Mặc Kệ Nó Làm Tới Đi
Chương 14: Suy Nghĩ Tích Cực

• Thách thức những điều lớn lao

• Cứ bình tĩnh

• Hãy mặc cả; mọi thứ đều có thể thương lượng được

• Tìm thấy niềm vui trong công việc

• Làm những điều đúng đắn cho thương hiệu

• Cười trước ống kính máy ảnh!

• Đừng dẫn “cừu” mà hãy chăn “mèo”

• Chuyển động thật nhanh

• Nhỏ bé lại hóa hay

• Hãy cứ là một người bình thường

Trên đây là mười lời khuyên đáng giá nhất mà tôi đã đưa ra trong buổi nói chuyện với sinh viên một trường kinh doanh. Tôi tin rằng dù bạn bao nhiêu tuổi thì một cách tiếp cận mới mẻ và trẻ trung tới mọi thứ, từ kinh doanh đến cuộc sống, đều sẽ tiếp thêm sinh lực và đổi mới con người bạn. Tôi luôn nói rằng, hãy tập luyện cho tương lai và suy nghĩ trên phương diện toàn cầu. Nếu thành công ở một nước thì bạn cũng có thể sẽ thành công ở các nước khác. Đừng để bị vấp phải những khác biệt về văn hóa, thay vào đó, hãy gây dựng từ chúng.

Tất cả những câu cách ngôn này đều là những cách khác nhau để nói một điều – “suy nghĩ tích cực” – và điều này không có nghĩa là bạn phải trẻ, hoặc đã sang bên kia sườn dốc cuộc đời. Những người không còn suy nghĩ và cảm thấy mình trẻ trung nữa có xu hướng khá cứng nhắc trong cách tiếp cận cuộc sống, và đó không phải là sự sáng tạo, trưởng thành và phát triển cá nhân.

Người mà tôi ngưỡng mộ và kính trọng hơn bất kỳ ai khác trên thế giới này là Nelson Mandela. Phải dành đến 18 năm trong tổng số 27 năm ngồi tù để đập đá vôi trên đảo Robben không hề khiến ông nản chí. Khi đi bộ trên con đường bụi bặm từ nhà ngục đến chiếc thuyền chuẩn bị đưa ông đến với tự do, ông nhận ra rằng nếu cứ chìm đắm trong cảm giác đắng cay thì ông sẽ không bao giờ được tự do thật sự. Trên quãng đường đi bộ ấy, ông tha thứ cho những kẻ đàn áp mình bởi nếu ông không làm vậy thì cuối cùng bọn chúng cũng sẽ hại ông. Chính vào lúc đó, ông đã thật sự tự do – và nó chính là điều khiến ông trở nên vĩ đại.

Khi Tổng thống Bill Clinton đang phải trải qua một khoảng thời gian đầy sóng gió trong cuộc sống cá nhân, gánh chịu những cái nhìn đầy giận dữ của dư luận, Mandela nói với ông: “Họ đã phá hoại cuộc hôn nhân của tôi. Họ hành hạ tôi cả về thể xác lẫn tinh thần. Họ có thể lấy đi tất cả, trừ tinh thần và trái tim tôi. Tôi đáng lẽ đã phải từ bỏ chúng, nhưng tôi đã quyết định không từ bỏ chúng.” Rồi Mandela nói thêm, “Ông cũng nên làm như vậy.”

Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với Mandela là vào năm 1988, qua Peter Gabriel, một trong những người bạn thân nhất của tôi. Anh đã tổ chức những buổi hòa nhạc Nelson Mandela miễn phí, là một phần của một chiến dịch quốc tế rộng khắp do Tổ chức Ân xá Quốc tế điều hành. Dù các buổi hòa nhạc đó đã giúp mọi người hiểu rõ hơn về những điều bất công mà ông phải chịu đựng, nhưng phải đến hai năm sau, năm 1990, ông mới được trả tự do. Thường thì khi gặp một người anh hùng, bạn sẽ cảm thấy thất vọng. Nhưng ấn tượng của tôi về Nelson Mandela trở nên rõ ràng hơn khi chúng tôi gặp nhau. Tình bạn của chúng tôi phát triển, và tôi gọi ông là Madiba, một danh hiệu dành cho các bô lão trong bộ lạc của ông. Tôi ngưỡng mộ tất cả những gì ông đã đạt được ở đất nước Nam Phi mới cũng như trên toàn cầu, với triết lý về Hòa bình và Hòa giải của mình.

