữa tiệc, khi ấy vị khách ngồi cạnh ông kể một câu chuyện thú vị. Tuy nhiên, trong câu chuyện phạm một lỗi nhỏ, đó là ông ta dẫn ra một câu, nói là trong Thánh kinh nhưng thực chất là trong Hamlet của Shakespeare. Dale Carnegie phát hiện ra lỗi này và đã sửa lại không chút kiêng nể. Nhưng người đó vẫn kiên trì với ý kiến của mình: “Cái gì, câu nói ấy là của Shakespeare? Không thể nào, tuyệt đối không thể… ông đã nhầm…” Hai người chỉ vì vấn đề này mà phát sinh tranh cãi nhỏ, khi ấy cảnh tượng bỗng chốc trở nên có chút khó xử.

Ở đó, có một người bạn cũ của Dale Carnegie, người chuyên nghiên cứu về Shakespeare. Người bạn này đá chân Dale Carnegie ở dưới gầm bàn, sau đó nói: “Câu nói này đúng là ở trong Thánh kinh, Dale Carnegie, ông nhầm rồi.”

Trên đường về nhà, Dale Carnegie tỏ ra khó hiểu: “Vì sao cậu cố tình nói tôi sai?”

Người bạn nói: “Đúng vậy, đúng là người kia đã nói sai. Nhưng anh Dale, mọi người đều là khách tham gia bữa tiệc, vì sao anh nhất định phải tranh chấp thắng thua để chứng minh sai lầm của người khác? Anh làm như vậy, mọi người sẽ yêu quý anh sao? Họ không cần ý kiến của anh, vì sao anh phải tranh luận với họ, chi bằng giữ chút thể diện cho người khác thì tốt hơn. Anh nhớ điều này nhé, dù bất cứ khi nào, lúc nào, anh cũng phải tránh xung đột trực diện với người khác!”

Mối nguy hại của “hiệu ứng hồ điệp” (Butterfly effect): Có lẽ, thỉnh thoảng bạn cũng sẽ nảy sinh cảm xúc tiêu cực mà không thể tránh được, nhưng bạn cần kịp thời điều chỉnh, ngăn chặn những ý nghĩ xấu, cho dù gặp chuyện không vui, thì cũng nhất định phải xử lý thật khoan dung và đúng mực.

Trên thực tế, khi tranh chấp bạn thường dùng những lời nói kịch liệt để áp đảo người khác, để tự tạo cho mình một tâm lý thỏa mãn và hài lòng. Nhưng thực tế, khi bạn tranh chấp đến tận cùng sự việc thì lý tính của bạn sẽ bị kém đi, thậm chí còn biến thành một cuộc đấu khẩu vô vị và cưỡng chế đối phương khuất phục, không hề liên quan tới bản thân sự việc, và kết quả cuối cùng vẫn là vô ích.

Tranh chấp không những không thể giải quyết vấn đề mà còn khiến cả hai rơi vào vòng luẩn quẩn. Trong quá trình tranh chấp, cả hai đều căn cứ vào ý kiến chủ quan của bản thân, khi một bên cảm thấy đối phương đang đè nén mình về tình cảm, anh ta sẽ phản kháng lại, như vậy sẽ không ai nhường ai, ai cũng muốn chứng minh đối phương sai, ai cũng muốn mình thắng đối phương, như vậy sự tranh chấp sẽ càng ngày càng quyết liệt.

Khi nhìn thấy kết quả của tranh chấp, đa phần mọi người sẽ hối hận, lẽ ra ban đầu không nên vì một câu nói mà cố chấp như vậy. Thậm chí nhiều người còn nghĩ rằng, vì sao chỉ một câu nói lại có hậu quả nghiêm trọng như thế? Vì sao mình lại không giữ chút thể diện cho anh ta?

Nếu chúng ta vừa muốn giải quyết vấn đề, vừa không muốn phát sinh tranh chấp, thì có thể dùng khẩu khí ôn hòa để thương lượng, chẳng hạn: “Tôi có một suy nghĩ thế này, cũng không biết đúng hay không, anh có thể xem giúp tôi được không?” Như thế đối phương sẽ bị ý kiến của bạn “lung lạc”, sẽ thừa nhận bản thân mình “có lẽ không hoàn mỹ”. Sở dĩ việc tranh luận không thể giải quyết vấn đề, là bởi có rất ít người sẽ chấp nhận một ý kiến “thông minh hơn mình”, đồng thời cũng không mấy ai từ chối một kiến nghị khiêm tốn “có lẽ không đúng”. Vì thế, khi chúng ta giao lưu với người khác, để khiến người khác vui vẻ chấp nhận ý kiến của mình thì chúng ta có thể đổi thành một phương thức nhẹ nhàng hơn, trên cơ sở tôn trọng đối phương, giống như triết học gia nổi tiếng người Hy Lạp - Socrates không ngừng nhắc nhở bản thân: “Tôi chỉ biết một điều, đó chính là tôi không biết gì cả.”

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Tranh chấp sẽ chỉ làm tăng thêm sự hiềm khích và oán hận giữa hai bên, không thể giải quyết được vấn đề. Nếu chúng ta có ý nghĩ bồng bột muốn tranh chấp với người khác thì phải cố gắng kiềm chế cảm xúc của mình, hãy thử làm theo hai cách dưới đây:

(1) Đồng ý với sự phê bình của đối phương và khen ngợi đối phương

Khi bạn ý thức được đối phương đang muốn tranh chấp với bạn, bạn hãy nói rằng: “Cách nhìn của anh rất hay, tôi nghĩ là anh đúng.” Một khi bạn tiếp nhận sự phê bình của đối phương hoặc khen ngợi suy nghĩ của đối phương, thì đối phương sẽ nhìn bạn bằng con mắt thân thiện hơn, từ đó tiếp nhận ý kiến hợp lý của bạn.

