Mắt bão
Chương 3

Vì một lý do quái quỷ nào đó, cánh cửa sắt kéo từ phòng để xe thông ra sân luôn kẹt cứng khi Hữu chạy gấp rút. Chẳng hạn sáng nay, anh có cuộc hẹn với đại diện công ty Thời trang Y.Style lúc 8 giờ, Thế nhưng bây giờ những cái bánh trượt rỉ sét dưới chân cửa cứ ì ra. Nếu đẩy mạnh, cửa có thể mở. Nhưng Hữu không muốn mái tóc vuốt keo láng mượt lẫn cái áo sơ-mi cao cấp nhàu nát, bết mồ hôi. Đưa mắt nhìn lướt căn phòng bên cạnh, Hữu quyết định mạo hiểm. Anh đẩy lùi chiếc xe Honda SH, vòng qua cửa hông, đẩy xe băng trên tấm thảm len dày mềm mịn, tiến thẳng ra cửa phòng khách. Nếu bà chủ nhà bắt gặp hành động lén lút chớp nhoáng này, chắc chắn Hữu gặp phiền toái lớn. Tuy nhiên, anh luôn vững tin có thể làm những điều khuất tất mà chăng gặp rắc rối gì. Chí ít là đến giờ đây, khi Hữu 22 tuổi, tất cả những việc anh làm đều gặp thuận lợi, nếu không nói là hanh thông hơn cả trông đợi. Anh luôn tin vào chính bản thân, tin vào sự khôn ngoan, óc sáng suốt trong nhũng quyết định tích tắc. Nhay từ buổi đầu tiên vào giảng đường đại học, nhìn các gương mặt đồng môn người háo hức, kẻ ngác ngơ, Hữu phát hiện một điểm mấu chốt: Đám người đông đúc trên mặt đất này rốt cuộc chỉ có chung vài mục đích. Phía sau các mặt nạ khác biệt, thực ra ai cũng muốn đến đích sớm nhất, giành giật được thứ tốt nhất. Hữu tin chắc anh thông minh. Vì thông minh, anh sớm nhận ra trong mọi cuộc đua khốc liệt, nếu tuân thủ theo luật chơi công bằng, người ta sẽ chẳng bao giờ thắng cuộc. Phải dựa vào đầu óc sáng suốt, mài sắc mắt nhìn nhạy bén và biến thói liều lĩnh thành thứ vũ khí lợi hại, khi ấy anh mới vượt lên khỏi số đông, chiếm lấy phần thưởng huy hoàng hơn hết…

Vẫn còn nhớ cái hồi Hữu đậu vào đại học chuẩn bị lên thành phố, ba má anh - những người kinh doanh thủy hải sản hạng tầm tầm ở thị xã – bàn bạc sẽ mua cho anh một căn nhà nhỏ, thuận tiện ăn học. Họ tin chắc rồi mai này Hữu sẽ ở lại thành phố, lập nghiệp luôn. Cậu con trai cưng làm cả nhà bàng hoàng khi từ chối ý định tốt lành. Anh ta đề nghị ba má hãy cho mình toàn quyền sử dụng khoản tiền mua nhà, coi như giao cho anh số vốn làm ăn. “ Con sẽ không làm ba má hối tiếc vì quyết định này đâu!” – Hữu đoan chắc. Nhìn vào cặp mắt ánh lên tia cương quyết của con trai, ba Hữu cũng thử đánh liều một phen, bất chấp can ngăn của bà vợ.

