Nói Thế Nào Để Được Chào Đón, Làm Thế Nào Để Được Ghi Nhận
Chương 10: Trong công việc cần phải thận trọng từng bước một

Bài 1: Nhất định không được tỏ ra thông minh hơn lãnh đạo

Một người mới tốt nghiệp đại học xin được việc làm thư ký cho tổng giám đốc của một công ty. Cô trẻ trung, xinh đẹp, ngây thơ và giàu lòng nhân ái. Vào ngày tết thiếu nhi, công ty phát động nhân viên quyên góp cho các trẻ em không được đi học; là con gái của một nhà giáo, cô vô cùng đồng cảm với các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Hồi học đại học cô đã thường xuyên quyên góp số tiền tiêu vặt và sinh hoạt phí ít ỏi của mình cho các hoạt động sau này. Sau khi đi làm cô đã có tiền tiết kiệm, nên càng cho rằng việc ủng hộ các em nhỏ không được đi học là trách nhiệm của mình, thế là cô không hề do dự ủng hộ mười triệu, chỉ đứng sau tổng giám đốc, mấy phó tổng và người phụ trách bộ phận. Vì chuyện này mà công ty còn biểu dương cô. Không lâu sau đó, trong trận động đất lũ lụt ở miền Trung, cô chứng kiến nỗi khổ của những người dân trong vùng thiên tai, liền không chút do dự quyên góp hai mươi triệu, đứng trong “bảng đỏ” treo trước cửa đại sảnh của công ty, tên của cô còn ở trên cả tổng giám đốc, còn những nhân viên bình thường nhiều nhất chỉ có mấy trăm nghìn. Đến mức các lãnh đạo bộ phận khác cũng hỏi thăm về cô, cô cũng có cảm giác tự hào. Nhưng, trong buổi họp công ty, sau khi tổng giám đốc nhiệt tình biểu dương cô, thì mấy phó giám đốc khác lại tỏ thái độ lạnh lùng, thậm chí một phó tổng còn nói, sau này có hoạt động tương tự mọi người phải biết lượng sức mình, không được vì muốn nổi trội mà đóng góp nhiều như thế. Sau chuyện này, tổng giám đốc cũng không nhiệt tình với cô như trước nữa, vì chuyện đó mà cô đã khóc rất nhiều.

Trong công việc, chúng ta phải biết cách đối nhân xử thế, nhất định không được “vượt mặt” mà phải chú ý giữ thể diện cho lãnh đạo cấp trên. Trong công việc, rất nhiều người không chú ý tới điểm này, đặc biệt là với một số chi tiết ngoài công việc. Điều đó chắc chắn sẽ gây ra sự phản cảm của lãnh đạo, khiến công việc của bản thân rơi vào thế bị động.

Ví dụ, có người có cùng sở thích hứng thú với lãnh đạo, nhưng họ không hề nghĩ hứng thú sở thích và quan hệ giữa mình với lãnh đạo có mối liên hệ đặc biệt quan trọng nào, vì thế thời gian ngoài công việc không biết tôn trọng lớn bé, cao thấp, lơ là việc tôn trọng ý kiến của lãnh đạo. Những chuyện này nhìn thì có vẻ rất nhỏ nhưng trong mắt lãnh đạo lại thành chuyện lớn, bạn thách thức quyền uy của lãnh đạo, chắc chắn sẽ gieo mầm “thù hận” trong lòng họ, như vậy một lúc nào đó có thể họ sẽ gây khó dễ cho bạn.

Định luật chuyển biến vai trò xã hội (Role Switching): Trong xã hội, mỗi người đều có vai trò khác nhau, điều chúng ta cần làm đó là phải thực hiện thật tốt vai trò của chúng ta chứ không phải là đóng vai của người khác. Điều này vô cùng quan trọng với những nhân viên công sở, có thể giúp tránh xuất hiện tình huống vượt quá chức phận, tự rước họa vào người.

Trong một buổi họp, anh Dũng đưa ra phương án bán hàng hoàn toàn mới, nhanh chóng nhận được sự khẳng định của tổng giám đốc. Vì chuyện này mà Dũng vô cùng đắc trí, thường xuyên nói trước mặt người khác: “Thấy chưa, phương án của tôi được tổng giám đốc thừa nhận rồi, vậy mà quản lý nói tôi suy nghĩ viển vông.” Dũng tự cho rằng mình thông minh hơn quản lý, lúc nào cũng khoe khoang trước mặt người khác. Điều đó khiến quản lý sau khi biết chuyện rất không vui, nhưng cũng không vì thế mà làm khó Dũng.

Khi quản lý này được điều đi nơi khác, công ty yêu cầu ông ta giới thiệu một quản lý mới. Vị quản lý này nghĩ tới việc Dũng lúc nào cũng tự cho rằng thông minh hơn mình, khiến bản thân mất thể diện nhiều lần, vì thế ông ta không hề giới thiệu Dũng. Quản lý đã viết trong mục góp ý như sau: Dũng quá ư khoe khoang, không coi ai ra gì, rất dễ mang tới tai họa cho công ty.

