Những kẻ xuất chúng
Chương 9: Thỏa Thuận Của Marita

“TẤT CẢ CÁC BẠN BÈ CỦA CHÁU BÂY GIỜ ĐỀU ĐẾN TỪ KIPP.”

Giữa những năm 1990, một trường công lập thực nghiệm có tên gọi KIPP Academy (Tạm dịch: Học viện KIPP) được mở ra trên tầng thứ tư của Trường Trung học Cơ sở Lou Gehrig trong thành phố New York.  Lou Gehrig nằm trong học khu số Bảy, hay còn được biết đến là South Bronx, một trong những khu phụ cận nghèo nàn nhất của thành phố New York. Đó là một tòa nhà theo kiểu kiến trúc thập niên 1960 thấp bè, màu xám ở bên kia đường đối lại với một cụm cao ốc dáng vẻ lạnh lẽo. Cách đó mấy khối nhà ở phía trên là Grand Concourse, đường phố lớn chính yếu của khu. Đây là những con phố mà bạn sẽ chẳng lấy gì làm vui thích đi dạo một mình khi trời xẩm tối.

KIPP là một trường trung học. Các lớp học đều lớn: lớp Năm có hai nhóm với ba mươi lăm học sinh trong mỗi nhóm. Không có thi đầu vào hay yêu cầu tuyển sinh gì hết. Bất cứ học sinh lớp Bốn nào sống trong khu Bronx cũng có cơ hội bắt thăm để được lựa chọn vào trường. Khoảng nửa số học sinh là người Mỹ gốc Phi, số còn lại gốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Ba phần tư số trẻ em đều đến từ các gia đình cha hoặc mẹ đơn thân. Tới 90% trong số đó đủ tiêu chuẩn hưởng “bữa trưa miễn phí hoặc giảm giá,” tức là gia đình các em thu nhập ít ỏi đến mức chính quyền liên bang phải can thiệp để bọn trẻ có thể được ăn bữa trưa đầy đủ.

Học viện KIPP dường như có vẻ là mẫu trường học nằm trong vùng phụ cận với những loại học sinh sẽ khiến cho các nhà giáo dục phải tuyệt vọng − chỉ đến khi bạn bước chân vào khu giảng đường, rõ ràng có điều gì đó thật khác biệt. Các họ sinh đi lại trật tự dọc theo hành lang thành hàng một. Trong lớp học, các em được dạy phải quay lại và toàn tâm toàn ý hướng về người đang nói với mình bằng một giao thức được gọi là “SSLANT”: mỉm cười (Smile), ngồi yên (Sit up), lắng nghe (Listen), đặt câu hỏi (Ask questions), gật đầu khi người khác nói với mình (Nod when being spoken to), và mắt dõi theo (Track with your eyes). Trên những bức tường dọc theo hành lang của trường treo đầy cờ hiệu của những trường đại học cao đẳng mà các học sinh tốt nghiệp từ KIPP tiếp tục theo học. Năm ngoái, hàng trăm gia đình trên khắp khu Bronx đã tham dự buổi rút thăm vào hai lớp Năm của KIPP. Không hề quá lời khi nói rằng chỉ trong vòng hơn mười năm tồn tại, KIPP đã trở thành một trong những trường công đáng mơ ước nhất của thành phố New York.

Lĩnh vực mà KIPP nức tiếng nhất chính là môn Toán. Ở khu Nam Bronx, chỉ có khoảng 16% học sinh trung học đáp ứng đúng hoặc cao hơn bậc học của mình về môn toán. Nhưng ở KIPP, đến cuối lớp Năm, rất nhiều học sinh đã nói Toán chính là môn học yêu thích của các em. Vào lớp Bảy, học sinh KIPP đã bắt đầu môn Đại số của bậc trung học. Đến cuối năm lớp Tám, 84% học sinh đã đáp ứng đúng hoặc cao hơn yêu cầu của bậc học. Điều đó thể hiện rằng nhóm trẻ em gia đình thu nhập thấp xuất thân từ những căn hộ nhếch nhác tại một trong những vùng phụ cận tồi tàn nhất nước Mỹ − được lựa chọn một cách ngẫu nhiên và pha tạp, cha mẹ các em đa phần chưa từng đặt chân tới trường đại học hay cao đẳng, lại học tốt môn Toán không thua kém gì những học sinh lớp Tám với đầy đủ ưu đãi ở những vùng ngoại ô giàu có của nước Mỹ. “Kiến thức mà đám trẻ của chúng tôi đang học là hoàn toàn phù hợp,” David Levin nói, ông là người sáng lập KIPP vào năm 1994 cùng một giáo viên cộng sự − Micheal Feinberg. “Các em phải vật lộn đôi chút với kỹ năng viết. Nhưng khi rời khỏi đây, chúng đã rất cừ môn Toán.”

Giờ đây đã có hơn 50 trường học theo mô hình KIPP trên khắp nước Mỹ cùng nhiều trường khác đang trong quá trình thành lập. Chương trình KIPP đại diện cho một trong những triết lý giáo dục mới mẻ hứa hẹn nhất ở nước Mỹ. Nhưng thành công của nó được hiểu chính xác nhất không phải bằng việc đánh giá chương trình giảng dạy, đội ngũ giáo viên, nguồn lực của nhà trường hay kiểu sáng kiến từ thiện nào đó. KIPP chính xác là một tổ chức đã đạt được thành công nhờ vào việc nhìn nhận một cách nghiêm túc vấn đề di sản văn hóa.

