Những kẻ xuất chúng
Chương 2: Quy Tắc 10.000 Giờ

“Ở HAMBURG, CHÚNG TÔI PHẢI CHƠI TÁM TIẾNG ĐỒNG HỒ.”

Năm 1971, trường Đại học Michigan khai trương Trung tâm Máy tính mới trong một tòa nhà mới xây dựng tại Beal Avenue ở Ann Arbor, với các bức tường gạch bên ngoài màu be và mặt tiền ốp kính tối màu. Hệ thống máy chủ to lớn của trường tọa lạc giữa căn phòng màu trắng rộng rãi. Một thành viên trong khoa nhớ lại, “Nhìn vào đó hệt như một trong những cảnh cuối cùng của bộ phim 2001: A Space Odyssey (Tạm dịch: 2001: Cuộc du hành vũ trụ).” Ngay mé bên là hàng tá các cỗ máy đọc phiếu đục lỗ − thứ trong những tháng ngày ấy làm nhiệm vụ nhập dữ liệu cho những thiết bị đầu cuối máy tính. Vào năm 1971, đó là thành tựu tiên tiến hạng nhất của thời đại. Đại học Michigan nắm trong tay một trong những chương trình khoa học máy tính tiên tiến nhất trên thế giới và trong suốt thời gian tồn tại của Trung tâm Máy tính, hàng ngàn sinh viên đã bước qua căn phòng trắng ấy, và người nổi tiếng nhất trong số đó là một chàng trai trẻ nhút nhát mang tên Bill Joy.

Joy nhập học trường Michigan đúng vào năm Trung tâm Máy tính khai trương. Cậu mười sáu tuổi, cao và rất gầy, với kiểu đầu ngỗ ngược. Trường cấp trung học North Farmington, ngoại ô Detroit, nơi cậu học, đã bầu chọn cậu là “Học sinh siêng năng nhất”. Mà theo như cậu giải thích, có nghĩa cậu chính là một “kẻ nghiện máy tính vô thời hạn.” Cậu đã từng nghĩ mình sẽ trở thành một nhà sinh vật học hoặc nhà toán học. Nhưng cuối năm thứ nhất, tình cờ sa chân vào Trung tâm Máy tính − và cậu bị vướng ngay vào.

Kể từ thời điểm đó trở đi, Trung tâm Máy tính chính là cuộc sống của Joy. Cậu lập trình bất cứ khi nào có thể. Kiếm được việc làm với một giáo sư khoa học máy tính nên cậu có thể lập trình suốt mùa hè. Vào năm 1975, Joy theo học khoa sau đại học tại trường Đại học California ở Berkeley. Tại đó, cậu thậm chí còn dấn sâu hơn vào thế giới phần mềm máy tính. Trong bài kiểm tra vấn đáp cho kỳ thi Tiến sĩ của mình, cậu đã xây dựng một thuật toán đặc biệt phức tạp về chặng bay đến nỗi, như một trong những người ái mộ cậu đã từng viết, “làm kinh sợ các vị giám khảo đến mức một vị sau đó đã ví trải nghiệm đó như là 'Jesus làm bẽ mặt các bậc tiền bối.'”

Cộng tác với một nhóm nhỏ các lập trình viên, Joy đảm trách nhiệm vụ viết lại UNIX, một hệ thống phần mềm được phát triển bởi AT&T cho các máy trung tâm. Phiên bản của Joy rất tốt. Nó tốt đến mức, trên thực tế, nó đã trở thành − và hiện vẫn duy trì − vai trò hệ điều hành mà đúng theo nghĩa đen hàng triệu máy tính khắp thế giới vận hành nhờ vào đó. “Nếu mở chiếc máy Mac của bạn ở chế độ có thể nhìn thấy phần mã nguồn,” Joy nói, “Tôi sẽ nhìn thấy những thứ mà tôi nhớ mình đã viết ra hai mươi lăm năm về trước.” Và, bạn có biết ai đã viết ra hầu hết phần mềm cho phép bạn truy cập vào Internet không? Bill Joy.

Sau khi tốt nghiệp Berkeley, Joy là đồng sáng lập hãng Sun Microsystems ở Thung lũng Silicon, một trong những công ty dự phần then chốt nhất trong cuộc cách mạng máy tính. Tại đó anh đã viết lại một ngôn ngữ máy tính khác − Java − và huyền thoại về anh càng trở nên ghê gớm hơn. Giữa những người trong nghề ở Thung lũng Silicon, Joy được nhắc tới với nhiều nể trọng kiểu như Bill Gates của Microsoft vậy. Anh đôi khi còn được gọi là Edison của Internet. Như David Gelernter, nhà khoa học máy tính trường Yale, nói: “Bill Joy là một trong những người có ảnh hưởng nhất trong lịch sử hiện đại ngành máy tính.”

Câu chuyện về tài năng thiên bẩm của Bill Joy đã được kể biết bao nhiêu lần, và bài học luôn là như thế. Lĩnh vực này là một thế giới thuần khiết nhất trong số các chế độ hiền tài. Lập trình máy tính không vận hành như một thứ hội vui tuổi già, nơi bạn thăng tiến nhờ vào tiền bạc hay các mối quan hệ. Nó là một sân chơi rộng mở trong đó tất cả những người tham dự được đánh giá chỉ dựa trên tài năng và thành tích của họ. Đó là một thế giới nơi những người xuất sắc nhất giành thắng lợi, và Joy rõ ràng là một trong những người như thế.

Mặc dù vậy, sẽ dễ dàng hơn nhiều để tiếp nhận phiên bản ấy của các sự kiện, nếu chúng ta không nhìn vào các cầu thủ khúc côn cầu và bóng đá. Lĩnh vực của họ cũng từng có nhiệm vụ phải là một chế độ nơi tài năng là điều tiên quyết. Có điều nó đã không phải hoàn toàn như vậy. Đó là câu chuyện về Những kẻ xuất chúng trong một lĩnh vực riêng biệt nào đó vươn tới vị thế cao ngất của họ thông qua sự kết hợp giữa năng lực, cơ hội và ưu thế không bị ràng buộc tối đa.

Liệu có khả năng mẫu hình tương tự của những cơ hội đặc biệt cũng khai triển trong một thế giới thực hay không? Hãy cùng quay trở lại với câu chuyện của Bill Joy và thử khám phá.

Trong suốt gần một thế hệ, các nhà tâm lý học trên khắp thế giới đã tham gia vào cuộc tranh luận hăng say xung quanh câu hỏi: phải chăng hầu hết chúng ta có thể coi là đã được định hình từ xa xưa. Câu hỏi là thế này: có tồn tại thứ gì đó kiểu như là tài năng bẩm sinh không? Lời đáp hiển nhiên là có. Không phải tất cả mọi cầu thủ khúc côn cầu sinh vào tháng Giêng rút cục đều có thể chơi ở cấp độ chuyên nghiệp. Chỉ một vài người có tài năng thiên bẩm, làm được. Thành công chính là tài năng cộng với sự chuẩn bị. và các nhà tâm lý học càng xem xét kĩ lưỡng hơn sự nghiệp của các nhân tài thiên bẩm bao nhiêu, thì vai trò của tài năng bẩm sinh dường như càng nhỏ bé hơn và vai trò của sự chuẩn bị dường như to lớn hơn bấy nhiêu.

Đầu những năm 1990, trong cuộc tranh luận về tài năng, nhà tâm lý học K. Anders Ericsson và hai đồng sự tại Học viện Âm nhạc danh giá của Berlin, đã tiến hành một nghiên cứu mang tên Exhibit A. Với sự trợ giúp của hai giáo sư Học viện, họ phân những người chơi violin trong trường ra thành ba nhóm. Nhóm đầu tiên bao gồm các ngôi sao, những sinh viên có tiềm năng trở thành những nghệ sĩ solo đẳng cấp thế giới. Nhóm thứ hai là các sinh viên được đánh giá thuần túy là “tốt.” Nhóm thứ ba là các sinh viên có vẻ sẽ không bao giờ chơi nhạc chuyên nghiệp và những người có ý định trở thành giáo viên âm nhạc trong hệ thống trường công. Tất cả những người chơi violin sau đó đều được hỏi một câu hệt nhau: xuyên suốt quá trình rèn luyện trong toàn bộ sự nghiệp của mình, kể từ lần đầu tiên cầm cây vĩ cầm, bạn đã luyện tập bao nhiêu giờ đồng hồ?

