Nói Sao Cho Trẻ Chịu Nghe
Chương 6 - Giải Phóng Trẻ Khỏi Những Vai Trò

PHẦN I

TÔI NHỚ KHOẢNH KHẮC con trai tôi, David, chào đời. Năm giây đã trôi qua rồi mà thằng bé vẫn không thở. Tôi hoảng loạn. Cô y tá vỗ lưng nó. Không có phản hồi. Nỗi căng thẳng thật khốn khổ. Cô y tá bảo, “Một thằng bé cứng đầu đây!”. Vẫn không có phản hồi. Phải đến một lúc sau rốt cuộc nó mới khóc thét lên – đó là thanh âm xuyên chói của một sinh linh mới ra đời. Sự nhẹ nhõm, giải tỏa trong tôi cứ lâng lâng, mơ hồ. Nhưng sau đó tôi bất giác tự hỏi “Có thực nó sẽ là đứa cứng đầu?” Đến khi tôi mang nó từ bệnh viện về nhà thì tôi đã gạt những lời nhận xét của cô y tá đi – những lời vu vơ của một người vu vơ. Hãy tưởng tượng về việc dán nhãn cho đứa trẻ chưa đầy nửa phút tuổi!

Tuy nhiên nhiều lần trong những năm sau đó, mỗi khi nó cứ khóc ngặt ngẹo cho dù tôi có cố ru, bồng, ẵm, vỗ... mỗi khi nó không chịu ăn thức ăn mới, rồi khi nó không chịu mặc tã, khi nó không chịu lên xe buýt đi tới trường mẫu giáo, khi nó không chịu mặc áo lạnh vào mùa đông, ý nghĩ đó lại lởn vở trong đầu tôi: “Cô y tá nói đúng. Nó là một thằng cứng đầu.”

Đáng lẽ ra tôi nên biết rõ hơn. Tất cả những khóa tâm lý học mà tôi đã tham dự đều cảnh báo về mối nguy hiểm của việc tiên đoán thành tựu cá nhân. Nếu bạn dán nhãn cho trẻ là đứa học chậm hiểu, thì nó bắt đầu thấy mình là đứa học hoài không hiểu. Nếu bạn dán nhãn một đứa trẻ là láu cá ranh ma thì rất có thể nó sẽ như thế. Nên tránh việc dán nhãn một đứa trẻ bằng mọi giá. Tôi hoàn toàn đồng ý với điều đó, tuy nhiên tôi không thôi nghĩ về David là một “đứa cứng đầu”.

Điều an ủi duy nhất cho tôi là tôi biết rằng mình không phải là người duy nhất nghĩ như thế. Ít nhất mỗi tuần một lần, tôi đều nghe phụ huynh nào đó, ở đâu đó kêu rêu những điều đại loại như thế này:

“Thằng lớn nhà tôi là một đứa rắc rối. Thằng út là đứa dễ chịu.”

“Bobby là kẻ bắt nạt bẩm sinh.”

“Billy là đứa cả tin. Bất kỳ ai cũng lợi dụng được nó.”

“Michael là luật sư của gia đình. Nó biết tìm câu trả lời cho tất cả mọi thứ.”

“Tôi không biết phải cho Julie ăn gì nữa. Nó là đứa kén ăn.”

“Mua đồ mới cho Richie chỉ tổ tốn tiền tốn bạc thôi. Nó bẻ gãy mọi thứ rơi vào tay nó. Cái thằng là đồ phá hoại.”

Tôi đã từng tự hỏi những đứa trẻ này đón nhận những cái nhãn mà chúng được dán cho ngay từ khi còn bé tí như thế nào. Sau nhiều năm lắng nghe về những sự việc xảy ra trong các gia đình, tôi dần nhận ra rằng việc quẳng một đứa trẻ vào vai trò nào đó có thể bắt đầu xảy ra một cách vô tình. Chẳng hạn, một buổi Mary nói với anh trai “Lấy cho em cái mắt kính.”

Anh nó đáp, “Tự đi mà lấy, bỏ cái thói bà chủ đi.”

Sau đó bé nói với mẹ “Chải tóc con cho thẳng hết những gút rối đi.” Mẹ bé nói “Mary, con lại giở thói bà chủ rồi.”

Cho đến sau đó, cô bé bảo ba “Đừng nói nữa. Con đang xem chương trình tivi của con.” Và ông bố mắng lại “Nghe bà chủ lớn kìa!”

Dần dần, từng chút một, Mary sẽ bắt đầu đóng vai trò mà bé được gán cho bấy lâu. Rốt cuộc thì nếu mọi người gọi Mary là bà chủ thì đó phải là điều mà bé sẽ trở thành.

Có thể bạn đang tự hỏi, “Ta nghĩ con mình là bà chủ hay ông chủ thì có sao đâu, miễn là ta không gọi nó bằng cái tên đó?” Đó là một câu hỏi quan trọng. Liệu cách cha mẹ nghĩ về trẻ có ảnh hưởng đến cách trẻ tự nghĩ về bản thân chúng? Để làm sáng tỏ mối quan hệ giữa việc cha mẹ nhìn nhận con cái như thế nào với việc chúng tự nhìn chúng ra sao, chúng ta hãy cùng nhau làm một thí nghiệm này. Khi bạn đọc ba bối cảnh sau đây, hãy tưởng tượng bạn là đứa trẻ trong từng tình huống.

Bối cảnh 1 : Bạn là đứa trẻ 8 tuổi. Một buổi tối bạn bước vào phòng khách nhà bạn và thấy cha mẹ đang chơi trò ghép hình với nhau. Ngay khi vừa thấy vậy bạn liền đòi cha mẹ cho bạn chơi chung với.

Mẹ nói “Con đã làm bài tập về nhà chưa? Con có hiểu bài không?”

Bạn đáp, “Rồi mẹ” và một lần nữa đòi chơi xem bạn có thể ghép hình được không.