Những bài học quan trọng có thể được rút ra sau khi nghiên cứu các trải nghiệm của tôi ở Nam Phi. Đó là một lò tôi luyện tuổi trẻ và năng lượng, nơi chứa đựng những ý tưởng độc đáo, và mọi việc ở đó đều được thực hiện nhanh chóng hơn rất nhiều nơi khác, chính bởi sự thôi thúc tiến bộ này. Vì vậy, các nhà doanh nghiệp, doanh nhân, chuyên gia sức khỏe và các nhà giáo dục có thể sẽ học được rất nhiều điều khi nghiên cứu các mô hình của Nam Phi.

Tôi đã có rất nhiều dịp đến Nam Phi từ những năm 1990 – như khi Virgin Atlantic mở một đường bay đến Cape Town năm 1999. Tình yêu của tôi dành cho đất nước này ngày càng lớn, dẫn đến việc tôi mua Ulusaba, một khu bảo tồn thú săn ở khu vực Sabi Sands gần Vườn Quốc gia Kruger, nơi đem lại cho tôi và gia đình rất nhiều niềm vui. Chính nhờ Mandela mà tôi đã biết đến công sức vĩ đại của những người trẻ đằng sau một trường đại học mới được thành lập, tên là CIDA – Hiệp hội Phát triển Cá nhân và Cộng đồng. Đó là một trường đại học trong khu phố cổ Johannesburg dành cho thanh niên nghèo châu Phi, được những người quyên góp trợ cấp gần như toàn bộ. Tai tôi vểnh lên khi biết rằng mục đích của trường đại học này là cung cấp một tấm bằng Kinh doanh chính thức có thể sử dụng được ở bất cứ nơi nào, và sẽ khuyến khích một làn sóng kinh doanh. Ngoài ra, trường tổ chức rất nhiều hoạt động ngoại khóa, bao gồm múa châu Phi, võ thuật, thiền siêu việt, thể thao và trồng vườn. Tôi đã rất hứng khởi khi cùng Mandela ngồi trước khán giả trong một chuyến thăm của Đạt Lai Lạt Ma, bàn luận với đám sinh viên thông minh và ham học hỏi về những chủ đề như khoảng cách giàu nghèo, chủng tộc và tôn giáo, và thậm chí là lợi ích của thiền định và giáo dục. Tôi rất vui vì đã có thể giúp Đạt Lai Lạt Ma và Mandela tiếp xúc với nhau sau buổi bàn luận đó. Trước đó, tổng thống Nam Phi không cho phép họ gặp nhau.

Từng có những bình luận rằng tôi đã bỏ học từ rất sớm, và ngay cả Bill Gates cũng đã bỏ học tại Harvard. Tuy nhiên, đây không hẳn là tấm gương tốt nhất để noi theo. Tôi nghĩ rằng giáo dục – mà tốt nhất là trình độ đại học – giúp mọi người chuẩn bị hành trang cho mình. Đó là một điều mà tôi đặc biệt quan tâm, nhất là ở Nam Phi, một quốc gia quan trọng đóng vai trò dẫn đường trong các nước chưa phát triển. Giáo dục mang đến cho người trẻ cơ hội có được sự tự do về mặt kinh tế. Người tỏa sáng mạnh mẽ nhất trong ngành giáo dục là Taddy Bletcher. Ông gần như đã một thân một mình mở trường đại học miễn phí đầu tiên của châu Phi ở khu thương mại Johannesburg.

Giáo dục đại học ở Nam Phi rất đắt đỏ và đầy cạnh tranh. Trẻ em nghèo ở ngoại ô và các vùng nông thôn chưa bao giờ có cơ hội bước chân qua cánh cửa trường đại học. Ý định của Taddy là mở một trường đại học với mức học phí thấp hơn 4.000 ranđơ  (284,75 bảng) để theo học một bằng, bao gồm cả sách vở và quản lý phí. CIDA khởi đầu từ hai bàn tay trắng, nghĩa là họ phải sáng tạo để tìm ra giải pháp. Họ đã đặt vấn đề với những công ty như KPMG , mời những người tình nguyện đến trường dạy môn kế toán. Đổi lại, họ sẽ cử sinh viên đến thực tập ở các công ty đó. Tất cả sinh viên đều có bổn phận đáp trả, nghĩa là phải thay phiên nhau dọn dẹp, nấu nướng, và quan trọng hơn là dạy học cho cộng đồng của mình. Một ý tưởng sáng tạo tuyệt vời khác là khi đã bắt đầu kiếm ra tiền, họ sẽ phải bảo trợ cho một sinh viên khác trong cộng đồng của mình theo học đại học.

