Những Huyền Thoại
Dominici Hay Thắng Lợi Của Văn Chương

Dominici hay thắng lợi của Văn chương

TOÀN BỘ phiên toà xử Dominici* đã diễn ra dựa trên một quan niệm nào đấy về tâm lý, dường như ngẫu nhiên đấy là quan niệm Văn chương hợp truyền thống. Các bằng chứng cụ thể thì không rõ hoặc mâu thuẫn, người ta phải viện đến các bằng chứng tinh thần; và lấy các bằng chứng ấy ở đâu nếu không phải là ngay trong tâm tính của những kẻ buộc tội? Thế là người ta đã dựng lại theo trí tưởng tượng, chẳng chút hoài nghi, những động cơ và chuỗi nối tiếp các hành vi; người ta đã làm như các nhà khảo cổ kia đi nhặt nhạnh từng viên đá cũ kỹ từ các ngóc ngách của khu vực khai quật, rồi dùng thứ xi măng hoàn toàn hiện đại của họ gắn dựng lại một hương án tinh tế của Sésostris*, hoặc hơn nữa tái dựng lại một tôn giáo đã chết hai ngàn năm về trước bằng cách khai thác kho tri thức cổ của nhân loại, thực ra chỉ là tri thức của họ, được soạn thảo trong các nhà trường của nền Đệ tam Cộng hoà*.

Cũng vậy đối với “tâm lý” của ông lão Dominici. Có đúng đấy là tâm lý của lão không? Chẳng ai biết. Nhưng người ta có thể tin chắc rằng đó đúng là tâm lý của ngài chánh án toà thượng thẩm hoặc của ngài chưởng lý. Hai tâm tính ấy, tâm tính của ông lão nông thôn vùng núi Alpes và tâm tính của viên chức xét xử, có cùng một cơ chế hay không? Chắc chắn quá đi rồi. Tuy nhiên chính là nhân danh tâm lý “phổ biến” mà lão Dominici đã bị kết án: bước ra từ vùng trời thú vị của các tiểu thuyết tư sản và của tâm lý bản chất luận, Văn học vừa đưa một con người lên đoạn đầu đài. Các bạn hãy nghe ngài chưởng lý: “Sir Jack Drummond, tôi đã thưa với các vị, lúc ấy run sợ. Nhưng ông ấy biết rằng cách tốt nhất để tự bảo vệ, là cứ tấn công. Thế là ông đã lao vào con người dữ tợn đó và tóm lấy cổ lão. Chẳng có nói đi nói lại. Nhưng đối với Gaston Dominici, riêng cái việc người ta muốn đánh gục lão xuống đất là không thể tưởng tượng được. Về thể lực lão đã không thể chịu đựng nổi cái sức mạnh bất ngờ lao tới.” Nghe có lý lắm như đền thờ Sésostris, như Văn chương của ông Genevoix*. Duy có điều xây dựng khảo cổ học hoặc tiểu thuyết trên một cái “Tại sao không?” thì chẳng hại đến ai cả. Nhưng còn Công lý thì sao? Cứ lâu lâu lại có một vụ án nào đấy, không nhất thiết là hư cấu như vụ án trong Kẻ xa lạ*, diễn ra để nhắc nhở các bạn rằng công lý luôn sẵn sàng suy bụng ta ra bụng người để kết án các bạn mà chẳng ăn năn hối hận gì, và như trong kịch của Comeille*, nó miêu tả các bạn như các bạn cần phải thế chứ không phải như các bạn vốn là như thế.

Toà án xét xử được công minh là nhờ vào một huyền thoại trung gian luôn được sử dụng rộng rãi, dù đấy là ở các toà thượng thẩm hay ở các diễn đàn văn chương, đó là sự trong sáng và tính phổ biến của ngôn ngữ. Quan chánh án toà thượng thẩm, là người đọc báo Le Figaro, rõ ràng không cảm thấy chút đắn đo nào khi đối thoại với ông lão chăn dê “dốt nát”. Cả hai chẳng có cùng một ngôn ngữ, và là tiếng Pháp, ngôn ngữ sáng sủa nhất đấy ư? Nhờ có sự bảo đảm tuyệt vời của nền giáo dục trong nhà trường nên những gã chăn cừu nói năng thoải mái với các quan toà! Nhưng ngay ở đây, đằng sau cái đạo lý tuyệt diệu (và lố lăng) của những bài tập dịch tiếng La-tinh và những bài văn nghị luận tiếng Pháp, vẫn là vai trò đầu óc của con người.

Sự sai biệt của các ngôn ngữ, khuôn viên bất khả xâm nhập của chúng dẫu sao cũng đã được vài nhà báo nhấn mạnh, và Giono* đã nêu lên nhiều dẫn chứng trong những bài viết tường thuật phiên toà. Người ta nhận thấy là chẳng cần phải hình dung những rào cản bí ẩn, những sự hiểu lầm theo kiểu Kafka*. Không, cú pháp, từ vựng, phần lớn các chất liệu sơ đẳng, phân giải của ngôn ngữ mò mẫm tìm kiếm nhau mà không bắt gặp nhau, nhưng chẳng ai băn khoăn: (“Lão đã đi lên cầu phải không? – Đường đi có trồng cây hai bên ư? Ở đấy không có đường đi trồng cây hai bên, tôi biết mà, tôi đã đến đấy.”*) Lẽ dĩ nhiên tất cả mọi người vờ như tin rằng đó là ngôn ngữ chính thức, ai cũng hiểu nghĩa như nhau, ngôn ngữ của Dominici chỉ là một dị biệt của tiếng nói vùng dân tộc, nghe lạ tai bởi tính chất nghèo nàn của nó. Thế nhưng cái ngôn ngữ của ông chánh án cũng hết sức cá biệt, chứa đầy những sáo ngữ không thật, ngôn ngữ của bài tập làm văn trong nhà trường chứ không phải của tâm lý cụ thể (trừ phi phần lớn mọi người đều bị bắt buộc, ôi chao, phải có cái tâm lý của thứ ngôn ngữ người ta dạy cho họ). Đơn giản chỉ là hai cái cá biệt đối chọi nhau. Nhưng một trong hai cá biệt ấy có danh vọng, luật pháp và sức mạnh về phía mình.

