Kẻ Xa Lạ
Chương 10

Ngay cả khi ngồi trên ghế bị cáo thì việc nói về chính mình vẫn cần thiết. Trong quá trình tranh tụng giữa công tố viên và luật sư của tôi, có thể nói họ đã nói về tôi quá nhiều và có lẽ về con người tôi nhiều hơn là tội trạng của tôi. Liệu những luận cứ của họ có thực sự khác nhau? Luật sư giơ hai tay lên trời và ra vẻ cố bảo vệ bị cáo, nhưng không nêu được tình tiết giảm nhẹ. Công tố viên chìa tay ra phía trước và tuyên bố tôi có tội, nhưng không đưa ra được chứng cứ buộc tội thật thuyết phục. Nhưng có một điều làm tôi thấy khó chịu một cách mơ hồ. Mặc dù tôi băn khoăn và muốn tự mình lên tiếng, nhưng luật sư của tôi bảo: “Anh nên im lặng, như thế tốt hơn cho anh.” Có vẻ như người ta định xử lý vụ việc mà không có tôi tham gia. Mọi việc diễn ra không có sự can dự của tôi. Số phận của tôi được định đoạt trong khi người ta không đếm xỉa đến ý kiến của tôi. Nhiều lúc tôi muốn ngắt lời họ và nói: “Dù sao cũng phải đếm xỉa đến bị cáo chứ? Phải chú ý đến bị cáo, và tôi có điều muốn nói!” Nhưng tôi cứ nghĩ thế mà không lên tiếng. Ngoài ra, tôi phải thừa nhận rằng tôi không quan tâm nhiều lắm đến việc tác động vào suy nghĩ của mọi người. Chỉ riêng bài thuyết giảng của công tố viên đã làm tôi mệt mỏi. Đó chỉ là những câu nói rời rạc, những động tác hoặc những đoạn rêu rao dài dòng mà không có liên hệ gì với nhau để có thể làm tôi bừng tỉnh hoặc ít nhiều quan tâm.

Cái thâm của ông ấy, nếu tôi hiểu đúng, là ông ấy muốn kết luận rằng tôi có chủ định phạm tội. Ít ra thì ông ấy cũng cố chứng tỏ điều đó. Ông ấy đã nói: “Tôi sẽ chứng minh, thưa quý ông, tôi sẽ chứng minh với chứng cứ kép. Chính sự hiển nhiên của các sự kiện và thêm nữa là tính cách xấu xa của kẻ phạm tội đã làm tôi nhận ra tâm lý của linh hồn tội lỗi này.” Ông ta tóm lược các sự kiện, bắt đầu từ cái chết của mẹ tôi. Ông ta chỉ ra sự vô cảm của tôi, việc tôi quên cả tuổi của mẹ, việc hôm sau tôi đi tắm với gái, đi xem phim có Fernandel và cuối cùng là cuộc gặp với Marie. Tôi phải mất một lúc mới hiểu được từ “tình nhân” mà ông ấy dùng, vì đối với tôi thì cô ấy đơn giản là Marie. Sau đó thì ông ta nói lại câu chuyện của Raymond. Tôi thấy cái cách ông ấy nhìn các sự kiện là khá rõ. Những điều ông ấy nói ra có thể chấp nhận được. Tôi đã viết bức thư theo ý Raymond để thóa mạ cô ả kia và đẩy cô ta vào cảnh phải chịu những hành động tồi tệ của một con người với “tư cách dơ bẩn”. Trên bãi tắm, tôi đã khiêu khích đối thủ của Raymond. Hắn ta đã bị thương tích. Tôi đã yêu cầu Raymond đưa súng cho tôi. Tôi đã trở lại một mình để được thỏa mãn. Tôi đã bắn tay người A rập. Tôi đã chờ. Và, “để tin chắc vào kết quả công việc”, tôi đã bắn thêm bốn phát, với sự bình tĩnh và suy xét kỹ theo một kiểu nào đó.

