Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy
Chịu Trách Nhiệm

Thái độ chủ chốt làm nền tảng cho suy nghĩ và các kỹ thuật của NLP là thái độ tự chịu trách nhiệm về những điều xảy ra với mình. Khi quyết định chịu trách nhiệm với chính mình, bạn sẽ đạt được nhiều hơn những gì bạn muốn (và bớt đi được những điều không mong muốn). Khi không nhanh chóng đạt được kết quả như ý, bạn sẽ thấy việc vượt qua các trở ngại trở nên dễ dàng hơn và biết cần phải làm gì để giải quyết chúng.

1.1 Làm chủ “nguyên nhân” của mọi hành động

“Tôi không thể đi làm sớm được. Cả gia đình tôi đều vậy.”; “Tôi không thể biến việc làm ăn này trở nên có lãi được, nền kinh tế hiện giờ quá tệ.”; “Đó không phải là lỗi của tôi!”

Tất cả mọi điều diễn ra trong cuộc sống đều có nguyên nhân của nó. Ben ăn rất nhiều. Chuyện gì sẽ xảy ra? Cậu ta sẽ tăng cân. Krizia không ăn trong hai ngày liền và giảm cân ư? Rất đơn giản: hậu quả của việc ăn quá nhiều hay quá ít bắt nguồn từ hành động ăn quá nhiều hay quá ít.

  • Phương trình Nguyên nhân - Kết quả: NLP thể hiện nguyên tắc nêu trên bằng phương trình Nguyên nhân - Kết quả. Nguyên nhân nằm ở một vế, và Kết quả nằm ở vế còn lại. Điều này có nghĩa với mỗi nguyên nhân sẽ luôn có một kết quả và mỗi kết quả đều có nguyên nhân.

  • Bạn là nguyên nhân hay là kết quả của cuộc đời bạn? Nói cách khác, bạn có chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra với mình không, hay bạn cho rằng bản thân mình chỉ là một nạn nhân thụ động?

Giảm cân là một ví dụ đơn giản. Hãy biết chịu trách nhiệm, tập thể dục nhiều hơn và ăn ít đi. Thông thường mọi thứ có phần phức tạp hơn. Giả dụ bạn còn gặp vấn đề sức khỏe khác nhưng bạn vẫn có thể làm chủ bản thân bằng cách lắng nghe những lời tư vấn từ các chuyên gia. Vậy là giờ bạn đã biết cách làm thế nào để giảm cân đúng cách.

Thế nhưng còn mối quan hệ với sếp? Tại sao nó lại tệ như vậy? Do bạn? Do sếp? Hay do cả hai? Tất cả những gì bạn biết là mối quan hệ đó không được tốt. Vậy làm thế nào để bạn có thể đứng được ở bên vế nguyên nhân trong phương trình?

Câu trả lời khá đơn giản. Tất cả những gì bạn cần làm để làm chủ “nguyên nhân” là chịu trách nhiệm cho những kết quả mà bạn sẽ nhận được. Nếu đó là lỗi của sếp thì đã sao? Hãy thử nghĩ tới việc thay đổi lối suy nghĩ của mình về tình huống đó và hành xử khác đi với ông ta xem sao. Hãy xem điều gì sẽ xảy ra. Những bí quyết tiếp theo sẽ mang lại cho bạn những công cụ tuyệt vời nhằm giải quyết tình trạng này.

“Hãy luôn nhớ trong đầu rằng chính ý chí vươn tới thành công là điều quan trọng hơn tất cả.” Abraham Lincoln, Cựu Tổng thống Mỹ

Một phút suy ngẫm: Bất cứ lúc nào bạn cảm thấy không chắc chắn về việc mình đang làm, hãy dành một phút để nghĩ về những điều bạn muốn đạt được. Khi thấy rõ hơn kết quả mà mình muốn đạt được, bạn sẽ nhanh chóng hiểu được bạn cần phải làm gì. Điều này sẽ giúp bạn sẵn sàng hơn trong việc làm chủ “nguyên nhân” trong công việc.

Hãy quyết định chịu trách nhiệm cho sự thành bại của chính mình, đừng phó mặc mọi thứ.

