Mặc Kệ Nó Làm Tới Đi
Chương 8: Biết Tôn Trọng

• Luôn lịch sự và tôn trọng người khác

• Làm những việc đúng đắn

• Giữ gìn tên tuổi

• Công bằng trong mọi mối quan hệ

Khi tôi còn trẻ và khốn khó nhưng tràn đầy nhiệt huyết và tin tưởng rằng mình có thể đạt được bất cứ điều gì, tôi bay đến Nhật và khá tham vọng khi hẹn gặp rất nhiều người trong ngành giải trí và truyền thông. Đó là trước khi Hãng đĩa Virgin ra đời, gặp Mike Oldfield và Tubular Bells, tôi không chắc khi đó mình nghĩ gì, hay có gì đặc biệt để thể hiện với họ. Có lẽ tôi chỉ mơ hồ muốn thành lập một liên doanh phân phối đĩa nhạc, hoặc chỉ đang khoác lác. Họ rất nhã nhặn đối với một thanh niên nghèo mặc áo len và quần bò, nghiêm túc lắng nghe tôi trong những buổi gặp mặt, nơi những cô geisha phục vụ trà. Tôi rất cảm kích và chưa bao giờ quên điều đó.

Những con người kiên nhẫn ấy đã dạy cho tôi biết rằng luôn quan sát, lắng nghe và cư xử lịch sự quan trọng đến thế nào. Có câu châm ngôn “tai vách mạch rừng”. Mọi người thường hay nói chuyện phiếm với nhau. Những chuyện ngồi lê đôi mách ấy sẽ đến tai nhân vật chính trong chuyện của bạn.

Tôi đã từng trải qua chuyện này. Một lần tôi phải đi họp. Tôi bị muộn giờ nên vớ lấy đống giấy tờ cần thiết và nhảy lên một chiếc taxi. Trên đường đi, tay lái xe nói rất nhiều. Anh ta nói, “A! Tôi biết anh. Anh là Dick Branson. Anh là chủ một hãng đĩa.”

“Vâng, đúng vậy,” tôi nói.

“Chà, hôm nay thật là một ngày may mắn. Rất hân hạnh được chở ngài Branson trên chiếc xe của tôi.”

Tôi mong rằng anh ta sẽ ngậm miệng lại để tôi có thể đọc tài liệu chuẩn bị cho buổi họp, nhưng anh ta lại nói tiếp. Anh ta nói rằng ban ngày anh ta lái taxi, ngoài ra còn chơi trống cho một ban nhạc. Anh ta hỏi tôi có muốn nghe bản thu âm thử không. Lòng tôi chùng xuống. Mọi người lúc nào cũng bật nhạc cho tôi nghe với hy vọng rằng họ sẽ được phát hiện.

Nhưng tôi không muốn bất lịch sự. “Vậy thì thật tuyệt,” tôi nói.

“Không, trông anh có vẻ mệt mỏi. Xem nào, nhà mẹ tôi ở ngay gần đây. Bà sẽ rất muốn gặp anh. Ta vào đó uống tách trà nhé.”

“Không, tôi đang bị muộn” – tôi nói.

“Nhưng tôi muốn vậy. Thứ anh cần là một tách trà.”

“Cảm ơn,” tôi yếu ớt đáp lại.

Khi chúng tôi vừa đến ngôi nhà, tay lái xe liền bật băng. Tôi nghe thấy những tiếng hát phát ra từ loa, “Tôi có thể cảm nhận được nó, trong không khí đêm nay . . .” Anh ta nhảy ra khỏi ghế trước và mở cửa cho tôi. Tay lái xe chính là Phil Collins , đang cười như mất trí.

Truyện cổ tích Nhật Bản cũng đầy những câu chuyện về hoàng tử cải trang, hòa nhập với dân chúng để tìm hiểu xem mọi người nghĩ gì về mình. Khi tạo ra chương trình The Rebel Billionaire, tôi đã nghĩ tới truyền thuyết đó, và về ý tưởng đóng vai một tài xế như Phil và bắt chước. Tôi hóa trang cho mình giống như tài xế taxi và đưa những người chơi trẻ tuổi trong chương trình đến trang viên nơi chúng tôi quay phim. Tôi dỏng tai nghe những gì họ nói ở ghế sau. Tôi cũng để ý xem cách họ đối xử với một ông già không vác được những chiếc vali nặng. Tôi đã được hiểu rất nhiều điều về họ.

Sự tôn trọng nằm ở cách chúng ta đối xử với tất cả mọi người, chứ không chỉ với những người bạn muốn gây ấn tượng.