(2) Nhận lỗi với thái độ tích cực

Khi bạn thừa nhận lỗi lầm, nói là mình chưa tốt, đối phương sẽ nhanh chóng ghi nhận sự tốt bụng của bạn và sẽ không tiếp tục tranh chấp với bạn nữa. Bạn có thể nói với anh ta rằng: “Là tôi sơ suất, lúc nãy không tập trung chú ý nên đã hiểu lầm anh.”

Bài 2: Có lý nhưng vẫn nhún nhường mới là người độ lượng

Trong cuộc thi hùng biện, cảnh tượng hai bên tranh luận với lời lẽ đanh thép khiến người xem rất thích thú, nếu chẳng may đối phương có một chút nhầm lẫn, bên này lập tức có người đứng dậy, mỉm cười nói: “Bạn đội bên, hãy chú ý vào lời phát ngôn vừa nãy.” Nguyên tắc của người chiến thắng trong cuộc thi hùng biện chính là: Có lý lẽ sẽ không chịu nhượng bộ.

Nhưng nếu bạn luôn phải ở bên cạnh một đồng nghiệp được mệnh danh là “người biện luận giỏi nhất”, e rằng mọi người sẽ ái ngại cho bạn. Ví dụ, bạn làm sai chuyện gì đó, bạn đã xin lỗi anh ta, nhưng anh ta vẫn không chịu buông tha: “Cậu sai ở đâu, chuyện này cậu nói xem phải giải quyết thế nào, sau này có phạm lỗi tương tự không?” Nếu cuối cùng còn bắt bạn viết cam đoan, thì chắc chắn là bạn sẽ không muốn gần anh ta thêm một giây một phút nào nữa.

Người xưa có câu: “Có lý mà không chịu nhượng bộ, thì có lý cũng biến thành vô lý.” Có phụ huynh phê bình con, quen với việc nhắc đi nhắc lại mãi một việc, sau đó mỗi lần thấy con phạm lỗi đều mang chuyện đó ra nói lại, tưởng rằng làm như vậy mới có thể khiến con có ấn tượng sâu sắc, khiến con thay đổi, vĩnh viễn không tái phạm. Nhưng kết quả thì hoàn toàn ngược lại, làm như vậy sẽ gây ra sự phản cảm đối với con cái, thậm chí biết làm việc đó là lỗi nhưng lại cố tình phạm lỗi.

Tâm lý chống đối do kích thích quá nhiều, quá mạnh hoặc thời gian kéo dài quá lâu gây ra, trong tâm lý gọi là “hiệu ứng vượt quá giới hạn”. Khi một người nào đó có lý lẽ không chịu nhượng bộ, vì lỗi lầm của đối phương mà phê phán mãi không ngừng thì đối phương sẽ vì “hiệu ứng vượt quá giới hạn” mà cảm thấy chán ghét người nói, đồng thời quên bẵng rằng nội dung nói chuyện có đúng hay không, có lý hay không, chỉ muốn tất cả nhanh chóng kết thúc. “Người lên tiếng phê phán” trong mắt mọi người sẽ để lại một ấn tượng là thiếu tình người, so đo tính toán, ích kỷ hẹp hòi. Thiết nghĩ một người như thế, sẽ chẳng còn ai có hứng thú giao tiếp nữa.

Người có lý lẽ không chịu nhượng bộ thường có ba nhân tố tâm lý dưới đây:

1) Tính tình nóng nảy, có ham muốn chinh phục, dùng cách áp đảo người khác để thể hiện cảm giác vượt trội của bản thân.

2) Thích được lợi, tự tư tự lợi, không cho phép người khác được một chút lợi ích nào.

3) Lòng dạ hẹp hòi, chỉ muốn mọi người mâu thuẫn, hễ tìm ra được một khuyết điểm nhỏ của người khác là biến nó thành một chuyện to tát.

Nếu chúng ta có thể mở rộng lòng mình, rộng lượng hơn một chút, có lý lẽ cũng nhượng bộ, nhìn nhận được sai lầm của người khác mà vẫn khoan dung, thì trong tâm lý học gọi điều này là “định luật khoan dung”. Khoan dung là khởi đầu của tất cả hy vọng, là sức mạnh ấm áp nhất, hài hòa nhất thế gian.

Hiệu ứng “vượt quá giới hạn” (Transfinite effect): Tín hiệu kích thích mà chúng ta phát ra quá nhiều, quá mạnh và thời gian diễn ra quá lâu thì không những không đạt được hiệu quả mong đợi mà ngược lại còn gây ra tâm lý khó chịu, thậm chí phản kháng của người khác.

Đã từng có một vụ án khiến rất nhiều người cảm động. Có hai thanh niên trong lúc làm việc đã vô tình gây hỏa hoạn, hại chết một thanh niên trẻ. Trước hậu quả nghiêm trọng, trước áp lực của dư luận xã hội, họ cảm thấy sống không bằng chết, cuối cùng quyết định uống thuốc an thần tự sát.

