Luyện Trí Nhớ
Phần 15: Ghi Nhớ Các Thông Tin

Trong những phần trước, bạn đã được học về cách thức liên kết để ghi nhớ các sự vật hiện tượng riêng lẻ. Dựa trên những cách thức đó, bạn có thể ghi nhớ các sự vật hiện tượng đặc biệt hơn theo ngày tháng, thời gian, địa điểm.

Thời gian biểu trong tuần

Ghi nhớ thời gian biểu là một việc làm quan trọng không chỉ trong học tập, công việc mà còn cả trong cuộc sống.

Hãy khiến chúng trở nên quen thuộc với bạn. Tạo ra các biểu đồ để thiết lập các hình ảnh trực quan cho bất cứ ngày tháng, thời gian nào. Hãy biến những khái niệm thời gian mơ hồ thành cụ thể, xác thực. 

Đầu tiên, phải kể đến cách thức số hóa các ngày trong tuần. Thứ Hai gắn với số 1, thứ Ba: 2, thứ Tư: 3, thứ Năm: 4, thứ Sáu: 5, thứ Bảy: 6, Chủ nhật: 7. Thứ Hai trong quan niệm của mọi người là ngày đầu tiên trong tuần. Cách chọn này sẽ tạo được quen thuộc với đông đảo mọi người. Tuy nhiên bạn cũng có thể thay đổi thành Chủ nhật: 1, thứ Hai: 2, thứ Ba: 3, thứ Tư: 4, thứ Năm: 5, thứ Sáu: 6, thứ Bảy: 7 nếu muốn. 

Bây giờ, chúng ta thực hiện việc chuyển đổi thời gian biểu trong tuần thành các con số thông qua các kỹ năng ghi nhớ con số.

8 giờ ngày thứ Hai có thể được số hóa thành hai con số. Thứ Hai, ngày đầu tiên trong tuần tương ứng với số 1, thời gian 8 giờ tương ứng với số 8. Ta có con số 18 tương ứng duy nhất với thời điểm 8 giờ ngày thứ Hai. 18 được hình ảnh hóa theo bảng Mã hóa phụ âm thành CaN (cái can). 

Tương tự DiVa (nữ ca sĩ xuất sắc) là hình ảnh tương ứng với thời điểm 2 giờ ngày thứ Ba (22). QuoTa (hạn ngạch) ứng với 3 giờ ngày thứ Bảy (63). 

Tuy nhiên có một trở ngại trong việc số hóa. Ví dụ với thời gian 1:01 và 11:00, bạn sẽ biến chúng thành những con số nào? Cả hai đều là 11? Để tránh nhầm lẫn bạn số hóa hai thời gian này thành 101 và 11. 

Với những thời gian có dạng 8:15, 8:30, 8:45, ngoài cách số hóa thông thường bạn có thể thay các con số 15, 30, 45 thành một phần tư, một nửa, ba phần tư để ghi nhớ nhanh hơn. 

Ví dụ 8:15 ngày thứ Hai sẽ thành 1/4 cái can; 2:30 ngày thứ Ba thành 1/2 DiVa; 3:45 ngày thứ Bảy thành 3/4 hạn ngạch.

Nếu tham gia một sự kiện quan trọng, bạn nên làm tròn các phút lẻ thành các phút chẵn (5:20 thành 5:15, 6:25 thành 6:15) để hạn chế việc bạn đến trễ.

Các chương trình phát thanh, truyền hình

Hàng ngày, chúng ta phải tiếp nhận một khối lượng thông tin khổng lồ từ các phương tiện thông tin đại chúng. Với những cách thức ghi nhớ đã được tiếp xúc, bạn sẽ dễ dàng chọn lọc và ghi nhớ những thông tin cần thiết phù hợp với bản thân.

Kênh thông tin khoa học giáo dục VTV2 (Vietnam television 2) là kênh 18. Và chương trình “Ôn tập bổ sung kiến thức trong các trường phổ thông” phát sóng trên kênh này vào 8:00 thứ Bảy và 9:30 Chủ nhật hàng tuần. 

Đầu tiên bạn phải ghi nhớ VTV2 nằm ở kênh 18. Dựa vào bảng Mã hóa phụ âm được đưa ra ở trên bạn sẽ có CaN (cái ca) tương ứng với 18. 

Sử dụng cách thức ký tự đầu, bạn có được hình ảnh “Vòng Tròn Vàng 2” tương ứng với VTV2. Bây giờ bạn hãy tưởng tượng hình ảnh có hai chiếc vòng tròn vàng lớn tỏa ánh sáng chói lòa. Một chiếc bị gió cuốn đi mất, chỉ còn lại chiếc thứ hai quấn quanh cái can.