Người Nhật có thể chờ 200 năm để hoàn thành một kế hoạch lâu dài cho công ty. Họ không tìm đường tắt. Họ muốn phát triển chậm nhưng chắc. Một lần, tôi đang tìm người góp vốn vào Hãng đĩa Virgin. Chúng tôi nói chuyện với rất nhiều người Mỹ trong một khoảng thời gian, cố gắng thuyết phục họ. Họ muốn đầu tư, nhưng cũng muốn được mắt thấy tai nghe, mà theo họ có nghĩa là được tham gia điều hành công ty. Nhưng chúng tôi có cách làm việc của riêng mình. Vì vậy, chúng tôi chỉ muốn một người góp vốn mà thôi. Chúng tôi biết rằng một người góp vốn quá đòi hỏi như vậy có thể dẫn đến mâu thuẫn. Nhớ tới những doanh nhân người Nhật đã đối xử thật tốt với mình vài năm trước, tôi chuyển sang phương Đông. Tôi đề nghị hợp tác với một doanh nhân Nhật Bản.

“Ngài Branson,” ông ta nhẹ nhàng hỏi, “ông thích vợ mình là người Mỹ hay người Nhật hơn? Những người vợ Mỹ rất khó tính, với rất nhiều cuộc ly hôn và tiền chu cấp. Trong khi những người vợ Nhật lại rất tốt và dịu dàng.”

Tốt và dịu dàng không có nghĩa là yếu đuối. Điều đó nghe thật hoàn hảo – chúng tôi bèn hợp tác với công ty của ông ta.

Một trong những bài học quý giá nhất mà tôi học được là khi phạm luật. Tôi bị bắt và phải nộp tiền bồi thường. Khi đó, tôi nghĩ rằng mình hơi giống một tên cướp biển râu dài. Và nó giống như một trò chơi. Tôi cho rằng mình thật táo bạo, nhưng cũng rất ngu ngốc. Có những rủi ro không đáng chút nào.

Trong những năm 1970, tất cả mọi người đều có hơi hướng hippy. Tâm trạng lúc nào cũng như thể “chúng tôi và họ” . Cùng với tất cả những kẻ nổi loạn khác, mà rất nhiều trong số họ giờ đây là những diễn viên, nhà văn, ca sĩ và chính trị gia tên tuổi, tôi tham gia biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam. Khi bị cảnh sát đuổi bắt, tôi vẫn vẫy biểu ngữ và trèo lên bệ cột Nelson’s Column. Biểu tình rất thú vị, và chúng tôi cũng rất thiết tha chống lại cuộc chiến tranh Việt Nam. (Giá mà chúng ta phản đối chiến tranh I-rắc quyết liệt hơn.) Các đài phát thanh bất hợp pháp phát sóng từ ngoài khơi. Mọi người dùng thuốc trong các toa hàng. Thời đó tràn đầy hứng khởi.

Mưu đồ của tôi là một mẹo nhỏ mà tôi tự thuyết phục bản thân là hợp pháp. Nó tình cờ xuất hiện vào mùa xuân năm 1971. Virgin nổi tiếng vì bán những đĩa nhạc hay với giá rẻ, và chúng tôi nhận được một đơn đặt hàng lớn từ Bỉ. Không phải đóng thuế khi xuất khẩu đĩa nhạc sang Bỉ, do đó tôi mua trực tiếp các đĩa nhạc miễn thuế từ những hãng đĩa lớn như EMI và thuê một chiếc tải chở chúng trên phà qua eo biển Măng-sơ. Kế hoạch của tôi là cập bến ở Pháp rồi lái xe đến Bỉ. Tôi không biết là phải đóng thuế ở Pháp, kể cả khi đang trên đường quá cảnh đến nơi khác.

Tại Dover, nhân viên hải quan đóng dấu số lượng đĩa nhạc lên giấy tờ của tôi. Khi đến Pháp, họ yêu cầu tôi đưa ra bằng chứng chứng minh rằng không phải tôi định bán đĩa nhạc ở nước này. Tôi trình đơn đặt hàng từ Bỉ và nói rằng tôi chỉ đang đi qua Pháp, nhưng không có tác dụng. Họ nói tôi có hàng hóa kho bảo thuế nên sẽ phải nộp thuế.