Mẹ lại nói “Con có hiểu hết bài tập về nhà không vậy?”

Ba nói “Để chút nữa ba sẽ làm toán chung với con.”

Một lần nữa bạn lại đòi chơi ghép hình.

Ba nói “Coi cho kỹ mẹ và ba chơi ghép hình thế nào đi, sau đó ba mẹ sẽ để cho con tìm xem con có ghép được miếng nào không.”

Khi bạn bắt đầu một miếng ghép ở dưới thấp, mẹ bạn nói “Không phải, cưng. Con không thấy hình đó có cạnh thẳng đứng sao? Sao con lại đặt cạnh vuông vào giữa bức hình ghép!” Mẹ thở dài não nề.

Cha mẹ bạn nhìn nhận về bạn như thế nào?

………………………………………………………………

Quan điểm của họ về bạn khiến bạn cảm thấy như thế nào về mình?

………………………………………………………………

Bối cảnh II : Tương tự. Một buổi tối bạn bước vào phòng khách nhà bạn và thấy cha mẹ đang chơi trò ghép hình với nhau. Bạn liền đòi chơi chung với cha mẹ bạn.

Mẹ nói “Con không còn gì khác để làm à? Sao con không đi xem tivi đi?”

Mắt bạn chợt phát hiện một mảnh ghép cần ghép vào hình cái lò sưởi trong bức tranh. Bạn liền thò tay với mảnh ghép đó.

Mẹ bạn nói “Coi chừng! Con làm hư hết phần ba mẹ vừa làm xong bây giờ.”

Ba bạn bảo “Ba mẹ không có được một phút yên tĩnh nào sao?”

Bạn nài nỉ, “Đi, cho con ghép một mảnh này thôi!”

Ba quát, “Con không bao giờ chịu bỏ cuộc à?”

Mẹ nói “Này, chỉ một mảnh rồi thôi đó!” Mẹ nhìn ba, lắc đầu, trợn tròn con mắt.

Cha mẹ bạn nhìn nhận về bạn như thế nào?

………………………………………………………………

Quan điểm của họ về bạn khiến bạn cảm thấy như thế nào về mình?

………………………………………………………………

Bối cảnh III : Tương tự. Một buổi tối bạn bước vào phòng khách nhà bạn và thấy cha mẹ đang chơi trò ghép hình với nhau. Bạn sán lại gần và nhìn vào bức tranh ghép.

Bạn nói, “Để con giúp nha?”

Mẹ gật đầu. “Ừ, nếu con thích.”

Ba nói “Lấy ghế ngồi đi.”

Bạn tìm thấy một mảnh ghép là một phần của đám mây và đặt nó vào chỗ nhưng nó không khớp.

Mẹ nói “Gần được rồi.”

Bà nói “Những mảnh có cạnh thẳng đứng thường ở cạnh của bức tranh.”

Cha mẹ tiếp tục chơi trò ghép hình. Bạn nghiên cứu bức tranh một hồi. Cuối cùng bạn tìm được một mảnh ghép đúng chỗ.

Bạn nói “Được rồi!”

Mẹ mỉm cười.

Ba nói “Con đã kiên trì với nó đến cùng.”

Cha mẹ bạn nhìn nhận về bạn như thế nào?

………………………………………………………………

Quan điểm của họ về bạn khiến bạn cảm thấy như thế nào về mình?

………………………………………………………………

Bạn có ngạc nhiên là thật dễ cho bạn nắm bắt thông điệp cha mẹ nhìn nhận về mình như thế nào không? Đôi khi chẳng cần đến nhiều lời, mà chỉ một ánh nhìn hay giọng nói cũng có thể nói cho bạn biết bạn là “đồ ngu đần và ngốc nghếch” hay “một con sâu” hay một “đứa trẻ đáng yêu và có khả năng”. Cha mẹ nghĩ về bạn như thế nào thường có thể được chuyển tải trong vòng vài giây. Khi bạn nhân những giây đó lên thành những giờ tiếp xúc hàng ngày giữa cha mẹ với con cái thì bạn bắt đầu nhận ra trẻ em có thể bị ảnh hưởng bởi cách cha mẹ nhìn nhận chúng sâu sắc đến thế nào. Không chỉ cảm xúc của chúng về chúng mà còn hành vi của chúng đều bị ảnh hưởng.

Khi bạn làm bài tập này và cha mẹ bạn thấy bạn là “chậm hiểu”, thì bạn có còn cảm thấy tự tin để bắt đầu đòi chơi tiếp? Thậm chí bạn có cố tìm thêm mảnh hình để ghép nữa? Bạn có cảm thấy cụt hứng bởi vì bạn không nhanh bằng những người quanh bạn? Bạn có thầm nói “Việc gì phải cố?”

Khi bạn bị nhìn nhận như một “đứa phá quấy”, bạn có cảm thấy cố hết sức để bảo đảm không bị đuổi bứng đi? Bạn có cảm thấy mình bị từ chối, bị tẩy chay và thất bại? Hay bạn thấy giận dữ – như thể bạn muốn xới tung cả bức tranh ghép hình lên và quay lưng bỏ đi?

Khi bạn được nhìn nhận là đáng yêu và có khả năng, bạn có cảm thấy như mình cư xử theo cách đáng yêu và giỏi giang? Nếu bạn ghép sai vài mảnh, bạn sẽ bỏ cuộc luôn hay bạn sẽ tự nhắc mình cố làm lại?

Bất luận phản ứng của bạn là gì, có thể kết luận chắc chắn rằng cách cha mẹ nhìn nhận con cái có thể tác động đến không chỉ cách chúng nghĩ về bản thân chúng mà có cả cách chúng cư xử.

Nhưng ngộ nhỡ một đứa trẻ đã bị quẳng vào một vai trò rồi – dù là vai trò gì chăng nữa – điều đó có nghĩa là nó sẽ đóng vai trò đó suốt cuộc đời nó? Nó có bị kẹt cứng với vai trò đó hay nó được tự do trở thành những gì nó có khả năng trở thành?

