Nguyên lý 80/20
Chương 15: Bảy Thói Quen Mang Đến Hạnh Phúc

Tính khí con người không phải là số phận của họ.

Daniel Goleman1

Nhà hiền triết Aristotle cho rằng mục đích của tất cả các hành động của con người đều là mưu cầu hạnh phúc. Lịch sử bao đời này cho thấy, con người chúng ta đã không nghe theo Aristotle là mấy. Lẽ ra ông ấy nên bảo cho chúng ta biết phải làm thế nào để được hạnh phúc hơn. Lẽ ra ông ấy đã có thể bắt đầu một cách hữu ích bằng việc phân tích cội nguồn của hạnh phúc và bất hạnh.

Có phải là Nguyên lý 80/20 thực sự có thể áp dụng được trong vấn đề hạnh phúc không? Tôi tin là có. Đối với hầu hết mọi người dường như đúng là phần lớn hạnh phúc cảm nhận được xuất hiện trong một phần nhỏ thời gian. Một giả thiết theo Nguyên lý 80/20 là 80% hạnh phúc xuất hiện trong 20% thời gian của mỗi người chúng ta. Khi tôi cố gắng thử áp dụng giả thiết này cho bạn bè và yêu cầu họ chia các tuần của mình thành ngày, và thành các buổi trong ngày, hoặc chia các tháng của họ thành các tuần, hoặc chia năm thành các tháng, hoặc chia cuộc đời họ thành các năm, thì khoảng 2/3 số người tham gia cho thấy có một khuôn mẫu không cân đối rõ rệt, gần giống khuôn mẫu 80/20.

Giả thiết này không áp dụng được cho mọi người. Khoảng 1/3 bạn bè của tôi không biểu hiện theo khuôn mẫu Nguyên lý 80/20. Hạnh phúc của họ được phân bổ đều ra toàn thời gian của họ. Điều thú vị là về đại thể nhóm sau dường như hạnh phúc hơn hẳn nhóm đa số đạt được đỉnh cao hạnh phúc trong những khoảnh khắc ngắn của cuộc đời họ.

Điều này phù hợp với lẽ thường. Nhìn chung, những người hạnh phúc trong phần lớn cuộc đời của họ có nhiều khả năng được trở nên hạnh phúc hơn. Những người mà hạnh phúc tập trung vào những khoảnh khắc ngắn ngủi có thể thấy cuộc đời ít hạnh phúc hơn.

Điều này cũng phù hợp với ý tưởng xuyên suốt cuốn sách này, rằng mối quan hệ 80/20 hàm ẩn sự lãng phí và cơ hội lớn để cải thiện cuộc sống. Nhưng, điều quan trọng hơn là, nó cho thấy rằng Nguyên lý 80/20 có thể giúp chúng ta trở nên hạnh phúc hơn.

Hai cách để được hạnh phúc hơn

„Xác định những khoảng thời gian mà bạn cảm thấy hạnh phúc nhất và kéo dài tối đa những khoảnh khắc ấy.

„Xác định những khoảng thời gian mà bạn cảm thấy ít hạnh phúc nhất; và hãy thu ngắn tối đa những khoảnh khắc ấy.

Hãy dành nhiều thời gian hơn vào loại hoạt động rất hữu hiệu trong việc làm cho bạn hạnh phúc và dành ít thời gian hơn cho những hoạt động còn lại. Hãy bắt đầu bằng việc cắt giảm những nốt “trầm” bất hạnh, những thứ có khuynh hướng chủ động mang những điều không vui đến với bạn. Cách tốt nhất để bắt đầu trở nên hạnh phúc hơn là hãy chấm dứt tâm trạng bất hạnh. Bạn có thể hạn chế được tâm trạng bất hạnh nhiều hơn là bạn tưởng, đơn giản bằng cách tránh những tình huống mà kinh nghiệm cho thấy có thể làm bạn trở nên đau khổ.

Đối với những hoạt động không giúp cho bạn có được hạnh phúc (hoặc dễ làm bạn cảm thấy không hạnh phúc), hãy suy nghĩ một cách có hệ thống về những cách thức mà bạn có thể tìm được niềm vui nhiều hơn từ những hoạt động này. Nếu làm được thế thì tốt. Bằng không, bạn hãy nghĩ cách để tránh rơi vào những tình huống này.

Nhưng, phải chăng con người bất lực khi đương đầu với bất hạnh?

Đặc biệt nếu bạn có biết qua những người thường xuyên cảm thấy không hạnh phúc (và thường bị gán vào loại người “mắc bệnh tinh thần”, một danh từ nghe có vẻ khách quan nhưng lại cực kỳ mơ hồ và không chút hữu ích gì, và có lẽ mang đến nhiều bất hạnh cho thế giới này hơn hầu hết những danh từ nào khác), bạn có thể phản biện rằng phân tích này quá đơn giản và giả định khả năng kiểm soát hạnh phúc ở một chừng mức nào đó của con người mà, vì những lý do sâu xa về tâm lý, nhiều hay hầu hết tất cả mọi người đều không có được. Chẳng phải khả năng cảm thấy hạnh phúc của chúng ta phần lớn được định sẵn bởi sự di truyền và những trải nghiệm thời thơ ấu sao? Chúng ta có thực sự nắm quyền điều khiển hạnh phúc của mình không?

Phải thừa nhận là, có nhiều người có tính khí hướng đến hạnh phúc hơn những người khác. Đối với một số người, ly nước lúc nào cũng đầy được một nửa, nhưng đối với một số người khác thì ly nước đã cạn hết một nửa. Các nhà tâm lý học và tâm thần học đều tin rằng khả năng tìm được hạnh phúc là do sự tác động qua lại giữa tính di truyền, những trải nghiệm thời thơ ấu, tính chất và cơ chế hóa học của não bộ và những sự kiện trọng đại trong đời sống quyết định. Lẽ cố nhiên, người trưởng thành không thể làm gì được với gen di truyền, những trải nghiệm thời thơ ấu hoặc những bất hạnh đã qua trong cuộc sống của họ. Những ai có xu hướng lẩn tránh trách nhiệm dễ đổ tư tưởng chủ bại cho những lực tác động nằm ngoài tầm kiểm soát của mình, nhất là khi họ dễ bị những lời tiên đoán y khoa tiêu cực làm hoảng sợ.