1.2 Hiểu được tấm bản đồ của bạn

Thời cổ trung đại, các thủy thủ căng buồm chu du khám phá thế giới. Những tấm bản đồ họ vẽ ra khác xa so với những tấm bản đồ được tạo ra trong thời đại định vị vệ tinh ngày nay. Nhận thức của những người đi biển ngày xưa khác hẳn với chúng ta. Thế hệ tương lai cũng sẽ có những tấm bản đồ và những ý niệm khác về vũ trụ khi công nghệ ngày càng tiến bộ. Điều này chỉ ra vấn đề mấu chốt trong NLP: tấm bản đồ - nhận thức của chúng ta về thế giới - luôn luôn rất chủ quan.

Nói cách khác, mỗi chúng ta có một thế giới quan riêng. Ai cũng cho rằng mình nhìn nhận sự việc đúng như bản chất của nó, nhưng thực ra cách chúng ta nhìn nhận chỉ là một quan điểm mà thôi. Cùng một tình huống nhưng mỗi người có một cách nghĩ khác nhau.

  • Vai trò của tiềm thức. Phần lớn thời gian trong cuộc đời, cách chúng ta suy nghĩ về mọi thứ đều dựa trên tiềm thức. Điều này là sự thực, bởi bộ óc ở trạng thái ý thức chỉ có thể tập trung vào một vài thứ tại một thời điểm nhất định. Chúng ta tiếp nhận thông tin một cách vô thức nhiều hơn. Tiềm thức điều khiển chúng ta, lưu trữ các ký ức và thu thập thông tin thông qua các giác quan. Chúng ta luôn bị “tấn công” bởi khối lượng thông tin đồ sộ trong khi khả năng nhận thức của mỗi người thì có hạn. Đó là lý do vì sao tấm bản đồ về thế giới của mỗi người mỗi khác. Một cách vô thức, chúng ta sẽ tự nhiên chú ý tới một số thứ hơn là những thứ khác.

Khi nhận thức được rằng tấm bản đồ của bạn chỉ là một cái nhìn chủ quan về thế giới, bạn có thể bắt đầu thực hiện hai điều sau:

  1. Thứ nhất, hãy chấp nhận rằng quan điểm của người khác cũng chủ quan và có giá trị như của bạn.
  2. Thứ hai, hãy nhìn sâu vào trong chính bản thân mình và tìm hiểu xem bạn chọn tập trung để ý tới điều gì.

Khi bắt đầu nhận ra những điều mà trước nay bạn không để ý tới, tức là bạn đã có được cơ hội thay đổi tấm bản đồ của mình nếu tấm bản đồ hiện tại không thể đưa bạn tới đích mà bạn mong muốn.

Nếu thay đổi cách nghĩ, bạn sẽ thay đổi được hành vi của mình. Nếu thay đổi hành vi bạn sẽ thay đổi được kết quả mà mình đạt được.

Một phút suy ngẫm: Hãy luôn luôn tôn trọng thế giới quan của người khác. Họ bất đồng với bạn hay có những hệ giá trị khác biệt không có nghĩa là họ sai (hay bạn sai) – chỉ đơn giản vì bạn có một tấm bản đồ của riêng mình.

Mỗi chúng ta đều có một tấm bản đồ nội tại riêng biệt về thế giới xung quanh.

1.3 Nhìn thấu tảng băng chìm

Trong suốt thời gian bạn đọc cuốn sách này có rất nhiều thứ đang diễn ra ở bên dưới bề mặt. Trong một vài giây khi bạn đọc đến dòng này của bí quyết 1.3, bộ óc tiềm thức của bạn rất bận rộn rồi. Bạn không ý thức được điều gì đang xảy ra. Vậy điều gì đang thực sự diễn ra?

Bộ óc của bạn hoạt động như một cỗ máy. Khi đang đọc bí quyết 1.3 này là bạn đang tiếp nhận thông tin qua năm giác quan: thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác và vị giác. Có thể bạn nhận thức rõ nhất thị giác của mình, nhưng những giác quan khác cũng đang làm việc rất chăm chỉ.