“Thế đấy, thưa các quý ông, công tố viên nói, tôi đã lần lại trước các ngài dòng sự kiện dẫn con người này đến chỗ giết người trong sự tỉnh táo hoàn toàn. Tôi xin nhấn mạnh như vậy, vì anh ta không thực hiện một vụ ám hại thông thường, một hành động thiếu suy nghĩ như quý vị có thể xem nhẹ do một vài tình huống. Con người này, thưa các quý ông, anh ta rất thông minh. Quý vị đã nghe anh ta nói rồi, phải thế không? Anh ta biết cách trả lời đấy. Anh ta hiểu rõ ý nghĩa của từng lời. Và không thể nói rằng anh ta hành động mà không tính trước những gì sẽ làm.”

Tôi nghe và hiểu rằng người ta xét xử tôi như một kẻ hiểu biết. Nhưng tôi không thật hiểu vì sao tính cách của một con người bình thường lại trở thành chứng cứ để buộc tội anh ta. Ít nhất thì đó cũng là điều tôi chợt nghĩ và không nghe ông ta nói tiếp, cho đến khi tôi nghe ông ta nói: “Anh ta có tỏ ra ân hận không? Không hề, thưa quý ông. Không một lần nào trong quá trình luận tội anh ta tỏ ra hối hận vì tội lỗi ghê tởm của mình.” Lúc đó, ông ta quay về phía tôi, chỉ ngón tay vào tôi và tiếp tục thóa mạ tôi trong khi tôi không hiểu tại sao. Rõ ràng tôi không thể phủ nhận là ông ta có lý. Đúng là tôi chẳng ân hận lắm vì hành động của mình. Nhưng sự hăng máu làm tôi ngạc nhiên. Tôi muốn cố giải thích một cách chân thành với ông ta rằng tôi không bao giờ có cảm giác ân hận vì bất kỳ điều gì trong đời. Tôi luôn quan tâm đến những gì sắp xảy ra nay mai. Nhưng trong tình cảnh mà người ta đẩy tôi vào, tôi không thể nói với ai bằng cái giọng đó. Tôi không có quyền chứng tỏ mình là người tình cảm, có thiện chí. Và tôi cũng đã cố gắng lắng nghe, vì công tố viên đã nói đến tâm hồn tôi. Ông ấy nói ông ấy đã chú ý đến tâm hồn tôi, nhưng không tìm thấy. Ông ấy nói rằng thực sự là tôi không có tâm hồn, không có nhân tính, và tôi không chấp nhận một nguyên tắc đạo đức nào mà mọi người mang trong tim. “Chắc chắn – ông ta nói thêm – chúng ta không thể chê bai anh ta được. Nếu anh ta không cần cái đó thì ta không thể kêu là anh ta còn thiếu. Nhưng khi phiên tòa này diễn ra thì đức tính khoan dung tiêu cực phải được thay bằng thứ ít dễ dãi hơn nhưng cao thượng hơn, đó là công lý. Cần thấy rằng sự trống rỗng trong tim mà ta đã thấy ở con người này sẽ trở thành vực thẳm mà cả xã hội rơi xuống đó.” Rồi ông ta nói về thái độ của tôi đối với mẹ. Ông ta nhắc lại những gì ông ta đã nói khi tranh tụng. Nhưng lần này ông ta nói rất lâu về tội lỗi của tôi, lâu đến mức cuối cùng thì tôi chẳng còn thấy gì ngoài hơi nóng của buổi sáng mùa hè. Đến đó thì ông ta dừng lại, và sau một phút im lặng, ông ta lấy giọng rất trầm và ra vẻ xúc động: “Phiên tòa này, thưa quý ngài, ngày mai sẽ xử một tội ác ghê tởm nhất: vụ giết hại một người cha.” Theo ông ta, mọi sự tưởng tượng đều phải lùi bước trước vụ mưu sát tàn bạo này. Ông ta dám hy vọng rằng công lý sẽ ra tay trừng phạt không nương nhẹ. Nhưng ông ta không sợ khi nói rằng nỗi ghê sợ mà tội ác này gây ra cho ông ta vẫn còn thua một nỗi ghê sợ khác, đó là sự vô cảm của tôi. Vẫn theo ông ta, một kẻ giết mẹ về tinh thần sinh ra từ xã hội của những kẻ giống như hắn, những kẻ đặt bàn tay chết chóc lên cái người đem lại cuộc sống cho chúng. Trong mọi trường hợp, kẻ thứ nhất chuẩn bị cho kẻ thứ hai hành động. Hắn báo trước những hành động đó theo cách nào đó và biện hộ cho những hành động đó. “Tôi tin rằng, thưa quý ngài – ông ta cao giọng nói – quý ngài sẽ không cho ý nghĩ của tôi là quá táo bạo, nếu tôi nói rằng kẻ ngồi kia phạm tội giết người, và phiên tòa này sẽ phải xử vào ngày mai. Hắn ta phải bị trừng phạt thích đáng.”