Tất cả mọi người thuộc cả ba nhóm đó đều bắt đầu chơi vào độ tuổi như nhau, khoảng năm tuổi. Trong vài năm đầu tiên, mọi người luyện tập với khối lượng tương đương nhau, khoảng hai hoặc ba giờ một tuần. Nhưng khi các học sinh lên tám tuổi, những khác biệt thực sự bắt đầu xuất hiện. Những học sinh cuối cùng trở thành xuất sắc nhất trong lớp bắt đầu luyện tập nhiều hơn các bạn khác: sáu giờ một tuần vào chín tuổi, tám giờ một tuần lúc mười hai tuổi, mười sáu giờ một tuần lúc mười bốn tuổi, và cứ nâng cao nâng cao thêm. Đến khi bước vào tuổi hai mươi thì họ đã luyện tập − chơi thứ nhạc cụ họ yêu thích theo cách có chủ định và đầy chuyên tâm với mục đích trau dồi cho mình xuất sắc hơn − miệt mài hơn ba mươi giờ một tuần. Trên thực tế, bước vào lứa tuổi hai mươi, mỗi tài năng ưu tú đã có tổng cộng mười ngàn giờ luyện tập. Ngược lại, những học sinh chơi tốt thuần túy chỉ có tổng cộng tám ngàn giờ, còn các giáo viên âm nhạc tương lai thì chỉ có hơn bốn nghìn giờ.

Ericsson và các đồng sự của ông sau đó đã so sánh các tay chơi dương cầm nghiệp dư với các nghệ sĩ dương cầm chuyên nghiệp. Hình mẫu tương tự lại nổi lên. Những người chơi nghiệp dư không bao giờ luyện tập nhiều hơn ba giờ một tuần trong suốt thời thơ ấu, và cho đến khi hai mươi tuổi, họ đã có tổng cộng hai nghìn giờ luyện tập. Ở phía còn lại, thời gian luyện tập của những nghệ sĩ chuyên nghiệp đã tăng rất nhiều, cho đến tuổi hai mươi, họ, giống như các nghệ sĩ vĩ cầm, đã đạt tới mười nghìn giờ.

Điều nổi bật trong nghiên cứu của Ericsson là ông và các đồng sự không thể tìm ra bất cứ “người có khiếu tự nhiên” nào, tức không có nghệ sĩ nào dễ dàng vươn tới đỉnh cao mà lại luyện tập chỉ bằng một phần nhỏ so với thời gian các bạn đồng trang lứa bỏ ra. Hay họ cũng không thể tìm ra bất cứ “kẻ cần cù” nào − những người làm việc chăm chỉ hơn tất cả kẻ khác, mà lại không hội tụ đủ những gì cần thiết để lọt vào tốp xuất sắc nhất. Nghiên cứu đã kết luận rằng một nghệ sĩ âm nhạc nào đó có đủ năng lực để bước vào một trường âm nhạc đỉnh cao, thì thứ để phân biệt một nghệ sĩ trình diễn với những người khác chính là anh ta/cô ta làm việc chăm chỉ đến đâu. Là vậy đấy. Hơn thế, những người ngự trên đỉnh cao không chỉ làm việc chăm chỉ hơn hay chăm chỉ hơn nhiều so với những người khác − Họ làm việc chăm chỉ hơn rất, rất nhiều, rất nhiều.

Ý tưởng rằng: để thực hiện hoàn hảo một nhiệm vụ phức hợp đòi hỏi một mức độ luyện tập tối thiểu mang tính then chốt đã xuất hiện trở đi trở lại trong các nghiên cứu về những tài năng chuyên môn. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu có một niềm tin tuyệt đối về mức thời gian cần thiết để đạt đến sự tinh thông thực sự, đó là con số kỳ diệu: mười nghìn giờ đồng hồ.

“Kết quả của những nghiên cứu đã chứng minh: mười nghìn giờ đồng hồ luyện tập là đòi hỏi bắt buộc để đạt được cấp độ tinh thông và khả năng trở thành một chuyên gia đẳng cấp thế giới − trong bất cứ lĩnh vực nào,” bác sĩ chuyên khoa thần kinh học Daniel Levitin viết. “Trong những nghiên cứu khác nhau về các nhà soạn nhạc, cầu thủ bóng rổ, các cây bút sáng tác tiểu thuyết, vận động viên trượt băng, nghệ sĩ dương cầm, tuyển thủ cờ vua, những tên tội phạm lão luyện… hằng số này luôn trở đi trở lại. Tất nhiên, điều này không lý giải tại sao một số người lại thu hoạch được nhiều từ những buổi luyện tập hơn người khác. Nhưng cho tới nay chưa ai tìm thấy một trường hợp nào trong đó một tay lão luyện tầm cỡ thế giới lại đạt được mức hoàn thiện trong khoảng thời gian ngắn hơn. Có vẻ như não bộ phải mất từng ấy thời gian hấp thu tất cả những gì nó cần để đạt tới sự tinh thông thực thụ.”

Điều này là thật sự ngay cả với những người chúng ta thường nghĩ đến như những nhân vật phi thường. Thí dụ như Mozart, đã bắt đầu viết nhạc rất cừ từ hồi lên sáu. Nhưng, nhà tâm lý học Michael Howe viết trong cuốn sách Genius Explained, (Tạm dịch: Lý giải thiên tài) :

… So với các tiêu chuẩn dành cho những nhà soạn nhạc thuần thục, những tác phẩm ban đầu của Mozart không hề xuất sắc. Những tác phẩm sơ khởi nhất gần như chắc chắn đều do cha ông viết, và có lẽ được sửa đổi, nâng cấp... Rất nhiều trong số các tác phẩm thời thơ ấu của Wolfgang, như bảy bản đầu tiên trong số các concerto dành cho piano và dàn nhạc, phần lớn đều là soạn lại từ tác phẩm của những nhà soạn nhạc khác. Còn trong số những bản concerto chỉ bao gồm âm nhạc nguyên bản của Mozart, tác phẩm sớm nhất giờ đây được coi là một kiệt tác (No.9, K.271) được sáng tạo nên khi ông hai mốt tuổi: vào thời điểm đó Mozart đã sáng tác concerto được mười năm rồi.

Nhà phê bình âm nhạc Harold Schonberg còn đi xa hơn khi cho rằng: Mozart, thực ra là “phát triển muộn,” vì phải sau hơn hai mươi năm sáng tác ông mới có được tác phẩm vĩ đại nhất của mình .

Để trở thành một kiện tướng cờ vua có vẻ cũng phải mất khoảng mười năm. (Chỉ có huyền thoại Bobby Fischer đạt tới đẳng cấp tinh hoa đó trong khoảng thời gian ngắn hơn một chút: ông mất chín năm). Còn mười năm là thứ gì vậy? À vâng, đó đại khái là chuyện mất bao nhiêu lâu để thực hiện được mười ngàn giờ luyện tập nghiêm chỉnh. Mười nghìn giờ là con số thần kỳ của sự vĩ đại.

Đây chính là lời giải thích cho tâm lý hoang mang mà danh sách đội hình của các đội tuyển thể dục thể thao quốc gia Czech hay Canada gây ra. Thực tế là không có ai trong những đội tuyển ấy sinh sau ngày 1 tháng Chín, thứ dường như chẳng có ý nghĩa gì. Bạn sẽ nghĩ rằng có lẽ tồn tại một con số đáng kể những tuyển thủ cừ khôi môn khúc côn cầu hay túc cầu ở Czech sinh vào khoảng cuối năm, những người quá tài năng đến nỗi họ cuối cùng cũng đến được đỉnh cao như những người trưởng thành trẻ tuổi, bất kể ngày sinh của họ.

Nhưng đối với Ericsson và những ai lập luận phản lại vai trò ưu việt của tài năng, điều đó chẳng đáng ngạc nhiên chút nào. Rằng tay cừ khôi sinh sau đẻ muộn không được lựa chọn vào đội toàn-sao như một đứa trẻ tám tuổi là bởi vì cậu ta còn quá bé. Vậy nên cậu không có được phần luyện tập phụ trội. Và thiếu mất phần luyện tập phụ trội ấy, cậu không có cơ hội nào đạt tới mức mười nghìn giờ vào thời điểm các đội khúc côn cầu chuyên nghiệp bắt đầu tìm kiếm tuyển thủ. Và thiếu mất mười nghìn giờ kinh nghiệm, chẳng có cách nào để cậu ta có thể vận dụng thành thục những kỹ năng cần thiết chơi ở trình độ đỉnh cao. Thậm chí cả Mozart − thiên tài âm nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại − cũng không thể nào đạt tới sự tiến bộ của mình cho tới khi ông nắm trong tay mười nghìn giờ đồng hồ rèn giũa. Luyện tập không phải thứ bạn làm khi bạn đã giỏi giang. Nó là thứ bạn làm để khiến mình giỏi giang.