Taddy nói, “Một ngày kia, khi nằm trên giường bệnh trước lúc lâm chung và nghĩ lại, ‘Tất cả những việc này có đáng không?’”, thì tôi sẽ có thể trả lời rằng, “mỗi ngày trôi qua đều có giá trị”.

Thanh niên ở châu Phi rất mong mỏi được đi học, đến nỗi một vài người đã đi nhờ xe trên quãng đường 2.415 ki-lô-mét để đến trường CIDA. Tôi mong những sinh viên trốn học và bỏ học ở Anh có thể thấy được điều này. Để đến được với những người rất khó có cơ hội học đại học, chúng tôi đã thảo luận việc thành lập một trường đại học quốc tế lưu động với khuôn viên là các túp lều. Mô hình này sẽ đến với nhiều nước khác nhau, dạy cách giải quyết xung đột và xử lý các vấn đề xã hội. Một học kỳ sẽ được giảng dạy tại Palestine; học kỳ tiếp theo ở Sierra Leone; học kỳ tiếp theo ở Somalia, học kỳ sau đó ở Ethiopia, cứ tiếp tục như vậy. Ý tưởng mượn từ CIDA là những người đã được học sẽ trở thành giáo viên và người hướng dẫn cho những người khác, từ đó lợi ích sẽ được nhân rộng.

Vốn nhân lực là yếu tố đắt đỏ nhất trong bất kỳ doanh nghiệp nào. Thời thế đã thay đổi, nhưng tôi vẫn dành rất nhiều thời gian và công sức ở Nam Phi, khi xã hội trẻ trung đa văn hóa độc đáo của họ khiến nó trở thành một nơi rất tốt làm bệ phóng để thử nghiệm những ý tưởng mới. Tôi tin rằng sự gia tăng số lượng doanh nghiệp ở đó là một con đường hoàng kim dẫn đến tự do kinh tế, chính vì vậy tôi đã thành lập Trường Doanh nghiệp Branson trong khuôn viên CIDA. Trùng hợp ở chỗ, cổng trường hướng ra đúng ngân hàng nơi Mandela làm việc hồi trẻ trước khi bị giam cầm. Công việc giảng dạy hướng đến việc giúp những người trẻ tuổi gây dựng nên những doanh nghiệp của riêng mình. Cho đến nay, chúng tôi đã có 300 sinh viên, khoảng 30 người trong số đó đang triển khai các doanh nghiệp nhỏ – theo cách chúng tôi gọi là ấp ủ – và chúng tôi sẽ trợ giúp trong khoảng từ 12 đến 18 tháng.

Viện Nghiên cứu Chính sách Công (IPPR) ở Mỹ đã kiểm tra một chương trình, trong đó giáo dục về tài chính là bắt buộc tại một số vùng từ năm 1957. Nghiên cứu của họ cho thấy trẻ em tham gia các buổi học về tài chính cá nhân và ngân quỹ gia đình đến năm 40 tuổi sẽ có thể kiếm được nhiều hơn 32.000 bảng so với những người đồng trang lứa không được học. Trẻ em được giáo dục về tài chính sẽ tiết kiệm được thu nhập thêm khoảng 1,5% mỗi năm. Tôi nhận ra rằng không có gì sai khi theo đuổi một nền giáo dục chính quy, miễn là đừng để nó cản đường bạn.

Khi mọi người hỏi tôi họ nên đi theo con đường kinh doanh nào, tôi luôn trả lời: “Dù lựa chọn ngành kinh doanh nào, bạn cũng cần đam mê với những gì mình làm, vì khi bạn làm chỉ vì tiền thì bạn sẽ không thể tiến lên phía trước.” Tôi bảo họ rằng trong vài năm đầu, họ nên lo lắng làm sao để tồn tại hơn là giải quyết những vấn đề của thế giới. Nếu chủ nghĩa tư bản muốn tạo nên danh tiếng thì các nhà tư bản cần phải đóng góp cho xã hội. Đầu chương này tôi đã viết: “Đừng dẫn cừu mà hãy chăn mèo.” Chăn cừu thì dễ, nhưng đi phía trước mà lùa chúng theo thì rất khó. Trong khi đó, loài mèo lại rất độc lập và thông minh, và đó chính là kiểu người chúng tôi muốn nhận vào làm ở Virgin. Một bài học đáng giá cho tất cả những người làm kinh doanh là hãy thuê các nhà tư tưởng chứ không phải những người chỉ biết vâng lời. Nguy hiểm là khi mọi người trở nên lo lắng và sợ rủi ro. Có lẽ là do người hùn vốn hoặc một khoản vay thế chấp ngăn cản họ. Họ không được để những điều này cản trở sự táo bạo và dũng cảm của mình. Hồi 16 tuổi, tôi không có gì ràng buộc, hạn chế và chẳng có gì để mất. Nhưng những người có gì đó để mất sẽ có thể suy tính rằng bằng cách đặt mục tiêu thật cao, họ có thể đạt được nhiều thứ hơn.