Ngay hôm mới lên thành phố, việc đầu tiên Hữu làm là rà soát một lượt danh sách các ngân hành uy tín, tìm hiểu loại hình tín dụng nào có lợi hơn cả, Trích ra một khoản mua chiếc Honda @, loại xe hạng sang thời bấy giờ, anh gửi tất cả số tiền còn lại vào ngân hàng. “Thực tế hay thực dụng đều tốt, miễn là chiến thắng” – Hữu xác định phương châm sống. Ngay từ năm đầu tiên đại học, trong khi đám đồng môn mọt sách chọn ngành học hú họa, đầy cảm tính, đổ xô vào giấc mơ mang tên Kế toán, Ngoại thương, Du lịch, Hữu chọn một khoa Quản trị kinh doanh, một ngành học chắc chắn hữu ích cho anh sau này. Đầu tư xho việc học đúng mức, chẳng nên lơ là nhưng cũng không cần dốc sức chăm chỉ, anh ta lấy đủ các tín chỉ học phần một cách bình thản và chắc chắn. Chẳng khó khăn gì, Hữu nhận ra tầm quan trọng của lớp vỏ bề ngoài. Nếu anh sống trong căn nhà nhỏ, chạy chiếc xe máy hạng xoàng, thì anh cũng sẽ lẫn lộn giữa hàng trăm ngàn sinh viên khác. Nhưng, một khi anh ăn mặc sang trọng, đi xe đắt tiền và sống tại khu vực trung tâm, cái nhìn của người ngoài về anh sẽ khác ngay. Điều đó ắt kéo theo nhiều mối lợi, chúng sẽ tới bất cứ lúc nào – Hữu linh cảm rõ rệt. Một trong những ám ảnh lớn nhất của Hữu là tiền bạc. Anh rất thích cảm giác cầm tiền trong tay, nhất là tiền do mình kiếm. Trong khi bạn bè cạy cục các trung tâm môi giới việc làm sinh viên để kiếm chân gia sư, bồi bàn quán ăn hoặc đi tiếp thị, Hữu đã dễ dàng kiếm được một công việc bán thời gian, tại showroom thời tranh cao cấp. Sau đó, nhờ cách nói chuyện khôn khéo và nhất là khả năng phán đoán chính các ý nghĩ người khác, anh ta được cất nhắc lên khâu phục vụ khách hàng. Thường xuyên tiếp xúc với giai tầng cao, Hữu mau chóng học hỏi tác phong mới: Ăn mặc đúng điệu, nói năng sắc sảo và phong thái thêm tự tin. Lời hứa với gia đình được Hữu thực hiện đúng: Tự nuôi sống bản thân một cách đàng hoàng. Sang năm thứ ba, anh đổi cái xe @ đã trở nên quê kệch để mua chiếc SH thời thượng. Trong mắt chung quanh, anh cao sang hơn so với thực chất. Phát hiện này khiến Hữu khoan khoái.

Với khoảng lời tín dụng, Hữu thuê dài hạn một căn phòng đầy đủ tiện nghi trong ngôi nhà rộng, nằm ở khu phố sang trọng ngay giữa lòng thành phố. Chủ nhà là một cặp vợ chồng hưu trí, con cái làm việc tận nước ngoài. Vẻ ngoài sáng sủa, gương mặt trí thức, cách nói chuyện hoạt bát đúng kiểu sinh viên kinh tế của Hữu được chủ nhà đánh giá cao. Trong mắt họ, anh đúng chuẩn hình mẫu sinh viên tử tế, ham học. Làm sao họ ngờ nổi Hữu nắm rõ mọi ưu thế của bản thân cũng như tất tật điểm yếu của người chung quanh, tận dụng nó triệt để. Từ lúc nào không rõ, Hữu đã là thành viên của cái gia đình khá giả nhưng vắng vẻ này. Hai ông bà già hưu trí đối xử với Hữu tử tế đến mức đôi khi, anh ta cáu kỉnh. Họ tốt bụng làm gì kia chứ? Câu hỏi trái khoáy khiến Hữu bực dọc. Giống như một con thú rừng ranh mãnh và tai quái, dù ngụy trang bằng vẻ ngoài thuần phục, nhưng bất cứ lúc nào, hễ có dịp, Hữu đều tung móng vuốt, bày ra vài trò chơi khăm nho nhỏ. Chẳng hạn, anh từng giả vờ quên rút phích điện, làm hỏng cái bình thủy đun nước. Hoặc có lần chẳng buồn khóa vòi trong buồng tắm, anh ta khoái trá để nước chảy tràn lênh láng khắp tầng lầu. Thuộc type người hầu như không bao giờ phân tích chính mình, nhưng có một đặc điểm tâm lý Hữu biết rõ: Không bao giờ anh tin vào lời nói và hành động tốt đẹp từ kẻ khác. Tất cả những thứ ấy chỉ nhằm che giấu động cơ tồi tệ nào đó mà thôi. Bóc mẽ lớp vỏ giả dối, phơi bày bản chất của kể khác, với anh ta là niềm vui. Nếu không thể lột tả mặt nạ họ, thì anh phải phá hoại ngấm ngầm. Trên đời này, chẳng ai cho không ai cái gì bao giờ - Hữu tự nhủ- Tất cả đều đánh đổi. Vì thế, nếu cả tin, sớm hay muộn, người ta sẽ phải ân hận và trả giá. Rốt cục, hết thảy những cử chỉ tử tế, những lời nói ngọt ngào đều khiến Hữu khó chịu, thậm chí căm ghét. Anh có nhiều mối quan hệ làm ăn, nhưng không có bạn. Anh biết nhiềi thứ, nhưng không đặt lòng tin vào ai. Hữu tự biện giải kẻ mạnh nhất luôn phải cô độc nhất. Sự thật này thực ra không phải quá khó để chấp nhận.