Một điều thú vị khác về mười ngàn giờ đó. Đương nhiên mười nghìn giờ là một khối lượng thời gian to lớn. Nhưng lại bất khả thi để đạt tới con số đó một thân một mình cho tới tận khi bạn là một người trưởng thành trẻ tuổi. Bạn buộc phải được bố mẹ khuyến khích và hỗ trợ bạn. Bạn không thể nghèo túng, bởi nếu bạn phải giữ rịt lấy một công việc làm thêm để kiếm kế sinh nhai, sẽ không còn đủ thời gian trong ngày để luyện tập cho đầy đủ. Trên thực tế, hầu hết mọi người có thể đạt tới con số đó chỉ khi họ tham gia vào loại chương trình đặc biệt nào đó − như là một đội tuyển toàn-sao môn khúc côn cầu − hoặc giả nếu họ có được một vận may phi thường nào đó mang lại cho họ cơ hội đạt được từng nấy tiếng đồng hồ.

 

Quay trở lại với Bill Joy. Đó là vào năm 1971. Anh cao nghều và ngượng nghịu và mười sáu tuổi. Anh là thần đồng toán học, nhưng loại sinh viên đó thì các trường kiểu như MIT, Caltech hay Đại học Waterloo tuyển vào mỗi năm có lẽ cả trăm. “Khi Bill còn là một đứa trẻ, nó đã muốn biết mọi điều về mọi thứ trước cả khi nó biết là nó muốn biết,” cha của anh, William nói. “Chúng tôi trả lời cho nó bất cứ khi nào có thể. Và khi không thể, chúng tôi sẽ đưa cho nó một cuốn sách.” Đến lúc tham dự tuyển sinh vào đại học, Joy đã đạt được điểm tối đa trong phần toán của bài Kiểm tra Năng khiếu của trường Trung học. “Cũng chẳng khó khăn ghê gớm gì lắm,” anh nói thành thực. “Còn cả đống thời gian để kiểm tra lại lần nữa.”

Anh có tài năng lớn. Nhưng đó không phải nguyên cớ duy nhất. Không bao giờ. Chìa khóa cho sự phát triển của anh chính là anh đã sa bước vào tòa nhà khó tả tọa lạc trên Đại lộ Beal đó.

Hồi đầu những năm 1970, khi Joy đang học về lập trình, kích cỡ các cỗ máy tính chiếm trọn những căn phòng. Một máy riêng lẻ (có lẽ công suất và bộ nhớ nhỏ hơn cả lò viba của bạn ngày nay) có thể trị giá trên một triệu đô-la − tính theo thời giá 1970. Máy tính rất hiếm hoi. Nếu bạn tìm ra một cái, rất khó để có thể tiếp cận được nó; nếu bạn cứ cố tiếp cận, thời gian và chi phí thuê mướn nó cũng tiêu tốn cả gia tài.

Hơn nữa, bản thân môn lập trình cũng tẻ nhạt vô cùng. Đây là thời đại khi các chương trình máy tính được sáng tạo sử dụng các thẻ dập lỗ bằng bìa cứng. Mỗi hàng code (mã) lại được đóng dấu lên chiếc thẻ bằng một máy đột lỗ. Một chương trình phức hợp có thể bao gồm hàng trăm, nếu không phải là hàng nghìn những chiếc thẻ xếp thành chồng cao. Khi một chương trình đã sẵn sàng, bạn bước tới bất cứ máy chủ nào bạn được tiếp cận và đưa cả chồng thẻ cho một người điều khiển máy. Bởi vì các máy tính chỉ có thể xử lý một nhiệm vụ trong một thời điểm, người điều khiển máy phải có cuộc hẹn cho chương trình của bạn, và tùy thuộc vào việc có bao nhiêu người đang xếp hàng trước bạn, bạn có lẽ chưa thể lấy lại những chiếc thẻ của mình trong vòng vài giờ hoặc thậm chí là cả ngày. Và nếu bạn nhỡ mắc một lỗi nhỏ − thậm chí là lỗi in ấn − trong chương trình của mình, bạn sẽ phải lấy lại các tấm thẻ, truy dấu sai sót, và làm lại cả quy trình từ đầu.

Dưới những điều kiện như vậy, sẽ là cực kỳ khó khăn cho bất kỳ ai muốn trở thành một chuyên gia lập trình. Đương nhiên trở thành một chuyên gia vào lứa tuổi đôi mươi măng tơ càng bất khả thi. Khi bạn chỉ có thể “lập trình” vài phút ngắn ngủi trong mỗi giờ bạn bỏ ra ở phòng máy tính, làm cách nào bạn gom cho đủ mười nghìn giờ luyện tập? “Lập trình với các tấm thẻ dập lỗ,” một nhà khoa học máy tính thời đó nhớ lại, “không dạy cho bạn cách lập trình. Nó dạy bạn sự kiên nhẫn cùng cách đọc và sửa bản in thử.”

Tình hình kéo dài như thế tận đến giữa thập niên 1960, khi một giải pháp dành cho vấn đề lập trình mới nổi lên. Các máy tính cuối cùng đã đủ mạnh tới mức chúng có thể xử lý hơn một “cuộc hẹn” cùng lúc. Nếu hệ điều hành của máy tính được viết lại, các nhà khoa học máy tính nhận ra, thời gian của cỗ máy có thể được chia sẻ; máy tính có thể được huấn luyện để xử lý hàng trăm nhiệm vụ trong cùng một khoảng thời gian. Điều đó, ngược trở lại, nghĩa là các lập trình viên không cần phải thao tác tay chân để đưa hàng chồng thẻ máy tính dập lỗ của họ cho người điều khiển nữa. Hàng tá thiết bị đầu cuối có thể được xây dựng, tất cả kết nối với một máy chủ thông qua đường dây điện thoại, và mọi người có thể làm việc − trực tuyến − cùng một lúc.

Đây là một đoạn sử liệu đương thời miêu tả về sự xuất hiện của việc làm việc − trực tuyến − cùng một lúc:

Đây không chỉ là một cuộc cách mạng. Nó là một cuộc khai sáng. Hãy quên đi người điều khiển máy, những giá chứa thẻ, sự chờ đợi. Với việc sử dụng đồng thời, bạn có thể ngồi ngay ở máy điện báo đánh chữ của mình, nhập vào một vài lệnh, và nhận câu trả lời ngay sau đó và tại đó. Sử dụng đồng thời chính là tương tác: Một chương trình có thể đòi hỏi lời hồi đáp, chờ đợi bạn đánh câu đó vào, xử lý nó trong khi bạn chờ đợi, và rồi hiển thị cho bạn thấy kết quả, tất cả trong “thời gian thực.”

Đây chính là nơi mà Michigan góp mặt, bởi Michigan chính là một trong những trường đại học đầu tiên trên thế giới chuyển sang hình thức sử dụng đồng thời. Vào năm 1967, nguyên mẫu đầu tiên của hệ thống đã được lắp đặt và vận hành. Đến khoảng đầu thập niên 1970, Michigan đã có trong tay máy tính công suất đủ cho một trăm người có thể lập trình đồng thời tại Trung tâm Máy tính. “Vào cuối những năm 1960, đầu những năm 1970, tôi không nghĩ rằng có nơi nào khác giống được như Michigan”, Mike Alexander, một trong những nhân vật tiên phong của hệ thống máy tính trường Michigan đã nói. “Có thể là MIT. Có thể là Carnegie Mellon. Có thể là Darthmouth. Tôi không nghĩ có nhiều nơi như vậy”.

Đây chính là cơ hội chào đón Bill Joy khi anh bước chân vào khuôn viên Ann Arbor vào mùa thu năm 1971. Anh không hề lựa chọn Michigan vì các cỗ máy tính ở đây. Anh chưa từng làm việc gì với máy tính ở trường cấp ba. Anh vốn chỉ hứng thú với toán học và cơ khí. Nhưng con sâu lập trình va trúng anh vào năm đầu tiên, anh nhận thấy mình − bởi một tai nạn tốt lành nhất − đã ở ngay tại một chốn hiếm hoi trên thế giới, nơi một kẻ mới mười bảy tuổi có thể lập trình tất cả những gì anh ta muốn.