Anh chàng Dũng đáng thương vì tính sĩ diện của mình mà mất đi một cơ hội thăng tiến. Rất nhiều người tự cho rằng bản thân rất xuất sắc trong công việc nhưng không biết vì sao đột nhiên cấp trên lại tỏ ra lạnh lùng với mình. Đó là bởi vì những lời nói hay hành động vô ý của bản thân khiến lãnh đạo hiểu lầm. Không có nỗi oán hận nào là vô duyên vô cớ, càng không có tình yêu nào là vô duyên vô cớ, sở dĩ có người trong công việc, mặc dù năng lực xuất chúng nhưng không được thăng tiến, nguyên nhân nằm ở chỗ họ tỏ ra thông minh hơn lãnh đạo, phạm phải đại kỵ trong công việc.

Trong tâm lý học, có một định luật chuyển biến vai trò xã hội, định luật này vô cùng quan trọng trong công việc. Trong công việc, lãnh đạo mới là “tướng” còn nhân viên dù thế nào cũng chỉ là “tốt” mà thôi. Nếu “tốt” tỏ ra thông minh hơn “tướng”, thì “tướng” chắc chắn sẽ trút giận lên “tốt”, cho dù là một số chuyện không liên quan tới công việc cũng vậy. Vì thế trong công việc, chúng ta phải làm tốt vai trò của “tốt”, chứ không được tranh làm “tướng”. Không có cấp trên nào muốn nhìn thấy nhân viên thông minh hơn mình, giống như Tào Tháo trong Tam Quốc tìm cớ giết chết Dương Tu vậy. Trong công việc, chúng ta càng phải cẩn trọng, không được xâm phạm quyền uy của lãnh đạo, không được tỏ ra thông minh hơn lãnh đạo.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Là một người nhân viên, chúng ta phải làm thế nào để tránh bị rơi vào tình huống khó xử “giỏi hơn sếp”, tránh trở thành “cái gai” trong mắt cấp trên của mình?

(1) Lùi một bước, tiến hai bước

Cho dù trong công việc hay trong cuộc sống, khi giao tiếp với lãnh đạo, chúng ta nhất định phải coi lãnh đạo là người đứng đầu, phải nghĩ cách giữ thể diện cho lãnh đạo, để lãnh đạo nghĩ rằng mình là một nhân tài có thể uốn nắn chứ không phải là một kẻ có dã tâm uy hiếp địa vị của ông ta.

(2) Không được nổi trội hơn lãnh đạo

Khi giao tiếp với lãnh đạo, chúng ta phải nghiên cứu tâm lý của cấp trên. Đứng trước vinh quang, chúng ta phải đối đãi một cách ôn hòa, coi đó là sự anh minh và ủng hộ của lãnh đạo, là sự giúp đỡ của bạn bè, như thế chúng ta mới có thể có được thành công trong công việc. Ngược lại, nếu chúng ta vì nhất thời nổi trội mà đắc tội với lãnh đạo thì chắc chắn sẽ gây ra phiền phức lớn với bản thân. Người thông minh là khi có được vinh quang, tuyệt đối sẽ không keo kiệt lời khen với cấp trên, với họ, khen cấp trên chính là khen bản thân mình.

Bài 2: Khi lãnh đạo nổi nóng hạn chế ở lại lâu

Sau khi Duy Hoàng báo cáo xong tình hình tiêu thụ sản phẩm mùa này của công ty với lãnh đạo, lãnh đạo vô cùng tức giận, đập bàn lớn tiếng quát: “Phòng bán hàng làm cái gì vậy? Doanh thu bán hàng ít hơn mùa trước đến tận 20%.” Là thư ký của lãnh đạo, Duy Hoàng nghĩ rằng lãnh mắng mà mình lại lặng lẽ bỏ đi thì không tốt. Nhưng điều khiến Duy Hoàng ngạc nhiên là lãnh đạo không hề có ý dừng lại, cậu đi không được mà ở cũng không xong. Giám đốc nhìn thấy Duy Hoàng đứng ngây ra đó, liền quát lớn: “Cậu còn đứng đấy làm gì? Tìm trưởng phòng bán hàng cho tôi. Không biết đám người các cậu làm cái gì, không có một chút sáng tạo nào!” Lúc ấy, Duy Hoàng mới có cơ hội ra ngoài.