Trong những trang tiếp theo bạn sẽ thấy sáu kỹ năng cho phụ huynh có thể sử dụng nhằm giải phóng con cái họ khỏi phải đóng một vai trò.

Để giải phóng trẻ khỏi một vai trò.

1. Tìm cơ hội chỉ cho trẻ một bức tranh mới về bản thân chúng.

2. Đặt trẻ vào những tình huống mà chúng có thể nhìn thấy mình khác đi.

3. Cố ý cho trẻ vô tình nghe thấy bạn nói gì đó tích cực về chúng.

4. Lập khuôn mẫu những hành vi mà bạn muốn thấy ở chúng.

5. Là kho chứa những khoảnh khắc đặc biệt của con bạn.

6. Khi con bạn hành xử theo nhãn mác cũ, bày tỏ cho con biết những cảm xúc và/hoặc niềm mong mỏi của bạn.

Những kỹ năng nhằm giúp trẻ nhìn nhận về bản thân chúng khác đi không giới hạn ở những kỹ năng được nêu ra trong chương này. Tất cả những kỹ năng bạn thực hiện trong quyển sách này đều có thể hữu ích để mở cánh cửa thay đổi cho trẻ. Ví dụ, một bà mẹ đã từng gọi con trai là “thằng hay quên” viết một mẩu thư nhắn sau đây để giúp cậu bé hãy nghĩ về mình như một người có thể nhớ những gì mình muốn:

George yêu thương,

Hôm nay thầy giáo dạy nhạc của con gọi điện báo cho mẹ rằng con không mang theo kèn trumpet để tập hai buổi tổng duyệt với dàn nhạc.

Mẹ tin tưởng con sẽ tìm ra cách tự nhắc nhở mình từ nay trở đi nhớ mang theo kèn.

Mẹ

Một người cha quyết định dùng phương pháp giải quyết vấn đề thay vì gọi con là đồ lưu manh. Ông bảo, “Jason, ba biết con tức giận khi con đang cố tập trung vào bài tập về nhà mà em cứ huýt sáo hoài; nhưng đánh em là không được . Con còn cách nào khác để có được sự yên lặng mà con cần không ?”

Dường như bạn thấy toàn bộ ý tưởng giúp trẻ nhìn nhận về bản thân chúng khác đi là khó khăn? Tôi không biết có đòi hỏi nào khác lại khó hơn đòi hỏi này ở cha mẹ. Khi một đứa trẻ đã có khuôn nếp hành xử theo kiểu nào đó trong một thời gian, thì đòi hỏi về phần cha mẹ phải có một sự kiềm chế cực lớn để không la mắng “Đó, lại tái diễn nữa rồi!” – như thế chỉ củng cố thêm những hành vi tiêu cực của trẻ. Cần phải viện đến ý chí, dành hẳn thời gian ra để lập kế hoạch tỉ mỉ cho một chiến dịch giải phóng trẻ khỏi một vai trò mà nó đang đóng bấy lâu.

Nếu lúc này bạn dành được chút thời gian thì hãy tự hỏi:

1. Bấy lâu nay con bạn có bị quàng vào bất cứ vai trò nào – ở nhà, ở trường – bởi bạn bè nó hoặc bởi họ hàng hay không? Vai trò đó là gì?

………………………………………………………………

2. Có gì tích cực về vai trò đó? (Chẳng hạn, tinh thần vui vẻ trong vai trò “Kẻ hay chọc phá”; trí tưởng tượng trong vai trò “Kẻ mộng mơ”)

………………………………………………………………

3. Bạn thích con bạn tự nghĩ về bản thân nó như thế nào? (Có khả năng nhận lĩnh trách nhiệm, có khả năng nhìn thấu đáo công việc, v.v...)

………………………………………………………………

Bằng cách trả lời những câu hỏi khó như trên, bạn đã làm được công việc khởi đầu. Chiến dịch thật sự đang nằm phía trước. Bây giờ bạn hãy nghiên cứu những kỹ năng liệt kê dưới đây. Sau đó viết ra những lời thật sự bạn có thể dùng cho mỗi kỹ năng để đưa vào hành động thực tế.

A. Tìm kiếm cơ hội chỉ cho con bạn thấy một bức tranh mới về bản thân nó.

………………………………………………………………

B. Đặt con bạn vào một tình huống mà nó có thể nhìn thấy mình khác đi.

………………………………………………………………

C. Cố ý để cho con bạn vô tình nghe thấy bạn nói gì đó tích cực về nó.

………………………………………………………………

D. Lập khuôn mẫu những hành vi mà bạn muốn thấy ở con bạn.

………………………………………………………………

E. Là kho chứa những khoảnh khắc đặc biệt của con bạn.

………………………………………………………………

F. Khi con bạn hành xử theo nhãn mác cũ, bày tỏ những cảm xúc và/hoặc niềm mong mỏi của bạn.

………………………………………………………………

G. Ngoài những kỹ năng trên, bạn còn có kỹ năng nào khác mà bạn nghĩ là có thể hữu hiệu?

………………………………………………………………

Bài tập bạn vừa mới hoàn tất chính là bài tập mà tôi đã tự làm cách đây nhiều năm. Điều gì khiến tôi làm bài tập này? Một buổi tối khi tôi đón David từ buổi sinh hoạt hướng đạo sinh về, thầy quản nhiệm mời tôi sang phòng kế bên gặp thầy. Vẻ mặt thầy nghiêm nghị.

“Có gì vậy?” tôi thắc thỏm hỏi.

“Tôi muốn trao đổi với chị về David. Lâu nay giữa chúng tôi gặp nhiều vấn đề nhỏ.”

“Nhiều vấn đề?”

“David từ chối tuân theo hiệu lệnh.”