“Bạn có biết sự khác biệt giữa những chiếc thẻ máy tính và sử dụng đồng thời là gì không?” Joy nói. “Nó là sự khác biệt giữa chơi cờ qua mail và cờ siêu tốc.” Lập trình không còn là một bài tập về thất vọng vỡ mộng nữa. Nó là trò vui.

“Tôi sống ở khu khuôn viên phía bắc, và Trung tâm Máy tính cũng tọa lạc chính tại khuôn viên phía bắc,” Joy tiếp tục. “Tôi đã dành bao nhiêu thời gian ở đó? Ồ, nhiều lắm đấy. Nơi đó mở cửa 24/24. Tôi ở lì đó cả đêm và chỉ trở về nhà vào sáng sớm. Tính trung bình một tuần trong những năm tháng ấy, tôi dành nhiều thời giờ ở Trung tâm Máy tính hơn cả cho các buổi học. Tất cả chúng tôi ở đó đều thường xuyên gặp ác mộng về việc quên mất phải có mặt ở lớp học, thậm chí là không nhận ra rằng chúng tôi đã được tuyển vào trường.”

“Thách thức chính là ở chỗ họ cung cấp cho tất cả sinh viên một tài khoản với số tiền cố định, vậy nên thời gian của bạn sẽ cạn sạch. Khi bạn đăng nhập, bạn sẽ dồn hết bao nhiêu thời gian bạn muốn vào chiếc máy tính. Họ dành cho bạn, tỉ dụ như, một giờ đồng hồ. Đó là tất cả những gì bạn có. Nhưng có ai đó đã phát hiện ra rằng nếu bạn nhập vào 'time=' và rồi đến một kí tự, ví như t=k, họ sẽ không tính tiền bạn,” anh nói, bật cười vì kỉ niệm đó. “Có một lỗi kĩ thuật trong phần mềm. Bạn có thể nhập vào t=k và ngồi lì ở đó mãi luôn.”

Hãy nhìn vào cả dòng chảy cơ hội cuốn đến với Bill Joy. Nhờ việc đến học ở một trường xa xôi hẻo lánh như Đại học Michigan, anh có thể luyện tập trên một hệ thống sử dụng đồng thời thay vì với những thẻ đột lỗ; lại nữa, hệ thống của Michigan bỗng nhiên tồn tại một lỗi kĩ thuật để anh có thể lập trình bất kỳ thứ gì anh muốn; vì trường này tự nguyện chi trả tiền bạc để Trung tâm Máy tính mở cửa 24/24, nên anh có thể thức trắng đêm ở đó; và vì anh có thể dốc vào đó rất nhiều thời giờ, nên đến thời điểm anh đột nhiên được mời viết lại UNIX, anh chắc chắn đã sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ. Bill Joy thật thông minh. Anh muốn học. Nguyên cớ này đóng vai trò quan trọng. Nhưng trước khi Joy có thể trở thành một chuyên gia thực thụ, ai đó phải đem đến cho anh một cơ hội để học cách trở thành một chuyên gia.

“Tại Michigan, tôi lập trình tám hoặc mười giờ một ngày,” anh nói tiếp. “Đến lúc ở Berkeley tôi làm việc đó cả ngày lẫn đêm. Tôi có một bộ thiết bị đầu cuối ở nhà. Tôi thức đến tận hai hay ba giờ sáng, xem những bộ phim cũ kỹ và lập trình. Đôi khi tôi ngủ gục ngay trên bàn phím” − anh diễn tả bằng điệu bộ đầu mình gục trên bàn phím − “và bạn có biết là một phím sẽ nhấn đi nhấn lại ra sao cho đến cuối cùng, rồi nó bắt đầu kêu beep, beep, beep? Sau khi chuyện đó xảy ra ba lần, đã đến lúc bạn phải đi ngủ rồi. Tôi vẫn tương đối kém ngay cả khi tôi đã đến Berkeley nhưng tôi bắt đầu thành thạo vào năm thứ hai. Đây chính là thời điểm tôi viết ra những chương trình vẫn được sử dụng đến tận ngày nay, ba mươi năm kể từ khi đó.” Anh tạm dừng đôi chút để làm một phép tính trong đầu − thứ đối với một người như Bill Joy không mất mấy thì giờ. Michigan năm 1971. Lập trình hẳn hoi nghiêm chỉnh vào năm thứ hai. Thêm cả những dịp hè, và rồi những buổi ban ngày và ban đêm trong năm thứ nhất ở Berkeley. “Thế thì, thế thì có lẽ là... mười nghìn giờ?” anh nói, cuối cùng. “Khoảng chừng như vậy đấy.”

 

Quy tắc mười-nghìn-giờ chính là quy luật chung của thành công? Nếu chúng ta bới sâu xuống phía dưới bề ngoài của tất cả những người thành công vĩ đại, liệu chúng ta có luôn tìm thấy những thứ tương tự như Trung tâm Máy tính Michigan hay đội tuyển toàn-sao môn khúc côn cầu – tức một kiểu cơ hội luyện tập đặc biệt nào đó không?

Hãy kiểm nghiệm ý tưởng này với hai ví dụ, và để đơn giản dễ hiểu, ta sẽ lựa chọn ví dụ càng quen thuộc càng tốt: Beatles, một trong những ban nhạc rock nổi danh nhất từ trước tới nay; và Bill Gates, một trong những người giàu nhất thế giới.

Beatles − với bốn thành viên John Lennon, Paul McCartney, George Harrison, và Ringo Starr − đặt chân tới nước Mỹ vào tháng Hai năm 1964, bắt đầu cái gọi là Cuộc xâm lăng Anh quốc vào sân khấu âm nhạc Hoa Kỳ và cho ra đời một loạt những bản thu âm đỉnh cao đã biến đổi cả diện mạo của nền âm nhạc đại chúng.

Điều quan sát thú vị đầu tiên về Beatles để phục vụ cho những mục đích của chúng ta là họ đã sát cánh bên nhau được bao lâu tính đến thời điểm họ đặt chân đến Mỹ. Lennon và McCartney trước hết bắt đầu chơi nhạc với nhau vào năm 1957, bảy năm trước khi đổ bộ vào Mỹ. (Thật trùng hợp, khoảng thời gian giữa thời điểm thành lập ban nhạc của họ cho tới những thành tựu nghệ thuật có thể cho là vĩ đại nhất của họ − album Sgt. Pepper's Lonely Hearts Club Band và The Beatles (White Album) − là mười năm). Và nếu bạn quan sát kỹ hơn những năm tháng chuẩn bị dằng dặc ấy, bạn sẽ nhìn thấy một thứ kinh nghiệm là, so sánh trong bối cảnh những tuyển thủ khúc côn cầu và Bill Joy hay cả những nghệ sĩ vĩ cầm đẳng cấp thế giới, nó có vẻ gần gũi khủng khiếp. Vào năm 1960, trong khi họ mới là một ban nhạc rock của trường trung học dò dẫm tìm đường, họ đã được mời đến chơi nhạc ở Hamburg, Đức.

“Hamburg vào những tháng ngày ấy không hề có các câu lạc bộ rock-and-roll. Nó chỉ có các câu lạc bộ thoát y”, Phillip Norman, người chấp bút cuốn tiểu sử về Beatles có tên Shout! cho biết. “Có một ông chủ câu lạc bộ khác người tên là Bruno, vốn xuất thân là ông bầu chợ phiên. Ông này có sáng kiến đưa các nhóm nhạc rock vào chơi ở các câu lạc bộ khác nhau. Các câu lạc bộ đồng ý làm theo cách này. Hãy thử hình dung, đó là một buổi biểu diễn liên miên không ngừng nghỉ, với rất nhiều người loạng choạng đi vào và những kẻ khác loạng choạng đi ra. Các ban nhạc sẽ chơi liên tục để lôi kéo sự chú ý của xe cộ ngang qua. Tại một quận đèn đỏ của nước Mỹ, họ gọi nó là thoát y vũ liên tục (nonstop teaser).”