Tiếp đến, bạn cần ghi nhớ thời gian phát sóng chương trình. Áp dụng cách thức ghi nhớ thời gian biểu, bạn có được hai con số 68 và 7930. Sử dụng phương pháp liên tưởng bạn sẽ nhớ được hai con số này. 68 – liên tưởng đến năm 1968 – năm xảy ra cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm Mậu Thân. 7930 – gồm 79 và 30. Con số 79 là tuổi của Bác Hồ kính yêu, 30 liên tưởng đến 1930 năm Bác Hồ sáng lập Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Một số kỹ năng cần phải có thời gian luyện tập. Đến khi nào quen thuộc với chúng, bạn sẽ thấy chúng vô cùng hữu dụng và có thể sử dụng trong bất kỳ trường hợp nào yêu cầu phải nhớ các con số. 

Sự kiện

Chúng ta thường ít ghi nhớ được các sự kiện trong quá khứ, phần lớn do chúng ta gặp khó khăn trong việc ghi nhớ các con số nói chung và ngày tháng cụ thể nói riêng. 

Vì vậy chỉ khi bạn tạo được mối liên hệ giữa các con số cụ thể với những hiện tượng có ý nghĩa với bạn thì việc ghi nhớ ngày tháng của sự kiện mới trở nên đơn giản hơn.

Vua Quang Trung đại phá quân Thanh vào năm 1789. Ba con số quan trọng 789 rất dễ để bạn ghi nhớ vì nó là ba số tự nhiên liên tiếp 7,8,9. 

Trong trường hợp những con số cần ghi nhớ không có ý nghĩa gì thì chúng ta có thể áp dụng các cách thức đã học để ghi nhớ.

Về nguyên tắc, việc ghi nhớ ngày tháng tương tự như ghi nhớ ngày giờ. Chúng ta chỉ cần chuyển ngày tháng thành các con số cụ thể rồi áp dụng các cách thức ghi nhớ con số. 

Ngày 5 tháng 4 chuyển thành số 54, ứng với chữ RoSe (hoa hồng). Ngày 9 tháng 8 chuyển thành 98, ứng với LiNe (đường dây). Còn trường hợp như con số 112 có thể dẫn đến sự nhầm lẫn: ngày 11 tháng 2 hoặc ngày 1 tháng 12.

Nếu gặp phải trường hợp này, bạn chỉ cần nhớ thêm số 0 vào trước những tháng nhỏ hơn 10. Khi đó, ngày 11 tháng 2 sẽ chuyển thành 1102, ngày 1 tháng 12 mới chuyển thành con số 112.

Tuy nhiên việc ghi nhớ các con số có từ 3 chữ số trở lên sẽ khó hơn so với 2 chữ số. Vì vậy bạn có thể biến ngày 4 tháng 5 thành 45 thay vì 405. Việc sử dụng thêm con số 0 nên được lựa chọn phù hợp để tránh rắc rối, lẫn lộn cho việc ghi nhớ.

Bạn muốn biết chính xác ngày học sinh sinh viên Việt Nam. Hãy tưởng tượng bạn thuộc đoàn đại biểu của Việt Nam tham dự đại hội Học sinh sinh viên thế giới tại Mông Cổ. Bạn và mọi người được khám phá cuộc sống nơi đây và được hòa vào cuộc sống của những người dân du mục trên sa mạc được hiểu thêm về những tập tục, quy luật và những niềm vui (hạnh phúc) đơn giản của người dân vùng đất Gobi này. Khi chuyển những từ như quy luật (LaW), hạnh phúc (WeaL)và sa mạc Gobi (GoBi) thành các con số thì chúng ta sẽ có các chữ cái: L W W L G B ứng với 9 1 1 9 5 0. Chúng chính là 9/1/1950 - ngày truyền thống của học sinh, sinh viên Việt Nam.

Năm 1957 vệ tinh nhân tạo đầu tiên được phóng lên quỹ đạo Trái Đất. Chúng ta biết rõ sự kiện này đã xảy ra ở thế kỷ trước nên không nhất thiết phải ghi nhớ hai con số 1 và 9. Chúng ta chỉ cần sử dụng “mã hóa phụ âm” để chuyển 57 thành RiPe (quả chín). Tiếp theo hãy tưởng tượng vệ tinh đầu tiên trên thế giới đang bay ngang qua đầu bạn như quả chín đang treo lơ lửng giữa trời xanh.

Với những sự kiện xảy ra trước công nguyên, bạn nên thêm chữ số 0 vào trước mỗi năm. 

Ví dụ: Julius Caesar (100-44 TCN) là một nhà hùng biện nổi tiếng người Hy Lạp. Bạn sẽ chuyển đổi thành 044 và 0100. Sau đó ghi nhớ chúng bằng các cách khác nhau.