Vì sao Duy Hoàng vô tội lại bị lãnh đạo mắng? Khi lãnh đạo bắt đầu tỏ ra bất mãn, Duy Hoàng nên biết điều mà tránh đi, huống hồ số liệu trong bản báo cáo đủ để khiến lãnh đạo trở thành “kho thuốc nổ”, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Khi lãnh đạo nhìn thấy bản báo cáo, chắc chắn sẽ nảy sinh tâm lý bực bội, tâm lý lo lắng bực bội này rất dễ khiến con người cảm thấy ức chế, từ đó xuất hiện tình huống nổi nóng, chửi bới. Duy Hoàng sai ở chỗ không biết chú ý quan sát sắc mặt của lãnh đạo, không biết tình hình, gặp tình huống không né tránh mà còn chủ động đón nhận, như vậy trở thành người trút giận của lãnh đạo là điều đương nhiên.

Trong tâm lý học có “hiệu ứng đạp mèo” (Kick the cat effect), chỉ cảm xúc bất mãn và tâm trạng tồi tệ của con người thường truyền đi theo thứ tự đẳng cấp quan hệ xã hội, từ người lớn nhất đến người bé nhất. Trong câu chuyện kể trên, sau khi lãnh đạo nhìn thấy bảng báo cáo, thành tích của công ty bị ảnh hưởng, trước tiên sẽ khiển trách bộ phận bán hàng, sau khi khiển trách hết những bộ phận có liên quan thì vừa hay nhìn thấy Duy Hoàng, vậy là Duy Hoàng vô cớ trở thành người bị hại.

Thông thường, cảm xúc của con người sẽ chịu ảnh hưởng từ môi trường và một số nguyên nhân ngẫu nhiên, từ đó xuất hiện sự biến đổi cảm xúc, hoặc là khá hơn hoặc là tệ hơn. Sau khi cảm xúc của con người trở nên tệ hơn, anh ta sẽ bị tiềm thức xúi giục lựa chọn cấp dưới hoặc người không thể phản kích để trút giận. Là cấp dưới, khi nhìn thấy tâm trạng của lãnh đạo không tốt, tốt nhất là chọn cách tránh né hoặc tránh xa lãnh đạo, tránh để mình trở thành cái thùng trút giận vô cớ.

Buổi sáng, Duy Hoàng nhìn thấy giám đốc vừa gọi điện thoại, vừa rảo bước đi vào phòng làm việc, từ xa nghe thấy hình như đang tranh luận điều gì đó với đầu dây bên kia. Duy Hoàng vốn định buổi chiều xin nghỉ, nhưng sau khi suy nghĩ một hồi liền từ bỏ ý định của mình. Còn một đồng nghiệp khác đến phòng giám đốc báo cáo khoản nợ của tháng trước, vừa hay giám đốc đang bực tức không tìm được đối tượng để xả giận, thế là đồng nghiệp này bị giám đốc mắng cho một trận rồi mới được ra khỏi phòng. Duy Hoàng và mấy đồng nghiệp khác nhìn thấy, ai ai cũng nhìn nhau, không dám nói to, ngay cả đi lại cũng rón rén, sợ bị liên lụy.

Khi giao tiếp với lãnh đạo, quan sát tới sắc mặt và lời nói là việc không thể thiếu. Trước khi nói, trước khi làm việc, nhất định phải nhìn sắc mặt của lãnh đạo, hỏi qua thư ký của lãnh đạo rồi hãy đi tìm lãnh đạo, phải thật chắc chắn, nhất định không được lao vào khi lãnh đạo đang bực tức trong lòng. Cho dù chúng ta có chuyện gấp, sau khi báo cáo lãnh đạo cũng nên tìm cớ lập tức rời đi, không được đợi để lãnh đạo trút giận lên mình.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Phận là cấp dưới, chúng ta không tránh được việc phải giao tiếp với lãnh đạo. Vậy, khi lãnh đạo đang nổi nóng, chúng ta nên làm thế nào?

(1) Không biến mình thành “con mèo bị đạp”

Không ai muốn trở thành thùng trút giận của người khác, bởi vậy khi thấy lãnh đạo đang nổi nóng, chúng ta cố gắng nên tránh hỏi lãnh đạo.

(2) Khi tâm trạng lãnh đạo không tốt, phải biết điều tránh xa

Chúng ta không được để đến lúc lãnh đạo không thể kìm nén cơn tức giận trong lòng rồi mới đi, khi ấy muốn đi e là cũng không được. Vì thế, khi bước vào cửa hãy quan sát sắc mặt của lãnh đạo, nếu tâm trạng lãnh đạo không tốt thì nói xong hãy lập tức xin phép rời đi.