“Rất nhiều ban nhạc chơi ở Hamburg đều đến từ Liverpool,” Norman nói tiếp. “Đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Bruno tới London để tìm kiếm các ban nhạc. Ông ta tình cờ gặp ở Soho một thương gia từ Liverpool đang xuôi xuống London tìm kiếm cơ hội. Và ông đã dàn xếp để chọn đưa vài ban nhạc tới Hamburg. Đó là cách những mối liên kết được xác lập. Và cuối cùng, The Beatles đã tạo nên mối liên hệ không chỉ với riêng Bruno mà với cả những ông chủ câu lạc bộ khác nữa. Họ tiếp tục quay trở lại vì ở đó đầy rẫy đồ uống có cồn và sex”.

Có điều gì đặc biệt ở Hamburg chứ? Đó có phải là nơi trả công hậu hĩ? Không hề. Hay âm thanh ở đó thật tuyệt? Cũng không. Hay là khán thính giả rất am hiểu và nể trọng ban nhạc? Chẳng một nguyên nhân nào trong số đó đúng cả. Chỉ là khối lượng thời gian tuyệt đối mà ban nhạc bị buộc phải chơi.

Trong một buổi phỏng vấn sau khi Beatles tan rã, kể về những buổi biểu diễn của ban nhạc tại một câu lạc bộ thoát y ở Hamburg mang tên Indra, John Lennon nói:

Chúng tôi chơi khá hơn và thêm tự tin. Điều đó là tất yếu sau những trải nghiệm do việc chơi nhạc suốt đêm dài mang lại. Thêm cái lợi nữa họ là người nước ngoài. Chúng tôi phải cố gắng thậm chí nhiều hơn nữa, trút tất cả trái tim và tâm hồn vào đó, để vượt qua chính mình.

Ở Liverpool, chúng tôi mới chỉ chơi trong những suất diễn dài một tiếng đồng hồ, và chúng tôi thường chơi đi chơi lại một số ca khúc tủ của mình trong mọi buổi biểu diễn. Ở Hamburg, chúng tôi phải chơi suốt tám tiếng đồng hồ, nên chúng tôi thực sự phải tìm kiếm một cách chơi mới.

Tám tiếng đồng hồ?

Còn đây là Pete Best, tay trống của Beatles lúc bấy giờ: “Mỗi khi có tin tức lan ra về việc chúng tôi đang thực hiện một sô diễn, câu lạc bộ bắt tay vào dập tắt nó ngay. Chúng tôi chơi suốt bảy tối một tuần. Mới đầu chúng tôi chơi gần như một mạch không nghỉ tới khi câu lạc bộ đóng cửa lúc hai mươi ba giờ. Nhưng khi chúng tôi đã chơi khá hơn, đám đông khán giả thường ở lại tới tận hai giờ sáng.”

Bảy ngày một tuần?

Beatles rút cục đã tới Hamburg năm lần trong khoảng giữa năm 1960 tới cuối năm 1962. Trong chuyến đi đầu tiên, họ chơi 106 tối, năm hay sáu tiếng một tối. Trong chuyến thứ hai, họ chơi 92 suất. Tới chuyến đi thứ ba, họ chơi 48 lần, tổng cộng là 172 giờ trên sân khấu. Trong hai hợp đồng biểu diễn cuối cùng ở Hamburg, vào tháng 11 và 12 năm 1962, có thêm 90 giờ đồng hồ biểu diễn nữa. Tổng cộng, họ đã biểu diễn tận 270 đêm chỉ trong vỏn vẹn một năm rưỡi. Tính đến thời điểm họ có được đợt bùng nổ thành công đầu tiên vào năm 1964, thì trên thực tế, họ đã biểu diễn live ước chừng hàng trăm lượt. Bạn có biết điều đó phi thường tới cỡ nào không? Hầu hết các ban nhạc ngày nay không biểu diễn nhiều đến mức hàng trăm suất tính trong toàn bộ sự nghiệp. Thử thách gắt gao ở Hamburg là một trong những điều khiến Beatles khác biệt hoàn toàn.

“Họ chẳng có gì xuất sắc trên sân khấu vào thời điểm họ tới đó nhưng lúc quay trở về họ đã rất cừ”, Norman tiếp tục. “Họ không chỉ học được khả năng chịu đựng. Họ còn phải học một khối lượng lớn các ca khúc − phiên bản bằng âm nhạc của tất cả những gì bạn có thể nghĩ tới, không chỉ rock & roll, thêm một chút jazz nữa. Trước đó họ không hề có kỷ luật trên sân khấu. Nhưng khi quay trở lại, họ mang phong thái không giống với bất cứ ai. Đó là điều làm nên chính họ”.

 

Giờ hãy cùng quay trở lại với lịch sử của Bill Gates. Câu chuyện của ông cũng nổi tiếng tương tự như của Beatles. Một thần đồng toán học thông minh, trẻ trung khám phá việc lập trình máy tính. Bỏ học dở chừng trường Harvard. Khởi sự một công ty máy tính có tên Microsoft với bạn bè. Bằng trí thông minh và tham vọng cũng như lòng quả cảm tuyệt đối, ông đã xây dựng nó trở thành người khổng lồ của thế giới phần mềm. Đó chỉ là đường viền ngoài rộng lớn thôi. Hãy đào vào sâu thêm một chút.

Cha của Gates là một luật sư giàu có ở Seattle, và mẹ ông là con gái một chủ nhà băng phát đạt. Từ khi còn là một đứa trẻ, Bill đã sớm tinh khôn và nhanh chóng thấy chán ngán việc học hành. Vậy nên cha mẹ đã chuyển ông ra khỏi trường công và, vào đầu năm lớp bảy, gửi ông đến Lakeside, một trường tư dành riêng cho các gia đình danh giá ở Seattle. Vào khoảng năm học thứ hai của Gates tại Lakeside, nhà trường bắt đầu mở một câu lạc bộ máy tính.

“Câu lạc bộ Các bà mẹ của trường tổ chức dịp bán đồ lạc xoong hàng năm, và luôn lơ lửng một câu hỏi rằng khoản tiền ấy sẽ đi về đâu,” Gates nhớ lại. “Một ít đổ vào chương trình mùa hè, nơi những đứa trẻ nội thành sẽ tề tựu tham gia trong khuôn viên trường học. Một ít sẽ rơi vào túi các giáo viên. Năm ấy, họ chi ba nghìn đô-la cho một bộ thiết bị đầu cuối máy tính ở căn phòng nho nhỏ vui vẻ này mà sau đó chúng tôi được kiểm soát. Đó thật là một thứ hay ho.”

Đó là một “thứ hay ho,” tất nhiên rồi, bởi vì hồi ấy là năm 1968. Vào những năm 1960, hầu hết các trường đại học còn chưa có được những câu lạc bộ máy tính. Điều đáng chú ý hơn nữa chính là loại máy tính mà Lakeside mua về. Trường này không để học sinh học lập trình bằng hệ thống thẻ máy tính nặng nề, như hầu hết mọi người đều làm hồi những năm 1960. Thay vào đó, Lakeside cài đặt cái được gọi là ASR-33 Teletype, một bộ thiết bị đầu cuối sử dụng đồng thời, kết nối trực tiếp đến một máy tính trung tâm ở khu trung tâm mua sắm Seattle. “Toàn bộ ý tưởng về sử dụng đồng thời chỉ được phát kiến hồi năm 1965,” Gates tiếp tục. “Ai đó đã thực sự biết nhìn về tương lai.” Bill Joy có được một cơ hội phi thường, sớm sủa để học lập trình trên hệ thống sử dụng đồng thời khi còn là sinh viên năm nhất trường đại học, năm 1971. Bill Gates lại được lập trình thời-gian-thực hồi là một cậu học sinh lớp tám vào năm 1968.

