Mắt bão
Chương 22

Dậy từ 5 giờ sáng, Hải tranh thủ xả chậu quần áo ngâm xà bông từ tối hôm qua. Vừa giặt, anh vừa nghe băng hội thoại tiếng Anh qua earphones. Một bài luyện nghe nói về thị trường chứng khoán. Hải lẩm bẩm đọc theo vài thuật ngữ kinh tế, tự nhủ lát nữa sẽ tra từ điển và ghi chép từ mới. Học mọi lúc mọi nơi, biến nó thành nỗi ám ảnh không được phép lẩn tránh, tiếng Anh của Hải khá lên trông thấy. Sau hai khóa học kết thúc chương trình sơ cấp ở trung tâm Anh ngữ quốc tế, anh quyết định tiếp tục học lên, không dựa vào Vĩnh nữa. Anh biết, cậu bạn luôn sẵn lòng giúp đỡ. Nhưng, dựa dẫm bạn thân về tiền bạc là điều khiến anh hết sức ngại ngần. Không nói gì với Vĩnh, Hải chuyển sang học chương trình trung cấp tại một trung tâm ngoại ngữ rẻ tiền hơn. Đa phần học viên là sinh viên giống như anh.

Nhã Thư cũng theo học tiếng Đức buổi tối ở đây. Không hiếm lần, anh chạm mặt cô ở bãi gửi xe hay khúc quanh hành lang. Tim anh nện thình thịch như muốn phá bung lồng ngực. Cô vẫn đeo chiếc đồng hồ anh mua, vẫn tin là Vĩnh tặng. Thư nhìn thẳng vào mắt anh, mỉm cười rất nhanh, đôi mắt lấp lánh tia sáng ấm áp dành cho một người bạn. Tất cả chỉ có vậy. Họ quá bận bịu và vội vã, chẳng có thời gian để nói nhiều hơn. Thế nhưng những chi tiết nhỏ nhặt ấy lại an ủi Hải rất nhiều. Ngỡ như chiếc đồng hồ bé nhỏ là hóa thân của anh, khiến anh được gần bên cô. Ngỡ như cô đã dành cho anh một góc trong trái tim mình, bằng chứng là nụ cười tươi sáng không thể rời mắt ấy. Thế nhưng, giữa họ, vẫn là hố thẳm anh chưa thể nhảy qua. Hải đã nguôi ngoai oán trách sự vụng về và nhút nhát của mình cái hôm tặng quà cho Thư. Anh thường nghĩ một ngày nào đó, khi anh giỏi hơn, vững tin vào bản thân, anh sẽ đến trước Thư, can đảm nói thật hết suy nghĩ và cảm xúc cất giấu trong trái tim mình. Để cái ngày ấy đến gần hơn, anh chỉ biết vùi đầu vào học.

Hải mở mạnh vòi nước, xả quần áo lần cuối cùng. Buổi sáng nước giếng bơm lên thật mạnh. Các dãy phòng trong khuôn viên nhà trọ đóng cửa im lìm. Chỉ chừng nửa tiếng nữa, những cô công nhân may sẽ tràn ra sân, giành nhau giặt giũ và nấu bữa sáng, nói cười xôn xao. Một cô bạo dạn nhất sẽ trêu chọc, vẩy tấm khăn mặt ướt về phía Hải, khiến anh vừa buồn cười, vừa không khỏi ngượng ngùng. Cái đời sống trọ học nghèo khổ thế mà đã hơn ba năm rồi. Hồi năm đầu tiên, xách cái rương nhôm lên đây, sống giữa những người xa lạ đủ mọi nghề nghiệp, anh những tưởng sẽ không thể trụ được nơi thành phố này nhiều hơn một tháng. Nhớ nhà, thiếu đói, đau bệnh, lạc lõng và cô độc. Hơn một lần anh thu dọn hành lý, toan bỏ học, chạy thẳng ra bến xe đò. Thế mà mọi việc dần dần cũng xuôi. Ông bà chủ nhà trọ giờ đây trở thành chỗ dựa tin cậy. Những cô hàng xóm đông đúc thế mà Hải quen mặt thuộc tên. Mỗi khi có ai chuyển đi, anh cũng thấy chạn buồn. Ra đường, đến mấy nơi sang trọng, lắm phen mặc cảm vì cái xe máy tọc tạch, bộ quần áo đơn sơ hay cái ví lép kẹp. Thế nhưng về xóm trọ, cái danh sinh viên của anh lại được xung quanh nể trọng rõ rành. Các cô thợ may công nghiệp vẫn bàn tán về tương lai xán lạn của chàng sinh viên bằng con mắt ngưỡng mộ chẳng che giấu. Mấy lúc như thế, Hải chỉ biết cười, mặt đỏ ửng. Chỉ còn một năm nữa anh tốt nghiệp đại học. Dễ nhất thì về quê tìm việc, được sống gần nhà. Can đảm hơn thì bám lại thành phố. Bao nhiêu dự định tốt lành mở ra khi người ta trông thấy thấp thoáng những con đường đang hiện hình phía trước...