May thay, kinh nghiệm, quan sát thực tế và chứng cứ khoa học mới nhất đều cho thấy là trong khi mọi người đều được chia vào tay những phần bài khác nhau xét về hạnh phúc (cũng như những ơn phúc khác), thì có nhiều việc chúng ta có thể làm được để đánh một thế bài tốt hơn và để cải thiện tình hình trong canh bạc cuộc đời. Những người trưởng thành đều được trời phú cho khả năng thể lực khác nhau, nhờ di truyền và mức độ rèn luyện và vận động trong suốt thời thơ ấu, thời thanh niên và những thời kỳ tiếp theo sau đó. Tuy nhiên, mỗi người đều có thể cải thiện rõ rệt thể lực của mình bằng cách luyện tập đều đặn, hợp lý. Tương tự như vậy, thông qua những ảnh hưởng di truyền và quá trình học tập rèn luyện, chúng ta có thể được đánh giá là thông minh hoặc kém thông minh, nhưng mỗi người có thể rèn luyện trí óc của mình và phát triển nó. Qua yếu tố gen di truyền và môi trường, chúng ta ít nhiều dễ bị tăng cân, nhưng chế độ ăn uống và rèn luyện sức khỏe có thể giúp cho hầu hết những người béo phì trở nên gầy hơn đáng kể. Thế thì, về nguyên tắc, khả năng làm cho chúng ta trở nên hạnh phúc hơn lại có gì khác chứ, bất kể xuất phát điểm của chúng ta là gì xét về tính khí?

Hầu hết chúng ta đều đã gặp những trường hợp mà khi đó cuộc sống của những người thân quen hay bạn bè được thay đổi về mặt vật chất, và hạnh phúc của họ được tăng thêm hoặc bị giảm đi vĩnh viễn, do những hành vi của chính những cá nhân đó. Một bạn đời mới, một nghề nghiệp mới, một nơi ở mới, một lối sống mới hoặc thậm chí là một quyết định chấp nhận một thái độ khác đối với cuộc sống một cách tự giác: bất kỳ thay đổi nào trong số này đều có thể tạo nên sự khác biệt hoàn toàn đối với hạnh phúc của một cá nhân và tất cả những thay đổi này đều nằm trong tầm kiểm soát của cá nhân đó. Thuyết thiên định là một giả thuyết không thuyết phục nếu ta có thể chứng minh rằng là chỉ những người tin vào thuyết thiên định mới dễ bị thuyết này chi phối. Bằng chứng về việc một số người tự mình có thể thay đổi số phận hẳn có tính thuyết phục và khuyến khích chúng ta nỗ lực thi đua với những người có ý thức rèn luyện để vươn lên.

Cuối cùng thì tự do lựa chọn hạnh phúc được khoa học ủng hộ

Rốt cuộc, lĩnh vực tâm lý và tâm thần học (là ngành xứng đáng với mệnh danh “ngành khoa học bi quan” hơn cả kinh tế học) được thúc đẩy bởi những khám phá của các ngành khoa học khác, đang tạo ra một bức tranh tươi đẹp hơn, phù hợp với lẽ thường và quan sát của chúng ta về cuộc sống. Các nhà di truyền học trước đây lại theo học thuyết định mệnh một cách quá cực đoan, xem toàn bộ hành vi phức tạp của con người chỉ là do ảnh hưởng của gen di truyền. Với tư cách một nhà di truyền học tiến bộ hơn, Giáo sư Steve Jones của Trường University College, Luân Đôn, đã chỉ ra: “Đã có những công bố về việc khám phá ra những gen đơn lẻ kiểm soát sự phiền muộn bất thường, bệnh tâm thần phân liệt và chứng nghiện rượu. Tất cả những tuyên bố này đã bị rút lại”.2 Ngày nay, chúng ta được một chuyên gia về thần kinh-tâm thần học kiệt xuất bảo cho biết: “một lĩnh vực mới, ngành miễn dịch học thần kinh-tâm lý, đang cho nói chúng ta hay… rằng con người hành động như là một tổng thể thống nhất… Bằng chứng này cho thấy có một sự cân bằng mong manh giữa những điều chúng ta nghĩ và cảm thấy hằng ngày với sức khỏe thể lý và tâm thần.”3 Nói cách khác, trong phạm vi cho phép, bạn có thể lựa chọn cách làm cho bản thân mình trở nên hạnh phúc hay bất hạnh và thậm chí làm cho bản thân mình khỏe mạnh hoặc không khỏe mạnh.

Điều này không có nghĩa là chúng ta nên loại bỏ nghiên cứu trước đây về tầm quan trọng của những trải nghiệm thời thơ ấu (hoặc là những bất hạnh sau này). Chúng ta đã thấy trong Phần Một rằng thuyết hỗn độn nêu bật vấn đề “sự phụ thuộc nhạy cảm vào những điều kiện tiên khởi”. Điều này có nghĩa là thời gian đầu trong đời sống của bất kỳ hiện tượng nào, rõ ràng là những biến cố ngẫu nhiên và những nguyên nhân có vẻ nhỏ nhặt đều có thể dẫn đến những khác biệt to lớn trong kết quả cuối cùng.