Tôi rất bối rối và bực mình vì mục đích của tôi là chính đáng và minh bạch. Tôi nhận thấy Hải quan Pháp đang làm khó mình, vì vậy tôi bắt đầu tranh cãi nhưng vẫn không thể lay chuyển được họ. Vì không muốn đóng thuế nên tôi phải quay về Dover bằng phà với tất cả đĩa nhạc vẫn ở trong xe tải, cùng nỗi tức giận vì đã lãng phí thời gian và bỏ lỡ một đơn đặt hàng lớn. Nhưng trên đường lái xe quay lại London, tôi nhớ ra mình đang có một xe tải đầy đĩa nhạc miễn thuế. Thậm chí tôi còn có dấu của hải quan làm bằng chứng. Tôi nghĩ rằng mình vẫn có thể bán chúng theo các đơn đặt hàng qua thư hoặc tại các cửa hàng đĩa nhạc Virgin và thu được khoảng 5.000 bảng lợi nhuận.

Làm như vậy là phạm luật, nhưng tôi chỉ nghĩ rằng mình đang lách luật một chút và lợi dụng một tình huống xảy ra không phải do lỗi của mình. Xét cho cùng, tôi đã bắt đầu với mục đích đúng đắn. Khi đó Virgin đang nợ ngân hàng 15.000 bảng, và giờ nhìn lại thì có vẻ vận may hoặc số phận đã giúp chúng tôi. Tôi vẫn luôn thoát tội khi phạm luật và cho rằng lần đó cũng vậy. Đáng ra vụ đó cũng đã trót lọt nếu tôi không quá tham lam. Thay vì chỉ bán số đĩa nhạc trong xe tải và hài lòng với vận may đó thì tôi lại thực hiện tổng cộng bốn chuyến đến Pháp, mỗi lần đều giả vờ xuất khẩu đĩa, rồi quay lại ngay khi đặt chân lên đất Pháp và trước khi gặp Hải quan của họ. Lần cuối cùng, tôi thậm chí còn không buồn lên phà. Sau khi có được dấu hải quan, tôi chỉ quay xe một vòng trên bến cảng ở Dover, lái từ cổng này sang cổng kia và quay về nhà. Chắc chắn nếu lúc đó không bị chặn lại, tôi vẫn sẽ tiếp tục làm trò này. Mọi việc thật quá dễ dàng. Chỉ có một điều không dễ dàng chút nào. Tôi đang bị theo dõi.

Vấn đề thật sự là tôi chỉ là một phần nhỏ trong một mưu đồ lớn của một dây chuyền các hãng đĩa lớn mạnh hơn. Tôi ngẫu nhiên lọt vào đó, nhưng họ đang thực hiện mưu đồ trên quy mô rộng lớn hơn nhiều. Tôi chỉ đang làm trò với một xe tải chở đầy những đĩa nhạc chúng tôi thích và bán tại cửa hàng hiện có của mình trên đường Oxford mà thôi – dù thật ra mà nói thì chúng tôi cũng đang định đặt một số vào cửa hàng sắp mở tại Liverpool. Nhưng những người kia thì có một hệ thống tinh vi hơn và đang phân phối đĩa nhạc khắp cả nước. Nửa đêm khi đang ngủ, tôi được một người nặc danh cảnh báo rằng ngay sáng mai chúng tôi sẽ bị khám xét. Tôi rất sốc khi nghe cái tin khủng khiếp này. Tôi lắng nghe trong choáng váng khi người gọi giải thích rằng tất cả các đĩa nhạc tôi mua từ EMI để xuất khẩu đều được đóng dấu một chữ E vô hình chỉ có thể thấy dưới dưới ánh đèn tia tử ngoại. Trước khi gác máy, người đó nói rằng anh ta giúp tôi vì tôi đã giúp một người bạn của anh từ bỏ ý định tự tử, thông qua dịch vụ tư vấn của tờ Student.

Chúng tôi có một đêm để thủ tiêu tất cả số hàng miễn thuế. Tôi gọi cho Nik và Tony rồi chạy đi mua hai chiếc đèn tại một nhà thuốc mở cửa suốt đêm. Chúng tôi gặp nhau tại kho hàng rồi bắt đầu lôi đĩa ra khỏi vỏ và chiếu đèn lên. Khi những chữ cái E hiện lên, chúng tôi hốt hoảng chạy ra chạy vào nhà kho, bê hàng chồng đĩa ra xe tải rồi lái qua những đường phố vắng tanh, không phải để giấu chúng ở nơi khác hoặc tiêu hủy luôn một cách tỉnh táo và khôn ngoan – mà lại đặt chúng lên kệ tại cửa hàng ở đường Oxford. Việc đó hoàn toàn vô nghĩa, nhưng chúng tôi suy nghĩ mù quáng rằng hải quan sẽ chỉ lục soát nhà kho mà bỏ qua các cửa hàng của chúng tôi. Khi sáu nhân viên hải quan lực lưỡng xông vào nhà kho, tôi gần như đã hoàn hồn sau đêm hôm trước. Tự cảm thấy mình thật thông minh, tôi nén cười khi nhìn họ lục tìm những chiếc đĩa nhạc bất hợp pháp – chúng tôi thậm chí còn giúp họ, nghiêm túc lôi đĩa ra khỏi vỏ và đưa cho họ kiểm tra. Tôi không biết rằng cùng lúc đó họ cũng đang khám xét các cửa hàng. Tôi vô cùng sốc khi bị bắt, giải về Dover và giam vào tù.