Bóng tối lờ mờ còn mắc lại trong mấy bụi cây thấp trên khoảnh đất hẹp. Ngay trước mắt anh, trên tấm lưới nhện giăng mắc giữa các cành khô, dấu vết cơn mưa đêm qua hiện diện qua vài hạt nước thưa thớt. Một con xiến tóc vướng chân vào mí ngoài tấm lưới, đang vùng vẫy không ngừng khiến mấy đốm nước rung lên, vỡ vụn ra thành vô số hạt nước li ti, lăn đi như những viên bi-da mất phương hướng. Con nhện dạt về một bên tấm lưới, thản nhiên quan sát con mồi tuyệt vọng. Nhặt một mẩu cành khô, Hải kéo nhẹ con xiến tóc ra khỏi mạng nhện. Chừng như vẫn chưa tin vào sự giải thoát bất ngờ, nó đứng im trên mặt đất một lúc, lảo đảo bò qua mấy viên sỏi, rồi thình lình vỗ cánh, bay vụt lên trên không theo chiều thẳng đứng. Hải bật cười một mình. Nếu mắc kẹt trong một tình thế khốn đốn, được ai đó ra tay cứu vớt, chắc chắn anh không thể hành xử vô tâm như con xiến tóc kia. Cuộn băng tiếng Anh lạch xạch mấy tiếng rồi dừng hẳn. Chùi tay khô vào gối quần, anh lật mặt băng trong cái máy walkman mua ở hàng bán đồ cũ trên lề đường. Một đoạn hội thoại phỏng vấn xin việc. Hải bồn chồn khi nghĩ đến những lá đơn đã gửi đi trong ngày hội việc làm sinh viên. Liệu họ có nhìn đến bộ hồ sơ của anh không? Nếu họ gọi đến phỏng vấn, anh có thể đối đáp khôn ngoan và thuyết phục như anh chàng đang liến láu trong đoạn băng này không? Hình dung đến cảnh đối diện và đối thoại trực tiếp với một nhà tuyển dụng nào đó, bỗng dưng Hải thấy hồi hộp dữ dội.

Trở vào phòng trọ, Hải vặn sáng ngọn đèn bàn, lật quyển giáo trình và vở ghi chép ra học bài. Chỉ còn buổi thi lấy tín chỉ chiều mai nữa thôi, xem như anh đã hoàn tất chương trình năm ba. Nếu mai làm bài tốt, anh sẽ không bị nợ lại môn nào. Một mùa hè phía trước có thể hoàn toàn tự do. Năm nay anh sẽ không về nhà chơi mà ở lại thành phố kiếm việc làm, rồi còn phải tranh thủ học thêm lấy cho được bằng tin học. Có nhiều bằng cấp, mai mốt ra trường gõ cửa các công ty xin việc chính thức hẳn dễ dàng hơn. Hải gõ nhẹ cán bút lên mặt bàn, chống cằm nghĩ ngợi. Ừ, cuộc sống là thế. Nếu mình không có một bệ phóng ổn thỏa hay sở hữu điều kiện thuận lợi như những người bạn ở thành phố, thì tốt nhất là bước từng bước ngắn. Nhảy từng quãng ngắn trên từng viên đá nhỏ, rồi sẽ băng qua hết được con suối rộng. Hải mỉm cười một mình, xoa nhẹ mí mắt, chú mục vào bài học và các số liệu. Dòng âm thanh huyên náo đầu ngày dâng lên bên ngoài khoảng sân dường như không thể chạm vào anh. Gần bảy giờ, anh sực nhớ phải ăn sáng. Lúc rót nước sôi vào tô mì tôm, Hải tình cờ thấy trong điện thoại có một cuộc gọi lỡ. Của Vĩnh, lúc 5 giờ, khi anh giặt quần áo ngoài vòi nước. Chắc chắn phải có việc gì khẩn cấp, cậu ấy mới gọi sớm như thế. Anh bấm gọi lại Vĩnh, nhưng vang lên trong máy thông báo điện thoại của anh đã hết tiền. "Lát nữa vào trường sẽ gặp!" - Hải tự nhủ. Tuy nhiên, một điều gì đó bất an khiến anh không sao tập trung vào quyển giáo trình được nữa.