Tiềm thức xử lý những thông tin mà nó thu được và lưu giữ một số thông tin đó thành ký ức.

Ba lớp lọc thông tin được tiềm thức sử dụng:

  1. Loại bỏ. Trước hết tiềm thức của bạn sẽ loại bỏ hầu hết các thông tin mà nó nhận được. Đó là lý do vì sao bạn không nhớ được tất cả các thông tin về những thứ bạn đang ngửi, nghe và cảm thấy khi bạn đang đọc những dòng này. Lấy ví dụ, bạn có nhận thức xem hai tay và chân của mình đang có cảm giác gì không? Có lẽ ngay bây giờ thì có, thế nhưng một vài giây trước thì sao?
  2. Biến đổi. Song song với việc loại bỏ thông tin bạn cũng đang biến đổi một vài thông tin để có thể lưu trữ nó dễ dàng hơn. Ví dụ, trong khi đi du lịch, bạn nhìn thấy một ngôi nhà xinh đẹp làm bạn nhớ tới một bức tranh vẽ một lâu đài bằng bánh gừng. Thế nhưng, bạn không thể nhớ được chính xác màu sắc và các chi tiết của lâu đài, chỉ là cảm giác về một lâu đài trong truyện cổ tích.
  3. Tổng quát hóa. Tiềm thức sắp xếp thông tin thành các mảng. Giả dụ bạn nhìn thấy ai đang ngồi trên một thứ gì đó trông tương đối giống với một đồ vật khác mà bạn hay gọi là ghế. “Này,” tiềm thức của bạn lên tiếng, “Thứ đó hữu ích đấy. Ta cũng sẽ gọi tên nó là ghế.” (Thậm chí khi đồ vật đó thực chất là một thứ khác).

Tiềm thức của bạn luôn luôn làm việc rất căng thẳng, nhưng thói quen loại bỏ, biến đổi và tổng quát hóa của nó dẫn tới việc hình thành nên quan điểm về thế giới mà không hẳn lúc nào cũng có lợi cho bạn.

Bạn có thể làm gì? Trước hết, hãy để ý tới những điều bạn đã tin và chủ động tiếp thu những niềm tin sẽ mang đến cho bạn sức mạnh để thành công.

Một phút suy ngẫm: Hãy nhớ rằng thân thể và trí óc luôn được kết nối với nhau. Điều bạn nghĩ sẽ chi phối cảm giác của bạn. Cảm giác sẽ ảnh hưởng tới những gì xảy ra trong cơ thể – tới ngôn ngữ cơ thể và hành vi của bạn – những điều mà người ngoài rất dễ nhận ra. Vì vậy cách suy nghĩ của bạn cuối cùng sẽ tác động lên cách mọi người đối xử với bạn.

Tiềm thức của bạn lọc thông tin để hình thành nên quan điểm về thế giới của riêng bạn.

1.4 Tìm ra giác quan bạn sử dụng nhiều nhất

Mỗi ngày chúng ta trải nghiệm thế giới thông qua năm giác quan: Thị giác – nhìn, Thính giác – nghe, Xúc giác – sờ, Khứu giác – ngửi, và Vị giác – nếm. Con người dựa vào những giác quan này trên nhiều mức độ.

Chúng ta lưu giữ hình ảnh thế giới bên ngoài trong tiềm thức bằng các giác quan. Đây chính là cách mà ký ức có thể tái tạo lại một mùi hương, một hình ảnh, hay một âm thanh. Trong NLP, các giác quan được gọi là hệ thống biểu trưng.

Một cách vô thức, chúng ta thường sử dụng một giác quan nào đó nhiều hơn các giác quan khác. Một số người thường lưu trữ thông tin dưới dạng hình ảnh, một số khác lại lưu trữ dưới dạng âm thanh. Nếu bạn, một cách vô thức, sử dụng thị giác nhiều hơn, bạn có thể bị hấp dẫn bởi các công việc liên quan tới hình ảnh. Nếu bạn quan tâm hơn tới âm thanh, có thể bạn đặc biệt thích thú với âm nhạc và ngôn ngữ.