 

Đầu thế kỷ XIX, một nhóm các nhà cải cách bắt tay vào thành lập một hệ thống giáo dục công lập trên đất nước Hoa Kỳ. Địa điểm được chọn chuyển đổi mục đích sử dụng thành trường công lúc bấy giờ chỉ là một cụm lộn xộn bừa bãi bao gồm những ngôi trường một phòng học do địa phương tự điều hành và những lớp học ở các khu thành thị quá ư đông đúc nằm rải rác trên khắp đất nước. Ở các vùng nông thôn, trường học đóng cửa vào mùa xuân và mùa thu, nhưng hoạt động suốt mùa hè, nhờ vậy mà vào các vụ trồng trọt và thu hoạch bận rộn lũ trẻ có thể giúp đỡ được gia đình. Ở thành phố, rất nhiều trường học phản ánh những lịch trình công việc dài và lộn xộn của các bậc phụ huynh lũ trẻ thuộc tầng lớp lao động. Các nhà cải cách muốn đảm bảo chắc chắn rằng tất cả trẻ em được đến trường và rằng trường công đó phải toàn diện, nghĩa là tất cả trẻ em được dạy dỗ đầy đủ để học đọc, học viết, làm toán căn bản và thực hiện các nhiệm vụ như những công dân hữu ích.

Nhưng nhà sử học Kenneth Gold đã chỉ ra rằng, các nhà cải cách giáo dục thời kỳ đầu cũng đặc biệt quan tâm đến việc trẻ em không bị dạy dỗ quá tải. Lấy thí dụ, vào năm 1871, Uỷ viên hội đồng giáo dục Mỹ đã công bố một báo cáo do Edward Jarvis, một nhà nghiên cứu giáo dục, thực hiện về vấn đề “Mối liên quan giữa Giáo dục với Tình trạng mất trí.” Jarvis đã nghiên cứu 1.741 ca bệnh mất trí và kết luận rằng “học hành quá tải” là nguyên nhân gây ra 205 ca trong số đó. “Giáo dục tạo ra nền tảng cho phần lớn nguyên nhân gây rối loạn về trí não,” Jarvis nói. Tương tự như thế, nhân vật tiên phong về giáo dục công tại Masachusettes − Horace Mann (1796 − 1859) tin rằng bắt sinh viên phải làm việc quá vất vả cũng tạo ra một “ảnh hưởng nguy hại bậc nhất đối với tính cách và các thói quen... Chẳng hiếm khi chính sức khỏe bị hủy hoại bởi việc kích thích trí não quá mức.” Trong các chuyên san giáo dục thời bấy giờ, luôn thường trực mối lo lắng về việc đòi hỏi quá gắt đối với học sinh hay quá nhiều bài vở ở trường lớp sẽ làm cùn mòn những năng lực tự nhiên của chúng.

Gold viết:

Các nhà cải cách tranh đấu cho những phương cách giảm bớt thời gian dành cho việc học hành, những giai đoạn nghỉ ngơi dài hơi có thể tránh cho trí não khỏi những thương tổn. Vì lý do đó, trong thế kỷ XIX, việc loại bỏ các lớp học Chủ nhật, rút ngắn ngày học và kéo dài kỳ nghỉ − đã được thực hiện. Các giáo viên được cảnh báo rằng “khi yêu cầu (học sinh) học hành, cơ thể các em không nên bị vắt kiệt sức lực bởi việc áp chế lâu dài, trí não các em cũng không nên bị sự chuyên tâm kéo dài làm cho lúng túng.” Việc nghỉ ngơi cũng đưa ra những cơ hội đặc biệt để tăng cường các kỹ năng nhận thức và phân tích. Như một cộng tác viên cho tạp chí Massachusettes Teacher khuyến nghị, “cũng đã đến lúc giải tỏa khỏi tình trạng căng thẳng liên quan đến việc học hành thực tế trong đó các cô bé và cậu bé, cả những người đàn ông và phụ nữ hình thành các thói quen tư duy và phản ánh, định hình những kết luận của chính bản thân mình một cách độc lập khỏi những gì họ được dạy dỗ, độc lập khỏi uy quyền của những người khác.”

Ý tưởng − rằng những nỗ lực bỏ ra phải được cân bằng lại bằng việc nghỉ ngơi tương xứng − đương nhiên là rất khác biệt so với những quan niệm của châu Á về học hành và làm việc. Nhưng cũng phải nhắc lại, thế giới quan châu Á được định hình bởi những cánh đồng lúa nước. Ở vùng đồng bằng Châu Giang, người nông dân trồng lúa canh tác hai và đôi khi là ba mùa vụ mỗi năm. Đất đai chỉ bị bỏ hoang trong những khoảng thời gian ngắn ngủi. Trên thực tế, một trong những đặc điểm nổi bật của canh tác lúa nước là nhờ hệ thống tưới tiêu khoa học, các chất dinh dưỡng được chuyên chở theo dòng nước để bồi đắp cho ruộng đồng, vì thế một khoảnh đất được thâm canh nhiều bao nhiêu, nó càng màu mỡ bấy nhiêu.

Nhưng thực tiễn nền nông nghiệp phương Tây hoàn toàn ngược lại. Nếu một cánh đồng lúa mỳ hay ngô không được bỏ hoang vài năm một lần, đất đai sẽ bị kiệt quệ. Mỗi tiết đông sang, ruộng đồng lại trống trải. Những công việc trồng trọt nặng nhọc vào mùa xuân và thu hoạch vào mùa thu cứ nối tiếp đều đặn bởi nhịp độ chậm rãi hơn vào mùa hè và mùa đông. Đây chính là logic mà các nhà cải cách áp dụng vào việc nuôi dưỡng những trí não trẻ trung. Chúng ta xây dựng những ý tưởng mới mẻ dựa trên những sự vật tương đồng, đi từ những gì chúng ta đã biết đến những gì còn chưa biết, và điều mà các nhà cải cách biết rõ chính là nhịp độ của các vụ mùa nông nghiệp. Trí não buộc phải được trau dồi. Nhưng không thể quá nhiều để nó khỏi bị quá tải. Và đâu mới là phương thuốc chữa trị cho những hiểm nguy của tình trạng ấy? Kỳ nghỉ hè dài − một di sản kỳ lạ và khác biệt của nước Mỹ đã sản sinh ra những hệ quả sâu xa đối với các hình mẫu học tập của học sinh ngày nay.