Khoảng gần 8 giờ, có số máy lạ gọi đến. Văn phòng đại diện một công ty hóa mỹ phẩm của Mỹ đề nghị Hải đến phỏng vấn cho vị trí trợ lý bán hàng. Lịch phỏng vấn được xếp lúc 10h30 sáng nay. Văn phòng ở tầng bảy, cao ốc ngay khu trung tâm thành phố. Không thể tin nổi là vận may lại đến sớm như vậy, anh vội vã nhận lời ngay. Mình sẽ không lên trường nữa, tranh thủ hai tiếng đồng hồ còn lại để sửa soạn, Hải tính toán. Mọi thứ rối lên trong đầu anh. Đi phỏng vấn nên ăn mặc như thế nào để gây ấn tượng tốt? Người ta sẽ hỏi mình những gì? Cố gắng thể hiện bản thân hoàn hảo hay trình bày chân thật sẽ tốt hơn trong mắt người tuyển dụng? Hàng loạt câu hỏi đẩy anh vào trạng thái căng thẳng. Chọn chiếc áo sơ-mi trắng sọc xanh mới nhất, anh lót tấm mền lên giường, chăm chú ủi thật phẳng. Điện thoại đột ngột vang lên nhạc chuông. Không thèm nhìn xem ai gọi, anh hấp tấp nghe luôn.

Vẳng lên tai anh hơi thở thật mỏng, ngắt quãng. Một âm thanh mờ tối, như bị nhét chặt trong cái hộp chật hẹp. Không hẳn là tiếng khóc. Nhưng ấn tượng nó gây ra còn nặng nề hơn thế nữa. "Ai đó? Làm ơn nói lớn giùm!" - Hải yêu cầu. Mấy giây im lặng. Rồi tiếng nói nghèn nghẹt chậm chạp cất lên: "Anh Hải, đến đây...". Giọng Thái Vinh. Không thể nhầm lẫn. Hình như điều gì bất thường và ghê khiếp vừa xảy ra. Hải hét to: "Em đang ở đâu? Chuyện gì thế?". "Giúp em được không?". Hải vội vã lượm cây bút, ghi nguệch ngoạc địa chỉ khách sạn mà cô nhóc đọc đứt quãng lên mẩu giấy nhỏ. "Anh đến liền. Chờ anh!". Hải dặn. Tay anh vã mồ hôi, run nhẹ. Khi anh ngoảnh lại, tấm mền trên giường bốc khói. Lưng áo sơ-mi hằn rõ hình cái bàn ủi nâu đen. Rút nhanh phích cắm, mặc vội cái quần jeans vắt trên lưng ghế, anh chộp chìa khóa xe máy, tung cửa. Lao như điên trong con hẻm lao động ngoằn ngoèo, trước mắt anh chẳng còn gì khác hiện diện. Chỉ có địa chỉ cái khách sạn trong khu phố Tây cứ mỗi lúc một đen sẫm hơn, nở ra lớn hơn, choán kín hết cả võng mạc trong mắt anh.

Mất gần nửa tiếng len lỏi qua những ngã tư kẹt cứng xe cộ trong giờ cao điểm, Hải cũng đến được cái khách sạn tồi tàn. Gã chủ khách sạn có gương mặt nhàu nhĩ và ánh mắt bất lương tức tốc lao ra cửa. Liếc nhìn Hải thật nhanh như lượng giá, ông ta hất hàm:

- Có mang theo tiền không?