Đến đó, công tố viên lau mồ hôi trên mặt. Cuối cùng, ông ta nói rằng bổn phận của ông ta thật đau đớn, nhưng ông ta sẽ thực thi trọn vẹn. Ông ta tuyên bố rằng tôi không có gì để làm trong một xã hội mà tôi không hề biết cả những quy tắc cơ bản nhất và tôi không thể kêu gọi trái tim con người trong khi tôi bỏ qua cả những phản ứng sơ đẳng. “Tôi đòi cái đầu của con người này, và xin các quý ông mở lòng với tôi. Vì rằng trong cả sự nghiệp tuyên án lâu dài của tôi, chưa bao giờ như hôm nay, tôi cảm thấy nghĩa vụ đau đớn của mình được bù trừ, được cân bằng, được sáng tỏ bởi sự ý thức được mệnh lệnh khẩn cấp và thiêng liêng và bởi sự kinh tởm mà tôi phải chịu đựng khi nhìn vào một bộ mặt con người mà tôi không đọc được gì ngoài những điều quái đản.”  

Khi công tố viên ngồi xuống, trong phòng im lặng khá lâu. Tôi thì tôi chỉ thấy mệt nhoài vì trời nóng và vì ngạc nhiên. Vị chủ tọa đằng hắng và, bằng giọng rất khẽ khàng, ông ta hỏi tôi có muốn nói thêm gì không. Tôi đứng lên, và vì đang muốn nói, tôi đã nói, có phần hơi kỳ cục, rằng tôi không có ý định giết gã A rập. Chủ tọa nói rằng đó là một khẳng định, rằng đến giờ ông ấy vẫn chưa thấy rõ tôi sẽ tự biện hộ ra sao, và rằng ông ấy sẽ rất hài lòng nếu được nghe chính tôi cho biết những lý do cụ thể đẩy tới hành động của tôi, trước khi nghe luật sư của tôi nói. Tôi trả lời hơi vội, với từ ngữ hơi lộn xộn và tự cảm thấy hơi buồn cười, rằng nguyên nhân ở cái nóng. Có tiếng cười trong phòng. Luật sư của tôi nhún vai, và người ta mời ông ấy nói. Nhưng ông ấy bảo rằng đã muộn, rằng còn nhiều giờ để tranh tụng và ông ấy yêu cầu hoãn đến chiều. Tòa chấp thuận.