Nhưng khi trên tivi xuất hiện mẹ của người bị hại, họ đã vô cùng cảm động. Mẹ của người bị hại trả lời nhận phỏng vấn của đài truyền hình, đã bày tỏ sự tha thứ cho hai đứa trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm sống và khuyên họ quay trở về bên cạnh bố mẹ mình. Hai thanh niên kia vô cùng hối hận, từ bỏ ý định tự sát, quyết định sau này sẽ làm người tốt, gánh vác tránh nhiệm mà tội lỗi của mình đã gây ra. Cuộc phỏng vấn này cũng gây xúc động cho tất cả những người ngồi trước tivi khi họ nhìn thấy người mẹ ấy nước mắt đầm đìa nói từ “tha thứ”, đồng thời bày tỏ sự quan tâm tới hai hung thủ. Sự khoan dung độ lượng ấy quả đáng ngưỡng mộ.

Người mẹ trong ví dụ trên, một từ “tha thứ” chẳng khác nào giọng nói của thiên thần, mở ra ánh sáng hy vọng cho người trót lầm lỡ. So với cảnh ngộ và sự bao dung của người mẹ này, thì chút ân oán của chúng ta trong văn phòng, chút sóng gió trong gia đình, những xung đột ở ngoài đường chỉ là những chuyện nhỏ bé.

Người đức cao vọng trọng nhất trong giang hồ không phải là một minh chủ võ lâm giết người không ghê tay mà là cao tăng thiếu lâm đi khắp năm châu bốn bể. Chúng ta thấy rằng, hễ ai phạm lỗi lớn khiến mọi người phẫn nộ thì ý nghĩ đầu tiên chắc chắn là lên thiếu lâm tự để trốn. Nhưng vị cao tăng ở đó đối mặt với hiểm nguy mà không chút sợ hãi, điềm tĩnh nói một câu: “Thí chủ, cửa phật là nơi thanh tịnh. Oan oan tương báo, nếu có thể tha cho người khác thì hãy tha cho họ.” Nụ cười ấy, khí độ ấy, thật đúng là “có thể nhẫn nhịn được điều không thể nhẫn nhịn, bao dung được tội ác tày trời”. Chả trách cao tăng thiếu lâm có “ảnh hưởng lớn” như vậy trong giới võ lâm.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Trong xã hội, chúng ta không phải là cá thể tồn tại cô lập. Do vậy, chúng ta phải học cách hòa mình vào môi trường mới một cách nhanh chóng. Cho dù đối phương có khuyết điểm lớn thế nào, có tự cao tự đại như thế nào, thì chúng ta cũng phải khoan dung dung nạp đối phương. Có thể tham khảo thêm một số cách dưới đây:

(1) Đừng tự cho mình là đúng mà đi oán trách, phê bình đối phương

Chúng ta không được tự cho rằng đối phương sai, mình đúng rồi oán trách và phê bình đối phương. Biết đâu cùng một sự việc, nhưng nếu chúng ta làm cũng sẽ xuất hiện sai lầm giống như họ hoặc thậm chí còn tệ hơn họ.

(2) Nhìn vào ưu điểm của đối phương

Không ai hoàn mỹ cả, chúng ta cần phải học cách nhượng bộ mặc dù có thể chúng ta đúng, hãy biết nhìn vào ưu điểm của đối phương. Chúng ta khoan dung với đối phương, đối phương cũng sẽ khoan dung với chúng ta. Ngược lại, nếu chúng ta hà khắc với đối phương thì đối phương cũng sẽ đối xử với chúng ta bằng thái độ tương tự.

Bài 3: Nói ra ý kiến phản đối tiềm ẩn của đối phương

Trong một gia đình nọ, bà mẹ đặt miếng hành tây vào bát của con. Đứa trẻ sau khi nhìn thấy đã gào lên: “Mẹ, đã nói bao nhiêu lần là con không ăn hành tây rồi!” Sau đó, cậu bé bĩu môi ném hành tây lên bàn, thậm chí bực tức không thèm ăn cơm.

Một bà mẹ khác đã làm như sau. Chị nói với con: “Con yêu, mẹ biết con không thích mùi hành tây, nhưng hành tây rất tốt cho sức khỏe, vì sức khỏe của con, mẹ đã làm món hành tây rất ngon, đảm bảo con sẽ không ghét nó. Con ăn một chút được không?” Thế là đứa trẻ ngoan ngoãn ăn hành tây.

Sự khác biệt của hai bà mẹ nằm ở đâu? Câu trả lời là bà mẹ thứ hai đã nói ra ý kiến phản đối mà đứa trẻ có khả năng nghĩ tới.

Tâm lý học nghiên cứu đã chứng minh, trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên có tâm lý chống đối rõ rệt nhất. Thực ra, mỗi người đều có tâm lý chống đối, tâm lý này thường không phải do bản thân sự việc gây ra mà là vì một cơ chế phòng ngự chống đối được hình thành khi ý kiến của bản thân bị phản đối, cảm thấy bản thân không nhận được sự tôn trọng vốn có.

Tâm lý chống đối giống như tính tình của một đứa trẻ, có thể đoán biết, thậm chí có thể được lợi dụng. Muốn loại bỏ “tâm lý chống đối” của đối phương, để đối phương đồng ý tiếp nhận ý kiến của bạn, bạn phải làm được điều này: đối phương muốn điều gì, bạn hãy cho đối phương điều đó. Nếu đối phương bực tức khi không được tôn trọng, bạn hãy nói ra ý kiến của đối phương trước, bày tỏ sự tôn trọng đối với đối phương. Sau đó lại nêu ra ý kiến mà bản thân cho rằng có lợi với đối phương một cách thích hợp, đối phương sẽ không còn tâm lý chống đối mãnh liệt nữa.