Bài 3: Khi báo cáo công việc cần chú ý kỹ xảo

Nhật Minh bước vào phòng giám đốc báo cáo tình hình của bộ phận bán hàng. Nhật Minh nói: “Thưa Giám đốc, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của anh, mức bán hàng quý này tăng so với quý trước 50%.” Giám đốc nghe xong mặt mày rạng rỡ, hết lời khen: “Các cậu làm tốt lắm, tôi sẽ suy nghĩ tăng thêm tiền thưởng cho các cậu.” Nhật Minh nói: “Quý này, quả thực mức độ nhiệt tình trong công việc của các nhân viên nghiệp vụ tăng lên không ít, ngay cả thành tích bán hàng của Hữu Tiến lười biếng nhất cũng tăng lên 30%.” Giám đốc nghe vậy càng phấn khích: “Tôi đã nói mà, nhân viên nghiệp vụ chỉ cần chăm chỉ một chút, nhất định sẽ có thành tích. Đúng rồi, khoản chi mời khách hàng quý này có nhiều không?” Nhật Minh nói: “Nhiều hơn quý trước ạ, nhưng so với thành tích mà nói thì không đến 30%. Mặc dù tăng thêm khoản chi dư thừa nhưng đổi lại được thành tích bán hàng tăng cao, đối với công ty thì đó là lãi chứ không lỗ ạ.” Giám đốc không vì khoản kinh phí dành cho khách hàng quá nhiều mà tức giận, nghĩ một lúc rồi nói: “Cứ như vậy đi, quý sau kiềm chế một chút, cố gắng giảm thiểu các khoản chi đó.”

Nhật Minh là trưởng phòng bán hàng, khoản chi chiêu đãi khách hàng tăng gần 30% so với quý trước, anh vốn đã sớm chuẩn bị tâm lý bị mắng, nhưng do phía trước có thành tích bán hàng làm bình chắn, nên đã tránh được cơn tức giận của giám đốc. Qua câu chuyện này, chúng ta có thể hiểu rằng, khi báo cáo công việc với lãnh đạo, nhất định phải chú ý kỹ xảo, như thế vừa giúp bản thân tránh khỏi nguy hiểm, vừa thể hiện được thành tích của mình. Nếu chúng ta báo tin xấu trước, trước tiên sẽ bị lãnh đạo mắng, thành tích của bản thân trong mắt lãnh đạo cũng giảm đi rất nhiều.

Lãnh đạo cũng thích nhân viên báo nhiều tin tốt, hạn chế tin xấu, nếu ngày nào cũng phải đối diện với nhân viên báo tin xấu thì sẽ chẳng ai muốn làm lãnh đạo nữa. Giống như trong cuộc sống, người ta đều thích nhận được tin vui chứ không ai muốn nhận dược tin dữ. Đây chính là “hiệu ứng ca tụng” điển hình trong tâm lý học.

“Hiệu ứng ca tụng” (Carol effect) là chỉ con người đều thích nghe hoặc nói tin tốt chứ không thích nói hoặc nghe tin xấu.

Ở đế quốc La Mã cổ, ai mang đến thông tin xấu thì nhất định sẽ bị đưa lên đoạn đầu đài, vì thế, người ở dưới sẽ giấu giếm thông tin xấu không báo cáo. Trong công việc cũng như vậy, lãnh đạo ở trên cao, đã quen với việc nhân viên báo tin tốt, một khi xuất hiện nhân viên báo tin xấu sẽ cảm thấy khó chịu, nhân viên như thế nhất định không được trọng dụng. Điều này cũng giải thích hoàng đế Càn Long triều Thanh rõ ràng biết Hòa Thân tham ô hủ bại, nhưng vì sao không cho ông ta vào tù, bởi vì Hòa Thân chính là người luôn mang tới điều vui cho ông ta.

Tuy vậy, trước những vấn đề xấu nghiêm trọng, nếu chúng ta giấu giếm vấn đề không báo cáo, sẽ càng dễ mang tới nguy hại cho công ty, sớm muộn một ngày sẽ bị lãnh đạo phát hiện, vậy chúng ta nên báo cáo như thế nào? Đó là khi báo cáo, chúng ta hãy báo nhiều tin tốt, ít tin xấu, dùng tin tốt lấn át tin xấu, dĩ nhiên lãnh đạo sẽ không để ý tin xấu, như vậy sẽ không làm mất đi công lao của chúng ta.