“Tôi không hiểu. Hiệu lệnh gì? Ý thầy là những chương trình cháu hiện đang tham gia?”

Thầy cố mỉm cười một cách kiên nhẫn. “Ý tôi là tất cả những chương trình chúng tôi triển khai kể từ đầu năm nay. Một khi trong đầu con trai chị có ý gì là nhất quyết không ai tác động được vào nó. Nó cứ theo ý nó mà làm và không thèm lắng nghe lời phải trái. Nói thật, những cậu bé khác đang dần chán ngấy nó rồi. Nó làm mất rất nhiều thời gian của nhóm... Nó có là đứa cứng đầu ở nhà không?”

Tôi không nhớ mình đã trả lời như thế nào. Tôi lắp bắp gì đó rồi lùa David vào xe và vội vã rời khỏi đó. David im lặng suốt dọc đường về nhà. Tôi bật radio – biết ơn là không phải nói. Bụng tôi cứ sôi thốn lên và co thắt từng cơn.

Tôi cảm thấy như thể David cuối cùng đã bị “phát giác”. Nhiều năm trời tôi cứ giả vờ với chính mình rằng nó hơi hơi cứng đầu ở nhà – với tôi, với ba nó, với em gái và anh nó. Nhưng giờ thì không gì có thể chạy trốn sự thật được nữa. Thế giới bên ngoài đã xác nhận, những gì bấy lâu nay tôi đã không bao giờ sẵn sàng đối mặt. David là một thằng ương bướng, ngoan cố, ngang ngạnh.

Đêm đó tôi trằn trọc mấy tiếng đồng hồ trước khi ngủ thiếp đi được. Tôi cứ nằm đó, đổ tội David không giống như những đứa trẻ khác, và đổ tội mình bấy lâu nay cứ luôn gọi nó là “con lừa” hoặc “đầu bò”. Không cần đến sáng hôm sau tôi mới hình dung ra quan điểm của thầy quản nhiệm về con trai tôi và bắt đầu nghĩ cách làm thế nào để giúp David.

Có một điều tôi chắc chắn. Quan trọng là tôi không được chạy theo đà mà đẩy David sâu hơn vào vai trò của nó. Công việc của tôi là tìm kiếm và khẳng định những ưu điểm của nó. (Nếu tôi không làm điều đó, thì ai làm?) Thế này nhé, vậy là nó “có ý chí mạnh mẽ” và “quyết đoán”. Ngoài ra nó còn có khả năng tháo vát và linh hoạt, sẵn sàng tiếp thu cái mới. Và đó là những tiểu tiết cần phải được đề cao.

Tôi lập ra một danh sách tất cả những kỹ năng mà tôi biết nhằm giúp một đứa trẻ nhìn nhận về bản thân nó khác đi. Sau đó tôi cố nghĩ về những tình huống mà đã khiến cho David ngang ngạnh trong quá khứ. Tôi có thể nói gì với nó nếu có sự việc như thế xảy ra lần nữa? Sau đây là những gì tôi mường tượng ra:

A. Tìm cơ hội chỉ cho trẻ một bức tranh mới về bản thân nó. “David, con đã đồng ý đi với ba mẹ tới nhà bà ngoại mặc dù con thật sự muốn ở nhà chơi với bạn. Đó là đức tính “cho đi” của con.

B. Đặt trẻ vào những tình huống mà nó có thể nhìn thấy mình khác đi. “Mỗi người đều muốn đi một nhà hàng khác nhau. David, có thể con sẽ nghĩ ra cách phá vỡ sự bế tắc này.”

C. Cố ý cho trẻ vô tình nghe thấy bạn nói gì đó tích cực về nó. “Ba nó à, sáng nay David với em đã có một thỏa thuận. Nó không muốn đi ủng còn em không muốn nó ngồi trong lớp với đôi bàn chân ướt. Cuối cùng, nó nghĩ ra một ý là đi đôi giày thể thao cũ tới trường và mang theo một đôi vớ và giày mới để thay.”

D. Lập khuôn mẫu những hành vi mà bạn muốn thấy ở trẻ. “Mẹ thất vọng quá! Mẹ đã chuẩn bị tinh thần để đi xem phim tối nay, nhưng ba lại nhắc mẹ về kế hoạch đi xem bóng rổ... Ồ, mẹ nghĩ mẹ sẽ hoãn bộ phim lại thêm một tuần nữa.”

E. Hãy là kho chứa những khoảnh khắc đặc biệt của con bạn. “Mẹ nhớ hồi mới đầu con đã kịch liệt phản đối việc tới trại hướng đạo sinh như thế nào. Nhưng sau đó con bắt đầu suy nghĩ về nó và đọc sách tìm hiểu về nó, và nói chuyện với những bạn đã đi tới đó rồi. Và cuối cùng con quyết định tự mình thử xem sao.

F. Khi con bạn hành xử theo nhãn mác cũ, bày tỏ những cảm xúc và/hoặc niềm mong mỏi của bạn. “David, với mọi người ở đám cưới, mặc quần jeans cũ là dấu hiệu của sự thiếu tôn trọng mọi người. Họ sẽ hiểu ý con muốn nói rằng “Đám cưới là không quan trọng!” Cho nên, mặc dù con rất ghét mặc com-le thắt cà vạt, mẹ mong chờ con ăn mặc thích hợp.”

G. Có những kỹ năng khác hữu ích không? Nên công nhận, chấp nhận hơn nữa những cảm xúc tiêu cực của David. Thêm nhiều sự lựa chọn hơn. Thêm nhiều lần áp dụng phương pháp giải quyết vấn đề.