Khéo léo vận dụng nhân tố tích cực của tâm lý chống đối: Nếu tâm lý chống đối của đối phương rất nặng nề, bạn có thể dùng phương pháp “làm lạnh”, tức không bận tâm tới sự bướng bỉnh của đối phương. Khi đối phương dùng phương thức của mình uy hiếp bạn, ví dụ khóc to, bạn cũng không được mềm lòng, hãy để đối phương khóc, đợi khi nào đối phương bình tĩnh thì mới để ý đến.

Các chàng trai đi dạo phố cùng các cô gái thường sẽ có trải nghiệm như sau: Khi cô ấy thử đồ, thường hỏi ý kiến của bạn, nhưng tuyệt đối không dễ dàng tiếp nhận ý kiến của bạn, rất có thể cuối cùng cô ấy sẽ chọn bộ quần áo mà bạn cho là xấu nhất. Cô ấy hỏi bạn: “Đẹp không?” Bạn trả lời: “Đẹp.” Cô ấy nói: “Đẹp ở chỗ nào?” Sau đó chọn một chiếc nữa, lại tiếp tục hỏi bạn. Bạn nói: “Không đẹp!” Cô ấy nói: “Không đẹp chỗ nào? Em thấy rất đẹp. Chị bán hàng ơi, em lấy chiếc này.” Sau đó sẽ quay sang hỏi bạn: “Tiền đâu?” Vì thế, với những anh chàng đã từng bị một lần thế này thì lần sau hãy nhớ nói ngược ý kiến của mình là được.

Hãy xem anh chàng dưới đây đã khéo léo lợi dụng tâm lý chống đối và đã hẹn hò thành công được với một cô gái đã từng từ chối anh ta rất nhiều lần.

“Buổi tối em có thời gian đi xem phim không?”

“Hôm nay không được, tâm trạng không được tốt.”

“Nhà có chuyện gì sao? Đến cả buổi tối mà cũng có chuyện thì quả thực mệt mỏi thật đấy!”

“Không phải, thật ra cũng không có chuyện gì to tát.”

“Vậy sao, thế thì tốt. Hay là em gọi điện về nhà đi cho yên tâm?”

“Không cần đâu, cũng không phải là chuyện gấp lắm!”

“Hay là cùng nhau đi dạo nhé, vừa đi vừa giải khuây, hơn nữa cũng không về nhà quá muộn.”

“Được thôi.”

Nếu khi cô gái nói “Tâm trạng không tốt”, chàng trai liền nói “Thế thì nên đi giải khuây”, cô gái sẽ có cảm giác bị cưỡng ép, từ đó nảy sinh tâm lý chống đối, sẽ nói “Tôi không muốn về nhà muộn.” Nhưng sự thông minh của anh chàng này là ở chỗ, anh ta khéo léo nói ra ý kiến phản đối mà có thể cô gái này sẽ sử dụng.

Tâm lý học qua các nghiên cứu đã chứng minh rằng, thái độ chống đối phức tạp này cũng là một bản năng của con người. Khi bạn mỉm cười bày tỏ sự tiếp nhận ý kiến của cô ấy, thậm chí giúp cô ấy nói ra điều đó trước, cô ấy sẽ lại nảy sinh tâm lý chống đối, cho rằng bạn không cần thiết phải hoàn toàn tiếp nhận như vậy, rồi sau đó cô ấy sẽ tự bác bỏ những suy nghĩ ban đầu của mình. Khi ý kiến phản đối của cô ấy đã bị bản thân phủ quyết, thì cô ấy sẽ chẳng còn lý do gì để từ chối bạn, dĩ nhiên là sẽ nhận lời.

“Hiệu ứng người mình” trong tâm lý học chỉ con người sẽ nảy sinh cảm xúc dựa dẫm và yêu mến với người có một đặc điểm và quan điểm nào đó giống với mình. Nếu bạn có thể nói ra ý kiến phản đối của đối phương trước, thì đối phương sẽ nảy sinh cảm giác thân thiết và tò mò đối với bạn. Nghiên cứu chứng minh, nếu ý kiến của đối phương và bạn đồng nhất, thì ý kiến này sẽ được coi là đúng đắn.

Nếu bạn có thể đoán được suy nghĩ của đối phương, coi đó là ý kiến của mình và bày tỏ trước, thì nhất định đối phương sẽ cảm thấy ngạc nhiên và vui mừng vì sự ăn ý của hai người, trong lòng sẽ cảm thấy thân thiện với bạn hơn, từ đó nhanh chóng dỡ bỏ rào chắn tâm lý, thậm chí còn có thể mở cửa trái tim, khiến hai bên nảy sinh mối quan hệ tin tưởng đặc biệt.

Trên thực tế, khi đối phương tin tưởng và thừa nhận bạn, bạn có thể dùng vai trò bạn bè để nêu ra ý kiến của đối phương trước, như thế, tỷ lệ bạn được người khác tiếp nhận sẽ được nâng cao.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Khi nói chuyện, làm việc, nếu chúng ta có thể nói ra ý kiến phản đối của đối phương trước thì đối phương sẽ cảm thấy gần gũi với chúng ta hơn.