Tôi không thể tin nổi. Tôi tưởng rằng chỉ tội phạm mới bị bắt. Nhưng khi ngồi một mình trong buồng giam trống trải được chiếu sáng bằng thứ ánh sáng lóa mắt của bóng đèn, tôi dần dần nhận ra rằng mình không phải là một tên cướp biển hippy. Đây không phải là một trò chơi. Và tôi là một tội phạm. Những lời của thầy hiệu trưởng vang lên trong đầu tôi. Khi tôi bỏ học vào năm 16 tuổi, thầy nói, “Branson, tôi đoán rằng em sẽ vào tù hoặc trở thành triệu phú.”

Tôi chưa phải là một triệu phú – và tôi đang ngồi tù. Bố mẹ tôi luôn dạy rằng tất cả những gì chúng ta có trong đời là danh tiếng. Dù bạn giàu có nhưng mọi người không tin bạn thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Tôi nằm trên một tấm nệm trần làm bằng chất dẻo với một chiếc chăn mỏng và thề sẽ không bao giờ làm chuyện tương tự nữa. Tôi sẽ làm những điều đúng đắn trong toàn bộ phần đời còn lại.

Sáng hôm sau, mẹ đến phiên tòa để ủng hộ tôi. Tôi không có tiền thuê luật sư nên đã đăng ký hỗ trợ pháp lý. Thẩm phán nói nếu xin tư vấn pháp lý thì tôi sẽ không được bảo lãnh. Ông ta đưa ra cái giá trên trời là 30.000 bảng. Tôi không có số tiền lớn như vậy. Tôi có trang viên nhưng vẫn đang thế chấp, vì vậy mẹ tôi đã cầm cố ngôi nhà. Niềm tin của bà dành cho tôi quá lớn đến mức tôi gần như không thể chịu nổi. Bà nhìn sang phía tôi, rồi cả hai chúng tôi cùng khóc.

Tôi sẽ luôn nhớ tới những lời bà nói trên chuyến tàu quay về London. “Mẹ biết là con đã học được một bài học, Ricky. Chuyện đã qua, có tiếc cũng chẳng ích gì. Chúng ta phải đứng dậy và đối mặt với chuyện này.”

Thay vì ra tòa, bên hải quan đồng ý giải quyết vụ đó bằng việc phạt một khoản lớn gấp ba lần lợi nhuận phi pháp của tôi. Nó lên đến con số khổng lồ là 45.000 bảng, nhưng họ nói rằng tôi có thể trả 15.000 bảng mỗi năm. Đó quả thật là một viễn cảnh đáng sợ, nhưng tôi không hề tức giận. Tôi đã không tôn trọng pháp luật nên đáng phải bị phạt tiền. Kể từ đó, không phạm pháp đã trở thành khẩu hiệu của tôi.

Cách phục hồi lòng tự trọng của tôi là nộp tiền mà không kêu ca. Trên thực tế, tôi đã thành công. Một lần nữa, khi bị dồn đến chân tường, mục tiêu của tôi là kiếm thật nhiều tiền, nhưng phải hợp pháp. Chúng tôi làm việc tích cực, mở các cửa hàng đĩa Virgin mới và tìm kiếm các ý tưởng hay.

Từ đó, mỗi khi được hỏi làm thế nào để đạt mục tiêu, câu trả lời của tôi luôn là: ưu tiên của tôi là không vi phạm pháp luật, và tôi luôn tự kiểm tra xem mình có đang thực hiện đúng không.

Danh tiếng là tất cả. Nếu bạn đang khởi nghiệp và hỏi xin tôi một lời khuyên, tôi sẽ nói, “Luôn công bằng trong mọi việc. Đừng gian lận – và hãy đặt mục tiêu chiến thắng.” Nguyên tắc này cũng nên được áp dụng trong cuộc sống riêng của bạn. Phương châm của tôi là, “Đừng làm gì khiến ban đêm phải mất ngủ.” Đó là một nguyên tắc đáng tuân thủ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Mặc Kệ Nó Làm Tới Đi Chương 8: Biết Tôn Trọng

Có thể bạn thích