Nhật Minh chính là một quản lý như vậy. Khi báo cáo thông tin tốt với giám đốc, anh ta thường báo cáo đầu tiên, đồng thời phóng đại một chút, giám đốc nghe xong mặt mày rạng rỡ, sẽ càng chú trọng Nhật Minh hơn. Dĩ nhiên, Nhật Minh cũng khôn ngoan để biết báo điều xấu đúng lúc, bởi nếu giấu giếm thì chẳng khác nào lại rước họa đến cho mình sau này. Anh ta báo tin xấu một cách có kỹ xảo. Anh ta nói: “Giám đốc, một phương án mà chúng ta thiết kế khách hàng đã đồng ý rồi, hai ngày nữa sẽ ký hợp đồng thanh toán.” Giám đốc nghe xong khen liền Nhật Minh mấy câu, Nhật Minh không vì thế mà dương dương tự đắc, nói tiếp: “Có một thông tin không tốt.” Giám đốc nói: “Không sao, cậu nói đi”. Nhật Minh nói: “Một khách hàng khác có chút không hài lòng với phương án của chúng ta, yêu cầu có một vài thay đổi nhỏ, có thể sẽ bị chậm thời gian một chút.” Giám đốc nói: “Vấn đề nhỏ này cậu cũng báo cáo với tôi sao, vậy tôi còn cần một quản lý như cậu làm gì? Cậu xem mà giải quyết, chỉ cần thuyết phục khách hàng là được.” Nhật Minh thấy giám đốc không tức giận, thế là vui vẻ đi sửa lại phương án. Thực ra, phương án này khách hàng không thích, yêu cầu sửa lại, Nhật Minh là quản lý bộ phận, để xảy ra vấn đề như thế dĩ nhiên sẽ bị khiển trách. Nhưng khi báo cáo với giám đốc, anh ta biến sự việc lớn thành nhỏ và cũng nhờ vậy mà có thêm thời gian, cuối cùng thuyết phục được khách hàng.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Báo tin tốt không báo tin xấu, đó là giấu giếm vấn đề, sớm muộn gì sẽ bị phát hiện; báo tin xấu không báo tin tốt, thì ta vừa mất công lại vừa không được lòng, sẽ không ai muốn làm như vậy cả. Phương pháp tốt nhất chính là báo nhiều tin tốt, báo ít tin xấu, dùng tin tốt át tin xấu. Vì thế, khi báo cáo công việc với lãnh đạo, chúng ta hãy thử suy nghĩ mấy điểm dưới đây:

(1) Có hai thông tin tốt, nhất định phải phân chia báo cáo

Như thế sẽ có hai lần ngạc nhiên, từ đó khiến lãnh đạo giữ được tâm trạng tốt, cũng sẽ khiến bản thân có hai công lao.

(2) Một thông tin tốt, một thông tin xấu, sẽ cùng báo cáo

Dùng sự thích thú từ thông tin tốt xoa dịu phiền muộn từ thông tin xấu, “hiệu ứng tiêu cực” cũng giảm đi nhiều.

(3) Có hai thông tin xấu thì cùng báo cáo

Nếu có hai thông tin xấu, thì tốt nhất là bạn cùng báo cáo, như thế những phiền muộn sẽ ít hơn việc những tin xấu được báo cáo nhiều lần.

Bài 4: Giúp đỡ đồng nghiệp cần có mức độ

Anh Quân là một người vô cùng nhiệt tình, làm quản lý bộ phận trong một công ty. Thanh Ngọc là một đồng nghiệp mới vào công ty. Do Thanh Ngọc mới tốt nghiệp, nên Anh Quân hướng dẫn chỉ bảo cho cô mọi điều trong công việc. Như thế, thời gian hai người giao lưu với nhau khá nhiều, Quân là người trượng nghĩa, chính trực, nếu có chuyện khó xử gì, anh thà làm khó mình chứ không làm khó người khác. Rất nhiều lần, người khác đã tan ca từ lâu rồi nhưng Thanh Ngọc vì chưa làm xong việc nên chưa thể về được. Anh Quân thấy vậy cũng thường xuyên ở lại giúp đỡ cô.

Có một lần, Thanh Ngọc khóc lóc nói với Anh Quân: “Trưởng phòng, đều là do em quá ngốc nên mới làm liên lụy đến anh.” Anh Quân nói: “Đừng nói như vậy, cô cũng muốn làm tốt việc mà.” Nhưng Thanh Ngọc vẫn khóc không ngừng. Anh Quân hỏi: “Cô có chuyện khó xử gì sao?”

Thanh Ngọc nghẹn ngào nói: “Em là người mới, vốn dĩ nên học thêm chút nghiệp vụ. Nhưng một người bạn của em bị bệnh cần chăm sóc, mà chuyện công việc cũng không thể chậm trễ, vì thế vô cùng khó xử.” Sau khi nghe xong, Anh Quân nói không chút do dự: “Để tôi xử lý cho, cô đi chăm sóc bạn trước đi.” Vì chuyện này, anh thường xuyên về nhà rất muộn. Vợ của anh tức giận nói: “Ngày nào anh cũng về muộn thế này, chi bằng ở luôn công ty cho xong.”

“Hiệu ứng nhím” (Hedgehog effect) bắt nguồn từ một câu chuyện ngụ ngôn phương tây. Vào một ngày mùa đông lạnh giá, hai chú nhím vì muốn sưởi ấm mà dựa sát vào nhau. Ban đầu, do khoảng cách của chúng quá gần, cả hai đều chọc vào người đối phương khiến đối phương máu me bê bết, về sau, chúng điều chỉnh tư thế, giữ một khoảng cách nhất định, như thế chúng không chỉ đạt được hiệu quả sưởi ấm mà còn bảo vệ được đối phương.