Việc bạn dùng giác quan này nhiều hơn các giác quan khác không có nghĩa là bạn không thể sử dụng tất cả các giác quan. Điều này ảnh hưởng tới phương pháp học tập khá nhiều. Nếu bạn là người thiên về thị giác, có lẽ bạn sẽ muốn có thêm những hiệu ứng hình ảnh hơn khi học. Người thiên về thính giác cần phải nghe thấy thông tin mới có thể tiếp thu nó một cách hiệu quả. Người thiên về xúc giác lại thích thử nghiệm những thứ mình đang học, như thông qua việc làm thí nghiệm hay đóng thử vai.

Giác quan mọi người hay sử dụng thường được thể hiện ra ngoài bằng ngôn ngữ mà họ chọn. Khi bạn sử dụng từ ngữ phù hợp với đối phương, họ sẽ hiểu bạn dễ dàng hơn. Ví dụ:

  • Ngôn ngữ thị giác. Nhìn, xem, sáng, rõ, lấp lánh, hình ảnh, làm rõ, góc nhìn, minh họa, tập trung, sặc sỡ, theo dõi, ảo giác, tỏa sáng, mờ nhạt, rõ ràng.
  • Ngôn ngữ thính giác. Tiếng ồn, nghe, vọng lại, điếc, nói, nhịp điệu, hỏi, yên lặng, giai điệu, cao độ, tiếng rè, nghe rõ, chú ý, líu lưỡi, nghe quen quen.
  • Ngôn ngữ xúc giác. Cảm thấy, vô cảm, chắc chắn, đặc, sức ép, nóng đầu, đảm nhận, mềm, cứng, lạnh, buồn, nắm lấy, liên lạc với.

Khi tìm ra được giác quan nào bạn và đồng nghiệp thích sử dụng hơn, bạn sẽ học hỏi được nhiều hơn về những tấm bản đồ khác nhau về thế giới, những kiểu học tập khác nhau và cách thức để giao tiếp linh hoạt hơn.

Một phút suy ngẫm: Hãy thận trọng khi bạn trình bày thông tin với người khác. Hãy lắng nghe ngôn ngữ mà người đó đang sử dụng và nên đáp lại bằng ngôn ngữ ấy. Nếu bạn không chắc về hệ thống biểu trưng mà người khác sử dụng, hãy trình bày bằng nhiều cách khác nhau để có thể giao tiếp được với những nhóm khác nhau. Đừng chỉ sử dụng phong cách của riêng bạn.

Mỗi người có cách nhận thức thế giới thông qua các giác quan khác nhau.

1.5 Nhận thức rõ niềm tin của bạn

Rất nhiều người thích dùng những cụm từ như: “Điều đó đúng là vậy…”, “Điều đó sai rồi”, “Điều này hoàn toàn chính xác…”, “Tôi tin là…”, “Quan điểm của tôi là…”, “Theo ý tôi…”. Tất cả đều là những câu khẳng định của niềm tin.

Theo mô hình thế giới của bạn, có những thứ tưởng như là “sự thật” nhưng thực ra nó chỉ là một niềm tin sâu sắc.

Khi lớn lên, chúng ta bắt đầu hình thành thế giới quan của mình. Điều này là tất yếu. Chúng ta phải tin vào điều gì đó, nếu không sẽ có quá nhiều lớp thông tin nhiễu xung quanh. Và khi xây dựng các niềm tin, chúng ta thường tập trung vào những luồng thông tin ủng hộ quan điểm của mình.

Nếu bạn giữ nhiều niềm tin quá sâu sắc, nó có thể khiến bạn thiếu linh hoạt trong suy nghĩ và khó đưa ra những ý kiến tốt hơn. Nó có thể dẫn đến một mô hình thiếu linh động về thế giới. Nếu có những niềm tin cứng nhắc, bạn còn có thể bất hòa với những người có mô hình thế giới khác bạn. Hãy để ý đến những xung đột lớn trên thế giới, chúng xảy ra giữa những nhóm người tin chắc chắn rằng ý kiến của họ là đúng và họ không thể nào chấp nhận được quan điểm của đối thủ.