 

Trong các cuộc tranh luận về giáo dục ở Mỹ, kỳ nghỉ hè là một chủ đề hiếm khi được đề cập tới. Nó được coi là một thành phần thường trực và bất khả xâm phạm trong đời sống học đường, giống như bóng bầu dục hay dạ vũ trường trung học. Nhưng, hãy nhìn vào điểm số kiểm tra của các trường tiểu học và thử xem niềm tin của bạn vào giá trị của những kỳ nghỉ hè dài dằng dặc có dao động một cách sâu sắc hay không.

Những số liệu này xuất phát từ nghiên cứu do nhà xã hội học Karl Alexander thuộc Đại học Johns Hopkins chủ trì. Alexander đã theo dõi tiến triển của 650 em học sinh lớp Một trong hệ thống trường công Baltimore, quan sát xem chúng đạt kết quả ra sao trong các bài kiểm tra Toán học và Kỹ năng Đọc được sử dụng rộng rãi có tên là California Achievement Test (Tạm dịch: Kiểm tra Thành tích California). Sau đây là kết quả môn Đọc hiểu trong năm năm đầu tiên của cấp Tiểu học, được phân chia dựa theo giai tầng kinh tế xã hội − Hạ, Trung và Thượng lưu.

Hãy nhìn vào cột thứ nhất. Các em học sinh khởi đầu năm lớp Một với những khác biệt rõ rệt nhưng không đến nỗi quá lớn trong cả kiến thức và khả năng. Các em lớp Một đến từ những gia đình khá giả có lợi thế 32 điểm so với những bè bạn đồng trang lứa đến từ các gia đình nghèo khó − và cũng phải nói thêm, những em lớp Một đến từ các gia đình nghèo ở Baltimore thực sự bần cùng. Giờ thì hãy nhìn vào cột lớp Năm. Đến khi ấy, tức bốn năm sau, khoảng cách khiêm tốn ban đầu giữa giàu và nghèo đã gấp hơn hai lần.

“Khoảng cách thành tích” này là một hiện tượng đã được quan sát nhiều lần, và về cơ bản nó gợi ra một trong hai cách lý giải. Câu trả lời thứ nhất là những đứa trẻ thiệt thòi hơn đơn giản không có được năng lực vốn có để học hành như những trẻ em xuất thân từ hoàn cảnh lợi thế hơn. Chúng không được thông minh như thế. Còn thứ hai, một kết luận có chút lạc quan hơn là, xét theo một cách nào đó, các trường học của chúng ta đã tự đánh trượt các trẻ em nghèo: chỉ đơn giản là chúng ta chưa làm đủ tốt công việc dạy dỗ những kỹ năng mà các em cần. Nhưng đây chính là điểm mà nghiên cứu của Alexander trở nên thú vị, bởi hóa ra chẳng có cách lý giải nào trong số đó là chính xác cả.

Thành phố Baltimore không chỉ đưa ra bài Kiểm tra Thành tích California cho học sinh của mình mỗi khi kết thúc năm học vào tháng Sáu. Họ còn tổ chức kiểm tra vào tháng Chín, ngay sau khi kỳ nghỉ hè kết thúc. Điều mà Alexander nhận ra là bộ kết quả kiểm tra thứ hai cho phép ông đưa ra một phân tích hơi khác một chút. Nếu ông nhìn vào sự sai biệt giữa điểm số của một học sinh đạt được khi bắt đầu năm học mới (tháng Chín) và điểm số mà em này đạt được vào tháng Sáu năm sau đó, ông có thể đo được − một cách chính xác − xem em học sinh ấy lĩnh hội được bao nhiêu kiến thức trong cả năm học. Và nếu ông nhìn vào sự sai biệt giữa điểm số của một học sinh vào tháng Sáu và rồi là vào tháng Chín cùng năm đó, ông có thể xác định được em học sinh ấy đã học được bao nhiêu trong thời gian nghỉ hè. Nói cách khác, ông có thể phát hiện ra dù ít dù nhiều, xem bao nhiêu phần trong khoảng cách thành tích ấy là kết quả của những gì xảy ra trong suốt một năm học, và nó liên quan đến mức nào với những gì xảy ra trong kỳ nghỉ hè.

Hãy bắt đầu với những thu hoạch của năm học. Bảng dưới đây thể hiện điểm số của các em học sinh đã tăng lên bao nhiêu điểm tính từ khi các em bắt đầu vào học (tháng Chín) cho tới khi bế giảng (tháng Sáu). Cột “Tổng cộng” thể hiện tổng số điểm tích lũy được trong cả năm năm của cấp Tiểu học.

Còn dưới đây lại là một câu chuyện hoàn toàn khác với câu chuyện mà bảng điểm thứ nhất gợi ra. Bộ kết quả kiểm tra đầu tiên thể hiện rằng những đứa trẻ ở các gia đình thu nhập thấp dường như tụt hậu trong lớp. Nhưng ở đây chúng ta sẽ thấy rõ ràng rằng điều đó không chính xác. Hãy nhìn vào cột “Tổng cộng”. Tính trong cả năm năm bậc Tiểu học, các trẻ em nghèo “vượt qua” các em nhà giàu với 189 điểm so với 184 điểm. Chúng chỉ tụt lại phía sau các em trung lưu với một khoảng cách khiêm tốn, và, thực tế là, trong một năm − lớp Hai, các em còn đạt kết quả tốt hơn cả các học sinh gia đình trung lưu và thượng lưu.

Tiếp theo, hãy cùng xem điều gì xảy ra khi chúng ta quan sát điểm số môn Đọc hiểu thay đổi trong kỳ nghỉ hè.