(1) Lợi dụng tâm lý chống đối của đối phương

Rất nhiều người có tâm lý chống đối, càng là những thứ khó có thể có được thì càng muốn có trong tay. Khi nói chuyện, chúng ta có thể lợi dụng điểm này, nói ra điều đó trước, ham muốn ấy của đối phương sẽ càng mãnh liệt hơn. Dĩ nhiên, về tâm lý đối phương sẽ càng thân thiết với bạn hơn, thậm chí cảm thấy bạn là tri kỷ của họ.

(2) Giảm thiểu tâm lý chống đối của bản thân

Cảm xúc của bạn chắc chắn sẽ được biểu lộ trên mặt bạn. Nếu bạn có tâm lý chống đối mãnh liệt thì đối phương sẽ bắt thóp được điều này. Bởi vì người có tâm lý chống đối mạnh thích đối đầu với người khác, có lúc đối phương sẽ nghĩ rằng bạn đang gây chuyện vô cớ, sẽ không thích bạn. Do vậy, bạn cần giảm thiểu tâm lý chống đối của bản thân càng nhiều càng tốt.

Bài 4: Đứng trên lập trường của đối phương để nói chuyện

Một số người thích coi bạn thân là người cùng một phe với mình, đúng sai gì cũng phải nhất nhất theo mình. Khi bạn bè phát sinh mâu thuẫn với người khác, bạn thấy rõ điểm sai của anh ta, bèn nói: “Thực ra mình thấy cậu cũng không đúng lắm.” Anh ta sẽ lập tức có thể trở mặt nói: “Rốt cuộc cậu đứng về phía nào?” Thứ mà anh ta quan tâm và nhấn mạnh không phải bản thân sự việc, không phải logic đúng sai mà là phe phái.

Đây chính là lỗi mà chúng ta thường hay mắc phải: nhìn người không nhìn việc. Người mình thích thì việc họ làm có xấu xa đến đâu cũng thích, còn người mình ghét thì việc họ làm có tốt đến đâu cũng là xấu. Năm 1858, Lincoln có một buổi diễn thuyết đặc sắc trong một cuộc cạnh tranh bầu cử ở Mỹ, ông đã vận dụng rất tốt “hiệu ứng người mình”.

Buổi diễn thuyết tổ chức ở phía nam bang Illinois, ở đó có các chủ đồn điền và các chủ nô lệ. Họ hận Lincoln bởi ông là người bãi bỏ chế độ nô lệ, nên đã lén bàn bạc với nhau là sẽ ám sát ông. Lincoln cũng biết mình đang ở trong tình thế vô cùng nguy hiểm.

Mở đầu buổi diễn thuyết, Lincoln đã nói: “Các đồng hương của bang Illinois, nghe nói trong số những người có mặt ở đây, có người phản đối và rất ghét tôi. Quả thực tôi không hiểu vì sao các bạn phải như vậy, bởi vì chúng ta đều là những người dân tốt bụng và thẳng thắn như nhau, tôi chỉ muốn có quyền phát biểu ý kiến giống các bạn mà thôi. Các bạn, tôi cũng chỉ là một người trong số các bạn, tôi không đến để can thiệp các bạn. Tôi sinh ra ở Kentucky, lớn lên ở Illinois, tôi quen người ở những nơi đó, tôi cũng muốn làm quen với người Missouri, bởi vì tôi yêu các bạn, tôi là một thành viên trong số các bạn. Tôi đã từng trải nghiệm cảm giác vùng vẫy trong môi trường gian khổ, vì thế tôi càng muốn giúp đỡ những người đáng thương khốn khổ…”

Sự thành công cho bài diễn thuyết của Lincoln nằm ở chỗ, ông không ngừng nhấn mạnh lập trường của mình, khẳng định mình là “một người trong số họ”, khiến người nghe nảy sinh “hiệu ứng người mình”. Bởi vậy, với đối phương, bạn nên đứng trên lập trường của họ để nói chuyện, nghĩ đến lợi ích của họ, dĩ nhiên họ sẽ dỡ bỏ tâm lý thù địch và phòng ngự, đồng thời nhanh chóng rút ngắn khoảng cách tâm lý của hai bên, từ đó nảy sinh cảm giác tin tưởng.

Tác giả của một cuốn sách bán chạy đã viết trong một cuốn tiểu thuyết rằng: “Tất cả hiểu lầm đều bắt nguồn từ việc không hiểu nhau.” Trong cuộc sống, có thể chúng ta nghe những câu: “Anh hiểu tôi được bao nhiêu? Sao anh có thể nói như vậy với tôi!” Nhà tâm lý học nổi tiếng Carl Rogers trong cuốn Tiến trình thành nhân (On becoming a peson) đã nói: “Tôi vừa mới phát hiện ra rằng, thử hiểu người khác là một điều rất có giá trị. Có lẽ bạn sẽ hỏi, chúng ta thật sự cần phải làm như vậy sao? Quá cần thiết ấy chứ. Khi chúng ta nghe người khác nói chuyện, chúng ta chưa bao giờ thử hiểu cảm giác, thái độ và quan điểm của đối phương mà thường nghiêng về việc đưa ra đánh giá và phán đoán, ví dụ “cái này không đúng”, “cái kia chưa đúng”, “thật nực cười”. Chúng ta chưa bao giờ nghĩ tới ý nghĩa của những lời này đối với người khác”. Vì thế, nếu chúng ta muốn lập tức chỉ trích sai lầm của đối phương thì hãy thử đứng trên góc độ của đối phương để suy nghĩ một chút, như vậy sẽ tránh được rất nhiều hiểu lầm và xung đột. Với cùng một sự vật, chúng ta nhìn nhận ở thân phận và lập trường khác nhau sẽ có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau.