Từ giây phút ấy trở đi, Gates đã sống trong phòng máy tính. Ông và những người khác bắt đầu tự học cách sử dụng thiết bị mới mẻ lạ lùng này. Đương nhiên, việc mua thời gian của máy tính trung tâm mà ASR đang kết nối vào rất là đắt đỏ − kể cả đối với một cơ sở giáo dục giàu có như Lakeside − và chẳng bao lâu thì số tiền 3.000 đô-la được Câu lạc bộ Các bà mẹ tài trợ đã sạch nhẵn. Các bậc phụ huynh lại gây thêm quỹ. Học sinh lại tiêu đi. Và rồi một nhóm lập trình viên tại Đại học Washington đã lập nên một hãng có tên gọi Computer Center Corporation (C-Cubed) cho các doanh nghiệp địa phương thuê thời gian sử dụng máy tính. Tình cờ làm sao, một trong những sáng lập viên của hãng − Monique Rona − lại có một cậu con trai học ở Lakeside, trước Gates một năm. Liệu câu lạc bộ máy tính của Lakeside, Rona tự hỏi, có muốn chạy kiểm tra các chương trình phần mềm của công ty vào dịp cuối tuần đổi lại bằng thời gian lập trình miễn phí không? Chắc chắn rồi! Sau giờ học, Gates nhảy xe bus đến văn phòng của C-Cubed và lập trình đến tận tối mịt.

C-Cubed cuối cùng bị phá sản, nên Gates và các bạn bắt đầu quanh quẩn ở trung tâm máy tính tại trường Đại học Washington. Trước đó, họ theo đuổi một hãng có tên gọi là ISI (Information Sciences Inc.), nơi đồng ý dành cho họ thời gian sử dụng máy tính miễn phí đổi lại bằng việc chạy một phần mềm để tự động hóa hệ thống trả lương trong công ty. Trong khoảng thời gian bảy tháng hồi năm 1971, Gates và nhóm bạn của ông đã sử dụng máy tính suốt 1.575 giờ đồng hồ trên máy chủ của ISI, tính trung bình là tám tiếng một ngày, bảy ngày một tuần.

“Đó là nỗi ám ảnh với tôi,” Gates nói về những năm đầu tiên ở trung học của ông. “Tôi bỏ tiết thể dục. Tôi đến đó vào ban đêm. Chúng tôi lập trình vào cuối tuần. Hiếm hoi lắm mới có một tuần mà chúng tôi không tiêu tốn vào đó hai mươi hay ba mươi tiếng đồng hồ. Có một khoảng thời gian Paul Allen với tôi vướng vào chuyện rắc rối vì ăn cắp một loạt password và làm sập hệ thống. Chúng tôi bị tống cổ. Tôi không được sử dụng máy tính trong suốt mùa hè. Khi ấy tôi mới mười lăm, mười sáu tuổi. Sau đó, tôi phát hiện ra là Paul tìm được một máy tính để trống ở Đại học Washington. Họ đặt những chiếc máy này ở trung tâm y tế và khu điều trị. Những chiếc máy này được đặt kế hoạch làm việc 24/24, nhưng có một khoảng thời gian nhàn rỗi, vậy nên trong khoảng từ ba giờ đến sáu giờ sáng họ không lên kế hoạch gì cả.” Gates cười. “Tôi rời khỏi nhà vào buổi đêm, sau giờ đi ngủ. Tôi có thể cuốc bộ đến Đại học Washington từ nhà. Hoặc tôi sẽ bắt xe buýt. Đó là lý do tại sao giờ đây tôi luôn hào phóng với Đại học Washington, bởi họ đã từng để tôi ăn cắp quá nhiều thời gian sử dụng máy tính.” (Nhiều năm sau đó, mẹ Gates nói, “Chúng tôi cứ thắc mắc tại sao lại thằng bé lại khổ sở đến thế khi phải thức dậy vào buổi sáng”).

Một trong những sáng lập viên của ISI, Bud Pembroke, sau đó nhận được một cú điện thoại từ công ty công nghệ TRW, nơi vừa ký kết hợp đồng lắp đặt hệ thống máy tính tại nhà máy điện Bonneville rộng lớn ở phía nam bang Washington. TRW khẩn thiết cần đến những lập trình viên quen thuộc với loại phần mềm đặc biệt mà nhà máy điện sử dụng. Trong những ngày tháng sơ khởi của cuộc cách mạng máy tính, những lập trình viên với kinh nghiệm chuyên môn kiểu ấy rất khó tìm. Nhưng Pembroke biết chính xác người ông phải gọi: những cậu chàng trung học đến từ Lakeside đã vận hành máy tính hàng ngàn giờ đồng hồ trên máy chủ ISI. Gates lúc ấy đang học năm cuối, và bằng cách nào đó cậu đã gắng thuyết phục các giáo viên cho phép cậu bùng học để tới Bonneville dưới chiêu bài một dự án nghiên cứu độc lập. Ở đó cậu đã trải qua cả mùa xuân viết code dưới sự hướng dẫn của một người đàn ông có tên là John Norton, người sau này Gates nói rằng đã dạy mình về lập trình nhiều hơn bất cứ ai. 

Năm năm đó − từ lớp Tám tới cuối trung học, chính là khoảng thời gian Hamburg của Bill Gates, và xét theo khía cạnh nào đó, ông cũng đã được ban tặng một loạt cơ hội thậm chí còn phi thường hơn cả Bill Joy.

Cơ hội thứ nhất là việc Gates được chuyển đến Lakeside. Liệu có bao nhiêu trường trung học trên khắp thế giới được tiếp cận với một bộ thiết bị đầu cuối hồi năm 1968? Cơ hội thứ hai là việc các bà mẹ ở trường Lakeside có đủ tiền bạc để trả các khoản phí máy tính của trường. Thứ ba là, khi số tiền đó cạn sạch, một trong số các vị phụ huynh bỗng nhiên lại làm việc ở C-Cubed, nơi bỗng nhiên cần ai đó kiểm tra code vào dịp cuối tuần, và điều cũng ngẫu nhiên xảy ra là họ chẳng thèm bận tâm việc những ngày cuối tuần lại trở thành những đêm cuối tuần. Thứ tư là chuyện Gates bỗng nhiên lại phát hiện ra ISI, và ISI lại bỗng nhiên cần đến ai đó làm việc với phần mềm chấm công trả lương của họ. Thứ năm là Gates bất ngờ thay lại sống ở một khoảng cách đủ gần để có thể đi bộ tới Đại học Washington. Thứ sáu là trường đại học này bỗng nhiên lại có khoảng thời gian máy tính rỗi rãi từ ba đến sáu giờ sáng. Thứ bảy là TRW bỗng nhiên lại gọi Bud Pembroke. Thứ tám là những lập trình viên mà Pembroke biết là phù hợp nhất với vấn đề cần xử lý bỗng nhiên lại là hai cậu choai trung học. Và thứ chín là việc trường Lakeside đồng ý để cho hai cậu bé viết code trong cả mùa xuân ở một nơi cách đó nhiều dặm.

Vậy hầu hết tất cả những cơ may đó có điểm gì chung? Chúng mang lại cho Bill Gates khoảng thời gian phụ trội để luyện tập. Đến thời điểm Gates ra khỏi trường Harvard sau năm thứ hai để thử bắt tay vào công ty phần mềm riêng của mình, trên thực tế cậu đã lập trình không ngừng nghỉ trong suốt bảy năm liên tiếp. Cậu Gates trẻ tuổi khi ấy đã có được con số lớn hơn mười nghìn tiếng đồng hồ rất nhiều. Liệu có bao nhiêu thanh thiếu niên trên khắp thế giới có được thứ trải nghiệm giống như Bill Gates? “Tôi không tin là có quá năm mươi người trên toàn thế giới có thể được như vậy”, ông nói. “Những việc chúng tôi làm ở C-Cubed và hệ thống tính lương, rồi đến TRW − tất cả những việc đó gộp lại. Tôi được đặt vào bối cảnh của ngành phát triển phần mềm ở lứa tuổi trẻ hơn bất cứ ai thời bấy giờ, và tất cả là do cả loạt cơ hội may mắn phi thường như thế.” 

 

Nếu chúng ta tập hợp những câu chuyện của các tuyển thủ khúc côn cầu, ban nhạc Beatles cùng Bill Joy cũng như Bill Gates lại với nhau, tôi nghĩ chúng ta sẽ có được bức tranh hoàn thiện hơn về con đường dẫn tới thành công. Joy và Gates và ban nhạc Beatles đều tài giỏi không cãi vào đâu được. Lennon và McCartney sở hữu tài năng âm nhạc có lẽ chỉ xuất hiện độc nhất trong cả một thế hệ, còn Bill Joy, chúng ta đừng quên, là người có trí não nhanh nhạy đến mức có thể dựng được một thuật toán phức tạp về lịch trình bay khiến các vị giáo sư phải kinh ngạc. Nhiều như thế là đã đủ rõ ràng.