Và cái ngôn ngữ “phổ biến” ấy đến áp đặt đúng lúc tâm lý các ông thầy: tâm lý đó cho phép nó luôn xem ngôn ngừ kia như một đối tượng, đồng thời vừa miêu tả vừa kết án ngôn ngữ ấy. Đó là một thứ tâm lý tính từ, nó chỉ biết gán cho các nạn nhân của nó những thuộc tính, chẳng cần biết đến tất cả những gì thuộc hành vi ngoài phạm trù tội lỗi mà người ta cố tình gán cho. Các phạm trù ấy là phạm trù của hài kịch cổ điển hoặc của một chuyên luận về thuật chiết tự: theo đó, con người huênh hoang, nóng nẩy, ích kỷ, ranh mãnh, trụy lạc, khắc nghiệt chỉ tồn tại trong xã hội như những “tính cách”, ít nhiều dễ dàng xếp vào loại này hay loại kia, và ít nhiều kính cẩn phục tùng. Tâm lý vụ lợi ấy chẳng cần biết đến trạng thái ý thức, nhưng lại làm như xem xét hành vi xuất phát từ ý thức có trước, xuất phát từ “tâm hồn” vốn có; tâm lý ấy phán xét con người như một “ý thức” mà chẳng hề bối rối là thoạt đầu đã miêu tả con người như một đối tượng.

Vả chăng cái tâm lý ngày nay nhân danh nó người ta rất có thể chặt đầu các bạn lại bắt nguồn trực tiếp từ nền văn học truyền thống của chúng ta, mà người ta gọi theo phong cách tư sản là văn học của Tư liệu sống. Chính là nhân danh tư liệu sống mà lão Dominici đã bị kết án. Công lý và văn chương đã đi vào liên kết với nhau, đã trao đổi với nhau những kỹ thuật cũ kỹ của chúng, thế là để lộ ra sự đồng nhất của chúng, tiếp tay cho nhau một cách trơ trẽn. Phía sau các quan toà, trong những chiếc ghế ngà, là những nhà văn (Giono, Salacrou*). Trên bàn công tố, là quan toà ư? Không, một “người viết truyện tuyệt vời” đấy, vốn có “tài trí không thể phủ nhận” và “nhiệt hứng” chói lọi (theo lời khen ngợi rất chướng mà báo Le Monde ban cho ngài chưởng lý toà thượng thẩm). Ngay cảnh sát ở đây cũng bắt đầu đi vào viết lách. (Một viên sĩ quan cảnh sát: “Tôi chưa bao giờ thấy một kẻ nói dối nào khéo đóng kịch hơn, một tay chơi bời nào đa nghi hơn, một kẻ dựng chuyện nào buồn cười hơn, một tay láu lỉnh nào xảo trá hơn, một ông lão bẩy mươi nào vui nhộn hơn, một tên chuyên chế nào tự tin hơn, một gã tính toán nào quỷ quyệt hơn, một kẻ giả dối nào lắm mưu nhiều mẹo hơn… Gaston Dominici, đó là một Frégoli* kỳ lạ có tâm tính của loài người và ý nghĩ của loài vật. Vị lão trượng giả hiệu của Trần gian ấy không chỉ có nhiều mà có cả trăm bộ mặt!”) Những tương phản, những ẩn dụ, những bay bướm, đó là tất cả phép tu từ trong nhà trường được tung ra ở đây để buộc tội ông lão chăn cừu. Công lý đã khoác cái mặt nạ của văn chương hiện thực, của truyện dân dã, trong khi chính văn chương lại đến phòng xử án để tìm những tư liệu “nhân bản” mới, để thu lượm một cách vô tư trên khuôn mặt của bị cáo và của những nghi can ánh phản chiếu của một tâm lý là thứ mà công lý đã áp đặt lên khuôn mặt ấy từ trước.

Duy có điều, đối diện với thứ văn chương mãn nguyện (luôn được xem là văn chương của “cái thật” và của “cái nhân bản”) còn có văn chương của giằng xé: vụ án Dominici cũng đã là thứ văn chương ấy. Ở đây đã chỉ có những nhà văn khát khao cái thật và những nhà kể chuyện xuất sắc mà nhiệt hứng “chói lọi” lôi cuốn đầu óc mọi người; dù mức độ phạm tội của bị cáo là thế nào đi nữa, cũng vẫn có nỗi khiếp sợ mà tất cả chúng ta đều bị đe doạ, nỗi khiếp sợ bị xét xử bởi một quyền lực chỉ muốn nghe thứ ngôn ngữ mà nó gán cho chúng ta. Tất cả chúng ta đều tiềm tàng có thể là Dominici, không phải những kẻ sát nhân, mà là những bị cáo bị truất mất ngôn ngữ, hoặc tệ hơn nữa, bị bịa đặt, bị hạ nhục, bị kết án bằng ngôn ngữ của những kẻ buộc tội chúng ta. Nhân danh chính ngôn ngữ để đánh cắp ngôn ngữ của một người, mọi vụ sát nhân hợp pháp đều bắt đầu từ đấy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Những Huyền Thoại Dominici Hay Thắng Lợi Của Văn Chương

Có thể bạn thích