Đây là bài tập đã làm thay đổi chiều hướng của tôi đối với David. Nó giúp tôi nhìn cháu trong một ánh sáng mới và rồi đối xử với cháu theo kiểu tôi đã bắt đầu nhìn cháu khác đi. Không hề có kết quả thần kỳ, chóng vánh. Có những ngày sự việc sẽ được cải thiện lên. Dường như tôi càng đánh giá cao khả năng linh hoạt của David là thì cháu càng linh hoạt. Nhưng cũng có những ngày sự việc vẫn tệ hại y như cũ. Cơn tức giận và thất vọng đẩy tôi trở về lại con số 0, và tôi thấy mình lại một lần nữa thi đua quát tháo với nó.

Nhưng đối với cái việc khó khăn dai dẳng đó, tôi nhất định không chịu bỏ cuộc. Tôi cố bám vào thái độ mới của mình. Con trai “quyết đoán” của tôi cũng có một bà mẹ “quyết đoán” tương xứng.

* * *

David bé bỏng ngày nào bây giờ đã lớn. Chỉ mới đây thôi khi cháu không lắng nghe lý lẽ (đó là quan điểm của tôi), tôi trở nên bực mình và quên mất và chửi nó là “Đầu heo”.

Hình như nó sững sờ và im lặng một hồi.

“Mẹ nhìn nhận con như thế đó phải không?” nó hỏi.

“Ờ... mẹ... mẹ...” tôi lắp bắp bối rối.

“Được rồi, mẹ,” nó nói tỉnh rụi. “Cảm ơn mẹ. Con có quan điểm khác về bản thân con.”

 

Ghi nhớ

GIẢI PHÓNG TRẺ KHỎI MỘT VAI TRÒ

1. TÌM CƠ HỘI CHỈ CHO TRẺ MỘT BỨC TRANH MỚI VỀ BẢN THÂN CHÚNG

“Món đồ chơi đó con có từ hồi 3 tuổi mà giờ trông vẫn gần như mới!”

2. ĐẶT TRẺ VÀO TÌNH HUỐNG MÀ CHÚNG CÓ THỂ NHÌN THẤY MÌNH KHÁC ĐI

“Sara, con lấy tuốc-nơ-vít và siết lại những tay nắm của cái tủ ngăn kéo này nhé.”

3. CỐ Ý CHO TRẺ VÔ TÌNH NGHE THẤY BẠN NÓI TÍCH CỰC VỀ CHÚNG

“Nó đã giơ cánh tay ra thật chắc mặc dù mũi tiêm đó rất đau.”

4. LẬP KHUÔN MẪU HÀNH VI MÀ BẠN MUỐN THẤY Ở TRẺ

“Chả vui gì khi bị thua, nhưng mẹ sẽ tỏ rõ tinh thần thượng võ. Chúc mừng con!”

5. LÀ KHO LƯU TRỮ NHỮNG KHOẢNH KHẮC ĐẶC BIỆT CỦA TRẺ.

“Mẹ nhớ cái lần con...”

6. KHI TRẺ VẪN HÀNH XỬ THEO NHÃN MÁC CŨ CỦA CHÚNG, HÃY BÀY TỎ NHỮNG CẢM XÚC VÀ/ HOẶC NIỀM MONG MỎI CỦA BẠN.

“Mẹ không thích thế! Dù con có cảm xúc mạnh đến thế nào mẹ vẫn muốn con phải có tinh thần thượng võ khi thua.”

PHẦN II:

NHỮNG CÂU CHUYỆN CỦA PHỤ HUYNH - HIỆN TẠI VÀ QUÁ KHỨ

Sau đây là những kinh nghiệm của một số phụ huynh đã quyết định giải phóng con mình khỏi những vai trò mà chúng bị quăng vào:

Trong suốt kỳ hội thảo chuyên đề áp đặt vai trò cho trẻ, tôi bắt đầu cảm thấy chộn chạo trong bụng. Tôi nghĩ đến việc dạo gần đây mình đã đối xử ghê tởm với Greg như thế nào, rồi nghĩ đến những lời lẽ khủng khiếp tôi đã nói với nó:

“Tao ước gì mày tự thấy bản thân mày. Mày hành xử như một thằng ngu vậy.”

“Tại sao mày luôn làm tốn thời gian của mọi người?”

“Tao nghĩ tao không nên trông mong gì ở mày. Giờ thì tao biết mày mất dạy thế nào rồi.”

“Mày đừng hòng bao giờ có bạn bè.”

“Cư xử cho đúng tuổi của mày coi. Mày cứ làm như mày là đứa nhóc 2 tuổi không bằng.”

“Ăn uống gì mà nhơ nhớp quá. Mày sẽ không bao giờ học được cách ăn uống đúng mực.”

Tôi nghĩ thằng con tôi là một “đối thủ lì lợm” mà tôi không tài nào trấn áp được. Để cho đủ lệ bộ, trong cuộc họp phụ huynh tuần này tôi phải nghe cô giáo nó phàn nàn rằng nó là đồ con nít. Cách đó không lâu chắc chắn tôi đã đồng ý với lời nhận xét của cô rồi, nhưng hôm đó lời cô cứ như cả tấn gạch đè lên người tôi. Tôi nhận định tình hình không thể nào xấu hơn được nữa, vì vậy tôi quyết định thử những phương pháp mà tôi học được từ những buổi hội thảo.

Mới đầu tôi bực mình đến nỗi không thể cư xử tử tế được. Tôi biết Greg cần nhận được vài dấu hiệu phản hồi tích cực, nhưng tôi đang giận quá, khó lòng nói chuyện với nó. Vì vậy tôi viết cho nó một mẩu thư ngắn ngay vào lần đầu tiên nó làm được việc tốt. Tôi viết thế này:

Greg thương,

Hôm qua mẹ có một ngày thật vui. Con đã tạo điều kiện dễ dàng cho mẹ ra ngoài kịp giờ đón xe trường chủ nhật tới rước. Con đã dậy đúng giờ, mặc đồ chỉnh tề và đợi mẹ.