Nhưng điều thực sự làm nên lịch sử khác biệt của họ không phải tài năng phi phàm mà là những cơ may phi thường của họ. Ban nhạc Beatles, vì những nguyên cớ ngẫu nhiên nhất, đã được mời tới Hamburg. Nếu không có khoảng thời gian ở Hamburg, Beatles rất có thể đã đi theo một con đường khác hẳn. “Tôi đã rất may mắn.” Bill Gates nói như vậy ngay từ lúc bắt đầu cuộc phỏng vấn. Điều đó không có nghĩa là ông kém xuất sắc hay không phải là một thương gia phi thường. Nó chỉ nói lên rằng ông hiểu việc chuyển đến Lakeside hồi năm 1968 là một cơ may tốt đẹp tới chừng nào.

Tất cả những nhân vật xuất chúng mà chúng ta quan sát cho đến bây giờ đều là những người hưởng lợi từ một vài cơ hội bất thường nào đó. Những cơ duyên may mắn dường như không phải là thứ gì ngoại lệ đối với các tỷ phú phần mềm và các ban nhạc rock hay các vận động viên ngôi sao. Chúng dường như giống một kiểu quy luật.

Hãy để tôi mang tới cho bạn thêm một ví dụ cuối cùng nữa chứng minh cho những cơ may ngầm ẩn mà những Những kẻ xuất chúng của chúng ta được hưởng lợi. Thử thực hiện một phiên bản khác của việc phân tích niên lịch mà chúng ta đã làm trong chương trước với các tuyển thủ khúc côn cầu, có điều lần này là nhìn vào năm sinh, chứ không phải tháng sinh. Để bắt đầu, hãy quan sát kỹ bảng danh sách bảy mươi lăm nhân vật giàu có nhất trong lịch sử nhân loại dưới đây. Tài sản của mỗi người trong số đó được tính theo giá trị đô-la ngày nay. Như bạn có thể thấy, nó bao gồm các vị nữ hoàng, nhà vua, pharaoh từ nhiều thế kỷ trước và cả những tỷ phú đương thời như là Warren Buffett và Carlos Slim.

Bạn biết điều gì thú vị ở bảng trên không? Trong số bảy mươi lăm cái tên, có tới mười bốn là người Mỹ sinh vào chín năm khoảng giữa thế kỷ XIX. Thử suy nghĩ về điều đó một chút. Các nhà sử học đã bắt đầu từ Cleopatra và những vị pharaoh rồi lùng sục vào mọi ngóc ngách của thế giới để tìm kiếm dấu tích những khối của cải phi thường, và chiếm gần 20% tổng số những cái tên họ lọc ra đều xuất phát từ một thế hệ duy nhất ở một quốc gia duy nhất.

Danh sách những người Mỹ đó và năm sinh của họ:

1. John D. Rockefeller, 1839

2. Andrew Carnegie, 1835

28. Frederick Weyerhaeuser, 1834

33. Jay Gould, 1836

34. Marshall Field, 1834

35. George F. Baker, 1840

36. Hetty Green, 1834

44. James G. Fair, 1831

54. Henry H. Rogers, 1840

57. J. P. Morgan, 1837

58. Oliver H. Payne, 1839

62. George Pullman, 1831

64. Peter Arrell Brown Widener, 1834

65. Philip Danforth Armour, 1832

Điều gì đang xảy ra ở đây? Câu trả lời trở nên hiển nhiên nếu bạn chịu suy nghĩ về nó. Vào những năm 1860 và 1870, nền kinh tế Mỹ trải qua một cuộc chuyển đổi có lẽ là vĩ đại nhất trong lịch sử. Đây chính là thời điểm các tuyến đường sắt được xây dựng và thị trường Phố Wall nổi lên. Đó là thời điểm ngành sản xuất công nghiệp khởi đầu. Đó là thời điểm tất cả những quy luật chi phối nền kinh tế truyền thống bị phá vỡ và được sáng tạo lại. Điều mà bản danh sách này nói lên chính là việc bạn bao nhiêu tuổi vào thời điểm cuộc chuyển đổi này xảy ra có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Nếu bạn sinh ra vào cuối thập niên 1840, bạn đã để lỡ cơ may. Bạn còn quá trẻ để tận dụng được khoảnh khắc ấy. Nếu bạn sinh ra vào những năm 1820, bạn lại quá già: đầu óc của bạn đã bị định hình bởi mô thức tiền−Nội-chiến-Mỹ. Nhưng lại có một khung cửa chín-năm đặc biệt, nhỏ hẹp vừa vặn hoàn hảo để quan sát thấy những tiềm năng mà tương lai mang tới. Tất cả mười bốn người đàn ông và đàn bà trong danh sách kể trên đều có tầm nhìn và tài năng. Nhưng họ cũng được trao tặng một cơ hội phi thường, với cách thức giống hệt như chuyện các tuyển thủ khúc côn cầu và túc cầu sinh ra vào tháng Giêng, Hai, Ba được trao tặng một cơ hội phi thường vậy.  

Giờ hãy thử làm một phân tích tương tự với những người như Bill Joy và Bill Gates.

Nếu bạn trò chuyện với các cựu binh ở Thung lũng Silicon, họ sẽ kể bạn nghe rằng giai đoạn quan trọng nhất trong lịch sử cuộc cách mạng máy tính cá nhân là vào tháng Giêng năm 1975. Đó là thời điểm tạp chí Popular Electronics đăng tải trên trang bìa câu chuyện về một loại máy móc phi thường có tên là Altair 8800. Máy Altair 8800 có giá 397 đô-la. Đó là một cỗ máy tự-thao-tác kỳ cục mà bạn có thể lắp ráp tại nhà. Bài báo được giật tít rất hấp dẫn: “ĐỘT PHÁ SÁNG TẠO! Bộ đồ nghề máy tính mini đầu tiên trên thế giới cạnh tranh với các kiểu mẫu trên thị trường.”

Đối với những độc giả của tờ Popular Electronics − Thánh kinh của thế giới phần mềm và máy tính non nớt thời bấy giờ, dòng tiêu đề ấy chính là một sự ngộ tỉnh. Tính đến thời điểm đó máy tính vẫn chỉ là những cụm máy trung tâm cồng kềnh, đắt đỏ giống như thứ máy chễm chệ giữa cơ ngơi trắng toát của Trung tâm Máy tính Michigan. Suốt bao nhiêu năm ròng, tất cả mọi tin tặc cũng như những tài năng trẻ của lĩnh vực điện tử đều ước ao đến ngày nào đó sẽ xuất hiện một chiếc máy tính đủ nhỏ gọn và ít đắt đỏ hơn để một người bình thường có thể sở hữu và sử dụng. Ngày ấy cuối cùng đã đến.

Nếu tháng Giêng năm 1975 chính là buổi bình minh của kỉ nguyên máy tính cá nhân, vậy thì ai ở vào tình thế tốt nhất để có thể tận dụng cơ hội này? Những quy luật tương tự áp dụng ở đây cũng được viện tới trong kỉ nguyên của những John Rockefeller và Andrew Carnegie.

“Năm 1975, bạn là một người đứng tuổi, vậy thì chắc chắn bạn đã có sẵn công việc ở hãng IBM sau khi rời trường đại học, và một khi người ta khởi sự ở IBM, thì thực sự sẽ phải trải qua một khoảng thời gian cam go để thực hiện cuộc quá độ sang một thế giới mới,” Nathan Myhrvold – nhiều năm đảm nhiệm vị trí điều hành tại Microsoft nói như vậy. “Tập đoàn nhiều-tỷ-đô-la này vốn chế tạo ra các máy trung tâm, và nếu anh đã là một phần trong đó, anh sẽ nghĩ tại sao phải phí phạm thì giờ với những cái máy tính bé tí thảm hại này chứ? Đối với họ đó mới là ngành công nghiệp máy tính, và họ chẳng bận tâm gì đến cuộc cách mạng mới mẻ này cả. Họ bị che mắt bởi cách nhìn nhận một chiều về ngành máy tính. Họ kiếm sống tốt. Và chẳng có cơ hội nào mở ra khiến họ có thể trở thành một kẻ giàu kếch sù và có ảnh hưởng toàn thế giới.”