Quán cà phê sân vườn buổi sáng rất đông khách. Hữu sải bước, mau mắn chớp lấy bàn cuối cùng, ngay sát hồ cá. Anh ta gọi một cốc ca cao nóng và mở laptop, xem lướt báo mạng. Đồng hồ chỉ 8 giờ. Chưa bao giờ Hữu sai hẹn. Việc đúng giờ là một lợi thế ngay từ bước đầu tiên trong các cuộc thương thảo. Điều này một lần nữa phát huy tác dụng khi ông Châu, một người đàn ông mảnh khảnh chải chuốt tuổi ngoài 30, đại diện của Y.Style, bước vào quán bằng những bước chân vội vã và tỏ ý xin lỗi vì sự chậm trễ của mình. Hữu làm ra vẻ không hề bận tâm, cất giọng nhũn nhặn:

-Anh Châu khỏi phải bận tâm. Em mừng vì anh đồng ý gặp. Rất khó để được Y.Style nhận lời tài trợ cho một hoạt động ngoại khóa, em biết rõ điều này…

-Ngay khi nhận được thông tin cuộc thi Hoa khôi dành cho nữ sinh viên, tôi đã hết sức chú ý. Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch mà cậu chuyển cho tôi xem, chắc chắn đây là một hoạt động thu hút quan tâm của giới truyền thông. Cậu biết đó, sinh viên là đối tượng khách hàng mà Y.Style đang lên kế hoạch nhắm đến sắp tới – Ông Châu liếc người đối diện qua đôi mắt lim dim, hạ giọng – Buổi gặp bữa nay, tôi muốn chúng ta bàn thảo kỹ hơn về kế hoạch truyền thông, và tất nhiên, quan trọng nhất là phải có con số chính xác về khoản tiền bên tôi bỏ ra, tài trợ cuộc thi.

-Em đoán anh Châu muốn tài trợ độc quyền cho cuộc thi Hoa khôi – Hữu tung quả bóng thăm dò - Em chưa có cuộc họp gút lại với ê-kip tổ chức cuộc thi, nên chưa thể đưa ra số tiền đề nghị chhisnh thữc. Nhưng, con số không dưới 300 triệu

Gương mặt ông Châu không để lộ chút biểu cảm nào. Ông chỉ hơi nhún vai:

-Chiều hôm qua, tôi vừa nhận bản kế hoạch xin tài trợ. Cũng bên trường cậu tổ chức, nhưng là một hội chọ. Họ đề xuất khoản tiền 150 triệu mà thôi. Hình như cái cuộc thi Hoa khôi do cậu làm bầu show chỉ là một phần trong cái hội chợ đó?

-Đúng vậy, thưa anh Châu – Dù chột dạ, nhưng ánh nhìn của Hữu không chút nao núng. Anh ta tính toán nhanh như chớp, nói ngay – Khoản tiền 150 triệu cho thấy Y.Style chỉ là một trong nhiều đơn vị được bên em kêu gọi tài trợ. Nếu vậy, ấn tượng về nhãn hiệu Y.Style sẽ mờ nhạt. Thay vì bị dàn trải, hẳn là anh thích tập trung vào cuộc thi hoa khôi hơn chứ. Thời trang và sắc đẹp tuổi trẻ luôn song hành. Điểm này chắc chắn anh Châu nắm rõ hơn em nhiều…

Thời gian còn lại của buổi sáng dành cho việc mặc cả đúng nghĩa, giữa Hữu với con cáo già. Rốt cuộc, anh cũng giành được tài trợ độc quyền của Y.Style cho cuộc thi Hoa khôi. Khoản tài trợ 250 triệu sẽ trích lại 10%, bí mật chuyển vào tài khoản riêng ông Châu. Một phần ba trong khoản tài trợ được tính bằng hiện vật – những bộ thời trang giành cho gới trẻ. Hữu thở phào, nếu biết tính toán khéo léo, anh sẽ cắt xén được một khoản kha khá trong số gần 150 triệu tiền mặt còn lại. Tuy nhiên, điểm khiến Hữu phấn khích hơn cả không phải là tiền bạc. Chỉ cần hình dung vẻ mặt chưng hửng thất vọng của Vĩnh – đối thủ cạnh tranh và cũng là kẻ thù đáng căm ghét nhất ở trường đại học – khi biết tin nhà tài trợ lớn nhất đã vuột khỏi tay, bao nhiêu khó chịu mỏi mệt tan biến. Suốt chặng về, Hữu huýt sáo bản nhạc yêu thích. Lời bài hát ngợi ca cuộc đời thô bạo đầy rẫy dối lừa. Nhưng chính vì thế, nó thật đáng sống.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Mắt bão Chương 3

Có thể bạn thích