- Chuyện gì vậy? - Hải kinh ngạc.

- Bồi thường thiệt hại khách sạn của tao chớ chi. Em gái mày và bạn trai nó mướn phòng, suýt gây ra án mạng ở đây. Hên là đứa dọn phòng vô cứu kịp con nhỏ gần tắc thở. Thằng quỷ kí biến mất rồi! - Gương mặt ông ta sắt lại. Sau câu chửi thề tục tĩu, ông ta rít lên - Má nó chớ, tính giết tao hay sao mà lôi nhau vô đây, hả?

- Cô bé có sao không? Nó đâu rồi? - Hải cuống lên, quên phắt nỗi ghê sợ cái bầu không khí khách sạn u ám tồi tàn.

- Trong phòng, mé sau cầu thang đó!

Hải bước vội vào trong. Căn phòng chất đầy đồ dùng phục vụ khách sạn. Đống chăn mền bề bộn. Những tấm drap trắng xếp chồng lên nhau, cao gần chạm trần nhà. Mất mấy giây, anh mới nhận ra Thái Vinh ngồi bệt trên sàn, lưng dựa vào bức tường nhem nhuốc. Cô trắng nhợt, đến mức lẫn luôn vào đống vải vóc chất cao. Không phải vẻ kiệt sức cùng tận, cũng không phải ánh mắt thất lạc hay hướng nhìn trơ trơ của cô khiến Hải chết lặng. Chỉ là một đốm màu đỏ nhỏ xíu, ở mé bên trong chân trái của cô. Đốm máu đã khô, ngay chính chủ nhân của nó cũng chảng hay biết sự hiện diện câm lặng của nó. Một điều gì đó không thể gọi tên khiến tim anh nhói lên, sợ hãi lẫn xót thương. Đưa tay cho Thái Vinh, anh nói nhẹ nhàng: "Về thôi, nhóc con!". Cô chậm rãi ngước nhìn anh, ánh mắt trống rỗng. Ở quầy tiếp tân, Hải móc hết ví, trả tiền để gã chủ khách sạn thả cho Thái Vinh được về. Cô nhóc lảo đảo ngồi lên yên sau xe anh. Hải im lặng, không muốn, hay chính xác hơn là không thể mở miệng nói một điều gì. Chỉ mấy tháng, kể từ cái ngày anh giúp Vĩnh đón cô bé từ sân bay về nhà. Thế mà ngỡ như là hai con người, cô bé mắt to ngồi trên valise ngày hôm ấy, và cái bóng ma đang im lìm sau lưng anh giờ đây.

Hải chạy xa chầm chậm, đưa Thái Vinh về trước cửa nhà. Cô nhóc dựa lưng vào cổng. Sực nhớ buổi hẹn phỏng vấn sáng nay, anh giật bắn len. Đưa tay bấm chuông cổng, anh nhắc Thái Vinh: "Vào nhà đi, Vinh nhé. Đừng đi đâu nữa. Nghỉ đi cho đỡ mệt. Anh sẽ gọi điện cho em sau!". Nói rồi, anh nhảy lên xe, phóng vù đi tiếp.

Quáng quàng gửi xe ở bãi cách tòa cao ốc hơn 200 mét, Hải chạy thục mạng. Bước qua cửa kính xoay vào sảnh lớn của cao ốc, anh nhìn lên đồng hồ treo ngay trước các buồng thang máy. Đúng 10h30. Bất chợt, Hải nhìn vào bóng mình phản chiếu trong cánh cửa kim loại. Một người mặt đỏ ửng, vầng trán ướt đẫm mồ hôi. Quần jeans và cái áo thun cũ kỹ, sờn cổ. Đôi dép da cũ mòn. Nhà tuyển dụng nghĩ gì khi đối diện một ứng viên có bộ dạng kinh khủng này? Đột nhiên, anh mất sạch can đảm. Cánh cửa thang máy trước mặt anh đã mở. Khoang kim loại trống rỗng, sáng lóa, im lặng chờ đợi. Anh có nên bước vào đó, bấm nút đi lên tầng bảy hay không?

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Mắt bão Chương 22

Có thể bạn thích