Cảm ơn con,

Mẹ

Một vài ngày sau tôi phải đưa nó đi nha sĩ. Như thường lệ nó bắt đầu chạy lung tung quanh phòng khám. Tôi tháo đồng hồ ra đưa cho nó và bảo “Mẹ biết con có thể ngồi im trong 5 phút”. Nó ngạc nhiên, nhưng cũng ngồi xuống và im lặng cho tới khi nha sĩ gọi nó vào.

Sau khi nha sĩ khám xong, tôi làm điều mà chưa bao giờ tôi làm. Tôi để nó tự ra ngoài một mình lấy sô-cô-la nóng. Chúng tôi đã chuyện trò rôm rả với nhau. Tối hôm đó khi tôi đưa nó vào giường ngủ thì nó bảo với tôi là nó thích thời gian hai mẹ con ở bên nhau.

Tôi thấy thật khó mà tin rằng những điều nho nhỏ ấy lại có thể làm nên sự biến chuyển ở Greg, nhưng dường như nó muốn làm tôi vui lòng hơn nữa, một điều khích lệ tôi vô cùng. Chẳng hạn, nó bày sách vở và áo khoác dưới sàn nhà bếp. Thường thì tôi sẽ la ầm la toáng lên rồi. Thay vì bảo nó rằng tôi phát điên khi cứ phải chạy theo sau nó mà nhặt đồ, thì tôi bảo tôi tự tin là từ nay trở đi nó sẽ nhớ để đồ đạc đúng nơi đúng chỗ.

Vào bữa tối, tôi thôi không từng giây chỉ trích những thói ăn uống của nó nữa. Lần duy nhất tôi nhắc nhở là khi nó làm gì đó khó coi khủng khiếp, và tôi cố chỉ nói đúng một lần thôi.

Tôi cũng đang cố gắng để nó có trách nhiệm hơn nữa với những việc vặt quanh nhà, với hy vọng nó bắt đầu cư xử trưởng thành hơn một chút. Tôi bảo nó lấy quần áo sạch ra khỏi máy giặt, dỡ giỏ đồ ăn cất đi, và những việc đại loại như vậy. Tôi thậm chí để nó tự chiên trứng vào buổi sáng. (tôi ráng giữ cho miệng mình ngậm lại khi có trứng rơi xuống sàn.)

Tôi không dám nói mạnh miệng, nhưng giờ hành vi cư xử của nó rõ ràng đã tốt hơn. Có lẽ đó là vì tôi đã tốt hơn với nó.

* * *

Heather là con nuôi của chúng tôi. Ngay từ ngày đầu tiên mới đến bé đã là niềm vui của vợ chồng tôi. Lớn lên bé vẫn luôn là một cô bé dễ thương, đáng yêu. Tôi không chỉ nghĩ về bé là niềm tự hào và niềm vui sướng của mình mà tôi còn bảo với bé hàng chục lần một ngày rằng bé mang niềm hạnh phúc đến cho tôi nhường bao. Cho tới khi tôi đọc đến chương về vai trò trong quyển sách này, tôi mới tự hỏi phải chăng mình đã luôn đặt một gánh nặng quá lớn lên cô bé, bắt bé luôn phải “ngoan”, phải là “niềm hạnh phúc của mẹ”. Tôi cũng tự hỏi liệu có những cảm xúc khác trong lòng cô bé mà bé không dám để lộ ra hay không.

Mối lo lắng đó thôi thúc tôi phải cố thực hiện một số những điều mới. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất tôi làm là nghĩ ra những cách để cho Heather biết rằng tất cả những cảm xúc của bé bộc lộ ra đều được chấp nhận – dù cho đó là giận dữ, dỗi hờn, hay thất vọng. Một ngày nọ tôi muộn giờ đến trường đón bé nửa tiếng, và tôi bảo, “Con phải chờ mẹ lâu quá chắc là bực lắm nhỉ” (thay vì thường ngày tôi sẽ nói “Cảm ơn con đã kiên nhẫn chờ mẹ, cưng”) Lần khác tôi bảo bé “Mẹ cá là con muốn bày tỏ cho bạn con biết cảm xúc của con về việc bạn ấy trễ hẹn với con!” (thay vì lệ thường tôi sẽ nói “Cưng à, người khác không ý tứ chu đáo bằng con.”)

Tôi cũng cố rập khuôn những gì tôi muốn cho bé. Tôi bắt đầu cho phép mình nói về những cảm xúc tiêu cực của mình thường xuyên hơn. Một bữa tôi bảo với bé, “Lúc này mẹ đang thấy bứt rút và muốn ở một mình”. Và khi bé hỏi mượn tôi chiếc khăn quàng mới, tôi bảo với bé là tôi không muốn cho mượn.

Tôi cố khen ngợi bé một cách khác đi. Thay vì liên tục suýt xoa việc học ở trường của bé khiến tôi sung sướng như thế nào, tôi mô tả những gì bé đạt được (“Bản thu hoạch này được trình bày rõ ràng và hợp lý”) và chỉ nói tới đó thôi.

Một buổi sáng nọ, vào “lần đầu tiên” Heather thành thiếu nữ. Heather đang tắm dưới vòi sen còn tôi thì đang rửa bát đĩa. Cô bé đấm vào tường và tôi tự động tắt vòi nước nóng mình đang dùng đi. Nhưng rồi bé hậm hực đi vào nhà bếp và thét lên hết cỡ. “Con đã bảo mẹ đừng vặn vòi nước nóng mà. Con đã phải tắm nước lạnh ngắt!!”

Nếu bé cư xử làm thế cách đây một tháng, chắc tôi sốc vô cùng. Chắc hẳn tôi đã quát bé, “Heather, con đâu có hay cư xử theo cách đó!”

Nhưng lần này tôi chỉ nói, “Mẹ nghe thấy coi bộ con đang tức giận! Để mẹ sẽ ghi chú trong bộ não của mẹ thật rõ là lần sau trở đi sẽ không mở vòi nước nóng gì hết trong khi con đang tắm!”