Bạn có thể bắt đầu tìm hiểu về những niềm tin của mình bằng cách rất đơn giản là hãy hỏi chính bản thân mình:

  • Bạn có quan điểm như thế nào về việc làm ăn/công việc/ các lĩnh vực khác?
  • Hay là viết ra “Tôi tin rằng… (về lĩnh vực này trong cuộc đời). Tôi không tin rằng… (về một lĩnh vực khác).”

Hai cách đơn giản này sẽ cho bạn thấy những niềm tin cơ bản của bạn về vấn đề nào đó mà đôi khi bạn không hoàn toàn ý thức được.

Nếu bạn muốn thay đổi kết quả cuộc đời mình, bạn cần xem xét kĩ lưỡng niềm tin của bản thân. Nếu chúng cản trở bạn đến với thành công, thì bạn nên bắt đầu nghĩ về những niềm tin khác có lợi hơn cho mình.

“Việc bạn đến từ đâu không quan trọng. Quan trọng là bạn đang đi tới đâu.” Brian Tracy, chuyên gia phát triển động lực

Một phút suy ngẫm: Những câu nói có cụm từ “là/ không phải là” là cách diễn đạt cho thấy những niềm tin trong tiềm thức của bạn. Hãy lắng nghe mọi người nói: Tôi là… tôi không phải là…; Bạn bè tôi là… bạn bè tôi không phải là…; Cuộc sống là… cuộc sống không phải là…; Thế giới là… thế giới không phải là…; Công việc là… công việc không phải là…; Tương lai của tôi là… tương lai của tôi không phải là…

Xác định những niềm tin của bản thân và hãy xem liệu chúng có hỗ trợ bạn thành công trong công việc hay không.

1.6 Nhận biết giá trị của công việc

Điều gì trong công việc quan trọng đối với bạn? Điều gì sẽ khiến bạn gắn bó với công việc của mình? Điều gì đã cuốn hút bạn tới một nhóm người hay một tổ chức chính trị nhất định? Có điều gì khiến bạn cảm thấy không thoải mái trong công việc, xét về mặt đạo đức không? Bạn có điều gì chung với những người đồng nghiệp trong công sở?

Hệ giá trị là một phần vô cùng quan trọng trong thế giới nội tại, quan trọng đến mức chúng có thể đẩy chúng ta lại gần hay ra xa những hoàn cảnh hay những con người nhất định trong suốt cuộc đời mình. Hệ giá trị hình thành ngay từ thuở ấu thơ, nó chịu ảnh hưởng từ gia đình và bè bạn. Chúng ta có thể thay đổi hệ giá trị của mình dựa trên những kinh nghiệm mà chúng ta có được khi lớn lên. Thế nhưng có những giá trị ăn sâu vào tâm trí tới mức chúng ta ngại thay đổi chúng.

  • Giá trị là bất cứ thứ gì quan trọng với bạn. Hãy tự hỏi bản thân mình: Điều gì trong công việc quan trọng với tôi? Những người tôi làm việc cùng? Mục đích của tôi? Giá trị có thể bao gồm hạnh phúc, tình bạn, niềm vui thích, học hỏi, thách thức, thành công. Bất kỳ từ gì bạn chọn đều là những từ đúng dành cho bạn.

Những giá trị sâu xa thường không hiện ra ngay lập tức nhưng sẽ là những giá trị thực sự quan trọng khi cần đưa ra những quyết định quan trọng. Nếu cảm thấy muốn rời bỏ một công việc hay chấm dứt một mối quan hệ, hãy nghĩ về điều khiến bạn muốn làm như vậy. Giá trị nào còn thiếu, điều gì sai trong những tình huống đó? Giá trị nào bạn muốn có hơn nữa? Đây là những giá trị quan trọng nhất đối với bạn.