Công việc cần làm

Việc hôm nay chớ để ngày mai

Bạn ngồi vào bàn học và chợt nhìn thấy cuốn sách mượn của Thảo Nguyên từ cách đây hai tuần trước. Bạn tự nhủ chiều nay đến lớp mình sẽ mang trả cho bạn ấy. Nhưng rồi ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, cho đến một hôm bạn giật mình và thấy xấu hổ khi bị Thảo Nguyên nhắc nhở đến cuốn sách vẫn ngủ yên trên bàn học mà đáng lẽ bạn phải trả cho cô ấy từ hai tháng trước.

Thực ra trì hoãn không liên quan gì đến trí nhớ. Chúng ta không thực hiện những gì đã dự định vì thiếu sự tự giác. Bạn cứ đinh ninh đó là công việc của bạn, nếu không làm ngay bây giờ thì làm lúc khác. Trong phần này, chúng ta sẽ đi vào cách thức ghi nhớ những công việc cần làm.

Đầu tiên hãy viết những công việc bạn cần làm ngày mai ra giấy. Ngày mai bạn phải làm các công việc sau:

Trả sách cho Thảo Nguyên

Nộp tiền quỹ lớp

Làm báo cáo thí nghiệm

Mua quà sinh nhật tặng Kim Hằng

Sử dụng phương pháp Roman Room để đưa danh sách này vào tâm trí bạn bằng cách liên kết danh sách này với phòng của bạn.

Đầu tiên là giá sách của bạn – liên kết nó với việc đầu tiên – trả sách cho Thảo Nguyên. Hãy tưởng tượng bạn ấy đang đứng cạnh giá sách và cầm một vài cuốn sách lên xem. Đột nhiên cô ấy nhìn thấy cuốn sách của mình và mỉm cười với bạn.

Đồ vật thứ hai là chiếc đèn bàn – việc nộp tiền quỹ lớp. Tưởng tượng bạn vừa bật đèn lên thì thấy giấy báo đóng tiền nằm ngay ngắn giữa bàn với cỡ chữ to nhất.

Đồ vật tiếp theo là chiếc giường ngủ – việc thứ ba là làm báo cáo thí nghiệm. Bạn nằm xuống giường và choàng tỉnh khi thấy xung quanh giường của bạn là các trang báo cáo với những con chữ nhảy múa tung tăng.

Đồ vật thứ tư là chiếc chuông gió treo bên cửa sổ – liên kết với việc mua quà sinh nhật cho bạn Kim Hằng. Tưởng tượng khi bạn đang ngồi học, gió từ ngoài thổi vào và chiếc chuông gió ngân lên, bạn nhìn ra và thấy một bó hoa như được ai đó đặt vào cửa sổ. Xung quanh chiếc chuông gió là những ngọn nến thắp sáng và kết thành dòng chữ “Chúc mừng sinh nhật Kim Hằng”.

Sáng hôm sau trước khi rời nhà, hãy dạo quanh phòng để “nhắc” lại công việc ngày hôm nay, rồi bạn hoàn toàn có thể thoải mái rời khỏi nhà. 

Tuy nhiên làm sao để ghi nhớ những điều này suốt cả ngày? Những công việc, nhiệm vụ mới liên tục “chạy” đến khiến bạn quên bẵng đi những gì mình dự định làm.

Ngoài việc thường xuyên nhớ lại công việc gắn với đồ vật trong phòng, bạn nên tạo thêm các tình huống để nhắc nhở mình. Tạo ra mối liên kết giữa địa điểm diễn ra tình huống và việc cần làm.

Bạn và Thảo Nguyên học chung một lớp. Hãy tưởng tượng bạn thấy mặc cảm khi đứng trước cô ấy. Bạn không dám nhìn và trò chuyện với cô ấy (vì bạn chưa trả sách cho Thảo Nguyên). Tự tạo mặc cảm tội lỗi trong trí não sẽ giúp bạn ghi nhớ nhiệm vụ trả sách cho Thảo Nguyên.

Đối với các nhiệm vụ khác, bạn cũng làm tương tự như vậy và sẽ thấy mình ghi nhớ mọi thứ dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Đường đi

Với một số người, dường như việc nhớ các địa điểm chỉ là chuyện nhỏ. Họ có thể quay trở lại nơi xuất phát chỉ sau một lần di chuyển ở những nơi đông đúc hoặc ở những đường phố như mê cung. 

Trong khi một số lại có vấn đề trong việc nhớ đường cho dù đã đi vài lần trên chính con đường ấy. Vậy vấn đề là do đâu? Có phải do yếu tố bẩm sinh mà thành? Thực ra, nguyên nhân sâu xa nằm ở sự chú tâm của mỗi người. . 

Không chỉ chú ý đến phương hướng trên đường, bạn còn nên quan tâm đến những chỉ dẫn ký hiệu liên quan dọc trục đường. Để ý đến ngọn núi, tòa nhà, công viên, rừng cây xung quanh, đừng bỏ lỡ một cửa hàng thời trang hoặc nhà sách yêu thích.