Một điều tương tự dường như cũng xảy ra trong thời thơ ấu của chúng ta, tạo ra những niềm tin về bản thân chúng ta – rằng chúng ta được yêu thương hoặc bị ghét bỏ, thông minh hoặc không thông minh, được đánh giá cao hoặc có giá trị thấp, dám chấp nhận rủi ro hoặc chỉ biết chấp hành mệnh lệnh của một quyền lực nào đó – để rồi sau đó chúng cứ bám theo ta suốt đời. Niềm tin ban đầu, có thể không dựa trên một cơ sở khách quan nào cả, rồi sẽ có được một cuộc sống riêng của nó và tự thân trở thành hiện thực. Những sự kiện sau đó, như kết quả thi kém, bị tình phụ, không có được nghề nghiệp mà chúng ta mong muốn, sự nghiệp chệch đường, bị sa thải, sức khỏe giảm sút, có thể cuốn chúng ta khỏi quĩ đạo cuộc đời và củng cố những cách nhìn tiêu cực về bản thân chúng ta.

Ngược dòng thời gian để tìm thấy hạnh phúc

Vậy, liệu có phải đây là một thế giới khắc nghiệt nơi mà nỗi bất hạnh là con đường mà chúng ta phải đi qua? Tôi không cho là thế.

Nhà nhân văn học Pico of Mirandola (1463-93) đã chỉ ra rằng loài người không hoàn toàn giống như loài thú.4 Tất cả các sinh vật khác đều có bản chất có giới hạn mà chúng không thể thay đổi được. Con người được ban tặng một bản chất không giới hạn và vì vậy con người có khả năng cải tạo chính bản thân mình. Tất cả những sinh vật khác mang bản chất thụ động; chỉ một mình con người có bản chất chủ động. Các loài vật khác được tạo hóa sinh ra; còn chúng ta có khả năng “tạo hóa”.

Khi bất hạnh giáng xuống, chúng ta có thể nhận ra được vấn đề gì đang xảy ra với chúng ta và chúng ta từ chối chấp nhận nó. Chúng ta được tự do thay đổi cách thức chúng ta suy nghĩ và hành động. Đảo ngược lại cách nói của Jean- Jacques Rousseau, ở đâu đâu con người cũng bị xiềng xích trói buộc, tuy nhiên ở đâu đâu thì con người cũng có thể được tư do. Chúng ta có thể thay đổi cách suy nghĩ của mình về những sự kiện bên ngoài, thậm chí trong những trường hợp chúng ta không thể thay đổi được chúng. Và chúng ta có thể làm được hơn thế nữa. Chúng ta có thể thay đổi một cách thông minh việc tiếp cận những sự kiện làm chúng ta trở nên hạnh phúc hoặc đau khổ.

Làm cho bản thân chúng ta hạnh phúc

bằng cách tăng cường cảm năng

Daniel Goleman và các tác giả khác đều đã so sánh trí thông minh học vấn hay chỉ số IQ với cảm năng: “đó là những khả năng chẳng hạn như tạo động lực thúc đẩy cho bản thân và trì hoãn cảm giác thỏa mãn; điều tiết các trạng thái tâm lý và ngăn không để nỗi bức xúc lấn át đi khả năng tư duy; khả năng nhập cảm và hy vọng”.5 Cảm năng quan trọng đối với hạnh phúc hơn là trí tuệ, song xã hội chúng ta lại ít coi trọng sự phát triển cảm năng. Như Goleman đã nhận xét rất xác đáng rằng:

Mặc dù chỉ số IQ cao không bảo đảm cho sự thịnh vượng, uy tín, hoặc hạnh phúc trong cuộc sống, nhưng các trường học và nền văn hóa của chúng ta luôn nhắm vào các khả năng về học thuật, mà quên bẵng cảm năng, vốn là một tập hợp những phẩm chất – một số người có lẽ gọi nó là tính cách – có ý nghĩa to lớn đối với số phận cá nhân chúng ta”.6

Có một tin tốt lành đó là cảm năng có thể được nuôi dưỡng và học hỏi: chắc chắn là như vậy khi ta còn thơ ấu cũng như vào bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời. Theo cách nói tuyệt vời của Goleman: “tính khí của một người không phải là số phận của người đó”: chúng ta có thể cải mệnh bằng cách thay đổi tính khí của mình. Nhà tâm lý học Martin Seligman chỉ ra rằng “những tâm trạng như là hồi hộp, buồn rầu và giận dữ đều không chỉ bất ngờ ập đến xâm chiếm tâm hồn bạn và bạn không thể kiềm chế được chúng… bạn có thể thay đổi cách bạn cảm nhận bằng những gì bạn nghĩ”.7 Có những kỹ thuật đã được chứng minh qua thực tế có thể giải tỏa những cảm xúc buồn rầu và phiền muộn mới chớm xuất hiện trước khi những cảm xúc này trở thành mối nguy hại cho sức khỏe và hạnh phúc của bạn. Hơn nữa, bằng cách nuôi dưỡng những tính cách lạc quan, bạn có thể ngăn ngừa bệnh tật cũng như có một cuộc sống hạnh phúc hơn. Một lần nữa, Goleman cho thấy là hạnh phúc có liên quan đến các tiến trình thần kinh trong não:

Một trong những biến đổi sinh học chính trong bộ não là hoạt động gia tăng trong trung khu não kiềm hãm những cảm xúc tiêu cực, giúp làm tăng năng lượng sẵn có và làm lắng dịu những cảm xúc gây ra tư tưởng lo âu… có… một sự lắng dịu giúp cho cơ thể phục hồi nhanh chóng hơn từ trạng thái khuấy động sinh học do những cảm xúc khó chịu gây ra.8

Hãy xác định những động lực đòn bẩy cá nhân có thể làm tăng lên những suy nghĩ tích cực và loại bỏ đi những suy nghĩ tiêu cực. Trong những tình huống nào bạn có những cảm nhận tích cực nhất hoặc tiêu cực nhất? Lúc ấy bạn đang ở đâu? Bạn đang có ai ở cùng? Bạn đang làm gì? Thời tiết như thế nào? Mỗi người đều có một loạt những mức độ cảm năng khác nhau tùy thuộc vào từng tình huống. Bạn có thể bắt đầu củng cố cảm năng bằng cách cho bản mình một khoản thời gian ngắn để nghỉ ngơi, bằng việc thay đổi tình huống theo hướng có lợi cho bạn, bằng cách làm những việc ở nơi mà bạn cảm thấy bạn có thể kiểm soát được nhiều nhất và thể hiện đức tính rộng lượng được nhiều nhất. Bạn cũng có thể tránh hoặc giảm thiểu những tình huống mà ở đó bạn ngốc nghếch nhất về mặt xúc cảm!