Bạn đã thấy sai biệt chưa? Hãy nhìn vào cột thứ nhất, hãy xem điều gì xảy ra trong mùa hè ngay sau năm học lớp Một. Những đứa trẻ nhà giàu nhất trở lại trường học vào tháng Chín và điểm số môn Đọc hiểu của chúng tăng vọt hơn 15 điểm. Những đứa trẻ nhà nghèo trở lại trường học sau kỳ nghỉ và điểm số Đọc hiểu giảm xuống khoảng 4 điểm. Những đứa trẻ nghèo có thể học tốt hơn các bạn nhà giàu trong suốt năm học. Nhưng đến mùa hè, chúng lại bị tụt xa ở phía sau.

Giờ hãy nhìn vào cột cuối cùng, ở đó tính tổng cộng điểm số đạt được trong tất cả các mùa hè từ năm lớp Một cho tới lớp Năm. Điểm số môn Đọc hiểu của các em nghèo chỉ tăng lên 0,26 điểm. Khi xem xét kỹ năng Đọc hiểu, trẻ em nghèo hầu như không học được gì trong thời gian không phải kỳ học. Điểm số Đọc hiểu của các em nhà khá giả thì ngược lại, tăng lên đáng kinh ngạc 52,49 điểm. Có thể thấy lợi thế mà những học sinh gia đình khá giả có được so với các bạn học nhà nghèo chính là kết quả của những khác biệt trong cách mà những trẻ em có điều kiện sống tốt tiếp tục trau dồi khi không ở trong môi trường lớp học.

Chúng ta nhìn thấy gì ở đây? Một khả năng rất thực tế rằng có những hệ quả giáo dục xuất phát từ những khác biệt trong phong cách giáo dục con cái mà chúng ta đã từng nói đến trong chương về Chris Langan. Hãy nhớ lại Alex Williams, cậu bé chín tuổi mà Annette Lareau đã nghiên cứu. Cha mẹ cậu đặt lòng tin vào phương cách giáo dục có tính toán. Cậu được dẫn tới các viện bảo tàng, ghi danh vào những chương trình đặc biệt và đi đến trại hè, tham gia các lớp học. Khi cậu cảm thấy buồn chán ở nhà, có biết bao nhiêu sách vở cho cậu đọc, và cha mẹ cậu coi việc thúc đẩy con mình tham dự một cách chủ động vào thế giới xung quanh cậu là trách nhiệm của chính họ. Chẳng phải khó khăn gì để thấy rằng qua mùa hè Alex sẽ tiến bộ hơn về Đọc hiểu và Toán.

Nhưng việc đó không xảy ra với Katie Brindle, cô bé xuất thân từ khu nghèo khổ. Gia đình không có đủ tiền để cho cô bé đến trại hè. Cô không được mẹ lái xe đưa đến các lớp học đặc biệt, và cũng chẳng có sách chồng chất quanh phòng để cô bé đọc nếu cảm thấy buồn chán. Hầu như chắc chắn chỉ có một chiếc vô tuyến. Chắc hẳn cô bé cũng có một dịp nghỉ hè tuyệt vời, làm quen với bạn mới, vui chơi ngoài trời, đi xem chiếu bóng, trải qua những ngày hè vô tư phóng khoáng mà tất cả chúng ta đều mơ ước. Nhưng không thứ gì trong số đó có khả năng nâng cao kỹ năng môn Toán học và Đọc hiểu của cô, và mỗi ngày hè vô tư trôi qua lại đẩy cô bé lùi xa nữa, xa nữa sau Alex. Alex không chắc đã thông minh hơn Katie. Chỉ là cậu bé học nhiều hơn cô bé: cậu bé trải qua vài tháng trời học hành liên tục suốt mùa hè trong khi cô bé chỉ xem tivi và vui chơi ngoài trời.

Điều mà nghiên cứu của Alexander gợi ý chính là cách thức người ta vẫn thảo luận về giáo dục trên khắp nước Mỹ thật ngược đời. Một khối lượng thời gian lớn đã được bỏ ra để bàn bạc về cách giảm thiểu quy mô lớp học, biên soạn lại giáo trình, mua cho mỗi học sinh một chiếc laptop mới tinh và tăng thêm quỹ trường học − tất cả những động thái ấy thừa nhận rằng có điều gì đó sai lầm căn bản trong những việc mà nhà trường vốn vẫn đang làm. Nhưng thử nhìn vào bảng thứ hai, trong đó thể hiện những gì xảy ra từ khoảng tháng Chín đến tháng Sáu. Giáo dục trong nhà trường có tác dụng. Vấn đề duy nhất với trường học − đối với những em học sinh không đạt thành tích tốt − chính là chúng chưa nhận được đủ sự dạy dỗ từ môi trường học đường.

Trên thực tế, Alexander đã thực hiện một phép tính rất đơn giản để chứng minh điều sẽ xảy ra nếu học trò Baltimore đến trường quanh năm suốt tháng: Câu trả lời là các em nhà nghèo và các em nhà giàu, tính đến cuối cấp Tiểu học, sẽ đạt trình độ gần như tương đương nhau trong môn Toán và Đọc hiểu.

Xem xét trên quan điểm này, bạn sẽ thấy những nguyên cớ dẫn tới vị thế ưu việt trong môn Toán của châu Á trở nên sáng rõ. Học sinh trong các trường học châu Á không có những kỳ nghỉ hè dài hơi. Tại sao lại thế? Những nền văn hóa, vốn vẫn tin tưởng rằng con đường duy nhất dẫn tới thành công là việc cần mẫn thức dậy trước bình minh 360 ngày một năm, hầu như sẽ không đời nào lại phóng tay cho lũ trẻ tới ba tháng nghỉ ngơi mùa hè. Một năm học ở nước Mỹ, tính trung bình kéo dài 180 ngày. Năm học của Hàn Quốc là 220 ngày. Năm học ở Nhật Bản là 243 ngày.