Tôi nhận thấy rằng rất nhiều trong số các ý tưởng hay nhất của tôi để thành lập doanh nghiệp mới, hoặc mở rộng các lĩnh vực mới đều đến từ các cuộc trò chuyện với mọi người hoặc tình cờ nghe được ở đâu đó. Một doanh nhân thực thụ sẽ không bao giờ để những chiếc ăng-ten của mình ở trạng thái “tắt”. Ví dụ như lần tôi mua một loạt câu lạc bộ thể hình ở Nam Phi. Vì mối quan tâm tới vấn đề sức khỏe thể chất, vào năm 1999, tôi đã lập nên Virgin Active, một nhóm các câu lạc bộ thể hình ở Anh, sau này mở rộng sang Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha và Namibia. Nhưng đến năm 2001, tôi mới biết rằng Mandela từng nghe nói về điều này. Một ngày nọ, khi đang ngâm mình trong bồn tắm thì tôi nhận được cuộc gọi của ông.

“Richard, chúng tôi có khoảng 80 câu lạc bộ thể hình ở Nam Phi chuẩn bị đóng cửa,” ông nói. “Nếu điều này xảy ra thì sẽ là đại họa, vì những phòng tập thể hình này đã được thiết lập thông qua chính sách hỗ trợ đặc biệt của chính phủ Nam Phi, về việc ưu tiên thúc đẩy xây dựng doanh nghiệp của người da đen và da màu, hàng nghìn người sẽ bị mất việc. Anh có thể giúp gì không?”

“Để tôi nghĩ xem mình có thể làm gì,” tôi nói.

Ngày hôm sau tôi bay đến Nam Phi, và sau khi xem xét tình hình, tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể cứu các câu lạc bộ này bằng cách đổ vào một ít vốn và đặt chúng trên một nền tảng kinh doanh vững chắc. Cuối cùng, hoạt động của Virgin Active ở Nam Phi lại tỏ ra thành công nhất. Người Nam Phi rất thích rèn luyện thân thể, vì vậy các phòng tập của chúng tôi ở đây có nhiều thành viên hơn là ở các nước khác, và họ cũng đến phòng tập thường xuyên hơn. Một số câu lạc bộ thể hình có trung bình 3.000 người đến tập hàng ngày. Thành viên bao gồm cả người da trắng và da đen – hiện tại khoảng 20% là người da đen – nhưng tỷ lệ này sẽ thay đổi vì tầng lớp trung lưu da đen mới nổi đang là thành phần phát triển nhanh nhất.

Chúng tôi cũng phần nào giúp các doanh nhân da đen địa phương phát triển thương hiệu của họ trong thị trường phòng tập hình và hoạt động thể thao bằng cách để lại hàng nghìn thiết bị cho các phòng tập mới thành lập mỗi khi chúng tôi thay mới. Bệnh béo phì và tiểu đường đang tăng nhanh ở các nước phát triển, và hiện các bệnh này cũng đang tăng lên ở châu Phi. Để góp phần đẩy lùi vấn đề này, chúng tôi đã mở ra các khu vực dành cho trẻ em, phục vụ cho 125.000 em đến các phòng tập của chúng tôi cùng bố mẹ. Chúng tôi được các công ty y tế hỗ trợ, giới thiệu thành viên, và chúng tôi cũng có các chương trình tuyển dụng, đào tạo và phát triển nhân viên. Cho đến nay, chúng tôi đã tuyển 20 sinh viên da đen mới tốt nghiệp tại CIDA, những người này sẽ được đào tạo cho các vị trí quản lý tại các phòng tập. Chúng tôi cũng được biết đến là một công ty đang bắt đầu tuyển dụng những người từng là phạm nhân và người nghiện ma túy. Khi làm việc với chính phủ Nam Phi, chúng tôi tin tưởng sử dụng những hành động tích cực  khi gặp bất kỳ ai cần thêm sự giúp đỡ. Tôi nghĩ không chỉ vấn đề chủng tộc mới cần được chú ý, mà cả những người từng ngồi tù cũng nên được quan tâm. Sau khi họ được thả, trong thời gian không có việc làm, có thể họ sẽ tái phạm và gây thiệt hại cho xã hội. Nếu chủ nghĩa tư bản muốn tạo được danh tiếng thì cần phải đóng góp cho xã hội.