Làm cho bản thân chúng ta hạnh phúc

hơn bằng việc thay đổi cách thức

chúng ta suy nghĩ về các biến cố

Tất cả chúng ta đều gặp phải cái bẫy tự chuốc nỗi phiền muộn do chúng ta tự tạo nên, khi đó chúng ta suy nghĩ theo chiều hướng u ám và tiêu cực và đơn giản là chúng ta làm cho mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn, để rồi có thể chúng ta tưởng tượng ra rằng chẳng có lối thoát nào khỏi bế tắc đó. Khi chúng ta thoát khỏi muộn phiền, chúng ta nhận thấy rằng trong những bế tắc đó luôn luôn có lối ra. Bằng những bước đi đơn giản, chúng ta có thể huấn luyện bản thân mình để phá vỡ những kiểu buồn khổ tự tạo, chẳng hạn như tìm người san sẻ, thay đổi hiện trạng thể chất của chúng ta hoặc ép buộc bản thân mình tuân theo một chương trình tập luyện nào đó.

Có nhiều ví dụ về những người gặp những bất hạnh tồi tệ nhất, chẳng hạn như những người bị nhốt trong các trại tập trung hoặc mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo, họ phản ứng lại những tình huống này theo cách tích cực làm thay đổi viễn cảnh và làm tăng khả năng sinh tồn của mình.

Theo tiến sĩ Peter Fenwick, một chuyên gia tư vấn về lĩnh vực tâm thần thần kinh, thì “khả năng nhận thấy được ‘sau cơn mưa trời lại sáng’ không phải đơn giản như chủ nghĩa lạc quan kiểu nhân vật Pollyanna;9 mà đó là cơ chế tự bảo vệ lành mạnh dựa trên nền tảng sinh học tốt đẹp”. Dường như chủ nghĩa lạc quan là một “thành phần cấu thành” được thừa nhận về mặt y học đối với cả thành công lẫn hạnh phúc; và nó là động lực lớn nhất trên trái đất này. Hy vọng được định nghĩa một cách cụ thể, theo C.R Snyder, một nhà tâm lý học ở trường Đại học Kansas, là “niềm tin bạn có cả ý chí lẫn phương pháp để đạt những mục đích của bạn, cho dù những mục đích đó là gì đi nữa”.

Làm cho bản thân chúng ta hạnh phúc hơn bằng việc thay đổi cách chúng ta nghĩ về bản thân mình

Bạn cho rằng bản thân mình là người thành công hay thất bại? Nếu bạn trả lời là thất bại, bạn có thể chắc chắn rằng có nhiều người đạt được ít thứ hơn bạn và họ sẽ được nhiều người mô tả là có ít thành công hơn bạn. Nhận thức của họ về sự thành công của bản thân góp phần vào thành công lẫn hạnh phúc của họ. Cảm nhận của bạn về sự thất bại sẽ hạn chế thành công và hạnh phúc của bạn.

Điều tương tự cũng áp dụng cho vấn đề liệu bạn có cho rằng mình hạnh phúc hay không hạnh phúc. Bạn có thể làm cho bản thân mình hạnh phúc hoặc bất hạnh chỉ bằng cách bạn chọn cho mình cách cảm nhận cuộc đời.

Hãy chọn là bạn muốn được hạnh phúc. Bạn có nghĩa vụ phải hạnh phúc, hạnh phúc là do chính bạn và cả những người khác. Trừ phi bạn hạnh phúc, còn không thì bạn sẽ làm cho người bạn đời của bạn và những người khác có tiếp xúc lâu dài với bạn trở nên ít hạnh phúc hơn. Vì vậy, bạn có trách nhiệm tích cực là phải cảm thấy hạnh phúc.

Các nhà tâm lý đều bảo chúng ta rằng mọi cảm nhận về hạnh phúc đều có liên quan đến ý thức về giá trị bản thân. Nhìn về bản thân một cách tích cực là rất quan trọng đối với hạnh phúc. Ý thức về giá trị bản thân có thể và cần được nuôi dưỡng. Bạn biết là bạn có thể làm được điều này: từ bỏ những mặc cảm tội lỗi, quên đi những nhược điểm của bạn, tập trung và dựa vào những điểm mạnh của bạn.

Hãy nhớ đến tất cả các điều tốt mà bạn đã làm, tất cả những thành tựu lớn nhỏ mà bạn đạt được, tất cả những phản hồi tích cực mà bạn từng nhận được. Có nhiều điều hay mà bạn có thể nói về mình. Hãy nói những điều ấy ra– hoặc ít nhất là hãy nghĩ đến những điều ấy. Bạn sẽ ngạc nhiên về sự khác biệt mà nó tạo ra cho các mối quan hệ, những thành công và hạnh phúc của bạn.

Bạn có thể cảm thấy rằng bạn đang tự lừa dối bản thân. Nhưng thật ra thì chuyện có một tri nhận tiêu cực về bản thân ít nhất cũng có tội như chuyện vì tự lừa dối bản thân. Chúng ta luôn luôn tự kể những câu chuyện về bản thân mình. Chúng ta phải như vậy bởi vì không có chân lý khách quan. Bạn nên chọn kể những câu chuyện tích cực hơn là những chuyện tiêu cực. Làm như vậy, bạn sẽ làm tăng thêm hạnh phúc nhân gian, trước hết là cho bản thân và sau đó lan tỏa sang những người khác.

Hãy dùng tất cả sức mạnh ý chí theo chủ định của mình để mưu cầu hạnh phúc. Hãy tạo dựng những câu chuyện nên tạo ra về mình và hãy tin vào chúng!