Khi xác định được các giá trị của bản thân trong những giai đoạn khác nhau của cuộc đời, bạn sẽ học được cách tạo động lực thúc đẩy bản thân trong tiềm thức. Bạn sẽ khám phá ra điều gì sẽ dẫn lối cho bạn tới thành công và điều gì có thể gây cản trở cho thành công của bạn. Khi đã khám phá ra được những điều này nhưng bạn vẫn thất bại thì việc đánh giá lại các giá trị của bản thân là cực kì đáng giá. Có thể là do bạn có hai giá trị đối lập với nhau – thúc đẩy bạn tới hai con đường đối nghịch. Khi phát hiện ra điều này, bạn sẽ có cơ hội tạo nên sự thay đổi.

Một phút suy ngẫm: Hãy tự hỏi: “Tôi trân trọng điều gì trong sự nghiệp của mình vào lúc này?” Hãy viết ra danh sách những gì hiện lên trong đầu bạn. Hãy thúc đẩy bản thân đi vào những giá trị sâu xa hơn. Hỏi mình: “Còn gì nữa không?” Và rồi sau đó: “Điều gì sẽ khiến ta từ bỏ ngành nghề này hay rời công việc này?”. Hãy xem xem những giá trị gì được tìm thấy.

Việc tìm ra điều quan trọng nhất trong công việc đối với bạn sẽ giúp bạn biết cần tập trung và dồn sức vào đâu cho tương lai.

1.7 Hãy tinh ý

NLP có một thuật ngữ là “sắc sảo cảm nhận”. Nó ám chỉ khả năng tinh ý của mỗi người. Bạn càng quan sát thế giới tinh tế, bạn càng dễ điều chỉnh hành động và cách cư xử của mình cho phù hợp với nhiều tình huống theo cách hợp lý nhất. Điều này sẽ giúp bạn dần đạt được những mục tiêu của mình.

Bí quyết giúp bạn trở nên tinh ý trong tất cả mọi vấn đề:

  1. Để ý xem điều gì đang xảy ra với những người xung quanh. Hãy học cách quan tâm tới những thay đổi trong hành vi, ngôn ngữ cơ thể của họ và cách họ giao tiếp.
  2. Hãy để tâm tới hành vi và cách giao tiếp của bản thân. Quan sát xem bạn đáp lại các sự kiện và hoàn cảnh khác nhau như thế nào. Điều gì tạo ra những ứng xử khác biệt trong bạn.
  3. Thận trọng với những gì đang diễn ra trong đầu. Bạn đang nghĩ gì và cảm thấy điều gì? Điều gì xảy ra khi bạn thay đổi suy nghĩ và cảm nhận?

Có lẽ bạn sẽ dần nhận ra các thay đổi trong vẻ ngoài và giọng nói của mọi người. Bạn cũng có thể bắt đầu để ý tới những khác biệt trong cách bạn cảm nhận và những âm thanh hình ảnh bạn có trong đầu. Trong những phần tiếp theo, bạn sẽ học nhiều hơn về cách khám phá ra sự truyền đạt thông tin nội tại.

Khi có cái nhìn tinh tế hơn, bạn sẽ xử lý mọi việc linh hoạt hơn. Minh chứng cho thành công của bạn sẽ nằm trong chất lượng của những gì bạn đạt được. Hãy luyện tập khả năng nhạy bén của bản thân mỗi ngày và xem xem kết quả là gì.

“Mọi ước mơ đều có thể trở thành sự thật nếu chúng ta có đủ can đảm để theo đuổi chúng.” Walt Disney, nhà sản xuất phim người Mỹ

Một phút suy ngẫm: Giả sử có việc gì đó bạn cần làm nhưng lại có ít sự lựa chọn và thiếu linh hoạt. Cách tốt nhất là bạn nên thừa nhận rằng ở bất kỳ tình huống nào, bao giờ cũng tồn tại những sự lựa chọn. Điều này đưa bạn tới vế “nguyên nhân” hơn là “kết quả” trong mọi tình huống. Tìm kiếm lựa chọn và cơ hội cho mình đồng nghĩa với việc bạn sẽ tập trung vào tương lai và sẽ dám nhận trách nhiệm cho sự thành bại của bản thân.

Hãy sắc sảo cảm nhận điều bạn suy nghĩ và cảm nhận trong mỗi hoàn cảnh khác nhau.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy Chịu Trách Nhiệm

Có thể bạn thích