Tôi tin rằng mọi thứ đều có thể xoay chuyển nếu quyền lực được trao cho người dân. Điều này cũng đúng với gia đình và doanh nghiệp. Mọi người phản ứng lại với cách họ được đối xử. Thực tế là giới trẻ Anh đã mang tiếng xấu trên truyền thông, đến nỗi giờ đây họ được coi là những kẻ “tồi tệ nhất” châu Âu. Nhưng đó không hoàn toàn chỉ là lỗi của họ. Virgin Unite được thành lập để hợp nhất 50.000 người làm việc cho Virgin ở bất kỳ vai trò nào – nghĩa là bao gồm cả tôi – để cùng làm việc như một đội và thúc đẩy các doanh nghiệp đến gần với các vấn đề xã hội và môi trường, và qua những người như Camila Batmanghelidjh , chúng tôi có thể nhìn thấy những gì đang diễn ra ở mức độ cơ bản nhất.

Camila đã thành lập tổ chức Kids Company ở một vùng khó khăn phía nam London để giúp đỡ khoảng 11.000 trẻ em thiếu thốn nhất, gặp khó khăn về hành vi, tinh thần và xã hội, là hậu quả của những tổn thương và sự thờ ơ của bố mẹ. Nhờ lắng nghe những người như bà, tôi tin rằng cuộc sống gia đình tan vỡ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu liên kết và kỹ năng xã hội. Ngay cả một việc đơn giản như ngồi vào bàn ăn và trò chuyện, như bố mẹ tôi thường làm với chúng tôi ngày nhỏ, cũng có thể là một bước ngoặt. Trẻ em cần được người lớn dạy dỗ và chỉ bảo. Tôi nghĩ về những gì mẹ tôi từng nói, “Ricky, đừng nằm ườn một chỗ mà chẳng làm gì.” Thế hệ của tôi không hề quanh quẩn một chỗ để xem tivi và chơi điện tử. Tương tác giữa người lớn và trẻ em rất mạnh mẽ. Họ chỉ dẫn; chúng tôi làm theo.

Những đứa trẻ mất gốc ngày nay chỉ học từ bạn bè đồng trang lứa, thành ra lạc lối trong xã hội. Cha mẹ cần phải chia sẻ trách nhiệm chứ không phải chỉ trông chờ chính phủ tìm ra giải pháp. Người trẻ có một nguồn năng lượng và tiềm năng rất lớn để làm những việc có ích. Chúng chính là tương lai. Giải quyết những vấn đề như ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn cá, sự phá hoại thế giới tự nhiên, các bệnh tật và đại dịch như AIDS hoàn toàn phụ thuộc vào chúng, những vấn đề mà các thế hệ đi trước không thể giải quyết, hoặc trong nhiều trường hợp, họ lại chính là người gây ra.

Các nước chưa phát triển, đặc biệt là ở châu Phi, có những vấn đề đáng lẽ không nên tồn tại, và tôi nghĩ đây chính là nơi mà những người làm kinh doanh có thể giải quyết vấn đề bằng những cách khác với những người làm từ thiện. Mỗi nhóm đều có một vai trò quan trọng, nhưng họ khác nhau. Những người làm từ thiện phải giải quyết từng vấn đề và cố gắng giúp đỡ trong từng lĩnh vực, còn các doanh nhân có thể góp phần giải quyết vấn đề trên một quy mô lớn hơn qua tài trợ và khoa học. 

Ở châu Phi, khoảng 1,5 triệu trẻ em và 750.000 phụ nữ mang thai chết vì sốt rét hàng năm. Họ chết vì bị muỗi đốt. Vậy làm thế nào để ngăn không cho muỗi đốt họ? Thật không thể tin được rằng chưa hề có một chiến dịch phối hợp nào trên khắp châu Phi để giải quyết vấn đề về muỗi, trong khi câu trả lời lại rất đơn giản. Nếu mỗi người ở châu Phi đều có một chiếc màn thấm chất diệt muỗi, và tường nhà họ cũng được sơn phủ thứ chất diệt muỗi tương tự, thì vấn đề sẽ được giải quyết. Đây không phải là một giải pháp vượt quá khả năng của chúng ta, vậy mà nó vẫn chưa được thực hiện.