Một trong những câu trong bài kiểm tra toán gần đây cho học sinh trên toàn thế giới là: những câu hỏi về Đại số, Giải tích và Hình học trong bài test này bao quát được bao nhiêu phần nội dung kiến thức chủ yếu các em đã từng học trên lớp. Đối với học sinh lớp Mười Hai của Nhật Bản, câu trả lời là 92%. Đó chính là giá trị của việc đến trường 243 ngày một năm. Bạn có đủ thời gian để học được tất cả những gì cần phải học − và bạn có ít thời gian để xóa bỏ nó. Đối với học sinh lớp Mười Hai của Mỹ, con số tương ứng là 54%. Đối với những em học sinh thuộc tầng lớp nghèo, trường học của Mỹ chẳng có vấn đề gì hết. Chỉ kỳ nghỉ hè là có vấn đề, và đó cũng là vấn đề mà các trường KIPP bắt tay vào giải quyết. Họ quyết định đem những bài học đúc rút ra từ những cánh đồng lúa nước đến áp dụng cho những thành phố nội ô nước Mỹ.

 

“Giờ học bắt đầu vào lúc bảy giờ hai mươi lăm phút,” David Levin nói về các học sinh tại Học viện KIPP Bronx. “Các em đều trải qua một khoảng thời gian rèn luyện kỹ năng tư duy đến bảy giờ năm mươi lăm phút. Chúng học chín mươi phút môn tiếng Anh, chín mươi phút môn Toán mỗi ngày, trừ ở lớp Năm, các em học hai tiếng môn Toán mỗi ngày. Ít nhất hai lần mỗi tuần các em sẽ học: một tiếng cho môn Khoa học, một tiếng cho Khoa học Xã hội, một tiếng cho Âm nhạc, và rồi trải qua một tiếng mười lăm phút cuối cùng cho hòa nhạc. Mọi người đều tham gia hòa nhạc. Một ngày học kéo dài từ bảy giờ hai mươi lăm phút đến năm giờ chiều. Sau khi tan học lúc năm giờ chiều, học sinh ở lại trường tham gia vào các câu lạc bộ làm bài tập về nhà, hay đội luyện tập thể dục thể thao. Có những học sinh đến trường từ bảy giờ hai mươi lăm phút sáng cho tới bảy giờ tối. Ngày học bình thường, bỏ qua một bên bữa trưa và giờ giải lao, những đứa trẻ của chúng ta đã học nhiều hơn so với học sinh trường công truyền thống từ 50 đến 60% thời gian”.

Levin đứng trong hành lang chính của trường. Lúc đó là giờ ăn trưa, các học sinh đứng vào hàng đúng trật tự, tất cả đều mặc đồng phục Học viện KIPP. Levin chặn một em bé gái đuôi áo bị bung ra ngoài. “Giúp chú nhé, khi nào cháu có cơ hội,” ông gọi với theo, làm một cử chỉ giữ bí mật. Ông nói tiếp: “Các ngày thứ Bảy, chúng học từ chín giờ sáng đến một giờ chiều. Mùa hè thời gian học là từ tám giờ sáng đến hai giờ chiều.” Khi nói đến mùa hè, Levin đang nhắc tới thực tế rằng các em học sinh của KIPP trải qua thêm ba tuần học phụ trội vào tháng Bảy. Xét cho cùng, đây chính xác là nhóm trẻ em của những gia đình thu nhập thấp mà Alexander đã xác định là bị mất căn bản trong kỳ nghỉ hè dài, vậy nên cách ứng phó của KIPP đơn giản là không cho phép một kỳ nghỉ hè dài nữa.

“Khởi đầu khá khó khăn,” ông nói tiếp. “Đến cuối ngày các em ngọ ngoạy không yên. Một phần là chịu đựng, một phần là động lực. Một phần trong đó là những khuyến khích, tưởng thưởng và những niềm vui thích. Một phần trong đó là kỷ luật kiểu truyền thống có hiệu quả. Bạn trộn tất cả những thứ đó vào chung một nồi. Ở đây chúng tôi nói rất nhiều về sự bền bỉ chịu đựng và tự kiểm soát. Bọn trẻ biết rõ những từ ấy có ý nghĩa gì.”

Levin bước dọc hành lang đến một phòng học Toán lớp Tám và đứng yên lặng ở cuối lớp. Một em học sinh tên Aaron đang đứng trước lớp, tự tìm cách giải cho một vấn đề trong tờ bài tập kỹ năng tư duy mà tất cả các học sinh KIPP được yêu cầu phải làm mỗi buổi sáng. Giáo viên − một người đàn ông cột tóc đuôi ngựa khoảng ba mươi tuổi tên là Frank Corcoran, ngồi ở một bên, chỉ thi thoảng xen vào chỉ dẫn cho cuộc thảo luận. Đó là kiểu khung cảnh vẫn diễn đi diễn lại hàng ngày trong các lớp học ở Mỹ − nhưng với một điểm khác biệt. Aaron đứng lên trước lớp, xử trí với duy nhất vấn đề đó trong suốt hai mươi phút đồng hồ − một cách có phương pháp, thật cẩn thận, với sự hỗ trợ của cả lớp, không chỉ là tìm ra đáp án, mà còn phải vượt qua câu hỏi liệu rằng có hơn một cách tìm ra lời giải hay không. Đó chính là sự tái diễn lại từ đầu việc Renee tỉ mẩn phát hiện ra khái niệm hệ số góc bất định.