Làm cho bản thân chúng ta hạnh phúc hơn bằng cách thay đổi các sự kiện

Một con đường để được hạnh phúc hơn là thay đổi các sự kiện mà bạn gặp nhằm làm tăng hạnh phúc của mình. Có thể chúng ta không ai có thể kiểm soát hoàn toàn được các sự kiện nhưng chúng ta có khả năng kiểm soát nhiều hơn mình tưởng.

Nếu phương cách tốt nhất để bước đầu có hạnh phúc là ngưng trạng thái bất hạnh thì điều đầu tiên ta nên làm là tránh các tình huống và những con người dễ làm cho chúng ta buồn rầu hoặc đau khổ.

Hãy làm bản thân ta hạnh phúc hơn bằng cách thay đổi những người mà chúng ta hay gặp nhất

Có bằng chứng y học là chúng ta có thể đối đầu với các trạng thái căng thẳng cao độ miễn là chúng ta có một số quan hệ cá nhân tốt đẹp. Tuy nhiên các mối quan hệ dưới bất cứ hình thức nào chiếm phần lớn thời gian của ta và là một phần của những hoạt động thường nhật trong cuộc sống của ta, dù là ở nhà, ở sở làm hoặc trong đời sống xã hội của mình, sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến cả hạnh phúc và sức khỏe của ta. Xin được trích lời của John Cacioppo, một nhà tâm lý học của Trường Đại học Ohio State University:

Dường như chính các mối liên hệ quan trọng nhất trong cuộc đời của bạn, chính những người chúng ta gặp hàng ngày, là yếu tố trọng yếu đối với sức khỏe của bạn. Và mối quan hệ càng quan trọng thì nó càng có ảnh hưởng lớn hơn đối với sức khỏe của bạn.

Hãy nghĩ về những người bạn gặp hàng ngày. Họ làm cho bạn hạnh phúc hơn hay ít hạnh phúc hơn? Liệu bạn có thể thay đổi thời lượng bạn cho họ hay không?

Đừng tự chui vào ổ rắn

Có nhiều tình huống mà mỗi cá nhân chúng ta thường xử lý rất dở. Tôi chưa bao giờ thấy có lợi ích gì trong việc tập luyện cho người ta hết sợ rắn. Hành động hợp lý hơn là tránh đừng vào rừng (hoặc tránh vào tiệm bán thú vật nuôi).

Dĩ nhiên cái làm chúng ta cảm thấy bất an thay đổi tùy người. Tôi không thể nén được giận dữ khi gặp phải tình trạng hành chính quan liêu vô tích sự. Tôi có thể cảm thấy thần kinh căng thẳng dần lên khi phải tiếp các tay luật sư hơn vài phút. Tôi lo lắng nôn nao khi bị kẹt xe. Tôi thường cảm thấy hơi u buồn khi một ngày trôi qua mà không được nhìn thấy ánh mặt trời. Tôi ghét bị kẹt trong một không gian có quá nhiều người đồng loại của tôi. Tôi không thể chịu đựng nổi việc phải lắng nghe người ta biện hộ và kể lể các vấn đề ngoài tầm kiểm soát của họ. Nếu tôi có là một viên chức đi làm trong giờ cao điểm, phải làm việc với giới luật sư và sống ở Thụy Điển thì chắc là tôi sẽ buồn rầu và rất có thể là tôi sẽ treo cổ tự vẫn. Tuy nhiên tôi đã biết né tránh những tình huống như thế trong chừng mực khả thi nhất. Tôi không không dùng phương tiện công cộng đi làm, tránh các hệ thống giao thông đông người trong giờ cao điểm, dành ít nhất mỗi tháng moat tuần dưới ánh mặt trời, trả tiền thuê người khác đi làm các thủ tục hành chính giấy tờ, lái xe đi đường vòng qua các chỗ kẹt xe dù đường sẽ xa hơn, tránh không để ai đó có tính khí không tốt báo cáo cho mình và thấy rằng điện thoại của tôi bị “rớt mạng” một cách bí ẩn sau khi tôi bị một luật sư gọi vào chừng năm phút. Kết quả của những hành động này là tôi hạnh phúc hơn một cách đáng kể.

Rõ ràng bạn có những vấn đề gây áp lực riêng của mình. Hãy liệt kê chúng ra trên giấy: Liền ngay bây giờ! Hãy tự giác thu xếp cuộc sống để tránh những áp lực này. Hãy viết ra những cách có thể để tránh những vấn đề ấy: Liền ngay bây giờ! Mỗi tháng bạn hãy kiểm tra bạn thành công ở mức độ nào. Hãy chúc mừng bản thân về mỗi lần né tránh thành công nho nhỏ này.

Trong Chương 10 bạn đã xác định những khoảng thời gian bất hạnh của mình. Việc phân tích hoặc suy gẫm về những lúc bạn ở trạng thái ít hạnh phúc nhất thường đưa đến các kết luận rất hiển nhiên. Bạn ghét công việc của mình! Bạn bị chồng hoặc vợ mình làm phiền lòng! Hoặc có lẽ chính xác hơn bạn ghét 1/3 công việc của bạn, bạn không thể chịu đựng được việc tiếp bạn bè hoặc họ hàng của chồng/vợ mình, bạn đau khổ chịu đựng sự hành hạ tinh thần của sếp, bạn ghét làm việc nhà. Tuyệt! Cuối cùng thì bạn cũng đã ngộ ra được chân lý. Giờ ta hãy làm một điều gì đó...

Các thói quen hàng ngày mang đến hạnh phúc

Sau khi đã loại bỏ hoặc ít nhất là đã lên kế hoạch hành động loại bỏ những nguyên nhân gây ra bất hạnh, bạn hãy tập trung nỗ lực chủ động mưu cầu hạnh phúc. Để làm điều này, không lúc nào tốt hơn là thời điểm hiện tại này. Hạnh phúc có tính hiện sinh vô cùng. Hạnh phúc chỉ tồn tại ở hiện tại. Ta có thể nhớ về hạnh phúc quá khứ hoặc hoạch định cho hạnh phúc tương lai, nhưng niềm sung sướng mà hạnh phúc mang lại chỉ có thể trải nghiệm trong cái “hiện tại”.