Nếu tính đến năm 1975 bạn đã ra trường được vài năm, vậy thì bạn đã thuộc về thứ mô thức cũ kỹ. Bạn đã mua được một căn nhà. Bạn đã kết hôn. Một đứa con sắp ra đời. Bạn không có vẻ gì sẽ từ bỏ công việc và khoản phụ cấp ngon lành chỉ để theo đuổi một bộ lắp ráp máy tính trị giá 397 đô-la viển vông huyễn tưởng. Vậy hãy loại trừ tất cả những người sinh trước năm 1952, ví dụ thế.

Cùng thời điểm đó, dầu sao, bạn cũng không được trẻ quá. Bạn muốn tham gia vào vạch xuất phát của cuộc thử vận may rủi, đúng vào năm 1975, bạn sẽ không thể làm vậy nếu vẫn còn đang học cấp III. Vậy thì loại trừ tiếp bất cứ ai sinh khoảng sau năm 1958. Nói cách khác, lứa tuổi lý tưởng để có cơ hội được thử thời vận năm 1975 là phải đủ già dặn để trở thành một phần của cuộc cách mạng sắp tới nhưng lại không được cứng tuổi tới mức bỏ lỡ cuộc chơi. Lý tưởng là, bạn phải hai mươi hoặc hai mốt tuổi, tức là sinh năm 1954 hoặc 1955.

Có một cách đơn giản để kiểm nghiệm lý thuyết này. Bill Gates sinh năm nào?

Bill Gates: 28 tháng Mười năm 1955.

Đó là một ngày sinh hoàn hảo! Gates chính là kiểu vận động viên khúc côn cầu sinh đúng vào mùng 1 tháng Giêng. Bạn thân nhất của Gates ở trường Lakeside là Paul Allen. Paul cũng thường xuyên lui tới phòng máy tính với Gates và trải qua những buổi tối đằng đẵng cùng Gates tại ISI và C-Cubed. Allen sau đó tiếp tục cùng Bill Gates sáng lập nên Microsoft. Vậy Paul Allen sinh năm nào?

Paul Allen: 21 tháng Giêng năm 1953

Nhân vật giàu có thứ ba ở Microsoft là người điều hành mọi hoạt động của công ty kể từ năm 2000, một trong những nhà lãnh đạo được kính nể nhất trong thế giới phần mềm − Steve Ballmer. Ngày sinh của Ballmer thì sao?

Steve Ballmer: 24 tháng Ba năm 1956

Và cũng đừng quên một người nổi tiếng không thua kém chút nào so với Gates: Steve Jobs, đồng sáng lập hãng Máy tính Apple. Không giống như Gates, Jobs không xuất thân từ một gia đình giàu có và ông cũng không đặt chân tới trường Michigan như Joy. Nhưng cũng chẳng cần phải điều tra nhiều về quá trình sinh trưởng của Jobs để nhận ra rằng ông cũng đã có một quá trình Hamburg của riêng mình. Jobs lớn lên ở vùng Mountain View − vị trí tuyệt đối trung tâm của Thung lũng Silicon. Láng giềng quanh ông toàn là các kỹ sư của hãng Hewlett-Packard, cho đến ngày nay vẫn là một trong những hãng điện tử quan trọng bậc nhất trên thế giới. Khi còn là một cậu thiếu niên, Jobs đã lượn vòng vòng quanh các khu chợ trời ở Mountain View, nơi những kẻ yêu thích và thành thạo thiết bị điện tử mua đi bán lại các linh kiện rời. Jobs khi ấy đã đủ lớn để hít thở bầu không khí của chính lĩnh vực làm ăn mà sau này ông sẽ thống trị.

Đoạn văn dưới đây được trích từ cuốn Accidental Millionaire (Tạm dịch: Nhà triệu phú tình cờ), một cuốn tiểu sử về Jobs, sẽ khiến độc giả cảm nhận được những trải nghiệm thời thơ ấu của Jobs phi thường đến cỡ nào. 

Tham dự các cuộc nói chuyện buổi tối của những nhà khoa học hãng Hewlett-Packard. Các buổi chuyện trò ấy nói về những thành tựu tiên tiến nhất trong lĩnh vực điện tử còn Jobs thì thể hiện một kiểu vốn là đặc điểm khác biệt trong tính cách của mình, bám riết lấy các kỹ sư Hewlett-Packard và moi móc thông tin từ họ. Có lần cậu thậm chí còn gọi cả Bill Hewlett − một trong những nhà sáng lập của hãng để vòi vĩnh linh kiện. Jobs không chỉ nhận được những linh kiện cậu cần mà còn thành công trong việc xin được một việc làm thêm mùa hè. Jobs làm việc trên một dây chuyền lắp ráp để dựng các máy tính, cậu hào hứng tới mức còn cố gắng thiết kế kiểu máy tính của riêng mình...

Gượm hẵng. Bill Hewlett đưa cho Jobs các linh kiện rời? Điều đó có tầm vóc tương đương với việc Bill Gates được tiếp cận vô thời hạn vào hệ thống đầu cuối thao tác đồng thời hồi mười ba tuổi. Nó cũng giống như việc giả sử bạn yêu thích thời trang mà người láng giềng trong những năm tháng bạn trưởng thành tình cờ làm sao lại chính là ông hoàng thời trang Giorgio Armani. Mà Jobs sinh vào thời gian nào nhỉ?

Steve Jobs: 24 tháng Hai năm 1955

Một nhân vật tiên phong khác trong cuộc cách mạng phần mềm là Eric Schmidt. Ông điều hành Novell − một trong những hãng phần mềm quan trọng nhất ở Thung lũng Silicon, và vào năm 2001, ông đã trở thành giám đốc điều hành của Google. Ngày sinh của Eric?

Eric Schmidt: 27 tháng Tư năm 1955

Dĩ nhiên, tôi không có ý gợi ra rằng mọi ông trùm phần mềm ở Thung lũng Silicon đều sinh năm 1955. Vài người không như thế, cũng giống như không phải tất cả những doanh nhân vĩ đại ở nước Mỹ đều sinh ra vào giữa thập niên 1830. Nhưng có những hình mẫu rất rõ ràng ở đây, và điều đáng chú ý là việc dường như chúng ta ít muốn thừa nhận chúng. Chúng ta vờ rằng thành công chỉ riêng rẽ là chuyện của công trạng cá nhân. Nhưng chẳng có gì trong số những đoạn tiểu sử chúng ta theo dõi từ đầu tới giờ lại nói lên rằng mọi thứ chỉ đơn giản có vậy. Thay vào đó, đều là câu chuyện về những con người được trao tặng một cơ hội vàng để làm việc chăm chỉ thực sự và nắm chặt lấy nó, và đó cũng là những người tình cờ đủ trưởng thành vào thời điểm mà nỗ lực phi thường ấy được toàn bộ xã hội tưởng thưởng. Thành công của họ không chỉ là kết quả từ việc tự mình gây dựng. Nó là sản phẩm của cả thế giới trong đó họ sinh ra và lớn lên.

Tiện đây, cũng đừng quên mất Bill Joy. Nếu như ông cứng tuổi hơn một chút và nếu như ông phải đối mặt với sự vất vả cực nhọc của việc lập trình với những thẻ máy tính, như lời ông nói, thì ông đã chuyển sang nghiên cứu khoa học. Bill Joy − huyền thoại máy tính có thể đã trở thành Bill Joy − nhà sinh học. Và nếu Bill Joy trưởng thành muộn mất vài năm, cánh cửa nhỏ hẹp vốn mang lại cho ông cơ hội viết mã hỗ trợ cho Internet đã đóng sập mất rồi. Xin nhắc lại, huyền thoại máy tính Bill Joy có thể đã phải là nhà sinh học Bill Joy. Vậy Bill Joy ra đời khi nào?

Bill Joy: 8 tháng Mười Một năm 1954

Sau công việc ở Berkeley, Joy sẽ tiếp tục trở thành một trong bốn người sáng lập hãng Sun Microsystems, một trong những tập đoàn phần mềm kỳ cựu và quan trọng bậc nhất Thung lũng Silicon. Và nếu bạn vẫn khăng khăng nghĩ rằng sự tình cờ về thời điểm, nơi chốn và năm sinh không quan trọng đến thế, thì đây là ngày sinh của ba sáng lập viên còn lại hãng Sun Microsystems:

Scott McNealy: 13 tháng Mười Một năm 1954

Vinod Khosla: 28 tháng Giêng năm 1955

Andy Bechtolsheim: 30 tháng Chín năm 1955

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Những kẻ xuất chúng Chương 2: Quy Tắc 10.000 Giờ

Có thể bạn thích