Buổi chiều, những chiếc quạt máy lớn trong phòng xử án liên tục khuấy đảo bầu không khí nặng nề, nhưng những chiếc quạt tay nhỏ nhiều màu sắc của các vị bồi thẩm vẫn phải hỗ trợ thêm. Bài tranh tụng của luật sư của tôi thì có vẻ như dài vô tận. Tuy nhiên, có một lần tôi vẫn phải chú ý khi nghe ông ta nói: “Đúng là tôi giết.” Rồi ông ấy nói tiếp vẫn với giọng đó và vẫn dùng từ “tôi” mỗi khi nói về tôi. Tôi thực sự ngạc nhiên. Tôi cúi về phía viên cảnh sát và hỏi tại sao. Anh ta bảo tôi im lặng, và lát sau thì nói thêm: “Mọi luật sư đều làm như vậy.” Còn tôi thì nghĩ đó chính là đẩy tôi xa hơn ra bên lề vụ án, biến tôi thành con số không, và theo nghĩa nào đó là thay thế tôi. Nhưng tôi nghĩ tôi đã ở rất xa phiên tòa. Tôi cũng thấy luật sư thật khôi hài. Ông ta biện hộ cho tội trạng một cách vội vàng, rồi phát biểu nhân danh tôi. Nhưng tôi có cảm giác ông ta kém tài hơn công tố viên rất nhiều. “Tôi cũng đã tìm hiểu tâm hồn anh ta – luật sư nói – nhưng, trái với con người phi thường đại diện cho viện công tố, tôi có tìm thấy gì đó, và có thể nói tôi đã đọc một cuốn sách mở.” Ông ấy bảo đã đọc được rằng tôi là một người trung thực, một người làm công mẫn cán, không mệt mỏi, trung thành với nơi làm việc, yêu mọi người và thông cảm với nỗi đau của người khác. Đối với ông ấy, tôi là đứa con mẫu mực đã phụng dưỡng mẹ lâu nhất có thể. Cuối cùng thì tôi đã hy vọng rằng mái nhà dành cho người cao tuổi sẽ đem đến cho bà một sự an ủi mà điều kiện của tôi không cho phép tạo ra. “Tôi ngạc nhiên, thưa quý ông, rằng người ta tạo ra quá nhiều sự ồn ào chung quanh việc mẹ anh ta vào trại. Vì nếu cần chứng minh sự tốt đẹp của những trại như vậy thì phải nói rằng chính nhà nước đã lập nên chúng.” Chỉ có điều ông ta không nói gì về lễ tang, và tôi cảm thấy đó là chỗ thiếu trong bài tranh tụng của ông ta. Nhưng vì tất cả những lý luận dài dòng về tâm hồn của tôi được nói ra trong mấy ngày trời, trong những thời khắc tưởng như vô tận, tôi có cảm giác rằng mọi thứ trở nên giống như một thứ nước không màu mà tôi chìm sâu vào đó trong trạng thái lơ mơ.

Cuối cùng thì tôi chỉ nhớ được rằng, từ đường phố, xuyên qua khoảng không trong phòng xét xử, trong khi luật sư của tôi vẫn tiếp tục diễn thuyết, tiếng còi rao bán kem vọng đến tai tôi. Rồi từ đâu đó bỗng ùa tới những ký ức về một cuộc đời không còn thuộc về tôi nữa, nhưng trong đó tôi vẫn tìm thấy những niềm vui đáng thương nhất và níu bám dai dẳng nhất: hương vị của mùa hè, khu phố mà tôi yêu, bầu trời buổi tối, tiếng cười và những chiếc áo choàng của Marie. Tất cả những thứ mà tôi tưởng như vô tích sự ở nơi này bỗng dâng lên chẹn ngang cổ họng tôi, và tôi chỉ muốn người ta kết thúc nhanh lên, để tôi trở về phòng giam và vùi vào giấc ngủ. Thật khó mà hiểu được điều mà luật sư của tôi đang la lên để kết thúc bài diễn thuyết, rằng các vị bồi thẩm không muốn đưa đến chỗ chết một con người trung thực chỉ vì một phút sai lầm và đòi hỏi những tình tiết giảm nhẹ đối với tội trạng mà tôi đã gây ra, và ông ta tin rằng đối với tôi thì sự ân hận suốt đời đã là hình phạt nặng nề.

Tòa tuyên bố tạm dừng, và luật sư của tôi ngồi xuống với vẻ mệt mỏi. Nhưng các đồng nghiệp của ông ta đi đến và xiết tay ông ta. Tôi nghe thấy nói: “Tuyệt vời, anh bạn.” Một trong hai người thậm chí còn lấy tôi làm bằng chứng: “Hả?” ông ta nói với tôi. Tôi tỏ vẻ đồng ý, nhưng sự tán đồng của tôi không thực sự chân thành, vì tôi thấy quá mệt mỏi.