“Điều mà khoảng thời gian phụ thêm làm được chính là đem tới một không khí thư giãn hơn,” Corcoran nói, sau khi giờ học kết thúc. “Tôi nhận thấy vấn đề tồn tại trong việc dạy học môn Toán chính là cách tiếp cận theo kiểu tự bơi hay là chết chìm. Mọi thứ đều là ganh đua chớp nhoáng, và những em đến đích đầu tiên là những người được tưởng thưởng. Vậy nên mới dẫn tới một thứ cảm giác là môn toán dành riêng cho một số người còn những người khác thì không. Tôi nghĩ những khoảng thời gian nới rộng ra đem lại cho bạn cơ hội giải thích các thứ khi ở vai trò giáo viên và thêm thời gian cho lũ trẻ ngồi lại và suy nghĩ kỹ càng mọi điều đang diễn ra − để xem xét, để làm tất cả với nhịp độ chậm rãi hơn. Như thế có vẻ ngược đời nhưng chúng tôi làm mọi thứ với nhịp độ chậm rãi hơn và kết quả là, chúng tôi đạt được nhiều hơn. Kiến thức được ghi nhớ, được hiểu sâu sắc hơn. Nó cũng khiến tôi thoải mái hơn chút. Chúng tôi có thời gian để bày ra các trò chơi. Bọn trẻ có thể hỏi bất cứ câu nào các em muốn, và nếu tôi giải thích điều gì đó, tôi không cảm thấy ức chế về mặt thời gian. Tôi có thể lật lại các vấn đề mà không cảm thấy áp lực thời gian.” Khoảng thời gian phụ trội còn đem lại cho Corcoran cơ hội biến môn Toán trở nên có ý nghĩa: làm cho các em học sinh cảm nhận rõ hơn mối liên hệ giữa nỗ lực và tưởng thưởng.

Trên các bức tường quanh lớp học là hàng tá bằng chứng nhận của kỳ kiểm tra Uỷ viên Hội đồng thành phố New York, xác nhận vị trí hạng nhất cho các học sinh của Corcoran. “Trong lớp chúng tôi có một học sinh nữ” Corcoran nói. “Em đó từng học toán rất tệ ở lớp Năm. Mỗi khi chúng tôi thực hiện giờ bổ trợ vào Chủ nhật cho học sinh yếu môn toán, em thường khóc. Nước mắt rơi lã chã.” Nhớ lại kỷ niệm cũ, Corcoran tỏ ra đôi chút xúc động. Anh nhìn xuống. “Cô bé vừa mới gửi e-mail cho chúng tôi mấy tuần trước. Giờ thì em đã vào đại học. Em là tân sinh viên chuyên ngành kế toán.”

 

Câu chuyện mang màu sắc thần kỳ về một ngôi trường biến đổi những kẻ thất bại thành người chiến thắng, đương nhiên, đã quá quen thuộc. Đó là thứ nhan nhản trong những cuốn sách lãng mạn và những bộ phim Hollywood sụt sùi ủy mị. Hiện thực ở những nơi như Học viện KIPP kém hào nhoáng hơn thế nhiều. Để hiểu được về thời gian học phụ trội thêm 50 đến 60% là như thế nào, hãy lắng nghe mô tả về một ngày điển hình trong đời sống của một học sinh KIPP.

Tên của học sinh đó là Marita. Em là con duy nhất của một bà mẹ đơn thân. Mẹ em chưa bao giờ học đại học. Hai mẹ con sống trong căn hộ một phòng ngủ ở khu Bronx. Trước đây Marita học tại trường của giáo xứ ở cuối phố, cho đến khi mẹ em nghe nói về KIPP. “Lúc đó cháu đang học lớp Bốn, cháu và một đứa bạn tên là Tanya đăng ký vào KIPP,” Marita kể. “Cháu nhớ Cô Owens. Cô ấy phỏng vấn cháu, và cách cô ấy nói làm cho mọi thứ có vẻ khó khăn đến nỗi cháu nghĩ cháu sắp sửa bị cầm tù. Suýt nữa cháu đã bật khóc. Còn cô ấy thì nói kiểu như: Nếu em không muốn, em không phải ký đâu. Nhưng mẹ cháu ở ngay đấy, thế nên cháu ký.”

Với chữ ký ấy, cuộc đời cô bé đã thay đổi. (Hãy luôn ghi nhớ rằng Marita mới mười hai tuổi khi đọc những dòng dưới đây) :

“Cháu thức dậy vào lúc năm giờ bốn mươi lăm phút sáng, đánh răng, tắm táp” cô bé nói. “Cháu sẽ ăn sáng một chút ở trường, nếu bị đến trễ. Thường thì cháu vẫn bị rầy la vì cháu lề mề chậm chạp quá. Cháu gặp các bạn Diana và Steven ở bến xe buýt và chúng cháu lên xe buýt số Một.”

Thức dậy lúc 5:45 là tương đối phổ biến với học sinh KIPP, đặc biệt là chuyện nhiều em đi xe buýt và tàu điện đường dài đều đặn bằng vé tháng để đến trường. Levin có lần đã bước vào một phòng học Nhạc lớp Bảy với bảy mươi đứa trẻ trong đó và yêu cầu các em thử giơ tay xem chúng thức dậy lúc mấy giờ. Một nhóm nhỏ nói các em dậy sau bảy giờ. Ba phần tư nói các em dậy trước sáu giờ. Và nhiều em nói rằng chúng thức dậy trước 5:30. Một bạn cùng lớp của Marita − cậu bé tên José, nói rằng đôi khi em thức dậy vào lúc ba hay bốn giờ sáng, hoàn thành nốt bài tập về nhà còn lại từ hôm trước và rồi “quay trở lại chợp mắt thêm một chút.”

Marita kể tiếp:

Cháu rời khỏi trường vào lúc năm giờ chiều, và nếu cháu không la cà đây đó thì cháu sẽ về đến nhà vào khoảng năm giờ ba mươi. Cháu chào mẹ thật nhanh rồi bắt tay vào làm bài tập. Nếu hôm ấy không có quá nhiều bài tập, thì cháu sẽ mất khoảng hai hay ba tiếng đồng hồ và sẽ làm xong vào khoảng chín giờ tối. Hay nếu chúng cháu có bài luận thì cháu sẽ xong xuôi vào khoảng mười giờ, hay mười giờ rưỡi đêm.