Là đồng nghiệp, giúp đỡ lẫn nhau dĩ nhiên là chuyện tốt, điều này cũng có thể tăng thêm tình bạn giữa hai bên. Nhưng giúp đỡ đồng nghiệp cũng cần có mức độ, không được vì chuyện của đồng nghiệp mà ảnh hưởng tới cuộc sống của mình. Anh Quân trong câu chuyện chính là người như vậy, anh ta nhìn thì thấy thực là người tốt nhưng lại tự gây rắc rối cho bản thân. Bạn của nhân vật Thanh Ngọc trong câu chuyện không hề bị bệnh. Cô ta chỉ lợi dụng tính cách thích giúp đỡ người khác của Anh Quân mà thôi.

Rõ ràng, Anh Quân giúp đỡ đồng nghiệp nhưng vì sao anh lại trở thành công cụ để đồng nghiệp lợi dụng? Bởi vì anh ta không nắm được mức độ giao lưu giữa đồng nghiệp, đồng nghiệp gặp khó khăn trong công việc, anh nên giúp đỡ, nhưng đó không phải là trách nhiệm mà anh ta bắt buộc phải hoàn thành. “Hiệu ứng nhím” trong tâm lý học chính là nói giữa con người với con người nên giữ một khoảng cách thích hợp, khoảng cách này mới khiến con người có được cảm giác an toàn. Nhưng Anh Quân đã bỏ qua hiệu ứng này, giúp đỡ đồng nghiệp một cách quá mức, thế nên, anh ta vô tình đã rơi vào bẫy của đồng nghiệp. Trong công việc, giữa đồng nghiệp ngoài quan hệ hợp tác cùng phát triển, còn có quan hệ cạnh tranh. Chúng ta giúp đỡ đồng nghiệp dĩ nhiên là chuyện tốt, nhưng không thể đơn thuần theo đuổi danh tiếng tốt của cá nhân, mà nhất định phải cẩn thận không để người khác lợi dụng.

Hà Anh và Quỳnh Lương đến công ty làm việc cùng một ngày, sau ba năm, quản lý của họ thăng chức. Hai người họ được coi là lão làng trong bộ phận, đều có khả năng trở thành quản lý mới. Hà Anh là người vô tư, cơ bản không nghĩ đến chuyện này. Vừa hay Quỳnh Lương có một nhiệm vụ cần phải hoàn thành, liền cầu cứu Hà Anh. Hà Anh vì giúp đỡ Quỳnh Lương mà hy sinh thời gian làm việc của mình, phải làm thêm giờ để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Ngày hôm sau, nhiệm vụ của Hà Anh mặc dù đã làm xong nhưng lại không tốt, phải nhận sự phê bình của quản lý, còn Quỳnh Lương, nhờ có sự giúp đỡ của Hà Anh mà công việc vô cùng xuất sắc, nhận được đánh giá tốt của quản lý. Trong khi đó, quản lý lấy kết quả nhiệm vụ lần này để đánh giá và so sánh giữa hai người, kết quả là Quỳnh Lương đã được làm quản lý của bộ phận này như mong đợi.

Mỗi người đều có nhược điểm, chỉ có điều có người biết kín đáo giấu kín nhược điểm bên trong, nếu không đi sâu tìm hiểu sẽ rất khó phát hiện. Nhưng có người nhược điểm lại thể hiện rõ bên ngoài, rất dễ bị người khác phát hiện. Thực ra đây là một biểu hiện vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là trong thương trường cạnh tranh kịch liệt. Nếu một khi chúng ta bị người khác phát hiện ra nhược điểm của bản thân thì sẽ rất dễ bị họ lợi dụng.

Hà Anh trong câu chuyện rất rõ ràng là bị Quỳnh Lương tính toán, nhưng vì sao cô lại dễ dàng bị lợi dụng như vậy? Bởi vì quan hệ giữa cô và Quỳnh Lương quá mức thân thiết, khiến Quỳnh Lương hoàn toàn nắm được nhược điểm của Hà Anh. Quỳnh Lương đã lợi dụng tính cách vui vẻ giúp đỡ người khác, rất ít khi từ chối của Hà Anh để đạt được mục đích của mình.

Trong công việc, giữa đồng nghiệp ngoài hợp tác chính là cạnh tranh, rất nhiều người thích lợi dụng nhược điểm trong tính cách của người khác để đạt được mục đích của mình. Điều đó nói với chúng ta rằng, trong công việc, giúp đỡ đồng nghiệp cần có mức độ, giao lưu với đồng nghiệp càng phải chú ý giữ khoảng cách nhất định, đây cũng chính là để giúp bản thân được bảo vệ tốt hơn. Đó là đạo lý mà mọi người nên biết.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Khoảng cách nảy sinh sự an toàn, nhưng chúng ta không thể vì bảo vệ bản thân mà đặt đồng nghiệp ở phía đối lập. Vậy, làm thế nào để chúng ta giữ được mức độ phù hợp khi giúp đỡ đồng nghiệp?