Tuy nhiên, bên ngoài nắng đã xế, và hơi nóng đã bớt dữ dội. Theo những tiếng động mà tôi nghe được từ ngoài đường phố, tôi đoán buổi tối bên ngoài khá mát mẻ. Chúng tôi vẫn ngồi đó, chờ đợi. Và chỉ mình tôi để ý đến việc chúng tôi đang ngồi chờ. Tôi còn nhìn lại cả gian phòng. Mọi thứ vẫn như ngày đầu tiên. Tôi gặp tia mắt của nhà báo mặc veste màu xám và cô người máy. Việc đó làm tôi chợt nghĩ là trong cả quá trình xét xử tôi không hề đưa mắt tìm Marie. Tôi không quên cô ấy, nhưng tôi có quá nhiều việc để làm. Tôi thấy cô ấy ngồi giữa Céleste và Raymond. Cô ấy ra dấu cho tôi như muốn nói “Xong rồi”, và tôi thấy cô ấy cười nhưng gương mặt có vẻ ưu tư. Nhưng tôi cảm thấy tim tôi đóng lại nên cũng không thể đáp lại được nụ cười của cô ấy.

Tòa tiếp tục làm việc. Rất nhanh gọn, người ta nêu các câu hỏi cho bồi thẩm đoàn. Tôi nghe thấy “phạm tội giết người”… “mưu toan”… “các tình tiết giảm nhẹ”… Các vị bồi thẩm đi ra và người ta dẫn tôi đến ngăn hẹp đứng chờ. Luật sư của tôi đi lại chỗ tôi. Ông ta nói hối hả, với vẻ tin tưởng và thân tình như chưa từng có. Ông ta nghĩ rằng mọi việc sẽ tốt đẹp và tôi chỉ phải chịu mấy năm tù thường hoặc khổ sai. Tôi hỏi liệu có khả năng bác bỏ không, nếu phán quyết quá nặng. Ông ta nói không. Chiến thuật của ông ta là không bác kết luận của bồi thẩm đoàn để khỏi làm mất lòng họ. Ông ta giải thích rằng không nên chống lại phán quyết vì như thế chẳng để làm gì. Tôi cũng cảm thấy như thế và chấp nhận lý lẽ của ông ta. Nếu xem xét sự việc một cách lạnh lùng thì điều đó hoàn toàn tự nhiên. Trong trường hợp ngược lại, sẽ chỉ có thêm mớ hồ sơ vô nghĩa. “Kiểu gì, luật sư nói, thì cũng có thể kháng án. Nhưng tôi tin rằng kết quả sẽ không đến nỗi nặng nề.”

Chúng tôi phải đợi rất lâu, có lẽ đến bốn lăm phút. Cuối cùng thì chuông vang lên. Luật sư rời chỗ tôi sau khi nói: “Thẩm phán sẽ đọc các phản hồi. Người ta sẽ yêu cầu anh đứng lên để nghe phán quyết.” Các cánh cửa đã sập lại. Có những tiếng chân chạy trên cầu thang mà tôi không biết gần hay xa. Rồi tôi nghe một giọng nói vô cảm đọc thứ gì đó trong phòng xử án. Khi hồi chuông còn chưa dứt, cánh cửa phòng xép mở ra, sự im lặng trong gian phòng lớn bỗng dồn lên tôi, sự im lặng và cảm giác khác thường mà tôi có khi nhận thấy anh nhà báo trẻ quay đi nhìn chỗ khác. Tôi không nhìn về phía Marie. Tôi không có thời gian, vì vị chủ tọa nói với tôi với vẻ khác thường rằng tôi sẽ bị chém đầu giữa nơi công cộng nhân danh nhân dân Pháp. Tôi cảm thấy ông ấy hiểu được cảm giác mà tôi đọc thấy trên mặt mọi người. Tôi tin chắc rằng đó là sự kính nể. Những cảnh sát viên tỏ ra rất nhã nhặn với tôi. Luật sư đặt tay lên nắm tay tôi. Tôi không nghĩ gì hết. Nhưng ông chủ tọa hỏi tôi có muốn nói thêm gì không. Tôi nói “Không”. Và người ta dẫn tôi đi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Kẻ Xa Lạ Chương 10

Có thể bạn thích