Mẹ thường xen ngang bảo cháu nghỉ tay để ăn tối. Cháu nói với mẹ là cháu muốn làm xong luôn một thể, nhưng mẹ nói cháu phải ăn cái đã. Nên khoảng tám giờ, mẹ cho cháu nghỉ ngơi ăn tối chừng nửa tiếng và rồi cháu tiếp tục làm bài. Sau đó, thường khi làm bài tập xong, mẹ cháu muốn nghe kể về trường lớp, nhưng cháu phải nói thật nhanh vì cháu còn phải đi ngủ lúc mười một giờ. Thế nên cháu chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng và vào giường nằm. Cháu kể mẹ nghe về ngày đi học và những chuyện đã xảy ra. Khi cháu kể chuyện xong, mẹ cháu thường đã gà gật ngủ rồi, nên chắc là khoảng mười một giờ mười lăm. Sau đó cháu ngủ, sáng hôm sau hai mẹ con lại bắt đầu mọi việc hệt như thế. Hai mẹ con ở trong cùng một phòng. Nhưng đấy là một phòng ngủ lớn và có thể chia đôi, hai mẹ con kê giường ở hai bên. Cháu với mẹ rất thân thiết với nhau.

Cô bé kể chuyện với kiểu thật-thà-như-đếm của những đứa trẻ không hề biết rằng tình thế của các em bất thường đến nhường nào. Em đã trải qua những khoảng thời gian của một luật sư gắng sức thuyết phục đối tác hay của một bác sĩ nội trú. Không thấy dấu vết của những quầng thâm dưới mắt hay một cốc cà phê nghi ngút khói trước mặt chỉ là vì em còn quá nhỏ cho những thứ đó.

“Đôi khi cháu không đi ngủ đúng giờ,” Marita tiếp tục. “Cháu đi ngủ vào lúc chừng mười hai giờ khuya, và buổi chiều hôm sau, cơn buồn ngủ sẽ hạ gục cháu. Cháu sẽ gà gật trong lớp học. Nhưng cháu phải cố gắng tỉnh ngay bởi vì cháu còn phải nghe giảng nữa. Cháu vẫn nhớ một lần ở trong lớp, cháu ngủ thiếp đi, thầy giáo nhìn thấy và bảo, 'Thầy có thể nói chuyện với em sau giờ học chứ?' Thầy hỏi cháu, 'Sao em lại ngủ gật?' Cháu kể với thầy là cháu đi ngủ muộn. Và thầy bảo: 'Em phải đi ngủ sớm hơn.'’’

 

Cuộc sống của Marita không phải cuộc sống đặc trưng thuộc về một đứa trẻ mười hai tuổi. Đó cũng chẳng phải là điều chúng ta ước ao cho một đứa trẻ mười hai tuổi. Chúng ta vẫn muốn tin tưởng rằng trẻ em nên có thời gian để vui chơi, mơ mộng và ngủ ngoan. Nhưng Marita có những trách nhiệm. Những thứ đòi hỏi ở em cũng giống hệt những điều đòi hỏi đối với các phi công người Hàn Quốc. Để trở thành một người xuất sắc ở lĩnh vực của mình, họ buộc phải từ bỏ ít nhiều cá tính riêng, bởi xuyên suốt nền văn hóa Hàn Quốc với lòng tôn kính sâu sắc dành cho uy quyền đơn giản là không thể phát huy tác dụng trong khoang lái. Marita cũng phải thực hiện điều tương tự vì di sản nền văn hóa mà cô bé được thừa hưởng không hề phù hợp với hoàn cảnh của em − không phù hợp khi mà các gia đình trung lưu và trung − thượng lưu tận dụng các dịp cuối tuần và kỳ nghỉ hè để thúc đẩy con cái mình tiến về phía trước. Cộng đồng xung quanh cô bé không đem lại cho em những gì em cần. Vậy cô bé phải làm gì? Từ bỏ những buổi tối, kỳ cuối tuần thú vị và cả bạn bè − tất cả những yếu tố của thế giới cũ − và thay thế chúng bằng KIPP.

Đoạn dưới đây là tâm sự có phần đau lòng của Marita:

Khi chúng cháu bắt đầu vào lớp Năm, cháu vẫn thường liên lạc với một trong số các bạn gái ở trường cũ, và cứ rời khỏi trường học vào ngày thứ Sáu là cháu sẽ đến nhà bạn đó, ở lại cho đến khi mẹ cháu đi làm về. Vậy nên cháu sẽ ở nhà bạn và sẽ làm bài tập luôn. Bạn cháu thì chẳng bao giờ có bài tập về nhà cả. Bạn ấy nói, “Ôi, Chúa ơi, cậu phải ở đấy muộn nhỉ.” Rồi bạn ấy bảo muốn vào học ở KIPP, nhưng sau đó lại nói rằng KIPP thì khó quá và bạn ấy cũng không muốn phải làm như thế. Cháu giải thích cho bạn ấy rằng, “Mọi người đều nói là KIPP khó, nhưng một khi cậu hiểu rõ nó rồi thì cũng không khó khăn đến thế đâu.” Bạn ấy trả lời, “Đấy là vì cậu thông minh.” Cháu nói, “Không, tất cả chúng mình đều thông minh mà.” Bạn ấy không hào hứng gì lắm bởi vì chúng cháu phải ở lại trường đến tận năm giờ chiều và có rất nhiều bài tập về nhà, cháu bảo bạn là làm bài tập về nhà sẽ giúp chúng cháu học trên lớp tốt hơn. Bạn nói rằng bạn không muốn nghe hết bài thuyết giảng đâu. Bây giờ tất cả bạn bè của cháu đều học ở KIPP hết.