HIV/AIDS là một căn bệnh khác mà đáng lẽ đến bây giờ cũng đã phải được giải quyết. Đến nay, HIV/AIDS đã giết chết 17 triệu người ở châu Phi, và khoảng 30 triệu người khác đang mắc bệnh. Đây là điều thật vô lý trong thời đại này. Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên đến một bệnh viện ở châu Phi và thấy biết bao nhiêu người đang chết vì bệnh AIDS. Trung bình mỗi buổi sáng, một phòng bệnh có sáu chiếc giường trống của những người qua đời đêm hôm trước. Thật đáng sợ và không thể tin được. Giờ đây, Virgin Unite đang thảo luận với Liên Hiệp Quốc và những người khác về việc thành lập một Trung tâm Vận hành phản ứng nhanh có thể phối hợp tất cả các hoạt động nhân đạo đang diễn ra tại châu Phi. Nếu một việc nào đó hiệu quả ở Nigeria thì chúng tôi sẽ đẩy thêm vốn vào đó. Nếu nơi khác đang gặp khó khăn thì chúng tôi có thể chuyển vốn sang. Tất cả những gì cần có là lòng quyết tâm, sự chủ động và tiền. Chúng tôi cần những người dám nghĩ dám làm chứ không phải những kẻ chùn bước và cam chịu.

Đầu năm 2006, Lầu Năm Góc biểu quyết đồng ý sử dụng 125 tỷ đô-la mỗi năm trong vòng 10 năm để chi trả cho cuộc chiến tranh ở I-rắc. Thử làm phép so sánh, chi phí hàng năm để đưa sức khỏe người châu Phi lên bằng với tiêu chuẩn thế giới (25-35 tỷ đô-la); giáo dục tất cả trẻ em trên thế giới (7 tỷ đô-la); nước sạch và hệ thống rác thải trên toàn thế giới (9 tỷ đô-la); giải quyết đại dịch HIV/AIDS trên toàn thế giới (10 tỷ đô-la), phần còn lại là khoảng 65 tỷ đô-la. Đặt vào bối cảnh này, chiến tranh có ý nghĩa gì không?

Cuối năm 2003, tôi ở Johannesburg và theo dõi Mandela nói chuyện với báo giới trong thời gian chuẩn bị diễn ra “46664”, một buổi hòa nhạc gây quỹ ủng hộ bệnh nhân HIV/AIDS mà chúng tôi giúp tổ chức, cùng với Peter Gabriel và Brian May . Ông nói ngắn gọn và vào thẳng vấn đề:

“AIDS là một bi kịch lớn chưa từng thấy đang diễn ra ở châu Phi. AIDS không chỉ là một căn bệnh; nó là một vấn đề về quyền con người. Vì thế giới, chúng ta phải hành động ngay bây giờ, gây quỹ để giúp những người bị ảnh hưởng bởi AIDS và tăng nhận thức để góp phần ngăn chặn sự lây lan của HIV. ’46664‘ là mã số tù nhân của tôi trong suốt 18 năm ngồi tù ở đảo Robben. Tôi được biết đến chỉ như một con số. Hàng triệu người mắc phải AIDS ngày nay cũng vậy, chỉ là một con số. Họ cũng đang chịu một án chung thân; chính vì vậy, lần đầu tiên tôi cho phép sử dụng mã số tù nhân của mình, 46664, làm tên gọi cho chiến dịch này.”

Ngồi cạnh ông trong suốt buổi hòa nhạc cùng với người vợ tuyệt vời của ông, bà Grace Machel, với Joan và Holly, và được thưởng thức giọng hát của Peter Grabiel là một trong những trải nghiệm xúc động nhất trong cuộc đời tôi.