Tôi dần có cảm giác rằng Heather sẽ còn “bộc lộ mình” nhiều hơn nữa trong tương lai, và tôi chắc chắn mình sẽ không thích tất cả mọi thứ mình nghe thấy; nhưng về lâu về dài, tôi vẫn nghĩ điều quan trọng hơn đối với bé là bé vẫn luôn là “niềm vui của mẹ”.

Tái bút: Bây giờ bất cứ khi nào tôi nghe ai đó khoe với tôi con cái họ “tốt” như thế nào là tôi có chút nghi ngờ.

* * *

Hôm qua tôi ở sân chơi với hai cô con gái của mình. Phải đến bốn lần tôi nghe mình gọi Kate, (đứa lớn, 8 tuổi): “Coi chừng Wendy đó”... “Dắt em khi em đi trên vỉa hè”... “Phải ở sát bên em nghe chưa.”

Tôi bắt đầu tự hỏi phải chăng mình đang quẳng Kate vào vai trò Cô Chị Cả Trách Nhiệm. Đúng vậy, tôi luôn đặt quá nhiều lòng tin vào cháu, và có thể tôi cũng đang đặt quá nhiều áp lực cho cháu. Tuy nhiên, xét về thực tế thì tôi rất cần sự trợ giúp của cháu.

Tôi cũng bắt đầu tự hỏi phải chăng mình đối xử với Wendy (5 tuổi) như con nít quá đáng. Tôi đã kế hoạch là sẽ không sinh thêm con nữa, cho nên tôi nghĩ mình hạnh phúc khi đối xử với Wendy theo cách đó. Dù gì nó cũng còn nhỏ xíu mà.

Càng nghĩ về điều đó tôi càng nhận ra rằng chắc hẳn Kate giận dữ lắm. Bấy nay cháu đã từ chối đi bộ cùng với Wendy từ trường mẫu giáo mùa hè về nhà, và dạo này cháu cũng không chịu đọc truyện cho em nghe nữa. Tôi cũng nhận ra, vào tuổi Wendy, Kate đã biết tự làm mọi thứ cho mình, chẳng hạn như tự rót sữa, trong khi Wendy thì không.

Tuy nhiên tôi chưa làm gì để điều chỉnh việc này cả, nhưng tôi đang từ từ bị thuyết phục về những gì hai cô con gái của mình cần. Wendy cần được giúp đỡ để trở lên tự lập hơn – cái chính là vì lợi ích của bé, nhưng cũng làm để giảm bớt áp lực cho Kate. Và Kate cần được lựa chọn xem cháu có muốn chăm sóc em hay không – trừ khi tôi hoàn toàn cần cháu giúp. Và có lẽ thỉnh thoảng đôi khi tôi cũng cần xem Kate là đứa con nít bé bỏng nữa. Đã từ lâu lắm rồi tôi không làm điều đó.

* * *

Thật may mắn cho Neil là tuần trước tôi đã cố gắng tham dự nhóm hội thảo. Ngay sáng hôm đó khi vừa về tới nhà thì tôi nhận được một cú điện thoại từ hàng xóm sát bên. Giọng bà run run báo rằng bà đã thấy Neil ngắt ba bông tulip được giải của bà trên đường đi học.

Tôi cố dằn nén, trong bụng nghĩ “Lại nữa rồi!”. Thể nào nó cũng chối đây đẩy là nó chẳng ngắt hoa ngắt hiếc gì cả, hệt như cái kiểu hành xử lúc nó tháo tung cái đồng hồ treo tường ra (sau đó tôi tìm thấy những mảnh rời trong phòng nó); và giống như cái cách khi nó bảo với tôi là nó được nhảy có một lớp (Đến chừng tôi gọi cho cô giáo nó thì được cô cho biết là không bao giờ có học sinh nào được nhảy lớp cả). Dạo này nó hay nói dối như cuội, thậm chí em trai nó còn nói “Mẹ, anh Neil lại nói dối nữa đó mẹ!”

Tôi biết mình chưa xử lý thích đáng cái thói này của Neil. Tôi luôn đòi hỏi nó phải nói với tôi sự thật và khi nó không nói, tôi thường chửi mắng nó là đồ dối trá, hoặc diễn thuyết cho nó một bài về sự lừa lọc, hoặc trừng phạt nó. Tôi nghĩ bấy lâu mình chỉ toàn làm cho mọi việc tệ hại đi, nhưng tính trung thực vốn là điều vô cùng quan trọng đối với tôi và chồng tôi. Tôi không thể hiểu Neil thế nào mà lại sinh ra đổ đốn vậy.

Như tôi đã nói, may là tôi đã đi dự buổi hội thảo về vai trò, bởi vì lúc này, cho dù đang rất tức giận, tôi biết mình không muốn đặt Neil vào vai trò “dối trá” lần nữa.

Khi nó về nhà ăn trưa, tôi không rào chặt nó lại bằng những câu kiểu như: (“Phải con đã ngắt trộm hoa không? Có chắc là con không làm? Lần này đừng hòng nói dối mẹ.”) mà đi thẳng vào vấn đề. Tôi bảo “Neil, bà Osgood bảo con ngắt hoa tulip của bà.”

“Không phải con. Con ngắt hồi nào!”

“Neil, bà ấy trông thấy con ngắt rõ ràng. Bà ấy đã đứng ở cửa sổ.”

“Mẹ nghĩ con là đồ nói dối. Bà ấy nói dối thì có!”

“Neil, mẹ không muốn nói đến việc ai nói dối ai không. Việc đã xảy ra rồi. Vì lý do gì đó con đã quyết định ngắt ba bông hoa của bà ấy. Giờ chúng ta cần phải suy nghĩ xem làm thế nào để sửa chữa lỗi này đây.”

Neil òa khóc. “Con muốn có vài bông hoa để tặng cô giáo.”