Như thế có phải là đòi hỏi quá nhiều ở một đứa trẻ không? Đúng vậy. Nhưng hãy nghĩ về mọi thứ từ góc độ của Marita. Cô bé đã có một giao kèo với trường học. Em sẽ thức dậy vào lúc năm giờ-bốn-mươi-lăm-phút sáng, đi học cả vào ngày thứ Bảy, làm bài tập đến mười một giờ khuya. Ngược lại, KIPP hứa hẹn rằng nó sẽ đón nhận những đứa trẻ mắc kẹt trong cảnh đói nghèo như cô bé và đem đến cho chúng một cơ may để thoát ra khỏi đó. Nó sẽ đảm bảo cho 84% tổng số học sinh đạt mức thậm chí vượt trình độ cấp học của mình về môn Toán. Nhờ vào việc thực thi lời hứa đó, 90% học sinh của KIPP đã giành được học bổng của các trường trung học tư nhân hay trường thuộc giáo xứ thay vì phải đi học tại những hệ thống trường trung học làng nhàng trong khu Bronx. Và nhờ những trải nghiệm ở cấp trung học như thế, hơn 80% học sinh tốt nghiệp từ KIPP sẽ tiếp tục theo học đại học/cao đẳng, trong đó rất nhiều trường hợp đã trở thành người đầu tiên của gia đình vào đại học.

Làm sao đó lại là một thỏa thuận tồi được? Tất cả những gì chúng ta đã tiếp nhận trong cuốn Những kẻ xuất chúng này nói lên rằng thành công luôn tuân theo một chiều hướng có thể dự đoán. Không phải cứ là người xuất sắc nhất mới thành công. Nếu như thế, Chris Langan đã ngang hàng với Einstein rồi. Cũng không phải thành công chỉ đơn giản là tổng cộng của những quyết định, nỗ lực mà chúng ta thực hiện nhân danh bản thân mình. Thành công đúng hơn là một món quà. Kẻ xuất chúng là những người được ban tặng các cơ hội − và họ có đủ cả nội lực cũng như năng lực trí não để nắm bắt lấy cơ may ấy. Đối với các tuyển thủ khúc côn cầu và bóng đá sinh vào tháng Giêng, cơ hội tốt nhất là được góp mặt vào đội hình toàn-sao. Đối với ban nhạc Beatles, đó là Hamburg. Đối với Bill Gates, vận may chính là được sinh ra vào đúng thời điểm và đón nhận món quà từ bộ thiết bị đầu cuối ở trường trung học cơ sở. Joe Flom và những sáng lập viên của hãng Watchtell, Lipton, Rosen & Katz có rất nhiều vận may. Họ ra đời vào đúng thời điểm với các bậc cha mẹ thích hợp và cả chủng tộc thích hợp, những điều cho phép họ rèn luyện kỹ năng mua bán − sát nhập trong suốt hai mươi năm trước khi phần còn lại của giới luật gia bắt kịp. Cách thức mà hãng hàng không Korean Air đã thực hiện khi cải tổ hoạt động của mình, chính là đem lại cho các phi công của hãng cơ hội thoát ly khỏi những áp chế từ di sản văn hóa của chính họ.

Bài học ở đây rất đơn giản. Nhưng điều rõ ràng là chúng ta thường đánh giá thấp nó. Chúng ta bị đóng khung vào thần thoại của những hình mẫu cừ nhất, xuất sắc nhất và tự thân dựng nghiệp đến mức chúng ta nghĩ rằng những kẻ xuất chúng tự nhiên nảy nở từ lòng đất. Chúng ta nhìn vào anh chàng Bill Gates trẻ tuổi và lấy làm kinh ngạc rằng thế giới này đã tạo điều kiện cho cậu bé mười-ba-tuổi ấy trở thành một doanh nhân thành đạt rực rỡ. Nhưng đó là một bài học sai lầm. Thế giới của chúng ta chỉ đem lại cho một cậu bé mười-ba-tuổi cơ hội truy cập không hạn chế vào một bộ thiết bị đầu cuối làm việc đồng thời hồi năm 1968. Nếu cả triệu cô cậu bé tuổi teen được trao tặng vận may tương tự, ngày nay chúng ta sẽ có thêm bao nhiêu tập đoàn Microsoft nữa? Để dựng xây một thế giới tốt đẹp hơn, chúng ta cần phải thay thế việc chắp vá những vận may rời rạc và các lợi thế tùy tiện vốn quyết định thành công ngày nay − những ngày sinh tháng đẻ đầy hạnh vận cùng những tình cờ đầy hoan hỉ của lịch sử − bằng một xã hội mang lại cơ hội cho tất cả. Nếu Canada có một giải thi đấu khúc côn cầu thứ hai dành cho những em sinh vào nửa sau của năm, thì giờ đây đất nước này hẳn đã được sở hữu gấp đôi số lượng ngôi sao khúc côn cầu trưởng thành. Giờ thì hãy nhân lên số lượng tài năng bỗng nhiên bừng nở ở tất cả các lĩnh vực và ngành nghề như thế. Thế giới đó có thể sẽ giàu có thịnh vượng hơn rất nhiều so với thế giới mà chúng ta đã định đoạt nên.

Marita không cần một ngôi trường mới với những sân chơi rộng hàng hécta và những trang thiết bị bóng lộn. Cô bé không cần một chiếc laptop, một lớp học quy mô nhỏ, một giáo viên với học vị Tiến sĩ hay một căn hộ rộng rãi hơn. Cô bé không cần đến mức IQ cao hơn hay một trí não nhanh nhẹn như của Chris Langan. Tất cả những điều ấy sẽ là rất tuyệt, hẳn nhiên. Nhưng chúng đều đi chệch hướng. Marita chỉ cần một cơ hội. Và hãy thử nhìn vào cơ hội mà cô bé được trao tặng! Ai đó đem một phần nhỏ bé của tư duy ruộng lúa đến vùng Nam Bronx và giải thích cho cô bé về sự thần kỳ của công việc có ý nghĩa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Những kẻ xuất chúng Chương 9: Thỏa Thuận Của Marita

Có thể bạn thích