“Hiệu ứng người mình” (Companion effcet) còn gọi là “Hiệu ứng cộng hưởng tình cảm”. Theo lẽ thường, con người luôn có cảm giác thân thiết và tín nhiệm với “người mình”. Muốn đối phương tiếp nhận mình, bạn phải để đối phương cảm thấy mình đang nói cho đối phương, hoặc để đối phương cảm nhận rằng bạn đang muốn làm tốt cho đối phương, như thế mới dễ dàng gây ra sự cộng hưởng về tình cảm giữa hai bên.

Một nhà tâm lý học đã từng làm thí nghiệm như sau: Ông tìm hai đứa trẻ bảy tuổi, một đứa nhà nghèo, một đứa nhà giàu.

Nhà tâm lý để hai đứa trẻ cùng xem một bức tranh, trong tranh là một chú thỏ con đang ngồi khóc cạnh bàn, thỏ mẹ ngồi cạnh thì đang cau mày tức giận. Sau đó để hai đứa trẻ nói ra ý nghĩa của bức tranh.

Đứa trẻ nhà nghèo nói: “Thỏ con đói bụng, tìm mẹ đòi đồ ăn.” Còn đứa trẻ nhà giàu thì nói: “Thỏ con không muốn ăn cơm, bị mẹ ép ăn.”

Thí nghiệm nói với chúng ta rằng: Con người khi đứng ở góc độ khác nhau thì suy nghĩ và phản ứng về cùng một sự vật cũng khác nhau.

Khi bạn bè hỏi ý kiến của bạn, bạn phải đứng trên lập trường cũng như đặt mình vào hoàn cảnh của đối phương để trả lời. Hãy thử tưởng tượng, khi bạn bè tìm bạn để tâm sự, họ muốn hỏi ý kiến của bạn về một điều gì đó. Họ tỏ ra buồn phiền và nói: “Nếu cậu là mình, cậu sẽ làm thế nào?” Họ yêu cầu bạn đứng trên lập trường của họ để đưa ra phán đoán, bởi vì người gặp chuyện và người phải thực hiện trong tương lai đều là bản thân họ chứ không phải bạn. Ví dụ anh ta nghèo tới mức không nộp được tiền thuê nhà, anh ta sẽ hỏi bạn có nên đi làm một công việc mà mình không thích hay không. Còn bạn có nhà có xe, bạn dựa vào cảm giác của mình và nói: “Mình nghĩ rằng nếu cậu đã không thích thì thôi đi, sống sao cho vui vẻ là quan trọng nhất!” Như thế anh ta sẽ nghĩ rằng bạn không hiểu được tâm trạng của anh ta, thậm chí có cảm giác bị coi thường, bởi vì bạn không đặt mình vào góc độ của anh ta để nhìn nhận vấn đề.

Khi chúng ta đưa ra lời kiến nghị cho người khác, tốt nhất hãy thay “mình nghĩ rằng” thành “nếu mình là cậu”, thay “mình” bằng “chúng ta”, trong tâm lý gọi đó là “hiệu ứng gia nhập”, nó thể hiện rằng bạn đã biết đặt bản thân vào hoàn cảnh của đối phương để suy nghĩ cho họ. Lợi ích của việc làm này là hoán đổi mình cho đối phương, khiến khoảng cách tâm lý giữa hai bên được xích lại gần, đối phương sẽ có cảm giác được coi trọng. Nếu chúng ta có thể khiến người khác nhanh chóng yêu quý mình, tiếp nhận ý kiến cũng như hoán đổi vị trí mình bằng thái độ thành khẩn thì việc trở thành người khác trong chốc lát cũng không sao.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Khi nói chuyện làm việc, nếu chúng ta biết đứng trên góc độ của đối phương để suy nghĩ vấn đề thì sẽ tạo cho đối phương cảm giác là “người mình”.

(1) Vứt bỏ phương thức tư duy của bản thân

Rất nhiều người đều quen đứng trên góc độ của mình để suy nghĩ vấn đề, căn cứ vào cách thức tư duy của bản thân để nói chuyện, như thế có thể sẽ làm tổn thương đến lòng tự tôn của đối phương. Có lẽ bạn không có ác ý, nhưng bởi bạn không cảm nhận được tâm trạng của đối phương, không suy nghĩ đến những tổn thương mà lời nói của mình mang lại cho đối phương, nên đối phương sẽ nghĩ bạn là người đối đầu với mình.

(2) Nói những lời ấm áp

Cổ nhân có câu: “Một lời nói hay ấm cả ba đông”. Khi nói chuyện, chúng ta phải hiểu đối phương cần gì, phải chú ý tới phương thức và giọng điệu của mình khi nói chuyện, nếu lời nói ra khiến đối phương thấy thuận tai thì đối phương sẽ cảm nhận được sự thân thiện của chúng ta.

Bài 5: Chú ý giữ thể diện cho đối phương

Bạn còn nhớ nhân vật Mathidle trong câu chuyện Sợi dây chuyền kim cương không? Cô ta vì không muốn tỏ ra nghèo hèn trong buổi họp mặt của công ty chồng nên đã đến chỗ người bạn thân giàu có mượn một sợi dây chuyền kim cương, và cô ta đã trở thành “ngôi sao” trong buổi tiệc đúng như mong đợi, nhưng bởi lỡ làm rơi mất sợi dây chuyền ấy, nên cô không những phải làm việc vất vả khổ sở để trả nợ trong suốt mười năm mà còn mất đi tuổi thanh xuân quý giá nhất của mình.