Nếu con đường bạn đi không có các mốc nhận diện quan trọng, việc ghi nhớ sẽ khó khăn hơn nhưng không phải là không thể. Hãy chú ý đến đặc điểm khác lạ của những ngôi nhà, cảnh vật ven đường. Nhớ tên con đường đang đi và đặc điểm tại các giao lộ nơi bạn rẽ hoặc chuyển hướng. 

 Ghi nhớ càng nhiều chi tiết có thể càng tốt. Khi trở về nhà, bạn hãy ghi ra giấy những gì mình đã quan sát được. Tự tạo cho mình một bản đồ chi tiết với các ghi chú và hình ảnh sinh động dễ nhớ. Đối với những cung đường ngắn, lần tiếp theo, bạn có thể di chuyển bằng cách đi bộ hoặc xe đạp để dễ so sánh những địa điểm trên thực tế với hình ảnh mô phỏng bằng bản đồ của mình.

Địa chỉ

Sử dụng những cách thức ghi nhớ ở trên cộng thêm một chút sáng tạo, bạn sẽ dễ dàng ghi nhớ các địa chỉ cụ thể. Ví dụ, Hoài Phương vừa chuyển đến số nhà 37, đường Trần Hưng Đạo. Bạn có thể chuyển 37 thành băng ghi âm (TaPe – 3: T, 7: P). Tiếp đến gắn con số này với tên đường. Bạn hãy tưởng tượng mình đang thưởng thức cuốn băng ghi âm những ca khúc hát ru nổi tiếng. 

Nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc xác định lộ trình đi đến địa chỉ trên, hãy gắn thêm các đặc điểm xung quanh gây ấn tượng với bạn thông qua mục đường đi ở phía trên hoặc ngay mục chỉ dẫn đường đi sau đây.

Chỉ dẫn đường đi

Khi một người nào đó đưa ra chỉ dẫn về đường đi, bạn có thể gặp khó khăn khi phải ghi nhớ hàng loạt những lần rẽ trái, rẽ phải tại các giao lộ. 

Để nhớ trọn vẹn những hướng dẫn chỉ đường này, hãy sử dụng trí tưởng tượng của mình. 

Ví dụ, một cô bạn thân vừa mới chuyển chỗ ở, bạn được hướng dẫn đường đến nhà mới của cô ấy như sau: cậu cứ đi thẳng đường A rồi khi gặp nhà hàng B thì rẽ trái, đi tiếp 3 ngã tư nữa rồi rẽ phải, đi tiếp 4 căn nhà nữa rồi rẽ trái, nhà tớ là nhà số 5 nhé. 

Để xác định đúng hướng đi, bạn không chỉ phải ghi nhớ đường đi mà còn phải xác định chính xác những khúc cua, điểm rẽ trái, phải. Để có thể ghi nhớ tốt nhất, bạn nên chuyển những điểm rẽ trái, rẽ phải thành những hình ảnh quen thuộc. 

Biến những điểm rẽ trái thành hình con thỏ, rẽ phải thành hình chim phượng hoàng và đặt chúng vào tấm bản đồ tưởng tượng của bạn. Chúng sẽ giúp bạn ghi nhớ các lối rẽ và đến được đích.

Với ví dụ trên, bạn có thể tưởng tượng thành: “Bạn đang đi trên đường thì gặp một nhà hàng đang quay một chú thỏ khổng lồ mùi thơm phức. Ngay lập tức bạn nhớ rằng mình cần rẽ trái. Bỗng nhiên từ trong nhà hàng có một chú phượng hoàng ăn mặc thời trang bước ra mời bạn ngồi lên chiếc xe Audi có dạng chữ thập (+ : ngã tư) đến góc đường để cùng nó đang nhâm nhi tách trà (Tea – T: 3), bạn nghĩ ngay mình cần đi qua 3 ngã tư rồi rẽ phải. Ngay tại đầu đường, bạn nhìn thấy một chú thỏ đang nằm phơi nắng trên bãi biển (Sea – S:4) vẫy tay chào bạn. Bạn nhớ ngay ra là cần phải đi qua 4 căn nhà rồi rẽ trái. 

Phương pháp này không chỉ giúp bạn nhớ hướng đi và địa chỉ mà khiến bạn cảm thấy thật thoải mái với những hình ảnh thật sinh động. Thực tế, tất cả những kỹ thuật chi tiết này sẽ trở nên dễ dàng hơn đối với bất kỳ ai. 

Giờ đây, cách ghi nhớ địa điểm đã nằm trong tay bạn, chúng ta tiếp tục chuyển tiếp sang cách thức ghi nhớ những việc cần làm.

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Luyện Trí Nhớ Phần 15: Ghi Nhớ Các Thông Tin

Có thể bạn thích