Tôi nói “Ô. Đó là lý do. Cảm ơn con đã nói cho mẹ biết việc gì đã xảy ra... thỉnh thoảng rất khó nói thật – nhất là khi con nghĩ điều đó sẽ gây rắc rối.”

Nó càng khóc nức nở hơn.

Tôi bế nó vào lòng và bảo: “Neil, mẹ có thể thấy con hối hận như thế nào. Bà Osgood rất tức giận. Giờ phải làm gì đây?”

Neil lại òa khóc to. “Con sợ nói với bà ấy là con xin lỗi!”

“Con có thể viết ra được không?”

“Con không biết... Mẹ giúp con đi.”

Chúng tôi thảo ra một mẩu thư ngắn và Neil viết lại bằng chữ in (cháu mới học lớp một).

Tôi nói “Con nghĩ như thế đã đủ chưa?”

Nó bối rối.

“Con cảm thấy thế nào về việc mua cho bà ấy một bình hoa tulip để đặt vào chỗ hoa bị ngắt đó?”

Nó toét ra cười ngoác. “Thật hả mẹ?”

Ngay sau khi Neil đi học về chúng tôi ra cửa hàng bán hoa. Neil chọn ra một bình bốn bông hoa tulip và nó đem bình hoa và tờ giấy tới đặt ở cửa nhà bà Osgood. Sau đó nó rung chuông rồi chạy tọt về nhà.

Tôi không nghĩ nó sẽ ngắt hoa của bà hàng xóm nữa, về mặt nào đó tôi cũng không nghĩ cháu còn nói dối nữa. Tôi chỉ biết kể từ bây giờ cháu sẽ mở lòng với tôi hơn. Và khi cháu không mở lòng (tôi nghĩ mình nên thực tế) tôi sẽ không ép cháu vào cái nhãn nói dối. Tôi sẽ tìm cách để cháu có thể nói thật với tôi.

* * *

Một ngày, khi buổi hội thảo chuyên đề vai trò sắp kết thúc một người cha bắt đầu nhớ lại và kể với chúng tôi. Ông bảo “Tôi nhớ khi còn nhỏ, tôi đã từng hay đến bên ba tôi và kể cho ông nghe tất cả mọi kế hoạch điên rồ của mình. Ba luôn lắng nghe tôi rất nghiêm túc. Rồi ba tôi nói “Con trai à, con có cái đầu trong mây, nhưng chân con cắm rễ dưới mặt đất”. Do bởi bức tranh mà ba vẽ ra cho tôi về tôi – là người mơ mộng nhưng cũng là người biết cách đối phó với thực tế – đã giúp tôi vượt qua những thời điểm khốn khó nhất cuộc đời mình... tôi đang tự hỏi có ai ở đây cũng có được loại kinh nghiệm đó.”

Một bầu im lặng, trầm tư thả xuống khi mỗi người chúng tôi bắt đầu nghĩ về quá khứ của mình để tìm ra những thông điệp đánh dấu cột mốc cuộc đời mình. Từ từ, cùng nhau, chúng tôi bắt đầu nhớ lại và kể to lên cho nhau nghe:

“Khi tôi còn nhỏ xíu bà nội tôi từng luôn nói với tôi là tôi có đôi bàn tay khéo tuyệt. Bất cứ khi nào tôi xâu kim hoặc tháo cuồn len bị rối cho bà là bà lại gọi tôi là “Đôi tay vàng”. Tôi nghĩ đó là một trong những lý do khiến tôi quyết định trở thành nha sĩ.”

“Năm đầu tiên đi dạy học, tôi run lắm. Tôi đã từng run bắn khi tổ trưởng ghé vào lớp tôi dự giờ. Sau đó, thầy chỉ ra cho tôi một hay hai điểm thiếu sót nhưng rồi thầy luôn nói thêm “Thầy không bao giờ lo lắng về em, Ellen à. Đơn giản là em biết tự điều chỉnh.” Tôi tự hỏi thầy có biết những lời thầy khích lệ động viên tôi như thế nào không. Tôi mang theo nó mỗi ngày. Thầy giúp tôi tin vào chính mình.”

“Khi tôi 10 tuổi, cha mẹ mua cho tôi một chiếc xe đạp một bánh. Trong vòng một tháng tôi cứ ngã xoành xoạch. Tôi nghĩ mình không bao giờ học được cách đi cái của nợ này đâu; nhưng một ngày kia, tôi đạp xe và giữ thăng bằng được! Mẹ tôi nghĩ tôi thật xuất sắc. Từ đó bất cứ khi nào tôi lo lắng về việc học cái gì đó mới – như học tiếng Pháp, chẳng hạn, bà nói “Bất cứ cô bé nào đạp được xe một bánh thì sẽ chẳng gặp rắc rối gì với môn tiếng Pháp cả.” Tôi biết mẹ phi lý. Đạp xe một bánh thì liên quan gì tới học ngôn ngữ? Nhưng tôi thích nghe những lời như thế. Thấm thoát đã gần 30 năm về trước. Tới hôm nay, bất cứ khi nào đối mặt với thách thức mới tôi lại nghe tiếng mẹ tôi: ‘Bất cứ cô bé nào đạp được xe một bánh thì sẽ chẳng gặp rắc rối gì với môn tiếng Pháp cả.’ Tôi bật cười nhưng hình ảnh đó vẫn nâng đỡ tôi.”

Hầu như tất cả mọi người trong nhóm đều có những ký ức để chia sẻ. Khi buổi hội thảo kết thúc, chúng tôi cứ ngồi im nhìn nhau. Người cha khơi mào với chúng tôi cứ lắc đầu, thấy tuyệt diệu quá chừng. Rồi ông nói với tất cả chúng tôi, “Không bao giờ được đánh giá thấp uy lực lời nói của chúng ta đối với cuộc đời của con trẻ!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Nói Sao Cho Trẻ Chịu Nghe Chương 6 - Giải Phóng Trẻ Khỏi Những Vai Trò

Có thể bạn thích