Hành động của Mathidle là biểu hiện cho việc ưa thể diện quá mức, và sự quá mức ấy đã hại chính cô. Chuyện vui là vậy, còn trong thực tế, giữ thể diện cũng là điều quan trọng. Ai cũng muốn hình tượng của mình trước mặt mọi người được đẹp nhất, để mình có “thể diện”, tránh việc người khác coi thường mình. Đôi khi, thể diện tương đương với sự tôn nghiêm và hình tượng của bản thân.

Vì sao con người lại ưa thể diện như vậy? Các nhà tâm lý học chỉ ra rằng, mỗi người đều hy vọng có thể giữ được hình tượng tốt đẹp trước mặt người khác, với mục đích được người khác chú ý và yêu mến. Khi nguyện vọng này bị người khác coi thường, hình tượng của bản thân bị hủy hoại, người ta sẽ bùng phát lòng tự tôn mãnh liệt hơn bình thường, từ đó nảy sinh cảm xúc chống đối và căm ghét những người đó. Trong lý luận tháp nhu cầu của Maslow đã chỉ ra: “Được tôn trọng và thực hiện giá trị của bản thân” là nhu cầu cao nhất của con người, nói một cách, khác mục tiêu cuối cùng mà con người theo đuổi chính là “có thể diện”.

Người Phương Đông rất chú trọng đến việc: “Anh kính tôi một thước, tôi kính anh một trượng”, “Anh giữ thể diện cho tôi, tôi sẽ giữ thể diện cho anh.” Điều này có thể được giải thích bằng nguyên lý qua lại, tức là khi con người nhận được sự giúp đỡ của người khác thì sẽ nảy sinh cảm giác mắc nợ, để đền bù họ sẽ tìm cách trả lại cho người khác những ân huệ tương ứng. Trong công việc, quan hệ giữa ông chủ và nhân viên cũng cần dùng thể diện để duy trì. Một ông chủ “có thể diện” chắc chắn là một người biết giữ “thể diện” cho nhân viên. Nếu không sẽ giống với ví dụ dưới đây, khiến mọi người đều khó xử.

Nguyên lý qua lại (Reciprocity): Tín nhiệm thì sẽ được tín nhiệm, hoài nghi thì sẽ bị hoài nghi, yêu thì sẽ được yêu, hận thì sẽ bị hận. Khi chúng ta giữ thể diện cho đối phương, đối phương cũng sẽ giữ thể diện cho chúng ta. Mọi thứ đều là qua lại.

Bác Trương là nhân viên kỹ thuật lâu năm trong công ty, bình thường tính tình rất ôn hòa, thân thiện với mọi người, được mọi người yêu mến. Các đồng nghiệp gặp vấn đề về kỹ thuật đều muốn được thỉnh giáo bác.

Nhưng trong một buổi họp của công ty, giám đốc lại bắt được một lỗi nhỏ mà bác Trương phạm phải, phê bình rất nghiêm khắc trước mặt tất cả mọi người. Việc này khiến cho sắc mặt của bác Trương bỗng chốc trở nên vô cùng khó coi. Giám đốc tiếp tục chỉ trích bác, thậm chí còn nói những lời quá đáng như “Đừng tưởng mình là nhân viên lâu năm”, cuối cùng bác Trương không kìm được đã cãi nhau với giám đốc trước mặt mọi người. Mọi người đều rất ngỡ ngàng, bởi bác Trương bình thường tính tình ôn hòa như vậy, sao lại xử sự với lãnh đạo như thế. Giám đốc cũng rất khó xử, vội vàng kết thúc cuộc họp.

Về sau, bác Trương trở nên ít nói hơn, làm việc cũng không còn nhiệt tình như trước. Không lâu sau, bác xin nghỉ việc. Thực ra, giám đốc biết bác Trương là một nhân viên kỹ thuật xuất sắc, bác nghỉ việc sẽ là một tổn thất cho công ty. Nhưng nghĩ tới chuyện không vui lần trước, giám đốc cảm thấy uy tín lãnh đạo của mình bị tổn thất nên cũng không tiện níu kéo.

Như vậy, chỉ vì hai chữ “thể diện” mà mọi sự trở nên tồi tệ. Vốn dĩ công việc của bác Trương trong công ty rất tốt, kinh nghiệm lâu năm, tay nghề giỏi, được mọi người kính nể. Nhưng vì bị giám đốc phê bình ngay trước mặt mọi người, nên bác cảm thấy không còn mặt mũi nào, lòng tự tôn bị tổn thương nghiêm trọng, khiến bác cảm thấy tự ti và khó khăn trong việc giao tiếp ở công ty sau này. Vậy là bác chủ động bỏ việc để đi tìm chỗ làm khác. Còn giám đốc, từ sau khi bị bác Trương phản bác lại, cũng cảm thấy uy phong lãnh đạo giảm đi một nửa, thực đúng là “không giữ thể diện cho người khác chính là không giữ thể diện cho mình.”

Chức vụ của lãnh đạo lớn thì thể diện cũng sẽ lớn hơn nhân viên, vì thế khi thể diện của lãnh đạo bị tổn hại một chút, vẫn có phần thay thế bù đắp được, còn với nhân viên, cụ thể như bác Trương, thể diện chỉ có một chút, nếu không biết giữ là sẽ mất hết, như vậy là nhân viên cần cố gắng bảo vệ thể diện của người khác, nhất là lãnh đạo, giữ thể diện cho người khác có thể khiến không khí căng thẳng trở nên ôn hòa, dễ chịu.