(1) Có thể thân thiết nhưng không thể không có khoảng cách

Chúng ta muốn làm việc ở công ty lâu dài, dĩ nhiên phải có quan hệ đồng nghiệp tốt đẹp, vì thế, giữ quan hệ thân thiện với đồng nghiệp là cần thiết. Nhưng giữa đồng nghiệp còn có quan hệ cạnh tranh, xung đột lợi ích, vì thế khi giao tiếp với đồng nghiệp, chúng ta phải có một khoảng cách nhất định, như thế có thể tránh việc đồng nghiệp nắm được hoàn toàn điểm mạnh và điểm yếu của bạn, thậm chí là sự riêng tư của bạn, bạn sẽ không trở thành công cụ bị lợi dụng.

(2) Có thể giúp đỡ đồng nghiệp nhưng nhất định phải làm tốt việc của mình

Trước khi giúp đỡ đồng nghiệp, chúng ta nhất định phải duy trì thành tích của mình. Chúng ta phải dựa vào thành tích để chứng minh sự xuất sắc của mình chứ không phải hy sinh bản thân để giúp đỡ đồng nghiệp.

Bài 5: Cho dù có quan điểm khác, cũng đừng tranh luận kịch liệt trước mặt mọi người

Gần đây, tâm trạng của anh Lưu khá bực bội, nguyên nhân chính là trong buổi họp công ty, ý kiến của anh ta và quản lý khác nhau. Quản lý cho rằng anh Lưu đã cố tình gây chuyện với mình, thế là cuộc thảo luận của hai người càng ngày càng lên đến cao trào, cuối cùng phát triển thành một cuộc tranh cãi kịch liệt, mọi người đều không vui ra về. Quản lý sau đó kiếm cớ anh Lưu làm việc không cố gắng, trong bảng đánh giá của tháng, anh Lưu bị cắt giảm mất một phần ba tiền thưởng. Đồng nghiệp xung quanh khuyên anh Lưu xin lỗi quản lý, coi như chuyện này đã qua, sau này chú ý một chút là được, coi như là bỏ tiền mua kinh nghiệm. Nhưng anh Lưu không nghĩ như vậy, anh nói: “Đây không phải là vì chuyện thảo luận lần trước, mà là anh ta lấy chuyện công báo thù riêng. Tôi nhất định phải nói với cấp trên chuyện này.”

Lẽ nào anh Lưu thật sự không sai? Dĩ nhiên không phải. Cho dù anh ta có quan điểm khác, cũng không được thách thức quyền uy của quản lý trước mặt đồng nghiệp, huống hồ anh ta còn tranh luận kịch liệt với quản lý, điều này chắc chắn sẽ gây ra tâm trạng bất mãn cho quản lý. Với quản lý, anh Lưu rõ ràng là đang tự làm mình khó xử, nếu không sửa đổi, thì bản thân sau này khó có thể lãnh đạo bộ phận này được, anh Lưu vô tình đã trở thành “vật thí mạng” của quản lý.

Trong công việc, rất nhiều người không hiểu được cách suy xét tâm lý của lãnh đạo, lãnh đạo nói ai có ý kiến khác có thể nêu ra, chúng ta liền lập tức nói ra suy nghĩ khác đó của mình, lãnh đạo vì thế mà thấy rất khó xử. Đối nhân xử thế nói cho cùng là một môn nghệ thuật nắm bắt tâm lý người khác, chỉ có nắm bắt được tâm lý của người khác mới không làm tổn thương lòng tự tôn, tổn hại tự ái của họ, như vậy chúng ta mới có thể giành được thiện cảm của mọi người. Điều này vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong thương trường.

Ấy vậy mà luôn có một số người thích đối đầu với lãnh đạo, chỉ ra sai lầm của lãnh đạo trước mặt mọi người, khiến lãnh đạo khó xử, mất mặt, trong khi đó lãnh đạo lại không tiện bộc lộ, trách mắng nhân viên của mình. Điều này đã để lại ấn tượng không tốt với lãnh đạo. Cuối cùng loại người này sớm muộn cũng sẽ bị lãnh đạo kiếm cớ đuổi đi, nhẹ thì giáng chức hoặc điều tới bộ phận khác, nặng thì bị đuổi việc.