Điều mà tất cả chúng ta cần là một tập hợp các thói quen hàng ngày mang đến hạnh phúc tương tự như (và thật sự có phần nào đó liên quan đến) việc giữ gìn sức khỏe hàng ngày hoặc chế độ ăn uống điều độ. Bảy thói quen hàng ngày mang lại hạnh phúc của tôi được tóm lược trong Hình 45.

Một thành phần trọng yếu của một ngày hạnh phúc là vận động thể chất. Tôi luôn cảm thấy dễ chịu sau khi (nếu không muốn nói là “trong lúc”) vận động. Rõ ràng đó là do tập thể dục phóng thích các chất endorphin, là những chất kháng trầm cảm tự nhiên tương tự như một số loại thuốc gây hưng phấn (nhưng không gây nguy hiểm hoặc tốn kém gì cả!). Vận động hàng ngày là một thói quen thiết yếu: nếu bạn không biến nó thành thói quen thì bạn sẽ vận động ít thường xuyên hơn mức bạn cần. Nếu nhằm vào ngày làm việc, tôi luôn tập thể dục trước khi đi làm để đảm bảo rằng thời gian vận động của mình không bị các áp lực công việc bất ngờ lấn át mất. Nếu bạn hay đi công tác thì hãy chắc chắn là ngay vào lúc bạn đặt vé đi thì bạn đã có kế hoạch khi nào mình sẽ tập thể dục. Nếu cần, hãy thay đổi lịch trình này để có đủ thời gian cho vận động. Nếu bạn là một lãnh đạo cao cấp, đừng để cho thư ký của bạn xếp các cuộc họp trên lịch trước 10 giờ sáng để bạn có nhiều thời gian để tập thể dục và chuẩn bị cho một ngày phía trước.

_______________________________

1. Thể dục vận động

2. Kích thích trí não

3. Kích thích tinh thần/tính thẩm mỹ nghệ thuật/thiền định, suy gẫm

4. Làm một việc tốt

5. Thư giãn với một người bạn

6. Tự đãi mình những niềm vui

7. Tự chúc mừng

________________________________

Hinh 45: Bảy thói quen hàng ngày mang lại hạnh phúc

Một yếu tố then chốt khác cho một ngày hạnh phúc là sự kích thích trí não. Bạn có thể thực hiện điều này trong lúc làm việc nhưng nếu không được thì phải đảm bảo rằng mỗi ngày phải có một số luyện tập trí tuệ hoặc trí não. Có rất nhiều cách để làm điều này, tùy thuộc vào các sở thích của bạn như trò chơi ô chữ, đọc báo, tạp chí hoặc đọc một đoạn sách, nói chuyện ít nhất hai mươi phút với một người bạn thông thái về một chủ đề trừu tượng, viết một đoạn văn ngắn, hoặc viết nhật ký, về cơ bản là làm bất cứ việc gì đòi hỏi bạn phải suy nghĩ năng động (việc xem truyền hình, thậm chí xem chương trình thuộc loại trí tuệ, không đủ đáp ứng yêu cầu này).

Chế độ tập luyện quan trọng hàng ngày thứ ba là kích thích tinh thần hoặc khơi dậy tính thẩm mỹ nghệ thuật. Nghe thế chứ thực sự nhu cầu này không đến nỗi đáng sợ: chỉ cần bạn bỏ ra ít nhất nửa tiếng đồng hồ rèn luyện trí tưởng tượng hoặc tinh thần. Đi xem hòa nhạc, triển lãm nghệ thuật, đi xem kịch hoặc đi xem phim, tất cả đều được. Đọc một bài thơ, ngắm cảnh bình minh hay hoàng hôn, ngắm nhìn sao trên trời hoặc tham dự bất kỳ sự kiện nào mà bạn cảm thấy hứng khởi cũng thế (thậm chí có thể là xem một trận cầu, một cuộc đua ngựa, tham dự đại hội chính trị, đi lễ nhà thờ, hoặc đi dạo trong công viên). Tập thiền, suy gẫm cũng có tác dụng tốt.

Thói quen hạnh phúc hàng ngày thứ tư chính là làm một điều gì đấy cho một hoặc vài người khác. Việc làm này không cần phải là một công việc từ thiện lớn lao gì mà có thể chỉ là một hành động từ thiện ngẫu nhiên như trả tiền đậu xe cho ai đó hoặc chịu khó đi thêm một quãng đường để chỉ đường cho ai đó. Thậm chí một hành động vị tha nho nhỏ cũng có thể có một ảnh hưởng tuyệt vời đối với tinh thần của bạn.

Thói quen thứ năm là dành một dịp thư giãn vui vẻ với một người bạn. Đây nên là một cuộc gặp riêng tư, không bị gián đoạn, kéo dài chừng nửa giờ nhưng hình thức gặp gỡ như thế nào là tùy ở bạn (bên tách cà phê, “làm vài ve”, đi ăn hoặc một cuộc đi dạo, tất cả đều phù hợp).

Thói quen thứ sáu là tự chiêu đãi mình. Để mỗi ngày khỏi bị quên, bạn hãy viết ra một danh sách liệt kê tất cả những thú vui mà bạn có thể tự cho phép mình thụ hưởng (đừng lo, bạn không phải đưa ai xem bản danh sách này!). Hãy chắc chắn rằng mỗi ngày bạn hưởng được ít nhất một trong số những thú vui này.

Thói quen cuối cùng là vào cuối mỗi ngày hãy tự chúc mừng vì đã làm theo các thói quen hạnh phúc hàng ngày của bạn. Vì mục đích ở đây là làm cho mình hạnh phúc hơn chứ không phải buồn rầu hơn nên bạn có thể xem thực hiện được năm thói quen trở lên (có cả thói quen số bảy này) là thành công. Nếu bạn không đạt được 5 thói quen nhưng vẫn đạt được một điều gì có ý nghĩa hoặc làm được điều gì mình thích thì hãy chúc mừng bản thân vì đã có một ngày sống cho ra sống.