Trung Hiếu là nhân viên chăm sóc khách hàng của xưởng gỗ. Một hôm anh nhận được một cuộc điện thoại, người quản lý ở đầu dây bên kia vô cùng tức giận, lớn tiếng chỉ trích gỗ mà bên anh đưa tới chất lượng rất kém, hoàn toàn không đạt yêu cầu. Ông ta kiên quyết đòi trả hàng.

Trung Hiếu lập tức tới đó. Trước tiên anh bày tỏ sự xin lỗi với người quản lý đang nổi trận lôi đình, sau đó bảo nhân viên tiếp tục dỡ hàng, đồng thời sắp những hàng mà khách hàng cho rằng không đạt yêu cầu sang một bên. Trung Hiếu phát hiện, thì ra nguyên nhân không phải là chất lượng gỗ kém, mà là do chỉ tiêu quản lý chất lượng của khách hàng có sự không thống nhất với phía cung cấp sản phẩm. Lô gỗ này là thông trắng, nhưng người quản lý của khách hàng lại dùng chỉ tiêu gỗ cứng để kiểm định, như thế rõ ràng là không hợp lý. Trung Hiếu mặc dù thông thạo các chỉ tiêu kiểm định chất lượng đối với gỗ thông trắng, nhưng anh lại không trực tiếp chỉ ra sai lầm của khách hàng mà tỏ ra vô cùng khiêm tốn, thỉnh giáo khách hàng kiến thức kiểm định gỗ cứng. Còn quản lý của khách hàng, vì được Trung Hiếu khen ngợi sở trường của mình nên cũng cảm thấy vui vẻ, không khí căng thẳng nhờ vậy cũng giảm đi.

Tiếp theo, Trung Hiếu khéo léo nhắc nhở khách hàng rằng, trên cơ sở chỉ tiêu gỗ cứng, thì việc kiểm định đối với thông trắng sẽ có chút chưa hợp lý. Viên quản lý bắt đầu nhận ra sự sai sót của mình, thái độ cũng trở nên nhã nhặn hơn.

Cuối cùng, anh ta thẳng thắn thừa nhận, mình còn thiếu kinh nghiệm với việc kiểm định hàng gỗ thông trắng, đồng thời thỉnh giáo Trung Hiếu các kiến thức có liên quan. Trung Hiếu giải thích rất kỹ càng với anh ta, rồi thẳng thắn nói nếu không hài lòng, có thể trả hàng.

Thiết nghĩ, nếu lúc ấy Trung Hiếu lập tức chỉ ra “lỗi về kiến thức” của quản lý này, thì quản lý sẽ nghĩ rằng “Thằng nhóc con không nhiều kinh nghiệm bằng mình” dám chế nhạo mình, thể diện bị động chạm, mâu thuẫn giữa hai bên sẽ càng thêm gay gắt.

Nhưng Trung Hiếu thông minh trước tiên đã thỉnh giáo sở trường của vị quản lý này, để anh ta thể hiện kiến thức uyên bác, giữ thể diện cho anh ta, sau đó mới dám thận trọng đưa ra ý kiến của mình. Đây quả là một cách làm thỏa đáng, một cách xử lý thông minh. Còn đối với viên quản lý này mà nói, vì đã được “giữ thể diện” nên cảm thấy đối phương quá khiêm tốn, bản thân cũng cảm thấy rất ngại, cuối cùng đã nhận hết lô gỗ này để bù đắp cảm giác mắc nợ của mình.

Cổ nhân có câu: “Vuốt mặt phải nể mũi”. Nỗi đau trong tim có thể giấu được, còn nếu thể diện không giữ được thì sẽ không biết giấu vào đâu. Vì thế, chúng ta nhất định đừng làm tổn hại thể diện của người khác, dù thế nào thì cũng phải giữ thể diện cho họ.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Mỗi người đều hy vọng mình sẽ nhận được sự tôn trọng của người khác, đều hy vọng thể diện của bản thân được bảo vệ, giữ gìn.

(1) Tìm cớ thoát thân cho đối phương

Một số người rõ ràng biết đối phương đang nói dối, nhưng lại không muốn bóc mẽ mà còn tìm cớ cho đối phương thoát ra. Đối phương sẽ cảm kích bạn, nghĩ rằng bạn giữ thể diện cho họ. Ngược lại, nếu bạn không chịu buông tha, bóc mẽ lời nói dối của anh ta trước mặt mọi người đến cùng, khiến anh ta mất thể diện, thì anh ta không những không sửa mà còn oán hận bạn suốt đời.

(2) Biết cách cư xử tế nhị trước nỗi khó xử của người khác

Trong cuộc sống, sẽ có lúc chúng ta sẽ gặp phải những tình huống khó xử. Bởi vậy, khi người khác nói sai, làm sai chuyện, chúng ta phải học cách giữ thể diện cho đối phương, vờ ra vẻ không nhìn thấy gì, không nghe thấy gì cả. Sau khi đối phương xử lý xong thì chúng ta hãy xuất hiện. Hoặc nếu có thể thì chúng ta hãy cố gắng giúp người khác xử lý những chuyện khó xử này, nhưng nhất định không được lộ vẻ coi thường, bởi làm như vậy là biểu hiện không lịch sự.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Nói Thế Nào Để Được Chào Đón, Làm Thế Nào Để Được Ghi Nhận Chương 2: Rèn luyện tài ăn nói để không đắc tội với người khác

Có thể bạn thích