Trong một buổi họp của công ty, sau khi nói xong nhiệm vụ công việc giai đoạn sau, giám đốc hỏi mọi người có ý kiến gì không. Duy Nghĩa nhìn thấy giám đốc hướng ánh mắt về phía mình, một người thẳng thắn, mau miệng như Duy Nghĩa lập tức đứng dậy, không suy nghĩ gì mà nói: “Tôi cho rằng…” Sắc mặt của giám đốc càng lúc càng khó coi, anh ta hỏi: “Cậu cho rằng những điều cậu nói có đúng không?” Duy Nghĩa nói: “Tôi nghĩ là như vậy, làm như vậy sẽ càng tốt hơn…” Sau khi nghe xong, giám đốc cảm thấy vô cùng khó xử, nhưng lại không thể phê bình Duy Nghĩa. Thế là giám đốc hướng mắt về phía Đức Kiên là người dày dặn kinh nghiệm trong công ty, Đức Kiên ngắt lời Duy Nghĩa: “Cách nhìn của giám đốc rõ ràng là phù hợp với tình hình thị trường, tôi ủng hộ giám đốc.” Tiếp đó mọi người đều thi nhau bày tỏ ủng hộ quan điểm của giám đốc, cuối cùng Duy Nghĩa giống như anh hùng cô độc, đứng giữa phòng họp. Giám đốc nhìn Duy Nghĩa đứng đó, không bận tâm đến anh ta mà nghiêm mặt nói: “Nếu mọi người đều ủng hộ với ý kiến của tôi, vậy thì tôi hy vọng công việc trong giai đoạn tiếp theo, mọi người cố gắng hơn nữa để nâng cao thành tích của công ty.” Một thời gian sau, Duy Nghĩa bị giám đốc tìm cớ đuổi việc.

Trong tâm lý học có “hiệu ứng địa vị” (Position effect). Tức là lãnh đạo địa vị cao, những lời ca tụng lãnh đạo sẽ nhiều; ngược lại nhân viên địa vị thấp, cho dù ý kiến của nhân viên đúng đắn cũng không dễ được mọi người tiếp nhận. Còn phần lớn lãnh đạo, trong tâm lý học hình thành một định thức: lời nói của mình chính là quyền uy, là chân lý, phản đối mình là sai lầm.

“Hiệu ứng địa vị” do một nhà tâm lý học người Mỹ đưa ra, muốn chỉ ý kiến, biện pháp mà người có địa vị cao đưa ra dễ được phần lớn những người có địa vị thấp hơn thừa nhận, tán thành, thực hiện; còn ý kiến, biện pháp mà người có địa vị thấp đưa ra, mặc dù là đúng, hoặc giống với người có địa vị cao đưa ra cũng không dễ được người ta thừa nhận, tán thành, thực hiện, tức là “lời nói do người định, con người lấy địa vị làm trọng”.

Trong công việc, lãnh đạo tuyệt đối sẽ không cho phép xuất hiện âm thanh lạc điệu, đây chính là thách thức quyền uy của lãnh đạo, đặc biệt là trước mặt mọi người. Vì thế, khi gặp tình huống bất đồng ý kiến với lãnh đạo, chúng ta nhất định không được tranh luận với lãnh đạo trước mặt mọi người, phải giữ quyền uy và tôn nghiêm cho lãnh đạo. Đặc biệt là trong cuộc họp đông người, càng không được xuất hiện ý kiến khác với lãnh đạo, cho dù quan điểm khác nhau, chúng ta cũng hoàn toàn không nhất thiết phải chỉ ra trước mặt, nếu nhất định phải nói ra thì cũng nên dùng lời lẽ uyển chuyển, ám thị chứ không phải là nói thẳng, làm tổn hại lòng tự tôn của lãnh đạo, thách thức quyền uy của lãnh đạo.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Khi gặp tình huống bất đồng ý kiến với lãnh đạo, chúng ta phải làm thế nào để khiến lãnh đạo vừa vui vẻ tiếp nhận quan điểm của mình, vừa không đắc tội với họ?

(1) Bảo vệ quyền uy của lãnh đạo

Quyền uy của lãnh đạo không cho phép nhân viên xâm phạm, khi chúng ta bất đồng ý kiến với lãnh đạo, nên cố gắng tránh tranh luận với lãnh đạo, nhưng có thể ám thị với lãnh đạo hoặc khéo léo đưa ra ý kiến của mình.

(2) Tìm gặp riêng lãnh đạo để nói chuyện

Có thể tìm gặp riêng lãnh đạo, đưa ra “ý kiến chưa thành thục” của mình, nhờ lãnh đạo chỉ dẫn, gặp nhân viên hiểu chuyện như vậy, không lãnh đạo nào tức giận; ngược lại, lãnh đạo sẽ cảm thấy rất vui vì nhân viên của mình biết làm việc và sẽ có ý cất nhắc. Điều này có hiệu quả hơn việc đưa ra ý kiến khác trước mặt mọi người rất nhiều, đối với bản thân cũng có lợi hơn rất nhiều.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Nói Thế Nào Để Được Chào Đón, Làm Thế Nào Để Được Ghi Nhận Chương 10: Trong công việc cần phải thận trọng từng bước một

Có thể bạn thích