Các kế sách trung hạn để mưu cầu hạnh phúc

Ngoài bảy thói quen hạnh phúc hàng ngày, Hình 46 đúc kết bảy bí quyết giúp nhanh chóng có được một cuộc đời hạnh phúc.

Bí quyết số 1 là tối đa hóa khả năng kiểm soát cuộc sống của mình. Việc thiếu kiểm soát cuộc sống là căn nguyên gây ra nhiều cảm giác bấp bênh và bất an. Tôi thà lái xe trên một đoạn đường dài mà tôi quen thuộc để đi vòng qua một tuyến đường chằng chịt của thành phố hơn là cố đi theo một con đường có vẻ ngắn hơn mà mình không biết rõ. Các bác tài xe buýt hay cáu gắt hơn các nhân viên soát vé xe buýt và dễ bị đau tim hơn không chỉ vì thiếu vận động trong công việc mà còn do họ bị nhiều hạn chế hơn nhiều về vấn đề kiểm soát khi xe buýt đang chạy trên đường. Làm việc trong các tổ chức hành chính quan liêu lớn truyền thống thường dẫn đến sự “tha hóa” vì cuộc sống làm việc của ta không thể nào kiểm soát được. Những người tự mình làm riêng – tự doanh – có thể quyết định giờ giấc làm việc và lịch trình công việc thường hạnh phúc hơn những người đi làm thuê không có được tự do đó.

Tối đa hóa mức độ kiểm soát cuộc sống của chính mình cần có sự hoạch định và thường phải chấp nhận rủi ro. Tuy nhiên phần thưởng hạnh phúc lại rất xứng đáng.

_________________________________

1. Tối đa hóa khả năng kiểm soát cuộc sống của mình

2. Đặt ra những mục tiêu khả thi

3. Hãy linh động

4. Có một quan hệ gần gũi, gắn bó thâm giao với người bạn đời

5. Có một số người bạn hạnh phúc

6. Có một số liên kết với các đồng nghiệp than

7. Hãy nuôi dưỡng một lối sống lý tưởng

____________________________________

Hình 46 Bảy bí quyết giúp nhanh chóng có được một cuộc sống hạnh phúc cho cuộc sống hạnh phúc

Đặt ra những mục tiêu hợp lý và khả thi là bí quyết thứ hai dẫn đến hạnh phúc. Nghiên cứu tâm lý cho thấy rằng chúng ta có thể đạt hầu hết mục tiêu khi chúng ta có những mục tiêu vừa phải, không quá tầm. Các mục tiêu quá dễ sẽ khiến chúng ta tự mãn, chấp nhận những thành quả tầm thường. Nhưng mục tiêu quá khó – loại mục tiêu do một số người chúng ta có tâm trạng tội lỗi nặng nề hoặc quá cao vọng, tự làm khổ mình – sẽ làm thoái chí và dẫn chúng ta đến tình trạng tự nhận thức không tránh khỏi về thất bại. Hãy nhớ rằng bạn đang nỗ lực để được hạnh phúc hơn. Nếu còn nghi ngờ, khi đặt ra cho bản thân mình các mục tiêu, hãy đặt ra những mục tiêu dễ dàng đạt được. Đặt ra những mục tiêu vừa phải và thành công thì tốt hơn cho hạnh phúc của bạn hơn là đặt ra những mục tiêu khó khăn để rồi thất bại, cho dù cách làm sau có đưa bạn đến những thành tích cao hơn. Nếu phải chọn giữa thành tích và hạnh phúc, hãy chọn lấy hạnh phúc.

Bí quyết thứ ba lã hãy linh động khi các sự kiện ngẫu nhiên ảnh hưởng đến các kế hoạch và dự định của bạn. John Lennon từng nhận xét rằng cuộc đời là những gì cứ xảy đến trong khi chúng ta đang thực hiện các kế hoạch khác. Mục tiêu của chúng ta phải làm sao cho các kế hoạch của mình được thực hiện thành công để chúng ta tác động vào cuộc sống thay vì ngược lại, nhưng chúng ta phải chuẩn bị đối phó với thực tế rằng cuộc sống luôn có những biến cố đi ngược lại và chệnh hướng với những gì chúng ta đã hoạch định. Chúng ta phải biết chấp nhận những biến cố ấy một cách vui vẻ, xem chúng như những đối trọng của kế hoạch của chúng ta. Nếu có thể, kế hoạch của chúng ta nên tính đến cả những yếu tố ngoài ý muốn ấy của cuộc sống chúng ta để kế hoạch của chúng ta có thể tiến lên một tầm mức cao hơn. Nếu tại đây chúng ta không thể hình dung ra được một kế hoạch như vậy thì chúng ta nên tìm một giải pháp tạm thời để xử lý hoặc khắc phục những yếu tố này. Nếu cả hai chiến thuật này đều không hiệu quả thì chúng ta nên chấp nhận cái chúng ta không thể kiểm soát được bằng một thái độ nhã nhặn, chín chắn, và tiếp tục cải tạo cái mà chúng ta có thể kiểm soát. Chúng ta không nên vì bất kỳ lý do nào để các yếu tố ngoài ý muốn trong cuộc sống làm chúng ta mất bình tĩnh hoặc khiến chúng ta tức giận, tự ngờ vực mình hoặc cay đắng với cuộc đời.