Tôi nghĩ rằng mình có cách tiếp cận cuộc sống rất trẻ trung, ngay cả khi đã ở tuổi 50; nhưng ở tuổi 90, Mandela dường như đang bù lại những năm tháng trong tù bằng tầm nhìn và niềm đam mê cuộc sống. Trong những chương trước, tôi đã viết về cách để có được sự giúp đỡ của Vua Hussein nước Jordan và Ngài Edward Heath để thương lượng với Saddam Hussein, bay sang I-rắc để đưa 43 con tin ốm yếu và bị thương về nước trước cuộc xung đột đầu tiên năm 1990; nhưng tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ lại tham gia vào một đấu trường tương tự. Nhưng đến năm 2003, sau sự kiện 11 tháng 9, khủng hoảng ngày càng gia tăng ở I-rắc thì có vẻ như Bush sẽ phát động chiến tranh. Tôi phản đối các kế hoạch xâm lược vì tôi thấy nó có lẽ là quyết định đối ngoại tồi tệ nhất từ thời Suez. Không cần phải giết hại hoặc làm hàng nghìn người bị thương chỉ để loại bỏ một người. Tôi tin rằng nếu họ cho Saddam một con đường thoát thì sẽ có thể tránh được đổ máu. Cần phải cho Saddam một con đường sống, nếu không ông ta sẽ giống như con thú bị dồn vào chân tường – họ sẽ phải chiến đấu. Và có lẽ là đến một mức độ nào đó, Saddam cũng không thật sự tin rằng họ sẽ xâm lược đất nước mình.

Tình hình rất lộn xộn và ngày càng cấp bách. Tôi nghĩ rằng người duy nhất có thể thuyết phục Saddam thôi chức tổng thống và sống lưu vong là Mandela. Tôi gọi điện thoại cho ông, sau đó gửi cho ông một lá thư.

Madiba kính mến,

Như thường lệ, tôi rất vui được nói chuyện với ngài. Tôi nghĩ mình nên gửi cho ngài một lá thư rất ngắn gọn để trình bày cuộc bàn luận của chúng ta.

Mỹ và Anh chắc chắn đã quyết định chiến tranh. Sẽ không tránh khỏi cảnh rất nhiều dân thường bị thương vong.

Tôi tin rằng chỉ có một cách duy nhất để ngăn chặn cuộc chiến tranh ở I-rắc, và tôi cũng tin rằng ngài là người duy nhất trên thế giới này có thể làm được.

Nếu có thể thuyết phục Saddam Hussein lui về Libya (hoặc một nơi nào khác), và hoàn toàn được miễn trừ, thì tôi tin rằng Mỹ sẽ không thể thúc đẩy chiến tranh. Nếu ông ta chịu hy sinh để tránh cho dân tộc mình phải chịu đựng thêm nhiều nỗi thống khổ hơn nữa thì ông ta cũng sẽ củng cố thêm danh tiếng của mình. Lựa chọn khác dành cho ông ta sẽ là số phận của Noriega, Milosevic hoặc tồi tệ hơn.

Với mối quan hệ với Tổng thống Qaddafi và sự tôn kính dành cho ngài ở I-rắc, có lẽ ngài là người duy nhất có thể sắp xếp chuyện này.

Tôi tin rằng ngài có đủ tín nhiệm để thuyết phục Saddam Hussein từ chức. Nếu đồng ý ra đi – ví dụ như đến Libya – thì ông ta vẫn có thể ngẩng cao đầu. Đó là điều tốt nhất mà ông ta có thể làm cho người dân của mình.

Nếu giúp được ngài, tôi sẽ rất vui lòng được gửi cho ngài một chiếc máy bay đưa ngài đến đó và quay về (hy vọng là có qua Libya!).

Tôi sẽ nói chuyện với ngài sau khi ngài bàn bạc với Thabo [Mbeki, Tổng thống Nam Phi].

Kế hoạch là Mandela sẽ đến Baghdad, nói chuyện với Saddam, rồi họ sẽ cùng nhau bay khỏi I-rắc. Điều này đảm bảo với Saddam rằng ông ta sẽ được an toàn. Nhưng trước khi làm bất cứ điều gì, Mandela muốn chúng tôi có được sự đồng ý của Kofi Annan . Kofi Annan ban đầu rất thận trọng với ý định này và lo lắng rằng Mandela sẽ bị Saddam bắt làm con tin. Và có lẽ đến một mức độ nào đó, Saddam cũng không tin vào lời đề nghị này. Tôi nói chuyện với Kofi Annan và cuối cùng thì ông cũng tin rằng đó là một kế hoạch tốt và cho phép chúng tôi thực hiện. Bất ngờ nhất là Mandela đã sẵn sàng làm việc này vì ở tuổi này, ông nghĩ rằng ông có thể hy sinh. Tôi nói với Mandela rằng nếu cần thì tôi sẽ đi cùng ông. Tôi không lo lắng về sự an toàn của bản thân – như tôi đã nói với Mandela, tôi đã làm rất nhiều việc nguy hiểm – nhưng quyết định là ở ông.