Thứ tư, hãy phát triển một mối quan hệ gắn bó thâm giao với một bạn đời hạnh phúc. Chúng ta được lập trình để phát triển một mối quan hệ gần gũi với một người. Việc lựa chọn người bạn đời này là một trong số ít quyết định trong đời (một trong số 20%) góp phần quyết định hạnh phúc của chúng ta. Sự hấp dẫn giới tính là một trong những bí ẩn lớn của vũ trụ và thể hiện một dạng thức tuyệt đỉnh của Nguyên lý 80/20: cơ chế hóa học thật sự chỉ xảy ra trong vài giây ngắn ngủi để bạn cảm nhận 99% hấp dẫn trong 1% thời gian và bạn biết ngay lập tức đây là nửa kia của mình.(12) Tuy nhiên Nguyên lý 80/20 đặt bạn vào tình thế phải cảnh giác: nguy hiểm và hạnh phúc hoài phí có thể nằm chờ phía trước. Hãy nên nhớ là có nhiều người mà, theo lý thuyết, bạn có thể gắn bó với họ; hiện tượng máu dồn lên đầu (hoặc về tim) này sẽ lại xảy ra.

Nếu bạn chưa lựa chọn cho mình một người bạn đời thì hãy nhớ rằng hạnh phúc của bạn sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi hạnh phúc của người bạn đời. Vì hạnh phúc của mình cũng như vì tình yêu, bạn sẽ muốn làm cho người bạn đời hạnh phúc. Tuy nhiên điều này sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu ngay từ lúc đầu bạn đời của bạn có một tính khí vui vẻ và/hoặc nếu chàng/nàng tự giác tuân theo một chế độ luyện tập hằng ngày có lợi cho hạnh phúc (như các thói quen hạnh phúc của tôi). Nếu bạn kết đôi với một bạn đời không hạnh phúc thì có khả năng là bản thân bạn rồi cũng sẽ cảm thấy không hạnh phúc. Sống chung với những người thiếu tự trọng và thiếu tự tin sẽ là cả một ác mộng cho dù tình yêu giữa hai bên có tràn đầy. Nếu bạn là một người rất hạnh phúc, bạn có thể làm cho một người bất hạnh trở nên hạnh phúc nhưng như thế thì khác nào “đội đá vá trời”. Hai người tương đối bất hạnh yêu nhau tha thiết có thể, bằng quyết tâm mãnh liệt và chế độ tập luyện thói quen hạnh phúc đúng cách, có thể tìm được hạnh phúc chung, nhưng tôi sẽ không đoan chắc là kết quả có hậu ấy sẽ đến. Hai người bất hạnh, dù có yêu nhau, sẽ làm khổ nhau thôi. Nếu bạn muốn hạnh phúc, hãy chọn yêu một người bạn đời hạnh phúc.

Dĩ nhiên bạn đã có một người bạn đời không hạnh phúc và nếu thế có lẽ bạn đang mất đi đáng kể hạnh phúc của mình. Nếu như vậy, vấn đề chính yếu đối với cả hai người là làm cho người bạn đời của mình hạnh phúc.

Bí quyết thứ 5 là chơi thân với một số người bạn hạnh phúc. Nguyên lý 80/20 chủ trương là hầu hết sự hài lòng bạn có được từ tất cả bạn bè của mình sẽ tập trung vào mối quan hệ của bạn với một số ít bạn thân. Nguyên lý này cũng cho thấy rằng bạn dễ phân bổ thời gian không hợp lý và dành quá nhiều cho những người bạn không tốt và dành quá ít cho những người bạn rất tốt (mặc dù bạn có thể dành nhiều thời gian hơn nữa cho những bạn tốt nhưng số lượng những người bạn không tốt lắm chiếm nhiều hơn trong hầu hết danh sách bè bạn của người ta để rồi cuối cùng số bạn bè không tốt chiếm nhiều thời gian hơn những bạn bè tốt). Câu trả lời là hãy xác định ai là bạn tốt và dành cho họ 80% thời gian mà bạn dành cho bạn bè (có lẽ bạn cũng nên tăng lượng thời gian tuyệt đối dành cho họ nữa). Bạn nên cố gắng vun đắp những tình bạn tốt này càng nhiều càng tốt bởi vì chúng sẽ là một nguồn mạch to lớn mang lại hạnh phúc.

Bí quyết thứ 6 tương tự như bí quyết thứ 5: phát triển mối liên kết đồng nghiệp với một số ít người mà ở bên họ bạn cảm thấy thích thú. Không phải tất cả các đồng nghiệp trở thành bạn bè của bạn: nếu vậy bạn sẽ quá phân tán tình thân hữu của mình. Tuy nhiên một số đồng nghiệp nên là những bạn thân và đồng minh của bạn: họ là những người bạn sẵn sàng chiếu cố giúp đỡ và họ cũng làm như thế đối với bạn. Điều này không chỉ cải thiện được công việc của bạn mà còn làm tăng gấp bội niềm vui mà bạn có được trong công việc, giúp ngăn được cảm giác lạc lõng trong công việc, và tạo ra một mối liên kết thống nhất giữa công việc và vui chơi. Sự thống nhất này cũng rất quan trọng cho hạnh phúc trọn vẹn.

Bí quyết cuối cùng để có được hạnh phúc lâu dài là hãy tạo ra một lối sống mà bạn và người bạn đời của mình mong ước. Điều này đòi hỏi một sự cân đối hài hòa giữa cuộc sống trong công việc, trong gia đình và ngoài xã hội. Điều đó có nghĩa là bạn sống ở nơi bạn muốn làm việc, có chất lượng sống bạn mong muốn, có thời gian cho gia đình và cho công tác xã hội, và khi làm việc cũng như lúc bạn rảnh rỗi bạn đều cảm thấy hạnh phúc như nhau.

Kết Luận

Hạnh phúc là nghĩa vụ. Chúng ta nên chọn cho mình con đường hạnh phúc. Chúng ta cần phải vun đắp hạnh phúc. Và khi làm như thế, chúng ta nên giúp những người thân nhất của mình và thậm chí những người tình cờ gặp cùng chia sẻ niềm hạnh phúc của chúng ta.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Nguyên lý 80/20 Chương 15: Bảy Thói Quen Mang Đến Hạnh Phúc

Có thể bạn thích