Bốn giám đốc của Virgin, trong đó có Will Whitehorn, đã được chỉ dẫn bí mật để giúp kế hoạch hòa bình này thành công, và họ sắp xếp một chiếc máy bay cá nhân chờ ở Johannesburg từ ngày 17/3 để bay đến I-rắc. Hai ngày sau, khi chúng tôi đang chuẩn bị lên đường, thì bom bắt đầu nổ và các lực lượng liên minh tiến vào I-rắc. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc tiến đánh được lùi lại thêm vài ngày. Lịch sử của cuộc chiến và vùng Trung Đông có thể đã khác.

Cuộc xâm lược I-rắc và tất cả những gì xảy ra sau đó, ở đó và những nơi khác trên thế giới đã tạo cảm hứng để tôi thành lập một nhóm các nhân vật phi chính trị tên là The Elders để góp phần ngăn chặn xung đột trong tương lai. Dù vẫn còn đang trong giai đoạn trứng nước, nhưng Mandela đã đồng ý làm người sáng lập. Đây là ý tưởng của tôi, Peter Gabriel và Mandela. Chúng tôi bàn bạc về nó và thấy rằng có một khoảng cách trên thế giới, bởi có rất nhiều nhóm lãnh đạo nắm quyền lực về quân sự, kinh tế và chính trị, nhưng lại không nhiều nhóm lãnh đạo dựa trên nền tảng lẽ phải trong ngôi làng toàn cầu ngày nay. Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu thành lập nó trong mấy năm gần đây.

Mới đây, tôi đến Nam Phi cùng Jean Oelwang, giám đốc điều hành toàn cầu của Virgin Unite, và rất phấn khởi trước tiến triển của một loạt những dự án doanh nghiệp xã hội mà chúng tôi đang triển khai. Tôi luôn cố gắng làm hết sức mình. Ví dụ như một thời gian trước đây, khi thấy rằng một số nhân viên xét nghiệm dương tính với HIV nhưng lại không biết đến đâu để mua thuốc kháng enterovirus, chúng tôi bèn quyên góp để thành lập một phòng khám chuyên khoa ở Lesotho cho khoảng 100.000 người ở khu vực phụ cận. Để khuyến khích mọi người, Joan và tôi đã tình nguyện khám công khai trước tất cả nhân viên. Tôi cũng rất quan tâm và trực tiếp tham gia vào nhiều dự án môi trường, vì châu Phi rất dễ bị tổn thương trước hiện tượng Trái đất nóng lên. Nó phải gánh chịu hậu quả của nhiều hoạt động bất cẩn đã và đang diễn ra tại những nơi khác trên thế giới – nhưng chính người dân châu Phi cũng có thể thực hiện vai trò của mình, như thay dầu hỏa bằng nhiên liệu sinh học, an toàn và sạch sẽ hơn rất nhiều. Một khi phụ nữ (những người lo công việc bếp núc) ở các vùng ngoại ô nhận thức được điều này, họ sẽ muốn thay đổi, nhưng ban đầu chúng tôi phải giúp đỡ họ về mặt tài chính và làm gương cho họ.

Mandela tóm lược tất cả trong bài diễn văn nhậm chức tổng thống Nam Phi năm 1994: “Nỗi sợ lớn nhất của chúng ta không phải là không thích nghi được với xã hội, mà là chúng ta có quá nhiều quyền lực. Chính ánh sáng chứ không phải bóng tối làm chúng ta sợ hãi nhất. Chúng ta tự hỏi, tôi là ai mà tuyệt vời, thông minh, tài giỏi, xinh đẹp? Thực ra, bạn không phải là ai, bạn là đứa con của Chúa và những hành động nhỏ nhen sẽ chẳng giúp được gì cho thế giới này. Chẳng có gì là hay ho khi chùn bước để người khác không cảm thấy bất an khi ở bên bạn. Chúng ta sinh ra là để tỏa sáng. Chúng ta sinh ra là để biểu lộ ánh hào quang của Chúa bên trong mình. Và khi để ánh sáng của mình tỏa ra chính là chúng ta đang cho phép người khác làm điều tương tự. Khi chúng ta được giải thoát khỏi những nỗi sợ hãi của chính mình thì sự hiện diện của chúng ta cũng tự động giải thoát những người khác.”

Đó là những ngôn từ đầy xúc động, chứa đựng những bài học mà tất cả chúng ta đều có thể học theo. Tôi cũng đã học được rất nhiều từ chúng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Mặc Kệ Nó Làm Tới Đi Chương 14: Suy Nghĩ Tích Cực

Có thể bạn thích